Bí Thư Tỉnh Ủy

Ông Kim chuẩn bị bước vào nhà làm việc của tổ phái viên thì có tiếng còi báo động máy bay. Ông chạy vào một chiếc hầm chữ A cách đó không xa. Lát sau ông Ẩn cũng chạy ra chui vào đó.

Nhìn thấy ông Kim ở trong hầm, ông Ẩn hỏi:

- Anh Kim à. Đi đâu mà nhảy vào hầm này?

- Tôi đang định vào chỗ anh thì nghe tiếng còi báo động nên nhảy vào đây.

- Dạo này chúng nó đánh phá ác liệt quá. Tuần vừa rồi tôi về Hà Nội họp mấy hôm mà hôm nào cũng phải chạy ra hầm đến bốn năm lần.

Có tiếng bom nổ và tiếng cao xạ đáp trả. Ông Kim vọt ra khỏi hầm lắng tai nghe.

- Chúng nó lại đánh ga Trung Văn và cầu Gia Liễn rồi anh ạ. Cầu đường sắt Gia Liễn mới chữa xong chưa được hai tuần nay. Quân khu mới tăng cường cho một đại đội pháo cao xạ 57 li nữa, không biết hôm nay có giữ nổi không.

Ông Ẩn cũng ra khỏi hầm.

- Tỉnh của các anh có rất nhiều mục tiêu trọng điểm đánh phá của địch nên khá vất vả.

Tiếng bom và tiếng cao xạ vẫn dội lại.

- Hình như lần này chúng ném loại bom lớn hơn thì phải. Anh có cảm giác đất dưới chân mình rung chuyển không?

- Có thế thật.

Ông Kim lo lắng:

- Nó ném bom loại lớn mà trúng cầu thì nguy to. Lần trước cầu sập, cả công binh, giao thông và nhân dân dồn sức sửa cật lực bốn năm hôm mới thông tàu được đấy anh ạ. Nghe tiếng bom lạ tôi lo quá.

- Anh định vào tôi chơi hay có chuyện gì không? - Ông Ẩn hỏi.


- Tôi qua mời anh sáng mai đi Văn Lâm dự lễ tưởng niệm cho đồng chí Nguyễn Đình Mạch, nguyên bí thư huyện ủy Văn Lâm bị xử lí oan trong cải cách ruộng đất.

- Cải cách ruộng đất xảy ra đã hơn mười năm nay, sao bây giờ làm lễ tưởng niệm là thế nào?

- Đồng chí Mạch trong kháng chiến chống Pháp là bí thư chi bộ xã Lâm Du. Đồng chí ấy là người che giấu cho tôi mỗi lần tôi từ An toàn khu của tỉnh vào hoạt động địch hậu. Vì thế khi về nhận công tác ở đây, mỗi lần xuống công tác ở Văn Lâm bao giờ tôi cũng về Lâm Du thăm gia đình đồng chí Mạch nhưng chẳng hề nghe chị ấy phàn nàn gì. Cách đây mấy tháng, cậu con trai của đồng chí ấy lên trực tiếp gặp tôi, bảo mẹ mình yếu lắm không biết sống chết khi nào. Yêu cầu tỉnh ủy có cái giấy minh oan cho bố mình để mẹ có nhắm mắt cũng được thảnh thơi, bấy giờ tôi mới vỡ lẽ mọi việc.

Ông Ẩn kêu lên:

- Sao lại tắc trách như vậy được nhỉ? Danh dự của một cán bộ cách mạng mười năm bị xúc phạm mà không hề ai biết đến là thế nào?

- Vừa rồi sau khi nghe con của đồng chí Mạch lên kể lại, chúng tôi đã có công văn gửi lên Ban bí thư, đích thân tôi ký yêu cầu giải quyết việc này. Ban bí thư đã có công văn phúc đáp giao cho tỉnh tổ chức lễ tưởng niệm cho đồng chí Mạch. Chúng tôi đã bàn bạc cách thức tổ chức xong rồi và cũng đã chỉ thị cho huyện ủy Văn Lâm chuẩn bị. Chúng tôi định sáng mai sẽ tổ chức và qua mời anh xuống dự. Có một ủy viên Trung ương có mặt trong buổi lễ sẽ là nguồn động viên lớn cho gia đình cũng như đảng bộ và nhân dân huyện Văn Lâm. Anh có sắp xếp đi được không?

- Tôi sẽ đi với các anh. Mấy giờ xuất phát?

- Bảy giờ. Từ đây xuống đó mất chừng bốn mươi phút.

