Bữa Sáng Ở Tiffany’s

NHÀ HOA

Đáng lẽ Ottilie phải là cô gái hạnh phúc nhất ở Port-au- Prince[1]. Như Baby nói với cô, hãy nhìn tất cả những thứ mà em có. Như là cái gì cơ? Ottilie hỏi, vì cô phù phiếm và thích nghe khen từ những chuyện vớ vẩn nhất. Như là hình thức của em, Baby nói: em có màu da sáng dễ thương, đôi mắt gần như xanh và một gương mặt xinh đẹp, dịu dàng - chẳng có cô gái nào trên đường lại có nhiều khách quen như em, mà khách nào cũng sẵn lòng mua cho em bia uống thả cửa. Ottille thừa nhận điều đó là đúng, và với nụ cười, cô tổng kết nốt những may mắn của mình: em có năm cái váy lụa và một đôi giày satanh màu lục, em có ba cái răng vàng đáng giá ba mươi nghìn franc, có thể ông Jamison hay ai đó sẽ tặng em cái vòng tay nữa. Nhưng Baby ơi, cô thở dài, và không thể diễn tả nổi sự bất mãn của mình.

[1] Nghĩa là Cảng Hoàng Tử, thủ đô của Haiti.

Baby là bạn thân nhất của cô; cô còn có một người bạn nữa: Rosita. Baby tròn ung ủng như cối xay, mấy ngón tay múp míp đầy ngấn xanh lè, dấu vết của những cái nhẫn rẻ tiền, răng thì đen như gốc cấy bị cháy thiêu, ít nhất là cánh thủy thủ cũng khẳng định như thế. Rosita, cô bạn kia, lại cao hơn hầu hết đàn ông, và khỏe hơn, đêm đến, khi có khách, cô õng ẹo, nói đơn đớt bằng cái giọng búp bê ngốc nghếch, nhưng ban ngày, cô đi lại nghênh ngang và nói bằng giọng nam trung rất lính tráng. Cả hai cô bạn của Ottilie đều là người Cộng hòa Dominica[2] và như thế cũng đủ lí do để họ thấy mình cao sang hơn đám dân bản xứ ở cái nước đen nhẫy này. Họ không bận tâm chuyện Ottilie là dân bản xứ. Em có cái đầu, Baby bảo cô, và chắc chắn là Baby ngưỡng mộ những người có đầu óc. Ottilie luôn lo sợ rằng các bạn sẽ phát hiện ra cô không biết đọc cũng chẳng biết viết.

[2] Nước láng giềng với Haiti cùng trên đảo Hispaniola ở vùng biển Caribê.

Họ sống và hành nghề ở một ngôi nhà ọp ẹp; lung lay như răng bà lão, và lạnh cóng với những ban công sắp sụp trồng hoa giấy. Mặc dù không có biển bên ngoài nhưng nó được gọi là Champs Elysées[3]. Chủ ngôi nhà này là một bà cô không chồng, tàn tật, trông đến nghẹt thở, điều khiển mọi thứ từ một phòng trên gác, nơi bà ta ngồi chết dí, lắc lư trên chiếc ghế xích đu và uống từ mười đến hai mươi lon Coca-Cola mỗi ngày. Tổng cộng bà ta có tám cô làm việc dưới quyền, trừ Ottilie ra, không ai dưới ba mươi. Vào buổi tối; khi các cô tụ tập trên hiên, tán chuyện và xòe quạt giấy như những con bướm đêm đập cánh trong không trung thì Ottilie có vẻ là đứa trẻ mộng mơ, đáng yêu, được những bà chị già và xấu xí hơn vây quanh.

[3] Champs Elysées: tên đại lộ xa hoa nhất ở Paris.

Mẹ cô đã chết, bố cô là người quản lý đồn điền đã về Pháp, Ottilie được một gia đình nông dân chất phác đưa lên núi, con trai của họ còn nhỏ, thay nhau ngủ chung với cô trên những vạt xanh râm mát. Ba năm sau, khi mười bốn tuổi, cô lần đầu xuống núi để đến phiên chợ ở Port-au-Prince. Chuyến đi mất hai ngày một đêm, cô đi bộ, vác theo bao gạo nặng năm cân; để đỡ nặng, cô cho gạo rơi bớt ra, mỗi lúc một tí, cho đến khi tới chợ thì hầu như chẳng còn gì. Ottilie khóc nức nở vì nghĩ đến cả nhà sẽ giận dữ thế nào nếu cô về mà không có tiền bán gạo; nhưng cô khóc không lâu, có một ông tử tế và vui tính đã làm cô ráo nước mắt. Ông ta mua cho cô một miếng dừa, đưa cô đi gặp chị họ mình, là bà chủ của Champs Elysées. Ottilie không thể tin nổi vận may của mình: cái máy hát tự động, giày satanh và những người đàn ông hay đùa bỡn, tất cả đều lạ lùng và phi thường như cái bóng điện trong phòng cô mà cô cứ bật rồi tắt không chán tay. Chẳng bao lâu, cô trở thành cô gái được nhắc đến nhiều nhất trên con đường đó, bà chủ có thể đòi giá gấp đôi cho cô, và Ottilie đâm tự kiêu; cô có thể đứng làm dáng hàng giờ trước gương. Rất hiếm khi cô nhớ đến những ngọn núi, nhưng sau ba năm, núi rừng vẫn lưu lại bên cô: những ngọn gió núi tưởng như còn thổi đâu đây, cặp giò cao và rắn đanh của cô vẫn chưa mềm mại, và lòng bàn chân của cô cũng thế, ráp như da thằn lằn.

