Không khí buổi làm việc với Ban quản trị Hợp tác xã Đằng Xá diễn ra khá thoải mái. Sau khi nghe Quân, chủ nhiệm báo cáo tình hình xong, ông Kim cười vui vẻ:
- Tớ và tay Hạp, tay Pha định xuống bàn với các cậu một số việc nhưng không ngờ các cậu đã nghĩ hộ cho bí thư tỉnh ủy và huyện ủy hết cả rồi.
- Cũng nhờ bí thư mở mang đầu óc cho chúng em từ cái dạo bí thư về đầu vụ cấy, nếu không thì đầu óc lúc nào cũng u u mê mê, làm gì cũng sợ sai chủ trương, chính sách.
- Các cậu nghĩ thế là chết tớ đấy. Có khi nào tớ bảo các cậu làm trái với chủ trương chính sách đâu. Các cậu phải khắc cốt ghi xương điều này. Con đường đưa nông dân vào làm ăn tập thể của Đảng là con đường đúng nhưng chúng ta vận dụng một cách linh hoạt các hình thức làm ăn, làm cho mọi người sống no ấm để chứng minh được tính ưu việt của lối làm ăn tập thể. Đấy, như việc phá những ruộng lúa không có khả năng cho thu hoạch để thay vào đó cây khoai lang của cậu Hoãn là một việc làm sáng tạo. Mấy chục tấn khoai lang quy ra thóc để đóng đủ thuế nông nghiệp cho Nhà nước thì chẳng ai bảo đó là việc làm sai chủ trương đường lối. Khoán hẳn diện tích lúa cho các tổ tự chăm sóc để hưởng công điểm cũng là việc làm sáng tạo. Năng suất lúa có nhích lên so với các vụ trước mà Hợp tác xã vẫn tồn tại. Như vậy là vận dụng linh hoạt chủ trương khoán chứ không phải là việc làm vi phạm chủ trương đường lối. Các cậu có hiểu ý tớ nói không?
- Chúng em hiểu rồi ạ.
- Nói vậy thôi chứ việc vận dụng các hình thức tổ chức sản xuất không phải là dễ. Giống như người đi trên dây, lúc nào cũng phải giữ thăng bằng cho tốt. Phải bàn bạc kỹ trong tập thể lãnh đạo, sau đó bàn với dân và báo cáo với huyện ủy. Muốn làm gì thì làm nhưng phải nhớ một điều. Thay đổi phương thức sản xuất là để làm cho Hợp tác xã vững mạnh. Làm được thế thì không khi nào các cậu sai cả. Ai bảo các cậu làm sai các cậu cứ bảo với tớ.
Khả từ nãy đến giờ thận trọng lắng nghe ý kiến của mọi người, nhất là ông Kim phát biểu theo chiều hướng thế nào bây giờ mới nói:
- Bí thư đã nói thế thì chúng em chẳng còn gì phải lo. Thực ra đôi khi trong đảng ủy cũng có bàn làm việc này việc khác nhưng rồi cứ đưa những quy định ra để đối chiếu xem mình làm thế có sai hay không. Cuối cùng thì cứ làm như quy định để khỏi phiền phức.
- Các cậu đau đầu một thì tớ đau đầu mười. Bây giờ tớ muốn nghe chủ trương làm vụ xen canh cây đậu tương của các cậu ra sao.
- Báo cáo với bí thư, chúng tôi mới bàn rậm rạp và chưa xin ý kiến của đảng ủy nên chưa biết đúng sai ra sao, không biết có nên báo cáo với bí thư hay không.
Nghe Quân nói vậy ông Kim bảo:
- Sai đúng gì tớ nghe tất.
Khả cười:
- Tay Quân sợ cái vía của bí thư nên mới nói vậy đấy, chứ em đã nghe kế hoạch làm vụ xen canh cây đậu tương của mấy tay ở Đằng Xá rồi.
Ông Kim cũng cười thoải mái:
- Cái vía của tớ nặng thế kia à. Các cậu cứ nói những việc các cậu đã bàn rậm rạp cho tớ nghe cũng được. Biết đâu tớ góp cho các cậu vài ba ý kiến bổ ích thì sao.
