BỮA SÁNG Ở TIFFANY'S (tt)
Tôi nhớ mình đã nhiều ngày lang thang với Holly; và sự thật là, ở những khoảnh khắc kỳ quặc nhất, chúng tôi phát hiện nhiều điều thú vị về nhau; nhưng nhìn chung cả thì ký ức nhạt nhòa. Vì vào cuối tháng đó, tôi tìm được việc: để được cái gì ư? Càng ít việc càng sướng, nhưng nó lại cần thiết và kéo dài từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều. Điều đó làm giờ giấc của Holly và tôi cực kỳ chênh nhau.
Chỉ trừ vào thứ Năm, ngày cô phải đến nhà tù Sing Sing, hoặc những buổi hiếm hoi cô cưỡi ngựa ngoài công viên, còn khi tôi về nhà thì Holly chưa dậy. Đôi khi tôi dừng chân, uống cùng cô ly cà phê tỉnh ngủ trong khi cô thay quần áo đi chơi tối. Cô lúc nào cũng sắp sửa đi; không hẳn với Rusty Trawler mà thường là với Mag Rừng Hoang cùng với anh chàng điển trai người Brazil, tên là José Ybarra Jaegar, mẹ anh ta người Đức. Bộ tứ tấu này cứ bị phô, mà căn bản là do Ybarra Jaegar, người có vẻ chẳng ăn nhập vào nhóm, như cây viôlông giữa ban nhạc Jazz vậy. Thông minh, ưa nhìn, anh ta rất nghiêm túc với công việc của mình, hình như liên quan với chính quyền, chắc là quan trọng, và khiến anh ta phải đến Washington vài ngày trong tuần. Chẳng hiểu làm sao mà anh ta chịu được đếm này qua đêm khác ở La Rue, El Morocco, nghe Rừng Hoang lắp bắp và nhìn mãi vào khuôn mặt bé bự của Rusty? Có lẽ, giống như hầu hết những người ngoại quốc, anh ta mất khả năng phân biệt người để chọn ra đẳng cấp phù hợp với mình, như anh ta có thể làm thế ở quê nhà; vì thế mà tất cả dân Mỹ đều được xếp chung một rọ và cách kết bạn của anh ta thật bình đẳng về màu da và chủng tộc. Điều đó lí giải khá nhiều; phần còn lại là do sự quả quyết của Holly.
images
Một buổi chiều muộn, trong khi đợi xe bus tuyến Đại lộ Năm, tôi để ý thấy một cái taxi dừng ngang đường cho một cô gái chạy lên thư viện công cộng phố 42. Cô ta biến mất sau cánh cửa trước khi tôi kịp nhận ra, cũng dễ hiểu thôi, vì Holly và thư viện chẳng ăn nhập mấy với nhau. Trí tò mò thôi thúc tôi đi qua hai con sư tử[9], vừa đi vừa đắn đo liệu nên nhận là mình đi theo cô, hay vờ như tình cờ. Cuối cùng tôi chẳng theo cách nào cả mà giấu mình cách cô vài bàn trong phòng đọc lớn, nơi cô đeo kính râm ngồi sau cái pháo đài văn học mà cô đã lôi về từ chỗ thủ thư. Cô lướt hết cuốn này đến cuốn khác, thỉnh thoảng dừng ở một trang, ngẩn ra như thể nó bị in ngược. Cô lăm lăm cái bút chì trên trang giấy - có vẻ chẳng có gì thu hút được cô, nhưng thỉnh thoảng, như thể suy nghĩ lung lắm, cô khó nhọc viết vài dòng. Nhìn cô, tối nhớ đến Mildred Grossman, một đứa con gái chuyên học gạo ở trường. Mildred với mái tóc nhờn dầu và cặp kính lem nhem, những ngón tay vấy bẩn vì mổ ếch và bưng cà phê cho nhóm biểu tình, cặp mắt trơ trơ của cô ta chỉ hướng về phía các vì sao để ước lượng khối lượng hóa chất của nó. Mildred và Holly khác nhau một trời một vực, nhưng trong đầu tôi, họ cứ gợi nhớ đến cặp thuyền đôi của người Xiêm, và ý tưởng liên hệ hai người với nhau là như thế này: người bình thường biến đổi khá thường xuyên, cứ vài năm thì cơ thể con người lại phải trải qua một cuộc đại tu, dù muốn hay không thì đấy là thay đổi tự nhiên nên có. Nhưng có hai kẻ không thế. Đó là điểm chung giữa Mildred Grossman và Holly Nhẹ Dạ. Họ sẽ không bao giờ thay đổi bởi cá tính đã được định hình quá sớm; giống như bị giàu lên đột ngột đâm ra mất cân bằng: một người thì quá mức thực tế, còn kẻ kia lại thuần túy lãng mạn. Tôi hình dung họ trong một nhà hàng tương lai, Mildred sẽ vẫn nghiền ngẫm thực đơn để xem giá trị dinh dưỡng, còn Holly sẽ ngốn ngấu mọi thứ ở đó. Sẽ không bao giờ khác đi. Họ sẽ đi suốt cuộc đời và ra khỏi nó cũng với bước đi quả quyết, đáng ghi chú bên lề trái của sách đời. Suy ngẫm sâu sắc này làm tôi quên béng mất mình đang ở đâu, đến mức giật mình thấy mình đang lờ vờ trong thư viện và sửng sốt bắt gặp Holly ở đó. Lúc đấy tầm sau bảy giờ, cô đã tô lại son, ăn diện theo cách cô nghĩ là thích hợp với thư viện, tức là thêm khăn choàng, đeo hoa tai, giống như phong cách thuộc địa. Khi cô đi rồi, tôi đến cái bàn còn để lại những cuốn sách của cô: Phương Nam theo cánh chim báo bão. Những con đường nhỏ của Brazil. Ý kiến chính trị của Mỹ Latinh. Và đại loại như thế.