Tiếng bom ngớt. Ông Ẩn bảo ông Kim:

- Vào chỗ tôi uống nước.

- Để tôi về gọi điện thoại hỏi ủy ban phòng không xem chúng nó ném bom ở đâu và thiệt hại ra sao rồi tôi qua.

- Chỗ tôi cũng có điện thoại kia mà.

- Ừ nhỉ. Đầu óc tôi dạo này thế nào anh ạ. Hay quên quá.

- Tôi cũng vậy. Có lẽ do công việc căng thẳng quá.


Ông Kim theo ông Ẩn đi vào nhà rồi đi đến nhấc máy điện thoại lên gọi. Lát sau ông Kim bỏ máy, nói với ông Ẩn:

- Chúng nó đánh sập cầu đường bộ Gia Liễn và khoảng năm mươi mét đường ray hỏng hoàn toàn. Một quả bom rơi gần mố cầu đường sắt nhưng không làm ảnh hưởng gì đến cầu. Mất năm mươi mét đường sắt cũng phải mất vài hôm để khắc phục may ra mới thông tàu được. À, anh Sắc và anh Bao đi đâu mà báo động máy bay không thấy chạy ra hầm hả anh?

- Đồng chí Sắc và đồng chí Bao hôm nay đi lên Linh Sơn.

Ông Kim thoáng giật mình:

- Có chuyện gì ở trên Linh Sơn mà hai anh ấy phải lên đó?

- Đi khảo sát tình hình các Hợp tác xã như thường lệ chứ chẳng có việc gì đột xuất. Anh Kim này, tôi định qua chỗ anh trao đổi một vài việc, tiện thể anh qua đây tôi trao đổi với anh luôn.

Ông Kim hỏi:

- Có chuyện gì quan trọng lắm không anh?

- Trước khi trao đổi với anh, tôi muốn biết anh đánh giá thế nào về tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp?

Ông Kim nhìn thẳng vào ông Ẩn:

- Tôi cũng muốn hỏi anh là liệu anh có muốn nghe những lời nói thẳng thắn của tôi không?

- Anh không phải hỏi, vì tôi biết tính anh rồi.

Nhìn thấy thái độ nhẹ nhàng của ông Ẩn, ông Kim cảm thấy một niềm vui le lói vừa lóe lên trong lòng mình. Ông nở một nụ cười tươi roi rói rồi nói:


- Không có gì thích thú bằng khi ngồi nói chuyện với một người hiểu rõ mình. Không biết anh thế nào chứ tôi thấy cãi nhau với một người hiểu mình thấy dễ chịu hơn khi phải dùng những lời vuốt ve, nịnh nọt với một kẻ lúc nào cũng mang tâm địa đố kị với mình. Anh đã hiểu tính tôi thì tôi xin nói thẳng một câu nhận xét rất ngắn gọn về tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp như sau. Thực chất các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là cái xác không hồn. Anh có phê bình cảnh cáo tôi thì tôi vẫn giữ nhận xét của tôi như vậy.

- Người nói thẳng không bao giờ có tội. Tính tôi cũng rất quý trọng những người nói thẳng. Nhưng liệu nhận xét của anh có phiến diện lắm không?

- Đây không phải là nhận xét của riêng tôi mà là nhận xét của rất nhiều người có tâm huyết với phong trào Hợp tác xã. Có lẽ nông dân là những người trong cuộc, họ cũng dần dần nhận ra điều này nên đang tìm mọi cách thoát ra khỏi vòng cương toả của cái cơ chế bất hợp lí đang trói buộc họ.

- Và anh khuyến khích những việc làm ấy?

- Tôi khuyến khích những ai tìm cách làm cho Hợp tác xã ngày một giàu có để chứng minh tính ưu việt của lối làm ăn tập thể và phản đối những ai cố tình giả mù giả điếc không nhìn thấy nguyện vọng của quần chúng muốn thay đổi lối làm ăn hiện tại.

Ông Ẩn lâu nay âm thầm quý trọng ông Kim. Giờ đây nghe những lời nói mạnh mẽ, chân tình và thẳng thắn của ông Kim, ông càng thấy mến phục. Ông Ẩn bộc bạch:

- Mấy lần tranh luận căng thẳng với anh về quan điểm đánh giá Hợp tác xã xong, có những điều anh nói khiến tôi suy nghĩ. Qua khảo sát một số Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Phước Vĩnh, chúng tôi thấy có nhiều điểm đúng như anh nhận xét. Nhưng muốn sửa đổi nó phải có quá trình từng bước và phải hết sức thận trọng. Nếu sốt ruột, nóng vội dễ đi từ hữu sang tả là cực kỳ nguy hiểm. Không những củng cố được các Hợp tác xã mà có khi còn làm cho nó tan rã. Nông dân lại trở về con đường làm ăn cá thể.

Ông Kim nói giọng chắc nịch:

- Lo ngại của anh không bao giờ xảy ra. Tôi lấy sinh mệnh chính trị của mình ra bảo đảm với anh như vậy.

Ông Ẩn vẫn nói với thái độ điềm đạm:

- Anh không nên chủ quan. Bản chất nông dân chúng ta có nhiều điểm rất tốt, nhưng cũng có những nhược điểm của những người sản xuất tiểu nông. Vì thế đưa họ vào nề nếp làm ăn tập thể một cách nghiêm túc khó hơn là buông lỏng để cho họ tự do muốn làm kiểu nào thì làm, miễn sao có lợi cho mình.

- Theo tôi cái sai của chúng ta hiện nay là phủ nhận hộ cá thể. Không coi nó là một đơn vị kinh tế.

- Đây đang là điểm mâu thuẫn mấu chốt hiện nay của lối làm ăn tập thể. Coi hộ là một đơn vị kinh tế đồng nghĩa với việc giao ruộng đất và công cụ sản xuất cho họ. Vậy Hợp tác xã quản lí cái gì?

Ông Kim chuyển qua giọng sôi nổi:

- Quản lí kế hoạch sản xuất, quản lí vật tư như phân, giống, thuốc bảo vệ thực vật. Định mức phân phối sản phẩm cho xã viên và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Việc giao hẳn ruộng đất cho nông dân còn phải tính toán lợi hại. Nhưng việc giao hẳn công cụ sản xuất cho nông dân tự quản là có thể làm được ngay. Để cho Hợp tác quản như hiện nay đang xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc.

- Tình trạng ấy tôi cũng nắm được. Chúng tôi cũng đã phân tích kỹ hiện tượng này và đi đến kết luận là do sự quản lí yếu kém của Ban lãnh đạo Hợp tác xã chứ không phải do cơ chế sinh ra.

Ông Kim cười:


- Đến đây thì anh và tôi lại rẽ hai lối khác nhau rồi.

Ông Ẩn cũng cười:

- Sông đôi lúc cũng chia ra nhiều nhánh, nhưng cuối cùng vẫn đổ ra biển.

- Ước gì một ngày nào đó tôi được đứng cạnh anh để tranh cãi xem nhánh sông nào tuôn ra biển trước.

- Thật khó đánh giá con người của anh. Không hiểu anh là người quá tự tin hay tự cao, tự mãn? – Nói xong ông Ẩn cười tự nhiên. Ông Kim cảm nhận được cái cười ấy nên cũng cười và đáp:

- Tôi đã làm được gì đâu mà tự cao với tự mãn. Nhưng tôi tin vào những suy nghĩ của mình anh ạ.

Ông Ẩn lặng yên giây lát rồi nói:

- Tôi rất quý trọng tính cách con người anh. Nhưng tôi muốn khuyên anh một điều. Không biết anh có muốn nghe hay không?

- Tôi không từ chối.

- Anh nên thận trọng với những việc làm của mình. Anh không nên đánh đổi sinh mạng chính trị của anh vào một canh bạc mà phần thua đã nhìn thấy.

Ông Kim thân mật nói đùa:

- Không biết nên coi đây là lời khuyên hay lời đe dọa của một ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng đây.

Ông Ẩn nói giọng nghiêm túc:

- Tôi nói nghiêm túc đấy. Tấm lòng lo lắng của anh cho cuộc sống nông dân rất đáng quý. Nhưng việc anh muốn đảo ngược cái cơ chế đang hiện hành là một việc làm hoàn toàn mạo hiểm, ngoài khả năng của anh.

Ông Kim biết đây là những lời nói chân thành của ông Ẩn nên nhẹ nhàng đáp lại:

- Tôi cám ơn những lời khuyên của anh. Tôi sẽ thận trọng cân nhắc và bàn bạc với tập thể lãnh đạo trước khi quyết định làm một việc gì đó. Nhưng qua thái độ chân tình của anh, tôi cũng muốn nói thành thật một điều. Nếu làm được một việc gì đó để cho nền nông nghiệp của tỉnh tôi khởi sắc và cuộc sống của nông dân tỉnh tôi no đủ thì có đánh đổi cái chức vụ bí thư tỉnh ủy của tôi cũng chẳng sao cả.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui