Sáng hôm sau có sắc chỉ Quang-Vũ ban xuống, phong làm Vũ-vệ hiệu úy
Tây-cung. Cu Bò lạy tạ, lĩnh chức. Đối với nó, chức tước của Lĩnh-Nam
mới oai, hoàng-đế Lĩnh-Nam mới thực sự là hoàng-đế. Từ lúc đẻ ra, nó đâu biết hoàng-đế là gì ? Lần đầu tiên gặp Trưng Trắc, mọi người gọi ngài
là hoàng-đế, cử chỉ từ ái, tư thái ôn nhu, đi đâu cũng được tướng sĩ,
dân chúng thờ kính như một tiên nữ, một vị thần linh. Hình ảnh Trưng-đế
in sâu vào đầu nó: Hoàng đế phải như vậy mới đúng.
Còn Quang-Vũ, khi ở Lĩnh-Nam nó đã nghe nói nhiều: Nào can đảm, nào thủ
đoạn, nào trí dũng, nào hùng tài đại lược... xứng đáng đại anh hùng.
Song y càng anh hùng với Trung-nguyên, càng khổ cho Lĩnh-Nam. Trước mắt
nó: Làm quan ở Lĩnh-Nam có chị hoàng-đế xinh đẹp, hiền hậu, được mọi
người kính phục mới thú. Nó đã toại nguyện vì được làm đại-tướng quân.
Nay tự nhiên Quang-Vũ phong cho nó chức hiệu-úy nhỏ xíu. Nó chẳng coi
vào đâu cả. Nhưng Đinh Xuân-Hoa bảo nó cứ nhận, mình làm quan Hán là
giả, thực sự mình làm đại-tướng Lĩnh-Nam. Nó phải tuân lệnh sư bá.
Nó ra lệnh tập hợp thị vệ Tây-cung. Trên trăm thị vệ, tuổi từ hai mươi
tới ba mươi, thấy em nuôi Tây-cung Quí-phi mới mười lăm tuổi được cử làm Vũ-vệ hiệu úy, họ cho rằng nó nhờ thế lực chị, và nhất là có công đoạt
lại Ngọc-tỷ được thăng quan. Trong lòng họ không phục.
Họ đâu có ngờ, nó từng làm đại-tướng, xung phong hãm trận, đánh tan quân Mã Viện trên hồ Động-đình, rất thành thạo điều khiển tướng sĩ. Nó đứng
trước đoàn thị vệ, hỏi chức tước từng người, ban lệnh, chia công tác, tỏ ra quen thuộc, sành sỏi. Bọn thị vệ từ kinh ngạc này đến kinh ngạc
khác. Họ không thể nào hiểu nổi, một thiếu niên xuất thân từ Nam-Man từ
Rợ Việt lại trổ tài năng sớm thế.
Như thường lệ. Buổi chiều, Chu Tường-Qui đến Nam-cung dạy học. Cu Bò
nằng nặc đòi đi theo. Chu Tường-Qui chưa có con, thấy nó dễ thương, nàng đồng ý liền. Nó truyền tên mã phu ở lại, rồi thân đánh xe cho
Tường-Qui. Tới Nam-cung. Nam-cung Quí-phi Âm Lệ-Hoa ra cửa đón.
Chu Tường-Qui bảo Cu Bò:
– Em quì xuống làm lễ ra mắt Quí-phi đi.
Cu Bò bỡ ngỡ một chút. Vì trong đầu nó, chỉ có hoàng-đế Lĩnh-Nam Trưng
Trắc mới xứng đáng cho nó quì gối. Hôm qua phải quì gối trước Quang-Vũ
nó đã khó chịu lắm rồi. Hôm nay nó lại phải quì gối trước Âm Lệ-Hoa là
điều nó không muốn. Song Chu Tường-Qui đã bảo. Nó líu ríu tuân theo.
Trong đầu nó nghĩ:
– Thì mình cứ tưởng tượng rằng đang quì gối trước sư bá hoặc trước Trưng hoàng-đế. Có sao đâu?
Nó quì gối, rập đầu ba lần liền, trong đầu nó tưởng tượng người đứng trước mặt, giống như Trưng Trắc.
Lệ-Hoa hỏi:
– Cháu có phải Lương Tùng, người hôm qua đoạt Ngọc-tỷ từ tay thích khách, cứu công chúa đó không?
Chu Tường-Qui đáp thay:
– Đúng đấy. Nó là đệ tử của nhũ mẫu em. Nhân nhũ mẫu qua thăm em, nó
theo qua chơi. Hoàng thượng phong nó làm Vũ-vệ hiệu úy Tây-cung.
Âm Lệ-Hoa có nhan sắc cực kỳ diễm lệ, tính tình ôn nhu, văn nhã. Lòng dạ bà lại rộng như biển, khoan dung đại lượng, đúng ra bậc mẫu nghi thiên
hạ. Bà đỡ Lương Tùng dậy, bảo nó:
– Cháu xuất thân danh môn có khác, tư cách khó bì. Cháu cứ coi Nam-cung
như Tây-cung, lúc nào rảnh rỗi, sang đây cùng hoàng tử, công chúa đàm
đạo võ công, văn học. Cháu là sư đệ của Tây-cung Quí phi, hèn chi võ
công cao cường.
Trong khi Tường-Qui truyện trò với Lệ-Hoa, Cu Bò truyện trò với hoàng tử Trang và công chúa Đoan-Nhu. Một bên là cành vàng lá ngọc, suốt ngày
phải đọc sách, mà không có kinh nghiệm đời. Ngược lại một bên sống với
thực tế, kinh nghiệm đầy người. Qua cuộc cứu mệnh cách đây mấy hôm, giữa anh em hoàng tử Trang và Cu Bò thân với nhau dễ dàng. Chu Tường-Qui
lệnh cho quan thái phó của hoàng tử Trang, dạy chữ cho Cu Bò luôn.
Từ hôm đó, suốt ngày Cu Bò sang Nam-cung chơi. Chu Tường-Qui thấy Cu Bò
hàng ngày ôm sách học. Nó đọc sách chăm chú vô cùng. Nàng biết: Nó vốn
lười đọc sách, nay chăm học, chắc là đua nhau với hoàng tử Trang và công chúa Đoan-Nhu.
Được ít hôm, vụ thích khách đã lắng xuống. Đinh Xuân-Hoa cùng Chu Tái-Kênh bàn truyện thám thính cung Huệ-đức.
Chu Tái-Kênh đồng ý:
– Kia là điện Huệ-đức, nơi Mã thái-hậu ở. Từ đây sang đó cũng gần thôi.
Cu Bò ở nhà, dùng Thần-ưng tuần phòng trên đầu chúng ta, để chúng ta dò
thám xem sao?
Hai người lấy quần áo thị vệ mặc vào, vọt mình trong đêm tối, tới điện
Huệ-đức. Cung Mã thái-hậu không canh gác kỹ như nơi ở của hoàng-đế. Hai
bà vượt vườn hoa, nhấp nhô mấy cái, tới nơi. Chu Tái-Kênh chỉ lầu thứ
nhì có đèn chiếu sáng nói:
– Chỗ kia là phòng ngủ của Mã thái-hậu. Giờ này đã khuya, mà còn đèn sáng. Chúng ta lên đó xem có gì lạ không?
Hai người truyền theo mái ngói, đến bên cửa sổ. Nghe ngóng một lúc không có gì lạ. Chu Tái-Kênh đưa ngón tay chỏ lên miệng, thấm nước bọt, chọc
vào cửa sổ. Giấy dán cửa nhủn ra liền.
Hai người ghé mắt nhìn vào trong: Mã thái-hậu ngồi trên cái ghế chạm trỗ hình hai con phụng. Phía sau có đủ mặt Liêu-đông tứ ma Chu Long, Trịnh
Sư, Ngô Anh, Vương Hùng. Cạnh đó còn hai lão già tuổi trên sáu mươi. Chu Tái-Kênh nhận ra là hai tên thích khách áo xám, áo xanh đã giao đấu với bà và Mã Vũ. Trong lòng bà nảy ra không biết bao nhiêu thắc mắc: – Hai
lão già này là ai mà võ công cao đến trình độ đó? Có lẽ trên đời này chỉ Đào Kỳ, Khất đại phu, Mã Vũ với bà có thể đánh lại chúng?