[9] Hai tượng sư tử gác ở cửa vào thư viện.
images
Cảnh đọc sách trong thư viện trên phim đã được thay đổi so với truyện.
Vào đêm Giáng sinh, cô và Mag tổ chức một bữa tiệc. Holly nhờ tôi đến sớm để giúp trang hoàng cây thông. Tôi vẫn không biết làm sao mà họ tha được cái cây vào căn phòng. Cành cao nhất chọc trần, những cành thấp thì xòe kín từ tường này sang tường kia; nhìn tổng thể thì nó khá giống cây Nô-en khổng lồ ở Rockefeller Plaza. Đúng hơn nó cần chính Rockefeller[10] trang hoàng vì ngốn đồ trang trí và dây kim tuyến cứ như tuyết tan vèo mất. Holly đề xuất là cô sẽ đến Woolworth ăn trộm vài quả bóng; cô làm thật: và cái cây cuối cùng trông khá đẹp mắt. Chúng tôi uống mừng thành quả của mình, rồi Holly nói: “Vào phòng ngủ mà xem. Có quà cho anh đó.”
[10] Rockefeller: tỉ phú dầu lửa ở Mỹ.
Tôi cũng có quà cho cô: một gói nhỏ trong túi tôi, nó có vẻ càng nhỏ tí hơn khi tôi nhìn thấy, gói vuông vức trên giường và gắn ruy băng đỏ: chiếc lồng chim tuyệt đẹp.
“Nhưng mà, Holly! Nó khủng khiếp quá!”
“Em đồng ý; nhưng em tưởng anh thích nó mà.”
“Số tiền ấy! Những ba trăm năm mươi đô!”
Cô nhún vai. “Thêm vài lần đi vệ sinh thôi mà. Nhưng anh phải hứa với em nhé. Hứa là đừng bao giờ nhốt một sinh vật sống nào vào trong đó.”
Tôi bắt đầu hôn cô, nhưng cô chìa tay ra. “Đưa cho em nào” cô nói, vỗ vào chỗ cộm lên trong túi tôi.
“Anh sợ là nó không nhiều nhặn gì” mà thế thật: một cái huy hiệu Thánh Christopher. Nhưng ít nhất thì nó mua từ nhà hàng Tiffany’s.
Holly là một cô gái chẳng biết giữ gìn cái gì, chắc hẳn đến giờ, cô đã đánh mất cái huy hiệu, quên trong vali hay ngăn kéo khách sạn ở đâu đó. Nhưng chiếc lồng chim thì tôi vẫn giữ. Tôi đã tha lôi nó đến New Orleans, Nantucket, khắp nơi ở châu Âu, Marốc, Tây Ấn. Nhưng tôi ít khi nhớ rằng chính Holly tặng nó cho mình, vì đến lúc tôi cố tình quên: chúng tôi đã chia tay rất tồi tệ, và trong số những thứ quay cuồng giữa cơn bão thịnh nộ của chúng tôi có chiếc lồng chim, O.J. Berman và truyện ngắn của tôi, tôi đã tặng một bản cho Holly khi nó được đăng trên tờ báo của trường đại học.
Đôi khi vào tháng Hai, Holly đi nghỉ đông với Rusty, Mag và Jose Ybarra Jaegar. Vụ cãi cọ giữa chúng tôi xảy ra ít lâu sau khi cô trở về. Rám nắng đen sẫm đi, mái tóc cháy nắng trông gớm chết, cô có một kỳ nghỉ tuyệt vời: “Ôi, đầu tiên bọn em ở Key West, và Rusty phát cáu với mấy người lái thuyền, hay là ngược lại, dù sao thì anh ấy cũng sẽ phải đeo miếng bó xương sống suốt đời. Mag thân yêu thì cũng phải vào bệnh viện. Bỏng nắng cấp độ một. Thật kinh khủng: tất cả những vết phồng rộp và sả[11]. Bọn em không thể chịu nổi cái mùi của chị ấy. Thế là José và em để họ ở bệnh viện và đi Havana. Anh ấy bảo cứ đợi đến khi em thấy Rio đã; nhưng em thì em chẳng muốn tốn tiền ở đấy nữa. Bọn em có một người hướng dẫn không thể cưỡng lại được, người châu Phi lai một ít Tàu, mặc dù em không khoái lắm cả hai, nhưng sự kết hợp thì thật mê hồn: thế là em để anh ta đụng chạm tí ti dưới gầm bàn, vì nói thật ra, em không thấy anh ấy tầm thường tí nào; nhưng rồi một đêm anh ta đưa bọn em đi xem một bộ phim lãng mạn, và anh có thể đoán được không? Anh ấy hiện ra trên màn hình. Tất nhiên khi bọn em trở về Key West, Mag tin chắc là em đã ngủ với José suốt thời gian đó. Rusty cũng thế: nhưng anh ấy chẳng quan trọng chuyện đó, chỉ muốn nghe kể chi tiết thôi. Thật ra, mọi thứ khá căng thẳng cho đến khi em dốc bầu tâm sự với Mag.”
[11] Kem bôi chống nắng có mùi sả.
Chúng tôi ngồi ở phòng ngoài, bấy giờ đã sắp đến tháng Ba, nhưng cây thòng Nô-en khổng lồ vẫn còn đó, choán gần hết chỗ, nó đã ngả sang màu nâu, mất hết mùi, những quả bóng treo trên cây nhăn nhúm lại như vú bò già. Một đồ vật đáng chú ý đã được đưa thêm vào phòng: một chiếc võng nhà binh; và Holly nằm dài trên đó dưới một cái đèn mặt ười, cố giữ lại vẻ nhiệt đới của mình.
“Và em thuyết phục được cô ấy chứ?”
“Rằng em đã không ngủ với José á? Chúa ơi, vâng. Em chỉ nói đơn giản - nhưng anh biết đấy, theo kiểu tự thú đầy đau đớn - rằng em là đồng tính nữ.”
“Cô ấy không thể tin chuyện đó được.”
“Sao mà không tin. Thế anh nghĩ vì sao chị ấy lại đi mua cái võng nhà binh này? Cứ để đấy cho em: trong vụ gây sốc thì em là đỉnh đấy. Anh yêu, xoa tí dầu vào lưng cho em đi nào.” Trong khi phục vụ cô, cô nói: “O.J. Berman đang ở đây đấy, anh nghe này, em đưa cho anh ấy truyện của anh đăng trên tạp chí. Anh ấy có vẻ khá ấn tượng. Anh ấy nghĩ có lẽ anh đáng được nâng đỡ. Nhưng anh ấy bảo anh đang đi sai đường. Người da đen và trẻ con thì ai quan tâm.”
“Chắc không phải ngài Berman rồi.”
“Ờ, em đồng ý với anh ấy. Em đọc truyện đó hai lần. Bọn nhóc hỗn xược và dân da đen. Những chiếc lá run rẩy. Toàn mô tả. Chẳng có ý nghĩa gì.”
Tay tôi đang xoa dầu trên da cô chỉ muốn nổi loạn: nhấc lên và phát xuống mông cô. “Cho tôi ví dụ đi,” tôi nhẹ nhàng nói, “cái gì là có ý nghĩa. Theo cách hiểu của cô.”
“Đồi gió hú,” cô đáp không chần chừ.
Thôi thúc của tay tôi trở nên khó mà kiểm soát nổi.
“Nhưng thế thật không công bằng. Cô đang nói đến tác phẩm của một thiên tài.”
“Thật thế à? Cathy ngọt ngào hoang dại vậy. Chúa ơi, em đã khóc hàng xô. Em xem nó mười lần.”
Tôi đáp, “Ổ,” nhẹ hết cả người, “ồ” với chuyển giọng cao lên đầy miệt thị, “cái phim ấy đấy.”
Cơ bắp cô cứng lại, chạm vào cô như sờ tảng đá ấm lên dưới ánh mặt trời. “Ai cũng có thể nghĩ mình hơn người khác,” cô nói. “Nhưng theo phép thông thường thì anh phải có gì để chứng minh trước khi lên mặt đấy.”
“Tôi không so sánh mình với cô. Hay Berman. Vì thế tôi không nghĩ mình hơn ai cả. Chúng ta muốn những thứ khác nhau”
“Anh không muốn kiếm tiền à?”
“Tôi chưa có kế hoạch làm điều đó.”
“Đấy là cái vẻ trong truyện của anh đấy. Anh viết như thể không biết kết thúc thế nào. Được, em nói để anh biết: tốt hơn là anh nên kiếm tiền đi. Anh có một trí tưởng tượng xa xỉ. Sẽ không có nhiều người mua cái lồng chim của anh đâu.”
“Tiếc thật đấy.”
“Anh sẽ tiếc nếu anh đánh em. Một phút trước anh muốn thế chứ gì: em có thể cảm thấy thế từ tay anh; và bây giờ anh cũng muốn đánh nữa.”
Tôi muốn thế kinh khủng; tay tôi run, tim tôi đập thình thịch khi đóng nắp chai dầu. “Ồ, không, tôi sẽ không tiếc đâu. Tôi chỉ tiếc cô đã phí tiền vì tôi: Rusty Trawler đã phải cực nhọc để kiếm ra nó.” Cô ngồi bật dậy trên chiếc võng nhà binh, gương mặt, bộ ngực trần của cô xanh lên lạnh lẽo trong ánh đèn mặt trời nhân tạo. “Mất bốn giây để đi từ đây ra cửa. Em cho anh hai giây.”
Tôi đi thẳng lên gác, lấy cái lồng chim mang xuống và để nó trước cửa phòng cô. Thế là xong. Hoặc tôi tưởng thế, cho đến sáng hôm sau khi đi làm, tôi thấy cái lồng đặt trên nắp thùng rác chờ người dọn rác vứt đi. Khá ngượng ngập, tôi giải cứu nó, mang nó trở về phòng mình, một thỏa hiệp không làm nhụt đi quyết tâm loại hẳn Holly Nhẹ Dạ ra khỏi đời tôi. Tôi kết luận cô là một kẻ “phô trương thô lỗ”, “phí thời gian”, “giả dối hoàn toàn” không bao giờ nên nói chuyện với cô nữa.
Và tôi đã làm thế. Trong một thời gian khá lâu. Chúng tôi đi ngang qua nhau ở cầu thang, mắt nhìn xuống. Nếu cô bước vào quán Joe Bell, tôi bỏ ra. Rồi một lần, bà Sapphia Spanella, một người đam mê trượt băng và có giọng nữ cao, sống ở tầng một, làm một kiến nghị trưng cầu ý kiến của cư dân tòa nhà đá nâu để đuổi Cô Nhẹ Dạ: theo lời bà Spanella, cô “đáng phê phán về đạo đức”, “thủ phạm của những vụ tụ tập hàng đêm gây nguy hiểm về an ninh và sự trong sạch của cả khu.” Mặc dù từ chối ký vào đó, thâm tâm tôi thấy bà Spanella có lí do để phàn nàn. Nhưng vụ kiến nghị của bà không thành công, và cuối tháng Tư đầu tháng Năm, qua cửa sổ mở, đêm xuân ấm áp trở nên khủng khiếp với âm thanh tiệc tùng ồn ĩ tiếng máy quay đĩa mở lớn, tiếng cười say rượu martini vọng ra từ căn hộ số 2.
Chẳng có gì lạ nếu bắt gặp khách gọi cửa nhà Holly đủ các hạng người đáng ngờ và khá là tương phản nhau; nhưng một chiều muộn mùa xuân, khi băng ngang tiền sảnh của khu nhà đá nâu, tôi để ý thấy một người đàn ông trông rất kỳ lạ, đang thăm dò hòm thư của cô. Ông ta trạc năm mươi tuổi, gương mặt từng trải, cứng cỏi, cặp mắt xám đau buồn. Ông ta đội một chiếc mũ xám cũ kỹ, đầy vệt mồ hôi, và bộ vest mùa hè rẻ tiền, màu xanh lờn lợt, rộng thùng thình trên thân hình gầy khẳng khiu; giày ông ta mới tinh, màu nâu. Ông ta có vẻ không định nhấn chuông của Holly. Chậm chạp, như thể đọc chữ Braille của người mù, ông ta cứ miết ngón tay lên cái tên chạm nổi của cô.
Tối hôm đó, trên đường đi ăn tối, tôi lại nhìn thấy người đàn ông. Ông ta đang đứng bên kia đường, tựa vào một cái cây và đăm đăm nhìn lên cửa sổ nhà Holly. Những dự cảm xấu vụt qua trong đầu tôi. Ông ta là thám tử ư? Hay một nhân vật đầu trộm đuôi cướp trong giới bạn bè của cô ở Sing Sing, Sally Cà Chua? Tình huống này làm sống lại tình cảm dịu dàng mà tôi có với Holly: chỉ có thế mới hợp lý để cắt ngang mối oán ghét lâu dài giữa chúng tôi, báo cho cô biết rằng cô đang bị theo dõi. Khi bước tới góc phố, theo hướng đông đến quán Thiên Đường Hamburg nằm giữa đường 79 và Madison, tôi có thể cảm thấy người đàn ông đang chú ý đến mình. Ngay sau đó, không cần quay đầu lại, tôi biết ông ta đi theo mình. Vì tôi nghe tiếng ông ta huýt sáo. Không phải bất kỳ điệu hát thông thường nào, mà chính là giai điệu rền rĩ của thảo nguyên mà đôi khi Holly chơi trên cây đàn guitar của cô: Không muốn ngủ, không muốn chết, Chỉ muốn lãng du qua những cánh đồng trời. Tiếng huýt sáo tiếp tục dọc theo Đại lộ Park rồi đến Madison. Một lần đứng chờ tín hiệu đèn giao thông, tôi quan sát ông ta qua khóe mắt khi ông ta dừng lại nựng nịu một con chó xù. “Bà có con vật xinh quá,” ông ta nói với người chủ bằng cái giọng lè nhè, khàn khàn, nhà quê.
Thiên Đường Hamburg vắng teo. Dù sao, ông ta cũng chiếm một ghế ngay sau tôi, ở bên cái quầy dài. Ông ta có mùi mồ hôi và thuốc lá. Gọi một tách cà phê, nhưng khi người ta mang đến thì ông ta lại không đụng tới. Thay vào đó, ông ta nhai một cái tăm và quan sát tôi trong cái gương treo tường đối diện với chúng tôi.
“Xin lỗi,” tôi hỏi, đối thoại với ông ta qua cái gương, “nhưng ông muốn gì?”
Câu hỏi không làm ông ta ngại ngùng; có vẻ như ông ta đâm nhẹ nhõm khi được hỏi tới. “Con trai ạ,” ông ta đáp, “ta muốn có bạn thôi.”
Ông ta rút ví ra. Nó nhàu nhò như da tay ông ta, gần như tả tơi thành nhiều mảnh; và tấm ảnh mờ, rạn, dễ rách mà ông ta đưa cho tôi cũng thế. Có bảy người trong bức ảnh, đứng tụm vào nhau trên cái hành lang sắp sụp của một ngôi nhà gỗ ảm đạm, tất cả đều là trẻ con, trừ một người đàn ông, chính là ông ta, đang ôm ngang hông một bé gái tóc vàng bụ bẫm, tay con bé che mắt vì chói nắng.
“Tôi đấy” ông ta nói, chỉ vào mình. “Đây là cô ấy...” ông ta đập tay lên đứa con gái bụ bẫm. “Và đứa đứng chỗ này,” ông ta nói thêm, chỉ vào một cậu bé gầy khẳng khiu, tóc màu sáng, “là Fred, anh cô ấy.”
Tôi nhìn vào “cô ấy” lần nữa: và, phải rồi, giờ thì tôi nhận ra nét nhang nhác trẻ thơ của Holly ở đứa bé mắt lác, má bầu bĩnh này. Ngay lúc đó, tôi cũng hiểu người đàn ông là ai.
“Bác là bố của Holly.”
Ông ta chớp mắt, sững sờ. “Tên cô ấy không phải là Holly. Cô ấy là Lulamae Bames. Từng là như thế” ông ta nói, di chuyển cái tăm trong miệng; “cho đến khi cô ấy lấy tôi. Tôi là chồng cô ấy. Doc Nhẹ Dạ. Tôi là bác sĩ chuyên về ngựa, gia súc. Cũng làm ruộng nữa. Gần Tulip, Texas. Này con trai, sao cậu lại cười?”
Không phải là cười thật, mà vì căng thẳng. Tôi nuốt một ngụm nước và bị sặc. Ông ta vỗ vỗ lưng tôi. “Đây không phải chuyện cười đâu, con trai ạ. Tôi mệt mỏi rồi. Tôi đã mất năm năm đi tìm vợ mình. Ngay khi nhận được thư của Fred nói cô ấy ở đâu, tôi đã mua vé xe khách liên tỉnh. Lulamae thuộc về gia đình với chồng và nũ trẻ của cô ấy.”
“Lũ trẻ ư?”
“Chúng nó nà nũ trẻ của cô ấỵ” ông ta đáp, gần như gào lên. Ý ông ta là về bốn gương mặt non nớt khác trong bức ảnh, hai đứa con gái đi chân đất và hai đứa con trai nữa. Phải rồi, chắc ông ta bị loạn trí. “Nhưng Holly không thể là mẹ của bọn trẻ này được. Chúng còn lớn hơn cả cô ấy. To cao hơn.”
“Này, con trai,” ông ta nói giọng giảng giải, “tôi không bảo chúng nó nà con đẻ của cô ấy. Người mẹ yêu quý của chúng, người đàn bà thân yêu, Chúa cứu rỗi linh hồn cô ấy, đã mất vào ngày mùng 4 tháng Bảy, ngày lễ Độc Lập năm 1936. Năm hạn hán. Khi tôi cưới Lulamae là vào tháng Mười Hai năm 1938, cô ấy gần mười bốn tuổi. Có thể một người bình thường ở tuổi mười bốn sẽ chưa biết nghĩ. Nhưng cậu xem Lulamae, cô ấy là một người đàn bà khác thường. Cô ấy hiểu rõ ràng mình đang làm gì khi hứa trở thành vợ tôi và là mẹ của nũ con tôi. Cô ấy hoàn toàn làm tan vỡ trái tim chúng tôi khi trốn khỏi nhà như thế.” Ông ta nhấp ngụm cà phê nguội của mình, và nhìn sang tôi với vẻ dò hỏi nôn nóng. “Giờ thì, con trai, cậu còn nghi ngờ tôi nữa không? Cậu có tin điều tôi nói không?”
Tôi tin. Không phải sự thật mới là lạ; hơn nữa, nó ăn khớp với mô tả của O.J. Berman về Holly khi ông ta mới gặp cô ở California: “không biết nó là một kẻ man rợ, nhà quê hay cái giống gì nữa.” Không thể trách Berman đã không đoán ra cô là một bà vợ nhí đến từ Tulip, Texas.
“Hoàn toàn làm tan vỡ trái tim chúng tôi khi trốn khỏi nhà như thế” ông bác sĩ ngựa nhắc lại. “Cô ấy không có lí do gì. Mấy đứa con gái cô ấy đã làm hết việc nhà. Lulamae có thể sống rất thư thả: làm dáng trước gương và chải tóc. Nào bò, nào vườn, nào gà, lợn của nhà chúng tôi: con trai ạ, cô ấy chắc chắn đã vớ bẫm. Trong khi đó, thằng anh cô ấy lớn phổng lên như người khổng lồ. Trông khác hẳn với lúc anh em cô ấy đến chỗ chúng tôi. Chính nà Nellie, con gái lớn của tôi, chính nó đã đưa họ vào nhà. Một buổi sáng, nó đến tìm tôi, mách: ‘Bố ơi, con khóa hai đứa trẻ hư trong nhà bếp. Con bắt được chúng nó bẻn ngoài, ăn trộm sữa và trứng gà tây,” Đấy nà Lulamae và Fred. Chà, cậu chẳng bao giờ nhìn thấy cái gì tội nghiệp hơn. Xương sườn chọc ra khắp nơi, chân cẳng thì tong teo đứng chẳng vững, răng cỏ lung lay nhai không nổi cháo nữa. Câu chuyện là: mẹ chúng nó chết vì lao phổi, rồi bố cũng thế - và nũ trẻ, cả đám lóc nhóc bị tống đến ở với những kẻ bần tiện khác nhau. Lulamae và anh cô ấy cũng thế, cả hai sống với mấy người ti tiện, nhẫn tâm, cách Tulip một trăm dặm về phía đông. Cô ấy có lí do chính đáng để trốn khỏi cái nhà ấy. Nhưng không có lí do gì để đi khỏi nhà này. Đây nà nhà cô ấy.” Ông ta chống khuỷu tay xuống quầy, ngón tay bưng kín mắt, thở dài. “Cô ấy phổng phao lên thành một phụ nữ thật xinh đẹp. Hoạt bát nữa. Nói như khướu. Bất cứ để tài nào cô ấy cũng nói được cái gì đấy khôn ngoan: hơn cả radio. Điều đầu tiên cậu nên biết, tôi không phải dạng người bẻ lá tìm hoa. Tôi thuần hóa con quạ của cô ấy, dạy nó gọi tên cô ấy. Tôi hướng dẫn cô ấy chơi đàn guitar. Chỉ cần nhìn cô ấy cũng làm tôi rưng rưng nước mắt. Cái đêm cầu hôn, tôi đã khóc như trẻ con. Cô ấy bảo: ‘Sao anh khóc hở Doc? Vì chúng mình sắp cưới nhau à? Em chưa được cưới bao giờ,’ Chà, tôi đã phải cười phá lên, ôm, ghì xiết lấy cô ấy: chưa được cưới bao giờ à!” Ông ta nghẹn ngào, nhai cái tăm một lúc. “Chớ nói với tôi rằng cô ấy đã không hạnh phúc!” ông ta nói, đầy thách thức. “Cả nhà tôi cưng chiều cô ấy. Cô ấy không phải động một ngón tay, trừ núc ăn miếng bánh. Trừ núc chải đầu hay ra ngoài để mua các loại tạp chí. Chúng tôi phải trả cả trăm đô la để rước đống tạp chí đó về nhà. Nếu cậu hỏi tôi, thì chuyện từ đấy mà ra. Ngắm những bức hình phô trương. Đọc các thứ mơ mộng. Cái đó làm cô ấy bắt đầu bước xuống đường. Mỗi ngày cô ấy đi xa hơn một chút: một dặm, rồi về nhà. Hai dặm, rồi về nhà. Một hôm cô ấy cứ thế đi luôn.” Ông ta lấy tay bưng mắt lần nữa; hơi thở nặng nhọc. “Con quạ mà tôi tặng cô ấy cũng hóa dại và bay đi. Có thể nghe tiếng nó suốt mùa hè. Trong sân. Ngoài vườn. Trong rừng. Cả mùa hè con chim đáng nguyền rủa đó cứ gọi: Lulamae, Lulamae.”
Ông ta cứ gập người xuống và im lặng, như thể lắng nghe tiếng vọng từ mùa hè xa xưa. Tôi đến quầy thu ngân trả tiền cho cả hai. Trong khi tôi trả tiền, ông ta theo tôi. Chúng tôi cùng rời đi, bước đến Đại lộ Park. Đấy là một buổi tối lạnh, lộng gió; những tấm bạt che sang trọng rung lạch phạch trong cơn gió. Sự im lặng giữa chúng tôi kéo dài đến khi tỏi hỏi: “Nhưng còn anh cô ấy? Cậu ta không bỏ đi chứ?”
“Không, cậu ạ,” ông ta đáp, hắng giọng. “Fred còn ở với chúng tôi đến tận khi người ta bắt nó nhập ngũ. Thằng bé cừ lắm. Giỏi về ngựa. Nó không hiểu điều gì xảy đến với Lulamae, làm sao mà cô ấy có thể bỏ anh mình, bỏ chồng và nũ trẻ. Dù sao thì sau khi đã nhập ngũ, Fred bắt đầu nghe tin về cô ấy. Một hôm nó cho tôi địa chỉ cô ấy. Thế là tôi đến đón cô ấy. Tôi biết cô ấy ân hận vì những gì đã làm. Tôi biết cô ấy muốn về nhà.” Ông ta gần như đòi hỏi tôi đồng ý với mình. Tôi bảo ông ta rằng tôi nghĩ ông ta sẽ thấy Holly, hay là Lulamae, thay đổi đôi chút. “Nghe này, con trai,” ông ta nói khi chúng tôi đi đến cầu thang khu nhà đá nâu, “tôi bảo với cậu tôi cần một người bạn. Vì tôi không muốn làm cô ấy ngạc nhiên. Không làm cô ấy sợ. Vì thế mà tôi giữ khoảng cách. Hãy giúp tôi: cho cô ấy biết tôi đang ở đây.”
Ý tưởng giới thiệu Bà Nhẹ Dạ với chồng bà có phần làm tôi hả hê; và liếc nhìn lên những ô cửa sổ sáng đèn của Holly, tôi hi vọng bạn bè cô có ở đấy, vì viễn cảnh nhìn ống Texas này bắt tay Mag, Rusty và José thậm chí còn hả dạ hơn. Nhưng cặp mắt tha thiết, đầy tự trọng và chiếc mũ loang vệt mồ hôi của Doc Nhẹ Dạ làm tôi phát ngượng vì những tiên đoán đó. Ông ta theo tôi vào tòa nhà và định đợi ở chân cầu thang. “Trông tôi có ổn không?” ông ta thì thầm, phủi phủi ống tay áo, thắt lại nút cà vạt.
Holly đang ở một mình. Cô mở cửa ngay lập tức; thật ra, cô chuẩn bị đi - giày khiêu vũ satanh trắng và mùi nước hoa sực nức loan báo ý định hội hè. “Chà, đồ ngốc” cô nói, nghịch ngợm lấy ví tát tôi. “Em quá vội để làm lành bây giờ. Ngày mai mình sẽ nói chuyện tử tế, được chứ?”
“Chắc chắn rồi, Lulamae. Nếu cô còn ở đây ngày mai.”
Cô tháo cặp kính râm ra, nheo mắt nhìn tôi. Đôi mắt cô như thể lăng kính vỡ, những chấm xanh lơ, xám và xanh lục như những mảnh sáng vỡ ra lấp lánh. “Anh ấy kể với anh ư,” cô nói khẽ, giọng run run. “Ôi, xin anh. Anh ấy đang ở đâu?” Cô chạy vọt qua tôi ra sảnh. “Fred!” cố gọi vọng xuống thang. “Fred! Anh ở đâu, anh yêu quí?”
Tôi có thể nghe thấy bước chân của Doc Nhẹ Dạ lên cầu thang. Đầu ông ta nhô lên trên lan can và Holly giật lùi lại khỏi ông ta, không phải vì sợ, mà như thể cô co vào trong cái vỏ thất vọng. Rồi ông ta đến trước mặt cô, co rúm, ngượng ngập. “Ngạc nhiên chưa, Lulamae” ông ta bắt đầu, ngần ngừ vì Holly đang nhìn chằm chằm vào ông ta một cách đờ đẫn, như thể cô không nhớ nổi ông ta. “Thế, cưng ơi” ông ta hỏi, “ở đây người ta không cho em ăn no à? Em gầy quá. Giống như lần đầu anh gặp em. Mắt em đầy hoang dại.”
Holly sờ mặt ông ta; ngón tay cô kiểm tra cái cằm, bộ râu lởm chởm ông ta có thật không. “Hêlô, Doc” cô vui vẻ nhắc lại, trong khi ông ta nhấc bổng cô lên trong cái ôm xiết đến gẫy xương sườn. Những tiếng reo cười nhẹ nhõm làm ông ta run lên. “Ngạc nhiên chưa, Lulamae. Thiên đường chưa.”
Chẳng ai để ý đến tôi khi tôi len qua họ và đi lên phòng mình. Họ cũng không thèm đếm xỉa đến bà Sapphia Spanella đang mở cửa, gào lên: “Im đi! Thật trơ trẽn. Các người đi nơi khác mà đánh đĩ nhé!”
“Li dị anh ấy ư? Em sẽ không bao giờ li dị anh ấy. Chúa ơi, lúc đó em mới mười bốn. Nó không thể hợp pháp được.” Holly gõ gõ cái ly martini không. “Hai ly nữa, anh Bell yêu quí.”
Joe Bell, chúng tôi đang ngồi ở bar của anh ta, nghe gọi rượu một cách lưỡng lự. “Các bạn xin hơi sớm đấy” anh ta vừa phàn nàn vừa nhai kẹm Tum. Theo cái đồng hồ gỗ gụ màu đen sau quầy bar, giờ vẫn chưa tới buổi chiều, mà anh ta đã rót cho chúng tôi ba tuần rượu rồi.
