Lần đầu tiên trong đời Đào Kỳ gặp một đối thủ có công lực cao thâm ngoài sự tưởng tượng. Đến Khất đại phu, hôm ngộ nhận ở Thành-đô, chàng đối
chưởng với ông, chỉ ngang tay nhau. Nội công âm nhu, pha Ngũ-độc của
Mao-đông-Các cũng không chịu nổi chưởng lực của chàng. Hôm nay, chàng,
đã dùng cả cương lẫn nhu phát hai chưởng khác nhau thế mà đối phương chỉ vòng tay một cái, đẩy hai chưởng của chàng vào nhau, hóa giải chưởng
lực của chàng.
Chàng định xử dụng Lĩnh-nam chỉ. Nghe tiếng gọi, vội thu công, nhảy lùi về sau bảy, tám bước, vì sợ đối phương phản công.
Trần Năng chỉ vào người đó nói:
– Sư thúc ngộ nhận rồi. Người mà cháu vẫn nhắc nhở đến luôn. Sư thúc thường ước ao gặp người. Ngài có pháp danh Tăng-Giả Nan-Đà.
Tiên-yên nữ hiệp cũng nói:
– Bồ tát đang dùng Thiền-công Phật-gia cứu trị cho Sún Cao. Cháu ngộ nhận rồi!
Đào Kỳ tỉnh ngộ. Mọi người đứng xung quanh Tăng-Giả Nan-Đà. Sún Rỗ nói với Đào Kỳ:
– Sư huynh! Thì ra đoàn Thần-ưng trông thấy thằng Cao bị nạn. Thần-ưng
vốn có linh tính, chúng kêu ré lên, cùng bay đến, tỏ ý thương xót chúa
tướng. Chúng nhận biết Bồ-tát chữa trị cho Cao, vì vậy chúng đậu trên
cây, im lặng, không kêu, sợ làm rối loạn tâm thần ngài.
Đào Kỳ xấu hổ, tự mắng mình:
– Sư đệ nói đúng. Tam ca không thông minh nhanh trí bằng loài chim.
Đào Kỳ muốn biểu lộ sự mẫn tiệp của mình đối với sư đệ: Có lỗi phải
nhận. Chứ thực ra không phải thế. Suốt thời gian qua, chàng sống trong
đau khổ, vì được Sún Cao hút chất độc, tự nguyện chết thay. Chàng với
Ngũ Sún tìm khắp nơi. Bây giờ, từ xa, thấy nó nằm dài trên tảng đá, một
người để tay lên ngực nó. Bất cứ ai ở vào hoàn cảnh của chàng, cũng phải ra tay thần tốc, giải thoát cho nó.
Khất đại phu đến bên Sún Cao cầm tay nó bắt mạch. Mạch không nhảy nữa.
Ông dồn chân khí vào huyệt Thái-uyên. Chân khí của ông tan biến mất.
Ngạc nhiên, ông dồn chân khí mạnh hơn. Cũng biến mất. Thấy kỳ lạ, ông
nắm lấy cườm tay nó, đẩy chân khí vào cả Thủ-tam-âm, Thủ-tam-dương kinh. Chân khí của ông cuồn cuộn ra bao nhiêu, mất bấy nhiêu. Ông vội thu tay lại, hiểu ra:
– Vị Bồ tát này đang dồn Thiền-công vào người Sún Cao. Mình dồn chân khí vào, hai luồng chân khí gặp nhau. Thiền-công có tính năng hóa giải mọi
nội lực. Vì vậy, chân khí của mình bị hóa giải.
Trần-Năng hỏi:
– Sư phụ! Còn hy vọng không?
Khất đại phu lắc đầu:
– Khó lắm. Mạch Tước tác, thì trăm phần chỉ có một phần hy vọng.
Trần-Năng hỏi:
– Mạch Tước tác là mạch gì?
Khất đại phu thở dài:
– Mạch nhảy như con chim sẻ ăn lúa. Mổ lóc, chóc mấy cái lại ngưng.
Hiện diện hàng chục người, trên trăm Thần-ưng, mà không một tiếng động.
Một lát Tăng-Giả Nan-Đà buông tay ở ngực Sún Cao ra, ông nói với Trần-Năng:
– Khó quá! Khó quá.
Ông đưa mắt nhìn Đào-Kỳ:
– Đào thí chủ. Chưởng lực thí chủ bao hàm dương cương, âm nhu đủ cả.
Mạnh đến không tưởng được. Trên đời bần tăng chưa từng thấy qua. Chiêu
đầu kỳ lạ, bảo rằng ác cũng không phải, bảo rằng thiện cũng không đúng.
Đào Kỳ cung kính chắp tay:
– Đệ tử không biết Phật gia, trót mạo phạm. Xin Bồ-tát hỉ xả, đại từ,
đại bi xá tội cho. Chiêu đầu là Ác ngưu nan độ chiêu sau là Loa thành
nguyệt hạ.
Tăng-Giả Nan-Đà nói:
– Thì ra thế! Chiêu đầu kình lực phát rõ ràng là Ác song không có ý ác,
mà có ý mở đường, đẩy cái ác sang bên cạnh. Hóa ra chiêu đó dùng để đẩy
con trâu dữ cản đường. Thành ra trong cái ác đánh trâu, có cái thiện đẩy trâu. Chiêu sau như một cái tháp chụp xuống, nhẹ nhàng mà dũng mãnh.
Trong cái nhàn tản, có cái uất ức. Thì ra chiêu này do vua An-Dương chế
ra, trong lúc cố thủ thành Cổ-loa chống với Triệu-Đà.
Ngài nhìn mọi người, rồi nói:
– Cách đây hai ngày, bần tăng qua đồi Nghi-dương, thì gặp tiểu thí chủ
đây nằm trong bụi cỏ, chân tay run rẩy, tỏ ra đau đớn vô hạn. Bần tăng
đỡ dậy, coi lại thì ra tiểu thí chủ bị trúng Huyền-âm. Bần tăng dùng
Thiền-công cứu. Song đã quá trễ. Bần tăng coi kỹ lại, hóa ra tiểu thí
chủ không bị Huyền-âm chưởng đánh trúng, mà do tiểu thí chủ phát tâm
Bồ-đề, hút chất độc cứu người. A Di Đà Phật! Tiểu thí chủ nhỏ tuổi, mà
tâm đ*o như một đại Bồ-tát.
Ngài lim dim nhập định một lúc rồi tiếp:
– Bần tăng nghĩ hết cách cứu trị, vẫn vô hiệu. Đầu tiên tiểu thí chủ tập một thứ võ công Lĩnh-Nam, lấy leo trèo trên cây làm căn bản. Sau không
biết cơ duyên nào, lại luyện nội công của phái Cửu-chân, dương cương.
Tiếp theo lại luyện nội công âm nhu giống nội công phái Long-biên. Cuối
cùng luyện Ngũ-độc thần công. Dùng thần công ấy hút chất độc cứu người
khác. A Di Đà Phật! Phúc đức quá. Khất đại phu, Đào Kỳ, Phương-Dung đều
khâm phục Tăng-Gỉa Nan-Đà. Ngài chỉ chẩn mạch, mà biết rõ hết những gì
Sún Cao đã trải qua.
Phương-Dung tường thuật tỷ mỉ những biến chuyển đã xảy ra xung quanh Sún Cao cho Tăng-Giả Nan-Đà nghe. Ngài nghe xong gật đầu:
– Tiểu thí chủ mới mười sáu, mười bảy tuổi, mà đã có tâm đ*o cao như
thế. Đức Phật dạy người tu hành: Hỷ xả cứu người, nhảy vào miệng cọp
đói, cắt thịt nuôi chim ưng. Tiểu thí chủ có hạnh Bồ tát, hy sinh thân
mình, cho sư huynh sống. Tiếc rằng bần tăng gặp tiểu thí chủ quá trễ,
thành ra không kịp nữa rồi. Ngũ độc phá hết tạng phủ. Bần tăng để tay
vào ngực, đẩy chất độc ra khỏi tâm, hầu tiểu thí chủ tỉnh dậy. Song đến
giờ vẫn còn mê man.
Sún Rỗ nước mắt đầm đìa:
– Bồ Tát! Đệ tử chịu chết cho em cháu sống. Như vậy có được không?
Tăng-Gỉa Nan-Đà lắc đầu:
– Ngay khi tiểu thí chủ này, hút Ngũ-độc trong người Đào vương gia. Bần
tăng có ngồi cạnh cũng vô ích. Vì chất độc đã vào tạng phủ, trục ra làm
sao được? Dù có dùng thuốc giải độc của phái Trường-bạch cũng vô hiệu.
Bỗng Sún Cao trở mình một cái, mắt từ từ mở ra. Nó ngơ ngác nhìn mọi người. Sún Rỗ nói:
– Cao! Mày có nhận ra tao không? Rỗ đây này.
Sún Cao mỉm cười:
– Ừ! Tao nhận được mày. Nãy đến giờ, tao nằm đây, chân tay cử động không được, mà nghe hết, hiểu hết những biến chuyển xung quanh.
Nó đưa mắt nhìn mọi người, rồi nói với Tăng-Giả Nan-Đà:
– Suốt hai ngày qua, trong cơn mê mê, tỉnh tỉnh, đệ tử biết có sư phụ
bên cạnh. Sư phụ đọc kinh cho đệ tử nghe. Đệ tử hiểu hết. Song nói không được mà thôi. Sư phụ! Sư phụ nói: Sinh tử vô thường. Có sinh ra thì
phải có đau yếu, già lão, rồi phải chết. Chết trước hay chết sau cũng
vậy mà thôi. Chỉ cần sao giữ cho cái tâm trong sáng. Đệ tử nghe kinh
Phật, áp dụng vào luyện nội công. Đợi chết rồi, đệ tử tìm Mao Đông-Các
đấu với y một trận, trả cái thù này.
Tăng-Giả Nan-Đà lắc đầu:
– Không nên, thí chủ tự nguyện hy sinh cứu Đào vương gia, mà đổ thù oán
lên đầu người khác càng thêm nghiệp quả cho Vương-gia. Thí chủ cho rằng
mình chết gốc ở Mao Đông-Các, phải tìm Mao trả thù. Thế thì mười sáu
ngàn binh sĩ Hán, bị thí chủ cho Thần-ưng ăn thịt. Họ sẽ báo thù vào ai
đây? Thù oán chồng chất mãi bao giờ mới hết!
Sún Cao tỉnh ngộ, a lên một tiếng:
– Đệ tử hiểu rồi! Sư phụ dạy Tâm trong sáng, trong lòng không còn tơ tưởng hình sắc, sự vật, tình cảm gì phải không?
Tăng-Giả Nan-Đà gật đầu:
– Đúng thế. Thí chủ giác ngộ mau quá. Phật A Di Đà sẽ đón thí chủ về Tây-phương Cực-lạc.
Đến đây Sún Cao cười rất tươi. Nó nói với mọi người:
– Thế giới ta ở có tên là Ta-bà. Người giết người! Người hại người. Thôi về thế giới Cực-lạc sống sướng hơn.
Đến đó mệt quá, nó nhắm mắt nằm im. Tăng-Giả Nan-Đà ra hiệu cho mọi
người im lặng. Ngài gõ mõ, đọc kinh A Di Đà. Một lát Sún Cao mở mắt ra
nhìn mọi người, mỉm cười, nói với Sún Rỗ:
– Tao về thế giới Cực-lạc đây.
Nó nói với Đào Kỳ :
– Tam sư huynh ! Em biết rằng sự hy sinh của mình đúng đạo lý. Sư phụ
dạy : Người ta sinh ra, ai cũng phải chết. Trong những cái chết, thì cái chết cho đất nước là xứng đáng nhất. Tam ca ơi ! Em nghĩ rằng đất nước
không thể thiếu tam ca. Em nguyện chết để tam ca phục hồi Lĩnh Nam… Em…
Nó mỉm cười, ngẻo đầu sang một bên. Mắt từ từ nhắm lại.
Tăng-Giả Nan-Đà nói lớn:
– Các vị thí chủ. Tiểu thí chủ đã quá vãng. Các vị không nên khóc lóc, e làm cho hương linh tiểu thí chủ vãng sinh khó khăn.
Đào Kỳ gọi Thái thú Nghi-dương, nói:
– Phiền đại nhân mua dùm tôi chiếc quan tài, với vải, hoa khô vàng, hương tẩm liệm cho sư đệ của tôi.
Tăng-Giả Nan-Đà chắp tay:
– Đào vương gia! Hôm qua, tiểu thí chủ đã xin qui y Tam-bảo. Khi một
người ngộ đạo, qui y thì bần tăng cho pháp danh. Bần tăng đặt cho tiểu
thí chủ là Độ-Ách. Khi còn sinh thời, tiểu thí chủ có tên Sún Cao. Sau
theo học với Đào hầu, sư phụ ban cho tên Đào Tứ-Gia. Tiểu thí chủ nói Từ khi có trí nhớ được cô nương Hồ Đề dạy phải lập lại Lĩnh Nam. Giải
thoát đau khổ cho sinh linh phía Nam núi Ngũ-lĩnh. Giữa lúc Lĩnh Nam
được phục hồi, tiểu thí chú lòng nghi hoặc, cho rằng Kiến-Vũ thiên tử
không thực tâm. Ngày một ngày hai y sẽ đem quân đánh Lĩnh Nam. Tiểu thí
chủ so sánh bản thân Đào vương gia với chính bản thân mình. Người tin
rằng Đào vương gia võ công cao cường, kiến thức uyên bác, bảo vệ dân
Việt hữu hiệu hơn mình. Vì vậy tiểu thí chủ mới hút chất độc trong người vương gia. A Di Đà Phật, tiểu thí chủ lòng dạ từ bi. Ý nghĩ trong sáng. Suốt đời muốn giải ách cho Lĩnh Nam. Vì vậy bần tăng đặt cho pháp danh
Độ-Ách.
Ngài gật đầu, tiếp:
– Khi đức Thích-Ca Mâu-Ni tịch diệt. Chúng đệ tử thiêu xác ngài. Từ ngày ấy, Phật-tử quá vãng, đều đem nhục thể thiêu. Vậy bần tăng xin các vị
cho phép bần tăng thiêu nhục thể Độ-Ách.
Đào Kỳ kính cẩn chắp tay:
– Đệ tử nguyện tuân lời dạy của đại sư.
Đào Kỳ cùng mọi người làm một cái đài bằng củi khô, khiêng xác Độ-Ách
đặt lên trên. Sún Rỗ cầm tù và thổi một hồi dài. Cả đoàn Thần-ưng bay
tản đi khắp nơi. Một lát chúng trở về, trên mỏ mỗi con ngậm một đóa hoa.
Sún Rỗ cầm tù và thổi một hồi thực dài, tiếng tù và bi ai, thảm não, như khóc, như than, như tiếng mẹ hiền mất con. Như tiếng trẻ thơ khóc mẹ.
Đoàn Thần-ưng lượn thành vòng tròn quanh giàn thiêu đúng mười vòng.
Sún Rỗ thổi một hồi nữa. Thần-ưng từng năm con một tách khỏi đàn, thả
hoa xuống xác Độ-Ách. Đoàn Thần-ưng thả hoa xong, vỗ cánh bay lên trời,
lượn vòng tròn, cùng cất tiếng kêu dài, đầy bi ai thảm thiết. Hiện diện, chỉ mình Tăng-Giả Nan-Đà, giữ được nước mắt. Còn tất cả nước mắt đều
tuôn rơi.
Đâu đó, tiếng tiêu kéo dài, não nuột, như muôn ngàn tiếng nức nở. Thỉnh thoảng giọng rít lên thực cao, rồi lại từ từ trầm xuống.
Sa-Giang nổi tiếng tiêu thần đất Thục. Nàng vốn đa tình, đa cảm, lãng
mạn. Trước đây đã cùng Lục Sún đùa vui. Bây giờ trước cái chết thảm não
của Sún Cao, tiếng tiêu của nàng càng nức nở, bùi ngùi, nuối tiếc, khóc
than, làm mọi người muốn đứt từng khúc ruột.
Tăng-Giả Nan-Đà ngồi xếp chân gõ mõ đọc kinh. Ngài đọc bằng tiếng Phạn.
Cử tọa không ai hiểu ý nghĩa lời kinh ra sao. Đọc kinh xong, ngài đánh
lửa, đốt dàn thiêu. Phút chốc ngọn lửa bốc cao, bao phủ khắp người
Độ-Ách. Không chờ Sún Rỗ ra lệnh. Đoàn Thần-ưng vỗ cánh bay lên cao,
lượn vòng tròn giữa cột khói, lại cất tiếng kêu bi thương.
Đã có lời dặn của Tăng-Giả Nan-Đà mọi người không nên khóc, để hồn
Độ-Ách dễ siêu thoát. Hiện diện tại đây, hầu hết là những người nội công cao, biết chế chỉ tâm thần vừa cầm được nước mắt, nghe tiếng Thần-ưng
kêu, họ lại bật ra tiếng khóc.
Trời về chiều, nhục thể Độ-Ách đã cháy hết. Tăng-Giả Nan-Đà đứng dậy nói:
– Khi xưa, thiêu nhục thể của đức Thích-Ca Mâu-Ni, đệ tử tìm được nhiều
viên ngọc Xá-Lợi. Bây giờ các vị với bần tăng cũng tìm ngọc Xá-Lợi của
Độ-Ách.
Không ai hiểu Tăng-Giả Nan-Đà định nói gì, nhưng họ cũng làm theo. Bới tìm một lúc, được hai trăm năm chục viên ngọc trắng.
Nguyên trong phép thiêu nhục thể nhà phật, những người được đốt bằng củi sau khi thịt cháy hết. Xương gặp nóng, chảy ra, kết lại thành những
viên tròn, gọi là Ngọc xá lợi. Xưa kia, khi đức Thích-Ca Mâu-Ni nhập
diệt. Đệ tử thiêu xác ngài, lấy được nhiều ngọc Xá-lợi, đem chia cho đệ
tử các nơi. Sau này Việt-Nam cũng thỉnh được một viên, thờ ở chùa Xá-lợi thành phố Sài-gòn. Còn lối thiêu ngày nay của Tây-phương, đốt trong lò
nóng ba ngàn độ, thì xương, cùng thịt, đều thành tro hết.
Khất đại phu nói:
– Người ta sinh ra, ai cũng phải chết. Chết cao cả như Đào Tứ-Gia hỏi
mấy ai đạt được? Thôi bây giờ, chúng ta lên đường đến hồ Động-đình, nếu
không thì trễ mất.
Mọi người trở về Nghi-dương, đã thấy Trần Tự-Sơn, Hoàng Thiều-Hoa,
Hoài-nam vương, Mã Vũ, chờ ở đó tự bao giờ. Hoàng Thiều-Hoa thấy mọi
người mắt đỏ lên, thì hỏi:
– Truyện gì đã xảy ra?
Sa-Giang òa lên khóc. Nàng ôm lấy Thiều-Hoa:
– Đào Tứ-Gia! Sún Cao chết rồi!
Nàng thuật lại chi tiết những gì đã xảy ra cho Thiều-Hoa nghe.
Hoàng-thiều-Hoa vốn là người đa tình, đa cảm. Nàng thương yêu Lục Sún
như thương Đào Kỳ. Nàng đã biết truyện Sún Cao hút nọc độc cho Đào Kỳ.
Trong thâm tâm nàng coi như Sún Cao chết rồi. Song bây giờ nghe thuật
lại, nàng cũng bật thành tiếng khóc. Nàng nói với Tăng-Giả Nan-Đà:
–Bạch sư phụ. Đệ tử muốn mang một viên ngọc "Xá-lợi" có được không?
Tăng-Giả Nan-Đà nói:
– Được chứ.
Ngài đưa cho mỗi người một viên. Có người thì bỏ vào túi. Đào-Kỳ lấy cây kim, vận sức âm nhu vào tay, chọc thủng viên ngọc, lấy giây xuyên qua
đeo vào chuôi kiếm. Thiều-Hoa, thì đeo vào với bông hoa cúc bằng vàng,
lá ngọc trên đầu nàng.
Hoài-nam vương, Mã Vũ chắp tay từ tạ anh hùng Lĩnh Nam. Người đi hồ Động-đình, kẻ về Lạc-dương.
Đoàn người đến bờ sông Trường-giang, đã thấy một chiến thuyền đậu sẵn ở
đó. Trên cột buồm, là cờ Lĩnh Nam bay phất phới. Có tiếng tiêu, tiếng
hát véo von từ khoang thuyền vọng lại:
Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.
Qua cầu ngả nón trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp, em sầu bấy nhiêu.
Sa-Giang gọi lớn:
– Sư tỷ Giao-long nữ! Mau ra đón Lĩnh-nam tiên ông cùng Hoàng đế Lĩnh-Nam.
Tiếng sáo, tiếng đàn im bặt. Hai người từ dưới lên khoang, Trần Quốc với Tử-Vân. Phương-Dung trêu Trần Quốc:
– Em tôi nhớ ai, thương ai mà hát buồn muốn đứt ruột.
Rồi chỉ Vương Phúc, trêu Trần-Quốc:
– Ai đã về đây.
Trần Quốc xấu hổ, cúi đầu xuống nói:
– Cháu vâng lệnh sư tỷ Trưng Nhị, đón Lĩnh-Nam hoàng đế, Lĩnh-Nam tiên ông cùng các vị sư bá, sư thúc, sư huynh, sư tỷ.
Sa-Giang đùa:
– Sư tỷ không chờ em à? Hay sắp làm chị dâu rồi không thèm ngó tới đứa em này hả?
Trần Quốc dơ tay đánh Sa-Giang. Sa-Giang núp vào Vương Phúc:
– Anh ơi! Chị dâu đánh em nè!
Cô bé Tử-Vân, bây giờ đã thành thiếu nữ dậy thì, xinh đẹp. Nàng mặc bộ quần áo tím, đứng trước mũi thuyền, phát tay ra lệnh.
Thuyền nhổ neo vượt sóng. Sa-Giang kể cho Trần Quốc nghe truyện Sún Cao.
Lại đến lượt Trần-Quốc, Tử-Vân khóc.
Tuy trước cái chết của Sún Cao, song mọi người thấy lòng phơi phới, vì
hôm nay, ngày đất Lĩnh Nam phục hồi. Điều mà từ đời ông, đời cha, trải
gần hai trăm năm mong mỏi. Người người nói truyện như pháo nổ. Duy Hoàng Thiều-Hoa ngồi cạnh Tăng-Giả Nan-Đà, nghe ngài thuyết pháp.
Thuyền bắt đầu từ Trường-giang, theo nhánh sông vào hồ Động-đình.
Trần Tự-Sơn, Đào Kỳ đứng trước mũi thuyền ngắm cảnh. Trên hồ, từng đoàn
chiến thuyền, kéo cờ Lĩnh Nam, tuần phòng nghiêm mật. Trần Tự-Sơn nói
với Đào Kỳ:
– Thời thế tạo thành anh hùng! Anh hùng tạo thành thời thế! Sư đệ thấy
không. Mới cách đây mấy năm, Trưng-Nhị giả làm đệ tử sư thúc Đào
Thế-Hùng cùng với sư đệ, Phương-Dung tới phủ Lĩnh-nam công. Ta biết hết. Song lờ đi. Ta đem sách Lục-thao, Tôn Tử, cùng cách hành binh, bố trận
giảng cho ba người. Ba người ngơ ngơ ngác ngác như nai tơ. Thế mà bây
giờ, Trưng Nhị tổ chức đại hội hồ Động-đình qui mô, cứ nhìn đoàn chiến
thuyền tuần hành thế kia,ta cũng biết cuộc phòng thủ, cực kỳ chu đáo.
Trần Quốc đứng cạnh nói:
– Trưng sư tỷ dặn đệ tử trình với sư thúc chi tiết cuộc bố phòng. Xin sư thúc cho ý kiến.
Trước kia Trần Quốc gọi Trần Tự-Sơn bằng đại ca vì Đào Thế-Kiệt với Trần Quốc-Hương là bạn thân. Nàng gọi Thiều-Hoa bằng sư tỷ. Thuận miệng gọi
Tự-Sơn bằng đại ca. Sau khi thân thế Trần Tự-Sơn được công bố. Trần
Tự-Sơn vai em họ Trần Quốc-Hương. Nàng đổi cách xưng hô gọi Tự-Sơn bằng
sư thúc. Nàng tiếp:
– Kế hoạch phòng thủ như sau: Đạo quân Nhật-nam của sư bá Lại Thế-Cường
đóng ở núi Quân-sơn, phụ trấn có Tây-vu Tam hổ tướng. Đạo quân Nam-hải
của sư bá Lương Hồng-Châu đóng ở Ích-dương phụ trấn có Tây-vu tam báo
tướng. Lực lượng phòng thủ trên bờ sông Trường-giang có hai trăm chiến
thuyền, chia làm hai chục đội. Trên mỗi đội đều có hai dàn Nỏ-thần. Lễ
đài đặt ở núi Tam-sơn, do Hồ sư tỷ trấn đóng. Phụ trấn có Sún Lé, Sún
Đen, Sún Lùn, Sún Hô, Ngao-sơn tứ lão. Dưới chân núi Tam-sơn, có chiến
thuyền, do Lục-Phong quận chúa và Ngũ-Long công chúa, mỗi người chỉ huy
một chiến thuyền, làm trừ bị.
Đào-Kỳ hỏi:
– Anh hùng các đạo tề tựu đủ chưa?
Trần Quốc nói:
– Tất cả đều tới từ hôm qua. Hôm nay thêm Khúc-giang ngũ hiệp,
Tượng-quận tam anh. Phái Long-biên sư bá Nguyễn Trát không về dự. Tứ
kiệt Cối-giang Anh, Hùng, Hào, Kiệt khẩn trở về Giao-chỉ, cũng vắng mặt.
Phương-Dung hỏi:
– Tại sao? Nhà ta có truyện gì ư?
Trần Quốc cười:
– Thông thái như sư tỷ mà hỏi em tại sao à? Anh hùng đi hết. Ở Giao-chỉ
Tô Định làm loạn thì sao? Vì vậy đại ca Đặng Thi-Sách yêu cầu lão bá
canh chừng y. Đại ca còn cho bốn sư huynh Anh, Hùng, Hào, Kiệt trở về
khẩn cấp trợ giúp lão bá. Nếu Tô Định hó hé gì thì giết tươi liền.
Thuyền đã đến gần Tam-sơn. Hai đoàn thuyền dàn song song, mỗi đoàn hai
mươi chiếc. Trên thuyền gươm đao sáng choang. Họ thấy Trần Tự-Sơn, thì
đánh chiêng trống vang lừng. Thuyền Tự-Sơn đi giữa. Hai bên, bốn mươi
chiến thuyền chào mừng. Thuyền đến gần chân núi, hỏa pháo thăng thiên
bắn vọt lên trời. Nổ đến đùng một cái. Lập tức đoàn đệ tử phái Sài-sơn
hơn hai trăm người, xử dụng đủ mọi loại nhạc khí, đánh lên bản Động-đình ca. Trần Tự-Sơn đứng trước mũi thuyền, cạnh chàng có Hoàng Thiều-Hoa,
Đào Kỳ, Phương-Dung. Trên nóc thuyền, Khất đại phu, Tiên-yên nữ hiệp,
Chu Bá, Trần Năng.
Thuyền từ từ tiến vào bờ, giữa tiếng nhạc hùng tráng.
Từ bãi hồ lên lễ đài, Trưng Nhị đã cho sửa chữa, lấy đá làm thành những
bậc. Tất cả chín mươi chín bậc tượng trưng cho chín mươi chín lạc hầu
con Lạc Long-Quân. Lễ đài chính là bậc thứ một trăm tượng trưng Hùng
vương. Mỗi bậc có một lá cờ, biểu hiệu của các Lạc ấp đời vua Hùng.
Trần Tự-Sơn lấy trong bọc ra chiếc hộp ngà. Chàng trịnh trọng để lên
chiếc mâm vàng, trao cho Tử-Vân. Tử-Vân bưng mâm vàng đi trước. Trần
Tự-Sơn cùng đám anh hùng đi sau, hướng lên lễ đài.
Lễ đài làm bằng gỗ vuông vức, rộng ước khoảng mười trượng. Cao hơn hai
trượng. Trên lễ đài, cắm đủ thứ cờ của các môn phái, các trang, các ấp,
các động. Giữa lễ đài, bày sáu cái đỉnh đồng thành hàng chữ nhất, tượng
trưng cho sáu vùng Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, Giao-chỉ, Cửu-chân,
Nhật-nam. Phía sau sáu đỉnh đồng, một bài vị bằng gỗ dài rộng hơn ba
trượng, trên đề chữ thiếp vàng Liệt tổ Lĩnh-Nam chi linh vị.
Một cột cờ, xây bằng đá, cao ước năm mươi trượng (trăm mét ngày nay), có bậc thang lên phía trong. Trên đỉnh, kéo lá cờ Lĩnh Nam cực lớn. Gió hồ thổi, cờ bay phất phới. Sau cột cờ, là mười khán đài lớn. Mỗi khán đài
đặt mười tám hàng ghế. Người ngồi nghẹt.
Tiếng loa hô lớn:
– Anh hùng Lĩnh Nam đứng dậy, bái kiến sắc chỉ của Quốc tổ.
Thời Hồng-Bàng, đất Lĩnh Nam được gọi là nước Văn-Lang. Các vua Hùng
theo lệ cha truyền con nối. Đến năm 258 trước Tây lịch, nước Văn-Lang
trải qua 2622 năm. Vua Hùng, rượu chè, bỏ bê chính sự. Anh hùng Tây-vu
họp nhau bầu Thục-Phán làm thống lĩnh, đem quân đánh. Vua Hùng bị bại
nhảy xuống giếng tự tử. Thục-Phán lên làm vua, tức là An-Dương vương,
xưng quốc hiệu Âu-Lạc năm 257 trước Tây-lịch. Đó là ngày 6 tháng giêng.
Vì vậy tục ngữ Việt-Nam có câu:
Chết, bỏ con bỏ cháu,
Sống không bỏ mồng 6 tháng giêng.
An-Dương vương làm vua được năm mươi năm. Đến năm Quí-tỵ, nhằm 208 trước Tây-lịch, bị Triệu-Đà dùng con trai là Trọng-Thủy sang ở rể Âu-Lạc, phá nỏ thần, mà bị bại. Khi biết mình bị lừa, ngài viết chiếu chỉ nhường
ngôi cho người con trưởng của sư đệ Phương-chính hầu Trần Tự-Minh tên
Trần Tự-Anh, dặn phải phục quốc, rồi giết Mị-Châu, nhảy xuống biển tự
tử.
Trần Tự-Anh suất lĩnh đệ tử khởi binh, bị đánh bại. Con cháu các đời
nhận di chiếu, mưu phục quốc. Đến cha của Trần Tự-Sơn là Trần Kim-Bằng.
Ông đổi sang họ Nghiêm, đến học võ phái Quế-lâm, lên Trường-sa làm tướng cho Trường-sa Định-vương. Sau khi xảy ra vụ Hàn Tú-Anh, ông từ quan, về Quế-lâm dạy học trò, mưu phục quốc. Mọi người lầm tưởng ông là người
Hán. Chính vì vậy mà Quang-Vũ trọng dụng Nghiêm-Sơn, phong chàng làm
Lĩnh-nam vương. Tuy có đất Lĩnh-nam trong tay, mà Tự-Sơn không dám lật
ngược lại. Bởi bấy giờ đất Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, phần nửa là
người Hán. Đất Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam, trên từ Thái thú xuống tới
các võ tướng cao cấp đều là người Hán. Vì vậy một mặt chàng ngấm ngầm
liên kết với võ lâm anh hùng, khích phong trào Phản Hán phục Việt. Một
mặt chàng giao quyền dần vào tay người Việt.
Trước khi mang quân đánh Thục, chàng nhờ Đào Kỳ mời các cao nhân tới con thuyền trên sông Cối-giang, thố lộ thân thế. Hôm ấy các anh hùng đều
lạy chàng tám lạy, coi như lạy hoàng đế Lĩnh-Nam.
Hôm nay trong buổi lễ này, chàng sẽ đọc sắc chỉ đó.
Sáu cao nhân sáu vùng đứng trước lễ đài cung kính đón Trần Tự-Sơn. Họ hô lớn lên:
– Đào Thế-Kiệt, đại diện vùng Cửu-chân, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
– Trần Nhất-Gia, đại diện vùng Nam-hải, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
– Lương Hồng-Châu, đại diện vùng Quế-lâm, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
– Hàn Bạch, đại diện vùng Tượng-quận, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
– Lại Thế-Cường, đại diện vùng Nhật-nam, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
– Đặng Thi-Sách, đại diện vùng Giao-chỉ, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
Trần Tự-Sơn bưng hộp đựng chiếu chỉ để phía dưới bài vị.
Trưng Nhị nhân danh người tổ chức đại hội. Nàng đứng lên góc lễ đài vận khí vào đơn điền, lớn tiếng nói:
– Thưa các vị anh hùng Lĩnh Nam. Tôi được thái sư thúc Trần Đại-Sinh, sư bá Trần Thị Phương-Châu cùng các vị sư huynh, sư tỷ, ủy nhiệm cho tổ
chức đại hội hồ Động-đình tuyên cáo ngày khởi nghĩa của trăm họ Lĩnh
Nam.
Thưa các vị. Tại sao lại hội ở hồ Động-đình? Thưa, chỗ chúng ta đứng
này, xưa kia, Quốc-tổ Kinh-Dương vương, Lạc-Long quân cùng quốc mẫu kết
hôn, rồi lên núi Tam-sơn, thưởng ngoạn thắng cảnh. Vì vậy hồ Động-đình
coi như nơi phát tích hai vị Quốc-mẫu của chúng ta.
Sau đó nàng tường thuật tỷ mỷ việc An-Dương vương viết chiếu nhường ngôi cho Trần Tự-Anh, truyền phải phục quốc. Nàng còn kể hết những cơ cực
của Trần Tự-Sơn khi được phong Lĩnh-nam công. Một tên lính không có.
Thân cô, thế cô. Trong khi đó người Việt nghi ngờ, nhục mạ chàng Chó
Ngô, Hán bốn chân. Nhờ có chiếu chỉ An-Dương vương, chàng can đảm chịu
đựng kiên trì, đi đến thành công ngày nay. Hôm nay ngày 15 tháng 3 anh
hùng các nơi tề tụ, làm lễ tuyên cáo khởi nghĩa Lĩnh-nam, coi như ngày
phục hồi Lĩnh-nam.
Nàng dứt lời, ba hồi chiêng trống. Đoàn đệ tử Sài-sơn cử bài Động-đình
ca. Bản này tương truyền do Trương Chi soạn. Nguyễn Tam-Trinh sửa chữa
lại, chép thành nhạc phổ.
Nhạc dứt, Trưng-Nhị hô lớn:
– Con dân Lĩnh Nam quì xuống nghe sắc chỉ của Quốc-tổ.
Tất cả anh hùng đều quì xuống. Tự-Sơn lên đài, mở hộp thiếp vàng, cầm ra một tấm lụa. Chàng dõng dạc đọc:
Niên hiệu Âu-Lạc năm thứ năm mươi.
Âu-Lạc hoàng đế ban chiếu cho sư điệt, con dân Lĩnh-Nam.
Đất Lĩnh-Nam khởi từ Kinh-Dương vương lập quốc, đến nay trải 2677 năm.
Nam, bắc cương thổ đã định. Phong tục, tiếng nói, chữ viết, văn hiến có
khác. Ngũ-lĩnh về Bắc thuộc Trung-nguyên. Lĩnh Nam trở xuống thuộc
Âu-lạc. Sau Tần Thủy-Hoàng manh tâm sai Đồ Thư đánh xuống nam. Ta cùng
sư đệ Vũ Bảo-Trung, Cao Nỗ giết Đồ Thư, đánh tan năm trăm ngàn quân Tần. Lĩnh Nam đất rộng, người thưa, ta để mất Quế-lâm, Tượng-quận, Nam-hải.
Đêm đêm nằm nghĩ lại đau xót trong lòng. Chí muốn phục hồi, tướng sĩ một lòng. Ngặt vì dân ít, đành cắn răng mà chịu.
Ta vì già yếu, tinh thần lú lẫn. Không nghe lời can của sư đệ Vũ
Bảo-Trung, Cao Nỗ, để xảy ra vụ Mỵ-Châu, Trọng-Thủy. Nghĩ lại xấu hổ với con em Tây-vu, tủi hổ với con dân Âu-lạc. Nay ta nguyện lấy cái chết để đền tội.
Ta truyền ngôi cho con trưởng sư đệ Trần Tự-Minh là Trần Tự-Anh. Tự-Anh
thay ta suất lĩnh con em. Đánh đuổi Triệu Đà, phục hưng Lĩnh Nam.
Phàm phục hưng đất nước, không phải một người, mà phải nhiều người.
Con dân Âu-lạc phải sao cho triệu người cùng nghĩ, triệu người cùng làm, triệu người như một, thì giặc có mạnh đến đâu, rồi cũng phải tan. Mưu
đại sự phải bền gan. Hôm nay không xong, thì ngày mai. Ngày mai không
xong thì tháng sau. Tháng sau không xong thì năm sau. Một năm không xong thì mười năm. Mười năm không xong thì trăm năm. Đời này không thành thì đời sau. Miễn là đừng nản chí, thì trước sau Lĩnh-Nam cũng trở về với
người Việt.
Khi đất nước phục hồi rồi, thì họp anh hùng lại, cử lấy người làm vua
như xưa kia đệ tử Tây-vu đã cử ta. Song vết xe trước đã đổ: Cử ta lên,
mà không định rõ hạn kỳ, thành ra về già, ta lầm lẫn, làm mất nước. Vậy
sau khi đuổi được giặc dữ, Lĩnh Nam phục hồi, bầu lấy Lĩnh Nam hoàng đế, hạn sáu năm, cử lại một lần. Như vậy, người ngồi trên ngai mới thấy
trọng trách chăn dân là trọng yếu. Chứ không phải tự xưng Ta là con
trời, ngồi trên đầu trăm họ, không làm lợi ích cho đất nước.
Xin thần dân Âu-lạc, tha tội cho trẫm. Trẫm lấy cái chết, để đền tội với liệt tổ Lĩnh Nam.
Khâm thử.
Trưng Nhị dõng dạc nói:
– Con dân Lĩnh Nam đứng dậy. Mời các vị anh hùng an tọa. Theo chiếu chỉ
của Quốc-tổ Âu-Lạc, thì người kế vị ngài là Trần Tự-Anh. Nếu kể từ
An-dương vương đến Trần Tự-Sơn gồm mười đời. Toàn thể con dân Lĩnh Nam
quì xuống bái kiến hoàng đế Lĩnh Nam họ Trần.
Anh hùng các lộ đều quì xuống tung hô:
– Hoàng đế Lĩnh Nam muôn năm.
Trưng Nhị hô:
– Kính mời quí khách tới lễ Quốc-tổ Hùng-vương, An-Dương vương. Đầu tiên mời Tiểu Khổng-tử tức Lục Mạnh-Tân tiên sinh.
Đào Kỳ là học trò yêu của Lục Mạnh-Tân. Chàng đến khán đài của ông,
hướng dẫn ông lên đài. Ông mặc quần áo nho sĩ Trung-nguyên. Gió hồ thổi y phục bay phơi phới. Người người đều tấm tắc:
– Giống Khổng-tử, Mạnh-tử thực.
Lục Mạnh-Tân cùng vợ là Lê Phương-Lan quì gối trước bài vị Quốc-tổ lễ tám lễ. Ông đứng dậy nói:
– Tôi là môn đồ Khổng, Mạnh. Đức thánh Khổng chỉ dạy nhân nghĩa, không
dạy người ta chém giết nhau. Tôi từ Trung-nguyên, đến Lĩnh Nam truyền
đạo thánh. Anh hùng Lĩnh Nam không coi tôi là cừu thù, đãi tôi như
khách. Hôm nay Lĩnh Nam phục hồi. Tôi kính cẩn chúc mừng toàn thể anh
hùng, trăm họ Lĩnh Nam an cư lạc nghiệp.
Tiếng vỗ tay hoan hô rung động cả núi Tam-sơn.
Lục Mạnh-Tân với vợ xuống đài. Trưng Nhị hô tiếp:
– Kính mời Ngũ-phương Thần-kiếm lên đài lễ Quốc-tổ Lĩnh Nam
Ngũ-phương Thần-kiếm danh vang Trung-nguyên, Lĩnh Nam. Trước đây họ giúp Cảnh-Thủy hoàng đế khởi binh ở Quan-Trung, đánh chiếm Trường-an,
Thiên-thủy, Lâm-đồng. Sau khi thành công, họ từ khước quan tước.
Cảnh-Thủy hoàng đế cảm động, tặng họ một thanh Thượng-phương bảo kiếm
được quyền Thượng trảm hôn quân, hạ trảm gian thần. Quang-Vũ cướp sự
nghiệp của Cảnh-Thủy hoàng đế. Y sợ Ngũ-phương Thần-kiếm hỏi tội. Nhân
vụ quan lại Lĩnh Nam gửi mật tấu về rằng Nghiêm Sơn làm phản. Quang-Vũ
làm như tin tưởng Ngũ-kiếm, phái họ xuống Lĩnh Nam điều tra. Nếu họ giết Nghiêm Sơn hay Nghiêm Sơn giết họ đều có lợi cho y. Không ngờ họ là
người hiệp nghĩa. Đến Lĩnh Nam thấy dân chúng khốn khổ với bọn tham
quan. Họ cho rằng nếu trả Lĩnh Nam cho người Việt thì dân chúng sung
sướng hơn. Họ quay ra giúp anh hùng Lĩnh Nam. Nhân vụ án Hàn Tú-Anh, họ
về Trường-an hạch tội Quang-Vũ. Trận Trường-an giữa liên quân
Thục-Lĩnh-Nam với Quang-Vũ. Họ chỉ thân với Lĩnh Nam, chứ trước mắt họ,
Thục là một thứ giặc cướp biên cương. Họ giúp Quang-Vũ đánh Thục. Trong
suốt mười năm qua, họ kinh lược một giải đất Lĩnh Nam, dùng võ đạo, giết không biết bao nhiêu bọn cường hào, ác bá, bọn tham quan, cứu giúp
người vô tội. Khắp Lĩnh Nam, tiếng tăm vang dội.
Ngũ-kiếm lên đài, quì xuống lễ tám lễ, rồi đứng dậy. Hoàng-Kiếm dõng dạc nói:
– Thưa các vị anh hùng Lĩnh Nam. Hôm nay Lĩnh Nam được phục hồi. Nam,
Bắc sống hòa hợp. Anh em chúng tôi nguyện đem võ công, giết bất cứ người nào dù Hán, dù Việt, chủ trương gây hận thù Hán, Việt. Anh em chúng tôi kính chúc Lĩnh Nam trường tồn vạn đại.
Trưng Nhị lại xướng:
– Kính mời Công-chúa Vĩnh-Hòa, Quận-chúa Chu Thúy-Phượng, Lý Lan-Anh. Ba vị xuất thân cành vàng lá ngọc. Song lại là đệ tử của Khúc-giang ngũ
hiệp.
Ba nàng khoan thai lên đài. Núi Tam-sơn có hàng vạn người, đều im lặng
nhìn ba thiếu nữ có sắc đẹp nhu nhã. Gió hồ thổi, y phục các nàng bay
phất phới, sắc đẹp diễm kiều. Người nhìn dù nam, dù nữ, đều suýt xoa
không gớt. Ba nàng quì xuống lễ đủ tám lễ. Công-chúa Vĩnh-Hòa quay lại
vẫy tay. Cung nữ theo hầu dâng cho nàng cây đàn tranh, dâng cho Chu
Thúy-Phượng cây đàn nguyệt. Quân chúa Lý Lan-Anh lấy trong bọc ra ống
tiêu bằng ngọc xanh mướt. Ba nàng ngồi xuống tấu nhạc. Khán giả nghe
tiếng nhạc đều ngơ ngẩn hỏi nhau:
– Khúc này là khúc gì vậy?
Các nàng vừa tấu nhạc, vừa cất tiếng ca bằng lời Việt. Nội dung bản nhạc ca tụng đức Thục An-Dương vương khởi binh từ Tây-vu, đánh quân Tần,
được dân Việt tôn làm Quốc-tổ. Tấu xong Công-chúa Vĩnh-Hòa nói:
– Tiểu nữ là đệ tử hào kiệt Lĩnh Nam, đặt khúc nhạc, lòng thành kính
dâng Quốc-tổ. Tiểu nữ kính xin liệt tổ Lĩnh Nam phù hộ cho hai nước
Trung-nguyên, Lĩnh Nam, đời đời sống như anh em.
Đợi ba nàng xuống đài. Trưng Nhị xướng:
– Kính mời Thiên-sơn lão tiên và đại diện Thiên-sơn thất hiệp lên lễ Quốc-tổ Lĩnh Nam:
Thiên-sơn thất hiệp chiếm Ích-châu, Hán-trung, Kinh-châu dựng thành
triều đại. Dùng hiệp sĩ cai trị dân. Thiên-sơn lão tiên kết bạn với Khất đại phu Trần Đại-Sinh. Khất đại phu tiếp ông lên đài. Cạnh ông là Thái
tử Công-tôn Tư, tri kỷ của Phùng Vĩnh-Hoa. Phùng Vĩnh-Hoa tiếp đón
Công-tôn Tư lên đài.
Thiên-sơn lão tiên mang theo hai mươi cân Nhân-sâm ở núi Thiên-sơn, làm
lễ dâng Quốc-tổ. Thái tử Công-tôn Tư đại diện Thục đế Công-tôn Thuật
dâng lên một ngàn tấm gấm Thục.
Sau đó tới sứ giả của Hoài-nam vương, Tần vương, Đại tư mã Cao-mật hầu
Đặng Vũ, Bô-lỗ đại tướng quân Dương-hư hầu Mã Vũ, Tây-cung quí phi Chu
Tường-Qui.
Sứ giả Tây-cung quí phi còn gửi quà kính dâng Thái sư phụ Khất-đại phu, quốc cữu Chu Bá và một hộp cho Hán-trung vương Đào Kỳ.
Đào Kỳ tiếp nhận hộp quà, tim chàng đập rộn ràng. Chàng tự hỏi Tường-Qui tặng ta gì đây?. Chàng liếc nhìn Phương-Dung, nàng cười tủm tỉm, nheo
mắt trêu chàng. Hồ Đề tính thẳng thắn như con trai. Nàng bảo Đào-Kỳ:
– Đào tam đệ nhớ nhé: Nàng tặng quà thì được quyền nhận. Còn kia khác
thì một, trái lời lão bá, đại bất hiếu. Hai là thất hứa với ta. Ta cho
ong đốt đừng có trách.
Đào Kỳ cầm gói quà, trên có chữ Tường-Qui viết rất đẹp:
Thanh thanh tử khâm,
Du du ngã tâm.
Hồi ở Thái-hà trang, Đào-Kỳ đã viết hai câu thơ này cho nàng, khi chàng
rời trang ra đi. Sau nàng viết vào bộ quần áo, tặng chàng. Hai câu có
nghĩa rằng Tà áo xanh xanh. Lòng dạ buồn mênh mang. Chàng tự nghĩ:
Phương-Dung đang có mang. Ta với nàng sắp có con, ta phải tỏ ra đường
đường chính chính. Chàng đưa hộp cho Phương-Dung:
– Em mở ra xem trong có gì? Biết đâu chẳng có món gì cho em?
Phương-Dung mở ra, trong có một đôi vòng ngọc đeo tay, một xanh, một đỏ. Cạnh một mảnh giấy viết:
Nghe tin sư tỷ Phương-Dung mang thai. Tiểu muội gửi chút quà, mừng cháu
bé. Nếu là gái, xin đặt tên Đào-Tường-Qui. Nếu trai xin đặt Đào Tử-Khâm.
Trên đài bắt đầu tế tổ. Ban tế gồm Đào Thế-Kiệt, Đặng Thi-Sách, Nguyễn
Tam-Trinh, Đào Thế-Hùng, Nguyễn Thành-Công. Ban nữ tế gồm Trưng Trắc,
Trưng Nhị, Hoàng Thiều-Hoa, Nguyễn Thánh-Thiên, Lê Chân, Trần Năng.
Chiêng trống, đánh vang lừng, khói hương nghi ngút. Đào Kỳ được cử đọc
văn tế. Bài văn tế do Phùng Vĩnh-Hoa soạn. Ngụ ý ca tụng công đức
Quốc-tổ, Quốc-mẫu, An-Dương vương.
Lối tế thời Lĩnh Nam khác hẳn với lối tế đời Lê, Nguyễn sau này. Tế rất dài, nào dâng rượu, nào dâng thịt, nào dâng hoa quả.
Đào Kỳ, Phương-Dung quen mặt hầu hết các anh hùng. Hai người chạy đi
khắp khán đài chào hỏi. Đến khán đài phái Sài-sơn, hai người chào tám vị thái bảo. Đệ tử phái Sài-sơn đông đến ngàn người. Nữ nhiều hơn nam.
Phùng Vĩnh-Hoa, Lê Chân, Nguyễn Giao-Chi, Trần Quốc, Mai-động ngũ hùng,
Thiên-trường tam kiệt, Vũ Trinh-Thục, Đàm Ngọc-Nga đang trao đổi tin
tức. Nào truyện Trung-nguyên, nào truyện Lĩnh Nam. Một bàn tay nhỏ bé
nắm lấy tay Đào Kỳ. Chàng nhìn lại, thì ra cô bé Tía, có tên Tử-Vân. Bây giờ nàng trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Tử-Vân nói:
– Đào đại ca! Em nghe chị Giao-Long nói, lúc đại ca tưởng mình chết, còn nghĩ đến em. Đại ca dặn chị Giao-Long dạy em bản lĩnh lội nước. Đại ca
thực chu đáo qúa, lúc nào cũng nghĩ đến em.
Trần Quốc cười lớn:
– Đại ca dặn vậy, chứ bản lĩnh Tía không thua gì em đâu.
Hai người đến phái Tản-viên. Nào Nguyễn Thành-Công, Đặng Thi-Kế, Hùng
Bảo, Trần Năng, Lê Ngọc-Trinh, Lê Thị-Lan, Lê Anh-Tuấn, Hùng Xuân-Nương, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa, Nguyễn Quí-Lan. Mặt người nào cũng hớn hở.
Từ lúc đến núi Tam-sơn bây giờ Đào Kỳ mới trở lại phái Cửu-chân. Chàng
ôm lấy mẹ, bế bổng bà lên. Cạnh đó, kia là cậu Đinh Đại với các em Quách Lãng, Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương. Kia là sư huynh Trần Dương-Đức, sư tỷ Nguyễn Tường-Loan, hai anh Đào Nghi-Sơn, Đào Biện-Sơn.
Bà Đào Thế-Kiệt bảo chàng:
– Mẹ đã làm lễ thành hôn cho đại sư ca Trần Dương-Đức với sư tỷ Tường-Loan rồi. Con ở xa quá, mẹ không báo tin được.
Công chúa Vĩnh-Hòa đang nói truyện với Đào Nghi-Sơn, Quận chúa Lý
Lan-Anh đang nói truyện với Đào Biện-Sơn. Đào Quí-Minh nói truyện với
quận chúa Chu Thúy-Phượng. Đinh Hồng-Thanh nói truyện với Đào Hiển-Hiệu.
Ông Đào Thế-Hùng, mặt tươi hơn bao giờ hết. Ông nói với Đào Kỳ:
– Con làm Chinh-viễn đại tướng quân. Em Hiển-Hiệu làm Hổ-nha đại tướng
quân. Bây giờ, con, cháu đều có tài dùng binh, chắc chắn hơn bố với chú
rồi.
Phương-Dung dẫn Đào Kỳ lại phái Long-biên. Vắng mặt Nguyễn Trát và các
anh. Nàng hơi buồn. Chỉ có ba sư thúc Phan Đông-Bảng, Trương Thủy-Hải,
Trương Đằng-Giang. Bốn anh em Mai Đạt với Lê Thị-Hoa cũng có mặt.
Sau khi chào hỏi hết các phái. Đào Kỳ tính nhẩm nói:
– Trước anh cứ tưởng, trong các phái võ Lĩnh Nam, phái Tản-viên đông
nhất. Không ngờ hôm nay kiểm lại, phái Tản-viên chỉ có trên hai ngàn
người. Trong khi phái Khúc-giang đông tới năm ngàn người. Ghê thực!
Sau đại tiệc. Quan khách ra về. Tới phần tuyên bố khởi nghĩa.
Hồ Đề lệnh cho Ngao-sơn tứ lão, kiểm lại khắp Tam-sơn. Các môn phái các
trang, ấp, tra xét người của mình,để phòng gian tế. Công tác chấm dứt.
Trưng Nhị xướng:
– Mời các vị đứng lên nghe chiếu chỉ của hoàng đế Lĩnh Nam.
Quần hùng đứng dậy. Trần Tự-Sơn đứng lên giữa lễ đài nói lớn:
– Đất Lĩnh Nam chúng ta, trải qua hai trăn năm, bị người cai trị. Dân
chúng muốn sống không nổi. Muốn chết không xong. Người người đều muốn hy sinh cho chính nghĩa phục quốc. Hôm nay, bản nhân tuyên bố: Tổng khởi
nghĩa trên toàn thể Lĩnh Nam. Ngày hôm nay được gọi là ngày phục hồi
Lĩnh Nam.
Quần hùng reo hò vang dội.
Trăm hỏa pháo tung lên trời, tượng trưng cho Quốc-tổ sinh trăm người
con. Pháo nổ vang, khói bay mù mịt. Đào Nhất-Gia, tức Sún Lé cầm cờ xanh phất lên. Từ phía xa xa, sáu đoàn Thần-ưng. Mỗi đoàn trăm con, bay lại
khán đài. Chùng lượn thành vòng tròn, kêu lên đồng loạt.
Ba hồi chiêng trống chấm đứt. Đệ tử Sài-sơn cử bản Động-Đình ca.
Trần Tự-Sơn tiếp:
– Bản nhân, nhận di chiếu từ thân phụ. Được các vị anh hùng đồng tâm,
cộng lực, phục hồi được Lĩnh Nam. Theo di chiếu Quốc-tổ Âu-Lạc, bản nhân là Lĩnh Nam hoàng đế. Song cũng di chiếu, ngài dạy rằng, sau khi phục
quốc, thì bản nhân phải thoái vị, để các lộ anh hùng cử lấy một Hoàng-đế Lĩnh Nam khác. Bản nhân thoái vị kể từ lúc này. Thái thú sáu quận
Lĩnh-nam, thì năm quận do Hợp-phố lục hiệp. Tổng trấn Lĩnh Nam là
Long-biên đình hầu, Uy-viễn đại tướng quân Lưu Nhất-Phương. Khi các vị
đem quân đến, họ sẽ trao quyền cho các vị. Hợp-phố lục hiệp, vốn là
người võ lâm, họ cùng tâm nguyện như bản nhân. Nay nhiệm vụ đã xong. Họ
lại ngao du sơn thủy.
Quần hùng vỗ tay vang dội, đồng hô:
– Lĩnh Nam muôn năm.
– Quốc tổ An-Dương vương muôn năm.
Trần Tự-Sơn hô lớn:
– Hỡi con cháu Hùng-vương, An-Dương vương! Hỡi các đệ tử của Vạn-tín
hầu, Phương-chính hầu, Cao-cảnh hầu, Trung-tín hầu! Hỡi các đệ tử của
Phù-Đổng thiên vương! Của thánh Tản-viên. Hôm nay là ngày tổng khởi
nghĩa. Chúng ta hãy chuẩn bị giữ lấy đất Lĩnh Nam, bảo tồn giòng giống
Việt.
Quần hùng lại vỗ tay vang dội. Đồng hô lớn:
– Nguyện hy sinh cho Lĩnh Nam.
Trần Tự-Sơn tiếp:
– Vâng thánh chỉ của Quốc-tổ. Bản nhân thoái vị hoàng đế. Bây giờ chúng
ta suy cử tân hoàng đế. Tân hoàng đế cai trị dân trong sáu năm, và không được tái cử.
Ngưng lại cho anh hùng theo kịp lời nói. Chàng tiếp:
– Trước hết các trang, các ấp, mỗi trang ấp có một lạc hầu, lạc tướng,
động chủ, châu trưởng. Nơi nào theo chế độ cha truyền con nối, vẫn giữ
nguyên. Nơi nào theo chế độ cử hiền thì tiếp tục. Cứ bốn năm cử lại một
lần.
– Phàm các huyện, cử lấy một Lạc-công. Lạc-công do Lạc-hầu, Lạc-tướng,
Động-chủ, Châu-trưởng hợp lại cử lên. Cứ sáu năm cử lại một lần.
– Lĩnh Nam có sáu vùng, các vị Lạc-hầu, Lạc-tướng, Động-chủ,
Châu-trưởng, Lạc-công cử lấy một Lạc-vương. Lệ sáu năm cử lại một lần.
– Các Lạc-công, Lạc-vương, hợp nhau cử lấy một Hoàng đế Lĩnh Nam. Lệ sáu năm cử lại một lần.
– Phàm kẻ nào cố ý, gian ý, hiếu danh, muốn ngồi lại chức vị, đều phải trừ diệt.
Quần hùng vỗ tay rung động trời đất.
Trần Tự-Sơn hỏi:
– Ai có ý kiến gì?
Trưng Trắc đứng lên nói:
– Hôm nay mới là ngày tuyên bố khởi nghĩa. Thực tế chúng ta còn trọn vẹn đất Giao-chỉ, hơn mười huyện trong tay Hán. Tổ chức, quan lại vẫn là
ngươi Hán. Bây giờ cần có một Hoàng-đế trong lúc giao tiếp, để điều
khiển cuộc khởi nghĩa. Xin cựu Hoàng-đế ban chỉ, ai sẽ lĩnh nhiệm vụ khó khăn này?
Trần Tự-Sơn gật đầu:
– Ngày trước Cao-tổ nhà Hán tự hào: Ta ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ. Trương-Lương trả lời: Bệ hạ không thể ngồi trên lưng ngựa mà cai
trị thiên hạ. Bây giờ ta chỉ định một người thay ta, lĩnh nhiệm vụ Ngồi
trên lưng ngựa, dành thiên hạ. Người đó văn võ toàn tài, thông hiểu mọi
thâm mưu của triều Hán, em kết nghĩa của ta. Tức Đô Dương.
Đô Dương từ dưới đài bước lên bái lậy trước bàn thờ Quốc-tổ:
– Đệ tử Đô Dương, tuân chỉ hoàng đế Lĩnh Nam thứ nhất, thay người, điều
khiển quần hùng khởi nghĩa. Sau khi sạch bóng quân thù, đệ tử xin từ
chức. Để anh hùng Lĩnh Nam cử một tân hoàng đế.
Trần Tự-Sơn vỗ vai Đô Dương:
– Công việc khó khăn, anh đã làm xong. Mong em kế tiếp sự nghiệp.
Đô Dương kính cẩn nói:
– Em xin tuân chỉ của anh.
Đô Dương hướng vào quần hùng:
– Chúng ta có sáu vùng. Vậy cần cử lấy sáu vị Lạc vương, ngồi trên mình
ngựa được thiên hạ. Để trở về điều khiển cuộc khởi nghĩa. Nào các vị họp nhau, để cử ngay tức thời.
Quần hùng náo loạn lên. Song vì cùng một chí hướng. Chỉ phút chốc, đã im lặng. Họ chia làm sáu nhóm để cử lấy sáu vị vương. Cuối cùng sáu lạc
vương:
– Nam-hải: Trần Nhất-Gia.
– Quế-lâm: Lương Hồng-Châu.
– Tượng-quận: Hàn Bạch.
– Giao-chỉ: Đặng Thi-Sách.
– Cửu-chân: Đào Thế-Kiệt.
– Nhật-nam: Lại Thế-Cường.
Trần Tự-Sơn nói với Đô Dương:
– Đô hiền đệ. Đạo trị nước lấy khoan hòa, liêm chính làm đầu. Người làm
tướng phải biết lẽ Phân, Hợp. Phân thì bại. Hợp thì thành. Thôi ta để
hiền đệ lo việc lớn.
Quần hùng ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu thế nào là phân, thế nào là
hợp. Chỉ có Trưng Nhị, Phương-Dung, Đào Kỳ, Phùng Vĩnh-Hoa tỏ ý hiểu.
Đô Dương kính cẩn hỏi:
– Tiểu đệ ngu tối, không hiểu lẽ Hợp và Phân trong tình thế hiện tại. Mong đại ca chỉ dạy cho.
Trần Tự-Sơn nhìn Đô Dương, Đào Kỳ hỏi:
– Trước đây ta đã giảng cho hai hiền đệ nghe về lẽ Hợp-Phân trong thiên
hạ. Tần Thủy-Hoàng thống nhất thiên hạ. Lẽ Hợp của Tần là: Không còn
cảnh chia xẻ làm nhiều nước, chinh chiến. Tiếng nói trước khác nhau, nay hợp còn một thứ. Pháp chế khác nhau nay còn một loại... Phân của
Thủy-Hoàng là không dung hòa được tình người. Bảy nước Tần, Tề, Yên,
Ngụy, Triệu, Hàn, Sở mỗi vùng khí hậu khác nhau, phong tục có khác. Tư
tưởng con người mỗi thời một biến dạng. Thủy-Hoàng không nhận ra lẽ đó,
bắt trăm nhà nói cùng một tiếng, sống cùng một phong tục. Nhà, nhà bỡ
ngỡ. Bỡ ngỡ thì chống đối. Chống đối thì chỉ trích. Thủy-Hoàng đem sách
đốt đi, chôn học trò. Tưởng với gươm đao có thể khuất phục tư tưởng
thiên hạ. Nếu y khôn, cứ để trăm họ cùng một luật pháp, sống chung, rồi
dần dần cái nào hay sẽ tồn tại. Cái nào dở sẽ biến đi. Y sẽ thành minh
quân. Ngược lại, y muốn trăm họ phải cúi đầu như chó, như lợn. Bởi vậy
quần hùng mới nổi lên chống y. Y bị diệt.
Ngưng một lát, Tự-Sơn tiếp:
– Cao-tổ nhà Hán đánh vào Hàm-dương, diệt Tần. Ban hành Ước pháp tam
chương, thiên hạ qui phục là tại sao? Cao-tổ hiểu lẽ Phân của Tần, lấy
làm lẽ Hợp của mình. Tần hà khắc, bắt trăm họ phải nghĩ theo mình, viết
theo mình, nay ban Ước pháp, giảm hình phạt. Dân chúng như chim trong
lồng được thả ra rừng. Như cá trong chậu, được thả về sông. Vì vậy mà
được thiên hạ. Cái Phân của Cao-tổ, là ngài xuất thân làm đình trưởng,
thất học. Thích rượu, thích gái đẹp. Nhờ tam anh Trương Lương, Tiêu Hà,
Hàn Tín mà được thiên hạ. Khi được nước ngài lo lắng làm sao cai trị
thiên hạ? Ngày đêm lo sợ các tướng phản mình. Ngài tìm tội, bới lỗi từng người, đem chặt đầu. Đó là Phân. Điều này ta đã giảng rồi, Đô hiền đệ
nhắc lại ta coi.
Đô Dương nói:
– Sau khi diệt Hạng-Vũ. Cao-tổ không chịu phong chức tước cho các tướng. Họ không có việc gì làm, chiều chiều ra bãi sông phi ngựa, đua với
nhau. Cao-tổ đứng trên lầu hỏi Trương-Lương Họ hội nhau làm gì vậy?
Trương Lương đáp Họ bàn nhau phản bệ hạ đấy. Cao-tổ thất kinh hỏi Tại
sao họ phản ta?. Trương-Lương đáp: Họ vào sinh ra tử, cùng bệ hạ mưu cầu đại sự. Khi được thiên hạ. Bệ hạ phải biết giang sơn là của chung, chia nhau hưởng. Bệ hạ quên hết công lao của họ. Tự coi giang sơn của mình.
Một tờ giấy, phong cho họ chức tước cũng tiếc. Hàng ngày cứ tìm lỗi,
chặt đầu họ. Thì đương nhiên họ phản bệ hạ, dành lại phần của họ. Cao tổ hỏi: Làm sao bây giờ?. Trương Lương nói: Không khó gì. Bình nhật bệ hạ
ghét ai nhất. Đáp: Bình nhật ta ghét nhất Ung-Sỉ. Trước y theo Hạng-Vũ
vây bắt vợ con ta. Trương Lương nói: Vậy thì thế này: Bệ hạ gọi Ung-Sỉ
vào, phong cho y một chức. Các tướng sẽ nghĩ: Đến như Ung-Sỉ còn được
phong tước. Thì ra Thiên-tử còn suy nghĩ đó thôi. Trước sau gì cũng đến
lượt ta. Sau đó bệ hạ phong cho mỗi người một chức, một tước. Cao-tổ làm theo. Đang Phân Trương-Lương biến thành Hợp.
Trần Tự-Sơn hỏi:
– Bây giờ đến lẽ Phân và Hợp của Lĩnh Nam. Trong các tướng hiện diện,
đều là sư muội, sư đệ của ta. Không ít thì nhiều, do ta đào tạo. Các
ngươi hãy tìm lẽ Phân và Hợp của Lĩnh Nam ta. Không tìm ra, thì Lĩnh Nam không giữ được lâu. Nào Trưng Trắc, sư muội có hùng tâm, tráng chí bậc
nhất, không ai theo kịp. Sư muội thử nói về lẽ Phân-Hợp của đất Lĩnh Nam xem sao?
Trưng Trắc không suy nghĩ, nói liền:
– Đó là điều tiểu muội lo lắng từ lâu. Thời Văn-Lang, đất Lĩnh Nam do
Bách-việt ở. Thời Âu-Lạc, Đồ-Thư lấy mất Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận,
nngười Việt di chuyển về phương Nam. Còn ai ở lại, bị coi như thú vật.
Đó là Phân. Triệu Đà đánh Âu Lạc, lập Nam-Việt, cho người Việt, người
Hán như nhau. Triệu Đà đã giải được cái Phân tạo thành cái Hợp. Do vậy y cai trị Lĩnh Nam trong một thời. Hán diệt Triệu Đà, muốn người Việt
thành Hán hết, tạo ra hai thứ luật. Người Việt bị coi như trâu, như chó. Đó là cái lẽ Hợp làm cho người Việt biến thành Hán. Song hào kiệt Lĩnh
Nam hô hào Phản Hán phục Việt. Biến Hợp thành Phân. Cho nên nay chúng ta mới đòi được Lĩnh Nam. Cái Phân của chúng ta, do dân chúng Nam-hải,
Quế-lâm, Tượng-quận hiện quá nửa là người Hán. Đó là lẽ Phân. Nếu bây
giờ thừa thắng, chúng ta đánh đuổi, giết chết người Hán. Họ sẽ nổi loạn, đến Lạc-dương cầu viện Quang-Vũ. Quang-Vũ ban sắc chỉ phong cho hào
kiệt người Hán một số chức tước. Y chỉ mất có mấy tờ giấy, khiến Lĩnh
Nam có chiến tranh. Đợi khi ta mệt mỏi, y đem một đạo quân xuống nam,
thì ta lại vong quốc. Vậy khi ta kéo quân đến các địa phương, lập Lĩnh
Nam, trước phải ban hành tờ Đại cáo thiên hạ, nói rõ: Ai sống ở đất Lĩnh Nam đều là con dân Lĩnh Nam. Không phân biệt Hán, Việt, Mường, Thái,
Chàm. Ai có tài, được dùng. Ai có đức được trọng. Ai có tội thì trừng
trị. Quan lại, trang ấp của ai, người đó giữ. Tuyệt đối tránh gây thù
hận Hán, Việt.
Trần Tự-Sơn gật đầu:
– Nếu ta được quyền truyền ngôi vua. Ta truyền cho sư muội làm Hoàng-đế. Sư muội kiến giải hơn cả ta. Phục, đáng phục.
Đến đó, có Thần-ưng bay vào. Hồ Đề biết Thần-ưng đưa thư. Nàng mở ống
tre dưới chân Thần-ưng ra, có bức thư. Nàng đọc lớn, cho mọi người nghe:
Có một người, tên Đô Thiên, lĩnh chức Thái-thú Hán-trung, đem bản bộ
quân mã, tướng sĩ đến Kinh-châu. Y muốn tới hồ Động-đình theo yết kiến
đại hiệp Trần Tự-Sơn.
Dưới đóng ấn của Công-tôn Thiệu. Trần Tự-Sơn bảo Trưng Nhị:
– Đô Thiên là nghĩa đệ của ta. Y là người Hán. Tước phong hầu, lĩnh thái thú Hán-trung. Khi ta bị giam ở Trường-an, sư muội thuyết phục y đón
đường giết sứ giả. Bây giờ y mang quân theo ta. Vậy sư muội viết thư cho Công-tôn Thiệu, để Thiệu cho Đô Thiên và tướng sĩ tới với ta. Hà! Ta có hai đại tướng người Hán, về với Lĩnh Nam một, là Minh-Giang, hai là Đô
Thiên. Tốt quá.
Tự-Sơn hỏi Đào Kỳ:
– Sư đệ làm Chinh-viễn đại tướng quân! Sư đệ thống lĩnh quân mã toàn
Lĩnh Nam đánh Thục. Quân sĩ Hán, Việt hỗn hợp. Bây giờ sư đệ giải quyết
sao?
Đào Kỳ đứng dậy kính cẩn nói:
– Hồi nhỏ, tiểu đệ vốn ác cảm với binh sĩ người Hán. Trong trận đánh
cảng Bắc, gặp đại ca. Tiểu đệ tưởng đại ca là người Hán, mà không thấy
ác cảm. Tính tình hào sảng, hiệp nghĩa của đại ca đã làm mòn thù hằn
Hán-Việt trong lòng tiểu đệ. Đến khi gặp Lục sư phụ dạy học thuật
Trung-nguyên cho tiểu đệ, trong lòng tiểu đệ nảy sinh ra mối thiện cảm
với Hán. Hán mà như Lục sư phụ, Việt mà như Lê Đạo-Sinh, thà Hán còn hơn Việt. Từ đấy bao nhiêu ác cảm với người Hán hết sạch. Có còn, là còn ý
muốn phục hồi Lĩnh Nam mà thôi.
Chàng nhìn Minh-Giang nói:
– Khi làm đại tướng quân, sống với binh, tướng Hán. Đệ tìm ra ở họ những nét hào hùng như người Việt. Từ đấy, khi thưởng, phạt, đệ không còn để ý đến họ là Hán hay Việt. Cho nên khi đề cử đại tướng chỉ huy đạo quân
Quế-lâm, đệ mới cử Minh-Giang. Bây giờ đệ sẽ ban lệnh đến tất cả tướng
sĩ, an ủi họ. Nói cho họ biết Lĩnh Nam là đất của chung. Hán cũng thế,
Việt cũng vậy. Gia đình, của cải, chức tước của họ được giữ nguyên. Đệ
đã ban lệnh xuống hôm trước bắt các tướng soái, coi binh sĩ như huynh
đệ, bỏ hẳn lối coi họ như tôi tớ của tướng Hán trước đây.
Trần Tự-Sơn gật đầu:
– Điều ta lo lắng Dân Hán thì Trưng Trắc đã nhìn ra. Quân Hán thì Đào
tiểu đệ đã làm. Ta yên tâm. Bây giờ ta ngao du hồ Động-đình. Ta sinh ra, từ khi biết nói, đã phải lo lắng ngày đêm. Lúc này ta mới được thảnh
thơi đắc ý.
Chàng hỏi Hoàng Thiều-Hoa:
– Em Hoa! Ta ước ao mãi mới có ngày hôm nay. Ta không thể giúp Quang-Vũ
đánh Lĩnh Nam, đất tổ của ta. Ta không thể vì Lĩnh Nam, đánh nghĩa huynh Quang-Vũ, giết các tướng soái Hán, đã từng dưới quyền ta. Ta chỉ muốn
cho hai bên không chiến tranh. Nào Thiều-Hoa, chúng ta đi thôi!
Hoàng Thiều-Hoa nhìn chồng, rồi liếc nhìn sư phụ, sư mẫu, Đào Kỳ. Nàng thở dài, nói với Trần Tự-Sơn:
– Nhất sinh em mồ côi. Sư phụ, sư mẫu nuôi em như con. Em sống những
ngày hạnh phúc bên người, bên sư đệ. Em làm vợ anh đã mười hai năm. Hạnh phúc nhất trần gian. Em xin phép anh, để cho em báo hiếu Lĩnh Nam. Báo
hiếu sư phụ, sư mẫu. Em phải cùng sư phụ, sư đệ trở về đánh chiếm
Cửu-chân. Sau đó em sẽ của anh trọn vẹn.
Trần Tự-Sơn nắm tay Thiều-Hoa:
– Được sống cạnh em một năm anh cũng thấy mãn nguyện rồi. Bây giờ anh để em báo hiếu Quốc-tổ, báo hiếu sư phụ. Đợi chiếm xong Cửu-chân. Anh đến
đón em ngao du sơn thủy.
Chàng thủng thẳng rời lễ đài. Quần hùng cung kính đứng dậy, tiễn đưa.
Chàng vừa bước xuống khỏi đài, thì một người da đen bóng, mặc áo đại
hồng chắp tay đón chàng:
– A Di Đà Phật. Trần thí chủ. Thí chủ đã cứu trăm họ Lĩnh Nam. Giờ bần
tăng dám cả gan mời thí chủ, cùng bần tăng ngao du bốn phương. Đem đạo
của đức Thế-tôn truyền cho chúng sinh.
Hai người nắm tay nhau, thoáng một cái, biến vào rừng Tam-sơn mất dạng.
Đô Dương mời mọi người vào họp. Chàng hỏi Đào Kỳ:
– Đào hiền đệ, ngươi làm Chinh-viễn đại tướng quân, vậy ngươi cho ta biết tình hình các đạo quân ra sao?
Đào Kỳ đứng dậy nói:
– Khởi hành tại Lĩnh Nam có sáu đạo quân.
– Đạo Nhật-nam do sư bá Lại Thế-Cường lĩnh ấn Long-nhượng đại tướng
quân. Gồm ba quân Bộ, ba sư Kị, ba Hải-đoàn. Thành phần ba Hán một Việt. Trong trận đánh Xuyên-khẩu, Bạch-đế, Nam-dương, tổn thất rất nhiều. Đã
được bổ xung. Hiện nửa Hán nửa Việt.
Đô Dương nói với Lại Thế-Cường:
– Nhật-nam, là đất không có người Hán. Thế lực của Nhật-nam thất hiệp
rất lớn, không cần quân nhiều. Sư bá giao ba quân Bộ, ba sư Kị cho
Nguyễn Thánh-Thiên. Sư bá cùng Nhật-nam thất hiệp, với đoàn đệ tử, lấy
hải đoàn vượt Trường-giang về Nhật-nam ngay. Tới nơi sư bá mời Thái thú
Lư Dương, Đô-úy Nguyễn Thành-Công, Đô-sát Lê Anh-Tuấn, cùng các quan
Hán, Việt đến hội họp, tuyên cáo Lĩnh-Nam phục hồi. Hán, Việt đều như
nhau, không phân biệt. Ai theo thì ở lại. Ai không theo thì cho họ về
thôn ấp nghỉ. Hứa bảo vệ sinh mạng, tài sản cho toàn gia các quan. Sau
đó sư bá cho các trang, ấp, châu, động cử lạc hầu. Các lạc hầu cử lấy vị công trong huyện. Các công cử lấy Nhật-nam vương. Đối với quan lại cũ,
người ác độc, đem ra xử tội không tha. Đất cát, tài sản cưỡng chiếm của
dân, trả về cho dân.
Lại Thế-Cường cùng Thánh-Thiên rời khỏi rạp, đi bàn giao.
Đào Kỳ trình bày tiếp:
– Đạo Cửu-chân do sư bá Triệu Anh-Vũ thống lĩnh. Gồm có ba quân Bộ, ba
sư Kị nửa Hán, nửa Việt, ba Hải đoàn, toàn người Việt. Trong trận đánh
Trường-an tổn thất phân nửa. Đã được bổ xung. Hiện còn nửa Hán, nửa
Việt.
Đô Dương nói với Đào Thế-Kiệt:
– Cửu-chân là đất tinh thần phản Hán phục Việt mạnh nhất. Cửu-chân chín
nhà đã hợp nhất. Xin lão bá cùng đệ tử Cửu-chân lấy Hải-đoàn trở về
ngay. Hợp-phố lục hiệp Tiết Bảo làm Thái-thú, đã trao quyền cho sư huynh Trần Dương-Đức. Đất Cửu-chân coi như đã thuộc Lĩnh Nam. Nếu Quang-Vũ
gây sự với Lĩnh Nam thế nào cũng cho một đạo binh đi đường thủy đánh vào Cửu-chân. Vậy sư bá hãy đem tất cả đạo quân Cửu-chân, theo đường thủy
trở về ngay. Đất Cửu-chân có chín lạc hầu, sau này thêm lạc hầu Lê
Thị-Hoa cùng bốn con Mai Đạt, Mai Thoả, Mai An, Mai Tứ thành lập thêm
một trang Cư-phong nữa là mười. Như vậy không cần cử Hầu, Công. Chỉ cần
cử Cửu-chân vương thì xong. Sau khi định Cửu-chân. Lão bá suất lĩnh đại
quân đánh ra Giao-chỉ. Đất Giao-chỉ, thế lực Tô Định, Lê Đạo-Sinh còn
rất mạnh.
Đô Dương nói với Triệu Anh-Vũ:
– Xin sư bá trao quyền chỉ huy cho Đào sư bá.
Đào Thế-Kiệt, Triệu Anh-Vũ rời nhà rạp.
Đào Kỳ trình bày tiếp:
– Đạo Giao-chỉ do sư bá Đinh Công-Thắng lĩnh ấn Hổ-oai đại tướng quân.
Gồm có bốn quân bộ, bốn sư kị, bốn hải đoàn, quân sĩ toàn người Hán.
Trong trận đánh Độ-khẩu, Phổ-khách, Trường-an, tổn thất quá nửa. Đã được bổ xung bằng tráng đinh Việt. Hiện ba Việt, một Hán. Đang đồn trú ở sát biên giới Giao-chỉ.
Đô Dương kính cẩn nói với Đặng-Thi-Sách:
– Nói về phục hồi Lĩnh Nam, thì uy tín nhất là Đào hầu, thứ đến Đặng đại ca và Nhị-Trưng. Trưng Nhị sư muội phải cầm quân phòng Hán, không về
Giao-chỉ được. Cuộc đánh chiếm Giao-chỉ hoàn toàn do Đặng đại ca và sư
tỷ Trưng Trắc thống lĩnh. Tiểu đệ không dám đọc Hiếu kinh trước nhà
Khổng-tử. Xin Đặng đại ca cho biết sẽ làm những gì? Tiểu đệ lắng tai
nghe.
Phương-Dung, Đào Kỳ, Thiều-Hoa, Trưng Nhị, Hồ Đề, Vĩnh-Hoa ngồi với nhau. Hồ Đề nói nhỏ:
– Lúc gặp Đô đại ca, ta thấy phong thái giống Trần đại ca hệt. Từ võ
công, tư thái, lối chỉ huy, lối nhận định giống nhau. Đối với Cửu-chân,
Nhật-nam. Đô đại ca dám hạ lệnh. Còn đối với Giao-chỉ phức tạp quá, thôi trăm hay không bằng tay quen, giao quyền cho Đặng đại ca thì xong.
Người có tài đế, vương thường có con mắt tinh đời như thế đó.
Đặng Thi-Sách nói:
– Đất Giao-chỉ coi như vẫn thuộc Hán. Quang-Vũ tuyên bố trả Lĩnh Nam cho chúng ta, mà Tô Định và hệ thống quan lại người Hán còn nguyên. Bây giờ chúng ta kéo quân về. Trước truyền hịch gửi đến Tô. Tô đầu hàng thì
thôi. Còn y chống lại, ta phải dùng võ lực. Đất Giao-chỉ có mười lăm
huyện, thì mười ba huyện lệnh người Hán, đều là bọn tham quan. Hai huyện lệnh Việt là tôi và Phùng Đại-Tín tiên sinh. Các trang ấp phân nửa của
ta, phân nửa theo Thái sư thúc Lê Đạo-Sinh và đệ tử của người. Phải khéo léo lắm, mới tránh được cuộc chiến tranh tương tàn.
Nghỉ một lúc, Thi-Sách nói:
– Xin Đô hiền đệ cho ta nửa buổi, bàn luận với anh hùng Giao-chỉ rồi sẽ trình bày với hiền đệ sau.
Đô Dương đồng ý. Chàng tiếp:
– Bây giờ tới đất Tượng-quận. Đất Tượng-quận, dân chúng một Việt, ba
Hán. Đạo binh Tượng-quận trước đây do sư đệ Đào Hiển-Hiệu lĩnh ấn Ho-nha đại tướng quân chỉ huy. Quân mã đã xuất khỏi Độ-khẩu trở về đóng ở
Tượng-quận. Hiện Thái thú Tượng-quận do đại hiệp Cù Anh, Đô-úy do sư bá
Trương Thủy-Hải, Đô-sát do sư đệ Đinh Công-Minh đều có mặt ở đây. Xin
các vị cho biết tình hình?
Cù Anh nói:
– Tôi xuất thân từ phái Quế-lâm. Chưởng môn sư đệ Trần Tự-Sơn có lệnh:
Chúng tôi đã làm xong nhiệm vụ của con dân Lĩnh Nam. Nay xin được từ
chức, để về ngao du với cỏ cây. Mọi sự tôi đã giao cho sư huynh Trương
Thủy-Hải.
Trương Thủy-Hải đứng lên nói:
– Đất Tượng-quận dân cư đông đúc. Ba phần Hán, một phần Việt. Người Hán ở Tượng-quận được ưu đãi mấy trăm năm thành quen. Khi tôi cùng sư huynh
Cù Anh làm việc, ban bố lệnh người Hán, người Việt như nhau, thì gặp
phải sự chống đối của các Huyện-úy, Huyện-lệnh. Ngay cả các chức quan
nhỏ địa phương, các xã, ấp. Cháu Đinh-Công-Minh có vợ là Trần Quý-Lan,
sư muội của Nhị-Trưng. Quý-Lan vốn giỏi về chính sự, cháu đề nghị lập
trang, ấp riêng cho người Việt. Do vậy mới tránh được đổ máu. Còn quân
đội, trong trận đánh Độ-khẩu, Việt-tây, Trường-an, tổn thất quá nửa,
được bổ xung bằng tráng đinh Việt. Hiện nửa Việt, nửa Hán. Ba tướng chỉ
huy Quân đều là đệ tử Cửu-Chân. Chín tướng chỉ huy Sư, thì ba Hán, còn
sáu là đệ tử Tản-viên, Cửu-chân. Sư kị do Đinh Công-Minh trực tiếp chỉ
huy.
Hàn Bạch đứng đầu Tượng-quận tam anh đứng lên nói:
– Trong mười lăm Huyện-lệnh, trước đây anh em chúng tôi giết chết năm về tội nhũng lạm, tàn ác. Thái-thú là sư huynh Cù Anh cử năm người Việt ở
Giao-chỉ thay thế. Còn mười lăm Huyện-úy, chúng tôi giết chết mười tên
gian ác. Đô-úy Trương Đằng-Giang đã cử mười đệ tử phái Long-biên,
Quế-lâm thay thế. Hiện còn năm Huyện-úy người Hán rất tốt. Họ theo chúng ta.
Vương Hồng nói:
– Bây giờ chúng tôi trở về, tuyên cáo Lĩnh Nam phục hồi. Ai theo thì để. Ai không theo thì thay thế. Ngăn cấm người Việt, người Hán chém giết
nhau. Tổ chức cử hầu, công, vương như đã định.
Trường-sa tam anh Hàn Bạch, Vương Hồng, Chu Thanh cùng Trương Thủy-Hải,
Đinh Công-Minh, Trần Quý-Lan, Đào Hiển-Hiệu rời khỏi rạp lên đường.
Đô Dương đứng lên hướng Khúc-giang ngũ hiệp:
– Năm vị sư thúc. Xin năm vị cho biết tình hình?
Trần Tứ-Gia nói:
– Đất Nam-hải, dân chúng nửa Việt, nửa Hán. Việt thì chuyên canh nông.
Hán thì chuyên thương mại, đánh cá. Hai bên không đụng chạm nhau. Người
Việt ở đây ảnh hưởng của phái Khúc-giang, trong hai trăm năm qua, người
Hán phải sợ. Hán, Việt hiện hoà hoãn với nhau. Hợp-phố ngũ hiệp Phùng
Đạo-Hiển về làm Thái-thú đã hợp với chúng tôi làm việc. Thêm vào đệ ngũ
Thái-bảo phái Sài-sơn Vũ Công-Chất sư huynh, đệ thất Thái-bảo phái
Sài-sơn là Trần Quốc-Hương làm Đô-sát. Hương với chúng tôi là chỗ huyết
tộc. Vì vậy đất Nam-hải coi như hoàn toàn thuộc về Lĩnh Nam. Trong mười
lăm huyện lệnh, thì mười Hán, năm Việt. Trong mười lăm huyện úy thì
cả... mười lăm là Việt. Trước khi đến đây hội, chúng tôi đã tuyên bố
phục hồi Lĩnh Nam. Hán, Việt đều là con dân Lĩnh Nam. Không có gì phải
thay đổi nữa. Hiện đã cử xong các hầu, công. Đại huynh chúng tôi được cử làm Nam-hải vương.
Quần hào vỗ tay vang dội, từ tràng này qua tràng khác không ngưng. Trần Tứ-Gia nói:
– Sở dĩ đất Nam-hải được như thế là nhờ Công chúa Vĩnh-Hoà, Quận chúa
Chu Thúy-Phượng, Lý Lan-Anh đệ tử bản môn. Công chúa nói: Ai chủ trương
chia rẽ Hán, Việt, nàng dùng Thượng-phương bảo kiếm xử tử. Song, chưa có ai bị xử tử cả.
Đô Dương hỏi Hợp-phố tam hiệp Hà Thiên:
– Xin sư huynh cho biết tình hình Quế-lâm.
Hà Thiên đáp:
– Tôi đã trao quyền cho Đô úy Đặng Thi-Kế. Xin Đặng Thi-Kế sư huynh cho mọi người biết tình hình.
Quần hùng vỗ tay vang dội. Đặng Thi-Kế, là cha Đặng Thi-Sách, nổi danh
võ công cao cường. Ông lại chủ trương Phản Hán phục Việt từ lâu.
Ông đứng dậy nói:
– Đạo quân Quế-lâm do Minh-Giang lĩnh chức Phấn-oai đại tướng quân chỉ
huy. Trong trận Trường-an, Việt-tây tổn thất quá nửa. Được bổ xung bằng
tráng đinh Việt. Hiện nửa Việt, nửa Hán. Các tướng chỉ huy quân, sư xuất thân từ phái Quế-lâm. Trong mười lăm huyện lệnh, huyện úy hầu hết là đệ tử Quế-lâm. Trước đây, chúng tôi mới về nhậm chức đã ban hành lệnh cho
người Hán, người Việt bình đẳng, thì có ba huyện lệnh chống lại.
Lĩnh-nam vương truyền lệnh chặt đầu. Từ đấy mầm chia rẽ chấm dứt. Tuy
vậy các phú gia, thương gia vẫn còn mơ tưởng trở về Hán.
Ông chỉ vào chỗ đệ tử Quế-lâm nói:
– Phái Quế-lâm có Hợp-phố lục hiệp, có các sư huynh Triệu Anh-Vũ, Lương
Hồng-Châu, Đinh Công-Thắng. Tôi tin rằng có thể giải quyết được.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...