Bố Già (The Godfather)

Ngồi ngày buya-rô trong bót, Đại Uý Cảnh sát Mark Mc Closkey mân mê ba chiếc phong bì dầy cộm, bên trong toàn cuống giấy biên đề. Lão nhăn nhó, phải chi biết được ám hiệu của mấy thằng bao đề này thì đỡ khổ biết mấy! Hồi hôm đi hành quân tảo thanh, lão đã ghé ngang một ổ chơi đề của cánh Corleone và chớp được bao nhiêu cuống “tang vật” là nhét hết cả vô đây.

Thằng chủ đề chắc chắn sẽ phải lạy để chuộc bằng được ba cái phong bì quý giá này. Không có cuống để so… thằng nào cũng chìa giấy biên ẩu ra đòi chung thì tiền đâu ra mà chung cho đủ? Vậy là toàn quyền ra giá… nhưng nó ghi lằng nhằng điệu này thì biết tổng số tiền có biên cỡ bao nhiêu mà đòi? Nếu tiền quyện năm chục ngàn đô-la thì cho chuộc năm ngàn là điệu rồi. Nhưng biết đâu ngần này cuống dám một trăm ngàn… vài trăm ngàn? Đòi năm giấy lớn để mà “hố” với nó sao?

Mc Closkey nắn nắn mớ giấy bên trong. Tốt hơn là cứ để cho nó rét, nó chạy tới năn nỉ lạy van xin chuộc thì có quyền bắt thóp, đớp của nó một cú cho ra gì chớ? Cứ để nó bấn lên xin nạp!

Lão nhìn đồng hồ trên vách. Sắp tới giờ hẹn đưa thằngđường Thổ đi gặp đại diện cánh Corleone rồi! Muốn đi đâu thì đi, lo cởi bộ đồ lính để mặc thường phục cái đã. Xong ngay. Lão nhấc phôn gọi về nhà tối nay đi công tác, đừng chờ cơm. Mụ vợ đâu biết công tác gì, ngay tiền lão đưa về chi tiêu cũng tưởng lương lính kia mà? Mc Closkey mỉm cười thú vị. Bà mẹ lão ngày xưa cũng in hệt! Lão được ông bố đích thân “truyền nghề” từ hồi còn bé tí, nghề lính là cha truyền con nối mà!

Hồi đó ông bố đội Cảnh sát có lệ mỗi tuần dẫn thằng con lên sáu đi một tua, hết buya-rô trong sở đến tất cả mọi cửa hàng trong vùng trách nhiệm. Hai bố con “đi tuần” đến tiệm nào chủ tiệm chẳng xoa đầu chú nhỏ khen ngoan rồi mở két lấy tiền lẻ biếu chú 5 đô, 10 đôtiền mới ? Chú nhỏ mỗi lần được cha cho đi tuần như vậy là đầy túi tiền mới nên càng yêu nghề lính, mai sau “nhất định làm lính giống bố” nên các chú, các bác trong bót lấy làm khoái chí, chầu lương nào chẳng lì xì cho cháu tí tiền lẻ xài chơi! Có điều tối đa chú Mc Closkey cũng chỉ được bố phát cho 5 cắc, còn bao nhiêu phải gởi vô băng hết để sau này lấy tiền ăn học lên Đại học.

Ông bố tính xa như vậy nhưng cậu con ham làm lính hơn theo Đại học nhiều! Hết Trung học, đủ tuổi là hăm hở nhảy vào ngành Cảnh sát tức thì. Làm lính mà bắt bạc ngon lành thì cần quái gì mấy cái bằng Đại học?

Cậu Mc Closkey ham vô nghề lắm nên được mặc bộ sắc phục vô là phải biết! Phục vụ gương mẫu, nghề nghiệp trên hết. Mấy thằng ma cà bông đứng đường thấy bóng cậu cớm trẻ là lặn gấp và hết giờ cậu đi tuần mới dám thò mặt ra. Cậu có ông bố để noi gương “phục vụ và bắt bạc”!


