Chưa đầy 10 ngày nữa là sang năm mới, tôi và bà Già cảm thấy rất mãn nguyện khi đã lo xong việc đại sự cho bà cô Tổ, tiền công xá xây mộ cũng như gạch vữa tôi nhớ đâu hết có chừng Bảy trăm nghìn, tôi cũng không lấy lại phần tiền thừa mặc dù bà có đưa trả tôi.
Tối hôm ấy hai bà cháu nói chuyện, bà nằm võng còn tôi ngồi trên tấm phản gỗ lim lưng dựa vào tường, bên ngoài trời tối và lạnh và trong nhà đã có thêm bóng đèn huỳnh quang chiếu thứ ánh sáng trắng nhưng có vẻ không sáng lắm.- Bà, chuyện về Thần giữ của bà biết những gì bà nhỉ?- Tao chưa kể gì cho mày à?- Cháu không nhớ nhưng cháu nghe bảo thầy Tàu người ta yểm con gái để giữ vàng bạc châu báu.
Cháu chỉ thắc mắc một việc là họ làm rất kín, sao chuyện này lại truyền ra dân gian cho được?- Ông bố tao ông ấy kể rằng thời thượng cổ có nghe việc người Tàu bỏ tiền ra mua trinh nữ về rồi cho chay tịnh 3 tháng 10 ngày sau đó bí mật mang đi chôn giấu.
Có một nhà kia nghèo, cha là nhà nho nên cũng biết chút chữ nghĩa nên khi con gái được mối mang cho đi lấy chồng thì thì đã dặn dò kỹ, người mẹ đưa cho một túi hạt vừng và dặn nếu bị đưa đi thì nhớ rải hạt vừng ra đường và bố mẹ sẽ đi theo để tìm con về.
Tao cũng không biết chuyện đó thật giả như nào nhưng sau đấy thì tìm được con ở đoạn không còn dấu vết hạt vừng nay đã nảy mầm và đào được cả đống vàng.- Chuyện này có thật không bà nhỉ?- Sao mà tao biết được, các cụ kể thì giờ ta kể lại cho mày thôi, nhưng mà tao nghĩ là có thật cái việc yểm bùa chôn châu báu đấy, chứ thời trước đâu như bây giờ, vàng bạc của nả nhiều lại suốt ngày cướp bóc thì mang về bên Tàu khó nên phải giấu lại.- Bà có thích tìm thấy đống của nả đó không?- Tao á? Tao già sắp chết rồi thì vàng bạc làm gì, có mang theo được đâu.
Tao mà thấy tao lấy cho mày hết!- Nhiều tiền thì thích rồi nhưng mà cháu nghĩ chắc chẳng lấy dễ dàng thế được đâu, kiểu gì cũng phải trả cái gì đấy, với lại cháu thích tiền hơn là vàng bạc, tiền có thể tiêu luôn được.- Cái thằng ngố, một cục vàng đổi ra được cả bao tải tiền.- Thế hồi trước ông bà giàu thế có giấu được cái gì không? Sao chả thấy ông bà giàu gì cả!- Hồi mới giải phóng, ông mày hay đi buôn bán nghe tin những vùng khác đã có đấu tố địa chủ nên về nhà cũng chôn đi nhiều thứ lắm! Tao còn nhớ là chôn cả một sọt toàn chén bát cổ ở trong vườn nhà nhưng chỉ mỗi mình ông mày biết, sau bị đuổi đi thì chẳng quay lại lấy được, có khi giờ vẫn còn...- Tiền vàng ông cháu không chôn lại đi chôn chén bát làm cái gì?!- Mày dốt lắm! Chén bát của ông mày toàn là đồ của các cụ để lại, mấy đời giàu có chứ mày tưởng à?! Nghe ông mày nói là mấy thứ ấy càng để lâu càng có giá mà người ta lại không quan tâm mấy...!– nói đến đây bà Già ngồi dậy, không nằm trên võng nữa –Ông mày còn đóng vào biết bao nhiêu chén bát các thứ vào sọt rồi cho dìm xuống ao hoang mà cái mả mẹ nhà mấy đứa phản phúc, lúc đói kém cơm chẳng có mà ăn thì lên ăn chực nằm chờ ở nhà tao, xong đến khi cải cách thì chúng nó tố vợ chồng tao giấu của cải, có đứa còn âm thầm vớt hết những cái sọt đã dìm dưới những cái ao đấy mang về dùng.Tôi nghe giọng bà có vẻ bực tức nên ngồi im nghe, bà tôi kể tiếp.- Chúng nó vứt lại mấy cái thứ cũ sứt mẻ, có một cái sọt chứa bát đĩa còn tốt thì ông Th.
