I/ Tình hình trước trận đánh
Sau khi Chiến tranh Punic lần thứ hai bùng nổ (218 TCN), đội quân Carthage do Hanilbal chỉ huy đã vượt dãy Alpes để tiến vào lãnh thổ nước Ý. Họ nhanh chóng giành được hai chiến thắng trước quân đội La Mã tại sông Trebia (ngày nay gọi là sông Trebbia) (218 TCN) và hồ Trasimene (217 TCN). Liên tiếp gặp thất bại, Cộng hòa La Mã quyết định cử Quintus Fabius Maximus làm Quan toàn quyền để đối phó với Cathage. Fabius đã quyết định dùng chiến thuật du kích để đánh tiêu hao lựu lượng đối phương. Quân La Mã tập trung cắt nguồn tiếp tế của Hanilbal và tránh giáp mặt trực tiếp với quân đội Carthage.
Chiến thuật này đã không được nhiều người La Mã ủng hộ vì họ cho rằng như vậy là tạo điều kiện cho quân đội của Hanilbal có thời gian chỉnh đốn đội hình và chiến tranh sẽ tiếp tục kéo dài.
Viện Nguyên lão La Mã đã triệu tập ông để bàn lại chiến thuật của ông. Vì vậy Marcus Minucius Rufus, trưởng quan kỵ binh của Fabius lên thay thế quyền chỉ huy quân đội. Minucius, vốn bất mãn với chiến thuật của Fabius ngay từ đầu, đã nôn nóng phát động một cuộc tấn công và giành một thắng lợi bé nhỏ. Người La Mã tỏ ra phấn khởi, bèn đưa ông ta lên làm Đệ nhị Toàn Quyền quan, chỉ huy một quân đoàn chiến đấu riêng biệt với Fabius.
Sau khi Fabius kết thúc nhiệm kỳ sáu tháng, vào năm 216 TCN, Gaius Terentius Varro và Lucius Aemilius Paullus được bầu vào vị trí chấp chính cùng với quyền chỉ huy một đội quân La Mã đông đảo mới được hình thành nhằm tiêu diệt lực lượng Carthage
Cũng vào mùa xuân 216 TCN, Hanilbal đã chiếm được kho quân nhu lớn ở gần làng Cannae ở đồng bằng Apulia.
Đứng trước tình hình này, hai các quan chấp chính La Mã quyết định đưa quân tiến về phía Nam để đối đầu với lực lượng Carthage, họ tìm thấy Hannibal đang đóng quân ở cách bờ trái sông Aufidus khoảng 10 km. Ban đầu mỗi quan chấp chính chỉ huy riêng một nửa lực lượng nhưng sau khi quân La Mã hợp nhất thì theo luật, các quan chấp chính sẽ chỉ huy luân phiên mỗi người một ngày
II/ Các bên tham chiến
Chỉ huy quân đội La Mã là hai quan chấp chính Gaius Terentius Varro và Lucius Aemilius Paullus với khoảng 75.000 bộ binh và 2.400 kỵ binh La Mã, lực lượng đồng minh của họ bao gồm 4.000 kỵ binh, 2.600 bộ binh nặng và 7.400 bộ binh nhẹ (với tổng số khoảng 10.000 lính), như vậy tổng lực lượng của phía La Mã tham chiến là vào khoảng 86.400 người.
Quân đội Cathage do Hanilbal chỉ huy với khoảng 8.000 chiến binh người Libya được trang bị giáp và khí giới kiểu La Mã, 8.000 lính Iberia, 16.000 lính Gaule (8.000 được giữ lại trại trong ngày xảy ra trận đánh) và một số lượng không rõ lính Gaetulia (nam Algérie ngày nay). Đội kỵ binh tinh nhuệ của Hannibal cũng là hỗn hợp của 4.000 lính Numidia, 2.000 lính Iberia, 4.000 lính Gaule và 450 lính Libya-Phoenicia. Phần cuối cùng trong lực lượng Carthage là 8.000 kỳ binh tạo bởi những lính bắn đá người Baleare và bộ binh dùng giáo nhiều chủng tộc. Tổng cộng khoảng 50.000 người.
III/ Diễn biến trận chiến
Quân La Mã sử dụng cách bố trí đội hình bộ binh trung tâm và kỵ binh hai cánh. Cánh phải của đội quân La Mã đóng gần sông Aufidus, kỵ binh của họ được bố trí hai bên sườn còn bộ binh nặng được dồn vào trung tâm đội hình. Với cách bố trí bộ binh nặng này, La Mã hy vọng sẽ chọc thủng được trung tâm.quân Cathage.
Về phía Cathage, Hanilbal chủ trương bộ trí quân theo từng ưu điểm của từng đơn vị. theo đó lính Iberia, Gaule và Celtiberia được bố trí ở giữa, bộ binh Punic được bố trí ở cánh ngoài rìa của toàn đội hình bộ binh. Tuy được trang bị lao ngắn hơn các bộ binh La Mã, bộ binh Punic châu Phi của Hannibal lại trội hơn về khả năng cận chiến và giữ đội hình trong khi giao tranh ác liệt, họ chính là lực lượng tấn công hai cánh của quân La Mã. Kỵ binh cánh trái của quân Carthage (phía Nam gần sông Aufidus) bao gồm 6500 binh sĩ người Iberia và Celtiberia do Hasdrubal chỉ huy. Cánh phải quân Carthage gồm 3500 kỵ binh người Numidia do Hanno chỉ huy. Hai đội kỵ binh hai bên này tấn công kết hợp với chiến thuật vừa đánh vừa lùi bộ binh nhẹ và bộ binh nặng châu Phi vẫn giữ vững đội hình tạo thành thế trận vành trăng khuyết với hy vọng sẽ đập tan được quân đội La Mã.
Sau khi dàn thẳng toàn bộ lực lượng, Hanilbal cầm trung quân gồm lính Iberia và Celtiberia tiến lên phía trước đồng thời giữ cho phần còn lại dần tụt về phía sau tạo thành thế trận hình bậc thang, chiều sâu đội hình ở cả hai cánh và vùng trung tâm của quân Carthage càng lúc càng giảm, mục tiêu của Hanilbal là sử dụng lính châu Phi làm lực lượng dự bị còn lính Iberia và Celtiberia mở đầu cuộc chiến.
Vào giai đoạn đầu trận đánh, kỵ binh hai bên giao tranh ác liệt và đẫm máu ở hai cánh. Với trình độ và lực lượng vượt hơn, kỵ binh Carthage nhanh chóng áp đảo và đánh tan kỵ binh La Mã ở cánh phải đồng thời ập vào hậu tuyến bộ binh La Mã ở trung tâm. Trong lúc kỵ binh Carthage đang áp đảo ở cánh phải, bộ binh trung tâm của hai phía bắt đầu giao tranh. Tuy vượt trội về lực lượng nhưng bộ binh La Mã gặp bất lợi về hướng tấn công, họ bị gió Đông Nam mang theo cát bụi làm giảm tầm nhìn, cát bụi cùng tình trạng vệ sinh (do quân Carthage chặn nguồn nước từ ngày hôm trước) còn khiến tinh thần chiến đầu của quân La Mã sa sút. Dù sao đi nữa, mặt trận trung tâm vẫn là nơi chiến sự diễn ra ác liệt nhất. Nhận thấy tính chất quyết định của việc bộ binh nặng La Mã phải đánh bại bộ binh Carthage tại trung tâm, quan chấp chính Paullus đã dẫn lực lượng của mình trưc tiếp gia nhập trận đánh đang càng lúc càng quyết liệt ở đây. Bên kia chiến tuyến, Hannibal và những người anh em của mình cũng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu, cùng với binh sĩ Carthage ra sức sát phạt đối phương
Đích thân Hannibal đứng chỉ huy trung quân Carthage và ra lệnh cho đội bộ binh yếu này dần lùi về phía sau tạo thành vành trăng khuyết. Với thế trận này của quân Carthage cùng việc vừa tiến vừa đánh, quân La Mã bắt đầu mất cự ly đội hình và có ít không gian để dùng vũ khí chiến đấu. Việc quân Carthage ở trung tâm lùi cũng khiến người La Mã bỏ qua (có thể cũng do cát bụi làm giảm tầm nhìn) mối nguy đến từ các đội bộ binh châu Phi vẫn gần như giữ nguyên vị trí ở ngoài rìa giữ cho thế trận vành trăng của Hannibal. Các giao tranh ở vùng trung tâm cũng tạo thời gian cho kỵ binh Carthage đẩy lùi hoàn toàn kỵ binh La Mã và tấn công hậu tuyến bộ binh La Mã, đẩy lực lượng này vào thế "lưỡng đầu thọ địch".
Bộ binh La Mã bắt đầu lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi ngày càng tiến sâu vào thế trận bán nguyệt của Hannibal. Vào thời điểm quyết định này, Hannibal ra lệnh cho bộ binh châu Phi của ông tấn công từ hai cánh, tạo thành vòng vây bao lấy bộ binh La Mã. Không còn đường thoát và bị tấn công từ bốn phía trong một diện hẹp, bộ binh La Mã rơi vào tình cảnh hỗn loạn, và cuối cùng theo như Polybius tả lại thì họ gần như chỉ còn biết đứng chờ chết. Cuối trận đánh, chỉ có khoảng 14.000 (trên tổng số 87.000) lính La Mã, tức là cứ 6 người mới có 1 người, thoát ra được khỏi vòng vây (phần lớn trong số họ chạy về thành phố Canusium ở gần đó).
IV/ Kết quả trận đánh:
Tổng cộng có hơn 75.000 lính La Mã thiệt mạng hoặc bị bắt làm tù binh, trong đó có cả quan chấp chính Paullus. Phía Cathage mất khoảng 16.700 người.
Trận chiến này đã làm cả La Mã lâm vào khủng hoảng. Đội quân tốt nhất của họ đã bị tiêu diệt gần như hoàn toàn, những người còn sống thì bị khủng bố tinh thần nặng nề, viên chấp chính duy nhất còn lại (Varro) thì hoàn toàn mất uy tín, một thảm họa cho quân đội và xã hội của Cộng hòa La Mã. Những người còn sống trở về từ Cannae bị phiên chế thành hai legio và cử ra đảo Sicilia đóng quân như một cách trừng phạt việc họ đã làm mất uy danh quân đội La Mã trên chiến trường. Bên cạnh thiệt hại về người, thiệt hại về tinh thần của La Mã cũng rất nặng nề: Mỗi thành viên tầng lớp trên trong xã hội La Mã thường có một chiếc nhẫn vàng làm dấu, và chỉ trong trận Cannae, Hannibal đã thu được ít nhất 200 chiếc nhẫn vàng như vậy. Người Roma hoảng loạn tới mức họ phải tìm tới các phương thức cổ xưa như hiến tế người để cầu nguyện, ít nhất đã có hai người bị thiêu sống. Lucius Caecilius Metellus, một viên quan bảo dân, hoảng sợ tới mức đề nghị các đồng nhiệm cùng lên thuyền bỏ trốn để làm việc cho nước ngoài. Trong ba mùa chiến dịch, Roma đã mất một phần năm dân số trên 17 tuổi. Ảnh hưởng tinh thần của chiến thắng ở Cannae khiến cho phần lớn miền Nam nước Ý gia nhập liên minh của Hannibal.
Sau trận Cannae, chỉ huy kỵ binh người Numidia là Maharbal đã đề nghị Hannibal lợi dụng thời cơ tiến quân ngay về Roma tuy nhiên Hannibal đã không làm theo lời khuyên này. Hannibal cũng có những lý do của ông khi không tiếp tục tiến quân về Roma. Theo sử gia Hans Delbrück thì thiệt hại trong các chiến dịch trên đất Ý cũng đủ khiến lực lượng của Carthage không thể tấn công thẳng vào Roma còn lực lượng của La Mã, tuy tổn thất lớn sau trận Cannae, cũng đủ để chống lại một cuộc bao vây Roma và duy trì lực lượng trên các vùng khác của Ý bất chấp sự có mặt của quân Carthage. Cách tiến quân của Hannibal sau trận Trasimene (217 TCN) và Cannae (216 TCN), cũng như sự thật rằng mãi 5 năm sau đó ông mới tấn công Roma lần đầu (211 TCN) cho thấy có thể chiến thuật của ông không phải là tiêu diệt tận gốc kẻ địch mà là triệt tiêu tinh thần đối phương bằng một loạt trận đánh để rồi buộc đối phương phải ký một hiệp ước hòa bình kèm theo việc từ bỏ hết các thành bang đồng minh.
Ngay sau trận Cannae, Hannibal gửi một phái đoàn do Carthalo dẫn đầu về Roma để thảo luận một hiệp ước hòa bình với Viện Nguyên lão La Mã. Tuy gặp nhiều tổn thất cả về người và tinh thần, Viện Nguyên lão vẫn từ chối đề nghị của Hannibal, trái lại họ còn tăng gấp đôi nỗ lực chống người Carthage bằng việc tổng động viên toàn bộ nam giới La Mã, thành lập các legio mới từ những nông dân không có đất canh tác và thậm chí là từ nô lệ. Việc tang lễ cho những người đã chết ở Cannae bị chính quyền La Mã hạn chế trong vòng 30 ngày, cũng chỉ có phụ nữ mới được phép khóc lóc ở nơi công cộng.Trận Cannae cũng giúp cho người La Mã có được bài học lớn của họ, từ sau thất bại ở Cannae, quân đội La Mã không bao giờ còn đối mặt sòng phẳng với quân Carthage trên chiến trường, thay vào đó họ sử dụng lại chiến thuật chiến tranh tiêu hao của Fabius - chiến thuật duy nhất hữu hiệu giúp đẩy Hannibal ra khỏi nước Ý.
Sau cùng, La Mã cũng trả được thất bại ở Cannae, họ tiến quân sang châu Phi, Publius Cornelius Scipio Africanus, con trai của P.C.S Aemilianus chỉ huy quân La Mã đánh bại Hannibal tại trận Zama, kết thúc Chiến tranh Punic lần 2.
phim trên youtube http://.youtube.com/watch?v=yGHge4FQ8aM
video mô phỏng http://.youtube.com/watch?v=sRW8Kd0Y3O8
xem mấy cái video này xong mới thấy bộ binh của Cathage quả thật ô hợp khi so sánh với bộ binh tinh nhuệ của La Mã, nhưng đội kỵ binh quả thật tuyệt vời.
Lời (tự) bàn: Hanilbal biết rõ điểm yếu điểm mạnh của đối phương cũng như điểm yếu điểm mạnh của bản thân, có thể đánh vào điểm yếu, tránh thế mạnh của địch, bắt buộc quân La Mã phải rơi vào thế trận do mình đặt ra. Quả là bậc tướng tài hiếm có.
Nhưng chiến thắng trên chiến trường không đồng nhất với chiến thắng trên chính trường. Một loạt những sự kiện tiếp theo khiến cho quân đội Cathage gặp phải thất bại và cuối cùng bị La Mã chi phối làm cho thành quả Cannae của Hanilbal đổ sông đổ bể. Cho nên tướng chiến thắng trong một trận chiến đã khó, mà chiến thắng trên toàn cục diện lại khó hơn.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...