Tháng năm năm mười chín tuổi của Tùy Ngưỡng giống nhưa ranh giới giữa mơ và hiện thực.
Trước tháng năm có tốt có xấu, mà sau tháng năm mới là cuộc sống thật sự mà anh phải đối mặt.
Cuối tháng ba, một chủ thầu khoán từng là dân anh chị cũng bị họ nợ tiền nghe tin vợ Tùy Cao Trác sống trong khu Bảo Tây, cho đàn em loanh quanh ngoài khu nhà cả ngày.
Khi đó vụ kiện đã gần kết thúc, dù bảo vệ khu nhà Bảo Tây rất tận chức tận trách, nhưng Tùy Ngưỡng vẫn ép mẹ và bà ngoại trốn về Viên Cảng, cũng tìm cớ không cho Tạ Mân về nhà với mình nữa, ở một mình trong căn nhà đó.
Trông Tạ Mân kiêu ngạo khó chiều vậy thôi, thật ra hắn rất nghe lời Tùy Ngưỡng, Tùy Ngưỡng đã nghiêm túc quyết định, Tạ Mân không bao giờ phản đối.
Khoảng thời gian đó, những chuyện và cảm xúc tiêu cực chồng chất trên lưng anh, tâm trạng của Tùy Ngưỡng thật sự rất sa sút.
Tạ Mân im lặng ở bên anh, ngoan không thể tả.
Dù thỉnh thoảng Tùy Ngưỡng có trêu hắn, hắn cũng chỉ nhịn đỏ cả mặt, cuối cùng đẩy Tùy Ngưỡng, dọa “Còn nói nữa đừng trách tôi đánh cậu”.
Tạ Mân đẩy Tùy Ngưỡng không đau, cơn đau là anh tự thêu dệt nên mỗi khi nhớ lại.
Một thứ sáu thượng tuần tháng tư, Tùy Ngưỡng tan học, về đến cửa hông khu nhà, anh trông thấy có mấy người đang giơ biểu ngữ vải trắng dán chữ đỏ.
Chủ thầu khoán kia đứng cạnh biểu ngữ, bảo vệ khu nhà đang khuyên gã ra về.
Chủ thầu đang hút thuốc, nhìn lên, gã nhận ra Tùy Ngưỡng, bèn ném mẩu thuốc xuống đất dập đi: “Cậu chủ về rồi đây”.
Tùy Ngưỡng không trốn tránh, anh giải thích lại những gì mình đã nói trong điện thoại… Khoản nợ bố anh để lại rất khổng lồ, hiện giờ họ thật sự không có tiền để trả, đợi kết toán xong xuôi nhất định sẽ trả tiền cho gã, mong gã nới thêm một thời gian nữa.
“Một trăm nghìn cũng không có?” Chủ thầu không tin, cười khẩy: “Trước đây lúc sếp Tùy đến công trường còn nói với tôi tiền mừng sinh nhật ông ta cho con trai toàn là bảy chữ số cơ mà”.
“Cậu chủ, tôi không vào được khu nhà này, cậu cũng đừng hòng vào được,” gã lạnh lùng nói: “Một trăm nghìn có nhiều hay không là chuyện khác, nhưng quy tắc của ông thì không thể phá được, người khác mà biết có tí tiền thế ông cũng không đòi được, sau này ông đây thu tiền kiểu gì nữa?”.
Bảo vệ đứng bên cạnh nói chủ thầu làm vậy là phạm pháp, nói muốn báo cảnh sát, chủ thầu không để bụng chút nào, hất cằm bảo: “Báo đi”.
Tùy Ngưỡng không muốn bảo vệ xích mích với họ, gây phiền phức cho khu nhà, bèn ngăn bảo vệ lại, nói “không sao”, sau đó đến thư viện.
Hôm đó Tạ Mân đến thư viện muộn hơn bình thường, hai người cùng ngồi một lát, Tạ Mân bỗng sáp lại, nói thầm: “Tối nay bố tôi với Tạ Trình không ở nhà, cậu muốn về với tôi không?”.
“Tôi cho cậu xem ảnh hồi nhỏ của tôi,” Tạ Mân cười tít mắt, đắc chí dụ dỗ: “Được không? Cậu chưa đến nhà tôi bao giờ đâu nhỉ?”.
Tạ Mân rủ Tùy Ngưỡng đến nhà vào đúng lúc anh không thể về nhà, có vẻ trùng hợp quá mức.
Nhưng hẳn chuyện Tạ Trình và bố hắn vắng nhà không phải chuyện Tạ Mân quyết định được, nên lúc đó Tùy Ngưỡng chưa từng nghi ngờ.
Tám giờ hơn họ rời khởi thư viện, lên xe buýt đường 12, sau đó chuyển sang tuyến số ba.
Nhà Tạ Mân ở khu biệt thự nội thành cũ, nhà cửa ở đây đều đã hơi cũ rồi, cây cối xanh tươi, hàng rào sắt quanh mỗi tòa nhà đều có những cây hoa leo chằng chịt, hương hoa thấm vào không khí đêm thơm ngào ngạt.
Đường phố rất yên tĩnh, không có một bóng người, Tạ Mân và Tùy Ngưỡng đi cạnh nhau, thỉnh thoảng đụng cánh tay vào nhau.
Tay Tạ Mân loay hoay liên tục, như thể muốn nắm tay nhưng lại ngại, không nắm.
Bộ dạng giả vờ bình tĩnh lại có ý xấu của Tạ Mân luôn rất đáng yêu, Tùy Ngưỡng bèn trêu hắn: “Cậu có biết học sinh lớp mấy mới vừa đi vừa vung vẩy tay không?”.
Tạ Mân quay lại lườm anh, đang định nổi giận, Tùy Ngưỡng bỗng nắm lấy bàn tay lạnh toát của hắn.
Tay Tạ Mân vừa mềm vừa lạnh, môi cũng hay lạnh, có lẽ vì hắn nóng nảy, dễ nổi cáu nên ông Trời làm vậy để “hạ nhiệt” cho hắn.
So với biệt thự nhà Tùy Ngưỡng lúc trước, nhà Tạ Mân không phải to lắm, một tầng rộng chừng hơn trăm mét vuông, có điều không được trang hoàng theo lối sang trọng phổ biến lúc đó, mà nghiêng về kiểu Pháp hơn, chọn tranh treo tường cũng rất giàu nghệ thuật.
Tùy Ngưỡng khen nhà Tạ Mân trang trí đẹp, Tạ Mân mới nhăn mũi: “Là bạn của bố tôi hồi đi du học thiết kế đấy”.
“Không biết cậu có biết không,” hắn nói một cái tên, trước đây mẹ Tùy Ngưỡng từng nhắc đến người này rồi, cực kỳ nổi tiếng: “Lúc trang trí ngày nào bố tôi cũng lén lút mắng chú kia lấy phí thiết kế đắt quá, đắt hơn người khác mấy chục lần, gần bằng giá tu sửa rồi.
Cuối cùng bố tôi không nhịn được phải mặc cả, hình như còn cãi nhau to lắm”.
Người giúp việc nhà Tạ Mân không ở nhà, căn nhà rất yên tĩnh, chỉ có hai người họ.
Tạ Mân đeo cặp sách đi đằng trước, hắn dẫn Tùy Ngưỡng lên tầng, sau đó quay lại giới thiệu: “Tôi với Tạ Trình ở tầng hai, bố tôi ở tầng ba”.
Tùy Ngưỡng nhìn cằm hắn, cảm giác hôm nay hắn nói nhiều hơn mọi ngày.
Lên đến tầng hai, hành lang chia về cả hai phía đông, tây, Tạ Mân nói mình ở phía đông, Tạ Trình ở phía tây.
“Đây là thư phòng của tôi,” Tạ Mân mở cửa, bật đèn: “Album ảnh ở trong này”.
Thư phòng rất rộng, giá sách kê kín hai mặt tường, nhưng chỉ có mấy hàng ít ỏi bày sách, Tùy Ngưỡng nhìn một lượt, trong số sách ít ỏi đó hình như còn có mấy bộ truyện tranh.
Cạnh cửa sổ là một chiếc bàn gỗ sẫm màu rất lớn, trông không hợp với học sinh chút nào, trên bàn có mấy tập đề đang mở, bút và máy tính đang khép lại, tràn đầy hơi thở sinh hoạt của Tạ Mân.
Tạ Mân lại gần giá sách, ngồi xổm xuống lấy mấy cuốn album ở kệ dưới cùng ra: “Hồi nhỏ tôi đáng yêu lắm, bà nội thích tôi nhất trong mấy đứa cháu luôn, sinh nhật năm nào bà cũng đưa tôi đi chụp ảnh nghệ thuật”.
Hắn đặt album lên bàn, Tùy Ngưỡng nhìn thoáng qua, có sáu cuốn album bìa cứng.
Ảnh bìa cuốn đầu tiên là một em bé đang ngậm núm ti giả, mắt cực kỳ to, đáng yêu hơn mấy em bé trong quảng cáo sữa bột nữa.
“Chỉ chụp sáu cuốn thôi à?” Tùy Ngưỡng cầm lên xem, tiện hỏi.
“Năm tôi bảy tuổi bà đã qua đời rồi.” Tạ Mân giải thích.
Tùy Ngưỡng xin lỗi hắn, Tạ Mân mỉm cười, bộc lộ vẻ chín chắn thường ngày hiếm thấy, hắn nói: “Không sao”.
“Cậu xem mấy tấm ảnh này đi,” Tạ Mân sáp lại gần, lật ảnh giúp anh, lầm bầm: “Không có Tạ Trình đâu, Tạ Trình vừa xấu người vừa xấu nết, bà tôi không thích”.
“Đây là bà nội tôi.” Giở đến một trang, hắn giới thiệu người phụ nữ đứng tuổi mặc sườn xám đang mỉm cười ôm mình.
Vừa nói chuyện vừa xem ảnh, trong cuốn album ba tuổi có một bức ảnh Tạ Mân “nude”, vừa giở đến đó hắn đã giơ tay ra che: “Trước đây không có ai xem nên tôi quên chưa thủ tiêu”.
Tùy Ngưỡng bật cười, hắn lại đẩy Tùy Ngưỡng, ngang ngược yêu cầu: “Không cho cười”.
Tạ Mân trong ảnh lớn dần, mặt mũi càng giống hiện giờ, lúc chụp ảnh không còn cười nữa, Tạ Mân sáu tuổi đã biết cho tay vào túi quần, cằm hất cao lắm, cực kỳ ngầu.
Xem ảnh xong, Tùy Ngưỡng cất đi giúp hắn.
Tạ Mân tựa vào cạnh bàn, bỗng dưng gọi anh: “Tùy Ngưỡng”.
Tùy Ngưỡng quay lại nhìn, Tạ Mân mặc chiếc áo đồng phục ngắn tay màu trắng, tay chống lên bàn phía sau, cánh tay vừa trắng vừa thon, hắn cụp mắt, nói: “Sao cậu không hỏi chuyện mẹ tôi?”,
Tùy Ngưỡng không nói gì, hắn bèn nói tiếp: “Tôi không có mẹ”.
“Tôi không biết mẹ mình là ai, nên chưa từng nhắc đến,” hắn nói: “Đương nhiên Tạ Trình cũng không có.
Bởi không có cô gái nào môn đăng hộ đối thích bố tôi, mà ông ấy lại không muốn chia tài sản cho người khác”.
“Thật ra sau khi bà mất, có một thời gian tôi rất muốn đi tìm mẹ,” Tạ Mân nói: “Tôi còn lén mở két sắt của bố, nhưng không tìm thấy gì hết.
Không biết ông ấy để hồ sơ của mẹ tôi ở đâu rồi”.
Tùy Ngưỡng đứng dậy lại gần hắn, Tạ Mân hơi ngước lên, nhìn vào mắt Tùy Ngưỡng.
Tạ Mân cao hơn lúc họ mới quen nhiều rồi, đôi má vẫn còn chút thịt núng nính chưa tiêu hết, lông mi rất dài, hắn chăm chú nhìn Tùy Ngưỡng, ánh mắt chân thành và bộc trực, khiến Tùy Ngưỡng cảm thấy giờ phút này, có nói thêm một chữ cũng là thừa thãi.
Tạ Mân gọi “Tùy Ngưỡng”, rồi nói: “Trước đây tôi thấy mình rất bất lực”.
“Gia đình tôi chẳng giống một gia đình chút nào,” hắn nói: “Không ai quan tâm đến tôi, cũng không có ai ở bên tôi”.
“Nhưng tôi cảm thấy giờ đã khác rồi,” Tạ Mân ngại ngùng cười với Tùy Ngưỡng: “Tùy Ngưỡng”.
Bên ngoài thư phòng là đêm xuân tháng tư ở Dư Hải, gió đêm khẽ thổi lay tán lá.
Tạ Mân nhấc tay khỏi mặt bàn, như thể muốn ôm Tùy Ngưỡng lại không biết phải ôm thế nào, chỉ ngẩng đầu ngại ngùng hôn lên môi Tùy Ngưỡng.
Thường ngày Tạ Mân hay cáu kỉnh, giống một ác ma làm nhiều điều ác, nhưng lúc nghiêm túc, hắn lại ngọt ngào như một thiên thần chỉ thuộc về Tùy Ngưỡng.
“Dù có chuyện gì xảy ra,” Tạ Mân hỏi Tùy Ngưỡng: “Chúng ta có thể ở bên nhau mãi mãi không?”.
Tùy Ngưỡng ôm hông Tạ Mân, hôn hắn, như nhau trao hết những yêu thương và bí mật.
Mớ lộn xộn bố anh để lại, những gánh nặng gia đình như biến mất hết trong thư phòng của Tạ Mân, lúc đó, Tùy Ngưỡng đánh mất lý trí, đánh mất khả năng suy nghĩ về hiện thực.
Tạ Mân như con thuyền cứu sinh duy nhất khi anh gặp nạn trên biển, cho anh giấc ngủ yên giữa sóng nước vô bờ.
Sau này, mỗi một ngày sau khi anh rời Dư Hải, dường như Tùy Ngưỡng vẫn không thể rời khỏi đêm xuân ấy, cũng không thể quên vẻ mặt và giọng nói của Tạ Mân lúc đó.
Hôm nay thỏ con lại nằm không ở Viên Cảng suốt hai mươi tư tiếng, rõ ràng hắn rất muốn về làm việc, lại chỉ có thể ngủ trên giường Tùy Ngưỡng.
Tùy Ngưỡng tìm lại nhà thiết kế đã tranh cãi với bố Tạ Mân để thiết kế căn nhà này.
Khi Tùy Ngưỡng nói muốn trang hoàng giống căn biệt thự của bạn cũ của ông ta ở Dư Hải kia, nhà thiết kế có vẻ vừa khó hiểu vừa hờn giận, nói phong cách đó lỗi thời lâu rồi, vả lại ông ta không nhớ gì về thiết kế của căn nhà kia nữa.
Nhưng vì Tùy Ngưỡng cứ khăng khăng yêu cầu, lại trả rất nhiều tiền, nên nhà thiết kế mắng chửi xong rồi cũng nhận.
Nhất là thư phòng, dưới sự hỏi han và yêu cầu lặp đi lặp lại đến biến thái của của Tùy Ngưỡng, nhà thiết kế đã dốc hết sức bình sinh tìm lại bản thiết kế từ mười mấy năm trước, gần như trang hoàng giống y hệt, cả bàn làm việc ông cũng mua một chiếc cùng mẫu.
Mấy hôm Tạ Mân đến nhà Tùy Ngưỡng vẫn chưa từng nhắc tới chuyện này, Tùy Ngưỡng cũng không biết hắn có nhận ra không, có thầm mắng Tùy Ngưỡng là kẻ thần kinh không.
Tùy Ngưỡng bỗng nghĩ, có khi nào đây cũng là lý do Tạ Mân muốn rời khỏi chỗ anh.
Nhưng bây giờ thỏ con không nói gì hết.
Cả lúc ngủ nó cũng mặc bộ đồ nhỏ Tùy Ngưỡng mua cho.
Tùy Ngưỡng mở đèn, nó không dậy, Tùy Ngưỡng bèn chạm ngón tay vào vuốt thỏ được bao trong lớp vải.
Chất vải rất mềm mại, nếu không để ý kỹ càng, cảm xúc khi sờ vào giống một con thỏ thật vậy.
Tùy Ngưỡng cũng biết mình rất vô vị, anh trùm tay lên người thỏ, nghịch tai nó.
Hình như thỏ con cũng cảm nhận được, chân sau trong bộ quần áo đá lên không, sau đó trở mình, quay lưng về phía Tùy Ngưỡng.
Lúc đặt may quần áo Tùy Ngưỡng quên không nhắc cửa hàng may chỗ nhét đuôi, cái đuôi tròn tròn của thỏ LEGO gồ lên trong bộ quần áo, thoạt trông rất ngộ nghĩnh làm Tùy Ngưỡng lại bật cười.
Anh mấp máy môi, gọi “Tạ Mân”, nhưng không nói thành lời, anh lật thỏ con lại, để nó quay mặt vào mình.
Không biết thỏ con mơ thấy gì, nó đấm đá vào không khí một chốc, sau đó ôm ngón tay Tùy Ngưỡng, nói mớ: “Không được, tôi không dậy đâu”.
Tựa như hồi đi học không dậy sớm được, hắn giả vờ không nghe thấy chuông báo thức, bắt đầu giở trò, vui đầu vào ngực Tùy Ngưỡng..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...