Con ông ấy may vớt lên kịp mang đi giấu trong buồng nhà ông ấy.
- bà Già chỉ vào mấy cái đĩa để trong tủ - Đến khi chúng tao bị đuổi xuống đây thì nửa đêm ông ấy mang đến, thế mới có bát đũa mà ăn chứ không ăn bốc.- Ông Th.
Con là ai ạ?- Là ông nội thằng L.
chứ ai, ông ấy xưa là quản gia của nhà mày đấy, cũng có họ hàng, tính ra chỉ có mỗi ông ấy là trước sau như một.
Đấy mày xem, tao đi bao nhiêu năm mà khi về thì những thứ gì gửi ông ấy vẫn giữ y nguyên.Cứ mỗi ngày trôi qua tôi lại nghe thêm một vài câu chuyện về ông tôi qua lời kể của bà, tôi không thích sự phản bội, nếu không thích thì cứ nghỉ chơi với nhau là được rồi chứ phản bội người khác thì gặp người ta không dám ngẩng mặt lên nhìn thẳng.
Tôi biết nhiều thứ không hay của người khác nhưng tôi lại chưa bao giờ dùng những điều đó để chèn ép họ, trừ khi họ đụng chạm đến tôi, trước tiên tôi sẽ cảnh báo họ vài điều là được rồi, cuộc sống không thêm được bạn thì bớt đi kẻ thù cũng tốt.
Tôi không muốn ai sợ mình vì suy cho cùng tôi cũng đâu có sợ ai, cuộc đời là một chuỗi những hợp rồi tan, tan rồi hợp nên bớt được điều không vui nào thì cuộc đời nhẹ hơn, gồng gánh làm gì cho mệt.Người xưa thường nói: "Không có lửa làm sao có khói" bởi vậy tôi tin rằng vì một lý do nào đó, một sơ hở nào đó mà những câu chuyện về Thần giữ của đã được lan truyền trong dân gian, có thể qua mỗi đời lại thêm thắt vào vài tình tiết nhưng bản chất của câu chuyện chính là việc đã có những người chôn giấu của cải để bảo vệ tài sản riêng, chờ khi yên bình sẽ quay trở lại lấy.
Như tôi đây, tôi cũng đã có vài lần muốn xác định lại ngôi nhà cũ của ông bà nội tôi để từ đó tìm ra vị trí nơi ông tôi đã chôn giấu bát, chén, đĩa...!Nhưng tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ thấy bà tôi nhắc ông tôi chôn giấu vàng, tôi cũng có đôi lần hỏi về việc này thì được bà lý giải rằng tiền khi kiếm được ông tôi sẽ chia ra một phần để mua thêm ruộng đất, một phần để chi tiêu và phần lớn để làm vốn mua bán những thứ sinh lời.Từ năm 1940 – 1961, ông nội tôi đã rất nhiều lần bị cướp, tôi có hỏi bà tại sao cướp lại hay lựa chọn những khoảng thời gian ông tôi không có mặt ở đấy để tiến hành cướp vét sạch, cả hai bà đều không biết nhưng tôi nghĩ rằng, cái gì mà lặp đi lặp lại có những điểm giống nhau thì đấy là mấu chốt của vấn đề, chắc chắn có nội gián! Nếu như việc bị cướp diễn ra từ Hải Dương đến tận Bắc Ninh, từ những bè gỗ cho đến vải vóc và khi vụ cướp diễn ra luôn có mặt người trong coi, người trông coi tài sản đó xuất hiện ở đâu thì ở đó bị cướp thì phải đặt dấu hỏi chứ?Có thể do ông nội tôi quá giàu, cũng có thể ông tôi biết nhưng vì có mối quan hệ họ hàng nên bỏ qua hoặc cũng có thể vì ông tôi quá tin vào những sự tình cờ, nhưng dù sao bài học tôi tự rút ra chính là: Tôi tin vào mọi người và ai cũng có một cơ hội để thể hiện, chỉ một cơ hội và không có cơ hội thứ hai giống như việc tôi xin đài âm dương cũng vậy, nếu đã không được thì ngưng lại ngay.
Lòng tin giống như bát nước đầy, nếu đã hắt đi rồi thì dù vớt vát lại cũng có bao giờ đầy như cũ được đâu, vậy thì hà cớ chi phải tiếp tục một mối quan hệ làm ăn hay bất cứ mối quan hệ hai chiều nào mà trong lòng có gợn?Con người không ai hoàn hảo và vì không hoàn hảo mới là con người, bạn tôi hay tôi hay bất kỳ ai đó có thể sai lầm hết lần này đến lần khác cũng không sao nhưng đối với lòng tin và sự trung thành với nhau thì chỉ có một lần mà thôi.
Tình cảm bền chặt được xây dựng trên yếu tố cơ bản là lòng tin, nhưng nếu ai đó có ý dùng tình cảm để mưu cầu lợi ích cá nhân thì cũng giống như điếu thuốc lá cháy dần đến phần đầu lọc phải bỏ đi.
Tình cảm hay lòng tin tôi thấy rất hay, càng vun đắp thì càng lớn và thêm bền chặt nhưng chỉ cần lợi dụng một lần thì như binh bại, núi đổ chả còn gì.Hai bà cháu ngồi nói chuyện thêm một lúc rồi bà ra xem TV còn tôi thì sắp cặp để sớm đi học, tâm trạng tôi tối nay rất vui vì mới làm xong việc bà cô Tổ mong muốn.
Tôi luôn đi ngủ sau bà Già, một phần vì người lớn tuổi hay đi ngủ sớm và phần chính là do tôi hay thức khuya, lúc chuẩn bị đi ngủ thì lại nghe tiếng động ngoài cửa sổ, tôi đoán chị Ma gọi tôi ra để hỏi thăm tình hình hôm nay.- Em chào chị, ngựa của chị đâu rồi?- Việc không cần dùng đến ngựa thì không cần dùng ngựa.- Có việc gì hả chị?Chị Ma ra hiệu cho tôi ngồi nấp ở chân ụ rơm cho đỡ lạnh rồi tự ngồi xuống bậc thềm thấp nhất trong bốn bậc thềm nhà.- Bữa chị có nói là phải tính cách để cho cái đám ma nghèo ở Cầu Khoai bù cho việc chị ăn đồ cúng bằng tiền của chúng nó cho em đấy, nhớ không?- Em chỉ mua hoa thôi mà...- Ờ, nhưng chị không thích ăn không của ai cái gì, mẹ chị dạy thế.
Chị đã tìm ra cách rồi đấy!- Cách gì thế ạ?- Em bảo là cần tiền đúng không?- Dạ, đúng rồi.
Em thích tiền nhưng mà em không lấy vàng của chị đi bán đâu nhá!- Không! – chị Ma phẩy tay như gạt lời của tôi đi – Em cần tiền thì đi lấy tiền, có tiền thì mua đồ cúng trả lại cho đám ở Cầu Khoai là xong.- Chị...!nhưng mà em không đi ăn cắp đâu ạ!- Sao lại ăn cắp? Chị giàu thế này sao phải đi ăn cắp?!- Thế lấy tiền ở đâu ạ? Tại em cũng gần hết tiền rồi, xây mộ cho bà cô Tổ nhà em hôm nay em đã chi gần hết.
– tôi gãi đầu – Em còn một ít nếu mua kẹo lạc thì mỗi mộ có khi cũng được một cái đấy!- Em nghèo rồi à? Tốt, nghèo thì càng tốt! – giọng chị Ma có vẻ hớn hở hơn – Nghèo thì có tiền tự nhiên sẽ giàu thôi.
Em vào nhà lấy cái thuổng rồi đi theo chị!Tôi ngơ ngác, từ lúc quen chị ấy tôi chưa bao giờ thấy chị ấy sai tôi đi lấy thuổng bao giờ, chả lẽ đi lấy thuổng để đào vàng thật sao?- Ngây ra đấy làm gì nữa, mau lên! Tết nhất đến nơi rồi cũng phải sắm sửa cái gì đó cho ra hồn chứ, vào lấy thuổng để đi lấy tiền, qua nửa đêm là không được đâu!Tôi đi vào nhà tìm lần mò tìm cái thuổng để trong buồng, cố gắng nhẹ nhàng không gây ra tiếng động, tìm được thuổng thì tôi mở hé cửa sổ để luồn cái thuổng ra ngoài, rơi xuống chỗ đám hoa cỏ bà tôi trồng ngay dãy bồn hoa.
