Cái Áo Duyên ( Văn Ruộng, Sủng, Cổ Đại )

Video trên là bài Tát Nước Đầu Đình của Lynk Lee, version trình diễn bởi Hòa Minzy và Anh Đức, không hiểu sao nghe bài này tui cứ thấy yêu đời gì đâu, trong lúc bấn loạn bèn viết nên câu chuyện dưới đây. :3

Thần thánh vậy đó nên mấy bạn nhớ nghe thử nghen.  <3


~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Câu chuyện của tôi cũng bắt đầu như biết bao đứa con gái làng này. Từ lúc ra đời cho đến khi chập chững bước đi, tôi vẫn là gái út ngoan hiền được thầy cưng, bu mến. Cuộc sống cứ êm ấm trải qua cho đến khi tôi lên năm, sáng ra đi tắm sông cùng thằng Lĩnh xóm trên, chiều về khóc nức nở báo người nhà nó đã chết đuối.

Một tháng sau, thầy bu dắt tôi đi chùa, bị một nhà sư chỉ mặt bảo rằng, số tôi là số khắc phu, đàn ông không thuộc huyết thống mà dám đến gần đừng mong toàn mạng!

Chuyện sau đó, cứ theo cái nếp có sẵn trước giờ mà thành. Đến lúc ba đứa con gái chớm tuổi cập kê, thầy bu tôi đêm nào cũng chống tay suy nghĩ. Một ngày, thầy tôi gánh lúa về nhà, ngang qua xóm dưới nghe trai gái chỗ này hát.

"Hỡi cô gánh nước quang mây
Cho anh gáo nước tưới cây ngô đồng..."

Vậy là, chị cả nhà tôi sau đó được phân đi gánh nước.

Bu tôi ra chợ lùa đám vịt về lại nghe câu.

"Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi..."

Chị ba nhà tôi sau đó liền bị bà lùa đi cắt cỏ.

Đến tôi, ông bà liền phân cho việc chăn trâu.

Mãi sau này khi tóc đã cháy vàng vì nắng, da đen nhẻm vì bùn, một ngày soi mình xuống ao sen, tôi mới nhận ra dụng ý của hai đấng sinh thành.

Hai cụ muốn đào tạo tôi thành Gái Ế.

Vậy là, Gái Ế tôi đây cứ im lìm mà sống. Con trai chị cả đã cao đến ngực, bụng chị ba đã đụng đến cằm, tôi vẫn còn chễm trệ trên lưng trâu. Đến lúc anh hai tôi chí tang bồng quật khởi quyết ra Bồ Đề theo đuổi công danh, nhà phải bán cả con trâu vun vén phí lộ trình, thức ăn trên bàn chỉ còn một đĩa dưa cà và bát mắm tôm, tôi mới thoát số cày bừa ngoài ruộng.

Không còn phải ra đồng, tôi chuyển sang tự học khâu vá. Bu tôi cầm lấy cái quần rách tôi khâu lại cho mụ mõ đầu làng cùng vài phân bạc cắc, nước mắt bỗng chảy, bảo rằng bà thật có tội với tôi.

Kể từ đó, cái nghiệp khâu vá của tôi cũng phần nào đỡ đần hai cụ. Tuy ngày nào cũng có người mang đồ sang nhờ vả, tiền thu về rủng rẻng vui tai, mỗi lần cậu cả và cô hai nhà ông bá đến thu tiền thuê trâu thuê ruộng, thầy tôi vẫn phải khoanh tay cúi đầu xin khất nợ. Từ sau song cửa nhìn ra dáng vẻ cao ngạo của những con người võng lọng cao sang kia, tôi hờn lắm. Nhưng thầy tôi đã dạy sống ở trên đời phải biết sợ thế sợ quyền, kẻo không có ngày như con gà trống ở nhà, bị thiến lúc nào chẳng biết. Tôi nghe lời, đi đường cứ thấy người nằm võng là cúi đầu lùi sang một bên nhường lối, ăn cỗ hội đình thấy kẻ chiếu trên vươn vai liền tự động bưng chè dâng lên. Nhờ thế mà đến nay vẫn chưa động chạm tới ông cả bà lớn nào, dẫu rằng đám trai làng thường cười giễu tôi rằng:

"Đi đường chớ có ngẩng đầu
Gặp người sang cả tưởng đâu trâu nhà!"

