Thấy dáng cách của Thư Hương, Lữ Ngọc Hồ cũng bật cười.
Thư Hương vụt ngẩng mặt lên trừng hắn :
- Cười cái gì?
Lữ Ngọc Hồ cười :
- Tôi chợt nhớ một câu nói, câu nói này không những thú vị mà lại còn có lý hết sức.
Thư Hương hỏi :
- Câu gì?
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Một người con gái mà thường làm bộ ngúng nguẩy trước mặt ai, thì cô ta đã khoái anh ta rồi đấy.
Thư Hương nhổm dậy bĩu môi :
- Mốc xì, ai nói nói vậy?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Trương Dị.
Hắn cười cười nói tiếp :
- Trương Dị, ngoài Trương Dị ra không ai có thể nói một câu như thế.
Thư Hương trề trề môi :
- Có chứ, còn có một người nói nữa chớ.
Lữ Ngọc Hồ hỏi :
- Ai?
Thư Hương vừa nói vừa gập mình xuống cười :
- Trư Bát Giới!
* * * * *
Mới nói đến “Trư” là có heo ngay.
Tiểu nhị bưng thức ăn đã đến, lần này có món giò heo.
Không có nạc, chỉ có da, gân sụn, món này ăn thật ngon.
Thư Hương ngó tên tiểu nhị :
- Cái này ở đâu có?
Tên tiểu nhị đáp :
- Trong nồi.
Thư Hương hỏi :
- Tại sao hồi nãy không dọn lên?
Tiểu nhị đáp :
- Bởi vì cô nương không phải Trương Đại Ca.
Hắn không để Thư Hương hỏi nữa, trả lời chưa dứt câu là hắn bỏ đi luôn.
Giá như tên tiểu nhị là gái và nhất là đừng có dính mở đầy mặt, nhất định Thư Hương đã kéo lại “dạy” cho hắn một trận, chỉ tiếc là hắn là đàn ông và áo hắn quá nhiều lớp mở nên nàng chỉ đành lấy mắt nhìn hắn trừng trừng.
Thật là lạ, không hiểu tại sao cái tên Đại Đầu Quỷ này đến chỗ nào coi bộ người ta cũng đều khoản đãi hắn, Thư Hương nghĩ hoài mà nghĩ không ra...
Hồi lâu nàng hỏi :
- Hồi nẫy tên tiểu nhị gọi anh là gì thế? Trương Đại Ca phải không?
Trương Dị đáp :
- In hình là như vậy.
Thư Hương hỏi :
- Hắn là anh em với anh à?
Trương Dị rùn vai :
- Được không?
Thư Hương nói :
- Sao lại không được, chỗ nào có người là chỗ đó anh có bằng hữu, có anh em.
Lữ Ngọc Hồ vụt nói :
- Nhưng nhớ phải thật là người, đó là điều trọng yếu, bởi vì có một số người vốn không phải là người.
Thư Hương hất mặt :
- Anh cũng là anh em của hắn?
Lữ Ngọc Hồ rùn vai :
- Được không?
Thư Hương nói :
- Sao không được, vì giọng nói của anh nghe rất giống hắn, giá như cái đầu của anh lớn một chút thì giống con hắn lắm nghe.
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Tôi nghe còn có một người giọng điệu còn giống hắn nữa đó.
Thư Hương hỏi :
- Ai?
Lữ Ngọc Hồ vừa đáp, vừa né sang hướng khác :
- Cô!
Quả thật, Thư Hương rút đũa...
Lữ Ngọc Hồ né ngang sau lưng Trương Dị, Thư Hương chồm tới giáng cho hắn một đôi đũa, hắn thụp xuống và đôi đũa trúng đầu Trương Dị.
Lữ Ngọc Hồ ôm bụng cười lăn...
Trên đời có nhiều người có một dáng cách rất đặc biệt, y như là... bịnh truyền nhiễm.
