Cái mền 37 độ

Tối khuya. Nằm trên căn gác nhỏ nóng nực nhà bà Mười, Lan trằn trọc lăn qua lăn lại. Trong bóng tối đen đặc, tiếng quạt máy chạy ro ro tạm coi đó như là giai điệu ru ngủ. Thế nhưng cô vẫn chẳng thấy buồn ngủ một chút nào. Lạ nhà. Lạ chiếu. Nằm chiếu trúc thấy ê ê nên cô trải cái mền vải bông man mát rồi nằm lên nhưng vẫn thấy khó ngủ. Có lẽ là bởi vì cô không nghe thấy tiếng rặng tre rì rào đã ru ngủ cô suốt mười tám năm qua ở xóm bờ sông. Có chăng chỉ là tiếng xe máy vụt qua.p>
Bất giác hai hốc mắt Lan cay xè, nước mắt trào ra ướt nhòe cái gối bông. Cô thấy nhớ phố núi quê mình, nhớ bờ sông, rẫy bắp cỏ mọc um tùm dập dìu cánh bướm. Nhớ hồi bé cô vẫn thường rón rén chui trong đám cỏ dại túm đuôi chuồn chuồn kim bé tí teo hay thả diều bay cao với mấy đứa trẻ con trong xóm. Tuổi thơ êm đềm đã trôi vào trong dĩ vãng từ thuở nào chỉ còn đọng lại trong ký ức những gì đẹp đẽ nhất.
Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo. Cô thương cháu vì cháu không khóc nhè…
Lan lẩm nhẩm trong đầu những bài hát thiếu nhi, mường tượng ra màn đêm đen huyền bí đầy sao, nằm nhớ lại tiếng gió, tiếng rặng tre rì rào rồi từ từ chìm vào giấc ngủ.p>
***
Khi nắng vẫn chưa kịp lên, những áng mây to bự vẫn còn ngái ngủ lững lờ trôi đằng chân trời, Lan thức dậy mở cửa bước vào phòng vệ sinh đánh răng rửa mặt rồi quay trở ra tới bếp bắc xoong nước nấu mỳ tôm. Trong lúc chờ nước sôi, cô vươn vai giơ cao tay đánh mông tập thể dục. Khung cảnh thị thành trải rộng ra trước mắt quá đỗi xa lạ với Lan. Nhìn đâu cũng thấy nhà cửa, thấp thoáng hàng cây bị che khuất bởi những mái nhà. Chẳng thấy núi thấy sương như phố núi yên bình quê cô.
Bất chợt, Lan đưa mắt nhìn xuống khoảng sân sau nhỏ hẹp nhà bên thấy có gã trai cởi trần mặc quần đùi đang vươn vai tập thể dục giống mình. Dường như phát hiện có người chiếu tọa độ vào mình, anh chàng đột ngột ngẩng đầu lên nhìn Lan. Cô lúng túng quay mặt đi ngay tức khắc bước tới bếp ga xé gói mỳ tôm. Lúc úp dĩa lên tô mỳ, Lan đảo mắt nhìn xuống khoảng sân nhưng anh chàng đã đi vào trong nhà từ lúc nào.
Tô mỳ rất thơm ngon, gia vị vừa ăn. Lan bưng tô mỳ ngồi xuống ghế nhựa chậm rãi ăn. Công việc ở quán cà phê bắt đầu lúc năm giờ chiều. Như vậy cô vẫn có thể xen kẽ làm thêm một công việc khác, miễn giờ giấc linh hoạt chạy đi chạy lại giữa hai nơi. Cô sẽ tranh thủ đi làm kiếm tiền trang trải tạm thời trước khi tìm được một công việc khác ổn định hơn. Sáng hôm qua cô có gọi điện đến Chi nhánh siêu thị M&A ở quận 1 nhưng người ta nói hiện tại siêu thị không có nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng. Gọi điện vài nơi khác thì họ yêu cầu phải có kinh nghiệm và tiếng Anh giao tiếp tốt. Na cảnh báo với cô hiện nay có rất nhiều công việc trôi nổi, kém chất lượng, bị lừa tiền… đủ kiểu. Cho nên, cô cần phải tìm hiểu thật kỹ trước khi nộp hồ sơ. Nó kể có những công ty bán hàng đa cấp dỏm với những thủ đoạn tinh vi lừa không biết bao nhiều người vào tròng bắt mua sản phẩm hàng triệu đồng mới được vào trong công ty làm việc. Rồi có cả những trung tâm môi giới bắt đóng lệ phí tuyển dụng, phí hồ sơ… nhưng sau đó lặn mất tăm cùng với tiền của rất người đến xin việc. Hóa ra cũng không dễ ăn để tìm được một công việc ổn định ở thành phố đông dân này.