Khi bạn bè nhắc đến tình yêu, hay người đàn ông mà họ yêu, Ottilie trở nên u uất: khi yêu chị cảm thấy thế nào? cô hỏi. À, Rosita nói, đôi mắt đầy xúc động, chị thấy như có ai rắc hạt tiêu lên tim mình, như có con cá nhỏ bơi trong mạch máu. Ottilie lắc đầu; nếu Rosita nói thật thì cô chưa từng yêu, vì cô chưa bao giờ cảm thấy như thế với bất kỳ người đàn ông nào đến ngôi nhà này.

Điều đó làm cô bứt rứt đến nỗi cuối cùng, cô tìm đến một Houngan[4] sống ở vùng đồi phía trên thị trấn. Khác với bạn bè, Ottilie không dán ảnh Chúa lên tường phòng mình; cô không tin ở Chúa, nhưng tin ở thần: thần lương thực, thần ánh sáng, thần chết, thần hủy hoại. Houngan có liên hệ với những vị thần đó; ông ta giữ bí mật của họ trên bàn thờ, có thể nghe lời họ qua tiếng lách cách trong quả bầu và giải được quyền lực của họ trong bùa. Nói chuyện với các thần, Houngan truyền cho cô thông điệp rằng: Con phải bắt một con ong dại, ông ta nói, và nắm giữ nó trong tay... nếu con ong không đốt thì đấy là điểm báo con sẽ tìm thấy tình yêu.

[4] Houngan: thầy mo, thầy cúng theo tín ngưỡng của dân Haiti.

Trên đường về nhà, cô nhớ đến ông Jamison. Đấy là một ông người Mỹ quá năm mươi tuổi, làm trong một dự án kỹ thuật. Những chiếc vòng vàng lách cách trên cổ tay cô là quà của ông ta, và Ottilie băng qua một hàng rào cây kim ngân phủ tuyết, lòng băn khoăn chẳng lẽ cuối cùng mình vẫn không yêu ông Jaminson. Ong đen đậu thành đám trên cây kim ngân. Với cú chộp dũng cảm, cô tóm được một con đang ngủ gật. Nó đốt một cú choáng người khiến cô khuỵu xuống; và quỳ ở đó, cô khóc sướt mướt đến lúc khó mà biết là ong đốt vào tay hay là mắt nữa.

Đấy là vào tháng Ba, các sự kiện đều hướng tới lễ hội giả trang. Ở Champs Eliseés, các cô gái đang bận rộn may trang phục cho mình; Ottilie thì rảnh tay vì cô quyết định sẽ không mặc đồ giả trang. Vào cuối tuần náo nhiệt, khi tiếng trống rộn ràng lúc trăng lên, cô ngồi bên cửa sổ, lơ đãng nhìn những nhóm người ca hát, nhảy múa, đánh trống suốt dọc đường; nghe tiếng huýt sáo, tiếng cười mà chẳng muốn nhập bọn chút nào. Người ta sẽ nghĩ em phải già nghìn tuổi mất, Baby nói, còn Rosita bảo: Ottilie, sao em không đi đến đám chọi gà với bọn chị?

Rosita không nhắc đến đám chọi gà vớ vẩn đâu. Đấu thủ từ khắp nơi trên đảo đã đổ về mang theo những con gà chiến nhất của họ. Ottilie nghĩ chắc mình cũng nên đi, cô xỏ hai viên ngọc trai lên tai. Họ đến nơi thì màn trình diễn đã bắt đầu; trong cái lều vĩ đại, một biển người đang thổn thức và gào thét, trong khi đám đông khác không vào được dồn chật ních vòng ngoài. Với các quý cô từ Champs Eliseés thì đi vào không có gì khó: một anh bạn cảnh sát mở đường và lấy chỗ cho họ trên một chiếc ghế dài gần vũ đài. Các bác nhà quê xung quanh họ có vẻ xấu hổ trước những vị khách sành điệu dường ấy. Họ ngượng ngùng nhìn bộ móng tay sơn màu của Baby, những chiếc lược lóng lánh như kim cương gắn trên tóc Rosita, hoa tai ngọc trai rực rỡ của Ottilie. Nhưng trận đấu sôi động đến mức chẳng mấy chốc không ai để ý đến các cô nữa; Baby đâm khó chịu và đảo mắt tìm xem có ai liếc về phía họ không. Đột nhiên, cô huých Ottilie. Ottilie, cô nói, có người hâm mộ em đấy, anh ta nhìn em chằm chằm như ăn tươi nuốt sống.