Quân thấy ông Kim cởi mở nên mạnh dạn nói:
- Báo cáo với bí thư năm ngoái Hợp tác xã chúng em giấu cấp trên làm thử một vụ đậu tương thấy có kết quả tốt nên năm nay định mở rộng đại trà. Cây đậu tương là loại cây rất thích hợp với đất vùng chúng em. Điều khiến chúng em lo lắng là trồng nhiều, liệu Nhà nước có nhập cho chúng em không.
- Các cậu tính toán mở rộng xen canh cây đậu tương là đúng sách đấy. Nó là loại cây thực phẩm rất có giá trị. Một cân đậu tương có khi có giá trị bằng hai, ba cân thóc. Không những thế rễ cây đậu tương còn cung cấp cho đất một lượng đạm hữu cơ rất hữu ích. Việc thu mua các cậu không phải lo, miễn sao các cậu làm thế nào chất lượng hạt thật tốt, tớ sẽ lo khâu tiêu thụ cho các cậu. Giống má có gì khó khăn không?
- Vì có ý định sẽ trồng đại trà cây đậu tương năm nay nên chúng em đã cho bà con để lại giống rồi. Nếu thiếu em xin huyện chi viện. Có mặt bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện đây, không biết lãnh đạo huyện có giúp chúng em không?
Ông Kim quay sang Pha hỏi:
- Thế nào, chủ tịch và bí thư huyện ủy?
Pha cười:
- Tay Quân nói câu ấy ra trước mặt bí thư tỉnh ủy thì có khác gì ép chúng tôi phải lo cho hắn chuyện giống má.
- Nếu chúng tôi làm thành công thì đấy là thành tích chung của huyện chứ có riêng gì Đằng Xá đâu.
- Nếu tay Pha và tay Hạp không nhận việc lo giống má cho các cậu thì để đấy tớ lo.
- Chúng em đã từ chối đâu mà bí thư dỗi – Hạp nói đùa.
Ông Kim vỗ hai tay vào nhau:
- Vậy là huyện đã nhận lời lo chuyện giống má cho các cậu rồi đấy.
Pha lắc đầu:
- Không ngờ chúng em bị sập bẫy của bí thư tỉnh ủy rồi.
Chờ mọi người cười xong, ông Kim hỏi:
- Các cậu định làm như thế nào? Vẫn cày lên rồi chia đất cho xã viên làm như vụ trước hay sao?
- Chúng em không làm như vụ trước mà lần này do Hợp tác đứng ra lo liệu từ khâu cày bừa, giống má, nước nôi. Sau đó giao khoán cho từng đội quản lí lấy. Các đội giao cho từng tổ. Thu hoạch xong, tính theo hoa lợi mà hưởng chứ không tính công điểm.
- Tỉ lệ chia thế nào?
- Chúng em chưa tính. Để xem công cày, công bừa, nước nôi giống má như thế nào rồi chúng em tính và đưa ra bàn với xã viên. Có lẽ chia ba. Hợp tác hai phần, xã viên một.
Pha hỏi đùa:
- Công lo giống má của huyện không được gì à?
Quân cười:
- Chúng tôi sẽ biếu cán bộ huyện mỗi người vài cân đậu phụ được không?
Ông Kim không quan tâm đến câu nói đùa của Pha và Quân:
- Này, tớ phân vân chỗ này một tí. Chia tỉ lệ như vậy liệu có công bằng không. Nói là Hợp tác lo công cày bừa nhưng người làm đất là xã viên. Họ còn chăm sóc cây đậu tương từ khi gieo xuống cho đến lúc thu hoạch. Chia như vậy hóa ra các cậu ngồi mát ăn bát vàng.