Chu Long lên tiếng:
– Tâu Thái-hậu. Bốn anh em thần theo Mã tướng quân Nam chinh. Hai trong
bốn bị bắt. May nhờ triều đình tha bọn phản tặc Thục, đổi lấy Lĩnh-Nam
tha bọn thần. Bọn thần trở về đây yết kiến Thái-hậu. Tuy bọn thần chưa
tìm ra manh mối vụ đó. Song Ngọc-tỷ đã về triều, lo gì không tìm ra?
Trịnh Sư tiếp:
– Hai vị lão sư Phùng Đức, Sầm Anh ra tay đoạt Ngọc-tỷ. Nào ngờ Tây-cung có hai phụ nữ võ công cái thế. Một người thắng Phùng lão sư. Còn Mã Vũ
thực khó hiểu. Trước đây võ công y thua cả bốn người trong bọn thần xa.
Càng không bằng Sầm Bành, Phùng Dị. Không hiểu sao nay tự nhiên biết xử
dụng võ công Cửu-chân, đánh thắng Sầm lão sư. Vì vậy việc đoạt Ngọc-tỷ
mới không thành.
Phùng Anh tiếp:
– Thần nghĩ, thái-hậu đường đường chính chính cho người tâu với thiên tử đem Ngọc-tỷ cho thái-hậu coi. Bọn thần cam đoan sẽ tìm ra bí mật kho
tàng ở trong ấy.
Mã thái-hậu lắc đầu:
– Điều đó không xong rồi. Hoàng thượng cũng biết trong đáy hộp có tàng
trữ bản đồ cất dấu kho tàng. Vả lại Ngọc-tỷ trước đây vào tay Vương
Mãng, rồi Xích-My, rồi Lĩnh-Nam. Không biết bản đồ có còn trong đáy hộp
hay không? Hôm trước hai lão sư Phùng Đức, Sầm Anh đại náo Tây-cung,
thất bại, thì ta e Hoàng thượng không chịu trao Ngọc-tỷ cho ta. Tuy
nhiên ta cũng cố gắng. Được! Nào ta thân hành sang Tây-cung.
Chu Long nói với Phùng Đức, Sầm Anh:
– Các vị vừa là thúc phụ, vừa là sư thúc Chinh-nam đại-tướng quân
Vũ-dương hầu Sầm Bành, Chinh-tây đại-tướng quân, Dương-hạ hầu Phùng Dị.
Hai vị đó tuẫn quốc, đã đành làm tướng, được chết trên chiến trường mới
tỏ chí khí anh hùng. Song hai vị đại-tướng quân đều chết về tên ôn con
Đào Kỳ ở Lĩnh-Nam. Hai vị đã tới trước giúp thái-hậu, sau trả thù nhà.
Tôi nghĩ hai vị nên đi Lĩnh-Nam một chuyến, nhân giúp thái-hậu đoạt kho
tàng, và trả thù nhà một thể. Không biết hai vị nghĩ sao?
Chu Tái-Kênh nhìn Đào vương-phi. Y muốn nói:
– Thì ra hai thích khách, một tên Phùng Đức, một tên Sầm Anh. Chúng là
sư thúc bọn Phùng Dị, Sầm Bành. Hèn gì võ công cao đến dường ấy.
Phùng Đức nhìn Sầm Anh gật đầu:
– Được, chúng tôi sẽ đi Lĩnh-Nam giúp thái-hậu.
Mã thái-hậu đứng dậy tiễn Phùng, Sầm xuống lầu. Bà trở lại nói với Liêu-đông tứ ma:
– Mã Viện tâu về triều đình phong chức tước cho các vị. Ta vận động với
tam công, tể tướng nghị sự chuẩn tấu. Sau đó chính ta nói với thiên tử
phong chức cho các vị. Các vị đã biết chưa?
Chu Long tâu:
– Thần chưa được rõ.
Mã thái-hậu nói:
– Nội ngày mai, chiếu chỉ sẽ ban ra. Chu Long được phong chức Chinh-tây
đại-tướng quân thay Phùng Dị. Trịnh Sư được phong chức Chinh-nam
đại-tướng quân thay thế Sầm Bành. Ngô Anh được phong chức Trấn-uy
đại-tướng quân. Nào các vị cùng ta sang Tây-cung. Nhớ một điều: Không
nên gây hấn với bọn cung nữ, thái giám, thị vệ tại đấy. Bản lĩnh chúng
không tầm thường đâu. Trong lúc này,ta tránh đụng chạm với chúng. Chính
Tây-cung Quí-phi, võ công cao không biết đâu mà lường. Y thị thắng Chu
Nghi-Gia trước đây mấy năm.
Mã thái-hậu đứng dậy cùng Liêu-đông tứ ma xuống lầu. Chu Tái-Kênh ra
hiệu cho Đào vương-phi. Cả hai đẩy cửa sổ, lọt vào phòng nhẹ nhàng như
hai con én.
Chu Tái-Kênh nói:
– Con bé Phùng Vĩnh-Hoa thánh thực. Nó ước đoán đúng từng ly từng tý
một. Chúng ta chờ một lát, Mã thái-hậu trở về, sẽ thi hành phần cuối kế
hoạch.
Một lát Mã thái-hậu cùng Liêu-đông tứ ma trở về. Đào vương-phi, Chu Tái-Kênh núp vào phòng trong.
Mã thái-hậu ngồi xuống bàn, mở nắp hộp Ngọc-tỷ ra ngắm ngía. Mụ cầm hộp
đựng Ngọc-tỷ quan sát: Đáy không có gì ngoài miếng gấm mầu hồng. Mụ thở
dài:
– Ta nói có sai đâu! Không biết bản đồ của Vương Mãng, do Xích-My, Lĩnh-Nam hay Hoàng thượng đoạt mất rồi.
Mụ đưa hộp cho Chu Long coi. Chu Long liếc qua rồi lắc đầu, trả lại thái-hậu. Mã thái-hậu nói:
– Ta phải cho người dò xem, bản đồ hiện ở đâu mới được.
Mụ đứng lên, vô tình tay áo gạt chiếc hộp. Chiếc hộp rơi xuống thềm kêu
đến cách một cái. Vương Hùng vội vàng nhặt lên. Mắt y hiện ra một tia
sáng kỳ lạ. Y tung chiếc hộp lên ba lần, rồi nói:
– Có rồi đây. Tại sao đáy hộp lại nặng hơn nắp hộp thế này?
Y chỉ vào đáy hộp:
– Đáy hộp quá dày. Biết đâu trong đáy không cất dấu một bí mật nào đó?
Xin thái-hậu cho thần cậy ra coi. Nếu không có gì, cũng chẳng hại đến
Ngọc-tỷ.
Mã thái-hậu gật đầu. Vương Hùng rút trong bọc ra con dao nhỏ. Y dùng mũi cậy vết hàn ở hai góc hộp. Hộp bị bể ra liền. Y la lên:
– Đây rối! Thì ra đáy trống ở giữa. Hèn chi thần thấy đáy có chiều dày hơn nắp hai lần.
Y moi giữa hai ngăn đáy hộp một mảnh lụa. Mảnh lụa đã cũ, màu vàng úa.
Trên viết một số chữ. Y trải mảnh lụa ra bàn. Mã thái-hậu, Liêu-đông tứ
ma cùng ngồi đọc. Trên mảnh lụa viết một số chữ giống như tên sông, tên
núi, tên hồ. Cạnh mỗi địa danh đều ghi chữ, đánh số.
Chu Long ngơ ngác nhìn Mã thái-hậu hỏi:
– Thế này thì kỳ lạ thực.
Nguyên khi Vương Mãng cất dấu kho tàng ở hồ Động-đình. Y cho vẽ bản đồ
lên trên một tấm đồng mỏng. Y cắt tấm đồng ra làm mười sáu miếng nhỏ,
đánh số thứ tự, truyền đục hai con gấu bằng đồng đen, bụng rỗng. Sau
Vương bỏ vào bụng mỗi con gấu tám mảnh đồng, trao cho hai con. Dặn rằng: Nếu sau này nhà Hán trung hưng lên, hai anh em hợp nhau lại, đào lấy
kho tàng, đủ tiêu phí đến một trăm đời cũng không hết.
Dù y đã giết hết bọn binh lính phụ trách chôn kho báu vật. Y sai đúc bản đồ có sông núi, mà không ghi rõ tên. Trên mỗi địa danh, y chỉ ghi chữ
số. Rồi y truyền khẩu cho các con, bắt học thuộc: nhất là Trường-giang,
nhì là Chu-cảng... cho đến sáu mươi bốn thì hết. Khi Xích-My đem quân
vào Trường-an, bắt được hai con Vương Mãng. Y dùng Huyền-âm độc chưởng
tra khảo suốt mấy ngày. Con Vương Mãng chịu đau không nổi phải cung xưng hết. Xích-My chép lấy những điều đó. Xích-My tuy có chữ số ghi chú, mà y lại không có bản đồ. Vì vậy y cũng không tìm được kho tàng. Y mới sai
cất một dinh thự trên cù lao, giữa hồ Động-đình, sai con trai là Phan
Anh ở lại tìm kiếm. Phan Anh tìm không ra. Trong lòng Phan Anh nghi
rằng: Chắc giữa y với cha không hợp tính nhau, vì vậy cha y không muốn
cho hưởng kho tàng.
Khi Trần Tự-Sơn, đem Đặng Vũ đuổi đánh Xích-My. Với tài dùng binh vô
địch của Tự-Sơn, Xích-My bị đuổi tới Trường-sa. Biết cái nguy đến trước
mặt. Y trao mảnh lụa chép chữ số kia cho tỳ thiếp thân tín Trần
Thiếu-Lan cùng với Ngọc-tỷ truyền quốc, dặn Thiếu-Lan trao cho con y.
Trần Thiếu-Lan tuy lưu lạc bao năm. Mà lòng vẫn nhớ cố quốc. Bà mổ bụng, cất dấu Ngọc-tỷ, với tấm lụa vào, rồi may lại. Bà biết Phan Anh lúc nào cũng rình rập bà ở ngoài thành Trường-sa. Bà giả bị câm, ẩn thân làm
người nấu ăn cho tù nhân. Khi Trưng Nhị, Trần Năng, Phật-Nguyệt, Hồ Đềà
đánh đến Trường-sa, bà mới mổ bụng trao cho Trưng Nhị. Trưng Nhị mở ra
xem, không sao hiểu được.
Trong khi đó, một con gấu bằng đồng đen, bụng đựng bản đồ kho tàng lọt
vào tay Hồ Đề. Một con lọt vào tay Tạ Thanh-Minh. Mao bị Đào Kỳ đánh
chết trên đồi Nghi-dương, Sún Lé lục hành lý của y mà được. Trong lúc
viếng thăm Đặng Vũ ở Nam-dương. Tây-vu thiên ưng lục tướng được Đặng Vũ
tặng một con gấu khác. Đặng tịch thu được con gấu này của Tạ Thanh-Minh
trong lần tuân chỉ Quang-Vũ lục nhà Tạ ở Trường-an. Lục Sún nghịch ngợm, vô tình khám phá ra mười sáu mảnh đồng trong bụng gấu.
Sau khi Sún Cao tự nguyện hút chất độc cứu Đào Kỳ. Bị Đào Thế-Kiệt cật
vấn. Ngũ Sún phải khai thực. Thế là Trưng Nhị, Phương-Dung đã tìm ra chỗ dấu kho tàng. Lĩnh-Nam phục hồi, Trưng-đế truyền Trưng Nhị lên hồ
Động-đỉnh đào lên, đem về dấu ở đỉnh núi Tản-viên.
Hôm hội quân sau trận hồ Động-đình, Trưng-đế giao cho Vĩnh-Hoa,
Phương-Dung, Trưng Nhị ngụy tạo bản đồ, dụ Mã thái-hậu áp lực Quang-Vũ
đem quân đánh Nam-hải, hầu tiêu diệt tiềm lực thủy quân Đoàn Chí, Lưu
Long.
Phùng Vĩnh-Hoa sai làm một lá đồng khác, trên khắc bản đồ đảo Đông-sơn
và núi Thường-sơn thuộc Nam-hải. Mục đích lấy nơi này làm chiến trường
đợi sẵn, tiêu diệt hải quân Đoàn Chí, Lưu Long. Phùng Vĩnh-Hoa cũng cắt
tấm đồng làm mười sáu miếng nhỏ, bỏ vào hai con gấu đồng đem trao cho
Chu Tái-Kênh, Đào vương-phi, đi Lạc-dương khích Mã thái-hậu.
Một mặt, Phương-Dung kiếm một tấm lụa cũ, ghi chú chữ số từ một đến sáu
mươi bốn ứng với những chữ ghi trên các thẻ đồng, sai thợ làm một cái
hộp bằng vàng có hai đáy, bà bỏ mảnh lụa vào, hàn lại. Phương-Dung còn
cố ý làm cho hộp móp méo đôi chỗ, tỏ ra cũ kỹ lắm. Bấy giờ bà mới sai bỏ Ngọc-tỷ vào, đem đổi lấy anh hùng đất Thục bị Quang-Vũ bắt.
Đối với Quang-Vũ, huyền thoại kho tàng, y không chú ý đến. Y chỉ cần
được Ngọc-tỷ truyền quốc, lấy uy tín với dân chúng. Cho nên Ngọc-tỷ về
tay, y đem cất đi. Giữa lúc đó Mã thái-hậu đến, đòi mang về cung giữ.
Quang-Vũ giao cho bà. Vì từ xưa đến giờ, Ngọc-tỷ thường cất ở cung các
Thái-hậu.
Mã thái-hậu cùng Liêu-đông tứ ma tìm kiếm hơn giờ, vẫn không ra manh mối. Mụ đã buồn ngủ phán:
– Thôi các vị về nghỉ. Chúng ta đã có tấm lụa này, rồi trước sau cũng tìm ra.
Mụ đứng lên tiễn Tứ ma xuống lầu.
Mã thái-hậu trở lại. Mụ buông tiếng thở dài, ngơ ngẩn xuất thần. Thình
lình mụ thấy có hai cái bóng người chiếu xuống nền nhà. Mụ tưởng bóng
mình, song mụ chợt thấy không phải. Vì hai cái bóng ở hai ngả khác nhau. Mụ liếc mắt nhìn: Hai người mặc quần áo thị vệ, ngồi trên hai cái ghế,
bất động như người chết. Mụ nghĩ tới những thị vệ chết oan, hiện hồn về
báo oán. Phản ứng tự vệ, mụ đưa tay cầm lấy hộp đựng Ngọc-tỷ.
Chu Tái-Kênh chĩa ngón tay điểm vào nắp hộp. Mã thái-hậu cầm hộp đựng
Ngọc-tỷ, mà cảm thấy như chụp vào vách đá. Mụ nghiến răng kéo mạnh. Hộp
như dính liền với chiếc án thư. Mụ kinh hoàng định kêu lên, thì Chu
Tái-Kênh chĩa ngón tay chỏ ra, hàm mụ như bị cái dùi đục cản lại, miệng
không mở ra được.
Chu Tái-Kênh cầm con phụng bằng ngọc để trên án thư, bóp mạnh, con phụng vỡ ra từng mảnh. Bà bóp mấy cái nữa, những mảnh phụng vỡ nhỏ ra như
bột.
Bà nói:
– Mụ mà la lên một tiếng, ta sẽ bóp sọ mụ nát như con phụng này. Mụ hiểu không?
Mã thái-hậu gật đầu. Chu Tái-Kênh thu tay về. Mã thái-hậu run run hỏi:
– Các ngươi là quỉ hay là người?
Đào vương-phi đáp:
– Là người.
Mà thái-hậu bớt sợ. Mụ hỏi:
– Nghe tiếng người, rõ ràng là đàn bà. Tại sao lại làm thị vệ? Các ngươi nhập hoàng thành làm gì?
Đào vương-phi đáp:
– Dĩ nhiên chúng ta là đàn bà. Chúng ta giết thị vệ, lấy quần áo mặc.
Chúng ta đột nhập hoàng thành cũng chẳng làm gì khác hơn, vì muốn có
tiền bạc chi dùng.
Mã thái-hậu kinh ngạc:
– Thì ra các ngươi đi ăn trộm? Các ngươi to gan thực. Các ngươi có biết
rằng ta chỉ cần hô một tiếng, hàng ngàn thị vệ sẽ đến bắt các ngươi
không?
Chu Tái-Kênh cười:
– Dĩ nhiên ta biết. Ta còn biết hơn nữa, rằng ngươi cũng muốn có nhiều
vàng. Chúng ta tới đây thương lượng với ngươi, để chia kho tàng lớn nhất thiên hạ.
– Nghĩa là?
– Như ngươi biết, kho tàng đó từ bọn Đông-Các, Xích-My, Phan Anh cho đến ngươi cũng muốn tìm. Có điều ngươi không biết làm thế nào đào lên. Vì
vậy ta đến đây rủ ngươi cùng đào. Đào được, chúng ta chia nhau. Ngươi
nghĩ sao?
Mã thái-hậu còn đang ngơ ngẩn. Đào vương-phi tiếp:
– Ngươi không tin ư? Để ta nói cho ngươi biết. Hồi Xích-My còn sống y
rất sủng ái một phi tần tên Trần Thiếu-Lan. Khi biết rằng sắp mất
nghiệp, y đã trao bản đồ kho tàng cho Thiếu-Lan.
Mã thái-hậu gật đầu:
– Truyện này ta biết rồi. Trần Thiếu-Lan chết ở Trường-sa. Vì vậy bản đồ chỉ dẫn chỗ cất dấu kho tàng ấy hiện ở đâu, không ai biết.
Chu Tái-Kênh rưng rưng nước mắt:
– Có người biết. Người đó là ta. Ta biết rất rõ ràng kho tàng đó ở đâu.
Mã thái-hậu kinh ngạc:
– Ta không tin. Làm sao ngươi biết được?
Đào vương-phi chỉ Chu Tái-Kênh:
– Vị này là sinh mẫu của Trần Thiếu-Lan. Trước khi từ trần, Thiếu-Lan đã nói tất cả bí mật về kho tàng đó cho thân mẫu mình.
Mã thái-hậu suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
– Kho tàng ấy hiện chôn ở đâu?
Chu Tái-Kênh móc trong bọc ra hai con gấu bằng đồng đen. Bà thuật chi
tiết vụ Vương Mãng vẽ bản đồ trên tấm đồng lớn, cắt ra làm mười sáu tấm
nhỏ, dặn hai con như thế nào. Hai con gấu đó tại sao lại lọt về tay Hồ
Đề và Tạ Thanh-Minh. Đến đây bà thuật rằng Hồ Đề để con gấu ở thành
Lạc-dương, rồi bị Hoài-nam vương lấy được, sau khi Mao chết, chứ bà
không thuật rằng Sún Lé lấy được trên xác Mao. Còn con gấu nữa Tạ
Thanh-Minh lấy được. Đặng Vũ khám nhà Tạ thấy con gấu, nộp cho Hoài-nam
vương. Khi Hoài-nam vương chết, bà vào dinh ông ăn trộm.
Trước đây Mã thái-hậu đã thấy con gấu bằng đồng đen trong người
Đông-Các. Mụ hỏi lão mấy lần. Lão trả lời ấm ớ rằng đó là bảo vật gia
truyền. Bây giờ nghe Chu Tái-Kênh kể, mụ mới bật ngửa ra rằng Đông-Các
không thực tình với mụ. Trong lòng mụ nổi lên niềm chua xót, cay đắng.
Mụ thở dài:
– Ta tin ngươi. Vậy ngươi thử lấy thẻ đồng cho ta coi.
Đào vương-phi cầm đuôi con gấu kéo mạnh. Kẹt một tiếng. Bụng con gấu mở
ta, tám cái thẻ đồng cũng rơi xuống. Bà kéo con gấu thứ nhì. Tám cái thẻ đồng khác lại rơi ra. Bà đếm mười sáu cái thẻ đồng, ghép thành một tấm
lớn. Trên tấm đồng khắc chi chít hình thù núi, sông, biển.
Mã thái-hậu nhìn qua. Mụ hiểu liền:
– Phải rồi, thẻ đồng của các ngươi không ghi rõ tên núi, sông. Thành ra
các ngươi không tìm ra được. Còn ngược lại trong tấm lụa của ta chỉ có
tên núi, sông, mà không có bản đồ. Do đó ta cũng không tìm thấy. Được!
Ta cộng tác với các ngươi. Nhưng ta muốn biết các ngươi là ai đã?
Thấy mưu kế của Phùng Vĩnh-Hoa hiệu nghiệm, Đào vương-phi nhìn Chu Tái-Kênh, bà nói:
– Không dấu gì thái-hậu. Chồng tôi tên Đào-thế-Kiệt. Trăm cay nghìn đắng mưu đồ tái lập Lĩnh-Nam. Không ngờ Nghiêm Sơn gian dối, lập Trưng Trắc
lên làm vua. Vì vậy tôi muốn đào kho tàng, dùng vàng, ngọc mua chuộc các lạc vương, lạc công, hầu kỳ sau họ bầu Đào Kỳ thay thế. Còn vị này
chính là vợ Khất đại phu Trần Đại-Sinh. Bà quyết theo giúp chúng tôi.
Mã thái-hậu đã từng thấy bọn gian thần các nước xung quanh Trung-nguyên
sang nhờ cậy triều Hán, lật đổ ngôi vua đương triều nước họ, hầu trở về
làm vua. Tin lời Đào vương-phi, mụ nói:
– Thì ra thế. Vương phi muốn tôi giúp Đào Kỳ làm hoàng-đế Lĩnh-Nam thì
không khó gì. Với võ công của y. Y lại lĩnh tước Hán-trung vương bản
triều, việc ấy dễ dàng. Tôi giúp Vương phi.
Mụ sai lấy tấm lụa đặt lên bàn, vẽ lại bản đồ trên các tấm đồng. Lấy những chữ trong tấm lụa ghi vào. Cuối cùng mụ reo lên:
– Vương Mãng chôn kho tàng đó làm hai nơi. Một, trên đảo Đông-sơn, hai,
trên núi Thường-sơn. Ngặt vì hai nơi đó, đều thuộc Nam-hải. Mà Nam-hải
thuộc Lĩnh-Nam. Làm sao được?
Chu Tái-Kênh nói:
– Vì vậy chúng tôi mới phải hợp sức với thái-hậu.
Mã thái-hậu suy nghĩ một lúc, rồi nói:
– Được! Tôi sẽ áp lực với tam công, đại thần, họ tâu lên hoàng thượng.
Hoàng thượng tất đem quân đánh Nam-hải. Giữa lúc hai bên đánh nhau,
chúng ta đào kho tàng.
Chu Tái-Kênh làm bộ ngơ ngẩn:
– Liệu triều thần có nghe lời thái-hậu chăng?
Mã thái-hậu cười:
– Một nửa bị trúng Huyền-âm độc chưởng của Đông-Các, Phan Anh. Không có thuốc giải của ta, chỉ có chết.
Đào vương-phi gật đầu:
– Truyện này mới có thái-hậu với chúng tôi biết mà thôi. Đến Tây-cung
Quí-phi cũng không biết. Vì vậy xin thái-hậu giới hạn số người biết.
Mã thái-hậu gật đầu:
– Được! Ta chỉ cho một mình Đoàn Chí biết thôi. Bọn Liêu-đông tứ ma, hai lão già Phùng, Sầm, ta càng phải che dấu. Bọn chúng xuất thân đạo tặc.
Ta sẽ dối rằng: Hai vị do ta cài vào Lĩnh-Nam, mưu đại sự.
Mụ lấy trong ngăn tráp ra hai chiếc thẻ bài bằng ngọc, trên khắc con phụng. Mụ đưa cho Chu Tái-Kênh:
– Phiền hai vị khắc phương danh quí tính vào đây.
Chu Tái-Kênh phất tay trên đầu Đinh Xuân-Hoa, bà rút cái châm cài đầu,
vận âm kình vào tay, viết lên tấm thẻ bài thứ nhất chữ: Đinh Xuân-Hoa,
tấm thứ nhì chữ Chu Tái-Kênh. Nét chữ cứng, sắc, sâu vào trong. Mã
thái-hậu hài lòng:
– Thường những người của ta mang thẻ bài chia làm nhiều hạng: Thị vệ
mang thẻ bài bằng gỗ trầïm. Vũ vệ hiệu úy mang thẻ bài bằng thép. Cung
nga, thái giám thân tín mang thẻ bài bằng bạc. Còn thẻ bài bằng ngọc chỉ người ở vai sứ thần, hoặc thái-phi, công-chúa, quốc-cữu mới có. Hai vị
mang thẻ bài này, dù tam công, thứ-sử, thái-thú trông thấy cũng phải
kính trọng, giúp đỡ các vị.
Chợt nghĩ ra điều gì. Mã thái-hậu hỏi:
– Ta mới chiêu mộ được hai gã sư thúc Sầm Bành, Phùng Dị. Võ công chúng
vô địch thiên hạ. Hôm trước đấu với Mã Vũ, và một cung nga Tây-cung bị
thua. Các vị có biết cung nga ấy tên gì không?
Đào vương-phi chỉ Chu Tái-Kênh:
– Chính thị lão bà này.
Mã thái-hậu trố mắt nhìn. Mắt mụ ngơ ngẩn, tỏ ý không tin. Chu Tái-Kênh
hít một hơi, vận âm kình phát chưởng vỗ nhẹ vào cái bàn bằng gỗ lim.
Bịch một tiếng, cái bàn bị tiện đứt làm đôi, bằng phẳng như cưa vậy.
Mã thái-hậu giật mình. Mụ rùng mình nói:
– Thì ra lão bà. Như vậy ta càng tin lão bà hơn. Thôi, hai vị cứ yên
tâm, chúng ta coi nhau như chị em, cùng mưu đại sự. Ngôi hoàng-đế
Lĩnh-Nam nhất định sẽ về tay Hán-trung vương Đào Kỳ.
Ngẫm nghĩ một lúc, Mã thái-hậu tiếp:
– Ta nghe nói ở Lĩnh-Nam, đàn bà cũng cầm quân như đàn ông. Ta được biết tài dùng binh của Nguyễn Phương-Dung, Trưng Nhị, Phùng Vĩnh-Hoa và
Phật-Nguyệt. Tiếc rằng triều Hán không cho đàn bà cầm quân. Bằng không,
ta quyết áp lực tam công, triều thần phong các vị làm đại-tướng quân,
mang quân đánh xuống Lĩnh-Nam, một công, đôi việc lưỡng toàn. Từ nay các vị khỏi mặc quần áo thị vệ nữa, cứ mặc quần áo cung nga. Có việc gì
khẩn cấp, ta cho người thông báo các với vị sau. Các vị có việc gì cần
liên lạc với ta, cứ đến đây. Thị vệ, cung nga hỏi, các vị đưa thẻ bài
ra, chúng đưa các vị vào gặp ta.
Hai bà từ biệt Mã thái-hậu. Thấp thoáng một cái, hai người đã vọt khỏi
lầu, xuống đất. Hai bà đang trở về Tây-cung, thình lình có người từ
trong bóng tối cười khằng khặc một tiếng rồi bỏ chạy.
Chu Tái-Kênh giật mình, cùng Đào vương-phi đuổi theo. Người kia chạy đến chân Hoàng-thành, vọt người một cái, đã lên mặt thành, ra ngoài. Chu
Tái-Kênh vẫy Đào vương-phi. Hai người theo bén gót. Khinh không người
kia nhanh không thể tưởng được. Phút chốc đã tới chân thành Lạc-dương.
Người kia tung mình ra ngoài. Chu Tái-Kênh vẫn vọt theo. Một người chạy, hai người đuổi. Cho đến lúc trời tảng sáng, thì tới núi Bắc-mang. Người kia từ từ ngừng lại trước gốc cây lớn.
Tại gốc cây, Mã Vũ đã ngồi đó từ hồi nào.
Người kia không nói không rằng, ra hiệu cho Chu Tái-Kênh lùi lại. Y
phóng chưởng tấn công Đào vương-phi. Chưởng của y là chưởng Cửu-chân.
Đào vương-phi xuất chưởng đỡ. Bình một tiếng. Bà cảm thấy khí huyết đảo
lộn, ngực muốn nổ tung ra. Bà vội vận khí theo kinh mạch, phát chiêu
Thiết-kình phi thiên, đỡ chưởng thứ nhì của người kia. Bình một tiếng.
Người kia bật lùi lại hai bước. Còn Đào vương-phi bật lui đến bốn bước.
Người kia lột khăn bịt mặt, hiện ra một khuôn mặt khá già. Ông cười nói với Mã Vũ:
– Đại ca nói đúng!
Mã Vũ nhìn Chu Tái-Kênh tủm tỉm cười. Ông nói với Đào vương-phi:
– Sư muội! Bản lĩnh người đã đến trình độ này, ta e sư mẫu có sống lại
cũng thua sư muội. Tre già măng mọc. Có lẽ từ ngày khai thủy phái
Cửu-chân đến giờ, sư muội là người có võ công cao nhất. Đừng nói nữ lưu
bản phái, nếu hồi ta bằng tuổi sư muội, bản lĩnh ta cũng thua sư muội
xa.
Chu Tái-Kênh nhìn Mã Vũ, biết ông chính là Chu Kim-Hựu, anh ruột mình. Bà bực mình, giận dỗi:
– Anh gớm lắm! Giả chết, để em phải khổ sở suốt mấy chục năm. Em những
tưởng anh chết rồi. Hóa ra anh sang Trung-nguyên cắp kiếm theo hầu
Quang-Vũ. Con anh lưu lạc anh không tìm. Cháu anh bên cạnh, anh không
giúp đỡ. Bây giờ gặp lại em, sau hơn bốn mươi năm xa cách, anh còn cười
sung sướng. Anh muốn em coi anh như tên Lê Đạo-Sinh chăng? Được! Hãy
đứng dậy, chúng ta đấu với nhau vài ngàn chưởng.
Miệng nói, uất khí bốc dậy, bà vận hết sức, phát chiêu Ác ngưu nan độ
phóng vào Mã Vũ. Mã Vũ không ngờ sau bốn mươi năm xa cách, cô em gái vẫn giữ nguyên tính của bà Chằng. Nói là đánh liền. Ông vội nhảy vọt lên
cao tránh khỏi chiêu thức quái ác. Bình một tiếng, cây thông phía sau Mã Vũ bị gãy đôi, đổ xuống.
Mã Vũ cười lớn:
– Muội muội! Chưởng lực của em mạnh đến độ ta không ngờ. Có lẽ chỉ chồng em với Đào Kỳ hơn được mà thôi. Hèn chi lão già Phùng, Sầm không bị bại về tay em.
Mã Vũ tức Chu Kim-Hựu hỏi:
– Em nói cái gì con anh lưu lạc. Cháu anh bên cạnh?
Đào vương-phi tiến lên chắp tay hành lễ:
– Tiểu muội Đinh Xuân-Hoa xin tham kiến đại ca, nhị ca. Không ngờ đại
ca, nhị ca vẫn còn tại thế. Chị Tái-Kênh muốn nói: Khi anh với chị ấy
lạc nhau trong trận đánh cuối cùng. Con anh vẫn còn sống, không những
thế, hiện giờ thành đại anh hùng Lĩnh-Nam. Cháu nội anh làm Tây-cung
Quí-phi của Quang-Vũ.
Chu Kim-Hựu hỏi:
– Chu Báù, con rể Lê Đạo-Sinh là con anh sao?
Chu Tái-Kênh ngồi xuống kể sơ lược truyện Chu Báù được nhũ mẫu cứu sống, đem về Thái-hà trang, được Lê Đạo-Sinh thu làm đệ tử, lại gả con gái
cho, cùng cuộc đời cay đắng của Chu Tường-Qui như thế nào. Mã Vũ (Chu
Kim-Hựu) nghe em gái kể, nước mắt ông trào ra. Ông thở dài chỉ người đấu với Đinh Xuân-Hoa:
– Để ta nói cho hai em nghe. Người này là nhị sư huynh. Họ Trần tên
Kim-Hồ. Cách đây bốn mươi năm, chúng ta nổi tiếng Cửu-chân nhị tiên, võ
công, văn học nức tiếng Lĩnh-Nam. Có thể nói, ngoài bắc có Nguyễn Phan,
Trần Đại-Sinh, Lê Đạo-Sinh, trong nam có Chu Kim-Hựu, Trần Kim-Hồ.
Chúng ta ra bắc thuyết phục Nguyễn Phan, Trần Đại-Sinh, Lê Đạo-Sinh cùng khởi binh. Không ngờ ba người đều từ chối. Họ cho rằng khí lực chưa đủ, mà khởi binh, chỉ tốn xương máu vô ích. Chính sư phụ cũng không đồng ý. Người cho rằng cần kết hợp hết anh hùng khắp Lĩnh-Nam đã.
Ta không đổi ý. Vì cho rằng để chậm trễ, hai tên Tích Quang, Nhâm Diên
đồng hóa hết người Việt, e sau này không ngóc đầu dậy được nữa. Hai ta
bàn luận với Chu Tái-Kênh cùng khởi nghĩa.
Trong khi sắp sửa khởi thì nghĩa Lê Đạo-Sinh phản bội. Y tố giác với
người Hán. Đứng trước thế nguy, dù chưa đủ lực lượng, chúng ta cũng phải khởi binh. Cuộc khởi binh thất bại. Ta lạc vợ, con, em gái ta. Ta cho
rằng họ đã chết. Ta xấu hổ, không dám về gặp sư phụ, rủ sư đệ Trần
Kim-Hồ sang Trung-nguyên.
Cuối cùng chúng ta nghĩ được một kế: Muốn có quân trong tay, chúng ta
giả người Hán, đầu quân với Nghiêm Sơn, Quang-Vũ. Sau khi lập công lớn,
chúng ta xin về làm thái thú Giao-chỉ, Cửu-chân. Từ đó khuyến khích anh
hùng địa phương, nổi dậy, chiếm hết sáu quận Lĩnh-Nam. Song chúng ta
chưa kịp thi hành, đã có người trẻ hơn, tài trí hơn ra tay trước. Người
đó thành công. Y chính là Trần Tự-Sơn vậy.
Ông ngừng lại một lúc, rồi tiếp:
– Còn những truyện sau này, hai em đều biết cả. Có điều ta không ngờ Chu Báù là con ta. Chu Tường-Qui là cháu nội ta.
Đinh Xuân-Hoa thuật tỷ mỉ những truyện trong môn phái cho Chu Kim-Hựu nghe. Cuối cùng bà hỏi:
– Còn nhị ca Kim-Hồ. Nhị ca làm gì ở triều Hán?
Chu Kim-Hựu đáp:
– Nhị ca không làm quan ở Lạc-dương. Người hiện làm Đô-đốc thống lĩnh
thủy quân vùng Liêu-đông. Nhân người về kinh chầu Quang-Vũ, ghé thăm ta. Ta kể truyện sư muội Đinh Xuân-Hoa võ công cao cường. Nhị sư huynh
không tin, tìm cách đấu thử mấy chiêu.
Đinh Xuân-Hoa biết hai vị đại sư huynh, nhị sư huynh của phái Cửu-chân.
Song bà thấy cái gương Lê Đạo-Sinh, bà cho rằng: Biết đâu hai người
chẳng vì công danh, quên quê cha đất tổ? Vì vậy bà không nói gì. Chu
Tái-Kênh ruột để ngoài da, bà hỏi:
– Hai anh định làm gì giúp Lĩnh-Nam?
Chu Kim-Hựu thở dài:
– Chúng ta khởi binh thất bại. Còn mặt mũi nào về đất tổ trông thấy phụ
huynh nữa? Thôi chúng ta đành làm quan với Hán, mà lòng để ở Lĩnh-Nam.
Bất cứ dịp nào thuận tiện, chúng ta cũng làm lợi cho Lĩnh-Nam. Các sư
muội thấy: Ta đứng trong bóng tối giúp Lĩnh-Nam biết bao nhiêu mà kể?
Trần Kim-Hồ nói:
– Như vậy từ nay, bọn ta chiếu cố tới Tường-Qui, giúp đỡ nó. Còn mưu kế
của Trưng Trắc bày ra diệt thủy quân Đoàn Chí thực phải. Ta nghĩ khi Mã
thái-hậu ép quần thần tâu xin đánh Nam-hải, tất Quang-Vũ hỏi ý kiến đại
ca. Đại ca vờ xin suy nghĩ vài ngày rồi tâu Quang-Vũ nên đánh. Bấy giờ
Quang-Vũ có hỏi ta, ta cũng khuyên đánh. Như vậy tất y làm theo. Giữa
lúc thủy quân Đoàn Chí có lâm nguy, tất Quang-Vũ truyền cho ta đem binh
xuống cứu. Ta đem bản bộ quân mã làm phản, đánh úp. Thủy quân Hán coi
như bị tê liệt hoàn toàn.
Chu Kim-Hựu nhiều mưu trí hơn. Ông tiếp:
– Khi Đoàn Chí khởi binh. Hai em rủ Mã thái-hậu cùng theo. Mụ tham vàng, tất bỏ cung xuống Nam-hải. Hai em ở bên cạnh mụ. Giữa trận đánh, hai em trở mặt... Đoàn Chí không biết đâu là thực đâu là hư nữa.
GHI CHÚ CỦA TÁC GIẢ.
Tiểu sử hai đại anh hùng Chu Kim-Hựu, Trần Kim-Hồ, các sách chép rất mơ
hồ. Đầu tiên cuốn phổ tại đền thờ hai ông ở thôn Kim-đường, nay thuộc
thôn Kim-hồ xã Lệ-chi, huyện Gia-lâm, Hà-nội ghi hai ông là hai anh em
sinh đôi, quê ở đất Cù-ninh, Cửu-chân, tức Thanh-hóa. Hai ông mồ côi cha mẹ, được bà dì họ Mạc đem về nuôi dưỡng. Hai ông có công giúp Trưng
vương đánh đuổi Tô Định, được phong ấp ở Kim-đường. Cuốn phổ ghi một ông tên Đống, một ông tên Hựu ở đất Kim-hồ.
Trong cuốn phổ, do tổng trấn Bắc-hà Nguyễn Văn-Thanh gửi về triều đình
Huế xin phong thần cho hai ông, lại ghi rõ ràng: Hai ông là bạn học cùng thầy ở Cửu-chân. Một ông tên Chu Kim-Hựu, một ông tên Trần Kim-Đống.
Khi các ông lưu lạc sang Trung-nguyên, gặp Nghiêm Tử-Lăng (Trần Tự-Sơn), được Nghiêm thu dụng với Quang-Vũ. Ông Chu Kim-Hựu đổi tên là Mã Vũ.
Ông Trần Kim-Đống đổi tên là Trần Kim-Hồ. Vì vậy ấp Trưng-đế phong hai
ông mang tên Kim-Hồ.
Trong cuộc tìm kiếm di tích hai ông. Chúng tôi thấy rải rác ở Quảng-đông có hai đền thờ. Sự tích hai đền thờ đều nói các ông người Lĩnh-Nam,
sang Trung-nguyên làm quan với triều Hán. Một ông tên Chu Kim-Hựu đổi
sang họ Mã được vua Quang-Vũ phong làm Bô-lỗ đại-tướng quân, tước
Dương-hư hầu. Tra trong Hậu-Hán thư quyển 22 phần Mã Vũ liệt truyện,
thấy ghi rõ ràng: Mã Vũ được phong Bô-lỗ đại-tướng quân, tước Dương-hư
hầu. Cũng trong Hán-thư quyển 24 phần "Mã Viện liệt truyện" nói rằng Mã
Vũ luôn tìm cách hại Viện. Khi Viện chết, áp lực của Mã Vũ mạnh quá,
khiến Quang-Vũ thu ấn Tân-tức hầu của Viện. Vợ con Viện chôn cất qua
loa, không dám làm ma lớn, thân thuộc chẳng được điếu tang. Vì vậy chúng tôi quả quyết Mã Vũ với Chu-Kim-Hựu là một người.
Tại đền thờ hai ông ở Hà-nội, có một đôi câu đối, mà chúng tôi lấy làm đầu đề cho hồi chín mươi:
Hiệp tán Trưng-vương, khuynh Bắc-quốc,
Đồng trừ Tô-tặc, trấn Nam-bang.
Nghĩa là: Hợp giúp Trưng-vương, nghiêng nước Bắc (Trung-nguyên). Đồng trừ giặc Tô, giữ trời Nam.
Phải hiểu ý câu đối "hiệp tán" nghĩa là cùng góp sức giúp Trưng vương để làm nghiêng ngửa Trung-nguyên. Chứ không phải như thần tích làng Kim-hồ nói rằng hai ngài chỉ giúp vua Trưng đuổi Tô Định. Làm nghiêng ngửa đất Trung-nguyên ứng vào việc hai người làm quan với Hán, giúp Phật-Nguyệt
đánh trận hồ Động-đình, giúp Thánh-Thiên đánh trận Nam-hải. Câu "Đồng
trừ" nghĩa là cùng vua Trưng trừ Tô Định, ý chỉ việc ngài Chu Kim-Hựu
đánh lui Lê Đạo-Sinh và quân Tô Định ở cổng thành Luy-lâu. "Đồng trừ" ý
nói không phải hai ngài ở dưới trướng vua Trưng, mà có nghĩa hai ngài
cùng ra tay trợ giúp. Vì vậy chúng tôi cần phải biện minh cho rõ nghĩa
một chi tiết bí mật lịch sử.
Chu Kim-Hựu đứng dậy:
– Thôi hai em cứ về Tây-cung. Ta tìm cách loan báo mọi tin tức triều Hán cho các em. Chúng ta ở ngoài, Chu Tường-Qui với các em ở trong. Chúng
ta liên kết trừ tất các bọn đại thần chủ trương gây chiến Lĩnh-Nam, liên kết với người có thiện cảm với người Việt. Hiện tam công, đại thần bị
Mã thái-hậu dùng các cao thủ khống chế. Phe đảng mụ khá nhiều. Lại thêm
phe đảng Quách hoàng-hậu. Hai phe cùng ác cảm với Lĩnh-Nam. Bọn quốc
thích muốn ra ngoài cầm quân đánh Lĩnh-Nam, hầu gây thế lực như Mã Viện. Chúng ta tìm cách trừ bớt vây cánh phe Quách-hậu. Muốn trừ vây cánh phe Quách-hậu phải liên kết với phe Âm Quí-phi. Âm Quí-phi hiện được
Quang-Vũ sủng ái. Bà là ngươì nhân từ, khoan hậu, có con trai lớn, đang
muốn tranh dành ngôi thái-tử.
Chu Tái-Kênh vỗ đùi một cái, cười lớn:
– Vậy được rồi. Chu Tường-Qui hiện là sư phụ của hoàng tử Trang, và công chúa Đoan-Nhu. Giữa Tường-Qui với Âm Lệ-Hoa rất thân với nhau. Chúng ta lại thân với Hàn thái-hậu nữa. Ta liên kết lại, rồi tìm cách gì đổ tội
cho Quách-hậu. Quang-Vũ phế Quách-hậu xuống ắt xong truyện.
Chu Kim-Hựu lắc đầu:
– Không giản dị như vậy đâu. Chúng ta trừ được vây cánh phe Quách-hậu,
lập tức vây cánh phe Âm-hậu lại muốn khống chế triều đình, muốn ra ngoài cầm quân đánh Lĩnh-Nam. Đó là điều cần ghi nhớ. Khi chúng ta ra mặt hại Quách-hậu, vô tình chúng ta hứng tất cả thù hằn của phe này. Đó là hai
điều cần nhớ.
Đinh Xuân-Hoa nhiều mưu trí, bà bàn:
– Thế này, chúng ta gây ra một điều bất lợi cho Quách-hậu, khiến cho
Quang-Vũ nổi lôi đình, phế mụ xuống, đưa Âm Lệ-Hoa lên thay. Mụ tất nhớ
ơn ta. Ta lại nhân đó, tiết lộ cho Quang-Vũ biết, việc ấy do phe Âm
Lệ-Hoa làm hầu hại Quách-hậu. Như vậy Quách-hậu không nghi ngờ bọn ta.
Trần Kim-Hồ vỗ tay khen:
– Thế thì được. Các sư muội tìm cách lẻn vào cung Tuyên-hòa bỏ thuốc độc vào thức ăn. Khi Quang-Vũ đến đó, ăn vào, bị trúng độc, tất y cho điều
tra. Y biết Tường-Qui có thù với Quách-hậu, ắt sai Tường-Qui điều
tra.Tường-Qui tỏ ra vô tư, biện luận cứu Quách-hậu. Như vậy họ hàng
Quách nhớ ơn Tường-Qui.
Chu Tái-Kênh gật đầu:
– Thôi được, chúng ta cứ thế mà làm.
Lại nói về Đinh Xuân-Hoa, Chu Tái-Kênh trở về đến Tây-cung, mặt trời đã
quá Ngọ. Trần Năng, Tường-Qui thấy hai bà, mừng lắm. Tường-Qui hỏi:
– Hai bà đi suốt đêm, đến sáng không về, làm cháu lo lắng quá. Cháu sai
Cu Bò cho Thần-ưng tìm hai bà. Nó bảo: Hai bà đang yên lành ở núi
Bắc-mang. Cháu mới yên tâm.
Trần Năng kể cho hai bà nghe: Đêm qua bà đến cung Hàn thái-hậu dâng thư
của Trưng hoàng-đế. Hàn thái-hậu giữ bà lại truyện trò. Lúc mặt trời lên cao mới cho về.
Chu Tường-Qui hỏi:
– Sư thúc sang đây chỉ với mục đích bảo vệ Ngọc-tỷ, hay còn có truyện gì khác nữa? Thư Trưng sư tỷ gửi Hàn thái-hậu nói gì?
Trần Năng gật đầu:
– Ngọc thể Hàn thái-hậu bất an. Ngự y Hán trị không khỏi. Người sai sứ
sang thỉnh sư phụ ta. Sư phụ ta như con rồng, ẩn hiện không chừng. Vì
vậy Trưng hoàng-đế cử ta sang thay. Ta dùng Lĩnh-Nam chỉ, trị cho người. Bệnh đã khỏi. Người còn muốn lưu ta lại trị cho Quách hoàng-hậu nữa. Ta nhận lời.
Thấy vắng bóng Lương Tùng (Cu Bò) Đào vương-phi đưa mắt hỏi Chu Tường-Qui.
Nàng đáp:
– Sáng nay nó sang Nam-cung cùng hoàng tử Trang, công chúa Đoan-Nhu đi
dạo chơi núi Bắc-mang. Bởi nó khoe rằng trước đây Tây-vu thiên ưng lục
tướng bắt gà rừng Bắc-mang nướng ăn ngon lắm. Công chúa thèm quá, đòi
ăn, nó chiều theo. Nó chỉ huy hơn trăm thị vệ dẫn hoàng tử Trang với
công chúa Đoan-Nhu đi chưa về. Không ngờ nó còn nhỏ, mà biết cách chỉ
huy binh sĩ như một đại-tướng.
Chu Tái-Kênh nói:
– Hai năm qua, nó làm sư trưởng Thần-ưng thuộc đạo binh Giao-chỉ. Suốt
ngày phối hợp thao luyện quân sĩ, ban lệnh, thưởng phạt đã quen. Tuổi
tuy nhỏ, chứ tài nó không kém gì một đại-tướng. Đừng nói đội thị vệ trăm người Tây-cung, đến một vạn binh nó cũng chỉ huy được. Cứ coi trận hồ
Động-đình thì rõ. Khi được lệnh xả láng, trước hàng vạn mũi đao, hàng
trăm nghìn mũi tên, nó chẳng coi ra gì. Nó chỉ tiến chứ không lùi. Rất
tiếc trận này thằng Trâu Đen tuẫn quốc.
Chu Tường-Qui cười:
– Ngự trù cho cháu biết, suốt ngày nó vào bếp. Gặp cái gì cũng ăn, bất
kể món đó ngon hay không. Thông thường thị vệ không được vào bếp của các cung. Cũng không được ăn uống trong cung. Chỉ khi nào hoàng-đế, phi tần ban thưởng mới được ăn. Vì vậy cháu phải dặn ngự trù rằng nó là sư đệ
của cháu. Nó muốn ăn gì, cho nó ăn. Bọn ngự trù nghe nó tung trăn bắt
thích khách, sợ nó như cọp.
Bỗng một cung nữ mặt hoảng hốt chạy vào, quì xuống khấu đầu:
– Lệnh bà! Tai vạ đến nơi rồi.
Tường-Qui vẫy tay cho nó đứng dậy hỏi:
– Có truyện gì?
Người cung nữ run run, miệng lắp bắp:
– Hoàng thượng truyền đem Quách hoàng-hậu thắt cổ chết.
Chu Tường-Qui ngạc nhiên:
– Mi có biết tại sao không?
Người cung nữ lắc đầu:
– Thần không rõ.
Đinh Xuân-Hoa liếc nhìn Chu Tái-Kênh, ý muốn nói: Mình chưa ra tay, mà
sao Quách-hậu đã bị tai vạ rồi? Không lẽ Chu Kim-Hựu ra tay trước. Dù
ông có ra tay trước, đâu có mau như vậy được?
Chu Tái-Kênh nhớ đến kế hoạch bàn đêm trước. Bà bảo Chu Tường-Qui:
– Cháu được hoàng-đế sủng ái, tin tưởng. Vậy cháu nhân dịp này, yết kiến hoàng-đế xin khoan hồng tội trạng cho Quách-hậu, để mua chút cảm tình
mai hậu.
Tái-Kênh bình tĩnh nói:
– Chúng ta nên đến cung Tuyên-từ yết kiến Hàn thái-hậu. Vương phi là chỗ thông gia với bà, có lời của vương phi với ta, chắc Hàn thái-hậu cản
ngăn việc này. Như vậy tốt hơn.
Tường-Qui truyền thái giám chuẩn bị xe. Nàng mời Chu Tái-Kênh, Đào
vương-phi, Trần Năng cùng lên xe, đến cung Tuyên-từ. Cung Tuyên-từ ở
cách xa Tây-cung. Ngựa đi một lúc mới tới. Tên thái giám giữ cung thấy
Chu Tường-Qui, vội vàng quì xuống khấu đầu. Tường-Qui truyền:
– Ngươi vào tâu với thái-hậu rằng có ta dẫn phu nhân Khất đại phu, Đào vương-phi và Y-tiên Trần Năng đến xin cầu kiến khẩn cấp.
Uy tín Chu Tường-Qui ở nội cung rất lớn. Một là nàng được Quang-Vũ sủng
ái. Hai là từ sau vụ phản nghịch ngoại thích họ Mã. Nàng có công đầu dẹp loạn. Hôm vợ chồng Phan Anh, Nghi-Gia đại náo hoàng cung. Cung nga,
thái giám đều trông thấy nàng xử dụng võ công cao đến không bao giờ ngờ
tới. Chu Tường-Qui vốn tính ôn nhu, nhã nhặn, cung nga, thái giám được ở với nàng coi như đại phúc.
Viên thái giám thấy nàng phán, vội vàng vào trong cung. Một lát Hàn
Tú-Anh thư thả bước ra. Chu Tường-Qui cùng mọi người định hành đại lễ.
Bà vẫy tay:
– Thôi! Xin miễn nghi lễ phiền phức. Quí phi! Con mời quí khách vào.
Không biết trận gió nào thổi, mà được ba quí khách từ Lĩnh-Nam ghé viếng ta vậy?
Bà dắt tay Đào vương-phi mời ngồi. Đinh Xuân-Hoa nói:
– Chúng tôi tới đây kính thỉnh thái-hậu một việc. Nghe nói hoàng thượng
sắp xử giảo Quách hoàng-hậu. Vì vậy chúng tôi lớn mật xin thái-hậu ban
một lời cứu Quách-hậu.
Hàn Tú-Anh hỏi Chu Tường-Qui:
– Có việc ấy ư? Sao vậy? Thôi được để ta làm việc này.
Bà sai thắng xe, đi liền. Xe Hàn Tú-Anh đi trước. Xe Chu Tường-Qui đi
sau. Tới cung Tuyên-hòa, thị vệ vây kín phía ngoài. Chúng thấy Hàn
Tú-Anh đều quì xuống hành lễ. Hàn Tú-Anh đi trước, Chu Tường-Qui, Đinh
Xuân-Hoa... đi theo sau. Vào đến bên trong: Quách hoàng-hậu đang bưng
mặt khóc. Cạnh đó Thái-tử Cương nước mắt chan hòa. Cung nga, thái giám
hơn ba mươi người bị trói. Quan điện tiền hiệu úy chỉ huy thị vệ điệu
chúng ra pháp trường. Mọi người thấy Hàn Tú-Anh, đồng quì xuống khấu
đầu.
Quách-hậu, Thái-tử Cương đến trước Hàn thái-hậu khấu đầu, ôm lấy chân bà mà kêu thảm thiết:
– Oan ức! Thực oan ức. Xin thái-hậu cứu con với.
Thái-tử Cương cũng tâu:
– Con xin chịu chết thay cho mẫu thân.
Hàn thái-hậu vẫy tay bảo điện tiền hiệu úy:
– Ngươi hãy lui ra. Việc này để ta xét lại đã.
Điện-tiền hiệu-úy vâng dạ lui khỏi cung Tuyên-hoà. Hàn thái-hậu mời Chu
Tái-Kênh, Đinh Xuân-Hoa ngồi. Bà truyền Quách-hậu, Thái-tử Cương đứng
sang một bên. Bà nói với Trần Năng:
– Cháu cởi trói cho cung nga, thái giám.
Trần Năng kính cẩn:
– Tuân chỉ thái sư-mẫu.
Nguyên Hùng Bảo là đệ tử của Hoàng Thiều-Hoa, vì vậy Trần Năng gọi Hoàng Thiều-Hoa bằng sư mẫu. Trần Tự-Sơn lại là con nuôi Hàn thái-hậu. Cho
nên bà gọi Hàn thái-hậu bằng thái sư mẫu đã quen.
Bà vận Lĩnh-Nam chỉ, hướng tay bọn cung nga, thái giám, điểm. Mỗi tiếng
véo, dây trói một người đứt ra rơi xuống. Trên từ Hàn thái-hậu, xuống
tới Quách-hậu, cung nga, thái giám đều kinh hồn về chỉ lực của bà.
Hàn thái-hậu chỉ Chu Tái-Kênh, Đinh Xuân-Hoa:
– Hai vị này. Một vị là phu nhân của tiên ông Khất đại phu. Một vị là
nhạc mẫu Lĩnh-Nam vương. Hai vị đều là bạn ta. Ta ở trong cung không
biết gì cả. Xảy đâu Tây-cung Quí-phi, cùng các vị tới cầu ta đến đây cứu Hoàng hậu. Vậy truyện gì đã xảy ra?
Quách hoàng-hậu nước mắt ròng ròng nói:
– Đêm qua Hoàng thượng làm việc có hơi mệt. Sáng nay người không lâm
trào. Người từ Tây-cung đến đây ngự điểm tâm. Con truyền cung nữ dâng
cháo Vi-yến. Người dùng được mấy muỗng, thấy có vật gì vướng ở đáy bát,
người vớt lên, thì ra ba con dán.
Hàn thái-hậu kinh hãi:
– Trời đất. Nếu hoàng thượng sơ ý ăn vào ắt ngộ độc.
Quách-hậu lau nước mắt tiếp:
– Người nổi trận lôi đình, đập vỡ bát, bỏ đi. Thiếp kinh hoàng truyền
quan đình úy bắt cung nữ hầu điểm tâm cùng tên ngự trù điều tra. Một mặt thần đến điện Gia-đức khấu đầu tạ tội. Thần tâu rằng... tâu rằng việc
này có thể do Tây-cung Quí-phi hại thần.
Hàn thái-hậu lắc đầu:
– Con lầm rồi! Tây-cung Quí-phi là người hiệp nghĩa, không bao giờ làm
truyện đó. Vả Quí phi làm truyện đó để làm gì? Nếu để hả giận càng không đúng. Vì Quí-phi giận con, thù con, sẵn võ công vô địch trong tay,
Quí-phi chỉ vung tay một cái, là con mất mạng ngay. Còn bảo Quí-phi muốn hại con để chiếm ngôi hoàng-hậu ư? Điều đó Quí-phi không bao giờ muốn,
vì luật bản triều, Quí-phi không đủ điều kiện làm hoàng-hậu. Cũng như ta đây vậy. Ta an phận thế nào, Quí-phi an phận thế ấy.
Quách-hậu tâu:
– Hoàng thượng cũng phán như mẫu-hậu.
Quách-hậu khóc lớn:
– Thế rồi buổi trưa hoàng thượng về đây ngự cơm trưa. Người cùng con ăn
món canh thập cẩm. Người cầm đũa vớt miếng nấm lên, thấy đũa vướng,
người gạt mạnh, dưới đáy bát có con chuột chết, hôi thối vô cùng.
Chu Tái-Kênh, Trần Năng suýt bật lên tiếng cười. Hai người vội bụm miệng lại. Quách-hậu tiếp:
– Người nổi trận lôi đình, dùng đũa bới tìm khắp, thấy trong bụng con gà hấp nấm có ba con cóc chết. Người giận tím mặt, bỏ đi. Thiếp vội vàng
cho bắt ngự trù, cung nữ điều tra. Có tin người đau bụng, đại tiện chảy, truyền gọi ngự y chữa trị. Ngự y tới khám, nói rằng người trúng độc rất nặng. Cứ đi đại tiện đều đều. Người lệnh bắt giam thiếp cùng tất cả
cung nga, thái giám ở cung Tuyên-hòa bỏ ngục. Sáng mai thiếp bị xử giảo
(thắt cổ). Còn tất cả cung nga, thái giám đều bị chém đầu.
Hàn thái-hậu hỏi:
– Bệnh tình hoàng thượng ra sao?
Thái tử Cương tâu:
– Mặt đỏ bừng, bụng sôi lục sục. Dường như trúng độc nặng.
Hàn thái-hậu hỏi Trần Năng:
– Cháu nổi tiếng Y-tiên Lĩnh-Nam. Cháu hãy cùng ta cứu hoàng thượng một phen.
Bà biết Trần Năng tuy gọi bà thái sư mẫu. Song Quang-Vũ là kẻ thù
Lĩnh-Nam. Bà không thể ra lệnh cho Trần Năng cứu Quang-Vũ, mà phải đề
nghị.
Bỗng có tiếng hô:
– Hoàng-thượng gíá lâm.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...