Thoạt tiên, cô tưởng đấy là người quen, vì cách anh ta nhìn cô như thể cô phải nhận ra anh ta; nhưng làm sao cô biết anh được vì cô chưa từng bao giờ quen ai đẹp đến như thế, có cặp chân dài và đôi tai xinh xắn thế? Cô có thể nhận ra anh ta từ trên núi xuống: cái mũ cói kiểu nhà quê, chiếc áo màu xanh dày bình bịch và rách tơi tả của anh nói với cô nhiều điều. Da anh ta màu gừng nâu, bóng như chanh, trơn như lá ổi và mái đầu kiêu hãnh như con gà lông đỏ tươi pha đen mà anh ta giữ trên tay. Ottilie vốn quen cười ghẹo trai; nhưng giờ thì nụ cười gá trên môi cô rời như những vụn bánh.

Rồi cũng đến lúc giải lao. Vũ đài được dọn sạch; và mọi người ùa lên đó nhảy múa, giậm chân trong khi ban nhạc với trống và đàn dây hát vang những bài ca lễ hội. Lúc đó chàng trai đi đến chỗ Ottilie, cô cười phá lên nhìn con gà giống như con vẹt đậu ngất ngưởng trên vai anh. Anh biến đi, Baby nói, tức giận vì gã nhà quê này dám mời Ottilie nhảy, và Rosita nhảy xổ ra đứng chắn giữa anh chàng và bạn mình với vẻ đe dọa. Anh ta chỉ mỉm cười và nói: Xin phép quý bà; tôi chỉ muốn nói chuyện với con gái của bà thôi. Ottilie thấy mình bay bổng, thấy đôi hông của mình hòa nhịp với hông anh chàng trong điệu nhạc, và không ngần ngại, cô để anh dẫn mình vào chỗ người nhảy nhót đông đúc, lộn xộn nhất. Rosita hỏi: Em có nghe thấy không, nó tưởng chị là mẹ con bé? Và Baby an ủi cô, quả quyết đáp: Chị mong đợi cái gì chứ? Cả hai đứa chúng nó đều là dân bản xứ, khi nó quay lại, chúng mình cứ coi như không quen biết.


Nhưng Ottilie đã không quay lại với các bạn. Royal[5], đấy là tên của chàng trai, Royal Bonaparte bảo cô rằng anh không muốn nhảy. Chúng mình đi dạo chỗ nào yên tĩnh đi, anh nói, nắm lấy tay anh và anh sẽ đưa em đi. Cô nghĩ anh hơi lạ lùng, nhưng lại không cảm thấy xa lạ với anh, vì rừng núi vẫn có trong cô, và anh từ núi xuống. Nắm cả hai tay cô, với con gà trống lông ngũ sắc gật gù trên vai anh, họ rời khỏi lều và chậm rãi thả bộ trên con đường nhựa trắng lóa, rồi đến một lối nhỏ êm đềm nơi lũ chim ban ngày xao xuyến bay qua vòm xanh của những cây keo nghiêng bóng.

[5] Royal: hoàng tộc, hoàng gia, có dòng máu quý tộc. Bonaparte trùng với họ của hoàng đế Pháp Napoleon đệ Nhất.

Anh buồn quá, anh ta nói mà trông chẳng buồn chút nào. Ở làng anh, Juno là vô địch, nhưng lũ gà ở đây khỏe và xấu xí, nếu anh để nó chọi thì Juno sẽ chết mất. Vì thế anh sẽ mang nó về nhà và bảo là nó đã thắng. Ottilie, em muốn hít một hơi thuốc không?

Cô hắt hơi một cách khoan khoái. Thuốc lá làm cô nhớ về thời thơ bé, bao nhiêu năm trôi qua, nỗi nhớ quê vẫn chạm vào cô như chiếc đũa thần từ xa xôi. Royal, cô nói, dừng lại một phút đi, em muốn cởi giày ra.

Royal không có giày, đôi chân trần màu vàng ròng của anh mảnh mai và nhẹ nhõm, để lại trên đường những vệt chân như dấu vết của một con thú xinh đẹp. Anh ta nói: Làm sao mà anh lại tìm thấy em ở đây nhỉ, giữa cả cái thế giới chẳng có gì tốt đẹp, rượu thì dở, người thì trộm cắp. Tại sao anh lại thấy em ở đây nhỉ, Ottilie?

Vì em phải kiếm sống, cũng giống như anh vậy, và ở đây có chỗ cho em. Em làm ở - ồ, kiểu như là khách sạn.

Gia đình anh có nhà riêng. Phía bên kia đồi, trên đỉnh đồi là ngôi nhà mát mẻ của anh. Ottilie, em đến ngồi chơi nhé?

Điên, Ottilie nói, trêu anh, điên, rồi cô chạy giữa đám cây và anh đuổi theo cô, cánh tay vươn ra như kéo lưới. Con gà Juno xòe cánh, gáy lên và bay xuống đất. Rêu mịn như nhung và những chiếc lá gãi vào lòng bàn chân Ottilie khi cô chạy xuyên qua những bóng râm đậm nhạt, đôi khi qua cả một bức màn cây dương xỉ cầu vồng mà cô cảm nhận được gai của nó đâm vào gót chân mình. Cô nhăn mặt khi Royal nhổ cái gai ra và hôn vào chỗ đó, môi anh chuyển tới bàn tay cô, lên cổ cô, và cô như chiếc lá bị cuốn bay đi. Cô hít hương thơm của anh, cái mùi tinh khiết, mơ hồ như rễ cây phong lữ hay những cây đại thụ.

Thôi đủ rồi, cô nài nỉ, mặc dù vẫn chẳng thấy thế chút nào: đấy là sau một tiếng với anh làm tim cô kiệt sức. Rồi anh im lặng, cái đầu đầy tóc ngả trên chỗ tim cô buồn buồn, cô xuỵt lũ muỗi xúm vào đôi mắt ngủ say của anh, xuỵt con Juno đang nghênh ngáo ngửa cổ gáy lên trời.

Trong khi nằm đó, Ottilie nhìn thấy kẻ thù cũ của mình, bọn ong. Lặng lẽ, xếp hàng như kiến, lũ ong chui ra chui vào từ một gốc cây nứt vỡ cách cô không xa. Cô từ từ nhích ra khỏi cánh tay Royal, dọn chỗ đặt đầu anh xuống đất. Tay cô run rẩy đặt vào giữa lối đi của bọn ong, nhưng con đầu tiên đã đến, ngã chúi vào lòng bàn tay cô, và khi cô nắm các ngón tay lại, nó chẳng nhúc nhích để đốt cô. Cô đếm đến mười cho chắc ăn rồi xòe tay ra, con ong bay một vòng xoắn ốc lên không trung với tiếng vo ve vui như đang hát.

Bà chủ nhà cho Baby và Rosita một lời khuyên: cứ kệ nó, để nó đi, một vài tuần nó sẽ về. Bà chủ nói với vẻ bình tĩnh nhẫn nhục: để giữ Ottilie với mình, bà đã để nghị cho cô căn phòng tốt nhất trong nhà, một cái răng vàng, một cái máy Kodak, một cái quạt điện, nhưng Ottilie không hề dao động, cô đã đi ngay khi bỏ hết đồ đạc của mình vào một cái thùng giấy bồi. Baby định giúp nhưng chị ta khóc đến nỗi Ottilie phải ngăn lại: nước mắt rơi xuống đồ hồi môn của cô dâu là điềm xui. Và cô nói với Rosita: Rosita, chị phải mừng cho em thay vì cứ đứng vặn tay như thế chứ.

Chỉ hai hôm sau buổi chọi gà, Royal đã vác cái thùng giấy bồi của Ottilie lên vai và bước cùng cô vào bóng chiều chạng vạng, đi lên núi. Khi biết rằng cô không còn ở Champs Elyseés nữa, nhiều khách hàng đã chuyển sang chỗ khác; những người khác, vẫn trung thành với chốn cũ thì phàn nàn vì bầu không khí u ám: có những buổi tối gần như chẳng có ai buồn mua một chai bia cho các cô. Dần dần, mọi người bắt đầu nghĩ chắc Ottilie sẽ không quay về nữa; sau sáu tháng thì bà chủ nói: con bé chắc đã chết rồi.

Nhà của Royal giống như một ngôi nhà hoa: cây đậu tía phủ trên mái, nho buông rèm che cửa sổ, hoa huệ tây nở bên cửa ra vào. Từ cửa sổ nhìn ra, có thể thấy biển mờ mờ, lấp lánh xa xa, vì ngôi nhà ở trên đỉnh đồi, nắng cháy bỏng nhưng bóng râm thì mát lạnh. Trong nhà luôn tôi tối và mát mẻ, tường nhà sột soạt những tờ báo xanh và hồng dán lên. Chỉ có đúng một phòng; có một cái bếp lò, một cái gương kê bấp bênh trên chiếc bàn đá hoa cương, và một cái giường bằng đồng đủ rộng cho ba người đàn ông béo.

Nhưng Ottilie không ngủ trên cái giường lớn này. Thậm chí cô còn không được phép ngồi lên nó, vì nó là tài sản của bà Royal, cụ Bonaparte. Đen cháy, chậm chạp, chân cong như chú lùn, và trọc lốc như đầu con ó, cụ Bonaparte là một thầy pháp chuyến làm bùa ngải, được kính nể trong vùng hàng dặm quanh đây. Rất nhiều người sợ bị bóng cụ ám lên; ngay cả Royal cũng thận trọng với bà, anh lắp bắp khi báo với bà mình đưa một cô vợ về nhà. Ra hiệu cho Ottilie lại gần, bà già làm thâm tím khắp người cô bằng những cái véo nhỏ mà đau điếng, rồi tuyên bố với cháu trai là cô dâu quá gầy: Con bé sẽ chết ngay trong lần đầu.

Hàng đêm, đôi trẻ chờ đến khi họ nghĩ là cụ Bonaparte đã ngủ để làm tình. Đôi khi, nằm duỗi trên ổ rơm dưới ánh trăng soi nơi hai người ngủ, Ottilie chắc chắn rằng cụ Bonaparte đang thức và quan sát họ. Một lần, cô thấy một con mắt nhập nhèm, đầy tham vọng sáng lên trong bóng tối. Phàn nàn với Royal chẳng ích gì, anh chỉ cười phá lên: Một bà già đã thấy quá nhiều trong đời muốn xem thêm tí ti nữa thì có hại gì đâu?


Vì yêu Royal, Ottilie dẹp mối bất bình và cố không bực tức với cụ Bonaparte. Suốt một thời gian dài, cô thấy hạnh phúc, chẳng hể nhớ nhung các bạn bè hay cuộc sống của mình ở Port-au-Prince; nhưng dù sao, cô vẫn giữ rất cẩn thận các vật kỷ niệm từ những ngày tháng đó: với cái giỏ khâu vá Baby tặng cô như quà cưới, cô vá lại những chiếc váy lụa, cặp vớ lụa màu xanh lục mà giờ cô chẳng mặc nữa, vì không có chỗ nào để mà diện chúng: chỉ có đàn ông tụ họp với nhau trong quán cà phê ở làng và bãi chọi gà. Đàn bà thì gặp nhau ở suối để giặt giũ. Nhưng Ottilie quá bận bịu để cảm thấy đơn độc. Rạng sáng, cô đi gom lá bạch đàn để nhóm lửa và nấu ăn cho cả nhà; cho lũ gà ăn, vắt sữa dê, rồi cụ Bonaparte rên rỉ đòi chú ý. Ba hoặc bốn lần trong ngày, cô đổ một xô đầy nước uống và xách nó xuống chỗ Royal làm ở ruộng mía cách nhà một dặm. Cô không bực nếu những lúc đi thăm đó Royal cục cằn với mình: cô biết anh phải tỏ vẻ trước đám đàn ông khác đang làm việc trên đồng, họ cười nham nhở với cô như quả dưa hấu vỡ toác. Nhưng ban đêm, khi có anh ở nhà, cô kéo tai anh, hờn dỗi rằng anh đã đối xử với cô như con chó, tới khi trong bóng tối của chiếc sân, nơi đom đóm lập lòe, anh ôm cô và thì thầm điều gì đó làm cô mỉm cười.

Họ cưới nhau được năm tháng thì Royal bắt đầu làm những việc mà anh vẫn làm trước khi có vợ. Đám đàn ông đến quán cà phê vào buổi tối và ở đó cả ngày Chủ nhật ở đám chọi gà - anh không hiểu vì sao Ottilie lại mè nheo về chuyện đó; nhưng cô nói anh không có quyền cư xử như anh đã làm, rằng nếu yêu cô; anh không thể bỏ mặc cô ở nhà một mình suốt ngày đêm với một bà già xấu tính như thế. Anh yêu em, nhưng đàn ông thì cũng phải làm điều mình thích. Có những đêm anh làm điều mình thích đến khi trăng lên giữa trời; cô không biết khi nào thì anh về nhà, và cô nằm tấm tức trong ổ rơm, tưởng tượng mình không thể ngủ được thiếu vòng ôm của anh.

Nhưng cụ Bonaparte là một cực hình thật sự. Cụ gần như làm Ottilie căng thẳng phát điên. Nếu Ottilie đang nấu ăn, thể nào cụ già tai quái cũng chọc ngoáy xung quanh cái bếp lò, và khi không thích món đang ăn, cụ ngậm đầy một mồm rồi phun nó ngay lên sàn. Cụ giở tất cả các trò phá phách mà cụ có thể nghĩ ra được: đái ra giường, nằng nặc đòi đưa con dê vào trong phòng, cụ sờ đâu hỏng đấy rồi lại phàn nàn với Royal là đàn bà mà không biết giữ nhà cửa đẹp đẽ cho chồng thì là thứ bỏ đi. Cụ bầy hầy chơi xấu cả ngày, và cặp mắt đỏ đọc, tàn nhẫn của cụ hiếm khi nhắm lại; nhưng điều tôi tệ nhất, điều cuối cùng làm Ottilie kinh hãi muốn giết quách cụ đi, là thói quen của cụ già cứ lén lút nhô ra từ đâu đó và cấu véo cô thật lực đến mức hằn lại những vết móng tay. Nếu bà còn làm thế một lần nữa, nếu bà dám, tôi sẽ vồ lấy dao và xẻo tim bà đấy! Cụ Bonaparte biết Ottilie nói thật, và dù thôi cấu véo, cụ lại nghĩ ra trò khác: ví dụ, cụ cố tình đi dạo ở một khoảng nhất định trong sân, vờ như không biết đấy là chỗ Ottilie đang làm vườn.

Một hôm, có hai chuyện bất thường xảy ra. Một thằng bé từ làng lên, mang cho Ottilie một bức thư; ở Champs Elyseés thỉnh thoảng cô cũng nhận được bưu thiếp từ các thủy thủ hoặc những lữ khách đã có thời gian vui vẻ với cô gửi đến, nhưng thư thì đây là cái đầu tiên. Vì cô không biết đọc, nên phản ứng đầu tiên của cô là định xé nó đi: giữ lại chỉ tổ bị nó ám ảnh. Nhưng cũng có khả năng một ngày cô có thể học để đọc; vì thế cô bèn giấu nó vào trong giỏ đồ khâu của mình.

Khi mở giỏ đồ khâu ra, cô phát hiện ra một điều rùng rợn: trong đó, như một trái bóng kinh hoàng của kẻ bịa đặt, là cái đầu gớm ghiếc của con mèo vàng. Chà, cụ già khốn nạn lại nghĩ ra trò mới! Bà ta muốn ếm mình đây, Ottilie nghĩ, không mảy may sợ hãi. Cô nghiêm nghị xách tai cái đầu mèo lên, mang ra bếp và thả nó và cái nồi đang sôi: buổi chiều, cụ Bonaparte hít hà và nhận xét là món súp hôm nay Ottilie nấu cho cụ ngon lạ lùng.

Sáng hôm sau, vừa đúng trước bữa cơm trưa, cô tìm thấy một con rắn xanh khoanh tròn trong giỏ của mình, thế là cô băm nhỏ nó ra như cám rồi rắc vào nồi hầm. Ngày nào cô cũng có dịp trổ tài: nướng nhện, rán thằn lằn, hay luộc cả một con chim ó. Cụ Bonaparte chén gần sạch tất cả các thứ. Đôi mắt hấp háy không yên của cụ theo dõi Ottilie xem có dấu hiệu đã trúng bùa chưa. Trông cháu không khỏe lắm nhỉ Ottilie, cụ nói, tẩm tí đường vào cái giọng chua như dấm của mình. Cháu ăn như kiến nhấm ấy: đây, sao cháu không ăn một bát súp ngon này đi?

Là vì, Ottilie trả lời giọng đều đểu, cháu không thích ăn súp ó; hay nhện kẹp bánh mì, rắn hầm: cháu không khoái mấy thứ đó.

Cụ Bonaparte hiểu; máu dồn ứ các tĩnh mạch, lưỡi đờ ra bất lực, cụ run rẩy cố đứng lên rồi ngã vật xuống bàn. Chiều hôm ấy cụ chết.

Royal mời những người khóc mướn đến. Họ là dân trong làng, hoặc ở đồi bên cạnh, rền rĩ như chó tru đếm, họ vây lấy ngôi nhà. Các bà già đập đầu vào tường, đàn ông nằm phục xuống khóc than: thật là một nghệ thuật đau thương, và người khóc giỏi nhất được ngưỡng mộ. Sau đám tang ai về nhà nấy, hỉ hả là mình đã làm một việc thiện.

Giờ thì ngôi nhà thuộc về Ottilie. Không bị cụ Bonaparte soi mói hay phải dọn các thứ cụ bày ra nữa, cô có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn nhưng chẳng biết làm gì với nó. Cô nằm ườn ra trên chiếc giường đồng mênh mông, lười nhác soi gương, đầu cô âm ư một điệu nhàm chán, để xua đuổi tiếng vo ve như muỗi kêu ấỵ đi, cô hát những bài mà mình học được từ chiếc máy quay đĩa ở Champs Elysées. Ngồi chờ Royal trong ánh chiều chạng vạng, cô nhớ giờ này bạn bè mình ở Port-au-Prince đang tán chuyện trên hiên nhà và đợi một chiếc ôtô nháy đèn rẽ vào; nhưng khi nhìn thấy Royal thong thả đi lên, con dao chặt mía đung đưa bên hông như mảnh trăng lưỡi liềm, cô quên sạch những ý nghĩ đó và hân hoan chạy ra đón chồng.

Một đêm trong lúc họ nằm thiu thiu ngủ, Ottilie chợt cảm thấy có ai đó trong phòng. Rồi, lóe lên ở chân giường, cô nhìn thấy, như đã thấy hồi trước, một con mắt quan sát; thế là cô biết cái điều mà đôi khi mình vẫn ngờ vực: cụ Bonapart đã chết nhưng chưa đi khỏi. Một lần, khi cô ở nhà một mình, cô nghe thấy tiếng cười, và một lần nữa ở ngoài sân, cô thấy con dê nhìn chằm chằm vào một ai đó vô hình và vẫy tai như nó vẫn làm mỗi khi cụ già gãi cái đầu của nó.

Đừng có rung giường nữa, Royal nói, và Ottilie giơ ngón tay chỉ vào con mắt, thì thào hỏi anh có thấy nó không. Khi anh trả lời rằng cô đang mơ ngủ, cô vươn tay ra chộp con mắt và rú lên vì chẳng thấy gì ngoài không khí. Royal châm đèn lên; anh ôm cô trên đùi mình, vuốt ve tóc cô trong khi Ottilie kể với anh về những thứ cô phát hiện ra trong giỏ đồ khâu của mình và cô đã tống khứ chúng đi như thế nào. Làm thế có gì sai không? Royal không biết, không nói ra, nhưng anh nghĩ chắc cô đang bị trừng phạt; và vì sao ư? Vì bà già muốn thế, vì bà sẽ chẳng bao giờ để Ottilie yên, theo cách của các hồn ma ám ảnh.

Theo đúng phép, sáng hôm sau Royal lôi ra một cái dây thừng và đề nghị trói Ottilie vào một cái cây trong vườn, cô sẽ phải ở đấy đến tối, không được ăn uống gì, và ai đi qua cũng có thể thấy cô đang bị làm nhục.

Nhưng Ottilie quằn quại dưới chân giường nhất định không chịu ra. Em sẽ bỏ đi, cô thút thít. Royal, nếu anh cứ cố trói em vào cây, em sẽ trốn đi.


Thế thì anh sẽ đi tìm bằng được em, Royal nói, và đó sẽ là điều tồi tệ nhất cho em.

Anh tóm lấy khuỷu tay cô và kéo lê cô đang gào thét ở dưới chân giường. Trên đường ra vườn, cô tóm lấy bất kỳ thứ gì, cái cửa, cây nho, chòm râu của con dê, nhưng chẳng ăn thua gì; và Royal trói cô vào cây chẳng khó khăn gì. Anh thắt đến ba nút thừng rồi bỏ đi làm, vừa đi vừa mút những những vết cô cắn trên tay mình. Ottilie gào lên chửi anh bằng đủ thứ từ ngữ xấu xa nhất mà cô từng nghe cho đến khi anh đi khuất sau ngọn đồi. Con dê, Juno và lũ gà túm tụm lại giương mắt nhìn sự nhục nhã của cô; sụp xuống dưới đất, Ottilie thè lưỡi ra với chúng.

Vì đang ngủ gà gật, Ottilie tưởng mình đang mơ khi nhìn thấy cùng đi với một đứa trẻ trong làng là Baby và Rosita, lóc cóc giày cao gót, xách ô điệu đà, loạng choạng đi lên trên con đường và gọi tên cô. Vì là người trong mơ, chắc họ cũng không lấy làm ngạc nhiên khi thấy cô bị trói vào cây.

Chúa ơi, em bị điên à? Baby kinh hoàng, đứng cách một quãng như sợ rằng quả đúng thế thật. Nói gì với bọn chị đi, Ottilie!

Nháy mắt, cười khúc khích, Ottilie nói: Em chỉ vui quá vì được gặp các chị thôi. Rosita, cởi trói cho em đi để em ôm hai chị nào.

Cái thằng vũ phu ấy đã làm thế à, Rosita nói, giật mạnh cái thừng. Chờ đến khi chị bắt gặp nó đánh em rồi trói em vào cây như con chó thế này!

Ồ không, Ottilie nói. Royal không bao giờ đánh em. Chỉ mỗi hôm nay em bị trừng phạt thôi.

Em không chịu nghe lời bọn chị, Baby bảo. Và bây giờ em thấy chưa. Thằng đó sẽ có nhiều cái phải giải thích đấy, cô nói thêm, vung cái ô lên.

Ottilie ôm ghì lấy các bạn và hôn họ. Nhà xinh không chị? Cô nói, đưa họ về phía nhà. Cứ như là hái một xe bò đầy hoa rồi lấy hoa xây nhà ấy, em nghĩ thế. Các chị vào đi cho đỡ nắng. Trong này mát mẻ và thơm lắm.

Rosita khịt mũi ra vẻ chẳng thấy mùi gì thơm cả, nhưng một giọng nói từ sâu thẳm bảo cô rằng có, rằng tốt hơn hết là họ đừng đứng ngoài nắng, chắc hẳn nó đã từng thuyết phục trong đầu Ottilie như thế.

Thật may mắn mà bọn chị tới đây được, Baby vừa nói vừa lục tìm trong cái ví to tướng. Và em có thể cảm ơn ông Jamison về chuyện đó. Bà chủ bảo em chết rồi, và vì em chẳng bao giờ trả lời thư của bọn chị nên bọn chị cũng tưởng thế thật. Nhưng ông Jamison, cái ông dễ thương nhất mà em từng quen ấy, ông ấy thuê một chiếc xe cho chị và Rosita, hai người bạn thân nhất của em để lên đây xem chuyện gì đã xảy ra với Ottilie của chúng ta. Ottilie, chị có một chai rượu rum trong túi đây, tìm cái ly và chúng mình làm một chầu nào.

Kiểu cách ngoại quốc thanh lịch và trang sức lấp lánh của các quý cô ở tỉnh làm cậu bé dẫn đường mê mẩn cứ thập thò ghé mắt nhìn trộm qua cửa sổ. Ottilie cũng bị ấn tượng, vì đã lâu lắm rồi cô mới nhìn thấy môi tô son hay ngửi mùi nước hoa, và khi Baby rót rượu, cô lôi đôi giày satanh và hoa tai ngọc trai của mình ra. Em yêu ơi, Rosita nói khi Ottilie thay đồ xong, không có người đàn ông nào trên đời có thể không mua cho em cả két bia; nghĩ mà xem, một báu vật như em mà lại bị đày ải xa khỏi những người yêu mình.

Em có bị đày ải gì mấy đâu, Ottilie nói. Chỉ thỉnh thoảng thôi.

Im nào, Baby nói. Em chưa cần phải nói đến chuyện đó. Dù sao nó cũng qua rồi. Đây, em yêu, cho chị xem cái ly của em nào. Mừng ngày xưa, và những ngày sắp tới! Tối nay ông Jamison sẽ mua sâm banh cho tất cả mọi người: Bà chủ sẽ bán cho ông ấy bằng nửa giá thôi.

Ồ, Ottilie nói, ghen tị với các bạn. Chà, cô muốn biết, mọi người nói gì về mình, có nhớ đến cô không?

Ottilie, em không thể tưởng được đâu, Baby nói; kể cả những ông mà hồi trước chẳng ai để mắt đến cũng tìm đến hỏi Ottilie giờ ở đâu, vì họ nghe về em từ tận Havana và Miami. Và ông Jamison ấy à, ông ấy thậm chí chẳng nhìn đến bọn chị mà chỉ đến và ngồi trên hiên uống một mình.

Đúng đấy, Ottilie nói với vẻ nuối tiếc. Ông ấy lúc nào cũng rất dịu dàng với em, ông Jamison.

Chẳng mấy chốc mặt trời xế bóng, chai rum cạn hết ba phần tư. Một cơn mưa to thình lình trút xuống một lúc, khiến những ngọn đồi lúc này, nhìn qua cửa sổ, lung linh như cánh chuồn chuồn, và một cơn gió đẫm hương hoa trong mưa ùa vào phòng làm xào xạc những tờ báo xanh hồng trên tường. Rất nhiều chuyện để kể, có chuyện vui, vài chuyện buồn, giống như những tối tán gẫu ở Champs Elysées; và Ottilie rất sung sướng lại được góp giọng.


Nhưng mà muộn rồi, Baby nói. Và bọn chị đã hứa là sẽ về trước nửa đêm. Ottilie, bọn chị có thể giúp em đóng gói đồ không?

Dù không nhận ra là các bạn tưởng mình sẽ đi cùng, nhưng rượu rum ngây ngất khiến cô thấy ý tưởng đó có vẻ hay; mỉm cười, cô nghĩ: Mình đã bảo anh ấy là mình sẽ trốn đi mà. Chỉ có điều, cô nói to lên, chắc em sẽ không được nổi một tuần để hưởng sướng một mình đâu, Royal sẽ đuổi theo ngay và bắt em.

Hai cô bạn cười phá lên vì ý tưởng đó. Em ngốc quá, Baby nói. Chị thích nhìn thấy Royal bị đám đàn ông chỗ mình xử lý lắm.

Em không cho phép bất kỳ ai làm đau Royal đâu, Ottilie nói. Hơn nữa, nếu chúng em quay về nhà thì anh ấy càng điên nữa.

Baby đáp: Nhưng, Ottilie, em sẽ không quay về đây với nó nữa.

Ottilie cười khúc khích, nhìn quanh nhà như đang thấy một cái gì đó vô hình mà các bạn không thấy. Tại sao chứ, chắc chắn là em sẽ về, cô nói.

Baby trợn ngược mắt, rút quạt ra xỉa vào mặt cô. Đấy là chuyện điên rồ nhất chị từng nghe đấy, cô nói qua làn môi khắc nghiệt. Đấy có phải là chuyện điên rồ nhất chị từng nghe không hả Rosita?

Là vì Ottilie phải chịu đựng quá nhiều đấy mà, Rosita đáp. Em yêu, sao em không nằm xuống giường nghỉ ngơi trong khi bọn chị gói đồ cho em?

Ottilie nhìn họ bắt đầu xếp của nả của cô. Họ gom lược và trâm cài đầu, quấn đôi tất lụa của cô lại. Cô cởi bộ đồ đẹp đẽ đang mặc, như thể định diện cái gì đó còn đẹp hơn; nhưng thay vào đó, cô chui vào cái váy cũ của mình, rồi lặng lẽ, như thể đang giúp các bạn, cô đặt tất cả các thứ trở về chỗ của nó. Baby giậm chân khi thấy cái gì đang diễn ra.

Nghe này, Ottilie nói. Nếu chị và Rosita là bạn em, thì xin chị cứ làm như em nói: trói em ở trong vườn y như lúc trước các chị đến. Cách đó thì ong sẽ không đốt em được.

Say bét nhè rồi, Baby đáp; nhưng Rosita bảo cô im đi. Chị nghĩ, Rosita thở dài nói, chị nghĩ Ottilie đang yêu. Nếu Royal muốn nó về, nó sẽ đi với cậu ta, và nếu như thế thì họ nên về nhà và nói rằng Bà chủ đúng, Ottilie đã chết.

Phải đấy, Ottilie nói về cái bi kịch liên quan đến minh. Bảo họ rằng em đã chết.

Thế là họ đi vào vườn; ở đó, ngực phập phồng và mắt tròn xoe như vầng trăng ban ngày đang lướt trên cao, Baby nói mình sẽ không tham gia trói Ottilie vào cây đâu, cho nên Rosita phải làm một mình. Lúc chia tay, Ottilie khóc nhiều nhất dù cô mừng khi thấy họ đi, vì cô biết ngay khi họ vừa khuất bóng, cô sẽ không nghĩ về họ nữa. Loạng choạng trên giày cao gót trèo xuống núi, họ quay lại vẫy vẫy, nhưng Ottilie không thể vẫy lại, vì thế cô quên họ trước cả khi họ ra khỏi tầm mắt.

Nhai lá bạch đàn cho thơm miệng, cô cảm thấy cái lạnh buổi chiều thấm trong không khí. Ráng vàng nhấn chìm vầng trăng ban ngày. Những con chim tìm đường về tổ xuyên qua bóng tối của vòm cây. Đột nhiên, nghe tiếng Royal trên đường, cô để chân mình xoãi ra, cổ ngoẹo rũ xuống, mắt nhắm nghiền lại. Nhìn từ xa, trông cô giống như đang chịu một kết cục tàn bạo, thương tâm; và nghe tiếng chân Royal hối hả thành tiếng chạy, cô sung sướng nghĩ: thế này sẽ cho anh ấy một mẻ sợ đáng đời.

images

Từ phải sang: Truman Capote cùng ca sĩ Pearl Bailey (diễn viên chính vở nhạc kịch Nhà hoa) và diễn viên Gloria Vanderbilt

4 tháng Tư 1955.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui