Khi trời vừa tờ mờ sáng, Nguyễn Phong đã thức giấc. Từ khi bắt đầu đi học, Nguyễn Phong đã tự tạo cho mình thói quen dậy sớm này. Rạng sáng, là lúc bắt đầu một ngày mới, cũng là lúc không khí trong lành nhất trong một ngày. Khi Nguyễn Phong thức giấc, mọi người trong nhà vẫn còn chưa dạy hết, không gian rất yên tĩnh, thuận lợi cho việc luyện chữ. Đây là lí do mà Nguyễn Phong rất thích dạy sớm, mà có lẽ cũng là lí do để Nguyễn Phong buộc phải dạy sớm. Hắn không muốn mình ngủ quá nhiều, bởi mỗi khi ngủ, hắn lại nằm mộng về thế giới trước đây, mộng về những người thân đã xa cách. Nỗi nhớ da diết khiến hắn không thể nào yên lòng. Nguyễn Phong vẫn luôn nhớ về người thân trước đây, nhưng hắn muốn lưu giữ chỉ trong kí ức mà thôi. Hắn không muốn mỗi ngày đều nằm mơ về họ, để rồi một ngày khi tỉnh giấc, hắn lại nhận ra những người thân ấy có lẽ chỉ là một giấc mộng. Nếu thực có ngày này, hẳn là hắn đã quên họ mất rồi. Và điều này không phải là thứ mà Nguyễn Phong mong muốn.
Đoạn thời gian này, Nguyễn Phong rất nỗ lực luyện tập chữ viết, nỗ lực gấp mười lần khi còn ở thế giới trước đây. Hắn muốn truy cầu đỉnh cao thư pháp, nhưng có lẽ hắn càng muốn gặp được người thân ở thế giới kia, thư pháp tuy không có khả năng giúp hắn tìm được đường về nhà, nhưng lại giúp tâm trí hắn được trở về những kỉ niệm mà hắn luôn cố gắng lưu giữ. Có lẽ vì những nguyên do này, mà chữ viết của Nguyễn Phong tiến bộ rất nhanh, nét chữ viết ra ngày càng đẹp, khiến cho thầy hắn cũng phải cảm thán. Có lẽ cảm mến tài năng của Nguyễn Phong, cũng có lẽ là vì yêu quý cái sự kiên trì, chăm chỉ của hắn, nên thầy Vũ Ngôn rất thường xuyên lưu hắn lại sau giờ học, để dạy cho hắn thêm những điều hay của thư pháp. Rất nhanh, Nguyễn Phong đã thuộc được gần hết chữ viết ở thế giới này. Đây cũng là một bước quan trọng trên con đường rèn luyện thư pháp của hắn, bởi có hiểu được ý nghĩa của chữ, thì người viết mới có thể cảm thụ, truyền linh khí cho chữ. Bằng không, dù có cố gắng bắt chước y nguyên nét chữ, thì cũng chỉ là vẽ chữ mà không phải viết, chữ viết ra sẽ không có cái hồn cần có, đó quả thực là một thất bại.
Chuyện Nguyễn Phong hay được thầy lưu lại để giảng dạy thêm, cha hắn cũng biết. Mừng vì con mình học giỏi, lại cảm cái ơn dạy dỗ của thầy đồ, Nguyễn Bảo cũng đã có mấy lần đến tặng lễ cho thầy, coi như bày tỏ tấm lòng. Chỉ là lễ vật sang quý thì thầy không nhận lấy, chỉ lấy mấy chục đồng tiền, coi như là tiền cơm trưa của Nguyễn Phong. Thế mới thấy, Vũ Ngôn cũng là một lương sư, không tham tiền tài, lại biết quý tài.
Một buổi chiều, Nguyễn Phong lưu lại nghe thầy giảng dạy. Hắn rất hứng thú mỗi khi nghe thầy hắn giảng về thư pháp, bởi vì những lý luận thư pháp của Vũ Ngôn rất khác với ông nội Nguyễn Phong, nhưng về mặt tổng quát thì lại giống nhau. Có thể nói, lý luận của hai người bổ xung cho nhau rất tốt.
“Hôm nay, thầy sẽ giảng cho trò về nguồn gốc của chữ viết. Chữ viết như trò thấy bây giờ, đều là do cổ nhân sáng tạo ra. Khi xưa, thế gian còn chưa có chữ viết, con người muốn nhắn nhủ điều gì cho hậu nhân đều rất khó khăn, chỉ có thể thông qua truyền miệng mới đem những kiến thức quý giá để lại cho đời sau. Nhưng truyền miệng thì rất dễ có sai sót, chính vì vậy, con người mới nghĩ ra cách sử dụng hình vẽ để lưu lại. Tuy hình vẽ có phần trực quan, giúp người đời sau dễ thấu hiểu ý nghĩ của tiên tổ hơn, nhưng hình vẽ lại đòi hỏi rất nhiều công sức, mà ý nghĩa để biểu đạt không cao. Chính vì vậy, cổ nhân đã nghĩ ra phương pháp sử dụng chữ để truyền lưu. Chữ viết ban đầu rất đơn sơ, cũng rất phức tạp, bởi chữ lúc ấy đa phần là hình vẽ thu gọn lại. Nhưng trải qua sự phát triển lâu dài của con người, dần dần tiền nhân cũng nghĩ ra cách sử dụng chữ viết kí hiệu lại hình dáng của sự vật, hay còn gọi là chữ tượng hình” Nói đến đây, Vũ Ngôn ngừng lại một chút, để cho Nguyễn Phong ghi nhớ và tiếp thu những gì mình vừa nói.
“Chính vì chữ viết của chúng ta là chữ tượng hình, cho nên khi viết ra, người viết có thể dễ dàng thể hiện được cái hồn của chữ. Nhưng vì từ trước đến nay, chữ viết được lưu truyền không kèm theo một phương phát viết chữ cố định, cho nên rất nhiều người viết chữ chỉ là sao chép lại hình vẽ, mà không phải là sao chép lại cái hồn của chữ. Dù cho có những quy tắc viết chữ được giảng dạy, nhưng chữ viết thì có rất nhiều, ý nghĩa vô cùng, quy tắc không thể áp dụng cho toàn bộ các chữ. Chính vì vậy nên đa số người viết chữ ngày nay đều không thể xuất ra được cái hồn của chữ. Chỉ có các bậc kì tài thư pháp, mới có thể truyền được linh khí cho chữ, tạo nên cho chữ một cái hồn”
“Nhưng hồn của chữ, cũng có phân ra thật giả. Cái hồn mà được con người truyền vào cho chữ, chỉ có thể gọi là giả hồn. Bởi hồn này không phải là hồn vốn có của chữ, thậm chí còn lấn át chân hồn của chữ. Tuy nhiên, giả hồn cũng có ưu điểm, đó là có thể biểu hiện được tâm tình cá nhân của người viết. Những bậc đại tài thư pháp, có thể khiến người xem chữ của họ vui buồn theo cảm xúc của bản thân truyền vào trong chữ. Thật sự là đại tài. Khuyết điểm duy nhất của giả hồn, có lẽ là tính không chân thực của nó. Một sự vật hiện tượng, trong mắt mỗi người đều có cách nhìn nhận khác nhau. Không thể dựa vào cảm giác của người khác để nhìn sự vật trên đời. Mà giả hồn, lại mang nặng cảm giác của tác giả về sự vật, dễ khiến cho cái nhìn của người xem bị lệch lạc”
“Chân hồn của chữ, chỉ được thể hiện ra khi mà chữ được viết theo đúng quy cách. Mọi sự vật trong đời, đều là một quá trình phát triển, từ khi xuất hiện cho đến khi biến mất, trải qua bao nhiêu thăng trầm. Chữ viết lại là kí hiệu của sự vật, vì vậy chữ chỉ có thể biểu hiện ra cái hồn của sự vật, khi chữ cũng hòa nhập vào quá trình phát triển của sự vật. Mọi sự vật tuy khác mà giống, bắt đầu từ khi xuất hiện đến khi biến mất, đều trải qua sinh lão bệnh tử. Dù là cây cối, núi sông cũng vậy. Chỉ có cảm nhận được cái quá trình phát triển của sự vật, cảm nhận được cái hồn của sự vật, thì người viết mới có thể làm cho chữ xuất ra chân hồn. Chân hồn này, đến một mức độ nào đó thì sẽ trở thành thống nhất với sự vật. Chữ viết ứng với sự vật nào, thì chân hồn sẽ đồng nhất với sự vật đó, người xem có thể nhìn thấy được cái hồn của sự vật, cũng giống như nhìn thấy sự vật trước mắt vậy. Tuy nhiên, chân hồn này có ưu cũng có khuyết, ưu là tính chân thực, khiến người xem rõ ràng được điều mà thư pháp gia truyền đạt. Còn khuyết là vì chân hồn xuất phát từ chính sự vật, nên không thể truyền tải được cảm xúc của người viết”.
“Cảnh giới cao nhất của thư pháp, là khi người viết có thể khiến cho chân hồn và giả hồn hòa hợp với nhau. Chữ viết lúc này, không chỉ biểu hiện một cách rõ nét sự vật, mà còn biểu hiện cả cảm xúc của người viết. Người xem chữ, sẽ được nhìn thấy một khung cảnh chân thực, nhưng lại vẫn cảm nhận được cảm xúc của tác giả khi viết chữ. Sự vật, đặt trong hoàn cảnh độc lập thì vẫn chỉ là sự vật. Nhưng trong thế giới tự nhiên, mọi sự vật luôn vận động và phát triển, chính vì vậy, một sự vật được biểu hiện trong chữ, chính là nó mà cũng không phải là nó. Chữ viết, cũng phải có tình cảm và cuộc sống. Chữ viết, cũng là cuộc đời vậy”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...