- Tao đã dặn mày không được giục xương gà cho Boss sao mày vẫn giục… Tiếng gào đau đớn của một người con gái vang lên trong đêm tối bên hông căn nhà có xác một con chó con lông màu cà phê sữa. Sau đó là những tiếng nấc uất nghẹn trong cổ họng của cô gái. Cô đưa bàn tay run rẩy ra vuốt lớp lông mềm mại trên đầu và lưng của chú chó nhỏ. Tối hai hôm trước Boss vẫn còn vẫy đuôi mừng rỡ khi cô đi làm về, vậy mà bây giờ nó nằm đây sau nhiều giờ liền đau đớn vì mắc xương ở cổ. Siêu thị M&A mấy ngày nay hàng về liên tục để gấp rút chuẩn bị cho việc khai trương nên cô tăng ca hai ngày liền tới khuya và ngủ lại nhà bạn. Bịch cháo vẫn còn âm ấm cô mới mua cho Boss. Nhưng Boss chết rồi. Boss chết rồi thì sao Boss ăn được nữa.
- Làm gì ghê dữ vậy? Tui cũng đâu có cố ý đâu. Gặm xương gà xong không quăng cho chó thì quăng đâu.
Con nhỏ xấc láo đang lý giải hành động độc ác của nó. Nó thừa biết là Boss còn nhỏ nhưng vẫn giục xương gà cho Boss.
Trong lúc phẫn nộ, cô gái đứng bật dậy xô con nhỏ vào tường. Con nhỏ liền la lớn:
- Má ơi, con Lan nó quýnh con. Đau quá má ơi. Huhuhu.
Chương 1 ĐI VỀ NƠI ĐÂU
Vụt… Vụt…
Tiếng roi tre vút trong không khí tàn nhẫn quật vào người Lan. Người đàn bà xăm mày xăm môi vừa đánh Lan vừa xổ ra một tràng những từ ngữ tục tĩu:
- Đ.m.m, mày đánh con tao. Thứ mày ăn nhiều ập h. @#$&%!%&$#@...
Lan oằn mình trước những nhát roi bén nhọn của bà mẹ ghẻ. Mười năm. Từ khi người đàn bà này về căn nhà này là từng đó thời gian cô phải sống trong sợ hãi. Làm bất kỳ việc gì cũng phải nhìn thái độ của bà ta, ăn cũng không dám ăn no, ngủ cũng không dám ngủ đủ giấc. Ba Lan đi làm xa tuốt ở bên Lào thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Những lúc đó bà ta lại nấu những bữa cơm thịnh soạn, ngọt ngào nói cười với cô, ăn đi con, ăn nhiều để có sức mà học. Một bà mẹ kế quá đỗi tuyệt vời thương con chồng như vậy thì làm sao ba có thể tin những gì cô nói về bà ta.
Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má rồi rơi xuống nở bung trên nền gạch. Bất giác, có gì đó trong Lan thôi thúc cô phản kháng lại. Sự phẫn nộ uất ức dồn nén bao năm đã vỡ bụp vì bị quá tải. Lan xô bà mẹ kế vào tường, gào khàn đặc:
- Bà đã dồn tôi tới bước đường này. Được rồi. Tôi đi. Tôi đi ra khỏi cái nhà này là được chớ gì. Tất cả tài sản của ba tôi đều là của bà hết đó. Lụm hết đi.
Bà mẹ kế tức điên vung tay định bạc tai Lan thì cô đã kịp hất mạnh cánh tay bà ta ra rồi ôm Boss chạy thẳng xuống hừng sông.
***
Dòng sông Đakla xanh mát chảy ngược vẫn êm đềm trôi theo hướng Tây – Tây Nam hợp với sông Kroong Po Ko từ hướng Bắc đổ xuống thành sông Se San hùng vĩ. Cuộc hành trình của sông Đakla chưa dừng lại ở đó mà nó còn chảy sang tận xứ sở Campuchia hòa mình vào sông Mê Kông và cuối cùng mới đắm mình trong biển Đông bao la. Đứng cạnh ngôi mộ mới đắp của Boss bên rẫy bắp xanh rờn, Lan bật khóc nức nở. Gió từ sông thổi lên rất mát, len lách qua những tán lá ngô xào xạt như muốn an ủi Lan.
Ở nhà, Lan vẫn thường chui rúc trong căn gác nhỏ tối như hũ nút sau khi làm xong tất cả việc nhà, không phim, không truyện, cô độc trong không gian u ám quanh mình. Năm lớp mười một, sau khi học tiết văn về tác phẩm Người trong bao của nhà văn A.P.Sê-khốp, mấy đứa trong lớp đã nói Lan rất giống nhân vật “người trong bao” Bê-li-cốp. Cô không đi giày cao su, không cầm ô và cũng không mặc áo bành tô, không đeo kính râm, không nhét bông vào lỗ tai nhưng cô giống ông ta ở điểm thích thu mình vào trong một cái vỏ. Cô câm lặng, cam chịu, để mặc sự đau khổ dày vò bản thân, sống lờ đờ như một bóng ma.
Gió chợt thổi mạnh. Côn trùng kêu ran rát tấu lên những bản nhạc của đồng quê. Lan dõi mắt ra dòng sông êm đềm. Đôi mắt cô nhuộm một màu nước của dòng Đakla hiền hòa. Phương Hòa – nơi cô cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay yêu thương của mẹ. Hồi còn bé xíu, mẹ thường dắt cô xuống đây bẻ bắp về nấu ăn. Cô thường lũn cũn đi trên bờ sông hát vang những bài hát thiếu nhi:
- Đi học về là đi học về, con vào nhà con chào cha mẹ. Cha mẹ khen rằng con rất ngoan, mẹ âu yếm hôn hai má con…
Năm Lan lên bảy, mẹ ốm nặng rồi qua đời bỏ đứa con gái nhỏ lại cho người chồng thường xuyên vắng nhà đi làm ăn xa. Sau đó hàng xóm vun vén rồi bà nội cũng thúc giục, thế là ba Lan lấy người phụ nữ bán thịt heo ở chợ đã ly dị chồng có một đứa con gái nhỏ hơn Lan hai tuổi. Ba yên tâm giao Lan cho người đàn bà đó rồi đi biền biệt, thỉnh thoảng mới tạt về nhà đưa tiền cho bà ta. Những lúc đó ánh mắt bà ta sáng lên, giọng dẻo quẹo như mạch nha: “Dì sẽ mua cho con quần áo mới. Đi chợ với dì con!”. Rồi bà ta cũng chở cô đi mua đồ thật. Thế nhưng sau đó, chúng đều nằm hết trong tủ quần áo của con Duyên. Nhiều khi Lan thèm thuồng cái bánh hay que kem bà ta mua cho con Duyên biết bao và chỉ được ăn phần thừa mứa nó cho. Từ cấp một cho tới cấp ba chẳng bao giờ được bà ta cho tiền tiêu vặt, muốn đóng khoản tiền nào đó cũng phải canh lúc nào bà ta vui mới dám xin. Cô đi học cấp ba bằng chiếc xe đạp cọc cạch đạp bốn cây số để đến ngôi trường trong thị xã. Có lần xe bị gãy cổ lái, cô ngã xe, bị cổ tay lái đập vào ngực đau buốt. Ba không biết vì bà ta không báo. Ông ngoại thương cô lấy tiền tiết kiệm mua cho xe đạp mới. Sau đó ít lâu thì ông mất. Những người yêu thương cô đều lần lượt qua đời. Cô như con tàu mất lái đâm sầm vào đảo hoang, để rồi kì thi đại học và cao đẳng vào tháng bảy vừa rồi cô bỏ trắng bài thi.
Lan nhếch môi cười khẩy. Bà ta muốn cô cút xéo khỏi nhà từ lâu rồi, giống như mấy đứa con gái trong xóm bỏ nhà đi bụi. Sau đó bà ta sẽ móc mỉa với người ta rằng, con đó nó đi theo trai, vài ba bữa vác cái bụng bầu về cho coi. Bà ta thích ngồi lê đôi mách bàn chuyện thiên hạ lắm mà. Mặc dù sống chung dưới một mái nhà nhưng bà ta và đứa con gái xấc láo luôn coi cô như người dưng nước lã, suốt ngày mắng mỏ chì chiết, soi lỗi vặt để đánh đập bằng cái roi quất bò. Mấy con bò bà ta bán hết rồi, bán sắm vàng đeo đầy cổ, đi tái tạo lại dung nhan để kéo dài tuổi xuân. Nhớ mấy con bò của cô quá. Chúng đều hiền lành giống cô. Cô vẫn thường dắt bò xuống bờ sông cho chúng gặm cỏ, còn mình thì nằm dài trên bãi cỏ ngắm trời mây đến xẩm tối mới về.
Ngồi sụp xuống cỏ, Lan úp mặt vào hai đầu gối khóc vùi. Cô nói là cô sẽ đi. Nhưng cô biết đi đâu bây giờ?
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...