Húp hết tô mỳ, Lan đứng dậy đi tới bồn rửa tô úp lên giá. Cô lại đưa mắt nhìn xuống khoảng sân bên dưới. Vắng tanh. Chẳng thấy bóng trai nào ở trần lạng quạng.
Bước vào phòng đứng trước tượng thánh giá, Lan chợt thấy lòng bình yên. Cô là người ngoại đạo nhưng cũng thường đến thánh đường vào các buổi chiều Chủ nhật cùng với mấy đứa con gái trong xóm bờ sông. Và nhiều khi cô cũng cầu nguyện, xin Chúa cho cô có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
***
Lan bước ra khỏi nhà bà Mười khi nắng đã lên. Tia nắng rọi qua tán lá thành những luồng sáng trong suốt lấp lánh. Con hẻm nhỏ tấp nập xe cộ qua lại. Cha mẹ chở con cái đi học. Mấy bà mấy cô xách làn đi chợ về cười nói râm ran. Đột ngột, từ trong cánh cổng màu trắng nhà bên có một người con trai vai đeo ba lô đi nhanh ra rồi đứng khựng lại khi nhìn thấy Lan. Bây giờ cô mới có dịp ngắm kỹ anh con trai ở trần lúc nãy. Hai hàng lông mày đen rậm rì, mắt một mí, sống mũi cao thẳng, miệng rộng vừa phải. Anh chàng bất ngờ cười với Lan:
- Chào!
Cô nheo mắt cười:
- Chào anh.

- Bé mới tới trọ nhà bà Mười hả? Quê bé ở đâu vậy?
- Dạ, em ở Kon Tum.
- Anh người Gia Lai nè. - Anh chàng cười khì khì. - Anh tên Thắng. Còn bé?
- Dạ, em tên là Lan.
Sau màn chào hỏi tên tuổi quê quán, cả hai sóng đôi bên nhau ra khỏi hẻm rồi đi lòng vòng để ra đường lớn. Thắng và Lan nói chuyện tầm phào về quê nhà rồi cười rất vui. Hình như những người con xa quê dễ hợp rơ với nhau. Cả hai trò chuyện như hai người bạn thân thiết quen biết nhau lâu ngày. Anh nói anh học năm cuối Đại học Kinh tế, ngành Tài chính Ngân hàng. Còn cô thì rụt rè nói mình thi rớt Đại học đến thành phố tìm việc làm. Thắng hỏi năm sau Lan sẽ thi Đại học nữa chứ. Cô nhoẻn cười, nói rằng sợ không đậu. Chiếc xe buýt đỗ xịch đón khách. Thắng bước lên vui vẻ cười với Lan. Cô cũng nở nụ cười ấm áp. Nắng tinh nghịch vờn lên tóc cô dịu dàng và rất đáng yêu.
Sạp báo gần mái chờ xe buýt xếp la liệt báo là báo. Từ Sài Gòn Giải Phóng, Nhân dân, Thể thao cho đến báo Mực tím, Thiếu niên tiền phong… Chị chủ sạp báo có dáng người nhỏ nhắn mặt mụn để kiểu đầu giống cô gái bán bánh tráng trộn trong phim Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò, ngồi trên ghế xếp nhâm nhi ly cà phê đen. Cách đó là quán cà phê vỉa hè ghế nhựa lô xô treo túm này túi kia trên tường. Mấy chú uống cà phê ngồi trên ghế nhựa con con chuyền tay nhau tờ báo.
Rút một tờ báo dày đặc chữ, Lan trả tiền rồi đi về nhà. Đường về hẻm nhà bà Mười lòng vòng qua mấy con hẻm liền nhưng cũng dễ nhớ nên Lan không cần sử dụng đến bản đồ. Cô vừa đi vừa chúi mũi vào mục Rao vặt. Có mấy nơi tuyển công nhân lương tháng ba triệu nhưng ở tận các khu công nghiệp cách trung tâm thành phố khá xa. Lan nghĩ bụng, có nên nộp hồ sơ không nhỉ?
Bước vào trong quán tạp hóa, Lan kéo ghế ngồi cạnh bà Mười đang tính tiền cho khách hàng, mắt vẫn dán vào tờ báo. Gia sư. Nhân viên bartender. Phục vụ quán ăn. Nhiều dòng tin in bé tí nhìn rối cả mắt, toàn công việc ở những quận xa còn không thì trùng với giờ làm ở quán cà phê Lan xin hôm qua. Lan nản không đọc nữa cuộn tờ báo lại ngồi thở dài.
- Sao vậy con? - Bà Mười tính tiền xong quay qua hỏi.
- Dạ, con không biết tìm đâu một công việc ổn định hết bà Mười. Toàn là công việc bán thời gian không hà.
- Ở Sài Gòn việc tìm người mà con không kiếm ra hả?
- Dạ, thì cũng nhiều nhưng mà con không biết đường kiếm. Với lại con cũng sợ bị lừa đảo, đi làm còn bị quịt lương không biết chừng.
- Ừ. Khổ lắm con ơi. Mấy đứa như tụi con ở quê vào thành phố lập nghiệp phải bươn chải đủ nghề để trang trải cuộc sống. Có mấy đứa con gái bằng tuổi con ở mấy làng quê nghèo tới Sài Gòn với mong muốn được đổi đời nhưng do hiền lành, nhẹ dạ, cả tin quá nên bị bọn ác ôn lừa làm cái nghề ca ve đó con. Đời là bể khổ con à.
Lan gục gặt đầu. Cũng vì khổ nên nhiều người lao động nghèo mới lặn lội vào Sài Gòn tìm việc. Lan may mắn được cô bạn người Sài Gòn tìm giùm nhà trọ giá rẻ chứ nhiều người cũng ở quê như cô ra thành phố phải sống trong những khu nhà lụp xụp để rồi hàng ngày toã đi các hướng làm đủ nghề nhọc nhằn vất vả để kiếm từng đồng dành dụm gửi về quê nhà. Lan chỉ kiếm tiền để nuôi bản thân nên vẫn còn sướng hơn rất nhiều người. Hôm qua khi Vy chở Lan đi chợ mua đồ đạc, cô nhìn thấy những cô, những chị oằn vai bởi những gánh chè đi trên vỉa hè dưới trời nắng chang chang. Đường phố Sài Gòn đâu phải chỗ nào cũng có bóng mát, chẳng hạn như mấy đại lộ rộng lớn phải đi một quãng dài mới tới được bóng cây. Nắng. Nắng lắm. Nắng phả rát vào mặt. Thế mà các cô, các chị vẫn rong ruổi đường xa dưới cái nắng như đổ lửa. Nhiều người còn khổ quá. Cũng vì miếng cơm manh áo mà phải chịu cực như vậy.
Cái máy cát sét màu đỏ cổ lỗ sĩ để trên bàn sát mấy lốc nước ngọt chạy lọc xọc rồi phát nhạc khi bà Mười nhấn nút Play.

Trời còn làm mưa mơi rơi mưa rơi. Từng ngón tay buồn em mang em mang. Đi về giáo đường ngày Chủ nhật buồn còn ai còn ai. Đóa hoa hồng cài lên tóc mây. Ôi đường phố dài lời ru miệt mài. Ngàn năm ngàn năm ru em nồng nàn ru em nồng nàn…
Tuổi đá buồn. Một ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lan im lặng lắng tai nghe. Lời bài hát buồn man mác nhưng nghe rất hay, càng nghe càng muốn cảm nhận bằng hết những điều ý nghĩa mà bài hát muốn truyền tải.
Bà Mười cười nói:
- Mấy chục năm rồi bà toàn nghe nhạc Trịnh và nhạc tiền chiến. Chớ không sao nghe được cái nhạc đùng đùng mà thằng cháu hay mở.
Lan buột miệng hỏi:
- Ủa, cháu bà Mười đâu? Sao con không thấy?
- Nó sống ở căn hộ chung cư cao tầng, làm phóng viên nên đi hoài lâu lâu mới thấy tạt qua thăm bà ngoại.
Lan nghe Na nói bà Mười có hai người con gái đều theo chồng định cư ở nước ngoài, một người ở Mỹ, một người ở Canada. Bà Mười ở một mình chắc cũng buồn nên mới cho thuê căn phòng gác xép giá rẻ.
Trời còn làm mưa mưa rơi mưa rơi. Từng phiến mây hồng em mang trên vai. Tuổi buồn như lá. Gió mãi cuốn đi. Quay tận cuối trời…
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi như một dòng chảy không ngừng. Tuổi 20, 30 hay 70 rồi cũng sẽ qua rất nhanh, như gió như mây như cát bụi thổi bay về cuối trời. Ngồi nghe Tuổi đá buồn, Lan chợt nhớ tới lời bài hát khác cũng của cố nhạc sĩ họ Trịnh.
..Xin hãy ưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…
Đá lớn, sỏi nhỏ. Bởi thế sỏi thì thường tựa vào đá và tảng đá muốn đứng vững thì vẫn rất cần những viên sỏi nhỏ. Người với người sống là để yêu nhau và cần có nhau trong đời. Lan chợt nhoẻn cười với suy nghĩ: “Nếu mình là viên sỏi nhỏ thì sẽ nép vào đâu? Ai sẽ là tảng đá chở che mình qua mùa mưa giông bão giật?”.
***
Sau bữa cơm trưa ngon lành với bà Mười, Lan ngồi quán nước trước nhà cà kê tám chuyện với chị chủ quán tên Hạnh người Tư Nghĩa - Quãng Ngãi, miền đất có hai danh thắng cảnh nổi tiếng là La Hà Thạch Trận và núi Bút. Hai chị em nói chuyện xa gần rồi bỗng dưng trở nên thân thiết từ lúc nào không hay.

- Nhà nghèo, quanh năm năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà chẳng đủ miếng ăn. Chồng chị bị tai nạn lao động nghỉ mất sức, nghèo càng nghèo thêm. Chị vào đây cố kiếm từng đồng gửi về cho nhà tám miệng ăn, có ba mẹ chồng già yếu. Lúc đầu chị đi phụ hồ, gánh chồng gạch leo qua các bãi xà bần lổn ngổn thảy lên cho thợ xây. Rồi phải vác bao xi măng nặng cả 50 kí. Nhưng tới việc trộn vữa mới mệt nhất. Hai người cầm cái xẻng hết đảo, xúc, rồi lại dặm cho đến khi nào vữa nhão như bột mới thôi. Tay chị rã rời, mệt muốn xỉu. Khổ lắm em ơi. Mà tiền lương chỉ bằng một nửa thợ chính.
Lan gật đầu ra chiều cảm thông. Chị Hạnh kể sau khi chị bị tai nạn phải nằm viện điều trị, chị mở quán nước rồi bán tới tận bây giờ. Anh chồng cũng đã vào Sài Gòn chạy xe ôm, sắp tới đứa con lớn của chị cũng vào đây trọ học. Khi nhắc tới những đứa con ngoan ngoãn học giỏi, đôi mắt chị ánh lên niềm hạnh phúc. Cái ghế nhựa bên cạnh chợt có bóng người to cao đưa chân gạt ra rồi ngồi xuống. Lan quay sang cười híp mắt:
- Anh Thắng.
- Chị Bảy cho em ly cà phê sữa nhiều đá.
Thắng nói với chị Bảy rồi quay sang cười với Lan:
- Chiều nay mấy giờ bé đi làm để anh chở đi cho.
- Như vậy thì mắc công anh quá. - Lan đáp lại.
- Có gì đâu mà mắc công. Để anh lấy xe chú chủ nhà chở đi. Để bé đi xe đạp anh thấy nguy hiểm quá. Mới ra Sài Gòn chưa quen đường đâu.
Cũng không hẳn là Lan chưa quen đường. Na đã chỉ cho Lan lối đi ngắn nhất để tới được quán cà phê chỗ cô làm. Nhưng đúng là cô cũng thấy sợ hãi khi đi vào trong mấy con hẻm vắng vẻ. Lỡ gặp mấy gã biến thái bị mắc bệnh lệch lạc tình dục gì đó thì khổ đời.
- Cám ơn anh.
Thắng bật cười: - Có gì đâu. Tối đi dạo phố Sài Gòn mát rượi.
Chuyện trò vui vẻ với Thắng và chị Hạnh tới hơn hai giờ thì Lan nghe tiếng hai cô bạn là Na và Vy gọi ỏm tỏi bên quán tạp hóa của bà Mười. p>
- Lan! Bộ bà quên phải mời tụi tui đi ăn ốc rồi hả?
- Bà kia!
Lan ngoảnh đầu lại bật cười rồi quay sang hỏi Thắng:
- Giờ anh rãnh không? Đi ăn ốc với tụi em cho vui.
Thắng nheo mắt:p>

- Ok!
***
Sạp hàng bé tí có vài ba cái bàn dựng bên mé con hẻm nhưng muốn ăn ốc gì cũng có. Từ sò huyết xào tỏi, ốc xào bơ cho đến sò điệp nướng phô mai, nghêu hấp xả… Ốc cực ngon, rẻ, bổ, xứng đáng với điểm mười chất lượng. Bốn người tụi Lan gọi hơn chục dĩa ngồi ăn khí thế, càng ăn càng thấy ghiền. Ốc ngon đậm đà không có gì để chê. Điểm trừ duy nhất của quán không liên quá tí tị gì tới chất lượng đồ ăn và phục vụ mà nằm ở giờ mở cửa. Quán chỉ bán từ 11 giờ trưa đến 6 giờ tối từ thứ 2 đến thứ 6, không bán vào thứ bảy và Chủ nhật. Ốc tươi xào me ngon tuyệt và rất vừa ăn. Thắng ngồi ngoài rìa vừa chén dĩa ốc vừa tặc lưỡi khen:
- Ngon quá. Ở Sài Gòn hơn ba năm rồi mà sao giờ anh mới biết quán ốc này ta.
Cô chủ quán nghe Thắng nói quay qua cười cười. Na đang ăn dĩa ốc mỡ bự và dĩa đó đã là dĩa thứ ba ngẩng đầu lên cười hì hì:
- Hồi cách đây mấy tháng khi anh Hai tui mới về nước tui dẫn ảnh đi ăn ốc. Hai anh em xử luôn mười ba dĩa. Trời cứ mưa mưa, hai anh em ngồi trùm áo mưa ăn hết dĩa này tới dĩa khác.
Rồi Na quay sang nói với cô chủ quán:
- Vui ghê cô ha.
Cô chủ quán mỉm cười:
- Mà sao mấy bữa nay không thấy anh con tới ăn ốc?
Na cười hi hi:
- Tại cô bán giờ hành chính nên anh Hai con có muốn ăn cũng đâu có tới được. Ngân hàng làm việc tới 7 giờ lận cô.
Vy uống ngụm Sting quay qua hỏi:
- Sao anh bà không vào công ty xây dựng của ông nội bà làm?p>
Na lắc đầu:
- Ảnh không thích. Ảnh thích làm nhân viên công chức bình thường.
Lan vừa ăn ốc vừa nhìn cô bạn. Năm Na học lớp 11, ba Na lúc đó đang là cán bộ kiểm lâm hy sinh trong một lần phối hợp với lực lượng công an truy bắt tội phạm buôn lậu ma túy nguy hiểm. Mấy tháng sau đó, một chiếc xe tải mất kiểm soát đã cướp đi tính mạng mẹ Na, một cô giáo đang lái xe máy đến ngôi trường tiểu học ở Măng Buk. Nỗi đau chất chồng lên nỗi đau. Có lẽ khó khăn lắm Na mới vượt qua hai cú sốc khủng khiếp đó và vui vẻ như lúc này. Giống như Lan, mẹ cô mất khi cô còn quá nhỏ, nhiều đêm khóc ồ ồ vì nhớ mẹ. Cách đây mấy tháng, cô đau không thể nào tả xiết khi ông ngoại đưa cái hộp sắt đựng mất đồng lẻ ông dành dụm được cho Lan rồi nhắm mắt xuôi tay. Cô đã thề cho dù có đói khát cũng không bao giờ đụng đến một đồng trong chiếc hộp sắt hoen rỉ đó. Chiếc hộp của ông ngoại và dây chuyền vàng của mẹ là những báu vật vô giá mà suốt cuộc đời này cô sẽ luôn gìn giữ. 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui