Kết quả là tủ quần áo của tôi bắt đầu đầy lên. Một cách từ từ nhưng chắc chắn, những bộ lê mới, áo khoác mới và sơ-mi mới dần dần chiếm lĩnh cái lãnh thổ trước kia vốn thuộc về những bộ váy áo của Kumiko. Chẳng mấy chốc tủ quần áo bắt đầu chật, thế là tôi gấp hết đồ của Kumiko lại cho vào hộp có băng phiến rồi cất vào chỗ khác. Nếu Kumiko có trở về, tôi biết nàng sẽ tự hỏi chẳng biết chuyện quái gì đã xảy ra trong thời gian nàng vắng mặt.
Tôi phải mất một thời gian dài để giải thích với Nhục đậu khấu về Kumiko - rằng tôi phải cứu nàng và đưa nàng về. Bà ta chống cùi chỏ lên bàn, tựa cằm lên lòng bàn tay mà nhìn tôi một lát.
- Vậy thì cậu sẽ cứu Kumiko từ đâu về chứ? Cái nơi đó có tên gọi hay gì đó kiểu như vậy không?
Tôi tìm lời lẽ trong không khí. Nhưng lời lẽ làm gì có trong không khí. Chúng cũng chẳng chôn dưới đất. - Ở đâu đó xa lắm, - tôi nói.
Nhục đậu khấu mỉm cười.
- Nghe như chuyện Cây sáo thần vậy. Của Mozart, cậu biết không? Chuyện là người ta phải cứu một nàng công chúa bị giam trong một toà lâu đài ở một nơi rất xa, cứu bằng một cây sáo thần và những cái chuông thần. Tôi thích vở Opera đó lắm. Tôi đã xem không biết bao nhiêu lần. Thậm chí tôi thuộc nằm lòng lời vở hát nữa "Tôi là kẻ bắt chim, ở xứ này từ già đến trẻ ai cũng biết tôi..." Cậu đã xem chưa?
Tôi lắc đầu. Tôi chưa bao giờ xem vở ấy.
- Trong vở ấy, chàng hoàng tử và kẻ bắt chim, Pagageno, được ba đứa trẻ cưỡi mây dẫn đến toà lâu đài. Nhưng thực ra đó là cuộc chiến tranh giữa vương quốc của ngày và vương quốc của đêm. Vương quốc của đêm cố gắng bắt lại nàng công chúa từ tay vương quốc của ngày. Đến nửa chừng vở, các nhân vật chính không còn biết đâu là chính đâu là tà, ai bị bắt ai không nữa. Đương nhiên là đến cuối vở hoàng tử tái hợp với công chúa, Pagageno có được Pagagena, còn những kẻ ác bị đày xuống địa ngục, - Nhục đậu khấu miết ngón tay dọc vành cốc. - Nhưng lúc này thì cậu không có kẻ bắt chim cũng chẳng có sáo thần hay gương thần.
- Nhưng tôi có cái giếng, - tôi đáp.
° ° °
Mỗi khi tôi nói đã mệt hoặc không thể kể tiếp chuyện của mình do không tìm được những từ ngữ mình cần, Nhục đậu khấu thường cho tôi nghỉ bằng cách kể về chính thời thơ ấu của bà, và những chuyện của bà hoá ra còn dài dòng và rối rắm hơn nhiều so với chuyện của tôi. Mặt khác, không như tôi, bà thường không kể những câu chuyện của mình theo trình tự lớp lang mà thường nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác tuỳ tâm trạng. Bà thường đảo ngược trình tự thời gian mà không hề giải thích, hoặc tự dưng kể tới một nhân vật chính mà từ trước đến giờ chưa hề xuất hiện. Để hiểu được mẩu chuyện bà đang kể liên quan đến quãng nào trong cuộc đời bà thì cần phải diễn dịch thật cẩn thận, nhưng trong vài trường hợp thì có diễn dịch cách mấy cũng bằng thừa. Bà thường kể những sự kiện mà chính mắt bà chứng kiến đồng thời cũng kể những sự kiện mà bà chưa chứng kiến bao giờ.
° ° °
Họ giết lũ báo. Họ giết lũ sói. Họ giết lũ gấu. Bắn chết lũ gấu là mất nhiều thì giờ nhất. Thậm chí đã ăn đến hàng tá đạn, hai con thú khổng lồ vẫn cứ đập ầm ầm vào chấn song chuồng mà gào rú vào đám người, nhe nanh, sùi bọt mép. Khác với những con thuộc họ mèo vốn dễ dàng chấp nhận số phận hơn (hay ít nhất là có vẻ chấp nhận số phận), lũ gấu hình như không thể nào hiểu nổi cái thực tế rằng chúng đang bị giết. Có lẽ vì vậy mà phải mất nhiều thời gian hơn mức cần thiết đến thế lũ gấu mới chịu chia tay với cái tình trạng tạm thời gọi là cuộc sống kia. Khi rốt cuộc cũng dập tắt được mọi dấu hiệu sự sống ở lũ gấu, đám lính kiệt sức đến nỗi chỉ còn thiếu nước gục xuống ngay tại chỗ. Viên trung uý gài lại chốt an toàn súng rồi lấy mũ lau mồ hôi từ lông mày rỏ xuống. Trong cái im lặng sâu thẳm theo cuộc bắn giết, vài người lính hình như cố che giấu nỗi hổ thẹn của mình bằng cách khạc nhổ ầm ĩ xuống đất. Vỏ đạn vãi quanh chân họ giống như bao nhiêu là đầu mẩu thuốc lá. Tiếng súng nổ đoành đoành vẫn còn inh tai họ. Tay lính trẻ mà mười bảy tháng nữa sẽ bị một tên lính Liên Xô đánh chết trong một mỏ than gần Irkutsk hít sâu vài hơi liên tục, ngoảnh đi không nhìn xác lũ gấu. Gã đấu tranh kịch liệt để chống lại cơn buồn nôn đang trào lên cuống họng.
Rốt cuộc họ đã không giết lũ voi. Khi đối mặt với voi, họ nhận ra một điều hiển nhiên rằng chúng quá lớn. Bên những con thú đó, súng trường của những người lính trông như những món đồ chơi ngớ ngẩn. Viên trung uý ngẫm nghĩ một chút rồi quyết định để yên lũ voi. Nghe vậy, đám lính thở phào nhẹ nhõm. Nghe thì như lạ - tuy rằng thật ra cũng chẳng lạ lắm - đám lính thảy đều chung một ý nghĩ: giết người trên chiến trường còn dễ hơn nhiều so với giết thú trong chuồng, mặc dù trên chiến trường thì có thể chính mình bị giết.
Những con thú đó, giờ chỉ còn là những cái xác, được đám công nhân người Trung Hoa lôi ra khỏi chuồng, chất lên xe rồi kéo đến một nhà kho để trống. Ở đó những con thú, đủ hình đủ dạng, to có nhỏ có, nằm la liệt trên sàn. Sau khi đã thực thi chiến dịch từ đầu đến cuối, viên trung uý quay về văn phòng của giám đốc vườn thú bảo ông này ký vào những giấy tờ cần thiết. Sau đó đám lính xếp hàng, đều bước theo đội hình mà đi khỏi, những tiếng lách cách kim khí khua vang giống như khi họ đến. Đám công nhân Trung Hoa dùng vòi nước rửa sạch những đám máu đen kịt trên sàn các chuồng, đoạn dùng bàn chải cạo sạch những mẩu thịt thú dính đây đó trên tường. Khi xong việc, các công nhân hỏi viên bác sĩ thú y có vết bầm trên má phải xem ông ta định xử lý mấy cái xác bằng cách nào. Viên bác sĩ lúng túng không biết trả lời sao. Thường thì khi có thú chết, ông ta gọi một chuyên viên đến để xử lý. Nhưng hiện giờ khi thủ đô đang chuẩn bị bước vào trận huyết chiến, khi ai cũng chỉ nghĩ đến việc cao chạy xa bay khỏi cái đô thành sắp tận số này thì làm sao có thể nhấc điện thoại lên bảo ai đó chạy đến xử lý một cái xác thú chết được. Tuy nhiên đang là giữa hè, mấy cái xác sẽ rất chóng phân huỷ. Ngay lúc này đây những đàn ruồi đen đã bâu lại kín nghịt. Cách hay nhất là đem chôn, nhưng đó là một việc quá lớn thậm chí dù vườn thú có đủ thiết bị hạng nặng, còn với nhân lực hạn chế như lúc này thì không thể nào đào một cái hố đủ lớn đặng chôn hết mấy cái xác.
Các công nhân Trung Hoa bảo viên bác sĩ thú y: Bác sĩ này, nếu ông cho chúng tôi đem hết mấy cái xác đi thì chúng tôi sẽ thanh lý cho ông. Chúng tôi có nhiều bạn bè giúp, với lại chúng tôi biết rõ phải làm ở đâu. Chúng tôi sẽ mang ra ngoài thành phố và xử lý sạch sẽ, không để lại dấu vết nào. Sẽ êm xuôi hết, ông không phải lo. Nhưng bù lại, chúng tôi muốn lấy lông và thịt. Nhất là thịt gấu, món đó ai cũng thích. Vài bộ phận của gấu và hổ làm thuốc rất tốt, bán được cao giá lắm. Giờ mới nói thì quá muộn rồi, nhưng giá như lính các ông chỉ nhắm vào đầu chúng thì hay hơn bao nhiêu. Được vậy lông sẽ bán được khối tiền. Mấy tay lính này dở quá! Giá như các ông giao cho chúng tôi ngay từ đầu thì chúng tôi đã chẳng làm vụng đến thế. Viên bác sĩ đồng ý đổi chác. Anh ta không có lựa chọn nào khác. Nói gì thì nói, đây là đất nước của họ.
Chẳng mấy chốc mười người Trung Hoa xuất hiện mang theo mấy chiếc xe kéo. Họ lôi đống xác thú ra khỏi nhà kho, chất lên xe, buộc chặt rồi lấy chiếu rơm đậy lên. Suốt thời gian làm những việc đó họ gần như chẳng nói với nhau một lời. Khuôn mặt họ vô cảm. Khi đã chất đầy các xe, họ kéo đi đâu đó. Những chiếc xe kêu ken két dưới sức nặng của đống xác thú. Cuộc thảm sát - mà theo lời các công nhân là thảm sát vụng về - các con vật trong vườn thú vào một chiều tháng Tám oi bức đã kết thúc như vậy. Chỉ còn lại dăm cái chuồng sạch sẽ - và trống không. - Vẫn còn trong trạng thái kích động, bầy khỉ tiếp tục hét gọi nhau bằng thứ ngôn ngữ không ai hiểu. Những con lửng bồn chồn chạy tới chạy lui trong cái chuồng hẹp. Lũ chim đập cánh một cách tuyệt vọng làm lông bay tung toé. Ve sầu tiếp tục kêu inh ỏi.
° ° °
Sau khi toán lính đã giết thú xong và quay về Bộ Tham mưu, và sau khi hai công nhân Trung Hoa cuối cùng đã kéo xe chất xác thú đi đâu đó, vườn thú có cái vẻ rỗng hoác như căn nhà bị khuân hết đồ đạc. Viên bác sĩ thú y ngồi trên mép một đài phun nước không có nước, nhìn lên trời, ngắm những đám mây sắc nét đang trôi. Đoạn anh lắng nghe tiếng ve sầu. Con Chim vặn dây cót không kêu nữa, nhưng viên bác sĩ không nhận thấy điều đó. Với lại, anh vốn dĩ chưa bao giờ nghe thấy tiếng con Chim vặn dây cót. Người duy nhất nghe được nó là anh lính trẻ tội nghiệp mà về sau sẽ bị đánh chết trong một mỏ than ở Siberia.
Viên bác sĩ rút một gói thuốc ẩm mồ hôi trong túi áo ngực ra, ột điếu lên miệng rồi quẹt diêm. Khi quẹt diêm anh mới nhận ra tay mình đang run, run đến nỗi phải quẹt tới ba que diêm anh mới châm được thuốc. Chẳng phải vì anh đang bị chấn động cảm xúc hay gì gì. Một số thú lớn đã bị "loại bỏ" trong chốc lát ngay trước mắt anh, thế nhưng, vì một lý do không thể giải thích nào đó, anh không hề thấy bị sốc, thấy buồn rầu hay giận dữ. Thật ra anh chẳng cảm thấy gì hết. Anh chỉ thấy hoang mang khủng khiếp.
Anh ngồi đó một lúc, ngắm khói cuộn lên từ điếu thuốc mình đang hút, cố gắng suy xét lại cảm xúc của mình. Anh ngắm đôi tay đang đặt trên lòng mình, rồi lại nhìn lên những đám mây trên trời. Thế giới trước mắt anh vẫn là cái thế giới như lâu nay. Anh chẳng thấy có gì thay đổi ở đó. Thế nhưng đó ắt phải là một thế giới khác hẳn so với cái thế giới anh đã quen thuộc từ trước đến giờ. Nói gì thì nói, cái thế giới anh đang sống lúc này là một thế giới mà ở đó gấu, hổ, báo và sói vừa mới bị "loại bỏ". Những con thú đó sáng nay vẫn còn hiện hữu, nhưng lúc này, 4 giờ chiều, chúng không hiện hữu nữa. Chúng đã bị đám lính kia thảm sát, thậm chí xác chúng cũng đã biến mất.
Hẳn phải có một sự tách biệt lớn lao mang tính quyết định phân chia hai thế giới khác nhau đó. Cái thế giới trước mắt anh vẫn là cái thế giới của xưa nay. Điều khiến viên bác sĩ thú y hoang mang nhất là sự vô cảm ở trong chính mình.
Anh nhận ra mình đã kiệt sức. Thử nghĩ mà xem, đêm hôm trước hầu như anh không chợp mắt tí nào. Giá như lúc này anh tìm được bóng cây râm mát nào đó, nằm dài ra ngủ dù chỉ trong chốc lát thôi - thôi không nghĩ gì nữa, đắm mình vào bóng tối câm lặng của vô thức - thì tuyệt biết mấy! Anh liếc đồng hồ. Anh còn phải tìm thức ăn cho lũ thú còn sống sót. Anh phải chữa cho con khỉ đầu chó đang bị sốt cao. Có hàng ngàn việc khác anh còn phải làm. Nhưng lúc này hơn bất cứ việc gì khác, anh phải ngủ. Việc gì khác hãy tính sau.
Viên bác sĩ thú y đi vào khoảnh rừng gần đó, duỗi dài trên một bãi cỏ ở chỗ kín đáo không ai thấy. Lá cỏ mát rượi thật dễ chịu. Mùi cỏ là mùi anh luôn nhớ một cách trìu mến từ khi còn bé. Vài con cào cào Mãn Châu to gộ nhảy tanh tách qua mặt anh, đập cánh nghe rõ mồn một, đầy sinh lực. Anh nằm đó châm thêm điếu thuốc nữa và hài lòng nhận thấy tay mình không còn run đến là khổ như ban nãy. Vừa hít khói sâu vào phổi, anh vừa hình dung ở nơi nào đó những người Trung Hoa đang lột da tất tật những con thú vừa bị giết kia rồi xẻ thịt. Anh vẫn thường thấy người Trung Hoa làm việc đó, về chuyện này thì họ còn khuya mới gọi là vụng về. Chỉ trong phút chốc toàn bộ con vật đã biến thành lông, da, thịt, nột tạng và xương, như thể mấy thành phần đó vốn dĩ tách biệt khỏi nhau và chỉ tình cờ được gá vào nhau trong chốc lát. Chắc hẳn mình chưa kịp thiếp đi thì những tảng thịt đó đã nằm ngoài chợ rồi. Đó là thực tại i đó: nhanh chóng và hiệu quả. Anh ngắt một búi cỏ, nghịch nghịch trong tay một hồi cái mềm mại của cỏ. Đoạn anh dụi thuốc rồi thở một hơi dài, phà hết khói còn trong phổi ra. Khi anh nhắm mắt lại, tiếng cào cào vỗ cánh nghe to hơn nhiều trong bóng tối. Viên bác sĩ thú y có ảo giác như những con cào cào lớn tướng cỡ bằng con ếch đại kia đang nhảy thon thót tứ phía quanh mình.
Có khi thế giới này là một cánh cửa xoay, viên bác sĩ chợt nghĩ trong khi ý thức anh dần mờ đi. Ta lọt vào ngăn nào của cửa xoay là hoàn toàn tùy ở chỗ chân ta bước vào đâu. Ở ngăn này có hổ, ở ngăn kia không có hổ. Có khi chỉ đơn giản như vậy thôi. Và cũng chẳng có tính liên tục thuận lý nào từ ngăn này sang ngăn nọ. Và chính vì không có tính liên tục thuận lý nào nên lựa chọn ngăn này hay ngăn nọ chẳng có ý nghĩa gì lắm. Có lẽ vì vậy mà anh không cảm nhận được chỗ tách biệt giữa thế giới này với thế giới kia? Nhưng ý nghĩ của anh chỉ đi xa được đến thế. Anh không thể nào nghĩ sâu hơn vậy nữa. Cơn mệt mỏi trong anh nặng trịch và nghẹt thở như một cái chăn sũng nước. Anh không còn nghĩ gì nữa, chỉ nằm đó, hít thở mùi thơm của cỏ, lắng nghe tiếng cào cào vỗ cánh, và cảm thấy qua làn da mình cái lớp màng dày đặc của bóng tối đang trùm phủ lên anh.
Và cuối cùng tâm trí anh bị hút vào giấc ngủ sâu hút của buổi chiều.
° ° °
Chiếc tàu vận tải tắt động cơ theo mệnh lệnh, chẳng mấy chốc đã đứng yên trên mặt biển. Chỉ có chưa tới một phần vạn cơ hội là nó có thể chạy nhanh hơn hòng thoát khỏi một chiếc tàu ngầm cơ động, hiện đại như vậy. Khẩu đại bác đặt trên boong và khẩu súng máy của tàu ngầm vẫn hướng thẳng vào chiếc tàu vận tải, thủy thủ đoàn trong tư thế sẵn sàng tấn công. Thế nhưng một cảm giác tĩnh lặng kỳ lạ bao trùm trên cả hai con tàu. Thủy thủ đoàn chiếc tàu ngầm đứng hẳn lên boong, nhìn chiếc tàu vận tải với cái vẻ như có khối thì giờ để giết. Nhiều người thậm chí chẳng buồn đội mũ sắt lên nữa. Buổi chiều hè hôm ấy hầu như không có gió, nên lúc này, khi cả hai tàu đều đã tắt động cơ, âm thanh duy nhất là tiếng sóng vỗ ì oạp lười biếng vào hai thân tàu. Tàu vận tải ra hiệu cho tàu ngầm: "Chúng tôi là tàu vận tải chở dân thường không vũ trang. Trên tàu chúng tôi không có đạn dược, không có binh sĩ. Chúng tôi chỉ có vài chiếc xuồng cứu nạn thôi". Chiếc tàu ngầm trả lời cộc lốc: "Đó là việc của các người. Có rời tàu hay không thì trong đúng mười phút nữa chúng tôi vẫn sẽ bắn". Trao đổi thông điệp giữa hai bên đến đó là hết. Thuyền trưởng tàu vận tải quyết định không truyền đạt nội dung trao đổi cho hành khách. Có ích gì? Dăm ba người chắc cũng sẽ gặp may mà sống sót, nhưng hầu hết sẽ bị lôi xuống đáy biển cùng với cái chậu giặt già nua khốn khổ này. Thuyền trưởng muốn uống rượu lần cuối, nhưng chai whisky - chút ít rượu scotch ngon ông còn để dành được - lại cất trong ngăn kéo bàn trong buồng ông, chẳng còn thì giờ đi lấy bây giờ nữa. Ông cởi mũ nhìn lên trời, hy vọng rằng nhờ phép màu nào đó một phi đội máy bay chiến đấu Nhật Bản sẽ bất thần xuất hiện. Nhưng hôm nay không phải là một ngày có phép màu. Thuyền trưởng đã làm tất cả những gì có thể làm. Ông lại nghĩ tới whisky.
Khi thời gian ân hạn mười phút đã hết, những chuyển động kỳ lạ bắt đầu diễn ra trên boong tàu ngầm. Những viên sĩ quan đứng dàn hàng trên boong đài chỉ huy vội vã trao đổi với nhau, thế rồi một viên sĩ quan trèo xuống boong chính, chạy hùng hục giữa đám thủy thủ mà quát lớn những mệnh lệnh nào đó. Anh ta đi đến đâu là những làn sóng chuyển động lan ra đến đấy giữa đám thủy thủ ở từng vị trí chiến đấu. Một thủy thủ lắc đầu quầy quậy rồi nắm chặt tay đấm thùm thụp lên nòng súng. Một người khác tháo mũ trận nhìn lên trời. Hành vi của đám thủy thủ có thể là biểu hiện của giận dữ, mà cũng có thể là vui mừng, thất vọng hoặc phấn khích. Hành khách trên tàu vận tải chịu không hiểu nổi cái gì đang diễn ra hay chuyện này sẽ dẫn đến đâu. Giống như khán giả đang xem một vở kịch câm mà họ không được biết trước nội dung (nhưng lại hàm chứa một thông điệp rất quan trọng), họ nín thở, dán mắt vào từng cử động của các thủy thủ, những mong nắm bắt được chút ý nghĩa nào chăng. Cuối cùng, làn sóng nhiễu loạn vừa lan ra giữa đám thủy thủ kia cũng lắng xuống, và theo mệnh lệnh từ đài chỉ huy người ta bắt đầu nhanh chóng lấy đạn ra khỏi khẩu đại bác. Các thủy thủ quay bộ truyền động, dời nòng súng khỏi chiếc tàu vận tải cho đến khi nòng súng lại chĩa thẳng lên trời như trước rồi nút cái mõm đen ngòm đáng sợ của họng súng lại. Những quả đạn lại được cho xuống dưới boong tàu, đoạn các thủy thủ chạy về phía các cửa nắp. Ngược với vẻ uể oải lúc đầu, mọi cử động của họ lúc này đều nhanh chóng và hữu hiệu. Không tán gẫu, không một động tác thừa.
Động cơ tàu ngầm khởi động với một tiếng gầm dứt khoát, và hầu như cùng một lúc còi hiệu hú lên: "Tất cả mọi người xuống dưới boong!". Chiếc tàu ngầm bắt đầu chuyển động về phía trước, loáng sau đã hụp xuống, làm cuộn lên một đám bọt trắng xóa, như thể nó chỉ đủ kiên nhẫn đợi đến khi thủy thủ đã xuống dưới hết và cài chặt cửa nắp lại. Một lớp màng nước biển nuốt gọn boong tàu dài, mảnh từ đầu đến đuôi, khẩu đại bác chìm xuống dưới mặt nước, đài chỉ huy trượt xuống, cắt ngang qua làn nước xanh thẫm, cuối cùng là cái ăng-ten và tiềm vọng kính cũng biến mất như muốn xóa sạch mọi dấu vết chứng tỏ chúng từng có mặt ở đó. Những gợn sóng lan trên mặt đại dương trong chốc lát nhưng chẳng bao lâu đã lắng đi, chỉ còn lại mặt biển phẳng lặng buổi chiều.
Ngay cả khi chiếc tàu ngầm đã lặn sâu xuống nước, cũng chớp nhoáng đến lạ lùng như khi xuất hiện, hành khách vẫn đứng nguyên trên boong tàu như hóa đá, nhìn mãi xuống mặt biển. Thậm chí không ai hắng giọng. Viên thuyền trưởng trấn tĩnh lại, ra lệnh cho hoa tiêu, hoa tiêu truyền lệnh cho phòng máy, cuối cùng, sau một tràng rú rít dài, động cơ cổ lỗ sĩ bắt đầu khởi động như con chó đang ngủ bị chủ đá ột phát.
Thủy thủ đoàn trên tàu vận tải nín thở, đợi bị tấn công bằng thủy lôi. Có khi người Mỹ họ chỉ thay đổi phương sách thôi, họ quyết định rằng đánh đắm tàu bằng thủy lôi thì nhanh và dễ hơn nhiều so với nã đạn bằng đại bác, tốn thì giờ. Tàu chạy theo hình chữ chi, thuyền trưởng cùng hoa tiêu cầm ống nhòm căng mắt nhìn khắp mặt biển, tìm cái vệt sóng trắng chết người của thủy lôi. Nhưng chẳng có thủy lôi nào. Hai mươi phút sau khi tàu ngầm đã biến mất vào lòng biển, mọi người rốt cuộc mới bắt đầu thở phào nhẹ nhõm thấy mình đã thoát khỏi lời nguyền chết chóc vừa mới treo trên đầu. Đầu tiên họ thấy thật khó tin, nhưng dần dà họ thấy đó là sự thật: họ đã sống sót sau khi cận kề cái chết. Ngay thuyền trưởng cũng không hiểu tại sao người Mỹ lại thôi không tấn công. Điều gì khiến họ đổi ý vậy? (Chỉ sau này người ta mới rõ rằng, chỉ ít giây trước khi cuộc tấn công bắt đầu, tàu ngầm đã nhận được chỉ thị từ ban tham mưu rằng nên tránh đụng độ với đối phương trừ phi bị tấn công trước. Chính phủ Nhật đã gửi điện cho lực lượng Đồng minh rằng họ sẵn sàng chấp nhận các điều kiện của Tuyên bố Potsdam và đầu hàng vô điều kiện). Giờ mới thoát được nỗi căng thẳng không thể nào chịu nổi, một số hành khách đứng trên boong quỵ xuống ngay tại chỗ mà rên rĩ, song hầu hết không khóc nổi cũng không cười nổi. Suốt mấy giờ - ở một số người thì suốt mấy ngày - họ cứ ở trong một trạng thái hoàn toàn lơ đãng, cái mũi nhọn của cơn ác mộng dài, khủng khiếp cứ thọc mãi không thương tiếc vào phổi họ, tim họ, xương sườn họ, não họ, tử cung họ.
Suốt thời gian đó cô bé Akasaka Nhục đậu khấu ngủ ngon lành trong tay mẹ. Cô ngủ một mạch hai mươi tiếng đồng hồ, như bị ai đó đánh bất tỉnh. Mẹ cô thét gọi cô, vả vào má cô, nhưng vô ích. Cô như đã chìm xuống đáy biển. Khoảng cách giữa hai nhịp thở của cô cứ dài ra, dài ra mãi, nhịp tim cô chậm dần. Hơi thở cô hầu như không nghe thấy được. Nhưng khi tàu đến Sasebo thì cô đột nhiên thức dậy, như có sức mạnh lớn lao nào đó đã lôi tuột cô trở về thế giới này. Thế nên Nhục đậu khấu không tận mắt chứng kiến việc tàu ngầm Mỹ chuẩn bị tấn công rồi lại thôi và biến mất. Cô chỉ nghe mẹ kể lại, mãi rất lâu về sau.
Chiếc tàu hàng ì ạch lê vào cảng Sasebo vào khoảng 10 giờ hơn một chút sáng ngày 16 tháng Tám, một ngày sau vụ tấn công hụt. Trên cảng bao trùm một sự im ắng kỳ lạ, không ai ra đón con tàu. Thậm chí ở trận địa phòng không gần cửa cảng cũng không có một bóng người. Ánh nắng hè câm lặng đốt thiêu mặt đất. Cả thế giới như lâm vào một cơn tê liệt sâu thẳm, vài người trên tàu cảm thấy như mình đã chẳng may lạc vào vương quốc của người chết. Sau nhiều năm sống ở nước ngoài, họ chỉ còn biết lặng nhìn đất nước của tổ tiên. Vào trưa ngày 15 tháng Tám, đài phát thanh loan báo tuyên bố của Thiên hoàng rằng chiến tranh đã kết thúc. Sáu ngày trước đó, thành phố Nagasaki lân cận đã bị thiêu cháy bằng một quả bom nguyên tử. Cái đế quốc ma Mãn Châu quốc đang biến vào quá khứ. Và, vô ý bị lọt vào nhầm ngăn của cánh cửa xoay, viên bác sĩ thú y có vết bầm trên má sẽ cùng chia sẻ số phận với Mãn Châu quốc.
-------------------------------- 1 Tiếng Anh: Tonhua - ND.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...