“Nhưng hôm nay là Chủ nhật, ngài Bell ạ. Đồng hồ luôn chạy chậm vào Chủ nhật. Ngoài ra, em vẫn còn chưa lên giường mà,” cô bảo anh ta, và nói riêng với tôi “Không phải để ngủ.” Cô đỏ mặt lên, nhìn đi chỗ khác đầy tội lỗi. Lần đầu tiên từ khi tôi biết cô, cô có vẻ có nhu cầu tự thanh minh: “Chà, em phải thế. Doc yêu em thật lòng, anh biết đấy. Và em yêu anh ấy. Anh có thể thấy anh ấy già và xơ xác. Nhưng anh không biết sự dịu dàng của anh ấy, sự tin cậy mà anh ấy dành cho lũ chim, trẻ con hư và những thứ mong manh như thế. Ai mà tin cậy mình thì mình nợ người ta rất nhiều. Em luôn luôn nhớ cầu nguyện cho cả Doc. Anh đừng cười mỉa thế nữa!” cô đề nghị, dứ dứ điếu thuốc. “Em có cầu nguyện.”
“Tôi không cười mỉa. Tôi chỉ cười. Cô là người kỳ lạ nhất đấy.”
“Em chắc là thế thật,” cô đáp, và gương mặt cô, xanh xao, hơi tím tái trong ánh bình minh, chợt sáng lên; Cô vuốt mái tóc xù, các màu sắc của nó nhấp nhánh lên như quảng cáo dầu gội đầu. “Trông em chắc tởm lắm nhỉ. Nhưng mà ai không thế chứ? Suốt cả đêm bọn em lang thang ở bến xe khách. Đến tận phút cuối cùng Doc còn nghĩ em sẽ đi với anh ấy. Thậm chí cả khi em nói đi nói lại với anh ấy: Nhưng mà, Doc, em không còn mười bốn tuổi nữa, và em không phải là Lulamae. Nhưng điều kinh khủng là (em nhận ra nó khi bọn em đứng ở đấy) em chính là Lulamae. Em vẫn còn ăn trộm trứng gà tây và chạy qua đám tầm xuân. Chỉ khác là bây giờ em gọi đó là báo động đỏ.”
Joe Bell lừ lừ đặt ly martini mới trước mặt chúng tôi.
“Đừng bao giờ yêu cái gì hoang dại, anh Bell ạ” Holly khuyên anh ta. “Đấy là sai lầm của Doc. Anh ấy cứ tha các thứ hoang dã về nhà. Một con chim ưng bị thương ở cánh. Một lần thì là con linh miêu đã trưởng thành, bị gãy chân. Nhưng không thể dành trọn trái tim cho bọn thú hoang được: anh càng làm thế, nó càng mạnh mẽ hơn. Đến khi nó đủ mạnh để quay về rừng. Hoặc bay lên cây. Rồi cây cao hơn nữa. Anh sẽ đi đến kết cục như thế đấy, anh Bell ạ. Nếu anh để mình yêu cái giống hoang dã. Anh sẽ đi tới chỗ chỉ còn biết ngửa mặt trông trời.”
“Cô ấy say rồi.” Joe Bell thông báo với tôi.
“Cũng hơi hơi,” Holly thú nhận. “Nhưng Doc biết em nói gì. Em đã giải thích với anh ấy rất cẩn thận, và anh ấy có thể hiểu được điều ấy. Bọn em bắt tay và ôm nhau, rồi anh ấy chúc em may mắn.” Cô liếc nhìn đồng hồ. “Giờ này chắc anh ấy đã ở Núi Xanh rồi.”
“Cô ấy đang nói về chuyện gì thế?” Joe Bell hỏi tôi.
Holly nâng ly martini của mình lên. “Nào, mình cùng chúc Doc cũng may mắn,” cô nói, cụng ly với tôi. “May mắn: và tin em đi, Doc thân yêu - nhìn lên trời thì hay hơn là lên sống trên đó. Một nơi rỗng không, quá hư vô. Chỉ là miền sấm sét xẹt qua và mọi thứ biến mất.”
TRAWLER KẾT HÔN LẦN THỨ TƯ. Tôi nhìn thấy tiêu đề ấy trong lúc ngồi xe điện ngầm ở đâu đó khu Brooklyn. Tờ báo đăng tin này là của một hành khách khác. Tôi có thể đọc một phần viết: Rutherfurd hay “Rusty” Trawler, chàng triệu phú ăn chơi, bị xem là thuộc phe ủng hộ Đảng Quốc Xã, hôm qua đã trốn đến Greenwich với người đẹp... Tôi không muốn đọc tiếp nữa. Holly đã cưới ông ta: chà, chà. Tôi đã ước mình nằm dưới bánh tàu cho rồi. Nhưng đấy là mong muốn trước cả khi tôi liếc thấy cái tựa bài. Vì đủ thứ lí do. Tôi không gặp Holly từ hôm Chủ nhật say với nhau ở bar của Joe Bell. Mấy tuần sau đó chính tôi cũng gặp báo động đỏ. Đầu tiên là tôi bị đuổi việc: cũng đáng đời, vì một tội mà nó quá phức tạp để kể ra ở đây. Thêm vào đó, đăng ký nghĩa vụ quân sự của tôi có nguy cơ bị để ý; tôi vừa thoát điều động ở tỉnh lẻ, ý nghĩ mình lại rơi vào một đời sống kỷ luật tương tự như thế làm tôi tuyệt vọng. Trong tình thế chưa chắc chắn về chuyện nhập ngũ của tôi và vì thiếu kinh nghiệm chuyên môn, tôi gần như không thể tìm được việc khác. Trên chuyến xe điện ngầm ở Brooklyn là tôi đang trở về từ một cuộc phỏng vấn thật nản lòng với biên tập viên tờ PM, tờ báo nay không còn tồn tại nữa. Tất cả những điều này, cộng với cái nóng trong thành phố mùa hè dìm tôi vào một trạng thái trầm cảm. Cho nên tôi cũng không cường điệu bao nhiêu khi ước mình nằm dưới bánh tàu. Cái tựa bài báo chỉ làm mong muốn đó thêm mạnh mẽ thôi. Nếu Holly có thể lấy được cái gã “em chã” ngớ ngẩn ấy thì các thế lực bất công lan tràn trên thế giới này có thể cũng cuốn tôi đi. Hoặc, câu hỏi hiện ra rành rành, sự tổn thương của tôi một phần cũng do tôi đã yêu Holly? Một chút? Vì tôi đã yêu cô thật. Như thể tôi đã từng yêu bà đầu bếp già người da màu của mẹ tôi, yêu bác đưa thư đã cho tôi theo bác đi một vòng và một gia đình cả nhà tên là McKendrick. Tình yêu kiểu như thế cũng có ghen tuông.
Khi xuống bến, tôi mua một tờ báo; và đọc phần cuối cái câu đó, tôi phát hiện ra cô dâu của Rusty là: cô gái xinh đẹp trên bìa là Cô Margaret Thatcher Fitzhue Rừng Hoang, đến từ cao nguyên Arkansas. Mag! Chân tôi nhũn ra vì dễ chịu đến nỗi tôi phải gọi taxi đi tiếp về nhà.
Bà Sapphia spanella gặp tôi ở sảnh, mắt trợn ngược, tay xoắn vào nhau. “Chạy đi,” bà ta nói. “Gọi cảnh sát. Cô ta đang giết ai đó! Hoặc ai đó giết cô ta!”
Nghe có vẻ như thế. Như thể trong căn hộ của Holly có một bầy cọp xổng chuồng. Tiếng kính vỡ tan, đồ đạc bị nứt toác, đổ nhào, lộn tùng phèo. Nhưng trong âm thanh náo động đó không có tiếng cãi cọ) càng khiến chuyện có vẻ kỳ quặc hơn. “Chạy đi,” bà Spanella rít lên, đẩy tôi. “Báo cảnh sát có án mạng.”
Tôi chạy; nhưng là lên gác đến cửa phòng Holly. Nện lên đó có kết quả là: tiếng ồn lắng xuống. Tất cả dừng hẳn lại. Nhưng khi tôi năn nỉ đòi vào thì không có ai trả lời, mọi cố gắng phá cửa chỉ làm vai tôi bầm tím. Rồi phía dưới, tôi nghe bà Spanella đề nghị ai đó mới tới đi gọi cảnh sát. “Im mồm đi,” người đó bảo bà, “và tránh đường ra cho tôi.”
Đó là Jose Ybarra-Jaegar. Trông chẳng giống một nhà ngoại giao Brazil lịch lãm chút nào, mà nhễ nhại mồ hôi và hoảng sợ. Anh ta cũng ra lệnh cho tôi tránh ra. Và dùng chìa khóa của mình để mở cửa. “Mời vào, Bác sĩ Goldman,” anh ta nói với người đi cùng mình.
Vì chẳng ai ngăn nên tôi cũng theo họ vào căn phòng bị tàn phá tan hoang. Cuối cùng thì cái cây Nô-en cũng bị triệt hạ, theo nghĩa đen: những cành khô nâu xỉn của nó nằm ngổn ngang giữa đống lộn xộn những sách vở bị xé tơi tả, bóng đèn và các đĩa nhạc vỡ. Thậm chí cả thùng đá cũng rỗng không, các thứ trong đó quăng bừa khắp phòng: trứng sống chảy ròng ròng trên tường, và giữa đống đổ nát, con mèo của Holly đang điềm nhiên liếm một vũng sữa.
Trong phòng ngủ, mùi của các chai nước hoa vỡ khiến tôi ngạt thở. Tôi dẫm lên cái kính râm của Holly, nó nằm trên sàn nhà, đôi mắt kính đã vỡ nát, cái gọng bị gãy làm đôi.
Chắc vì thế nên Holly, cái hình người thẳng đơ trên giường, giương mắt nhìn José như mù dở, có vẻ cũng không thấy cả viên bác sĩ đang xem mạch cho cô và nhỏ nhẹ: “Cô bé mệt quá đây mà. Rất mệt. Em buồn ngủ phải không? Ngủ.”
Holly gãi trán, để lại một vết máu từ ngón tay bị đứt. “Ngủ,” cô nói và rên rỉ như một đứa trẻ đang quấy vì kiệt sức. “Chỉ có anh ấy mới chiều em như thế. Cho em ôm anh ấy trong những đêm lạnh nào. Em thấy một nơi ở Mexico. Có nhiều ngựa. Bên bờ biển.”
“Có nhiều ngựa bên bờ biển” bác sĩ vừa ru, vừa lục trong cái cặp đen của mình chiếc kim tiêm.
José ngoảnh mặt đi, nôn nao trước hình ảnh cái mũi kim. “Bệnh của cô ấy là buồn thôi chứ gì?” anh ta hỏi, tiếng Anh khó nghe của anh ta khiến câu hỏi vô tình có vẻ hơi châm biếm. “Vì buồn thôi chứ gì?”
“Nó không đau tí nào chứ, hay là có?” viên bác sĩ hỏi, nhẹ nhàng xoa mẩu bông lên cánh tay Holly.
Cô bắt đầu chú ý hơn đến viên bác sĩ.
“Cái gì cũng đau. Kính của em đâu?” Nhưng cô chẳng cần kính. Mắt cô đã tự động nhắm lại.
“Cô ấy chỉ buồn thôi chứ gì?” José khăng khăng hỏi.
“Xin mời ông ra cho” viên bác sĩ có vẻ hơi cộc cằn với anh ta, “để tôi được một mình với bệnh nhân.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...