Sau này.
Con trai của Tiêu Sơ và Bạch Hạ từ khi vừa sinh ra đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, nhưng cũng vì thế mà cũng dẫn tới rất nhiều sự tranh chấp.
Chẳng hạn như về mỗi chuyện đặt tên thôi họ đã cãi nhau đến mức trời long đất lở, nồng nặc mùi thuốc nổ.
Chỉ nói đơn giản như là tên do Tiêu gia nghĩ ra thì Bạch gia không đồng ý, tên do Bạch gia nghĩ thì Tiêu gia phản đối. Cứ như vậy họ bác bỏ qua, bác bỏ lại, không bác bỏ đến một ngàn cái tên thì cũng đến tám trăm, cuối cùng, đành phải để cho Tô gia tự nhận là trung lập đứng ra duy trì công bằng.
Gia trưởng Tô gia vân vê bộ râu bạc phơ, cả ngưòỉ tỏa ra khí chất phi phàm khiến người ta tín phục: "Người ta thường nói càng thông tục lại càng thanh nhã, vứt bỏ đi vẻ hào nhoáng bên ngoài mới có thể để lộ ra phần chân thực nhất bên trong, các người chớ nên không ai chịu nhường ai như vậy, thôi thì, cứ lấy họ của cả hai nhà ghép lại đi, không thiên vị bên nào cả".
Thế là họ quyết đinh đặt tên là Tiêu Bạch.
Thế nhưng mà, Tiêu Bạch, Tiêu Bạch, gọi mãi lại gọi thành Tiểu Bạch, Tiểu Bạch (*), suy cho cùng thì Tiêu gia cũng lỗ nặng rồi còn gì.
(*) Tiêu Bạch đọc gần đồng âm với Tiểu Bạch, mà người Trung Quốc thường thêm chữ Tiểu trước tên của một người để khi gọi sẽ thể hiện sự thân thiết.
Đến khi phát hiện ra vấn đề nghiêm trọng này thì ván đã đóng thành thuyền,không thể nào sửa lại được nữa.
Tiêu Mạc Dự mỗi lần nhắc đến chuyện này, đều muốn đập bàn khóc lớn một trận: "Lão già nhà họ Tô kia lừa ta rồi!!...".
Thân là đời thứ X của một gia tộc giàu có và đời thứ hai của nhà làm quan, Tiêu Bạch cảm thấy áp lực rất lớn.
Phụ thân tình thông cả ba thứ, văn, võ và kinh thương, cậu còn thảm hơn, còn phải thêm cả "y" nữa.
Phụ thân từng là thư đồng của Hoàng thượng, cậu càng thảm hơn, làm thư đồng của thái tử, nhưng bởi vì thái tử này lại là nữ, cho nên không thể nào tin theo lời dạy của cổ nhân: Duy nữ tử dữ tiểu nhân nan dưỡng dã (*)...
(*) Duy nữ tử dữ tiểu nhân nan dưỡng dã: Duy chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy bảo. Đây là một lời nói của Khổng Tử.
Nữ thái tử là đường tỷ(*) của Tiêu Bạch, lớn hơn cậu nửa tuổi.
(*) Đường tỷ: Chị họ.
Bởi vì vừa sinh ra đã phải kế thừa hoàng vị, chăm lo cho thiên hạ, nên vị cô nương này từ nhỏ dã dùng những nguyên tắc như "Thiên tương giáng đại nhiệm vu ti nhân dã(*)" để nghiêm túc tự răn dạy chính bản thân mình. Mới có tí tuổi đầu cô nương đã biết giữ cho mọi lời nói, cử chỉ đều phải có chuẩn mực, có phong thái của bậc đế vương.
(*)Thiên tương giáng đại nhiệm vu ti nhân dã: Xuất phát từ sách của Mạnh Tử: Ý nói khi ông trời giao một nhiệm vụ cao cả cho một người nào đó thì trước hết nhất định phải tôi rèn ý chí và thể xác của họ.
Chẳng hạn như khi Tiêu Bạch bị lão thái phó (*) phạt chép sách, cậu bèn không nhịn nổi cáu kỉnh lắc lắc cổ tay mỏi nhừ, cái miệng nhỏ nhắn đáng yêu bĩu lên, còn học theo câu nói cửa miệng của cô phụ (*) Hoàng đế mà mắng một câu: "Thật là bực bội!".
(*) Thái phó: Chức quan dạy học cho các bậc hoàng tử quý tộc ngày xưa.
(*) Cô phụ: Dượng, chồng của cô.
Nữ thái tử đã giao hết phần chép phạt của mình cho đường đệ chịu thay, bản thân thì ngồi một bên tập trung tinh thần chơi đá dế, lúc này nghe thấy mới lắc lắc ngón tay ngắn múp míp, dùng tiếng nói non nớt quở trách: "Tiểu Bạch thô bỉ quá, phải nói là, thành bỉ nương chi phi duyệt (*)!".
(*) Thành bỉ nương chi phi duyệt: Cũng giống câu “Thật là bực bội”, nhưng thay bằng những từ hoa mỹ hơn và thường chỉ dùng trong văn viết.
Tiêu Bạch: “…”
Về sau, khi Tiêu Bạch đã lớn hơn một chút nữa, trở thành một thiếu niên tuấn tú.
Nhờ được ăn sung mặc sướng cùng dòng máu thượng thừa, thân hình và diện mạo của Tiêu Bạch hiển nhiên là cực kỳ xuất chúng, hơn nữa trên hai má đều có lúm đồng tiền, khiển cậu dù chưa lên tiếng khuôn mặt đã lộ ra ba phần ý cười, trông càng có vẻ bình dị dễ gần mà bớt đi không ít lạnh lùng, cao ngạo của công tử con nhà quyền quý, thế là từ triều đình cho đến bình dân bá tánh, hầu như chẳng có ai không thích cậu, có thể nói là cậu đã kết giao khắp cả kinh thành.
Tuy nhiên, lại có một tiểu nha đầu, vừa nhìn thấy cậu lần đầu tiên đã cảm thấy không vừa mắt, hơn nữa ngay lập tức thêm một chữ nữa ở đằng sau tên cậu, còn sửa lại cách phát âm, gọi cậu là: "Tiếu Bạch Si (*)".
(*) Bạch Si: Kẻ ngốc nghếch, ngớ ngẩn.
Nói rằng cậu chính là một tên công từ mặt trắng (*), mỗi khi cười lên thì cả người cùng khuôn mặt đều trông rất là ngu ngốc, đần độn...
(*) Công từ mặt trắng: Ám chỉ những tên công tử trắng trẻo thích ăn diện, phong lưu.
Tiêu Bạch chịu phải sự trêu chọc lớn, trong cơn tức giận đã chạy vào ở trong quân doanh một năm, cố gắng hết sức khiến cho làn da của mình trở thành màu bánh mật, cực kỳ có khí khái nam nhi, tuy vẫn còn lúm đồng tiền, nhưng khi nhìn vào lại toát ra khí chất sắc bén, cho dù lúm đồng tiền trên má có sâu hơn thì cũng chẳng còn khiến người khác nghĩ đến từ "đáng yêu" nữa.
Vậy mà, vị cô nương kia nhìn thấy cậu lại bĩu môi nói rằng: “Cho dù ngươi có phơi đen, cố tỏ ra lanh lùng đi chăng nữa thì cũng vẫn là một tên ngốc, cười hay không cười đều ngốc như nhau, chẳng qua từ tên ngốc nhỏ thành tên ngốc lớn thôi!".
Tiêu Mạc Dự nghe thấy chuyện này, thế mà lại không đập bàn khóc lớn nữa, ngược lại còn rất bình tình, vỗ vỗ bả vai của cháu trai đang suy sụp cùng cực, ngẩng đầu thở dài: "Cuối cùng ta cũng hiểu rồi, lão già họ Tô kia đang trả thù. Hai phụ tử họ hận cha con đấy, vẫn còn hận cha con... vẫn còn hận cha con lắm...".
Tiêu Bạch: “…”
Sự xích mích giữa các bậc trưởng bối, Tiêu Bạch cũng biết được chút ít, nhưng khi đó vẫn còn nhỏ, cậu căn bản không thể hiểu được. Sau này khi cậu dần lớn lên, lại không muốn hiểu nữa, chỉ hy vọng có thể mãi mãi hồ đồ như vậy mà thôi.
Tứ Muội, thị vệ của phụ thân có giao tình rất tốt với một thủ hạ của Hoàng đế Bắc Tề tên là Hồ Tam. Mỗi năm khi cỏ mọc xanh, chim oanh bay lượn, hai người đều tự xuất phát từ nơi mình ở, lặn lội đường xa đến tận thảo nguyên hội ngộ, chỉ bởi vì có thể cùng nhau uổng rượu săn bắn khoảng mười ngày nửa tháng. Hơn hai mươi năm rồi, chưa từng gián đoạn.
Sói tuyết Chiến Phong của phụ thân đã trở thành tổ tông của đàn sói chiếm lĩnh ngọn núi gần Khôn Thành, gắn bó như hình với bóng cùng con sói xám kia mười hai năm. Mấy năm trước chúng đã lần lượt rời khỏi nhân thế, cũng có thể coi như hưởng hết dương thọ, cách nhau không tới nửa ngày.
Một bên là tri kỷ nhưng không thể ở gần nhau, một bên là cùng nhau đi xuống hoàng tuyền, may mắn hay bất hạnh, chi có những người trải qua rồi mới hiểu được.
Hôm nay ánh trăng rất đẹp, Tiêu Bạch không có chuyện gì làm bèn tới tìm đường tỷ đi ngắm cảnh.
Vừa vào cung đã nghe thấy tiếng hét phẫn nộ của thái tử điện hạ, nay đã là một mỹ nhân thanh tú: "Đúng là bực bội!".
Tiêu Bạch cười sảng khoái tiếp lời: "Thái tử một nước sao có thể thô bỉ như vậy được? Phải nói là thành bỉ nương chi phi duyệt chứ".
"Ta khinh! Với cái hạng không biết điều này, còn nhã nhặn làm quái gì!"
Tiêu Bạch tức khắc hiểu rõ, chắc là tên đó lại gây ra họa gì nữa rồi đây, hoặc cũng có thể nói, chỉ có tên tiểu tử đó mới có thể khiến cho đường tỷ gần như đã tu luyện đến cảnh giới vui buồn không hiện ra ngoài nét mặt phải nổi trận lôi đình đến mức không thèm bận tâm tới phong thái thế này.
Đài túy mâu, miệt vương hầu (*).
(*) Đài túy mâu, miệt vương hầu: Ngước đôi mắt say lên, miệt thị kẻ làm vương hầu, quý tộc.
Tên thư sinh hào sảng này tuy rằng tài hoa hơn người nhưng lại vô cùng cao ngạo tự tồn.
Đường tỷ muốn dùng địa vị quyền thế để bắt hắn phải cúi đầu, chỉ sợ rằng đã dùng sai cách rồi.
Có điều, hoàn cảnh khác xa nhau một trời một vực như thế này, phải làm thế nào để có thể nắm tay sánh bước bên nhau đây?
Tiêu Bạch ngẫm nghĩ, không có đáp án.
Không muốn làm bao cát cho đường tỷ xả cơn thịnh nộ, cậu bèn lặng lẽ đóng cửa rời đi.
Đến bên ngoài đình, cậu liền nhìn thấy ánh trăng như nước, phản chiếu lên mặt hồ đằng xa thành một vùng trắng xóa.
Giống hệt như sắc tuyết năm đó.
Tiêu Bạch vẫn còn nhớ, lúc cậu còn nhỏ, phụ thân một lòng tín ngưỡng đủ các loại giáo phái, Phật giáo, Đạo giáo, Lạt Ma giáo, Hồi giáo… Chỉ cần là thần linh, người đều tin. Người xây chùa miếu, đúc tượng vàng ở khắp mọi nơi, góp phần cống hiến không thể nào xóa nhòa cho sự phát triển của tôn giáo tại nước Sở. Theo cách nói của mẫu thân thì chính là một ông "thần tiên sống rởm"... I
Phụ thân không cầu tiền tài, không cầu quyền thế, chỉ cầu duy nhất một thứ là "bình an", chỉ cầu vì một người duy nhất.
Mùa đông năm Tiêu Bạch mười lăm tuổi, trời rất lạnh, tuyết lớn rơi không ngừng bảy ngày bảy đêm.
Mẫu thân ngủ một cách yên bình, nụ cười vẫn hiển hiện trên môi.
Phụ thân ôm người, chải tóc cho người, từng chút từng chút một, dịu dàng mà tỉ mi.
Sợi tóc đen như mực xuyên qua từng kẽ tay.
Mái tóc của mẫu thân vẫn luôn rất đẹp, vừa mềm vừa bóng, cứ như tơ lụa vậy, không hề lẫn chút tạp sắc nào.
Ngoại công (*) nói, tuy Tử Giáng Thảo có công hiệu đi ngược lại luật trời, nhưng cuối cùng bởi vì việc tìm được vị thuốc đó kéo dài làm lỡ mất thời cơ tốt, khi mang thai sinh con bị mất quá nhiều máu, cho nên nhiều nhất cũng chỉ có thể giành với ông trời thêm mười năm dương thọ nữa thôi.
Mẫu thân lại sống được tròn mười lăm năm, có lẽ là, do thần tiên phù hộ.
(*) Ngoại công: ông ngoại.
Phụ thân chải đầu cho mẫu thân xong liền đi ra ngoài một mình, đứng ở trong sân dưới màn tuyết lớn đó cả một đêm, tóc đen đều bạc trắng.
Cho dù có cố gắng như thế nào đi chăng nữa, cuối cùng phụ thân vẫn chỉ có thể sống một mình, đến khi đầu bạc.
Kể từ đó về sau, phụ thân không bao giờ bước vào nơi thờ cúng thần linh nữa, dù chỉ là nửa bước.
Thu tầm mắt, không biết vì sao Tiêu Bạch đột nhiên lại nhớ đến cô nương lúc nào cũng mắng cậu, rồi cúi đầu, mỉm cười.
Thật ra, có những lúc làm một kẻ ngốc cũng chẳng có gì là không tốt
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...