Ấy vậy mà từ nhỏ đến lớn, tôi đi đường gặp cậu cả nhà bá Phù đến hơn ngàn lượt, đã bao giờ bị cậu ấy nhầm là trâu mà dắt về nhà đâu? Chỉ có một lần vô tình thấy nước rỉ xuống đường từ võng của cậu, tôi mới trố mắt nhìn rồi buột miệng thốt lên hai chữ "tè, dầm." Cậu cả liền cho người hầu tát tôi hai cái, đoạn tiếp tục để tôi tớ khênh võng đi.


Ôm hai má sưng húp về nhà mách thầy, thầy mới thở dài cho tôi biết, là cậu cả nhảy xuống ao cứu con gái của ông huyện mà ra, người ngợm mới ướt sũng như vậy, nào có phải là cái lý do tôi dại dột la làng?

Ăn hai cái tát, âu cũng đáng.

Mùa đông năm đó, anh hai thi rớt trở về nhà, thầy bu rầu lắm, song nghĩ nước nhà nay đã an yên, tân triều hẳn khát anh tài, lại tiếp tục tích cóp để ba năm sau anh được lên kinh tranh tài cùng sĩ tử thiên hạ. Tôi trông anh mình nén đau để tiếp tục dùi mài, lòng thấy thương xót, bèn học thêm thêu thùa để làm yếm đem ra đình bán. Thầy thấy tôi đêm đến còn lục đục kim chỉ, bèn chong cho tôi cái đèn mỡ bên hiên cửa. Tôi quý thầy tôi chuyện này lắm, vì tôi biết, nhà mình đến cả mỡ chuột cũng sắp không mua nổi nữa rồi.

Thỉnh thoảng, nhìn thấy võng lọng của cậu cả Phù và cô ba huyện nha đi xem hát về ngang qua nhà, tôi tự nhiên thấy tủi cho cái phận cô lẻ của mình ghê gớm, bất giác thầm than, đến chiếc đũa cũng còn có đôi...

Sau đó, nhắc đến đũa tự động thấy đói, liền vào lăng xăng xuống bếp phụ bu dọn cơm.

No rồi, lại quay sang thở dài sườn sượt. Bu hỏi tôi làm sao, tôi thật thà kể cho bà nghe đầu đuôi sự việc.

Vốn là, để bớt hao phí dầu mỡ chong đèn, những đêm trăng sáng tôi thường lẻn thầy bu ra cái ao sau đình, nương nhờ ánh trăng mà khâu vá. Có ngày vớt được cái áo cũ rách vướng vào lá sen. Thương tình, tôi đem về giặt sạch, tối đến chong đèn khâu lại chỗ sứt chỉ đường tà, mỗi ngày khâu một ít.

Lâu dần, tôi sinh cảm tình với cái áo. Vai rộng thế này, tay dài thế kia. Người đàn ông này, dễ dàng có thể che chở tôi cả đời.

Ôm mối tình si, tôi bắt đầu ra ao sen ngóng, chỉ mong bắt được cái bóng của người trong mộng.

Thế rồi ngày nọ, một xác chết trôi lõa lồ trồi lên...

Tôi vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục noi gương trâu bò ra ao ngóng đợi. Cuối cùng, giời chẳng phụ lòng người, đêm đó tôi ngủ quên bên ao, sáng ra trông thấy một tấm lưng rộng đang tát nước. Tôi dùng mắt ướm thử mấy lần, quả đúng là kích cỡ của cái áo nọ, không sai!

Bu tôi nghe xong liền thở dài, bảo thầy tôi từ đó cấm tôi sáng sớm mò ra ao nhìn đàn ông không mặc áo.

Buồn bã mấy ngày, tôi lại vực dậy tinh thần, bắt chước các chị tôi ngày trước thêu một đôi bướm lên góc áo tình lang, chờ dịp đi ngang lén nhét áo vào cái nát của chàng trai nọ.

Vài hôm sau, anh ta nhờ con nít trong nhà chạy sang hẹn tôi ra gốc đa đầu làng. Tôi thẹn thùng đến chỗ hẹn, nhìn thấy anh ta mặt đỏ như gấc im lặng cúi đầu mà lòng nhộn nhạo đủ điều. Đàn ông đàn ang mà hay xấu hổ như thế, bu tôi thường bảo rất dễ bén duyên...!

Mãi cho đến chiều, cả hai cũng chẳng nói được câu gì, gật đầu chào nhau rồi ai về nhà nấy.

Hôm sau mới biết, ra là chàng trai ấy bị câm.

Gái Ế tôi đây cũng chẳng làm ra chuyện trời đánh thánh đâm mà bỏ rơi người ta. Tôi dẫu gì đã mang danh sao chổi, làm gì có tư cách chê bai người. Thế nên từ đó cũng nhờ đứa trẻ nhà bên thư từ qua lại cùng chàng câm đầu xóm, lòng thầm mong ước về một đám cưới linh đình đầu xuân năm sau...

Cơ mà, mùa xuân năm đó trải qua, ngoài hai cái đám ma và ba cái đám giỗ, cũng chẳng có sự lạ gì xuất hiện.

Tôi lẽ ra phải rầu rĩ vô cùng, song lại nghe tin cậu cả nhà bá Phù bị thầy bói phán cho cái tội khắc thê, hôm lễ vấn danh suýt đã khiến con gái nhà quan huyện bệnh chết, tự nhiên mọi đau buồn đều bị cuốn sạch.

Hà, xem chừng giời cao vì thương xót phận ế chồng là tôi đây, đã ban cho tôi khả năng lây nhiễm. Tôi rốt cục đã lây cái số ế sang cậu cả đáng ghét nhà đó rồi!


Vui vẻ sung sướng vì người gặp nạn chưa được bao lâu, giời cao đã nhếch miệng cười đểu, khoan thai giáng tai họa xuống đầu.

Nhà bá hộ Phù cho người sang dạm hỏi tôi về làm vợ lẽ cho con trai quý hóa của họ.

Sính lễ không có, chỉ duy nhất cái tráp gỗ sim chứa một thỏi vàng và ba quan lẻ. Nghĩ đến con trai phải lên kinh ứng thí, thầy tôi ngậm ngùi cúi đầu nhận lấy, bu tôi từ trong nhìn ra bịt miệng khóc òa. Mãi sau này tôi mới biết, lý do có ba quan lẻ là do người ta khinh rẻ tôi, muốn tôi dù bước vào nhà cũng phải suốt đời an phận làm lẽ.

Đêm đó, bu gọi tôi đến bên giường, cho tôi một gối nhỏ màu đỏ ghim bảy cây kim, bảo rằng bà biết cả đời tôi sẽ không có cơ hội dùng đến vật này, nhưng bà vẫn cho tôi vì bà cũng chẳng còn gì đáng giá trên người để làm của hồi môn nữa...

Hôm sau sự việc truyền ra, trai gái trong làng đều nhìn tôi rồi che miệng cười. Chúng hát nghêu ngao thế này.

"Số em ế chỏng ế chơ
Khiến cho Nguyệt Lão chỉ tơ chẳng màng
Giời thương cho tấm tình lang
Ba quan phận lẽ đeo mang chồng hờ."

Bọn chúng còn nói, cậu cả Phù khi nghe thầy bói phán phải lấy đứa con gái mang phận khắc phu mới có thể hóa giải số kiếp, đã tức giận đến nỗi té từ trên võng điều xuống. Vốn dĩ cả cái vùng này ai chẳng hay cậu cả và cô ba nhà quan huyện tâm đầu ý hợp, sớm đã tính chuyện trầu cau, chỉ còn chờ ngày rước dâu qua đình. Nào ngờ ngoảnh đi ngoảnh lại, cuối cùng lại phải rinh một con trâu về nhà. Cậu cả không tức giận mới lạ. Có lẽ thấy cậu cả như vậy, sợ con mình càng mất mặt hơn vì sắp phải lấy đứa con gái xui rủi nhất làng, bà bá Phù mới lệnh bà mai làm cho đám cưới càng nhỏ càng tốt. Tốt nhất là hóa ra không! Không tam thư lục lễ, chẳng cỗ tiệc thết đãi dân làng đã đành; đến cả tiền cheo, tiền cưới cũng mặc cho nhà gái tự đem lên đình mà nộp. Tất cả đều nhằm mục đích nói cho thiên hạ hay, nhà bá Phù chẳng qua là bất đắc dĩ mà thôi!