Tôi cầm thuổng đi lại chỗ ụ rơm.- Giờ nghe chị dặn nhé, em đi ra ngã ba chỗ đoạn rẽ nhà mình với đường đất ven làng, dựng cái thuổng này đứng lên rồi thả ra, nó đổ về hướng nào thì em đi thẳng theo hướng đó đúng 366 bước chân, cố gắng bước đều nhau như bình thường, không nhanh không chậm, đếm đến bước cuối cùng thì ngồi xuống đào sâu khoảng ba tấc sau đó tè xuống hố.Chị Ma nói một lèo sau dó dừng lại xem tôi có nghe kịp không, thấy tôi gật đầu thì chị nói tiếp.- Em sẽ thấy một hũ đựng tiền, chắc là nhiều, lấy mang về mà đi mua đồ cúng cho mọi người, tiền thì khi mang đi ra khỏi làng nhớ bọc vải đỏ và cho ít mắm tôm kèm vào bên trong cho bẩn nghe chưa?- Chị...!chị không đi cùng em à?- Chị không đi cùng được, em đừng sợ, chị đã tìm hiểu kỹ lắm rồi, tiền đấy chính là thằng thầy yểm xưa kia nó chôn đấy, nó chôn ở nhiều nơi xung quanh để mục đích đánh lừa người đi tìm.
Mấy năm trước con cháu nó cũng đã đào trộm lên cả một cái chum lớn cơ man là tiền, chắc tiêu nhiều năm mới hết.- Nhiều thế cơ ạ?- Ừ, chị đã chuốc rượu lão Xã Thần, ông ấy ngà ngà say nên kể ra cái chuyện đấy rồi mách chị, giờ lão Xã Thần chắc đang say quắc cần câu nên em ra đào đi lão không thấy đâu, mà có tỉnh dậy mà biết lão ấy cũng chả truy tìm làm gì nhưng nhớ mang ra khỏi làng để mua sắm thì bọc vải đỏ vào, thêm mùi mắm tôm cho quan binh ngại xét, chứ xét thấy mang của ở làng đi sẽ xúi người phát hiện ra là em lại phiền đấy!- Nhưng...!nhưng đào lên thế có ảnh hưởng gì đến chị không? Với lại bây giờ toàn tiền giấy, cái tiền chôn dưới đất chắc là tiền xu rồi, không tiêu được mà!- Không tiêu được à? Ừ nhỉ, chị lại quên việc này, không tiêu được thì mang đổi được không em?- Đổi á? À, em nghĩ ra rồi, có thể bán đấy!- Bán tiền á? Tiền sao lại bán?- Chị giàu quá chẳng chú ý đến chứ em nghĩ tiền đó là bán được cho người lớn, nếu chôn đã lâu chắc sẽ bán có giá đấy, em nghe bà em kể mà.- Vậy đi mau đi, có gì nguy hiểm thì gọi chị!- Gọi kiểu gì ạ?- Thì chị đứng chờ em ở lũy tre này, nguy hiểm chỉ cần nói nhỏ câu “Cứu em!” thì chị sẽ đến ngay!Nghe thế tôi thấy vững bụng hẳn, gì chứ đêm hôm mà đi đào đất móc của thì không đơn giản tí nào, nhỡ đâu có chuyện gì không hay mà kêu biệt đội phản ứng nhanh đến cứu thì đúng là xấu mặt không để đâu cho hết, chính xác bây giờ là tôi đi đào trộm thứ mà ông Xã Thần trông coi.Tôi đứng giữa ngã ba lối từ nhà tôi dẫn ra con đường đất ven làng, dựng đứng cái thuổng lên và thả tay ra xem nó đổ hướng nào, cái thuổng đổ về hướng Đông Nam, hướng đó chả phải là hướng bờ mương à? Chả lẽ tiền chôn giấu dưới mương, nếu dưới đó thì chịu hẳn, tôi kỵ nước lắm, với mệnh Hải Trung Kim – vàng dưới biển – của tôi chắc xuống nước là chìm.Tôi hơi lưỡng lự một chút vì mương nước, nếu đi theo hướng đó thì ngoài mương nước còn có mụ Mẹ Chẽ dưới đó, chả biết mụ ấy đang trú ngụ đoạn nào, bình thường thì chả sợ nhưng giờ đang làm “nhiệm vụ” nên tránh mặt được ai thì tốt người đó.
Tôi hít một hơi thật sâu, nghĩ đến sau lưng chừng hơn trăm mét có người đang dõi theo nên cũng tự tin phần nào, tôi đi xiên từ đường đất nhỏ xuống vệ cỏ, qua bụi tre nhỏ nhưng gặp vấn đề là con mương nhỏ dẫn nước lên đồng cắt ngang, đếm bước chân thì không khó, nhảy qua cũng không có gì là khó nhưng vấn đề nằm ở việc tôi đang đi xéo, Hình học thì lại chẳng phải giỏi gì cho lắm mà đây không phải lúc nhớ công thức Hình học.
Tôi nhẩm tính rằng nhảy qua mương khoảng 1m rồi chia là ba bước chân cộng 10cm, từ đó tính ra rằng nếu đi xéo thì sẽ khoảng 1,5m là tối đa nên khi đã nhảy qua bờ bên kia tôi nhìn lại để xác định hướng rồi cộng thêm 5 bước chân rồi bước tiếp.Bước chân thứ 366 là chân phải, may quá, chân tôi vẫn ở trên ruộng lúa còn mũi của đôi dép tổ ong vừa chạm vào bờ của một dải đất cao ven mương lớn.
Tôi ngồi thụp xuống thở vì hồi hộp, tôi cứ sợ sẽ bước xuống mương, tính ra chỉ thêm chừng 15 bước nữa là tới mép nước thôi mà, nhìn trước ngó sau không thấy ai thì tôi bắt đầu đào.Ba tấc thì không phải là sâu gì, chỉ là 30cm thôi, đất ruộng mùa Đông thì mềm thậm chí còn có bùn ở dưới nên dùng thuổng đào rất nhanh mà không tốn nhiều sức, chỉ khoảng hơn 20 phút thì đúng là dưới đám nửa đất nửa bùn sâu ba tấc ấy mũi cái thuổng quả nhiên chạm nhẹ vào cái gì đó cứng cứng, tôi vội vàng đứng dậy và nhanh chóng tạo “Mưa qua bể Bắc” xuống dưới hố.
Ngồi xổm một lúc để chờ cho nước tiểu ngấm bớt vào đất tôi mới thò thay xuống, rúc từng ngón tay nhỏ trong đám bùn đất và sờ thấy một thứ giống như là một cái hũ nhỏ vậy.
Tay tôi men từng tí một để sờ thật kỹ và tưởng tượng, có vẻ như nó giống cái chum nước của bà Già nhưng nhỏ tí, tôi nhớ chị Ma bảo là nhiều lắm cơ mà?!- Hay nhầm chỗ?Tôi bán tín bán nghi nhưng sau một hồi loay hoay thì tôi cũng lấy lên được thứ dưới đáy hố mình đã đào, đó là một cái chum nhỏ cao khoảng hơn 20cm với đường kính chỗ rộng nhất cũng không tới 20cm.
Tôi giơ cái thứ vừa đào lên cao để nhìn và đánh giá sơ bộ rằng:- Nhỏ tí như này thì đựng được bao nhiêu tiền xu? Có khi cái chum còn quý hơn đồng xu ấy chứ!Tuy nghĩ vậy nhưng tôi cũng nhanh chóng lấp đất trở lại chỗ cũ rồi mau chóng chuồn về nhà thật nhanh, khi chạy về nhà rõ ràng tôi ngửi thấy mùi ngai ngái và hơi tanh, sao người ta bảo là nước tiểu của mình thì không có ngửi thấy mùi nhỉ?- Ô, sao có mỗi một tí thế? – chị Ma tỏ ra ngạc nhiên khi tôi về tới.- Em biết đâu, em đào đúng chỗ chị chỉ cho em mà!- Sao lại ít thế nhỉ? Hay là do lão Xã Thần nghèo kiết xác tưởng thế này là nhiều? Cái chỗ này chả bằng nổi cái móng tay! - chị Ma tỏ vẻ bực bội – Biết ít thế này chị chẳng thèm, lại tốn cút rượu cho lão ấy.- Chị cứ bình tĩnh đã, cứ để em đi rửa sạch chỗ này xem sao, mùi vừa tanh vừa ngai ngái bẩn quá ạ!- A...!– chị Ma bịt mũi, phẩy tay ra hiệu đuổi tôi đi – Em nói chị mới thấy, thôi đi rửa mau đi, ghê quá!Tôi lúi húi ra chỗ bơm nước để rửa sạch tay và cả cái chum nhỏ mà trong đó tôi còn chưa có thời gian xem đó là cái gì, trời tối lại chẳng có đèn.- Em cất đi rồi đi ngủ mai tìm cách mà đổi nhé, nhớ mấy điều chị dặn nghe chưa?- Vâng chị!- Chịu khó một tí để mọi người có cái Tết ấm cúng, còn lão Xã Thần già kia dám nói vống chỗ tiền lên thì sớm muộn chị cũng sẽ bắt lão ấy khai thêm chỗ khác cho bõ công em đêm hôm đi đào.- Thế này chắc bán được nhiều, chị cứ yên tâm!......
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...