Chỉ cần sống chung với họ một thời gian ngắn là y như có rất nhiều người giống họ ngay.
Thư Hương chợt phát giác quả thật mình đã có nhiều điểm biến đổi, lời lẽ không giống như trước nữa.
Nàng còn đang suy nghĩ về sự thay đổi ấy thì chợt thấy phía trước, trong bóng tối có nhiều bóng người đi tới.
Dẩn đầu là một người đi... khấp khểnh.
Thư Hương hắt mặt :
- Thằng cha què đó cũng là anh em của anh phải không?
Trương Dị đáp :
- Hắn không phải “Thằng Cha Què”, vì từ trước đến giờ không ai gọi hắn như thế cả.
Thư Hương hỏi :
- Chớ gọi hắn là gì?
Trương Dị đáp :
- Ngô Bán Thành!
Thư Hương hỏi :
- Tên gì lạ vậy?
Trương Dị đáp :
- Trước hắn tên là Ngô Bất Khả, tên Ngô Bán Thành là lúc người ta gọi sau này.
Thư Hương hỏi :
- Tại sao lại sửa tên hắn?
Trương Dị đáp :
- Bởi vì đất trong thành này hết phân nửa là của hắn.
Thư Hương hỏi :
- Hiện bây giờ?
Trương Dị đáp :
- Bây giờ thì hắn chỉ còn có mỗi khoảng này.
Thư Hương ngạc nhiên :
- Đất trống này của hắn?
Trương Dị gật đầu.
Thư Hương nhướng mắt :
- Hắn đã nghèo xác nghèo xơ như thế thì tại sao không lấy khoảng đất này lại để làm chỗ sinh nhai?
Trương Dị đáp :
- Bởi vì hắn sợ lấy khoảng đất này lại thì sẽ không có chuyện buôn bán như thế này, mà nếu không có thì tối hắn sẽ không có chỗ đi.
Thư Hương nhún vai :
- Bởi thế cho nên hắn đành chịu nghèo để lấy mắt nhìn người ta làm ăn trên đất của mình.
Trương Dị lắc đầu :
- Hắn không nghèo.
Thư Hương lại nhún vai :
- Cở đó mà còn gọi là không nghèo thì thiên hạ chắc là chẳng có ai nghèo.
Trương Dị nói :
- Tuy hắn đã đem đất gần nửa thành bán hết, nhưng đổi lại, hắn có hơn nửa thành bằng hữu. Vì thế, cái tên Ngô Bán Thành nằm trong ý nghĩa sau này.
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Vì thế cho nên hắn thuộc về hạng giầu mà không phải giầu vì có vạn ức.
Thư Hương làm thinh.
Trên đời có khá nhiều người xem bằng hữu còn hơn điền sản, có nhiều bằng hữu, họ vui sướng hơn là nằm trên một đống vàng.
Thư Hương thở ra :
- Nếu thế thì hắn đúng là một... quái nhân.
Trương Dị nói :
- Bởi vì hắn là quái nhân, cho nên thường thường tôi được nghe từ cửa miệng của hắn nhiều tin quái dị.
Thư Hương sáng mắt lên :
- Hôm nay lại có tin quái dị phải không?
Con người của nàng thật đúng là háo kỳ, đã gặp những chuyện nghĩ muốn gần nát óc, thế mà nghe tin quái dị là phăng ngay.
Trương Dị nói :
- Thường thường có đông bằng hữu là có nhiều tin tức.
Thư Hương hỏi :
- Nhưng hôm nay thì anh đã nghe được tin gì?
Trương Dị đáp :
- Hắn cho tôi biết là bên ngoài thành này có một cái chùa.
Thư Hương thở ra :
- Hay quá, tin tức thật là lạ quá ha! Hứ, chán đời, cả heo cũng còn biết chùa chớ đừng nói chi người. Làm như chùa là thứ mà chưa ai nghe thấy vậy.
Trương Dị làm như không nghe, cứ nói tiếp :
- Hắn còn cho biết trong chùa có ba Hòa thượng...
Thư Hương càng thất vọng :
- Đúng là tin con cà con kê, chùa không ăn cướp, chùa thì có Hòa thượng chớ không lẽ để cho... què ở? Xí, vậy mà cũng gọi là tin lạ.
Trương Dị cười :
- Hắn nói chùa vốn có ba nhà sư, nhưng hôm nay bỗng kéo đến mấy mươi hòa thượng nữa, mà không phải hòa thượng cũ, toàn là hòa thượng “mới toanh”.
Mắt Thư Hương vụt ngời, nàng chồm tới :
- Cái chùa đó ở đâu?
Trương Dị nói giọng lờ đờ :
- Cái tin đó heo cũng còn biết mà sao cô hỏi dữ vậy? Chẳng lẽ cô hổng bằng...
Hắn nín ngang, vì hắn sợ cô ta nổi nóng.
Thế nhưng Thư Hương không nổi nóng, trái lại, vẻ mặt thật vui, nàng cười :
- Ai nói tin tức đó heo cũng biết thì người đó là... heo.
Nàng nói một câu kèm theo cả một sự hứng thú, y như bắt được vật lạ. Đã có ngôi chùa, lại bỗng đến mấy mươi hòa thượng “mới”, thì nhất định đó là hòa thượng trong sòng bạc.
Và đã là Hòa thượng sòng bạc thì nhất định trong đó có Kim Râu.
Chỉ cần kiếm được Kim Râu, kiếm được số hòa thượng “sòng bạc” đó thì những bí mật đó sẽ được chứng minh.
Chỉ cần chứng minh được chuyện đó thì sẽ chứng minh rằng Đa Sự hòa thượng không phải do Lữ Ngọc Hồ giết chết.
Cái chìa khóa âm mưu đó hiện tại nhất định ở ngay ngôi chùa mà họ vừa nói tới.
Chính Lữ Ngọc Hồ cũng nôn, hắn nói :
- Ngôi chùa đó ở đâu?
Trương Dị đáp :
- Ở phía ngoài cửa thành phía bắc.
Lữ Ngọc Hồ hỏi :
- Có gần cửa thành không?
Trương Dị đáp :
- Rất gần.
Thư Hương đứng phắt lên :
- Vậy thì chờ gì nữa mà không đi?
Trương Dị nói :
- Khoan, đợi một chút.
Thư Hương hỏi :
- Đợi gì?
Trương Dị đáp :
- Đợi một con người đáng đợi.
Thư Hương cau mặt :
- Nếu mình mà không nhanh, lỡ đám hòa thượng đó chạy mất hết rồi thì sao?
Trương Dị đáp :
- Chạy mất thì cũng phải chịu chớ biết làm sao bây giờ?
Thư Hương cau có :
- Chớ tại sao không chịu đi ngay mà còn đợi?
Trương Dị đáp :
- Không đợi không được...
Thư Hương hỏi :
- Trọng yếu lắm hay sao mà phải mất thì giờ như thế?
Trương Dị gật đầu.
Thư Hương ngồi trở xuống, nàng lại bắt đầu khó chịu.
Nhưng như không thể làm thinh nổi, nàng hỏi :
- Họ đưa tin tức quan trọng nữa à?
Trương Dị gật gật.
Thư Hương trừng hắn :
- Mà tin tức gì mới được chứ?
Trương Dị ư ư trong miệng và nâng chén lên nốc một hơi...
Hình như hắn không muốn trả lời...
Lữ Ngọc Hồ cười :
- Xem chừng tửu lượng của anh dạo này bết quá rồi đó nhe.
Trương Dị cũng cười cười :
- Cũng có hơi hơi “xuống”, nhưng vẫn còn đủ để đổ cho anh bò vậy...
Lữ Ngọc Hồ cười lớn :
- Đừng có nói tướng, lúc nào kiếm một chỗ đi, thử coi ai bò là biết.
Trương Dị nhướng nhướng mắt :
- Nhớ bận ở Hương Đào Quán không? Mỗi người một chén Trúc Diệp Thanh đó...
Đúng là chán, trong hoàn cảnh này mà hai người còn ở đó nói chuyện “năm xưa”, Thư Hương vừa giận vừa tức, nàng đập mạnh tay xuống mặt bàn nói lớn :
- Hai người đã quen nhau từ trước, thế tại sao lại không nói cho tôi biết chớ?
Trương Dị hỏi :
- Nhưng tại sao lại cứ phải cho cô biết?
Lữ Ngọc Hồ cười :
- Chúng tôi quen biết rất nhiều người, không lẽ cứ quen với ai cũng đều báo cáo với cô hết sao? Mà nếu muốn thế thì chắc cũng phải mất ít nhất là ba ngày ba đêm.
Thư Hương gần phát run.
Cái bọn đàn ông thật là đáng ghét, mới tối hôm qua đây, họ còn làm bộ không biết nhau, họ làm nàng mắc mưu của họ, họ làm như cố giăng cái bẫy cho nàng xụp xuống chơi, thế nhưng lối nói “đấm họng” của họ làm cho nàng không làm sao cải lại...
Thư Hương chợt nhớ Đào Liễu...
Cái con a đầu này lẻo mép lắm, giá như có nó nhất định không ai có thể lấn át được nàng...
Nhưng không biết cái con tử a đầu đó bây giờ ở đâu?
Trong cơn đương tức tối, Thư Hương đập tay xuống bàn, quắc mắt nói :
- Người của tôi đâu? Trả lại cho tôi.
Trương Dị nhướng nhướng mắt :
- Cô nói cái gì thế?
Thư Hương lừ mắt :
- Dụ dẩn con a đầu của tôi đi rồi bây giờ còn làm bộ hả?
Trương Dị cau mặt :
- Tôi dụ dẩn cô ta đi bao giờ?
Thư Hương lớn tiếng :
- Hôm qua, lúc anh từ sòng bạc đi ra thì nó theo anh...
Trương Dị hỏi :
- Sao cô lại để cho cô ấy tự tiện đi một mình như thế?
Thư Hương hơi lúng túng, nàng nói :
- Ai biết... ai làm sao nó được...
Trương Dị làm thinh, vẻ mắt hắn có vẻ hơi lo...
Nhìn vào bộ mặt hắn, Thư Hương biết hắn không đùa, nàng hỏi :
- Chớ anh không thấy nó sao?
Trương Dị lắc đầu...
Tay chân của Thư Hương phát lạnh ngang...
Nàng lo lắng hỏi :
- Hay là nó đã bị... bị người bắt rồi?
Nàng chợt nhớ Lưu tiên sinh, tay chân nàng càng lạnh...
Cứ nghĩ đến nếu không may mà Đào Liễu lại lọt vào tay bọn ác ma đó...
Thư Hương không dám nghĩ nữa, nàng cắn răng đứng dậy.
Trương Dị hỏi :
- Cô tính đi à?
Thư Hương gật đầu :
- Tôi đi tìm Đào Liễu.
Trương Dị hỏi :
- Kiếm ở đâu?
Thư Hương đáp :
- Trở lại chỗ Trương Hảo Nhi và sau đó nếu không có thì đến chỗ Vương đại nương...
Trương Dị hỏi :
- Cứ cho rằng cô ta có ở đó thật đi, nhưng rồi cô làm sao?
Thư Hương khựng ngang.
Nàng nóng lòng vì sự an nguy cho Đào Liễu, nàng đâm liều. Nhưng khi nghe Trương Dị hỏi gặn là nàng nhớ lại...
Lưu tiên sinh, Trương Hảo Nhi và Vương đại nương, không một người nào để nàng được yên thân, nàng không đỡ nổi một ngón tay của họ, chứ đừng nói chuyện cứu được Đào Liễu.
Cứ hể nhớ tới Lưu tiên sinh là Thư Hương nghe như có một con rắn bò luồn trong xương sống.
Trương Dị nói :
- Tôi thấy tốt hơn hết là cô nên ngồi xuống đó cho được chuyện.
Thư Hương tức quá la lớn :
- Mà tôi hỏi anh đợi cho đến bao giờ?
Trương Dị chậm rãi :
- Đợi đến bao giờ người ấy tới.
Thư Hương hỏi :
- Nếu người ta không tới thì sao?
Trương Dị đáp :
- Đợi hoài.
Thư Hương tức run, nàng hỏi như hét vào tai hắn :
- Bộ ông nội anh sao mà anh chu đáo dữ vậy?
Phía sau lưng nàng có tiếng trả lời :
- Bà mà làm sao làm ông được?
Giọng nói hơi thấp và không được trong, nhưng mang theo một âm hưởng dự cảm lạ lùng.
Giọng nói của đàn bà mà chính đàn bà cũng vẫn bị hấp lực đó lôi cuốn và Thư Hương quay đầu lại.
Nàng thấy ngay một người đàn bà.
Trong đời nàng, nàng chưa từng thấy một người đàn bà nào như thế.
* * * * *
Ánh đèn chiếu đến chỗ đó, đã trở thành một màu bịnh hoạn.
Nhưng chỗ đó vụt sáng lên rạng rỡ khi có mặt người thiếu phụ trung niên.
Sau câu nói đầu, bà ta đứng làm thinh, bất động.
Trên vẻ mặt không lộ một thứ tình cảm nào, thân người đứng thẳng và im lìm làm cho người nhìn có cảm giác như là một pho tượng.
Thế nhưng không hiểu tại sao, khi Thư Hương nhìn lại nàng vẫn thấy bà ta đang nói, không phải nói bằng miệng mà nói bằng khí sắc, nàng mường tượng như tất cả những bộ phận trên người bà ta, chỗ nào cũng có thể nói thành lời.
Nhất là đôi mắt, đôi mắt đã không mở rộng mà lại hơi khép lại, thứ mắt của một người ngủ vừa mới thức, thế nhưng khi nhìn vào đôi mắt đó, bất cứ ai cũng có thể “nghe thấy” như đang nói lên cho người đối diện những gì tịch mịch, những gì thê lương thống khổ nhất của cuộc đời.
Bất luận nhìn thấy một người nào như thế, không ai không cảm thông sâu sắc, mặc dầu chưa biết được cụ thể tâm tư của con người ấy ra sao.
Thế nhưng khi muốn thân cận với con người ấy, bất cứ ai cũng bỗng thấy như mình đang đứng cách một cái bóng thật xa xôi...
Người ta sẽ chợt thấy bàng hoàng khi tiếp xúc với con người ấy, sự bàng hoàng giống như mình thấy một cái gì đẹp quá, thích quá, tha thiết quá, nhưng đó là cái gặp trong giấc mộng, mơ hồ, phiêu diêu, chập chờn, sát ở bên mình mà cũng cách xa mấy từng mây...
Đó là người đàn bà, người thiếu phụ trung niên vừa tới.
* * * * *
Thư Hương đã từng thấy nhiều người đàn bà đẹp, kể cả Trương Hảo Nhi, nhưng nàng chưa hề thấy được người đàn bà nào như thế.
Phong tư của Trương Hảo Nhi thật ít có người nào sánh kịp, thế nhưng đứng trước mặt người đàn bà này, cô ta sẽ biến thành một cô gái thô kệch quê mùa.
Như vậy Trương Dị đang đợi người đàn bà này.
Thư Hương cắn môi xao xuyến.
Nàng công nhận người đàn bà này thật đáng để cho người ta chiêm ngưởng, nếu ai có hẹn thì, hơn tất cả những gì quan trọng khác, hơn cả với sanh mạng của mình, quả thật đây là một người đáng đợi.
Đây là một giá trị chót vót, giá trị chờ đợi vượt lên tất cả sự chờ đợi nào ở trên thế gian này.
Nhưng Thư Hương lại có một ý nghĩ... không bằng lòng.
Đàn bà là cái giống kỳ cục nhất trên đời.
Nếu trên đời này có quái vật thì đàn bà là một quái vật dị hợm nhất.
Họ biết nhìn cái đẹp, họ biết thấy sự hơn kém, họ biết họ không bằng một góc của người ta, thế nhưng họ vẫn có thể xí xô, bĩu môi, hứ hé, họ có thể nói “cái thứ” đó là đồ bỏ, trong khi họ không hiểu “cái thứ” đó là thứ gì? Họ không hiểu tại sao lại là “đồ bỏ”.
Dưới con mắt của đàn bà, thì đàn bà là đồ bỏ hết, chỉ trừ có mỗi một người, đó là người nói ra câu nói ấy.
Người ta đã nói rằng: “Đôi mắt của đàn bà là cặp kính chiếu yêu và tất cả đàn bà đều là yêu quái”.
Sở dĩ không một người nào tự chê mình, là vì cặp kính “chiếu yêu” đó gắn trên mặt họ, giá như có thể lấy ra chiếu ngược trở lại, họ cũng sẽ kêu lên rằng chính họ cũng là... yêu quái.
Người ta đã nói rằng khi một người không bao giờ thấy được cái xấu của đàn bà, thì hãy cầu viện ngay cặp mắt của đàn bà. Khi một con người chưa từng biết đố kỵ là gì thì cũng hãy mau mau cầu viện sự “giúp đỡ” của đàn bà.
Người ta bảo rằng sở dĩ nhân loại biết nói tiếng “chê” tiếng “xấu”, sở dĩ nhân loại biết “trề môi”, nháy nguýt, biết “vung trôn”, “hất đít” là cũng đều nhờ có đàn bà.
Người ta bảo đàn bà là giống vật có thính giác tinh vi nhất, thính giác đó biết “lọc” tiếng này trở thành một tiếng khác thật tài tình, chẳng hạn như khi có người khen họ đẹp, thính giác của họ “lọc” ngay tiếng đó ra thành tiếng “thật là con người dễ thương, đáng mến”, nhưng nếu có người khen một người đàn bà nào khác thì lập tức thính giác của họ sẽ “lọc” “đồ chúa ngục, đồ ăn cám xú, đồ ngu”.
Người ta nói rằng tất cả nghệ sĩ trên thế gian này nhập lại cũng không bằng một sợi lông chân của đàn bà, vì đàn bà là nhân vật “sáng tác” dồi dào nhất, khi có đức hạnh tốt đứng trước mặt họ thì họ lập tức “sáng tác” ra ngay cái xấu của người đàn bà ấy, nghĩa là nếu mình thấy một người đàn bà nào đó, đẹp cả sắc lẩn tâm hồn, nhưng mình muốn tìm một chỗ xấu của người đàn bà thì cứ thỉnh một người đàn bà khác đến, họ sẽ chỉ ngay cái xấu đó cho mình ngó thấy, họ chỉ rõ một cách hết sức... dễ dàng.
Chính vì thế cho nên người ta mới dặn nhau rằng, đừng bao giờ dại dột khen một người đàn bà trước mặt một người đàn bà khác, nếu người đàn bà đối diện với mình là người yêu, hay vợ của mình cho dầu mình khen một cách vô tư.
Vì đối với đàn bà, mình khen người khác một câu: “Chà, con người đó thật là hiền dịu”, thì người đàn bà đối diện với mình sẽ “nghe rằng: cô là một con người hung ác... hư thân mất nết”.
Và bây giờ thì Thư Hương đang hầm hầm...
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...