Đêm đến, thằng bé nhà bên chạy sang đưa trả tôi cái áo cũ sờn có thêu hình đôi bướm. Tôi lại ngồi bên hiên cửa, chong đèn sáng trưng cả một gian mà khóc. Khóc vì tiếc thương, khóc vì tủi hổ. Tiếc thương cho mối tình chưa chớm đã tàn giữa tôi và chàng câm đầu làng, tủi hổ vì phận hèn nên chẳng thể bình thường mà xuất giá như con gái nhà người ta, khiến cho thầy bu sau này ra đường chỉ còn nước úp gầu lên mặt. Tôi buồn, buồn lắm, khóc đến váng đầu hoa mắt rồi ngủ lịm đi lúc nào chẳng hay.

Sáng tỉnh dậy, đã thấy trước hiên có năm thúng xôi vò, ba con lợn béo, hai tráp trầu cau, hai mâm hoa quả, một vò rượu tăm, một đôi chiếu hoa, một cặp chăn gấm long phụng và cặp hoa tai bằng vàng ròng.

Dân làng chỉ trỏ rồi đến chúc mừng nhà gái nhận được sính lễ hậu hĩnh, chứng tỏ con gái nuôi dạy ra rất được lòng nhà trai. Thầy bu tôi ra cửa cúi đầu đáp tạ, riêng tôi đứng lặng một góc ôm chặt lấy cái áo trong lòng.

Chắc chắn, chắc chắn là chàng câm của tôi.

Nhờ đó, vài hôm sau khi phải về nhà chồng, dù không võng lọng cao sang, chẳng tiệc tùng rình rang, người ta cũng không nhìn thầy bu tôi với cặp mắt rẻ khinh nữa.

Là phận lẽ, tôi bước chân qua bậu cửa nhà bá Phù mà không chậu nước quan tiền, chẳng trầu cau têm cánh phụng, chỉ có vài người hầu mặt khó đăm đăm vội vàng đưa tôi đến từ đường vái lạy bàn thờ tổ tiên coi như thành lễ, đoạn bị đẩy về một phòng nhỏ ở cách gian nhà chính mấy cái ngõ vòng.

Đêm đến, tôi ngủ một mình, trong mộng mị dường như đã ngửi ra mùi sen thoang thoảng.

Sáng tỉnh dậy, tôi sửa sang váy yếm chỉnh tề rồi đi vái chào thầy bu chồng. Ông bá nhìn tôi rồi chỉ thở dài. Bà bá, mặt khác, lại cứ nhíu mày như có điều chẳng ưng ý. Tôi nghĩ mãi không hiểu, ngoài cái sự xấu xí và số xui đeo bám ra, tôi còn cái chi khiến người chán ghét vậy sao?

Đến hôm thứ ba, cậu cả đột ngột xuất hiện ở phòng tôi. Cậu thảy cho tôi cái áo gấm rồi bảo mặc vào, cậu dẫn tôi về nhà lại mặt.

Tôi vâng dạ nghe theo, không dám hỏi nhiều. Trước khi xuất giá ít nhiều bu tôi đã dạy:

"Đàn ông giống chó ngoài đường,
Chữ 'vâng' chữ 'dạ' như xương cho mừng."


Nên tôi cứ theo đó mà làm, đường từ nhà chồng về nhà đẻ một vâng hai dạ, thăm hỏi thầy bu xong quay về nhà chồng cũng một dạ hai vâng. Chỉ có cái việc chồng nằm võng, vợ lẽ lỏng nhỏng theo sau kia ít nhiều cũng khiến tôi bực bội. Có thể giời cao còn chút thương xót, đã rủ lòng khiến lưới võng tự dưng bị rách, cậu cả thế là phải tiếp tục đi bộ cùng tôi.

Đi giữa đường, gặp phải một nhân vật khiến tôi chỉ muốn than thôi rồi...!

Cô ba nhà quan huyện mặt mũi tiều tụy, thân mặc y phục vải thô xin được nói chuyện riêng cùng cậu cả. Trông qua là biết thị vừa trốn khỏi nhà, vả lại cũng chưa khỏi bệnh, song cũng không tài nào giấu được sắc đẹp hơn người. Vẻ yếu mềm, có chăng, chỉ làm thị thêm phần rung động. Cậu cả dĩ nhiên đồng ý, cho đám tôi tớ về trước, riêng tôi lại lệnh cho đứng chờ. Tôi ngoan ngoãn khoanh tay đáp dạ trước cái nhìn khinh rẻ của thiếu nữ quyền quý. Cậu cả nhíu mày lườm tôi một lúc như chẳng vừa lòng, đoạn phất tay áo quay ngoắt đi cùng mỹ nhân liểu yếu đào tơ.

Đợi họ đi khuất sau lũy tre làng, tôi mới thở phào, túm váy lên nhảy nhót đuổi theo sau.

Cậu cả bảo tôi đứng chờ, đâu có nói đứng chờ ở đâu. Tôi cứ thích đứng dưới lũy tre làng mà chờ đấy, cũng đâu có gì gọi là quá đáng. Vốn tôi từ nhỏ đến lớn chỉ nghe kể, chứ chưa bao giờ thấy cảnh trai gái gió giăng tình tự, lần này cũng muốn mở mang tầm mắt một chút...

"Ta đã suy nghĩ kỹ rồi. Dù thầy u ngươi đã nhiều lần giải thích, lấy vợ lẽ cho ngươi vốn chỉ là mua lá bùa về giải số. Khi số được giải sẽ cho ngươi đón ta về nhà làm cả. Nhưng... ngươi phải hiểu, ta đây nhất định không chung chồng với người, cho dẫu người chỉ là lá bùa không hơn không kém."

Thấy cậu cả im lặng, cô ba nhà quan huyện lại sầu não tiếp lời.

"Không giấu gì ngươi, lòng ngươi đối với ta, ta đã biết từ lâu. Nói thật, ta cũng có phần rung động. Nhưng cái ta cần, ta muốn, là một người đàn ông chỉ dành cho mình. Điều này... ngươi tuy có ăn học đàng hoàng, chung quy cũng là người thời cổ, mãi mãi chẳng thể nào cho ta được... Cho nên... cho nên, chúng ta đành dứt tình từ đây thôi!"

Chọn ngay lúc kịch tính đó, thân cây mà tôi tựa vào lại lặng lẽ giã biệt cõi đời, gãy cái rắc. Tôi té nhào ra giữa đôi trai gái nọ.

Thấy mắt cậu cả từ tối thui tự nhiên sáng rực, tôi tự bảo với mình thôi rồi thôi rồi, không biết lần này có bị chính tay cậu ấy bạt tai hay không, bèn vội vã phủi gối đứng lên, miệng lắp bắp giải thích.

"Dạ... dạ... cậu bỏ em ở đường cái, chó hoang qua lại nhiều, nhìn thấy em liền sủa, em sợ quá chạy đến tận đây..."

Không gian trầm xuống, mãi một lúc sau mới có người lên tiếng. Là giọng của cô ba huyện.

"Vậy con chó đâu?"

"Nó..." tôi hoảng hốt, vội vã lấp liếm "...thấy cậu cả nên sợ quá, chạy mất rồi!"

Lại im lìm.

Cuối cùng, cậu cả thở mạnh ra một hơi, bước đến nắm tay tôi nhẹ nhàng kéo đi.

"Thế để tôi dọa chó cho em về nhà."

"Nhưng...!" cả tôi và cô ba đều đột nhiên mở miệng.

"À," cậu cả khoan thai quay lại nhìn cô ba, mắt không gợn sóng. "Việc cô ba vừa nói, tôi đồng tình lắm, cứ vậy đi nhé."

Sau đó, tôi như mộng du bị người kéo đi. Dọc đường tôi cứ liếc xuống chỗ tay bị nắm của mình mà nghĩ, hẳn là thằng nhóc này bị tổn thương quá sâu mà sinh hâm dở mất rồi...

Đêm đó mở cửa sổ nhìn ra, tôi mới phát hiện sau gian mình ở là một ao sen lớn. Và cái kẻ hâm dở kia thì lại đang uống rượu trên bè trôi thả giữa ao. Thì ra, mùi hương đêm qua tôi ngửi xông vào từ đây. Hỏi quanh mới biết, ao sen này là do cậu cả trồng. Cậu cả từ nhỏ đã nho nhã hơn người ta, trong làng cũng thuộc số ít được học chữ và thơ từ thi phú, nói trắng ra là một bậc anh tài được nhiều nàng ngưỡng vọng. Ao sen này nghe nói cậu cho đào khi chỉ mới lên bảy, từ đó đến nay đã chăm chút hết lòng, hương sen tỏa ra thơm nức cả làng, đến cả các trà thương trên kinh đô cũng phải mò về tận đây để hỏi mua đem xao trà dâng lên ngài ngự.

Tôi cau mày, sen vốn là loài tự mọc tự lớn, còn cần phải được vun tưới mới tỏa hương được sao? Cái thằng cu này hẳn đã quá rỗi, trồng hoa khéo thế, trồng người lại chả ra làm sao! Con gái nhà người ta bỏ nhà đến bịn rịn chia tay, hắn lại tự ái mà để thân gái bệnh hoạn đứng đó giữa đường hứng gió. Cưới tôi về rồi lại thảy đó nằm một góc. Cho dù chỉ lấy hờ để làm bùa giải hạn, ít nhất cũng nên ngó qua một cái chứ!

Lát sau uống xong hớp trà sen thơm nức, tinh thần dịu lại, tôi trèo lên giường quấn chăn đi ngủ. Trong mơ, tôi thấy mình đứng giữa ao sen hét to. "Chồng hờ có cái tốt của chồng hờ, ngủ riêng như vậy, ít nhất đêm hôm sẽ chẳng có người bắt tôi hầu đi tiểu!"


Tỉnh dậy, thấy cũng có lý, bèn gạt đi nỗi niềm buồn tủi mà không phiền lòng nữa.

Ai ngờ, cái sự phiền lòng của tôi kéo không qua nổi một tuần. Con gái quan huyện nghe nói tự nhiên bệnh tình trở nặng, nhà đó mang người sang bắt bớ gia đình chồng tôi, hoạnh họe vì sao lấy bùa về rồi mà cái số vẫn chưa được giải, báo hại con gái họ vẫn còn bị khắc? Thầy bu chồng tôi khuyên mãi chẳng được, còn bị nhà huyện dọa bắt giam. Vậy là tối đó, cậu cả liền xuất hiện ở phòng tôi để "giải bùa."

Dưới ánh đèn dầu leo lét, tôi chỉ biết nằm im cho cậu cả cởi từng lớp áo trên người mình xuống. Đến khi lớp yếm cuối cùng cũng đã lột ra, bị toàn thân nóng hâm hấp của đàn ông đè lên thịt da, tôi mới không kiềm được mà rùng mình, nảy người né tránh.

"Buồn quá!"

Mặt cậu cả chuyển xám, lại nhích người ấn xuống.

"Buồn... em buồn!"

"Buồn...!"

"Nằm yên!" cậu quát.

Tôi hít sâu vào, cố gắng bật ra hai từ lí nhí.

"Vâng ạ."

Loay hoay một lúc, mồ hôi rịn cả vầng trán rộng, cậu cả gấp rút hỏi tôi. "Giờ em thế nào rồi...?"

Không nhịn được nữa, tôi mếu máo nói khẽ. "Đau lắm..."

Không hiểu có phải là ảo giác của tôi không mà cậu cả lúc đó rất dịu dàng, còn cúi xuống hôn lên trán tôi, đoạn khẽ khàng nói.

"Tôi cũng đau..."

"Vậy... cậu ngừng đi..."

"Không được!"

"Đau như vậy làm tiếp làm gì?!"

"Làm cho hết đau...!"

Thế rồi, đêm tàn, trăng lặn, hoa rơi, nước chảy, tôi cũng hết đau thật. Còn cậu cả... chắc là đau quá hóa rồ, nên liều mạng làm mãi để sớm hết đau.




__________________________________

update: vì đã xác định thời đại của truyện là những năm cuối thời Minh thuộc, tên của cậu Phủ tui sẽ đổi thành Phù, lý do vì phạm húy tên vua Tràn Nghệ Tông (Trần Phủ). Lý ra lúc này nhà Trần đã không còn, kiêng húy cũng không cần thiết, nhưng vì đề cao tinh thần yêu nước của dân Việt trong thời kỳ này, tên húy các ông vua Trần vẫn là né đi thì hợp tình hơn, nhỉ? ^^




Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui