Chương 13: Bài học cuộc sống
Tôi bước vào nhà một cách nhẹ nhàng, cố gắng tĩnh tâm để nghĩ ra những lí do hợp lí nhất cho bố mẹ thế nhưng sự lo lắng của tôi là thừa vì bố mẹ không có nhà. Lạ thật, hôm nay bố được nghỉ hẳn là họ phải ở nhà chứ?
Tôi vào phòng thay quần áo rồi lửng thững bước vào bếp nhưng tất cả đều nguội tanh nguội ngắt. Quý bà nội trợ nhà tôi có bao giờ để bếp thế này đâu. Đúng lúc ấy thì có tiếng cửa mở, tôi nháo nhào chạy ra rồi nản lòng khi thấy đó là Dương. Ngược lại, Dương không thèm quan tâm đến thái độ của tôi, nó kéo ngay tôi ra khỏi nhà.
- Gì thế? – Vừa đi tôi vừa hỏi.
Dương nói một cách nghiêm trọng:
- Có chuyện rồi. Sáng nay bà hẹn gặp Linh Giang để bàn về đám cưới không hiểu sao cậu ấy kể ra toàn bộ mọi chuyện. Bà tức giận vô cùng. Đã vậy công ty tổ chức tiệc cưới còn gọi điện nói gì đó với bà khiến bà càng điên hơn. Bây giờ tất cả mọi người đang ở nhà Dương.
Tôi kinh ngạc:
- Linh Giang kể hết với bà? Mà bà thuê cả hội trường rồi sao? Trời ơi!
- Linh Giang lật ngược tất cả và anh Sơn là người phải chịu trách nhiệm.
Chúng tôi cùng bước vào thang máy, cùng mang một tâm trạng lo lắng như nhau. Ở nhà tôi, nói dối là không thể chấp nhận được vì thế lần này không hay rồi.
- Ông có đấy không?
- Có. Từ đầu tới cuối ông chưa nói một câu gì cả.
Tôi bồn chồn nhìn những con số trong thang máy, trong lòng dấy lên một nỗi bất an. Thang máy mở ra, tôi và Dương nhẹ nhàng mở cửa rồi rón rén nấp ở đó.
Trong phòng khách tĩnh lặng đến ngạt thở, ông và bà ngồi trên ghế, bố mẹ tôi và bố Dương đứng xung quanh. Họ đều dồn ánh mắt về phía anh Sơn.
Ở góc độ này, tôi thấy bà mím môi thật chặt, bà giận lắm.
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi? Cháu có biết suy nghĩ không? Cháu làm anh lớn nhất mà cư xử thế hả?
Anh Sơn nín thinh, cúi đầu thấp xuống đất.
- Bày ra một vở kịch để lừa dối cả nhà. Giỏi lắm! – Bà rít lên rồi im lặng.
Tôi lặng lẽ chuyển hướng sang ông. Ông vẫn vậy, ngồi bất động như một bức tượng. Tôi bất giác cảm thấy sợ, thái độ của ông giống y như 10 năm về trước. Mười năm trước, anh Sơn tốt nghiệp cấp ba, cả nhà nháo nhào chạy tiền cho anh đi du học. Bấy giờ, anh Sơn là niềm tự hào của gia đình tôi, khi anh nói sẽ đi du học ông bà vui lắm. Tất cả mọi người đều đặt lên vai anh một niềm hi vọng nào đó. Nhưng hi vọng đó không được đền đáp cho xứng đáng. Năm đầu tiên, anh luôn gọi điện về nhà nói mình ổn, cuộc sống bên Úc rất tuyệt vời. Cả nhà tôi cứ vui lên từ những cuộc điện thoại của anh. Rồi một lần, bố tôi được cử đi công tác ở Úc, ông tôi và bố Dương cũng đi theo để thăm anh Sơn nhưng không hề thông báo trước vì ông nói “Tạo bất ngờ”. Thế nhưng cái bất ngờ đó không phải dành cho anh Sơn mà là dành cho gia đình tôi. Đứa cháu ngoan Phan Minh Sơn ngày nào bỗng dưng trở nên biến chất. Hóa ra anh ấy có yêu một cô gái cùng lớp, yêu say đắm. Tình yêu ấy đang đẹp biết bao thì lại xảy ra một chuyện, cô gái phải sang Úc và để lại một lời hứa hẹn ngày gặp lại cho anh tôi. Một tuần, một tháng rồi một năm, cô ấy cũng không quay về, những cuộc điện thoại thưa thớt dần rồi mất hút. Từ đó, anh quyết chí học hành ngày đêm và cuối cùng anh tạm biệt gia đình sang Úc du học. Nhưng nào có ai biết anh đi tìm cô gái kia rồi phải rơi vào hố sâu của tuyệt vọng khi cô ấy đã lấy chồng. Thế là anh ấy trở nên điên dại, ngày ngày lao vào những cuộc chơi dâm đãng, trụy lạc; kết thân với ma túy đá để quên đi nỗi đau. Khi ông biết tất cả, ông đã như vậy, ngồi bần thần một chỗ không hề nói câu nào như thể niềm tin trong ông đã sụp đổ hoàn toàn. Và cuối cùng, ông đứng dậy, chỉ vào mặt anh Sơn và nói trong cay đắng:
- Từ nay về sau, anh đừng gọi tôi là ông.
Sau câu nói ấy, ông đáp máy bay về nước. Bố tôi và bố Dương ở lại làm thủ tục thôi học cho anh Sơn rồi một tuần sau đó thì về nước. Anh Sơn đã quỳ ở nhà ông gần một ngày nhưng ông không gặp mặt. Đến ngày hôm sau, ông họp gia đình rồi tất cả tới nghĩa trang thành phố, nơi mà bố mẹ anh Sơn đã yên nghỉ từ khi anh còn nhỏ. Ông đã thắp hương và khóc. Lần đầu tiên tôi thấy ông khóc vì: “ Bố không dạy được cháu, các con ạ”. Tôi còn nhớ lúc ấy tôi đã sợ hãi vô cùng, trong trí nhớ của tôi chỉ còn lờ mờ hình ảnh ông dứt khoát tuyên bố từ mặt cháu trai.
Và từ đấy tôi không thấy anh Sơn nữa. Vậy mà năm năm sau, anh xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà ông với tầm bằng xuất sắc trường đại học tổng hợp quốc gia Lô-mô-nô-xốp ở Nga và một điều ước.
Anh ấy đã quỳ xuống và nói:
- Con nợ mọi người một lời xin lỗi. Hãy cho con dùng cả cuộc đời này để trả nợ lời xin lỗi ấy.
Khi ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu sự đời nhưng đủ lớn để biết một điều đó là: gia đình là tất cả.
Từ ấy, tiếng cười lại song hành cùng gia đình tôi. Tôi đã nghĩ đó là bài học nhớ đời cho anh Sơn thế nhưng…
- Một lần nữa, cháu lại lừa dối cả nhà – Ông chua chát nói – Mọi người muốn cháu lập gia đình thì có gì sai? Sao cháu lại đem một đứa học cấp ba về để diễn kịch chứ? Cháu có thấy xấu hổ không? Cháu có biết bà và hai cô đang lo đám cưới cho cháu không? Vậy mà cháu đã làm những thứ gì? Đừng nghĩ lời nói dối của cháu vô hại, cháu đang làm mất lòng tin từ tất cả mọi người.
Bàn tay ông từ từ siết chặt lấy thành ghế, các nếp nhăn trên mặt ông co rúm lại, bên thái dương còn nổi rõ gân xanh.
- Cháu 28 tuổi rồi mà tại sao không biết suy nghĩ? Cháu thấy cháu có xứng đáng làm thầy giáo không? Cháu mang học sinh mình ra đừa giỡn với ông bà bố mẹ, nếu người ngoài nghe được thì ra cái thể thống gì? Người ta sẽ chỉ vào cháu mà nói thầy giáo là như thế đấy. Còn học sinh của cháu sẽ ra sao? Cháu trả tiền cho nó làm việc ấy thì khác gì coi người ta là gái làm tiền hả?
Tôi bám chặt vào cánh cửa vì sợ. Giọng của ông đang ngày một lớn hơn. Tôi không dám nghĩ đến những điều sẽ xảy ra nữa.
- Bao nhiêu năm cháu sống trên đời chỉ để vô ích thôi sao? Cháu rút ra được những gì sau hàng bao bài học cuộc đời cháu? Cháu có suy nghĩ khi hành động không? Trước khi làm gì, nói gì phải dùng cái đầu để suy nghĩ về hậu quả của lời nói việc làm chứ đừng bao giờ nhắm mắt làm bừa. Tại sao người ta hay nói “Theo chiều kim đồng hồ”, vậy chiều kim đồng hồ là gì? Chiếc đồng hồ có ba cái kim, ba cái kim ấy không bao giờ chạy song song nhưng luôn chạy cùng chiều. Nếu bây giờ kim giây đứng im, kim ngắn chạy một đằng, kim dài chạy một nẻo thì sao? Hành động phải luôn gắn liền với suy nghĩ. Cháu phải xem lại mình ngay lập tức, cháu khiến mọi người ngày càng thất vọng.
- Chúa xin lỗi. Cháu đã không nghĩ tới hậu quả.
Một khoảng im lặng bao trùm nhưng nỗi bất an trong lòng tôi còn tăng lên mạnh hơn. Trước cơn bão trời luôn luôn yên bình mà. Và đúng như thế, ông ngồi trầm ngâm một lát rồi đứng dậy bỏ vào bếp và đi ra với chiếc roi mây trên tay.
Chiếc roi ấy màu ngà ngà vàng, nhỏ bằng ngón tay út thôi nhưng vô cùng dẻo dai và bền bỉ.
- Cháu thấy cái roi này không? Ngày xưa cụ cháu dùng nó để dạy ông và bây giờ ông dùng nó để dạy cháu.
Ngay sau đó, tôi nghe thấy tiếng roi quất một đường vào không khí rồi đáp trên lưng anh Sơn.
Tôi bịt chặt miệng để không thét lên, hai mắt nhạt nhào nhìn ông ngồi trầm lặng trên ghế. Phải đến rất lâu sau, khi trên lưng anh Sơn hằn lên một vệt máu đỏ thẫm, ông mới nói:
- Đưa nó đi khám đi.
Tôi như thể vừa vớt được trái trái tim từ dưới vực sâu thẳm lên, thở phào nhẹ nhõm vốn định chạy theo mọi người nhưng bị ông ngăn cản.
- Hai đứa vào đây nói chuyện với ông.
Trong căn phòng khách sáng rực đèn, tôi và Dương cùng ngồi im lặng một góc chờ đợi ông.
- Nói dối thì có vui không? – Ông hỏi
- Không ạ – Chúng tôi lí nhí đáp lời.
Ông khổ sở lắc đầu:
- Mấy đứa làm ông thất vọng quá.
Hai đứa chúng tôi ngay lập tức òa lên những lời xin lỗi và lấy tất cả ra để hứa với ông sẽ không nói dối nữa.
Ông lắc đầu, đưa tay lên ý bảo chúng tôi ngừng nói:
- Câu chuyện của anh các cháu không chỉ đơn giản là nói dối đâu. Ông sẽ không phạt hai đứa vì anh Sơn đã là một tấm gương rồi. Không phải một tấm gương sáng cho hai cháu học tập mà là một tấm gương đục cho hai cháu nhìn vào và tránh cho mình không trở nên như thế. Có thể các cháu nghĩ rằng anh Sơn không đáng bị đánh như thế, có thể các cháu nghĩ ông làm to chuyện nhưng rồi sau này lớn hơn, khi các cháu có con cái thì sẽ hiểu gắng nặng như thế nào.
- Vâng ạ
- Thanh niên các cháu đang mài mòn đi những phẩm chất vốn có của con người Việt Nam. Hôm nay thì chỉ là một lời nói dối nhưng ngày mai thì nhiều hơn thế. Cứ lấy một vài ca sĩ diễn viên thời nay ra thì biết, hư hỏng, bại hoại, sa đọa không thiếu thứ gì. Tính cách con người hình thành qua môi trường sống. Khi các cháu sinh ra, các cháu như một con đường trơn láng, bằng phẳng vừa mới san. Khi các cháu lớn lên, tính cách dần hình thành, con đường gồ ghề hơn và có rác. Rác thải có thể dọn sạch nhưng đường gồ ghề sao các cháu biết cách san phẳng? Nếu ông không gạt những thứ xấu xa hình thành nên con đường gồ ghề thì sao? Nếu ông đứng im nhìn con đường của các cháu ngập trong phế thải thì sao? Đừng chê ông già này nhiều chuyện, ông chỉ đang quét dọn phế thải và san bằng cát sỏi trên con đường các cháu đi mà thôi. Hôm nay ông cho anh các cháu một roi, ngày mai anh các cháu sẽ nhận được cả cuộc sống. Phải nhớ lấy lời ông dặn vì đó chính là hành trang cho các cháu vào đời sau này.
Có thể những lời nói của ông chưa thấm vào tận gan tủy của tôi nhưng chắc chắn tôi sẽ nhớ lấy nó.
Ông nói với chúng tôi những điều ấy không chỉ muốn chúng tôi phân biệt tốt xấu của cuộc đời, suy ngẫm về từng lời nói hành động mà còn muốn nhắc nhở chúng tôi cuộc sống không bằng phẳng, nếu lơ là sẽ trượt chân ngã nhưng hơn hết phải biết đứng dậy sau khi vấp ngã, biết lấy thất bại mà vươn tới thành công mới là điều đáng quý, đáng trân trọng.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...