Hoãn từ nãy đến giờ ngồi im lặng lắng nghe mọi người nói, bây giờ mới lên tiếng:
- Chúng em đã trao đổi qua với nhau rồi. Chia như vậy là hợp lí. Xã viên được hưởng lợi nhiều hơn là kiểu khoán trắng cho xã viên làm rồi nộp sản phẩm cho Hợp tác, bởi công làm đất đã tính vào công điểm cho xã viên. Còn Hợp tác phải chi giống má, phân đạm, phân lân, thuốc bảo vệ thực vật và thủy lợi phí. Các đội sản xuất khác em không biết, riêng đội của em sau khi nghe em nói thì đại bộ phận đều nhất trí với việc chia tỉ lệ Hợp tác hai, xã viên một.
- Tớ không sát bằng các cậu. Nếu bàn bạc mà được dân nhất trí là các cậu làm đúng. Các cậu định vụ này làm bao nhiêu mẫu?
- Dạ khoảng hai mươi lăm mẫu.
Ông Kim nhẩm tính trong mồm rồi nói:
- Như vậy là gần chín héc-ta?
Quân đáp:
- Vâng. Cỡ đó.
- Hai ông cán bộ huyện và hai ông cán bộ xã thấy thế nào? Như vậy là nhiều hay ít?
Khả đáp:
- Em thấy như vậy là vừa. Cứ đi dần dần cho chắc chân bí thư ạ.
- Nói như vậy là ông bí thư đảng ủy chưa tin lắm vào thắng lợi của vụ đậu tương xen canh có phải không?
Khả vừa nói vừa cười:
- Bí thư hỏi thế em khó trả lời quá.
Ông Kim vớ cái điếu hút xong điếu thuốc rồi nói với Khả giọng đùa cợt vui vẻ:
- Trước sau gì cậu vẫn bộc lộ ra một anh khôn vặt. Cứ chờ người khác nói trước rồi lựa lời mà nói cho khỏi mất lòng. Tớ hỏi các cậu câu này nữa. Vì sao các cậu không khoán trắng cho xã viên làm rồi nộp sản lượng cho Hợp tác xã như dạo làm vụng làm trộm mà lần này giao cho đội sản xuất quản?
Quân giải trình:
- Thực ra mỗi cách có một cái hay riêng. Khoán trắng cho xã viên làm thì tận dụng được sức lao động triệt để. Vợ chồng, con cái đều lao ra ruộng để chăm sóc cây trồng. Do vậy năng suất cây trồng cao hơn là do Hợp tác xã quản lí công việc. Nhưng khoán trắng cũng bộc lộ một số nhược điểm. Thứ nhất là công việc của Ban quản trị Hợp tác hết sức manh mún. Nào phân phối thuốc trừ sâu, phân đạm, phân lân cho đến giống má xuống các đội sản xuất, các đội sản xuất lại phân phối cho từng hộ xã viên. Chênh nhau nửa nắm phân đạm hay chậm cấp nước nửa ngày là thắc mắc, suy bì, cãi vã gây nên tình trạng mất đoàn kết. Nhưng nhược điểm bộc lộ rõ nhất là không quản lí được sản lượng do các gia đình làm ra. Nhiều nhà làm được một tạ thì báo mình chỉ làm được tám mươi cân. Yêu cầu nộp đúng sản lượng như hợp đồng thì bảo Hợp tác ép buộc. Vì vậy Hợp tác thất thu một số sản lượng đáng kể. Phương pháp Hợp tác xã lo hết mọi khâu rồi khoán cho đội, đội khoán cho nhóm chăm sóc và ăn chia sản lượng, sẽ quản lí được cả lao động lẫn sản lượng sau khi thu hoạch. Giảm được khá nhiều đầu mối phân phối vật tư. Tính toán như vậy nên chúng em mới không chọn khoán trắng.
Ông Kim ngồi im tỏ vẻ nghĩ ngợi rồi gõ mấy ngón tay xuống bàn nói thủng thẳng:
- Khoán nhóm, khoán trắng?… Khoán sản phẩm cho người lao động… Khoán hẳn công việc dài ngày cho hộ… Này, các cậu có nghĩ ra cách khoán gì nữa không?
Mọi người đưa mắt nhìn nhau không hiểu ông Kim định hỏi chuyện gì. Riêng Hạp hiểu ý ông Kim nên nói luôn:
- Cứ như em là trả lại sức kéo và các công cụ sản xuất khác cho hộ quản lí lấy, sau đó khoán hẳn diện tích canh tác cho các hộ tự làm và nộp sản phẩm cho Hợp tác là hay nhất.
Khả phản ứng ngay:
- Như vậy có khác gì Hợp tác xã phát canh thu tô. Rồi còn các hộ neo đơn, không có sức kéo thì ai đứng ra lo cho họ? Sinh ra Hợp tác xã là để tương trợ nhau, con béo kéo con gầy. Nếu làm theo cách của ông Hạp thì sẽ tạo ra sự không công bằng trong nông thôn. Số hộ có sức lao động sẽ trở nên giàu có và số hộ neo đơn ngày một nghèo đói.
Ông Kim tiếp tục ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:
- Ý kiến cậu nào cũng có cái đúng ở trong đó. Cứ mạnh dạn làm mới tìm ra được cái hay cái dở. Chỉ có thực tế mới chứng minh được công việc hay dở, đúng sai. Việc làm của Hợp tác xã Hồng Vân, của An Lưu và của các cậu, tuy còn phải thử nghiệm thêm ở nhiều vùng đất khác nhau trước khi đưa ra áp dụng đại trà, nhưng tớ thấy nó đang hé ra một hướng đi mới của Hợp tác xã. Cũng không phải ai cũng tán thành, thậm chí có người còn chống đối quyết liệt với việc đổi mới cách làm ăn của Hợp tác xã. Nhưng mọi cuộc cách mạng đều phải có người đi tiên phong. Đúng vậy đấy các cậu ạ. Đã làm người đảng viên là luôn luôn đặt cho mình câu hỏi, mình đã làm gì cho dân. Thay mặt Tỉnh ủy, tớ hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ việc làm của các cậu. Trong tương lai không xa tỉnh ủy sẽ họp và ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ của Hợp tác xã nông nghiệp trong tình hình mới. Việc làm của các cậu, của Hồng Vân, An Lưu là những dẫn chứng sống động về việc bức thiết phải chấn chỉnh lại khâu quản lí lao động trong sản xuất của các Hợp tác xã nông nghiệp - Ông Kim đưa tay xem đồng hồ rồi nói tiếp - Có lẽ có nhiều vấn đề cần bàn. Cứ làm đi rồi bàn tiếp. Bàn xong tiếp tục làm cho đến lúc nào tìm ra được một cách làm hoàn thiện mới thôi. Bây giờ muộn quá rồi. Tớ đang có kế hoạch tranh thủ đi thăm con gái. Nếu không còn gì thì tớ phải đến trường cấp Ba xem nó học hành ra sao.
Hạp nói:
- Bí thư cứ đi thăm cháu đi. Em và anh Pha còn một vài việc cần bàn với các ông ở Cao Sơn và Đằng Xá. Lát nữa anh qua ủy ban cho chúng em đi nhờ xe về huyện.
- Tớ đi khoảng một tiếng rồi quay lại đón các cậu.
Ông Kim và Đô đứng lên đi ra xe. Khi xe chạy được một đoạn, ông Kim hỏi Đô:
- Từ nãy đến giờ tớ cứ phân vân giữa việc khoán nhóm của mấy tay ở Đằng Xá và khoán hẳn cho hộ ở Hồng Vân. Theo cậu thì cách khoán nào hay hơn?
- Cách khoán nào cũng có cái hay cái dở của nó. Khoán hộ thì tận dụng được sức lao động phụ và kích thích ý thức tự chủ về kinh tế của người nông dân. Người ta sẽ lao động cật lực để thu về được nhiều sản phẩm cho gia đình mình. Nhưng nếu quản lí không tốt thì rất dễ rơi vào lối sống cá thể, chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến lợi ích chung. Còn khoán nhóm như Đằng Xá đang làm có ưu điểm là Hợp tác xã quản lí được lao động và kế hoạch sản xuất của mình. Duy trì được ý thức làm ăn tập thể. Quản lí chặt chẽ được sản phẩm mình làm ra. Nhưng nếu quản lí không tốt thì dễ sinh ra tình trạng dựa vào nhau hoặc làm dối làm giá cho qua ngày như tình trạng đang diễn ra hiện nay.
- Đúng. Đúng. Cậu nói rất đúng ý tớ.
Hành ngoảnh lại tham gia câu chuyện:
- Thư ký riêng mà nói không đúng ý thủ trưởng thì còn ai nói đúng. Nhưng theo em, cứ giao quách ruộng cho nông dân làm là hay nhất. Nộp cho Hợp tác xong, còn bao nhiêu hưởng tất. Ai khéo ăn thì no ai khéo co thì ấm. Anh nào lười cho chết.
- Thế những gia đình có con đi chiến đấu không còn ai ở nhà làm thì sao? Theo cậu để cho người ta chết đói à?
Hành đáp giản đơn:
- Làm được bao nhiêu thì làm. Thiếu thì Hợp tác có trách nhiệm bù vào.
- Nếu người ta cứ dựa vào Hợp tác rồi đâm ra chây lười thì sao?
Hành cười:
- Trường hợp này thì đầu óc của một anh lái xe như em không giải đáp nổi. Phải nhờ đến đầu óc vĩ đại của thư ký riêng bí thư thôi.
Đô trả miếng:
- Theo tớ, việc cậu nghĩ ra chuyện trả lại ruộng cho nông dân trở về với con đường làm ăn cá thể cũng vĩ đại chứ có kém gì ai.
Hành cãi:
- Không thể nói giao ruộng cho xã viên làm rồi nộp sản phẩm cho Hợp tác là làm ăn cá thể được. Ruộng đất hợp tác vẫn quản, sản lượng Hợp tác vẫn thu. Theo ông Hợp tác mất cái gì nào. Có chăng chỉ mất kiểu làm ăn lười biếng, rong công phóng điểm thôi. Bí thư thấy em nói thế có đúng không?
- Cậu nói cũng đúng điều tớ đang nghĩ mà cậu Đô cũng nói đúng điều tớ đang nghĩ. Này, các cậu xem có đúng là tốp học sinh đi học về đang đi kia không?
Hành vươn cổ ra nhìn rồi bảo:
- Đúng đấy bí thư ạ.
- Không khéo có cái Dương ở đó cũng nên.
Xe chạy đến gần. Một nhóm học sinh gái chừng năm, sáu em đầu đội mũ rơm, quần áo đủ các màu tối sẫm, em thì xách, em thì mang túi đựng sách vở thô sơ đủ các kiểu vừa đi vừa trêu đùa nhau. Xe đuổi đến nơi thì dừng lại. Nhóm học sinh thấy thế cũng dừng lại nhìn vào xe. Dương nhận ra bố reo lên:
- Bố!
Các bạn của Dương ríu rít chào ông Kim, Đô và Hành. Ông Kim xuống xe.
- Sao đi học giờ này mới về?
- Chúng con còn ở lại sinh hoạt chi đoàn. Sao bố mẹ ít lên thăm con thế?
- Con thấy đấy, bố mẹ có ngày nghỉ đâu. Bố có quà cho con và các bạn con đây.
Ông Kim bảo Đô đưa cái ruột tượng đựng bánh mì và hộp thịt cho mình rồi đưa cho Dương.
- Quà gì đây bố?
- Bánh mì và thịt hộp. Tiêu chuẩn ăn trưa nay của bố và chú Đô, chú Hành. Nhưng xã mời cơm trưa nên bố dành lại cho con đấy.
Dương nũng nịu:
- Nếu xã không mời cơm bố thì con không có quà chứ gì?
Ông Kim không biết nói với con gái thế nào nên cười rồi nói xuê xoa:
- Vài tuổi nữa là lấy chồng mà còn vòi quà không biết ngượng à?
Một bạn của Dương bảo:
- Bạn ấy có bạn trai rồi đấy bác ạ.
- Thật thế à?
- Chúng nó trêu con đấy.
- Bố không cấm con có bạn trai, nhưng phải tập trung học hành để thi đại học đấy nghe không.
Một bạn Dương nói:
- Bác không phải lo. Bạn Dương học giỏi nhất lớp 10A của chúng cháu đấy bác ạ.
Dương nắm tay bố:
- Về nhà con ở sơ tán đi bố. Ai lại đứng nói chuyện giữa đường thế này. Bác chủ nhà hay nhắc bố luôn.
- Cứ bảo là bố lên thăm con, nhưng vì phải quay về Ủy ban xã đưa Chủ tịch huyện và Bí thư huyện ủy trả về cơ quan huyện nên bố phải về ngay. Hôm nào bố sẽ lên thăm sau. Bố chuyển lời thăm hai bác ấy. Con học hành thế nào?
- Tạm được thôi bố ạ.
- Đối với bố, đừng khi nào con nói hai chữ tạm được mà chỉ được phép nói khá hoặc giỏi.
Dương trêu bố:
- Vậy thì con xin nói lại nhé. Con thường xuyên được xếp vào loại học sinh kém nhất lớp 10A.
Một bạn của Dương bảo:
- Bác phải hiểu ngược lại bác ạ.
- Bố không thưởng gì cho con à?
- Cúi đầu xuống đây bố thưởng cho mấy cái cốc. Môn đạo đức của con thế nào?
- Kỳ học nào cũng đội sổ.
- Bố phải hiểu ngược lại có phải không? Bố nhắc lại điều bố thường dặn các con nhé. Đừng khi nào dùng cái chức bí thư tỉnh ủy của bố làm cái gậy tiến thân. Chức bí thư của bố chỉ là tạm thời. Còn cuộc đời của các con là vĩnh viễn. Phải dùng kiến thức và nghị lực mà đi lên. Hàng ngày con có nghĩ tới lời dặn ấy của bố không?
- Bố yên tâm. Lúc nào con cũng nghĩ tới lời dặn của bố.
- Con có bạn trai thật đấy à?
- Chúng nó trêu con đấy. Bạn ấy học cùng lớp và chơi thân với nhau thôi.
Ông Kim cười:
- Thế là con có bạn trai rồi còn gì nữa.
Dương hỏi:
- Anh Tuyên có gửi thư về không bố?
- Có. Anh con kể chuyện bên Đông Đức nhiều cái hay lắm. Còn bảo đi lao động để lấy tiền mua cho bố chiếc xe đạp Đi-a-măng nữa đấy.
Dương bảo bố:
- Bố ơi, bố thích đi săn, bảo anh ấy mua cho bố một khẩu súng hơi. Thầy giáo trường con có một khẩu nên ngày nào các cô các thầy đều có thịt chim để ăn. Chim trên này nhiều ơi là nhiều.
Ông Kim vỗ đầu kêu lên:
- Ừ nhỉ. Vậy mà bố không nghĩ ra đấy.
Dương hỏi:
- Bố mẹ có xuống thăm em Bắc, em Hà và em Việt ở chỗ sơ tán không?
- Cách đây mấy tuần, cả bố mẹ xuống thăm các em. Các em con ngoan lắm. Thằng Bắc học rất giỏi.
- Con nhớ chúng nó quá. Thôi, sắp tối rồi, bố về đi kẻo các chú ấy chờ.
- Bố cũng hẹn các chú ấy đi một tiếng rồi quay lại đón, chắc các chú ấy đang sốt ruột. Con cũng về đi kẻo sắp tối đến nơi rồi. Nhớ bảo với bác chủ nhà bố gửi lời hỏi thăm nhé. Các cháu cũng cùng về với Dương để liên hoan bánh mì của bác tặng đấy.
Ông Kim bịn rịn bước lên xe. Các bạn của Dương chào ríu rít.
Dương đứng tần ngần nhìn theo chiếc xe mỗi lúc một xa dần.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...