Bí Thư Tỉnh Ủy
Buồng bệnh ông Kim nằm có ba người. Ông Cư chủ tịch tỉnh H, ông Khải, bí thư tỉnh T. Buồng dành điều trị cho cán bộ cao cấp nên khá rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Ngoài hai buổi đi dạo sáng, chiều và khám bệnh, uống thuốc, thì giờ còn lại ba ông ngồi nói chuyện trên trời dưới đất. Một lần ông Cư bảo:
- Mấy cái tay Tuyên huấn và Tổ chức ở tỉnh tôi đi bồi dưỡng thời sự, chính trị về báo cáo lại với tôi ở tỉnh anh nông dân đang bung ra làm ăn cá thể theo chủ trương của tỉnh. Tôi hốt quá chẳng biết hư thực thế nào liền cho đi kiểm tra lại tình hình Hợp tác xã trong tỉnh, bấy giờ mới biết tỉnh tôi cũng có mấy Hợp tác cũng bung ra đủ các kiểu khoán. Tôi chỉ thị cho các huyện chỉ đạo cho các Hợp tác xã đó dừng lại ngay. Nhưng rồi giống như anh thợ vụng nặn nồi đất, nắn được bên này tròn thì bên kia lại méo. Nông dân người ta đã không muốn làm ăn kiểu cũ thì dù có chỉnh đốn thế nào họ cũng tìm cách lách để làm ăn theo ý mình. Ép quá thì họ xin ra khỏi Hợp tác.
Ông Kim cười hỏi:
- Anh có nghe mấy cái anh Tuyên huấn tỉnh anh bảo tôi chống lại Đảng không?
- Nói anh chống lại Đảng thì không, nhưng nói anh đi ngược lại đường lối tập thể hóa của Đảng thì có.
- Như vậy có khác gì chống lại Đảng.
Ông Khải tham gia:
- Khi cái tin các anh ngang nhiên ra Nghị quyết chống lại đường lối Hợp tác hóa của Đảng đến với tôi, tôi vô cùng ngạc nhiên. Không hiểu các anh nghĩ gì mà làm như vậy. Nhiều anh còn quy kết các anh đang đi theo đường lối xét lại. Nếu không được nghe anh kể chuyện lại, thì tôi vẫn nghĩ anh đang đi ngược lại trào lưu của miền Bắc là mọi người, mọi ngành đều đi trên con đường làm ăn tập thể.
Ông Kim nói:
- Chúng tôi cũng phải vượt qua nhiều áp lực mới ra được Nghị quyết chứ chẳng dễ dàng gì. Ngay cả trong nội bộ chúng tôi cũng có người quy kết tôi chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại. Ngoài ra có mấy anh phái viên của Ban bí thư Trung ương hết chạy lên chạy về báo cáo với Ban bí thư khiến chúng tôi khốn đốn vô cùng. Nếu không có quyết tâm của tập thể tỉnh ủy thì khó mà ra được Nghị quyết.
Bà Lê cầm quạt quạt cho ông Kim và nói đùa:
- Anh Kim chảy máu dạ dày suýt chết cũng tại vì cái Nghị quyết ấy đấy các anh ạ.
- Nhà tôi nói đùa đấy. Các anh có nghĩ một tỉnh như tỉnh tôi vừa có đồng bằng, trung du và miền núi mà liên tục trong hai năm qua bình quân đạt trên 5 tấn thóc trên một héc-ta không?
Ông Cư:
- Đúng là thần kỳ. Đất tỉnh tôi không thua kém ai nhưng các huyện đồng bằng trong mấy năm vừa qua vẫn ì ạch trong phạm vi ba tấn chứ không thể hơn.
Bác sĩ Thành, viện trưởng vào phòng.
- Xin chào các bác. Đêm qua các bác ngủ ngon chứ?
Ông Cư đáp:
- Ngủ tốt bác sĩ ạ.
- Bác Kim nằm xuống để em xem nào.
Bà Lê đứng bên cạnh theo dõi từng cử chỉ của bác sĩ Thành. Thấy bác sĩ đứng lên, bà Lê hỏi:
- Tình trạng của anh Kim nhà tôi thế nào bác sĩ?
- Tốt lắm rồi. Vết mổ liền da rất đẹp.
Ông Kim hỏi:
- Liệu tuần này tôi đã ra viện được chưa?
- Chưa đâu. Nhanh lắm cũng phải sang tuần sau. Anh đừng sốt ruột. Để cho ổn định hoàn toàn đã.
- Ở nhà hiện nay đang rất cần sự có mặt của tôi, nếu bác sĩ cho tôi ra viện trong tuần này là tốt nhất. Cơ quan tôi lúc nào cũng có một bác sĩ ở bên cạnh tôi, bác sĩ không phải lo.
- Công việc cả một đời người chẳng khi nào làm hết được. Nhưng ốm đau là phải nghỉ thì mới làm việc lâu dài được bác ạ. Bác về sớm được một tuần rồi quay lại đây nằm một tháng, tính ra bác lỗ vốn to. Bác yên tâm đi. Chúng tôi sẽ cố gắng để tuần sau bác ra viện trong tình trạng sức khỏe tốt nhất.
Bác sĩ khám tiếp cho ông Cư và ông Khải rồi chào, đi ra khỏi phòng.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...