Khỏi cần phạt vạ đổ rác bậy, đậu xe láo. Tiền phạt cứ đưa đây, cho vào túi. Đâu thèm nhào vô rạp hát bóng coi cọp hay vô nhà hàng ăn đớp miễn phí? Tiền mặt mới quý, nhưng lo phục vụ đúng mức quý vị chủ tiệm trước. Thằng nào ăn quịt, phá phách thì chỉ cần cấp báo: cậu Mc Closkey sẽ có mặt để nhân danh pháp luật và trật tự công cộng, đập cho một trận thừa sống thiếu chết. Bị trừng trị một lần thì cạch luôn, hết dám lai vãng: vậy là tháng tháng cậu cớm có quyền tới quý vị chủ tiệm bắt tí tiền “bảo vệ” thật chính đáng.

Với giới giang hồ, nghĩa là dân làm ăn không hợp pháp lắm trong vùng trách nhiệm thì cậu Mc Closkey vô cùng điệu nghệ ở chỗ đi đúng sách “ai sao ta vậy”. Cứ anh em trong “lít” chi bao nhiêu thì cậu cũng cứ bằng đó mà đưa. Con số đã có sẵn, khỏi thèm đòi hỏi chấm mút thêm mà đại kỵ vụ kiếm chuyện đòi “ăn bẩn”. Do đó công vụ chạy vo vo, chẳng ai phiền trách thưa kiện nên làm gì không lên lon mau?

Thời gian qua… Cậu Mc Closkey lập gia đình rồi lần lượt có 4 mặt con. Từ trung sĩ nhảy lên trung úy, đại úy… Nghề nghiệp thăng tiến rõ, nhưng cả 4 đứa con đều phải lên Đại học, không được nhảy vô lính. Có tốn kém thật nhưng lương nhà nước không đủ thì ông bố Đại úy đã có cách cho con cái khỏi thiếu một thứ gì. Giới giang hồ trong quận của Đại úy Mc Closkey chỉ phải “chi nặng” thêm chút đỉnh, nặng hơn bất cứ một quận nào khác vì cái phí khoản Đại học đặc biệt này.

Số tiền “ngoại tài” hàng tháng được Đại úy Mc Closkey kể như một thứ phụ cấp, chẳng kể bẩn sạch. Coi, nếu không thì lấy đâu cho đủ để nuôi 4 thằng con leo lên Đại học? Lương lính ít, phụ cấp gia đình nghèo nàn thì bắt vợ nhịn, con thất học hay sao đây?

Đâu phải tự nhiên mà có “ngoại tài”? Muốn được ăn no đủ thì ngoài bộ áo lính cũng phải mang thân ra phục vụ, phải đánh đấm và lâu lâu cũng phải nổ để lãnh tiền của các “thân chủ” cho đáng chớ? Trong đời lính của Mc Closkey hồ sơ ghi thiếu gì những vụ đụng độ nặng với du đãng “bắt địa”, anh chị đứng bến và ma cô nuôi điếm? Phải nhìn nhận là những vụ “mất trật tự” này lão dẹp mau lắm. Không lẽ phục vụ hết mình, bảo đảm trật tự cho cả một khu vực xã hội đắc lực như vậy mà chỉ có quyền trông cậy ở đồng lương chết đói của nhà nước?

Trong gia đình Tattaglia thì Đại úy Mc Closkey quen với Bruno, bạn học của một thằng con lão ở Fordham. Gia đình Mc Closkey lâu lâu có quyền tới hộp đêm du hí miễn phí một chầu. Đầu năm dương lịch hay có dịp mời mọc thế nào chủ quán Bruno cũng nhớ đến gia đình ông Đại úy bồ bịch. Có thiệp mời, ngồi bàn danh dự, lại còn được giới thiệu trang trọng với quan khách và đám nghệ sĩ nổi tiếng tới giúp vui. Đổi lại lâu lâu có chuyện nhờ vả, chẳng hạn giấy phép hành nghề cho các em chiêu đãi, nhất là các em có “phích” chơi bời ở se-vít kiểm lục.


Nguyên tắc làm ăn của Mc Closkey là không bao giờ thắc mắc đến công việc của “thân chủ”. Không hỏitại sao, để làm gì … Khi Sollozzo đến nhờ lão vô hiệu hoá hàng rào an ninh của một lão già tên Corleone hiện đang nằm trên giường bệnh thì Đại úy Mc Closkey gật đầu liền và hỏi “Bao nhiêu?” Nó nói mười ngàn đô la là ô-kê ngay, khỏi nghĩ ngợi. Phải vậy mới xứng với sinh mạng triệt một tay Mafia gộc, thế lực qua mặt Al Capone ngày nào! Mà triệt được còn đỡ cho xã hội Mỹ nhiều lắm.

Do đó Mc Closkey làm liền, làm thật chu đáo. Lãnh tiền trước mà? Chừng thằng Sollozzo gọi lại trách “làm ăn thế nào mà ngay trước cửa còn 2 đứa đứng khơi khơi” thì ông Đại úy nổi giận. Đã đích thân đi xúc từng thằng cô hồn về bót lại rút cả ê-kíp gác rõ ràng mà bây giờ phải trả lại tiền thì còn cái đau nào hơn? Nỗi đau mang 10 ngàn bỏ băng rồi mà lại phải rút ra trả bèn trút hết vào cú đấm bể mặt thằng Michael.

Nào ngờ đã không phải trả lại tiền mà Sollozzo còn đề nghị làm ăn lớn làm Mc Closkey hứng chí. Làm gì cũng được huống hồ làm gạc-đờ-co! Miễn có tiền, còn nguy hiểm thì khỏi lo. Bố bảo một dân chơi cũng chẳng dám rớ tới một ông Đại úy Cảnh sát giữa Nữu-Ước! Một thằng Mafia chì nhất cũng phải đứng yên một chỗ nếu một thằng cớm hạng bét muốn kiếm chuyện hành hạ. Còn một thằng cớm bị giết? Lập tức bao “tai nạn” sẽ đổ lên đầu giới giang hồ: Năm bảy thằng bỗng bị bắn bỏ khơi khơi vì những lý do vớ vẩn như chống cự nhà chức trách hoặc chạy trốn… Chịu sao thấu?

Yên chí lắm Mc Closkey chuẩn bị lên đường. Sao hồi này nhiều chuyện tốn tiền thế? Bà chị vợ bên Ái-Nhĩ-Lan vừa lăn cổ ra chết. Lại tốn tiền làm ma, biết bao nhiêu tiền thuốc men rồi!

Còn những ông chú bà bác ở nhà quê gởi thư dài dài sang xin tiền thằng cháu làm ăn bên Mỹ nữa? Cái gì cũng tiền, mà không có không xong! Được cái vợ chồng lão mỗi dịp về làng là bà con trọng vọng cứ như vua chúa. Hè sang năm về thăm quê thì tốt quá, vừa hết giặc xong lại gặp lúc vừa có ít tiền “ngoại tài” này…

Đi ngang bàn giấy thằng đội trực nhật Mc Closkey dặn hờ nếu có việc cần gấp thì tới kiếm ở đâu. Cái vụ này sợ gì phải giấu? Sợ gì ai? Không lẽ một ông Đại úy Cảnh sát mà không có quyền hẹn gặp một thằng mật báo viên để lấy một tuy-ô gì đó?


Ra khỏi bót, lão đi bộ một khoảng trước khi kêu tắc-xi đến chỗ thằng Sollozzo hẹn trước.

oOo

Vấn đề lo cho Michael biến khỏi nước Mỹ không tăm tích là do Tom Hagen đảm nhận hết từ sổ thông hành giả, thẻ thủy thủ đến chỗ ăn nằm kín đáo trên một chiếc tàu chở hàng ghé qua Sicily. Có người tức tốc đáp máy bay sang trước để lo sắp đặt một chỗ trú ngụ an toàn ở một miền quê, có Ông Trùm địa phương đích thân che chở.

Ngay lúc Michael “xong việc” nhảy ra thì trước quán rượu đã có chiếc xe thật ngon chờ sẵn mà chân tài xế do Tessio tình nguyện. Xe bề ngoài cũ rích, máy móc cực kỳ tốt, mang bảng số giả. Thứ xe đặc biệt chỉ để xài vào những vụ quan trọng, chẳng có cách nào nhận diện nổi.

Trước khi lên đường, Michael được Clemenza đưa khẩu súng nhỏ xíu tập sử dụng cho quen tay. Một khẩu 22 nòng ngắn, xài thứ đạn chì đặc biệt, vô lỗ nhỏ xíu nhưng trổ ra toác hoác. Không chính xác lắm nhưng cách năm bước thì không thể trật nổi! Cò hơi cứng một chút nhưng vặn vài con ốc là ngon. Xài làm chi hãm thanh cho mệt? Cần phải cho nó nổ lớn để khỏi có vụ tự nhiên một thằng đi đường chẳng biết quái gì cũng nổi máu anh hùng xông vô can thiệp hoảng là hư hết việc! Phải nổ chúng mới hoảng.

Dù Sonny từng căn dặn nhưng Clemenza vẫn luôn miệng dượt: - … Xài xong làcho súng rơi . Nhớ là buông xuôi tay xuống đã, rồi mới thả súng cho nó rớt nhẹ bên cạnh. Để người ngoài vừa ngó thấy cứ tưởng đâu mình còn súng trong tay, cóc dám vô. Tụi nó chỉ ngó lom khom cái mặt mà! Rất tự nhiên nhanh chân bước ra. Chớ có chạy. Không nhìn tận mắt thằng nào hết mà cũng không ngó lảng đi đâu hết. Vững tin là chúng nó hết hồn, chẳng điên dại mà nhào vô. Đi tà tà ra, lên xe đàng hoàng, cửa mở sẵn mà? Có Tessio lái thì yên chí đi, đừng sợ gì hết, khỏi có tai nạn xe cộ! Cái vụ này tưởng vậy mà không có gì khó đâu. Nào, bây giờ mày thử đội cái nón này tao coi?

Vừa nói lão vừa chụp lên đầu Michael một cái nón nỉ. Cả đời có đội nón bao giờ, Michael nhăn mặt thì lão giải thích:


- Cần lắm đấy. Có cái nón là đỡ lắm: nếu cần phải cho nhân chứng nhận diện! Mày đừng lo dấu tay, khỏi có chắc. Báng súng, cò súng đều trét thứ đồ nghề đặc biệt, nhưng chớ có rờ mó bậy vào những bộ phận khác nghe?

Michael chỉ thắc mắc một điều. Không hiểu Sonny đã dò ra địa điểm mật của Sollozzo chưa? Clemenza lắc đầu:

- Có dễ gì? Nó cáo già quá mà! Nhưng mày yên chí đi. Bề nào mày cũng đi về an toàn vì con tin là chính thằng trung gian. Mày về rồi mới thả nó ra.

- Ủa, sao lại có thằng chịu làm con tin ngu vậy?

- Để lấy tiền. Nhiều lắm lắm chớ bộ giỡn sao? Có phải ai cũng làm được đâu? Phải uy tín. Đối với Sollozzo mạng nó phải quý hơn mạng mày chắc. Có vậy tụi mình mới tin là nó không dám hại mày để liên lụy đến thằng kia. Tóm lại phần mày chẳng lo ngại gì hết. Tụi tao mới là… lãnh đủ!

- Tới cỡ nào?

- Khủng khiếp! Sẽ có đổ máu tùm lum giữa hai cánh Corleone – Tattaglia mà tụi nó còn nhiều cánh khác ủng hộ. Chắc chắn sẽ có màn thấy ngã chôn không kịp…


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui