Tận đến khi ăn xong ra ngoài, Khang Sùng vẫn không giải thích chuyện tối nay đãi ăn là có ý gì, hai người đều như vô ý quên đi, không đả động tới. Tính tiền, bọn họ đi bộ ra quảng trường gần đó dạo mát, tiêu thực.
Nền trời đen thẫm, gió thổi man mát, hợp để đi bộ. Cả hai cùng dạo quanh quảng trường một vòng, phía trung tâm ngày càng đông người, tiếng ồn áo náo nhiệt và hơi người lúc gần lúc xa, khiến người ta cảm thấy an toàn.
Bên cạnh quảng trường có một rạp chiếu phim, lâu đời lắm rồi, nhưng quy mô hơi nhỏ, phòng chiếu phim không chứa được nhiều người, thiết bị cũng nhuốm vẻ cổ xưa, bởi vậy người đến thăm khá ít, chủ yếu là người địa phương sinh ra ở thành Táp mới biết tới nơi này.
Cảnh Doãn nhớ hồi tiểu học lúc trường tổ chức xem phim, được xem một bộ về giáo dục tinh thần yêu nước đỏ rực nồng thắm, mỗi lớp lấy vài thành viên đại diện, quàng khăn đỏ chỉnh tề, xếp rải rác thành hàng đứng dưới gốc cây liễu. Giờ chiều ngày hè hóng hừng hực, mặt trời rọi nắng chói mắt, Cảnh Doãn buồn ngủ cứ ngáp lên ngáp xuống, Khang Sùng đứng đằng sau dang tay bao quanh người cậu bạn nhỏ, tựa vào lưng cậu tán gẫu cùng mấy cô bạn.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa.
Mười mấy năm trôi qua, cây liễu đã bị đốn từ lâu, được thế bằng biển hiệu trạm xe bus. Có một nam sinh trung học đang đeo tai nghe điện thoại đứng dưới chờ xe, mặc đồng phục trường cũ của hai người, ống quần xắn bên cao bên thấp. Trên tường sau lưng cậu trai treo mấy tấm áp phích phim mới cuối tuần.
Hai người đến gần, không hẹn mà cùng thả chậm bước bộ, nương theo ánh đèn đường lựa chọn kỹ lưỡng. Cảnh Doãn không xem phim lãng mãn, Khang Sùng không khoái phim kinh dị. Cuối cùng cả hai chọn tấm áp phích trông đẹp nhất.
Lúc người trong quảng trường dùng loa mở nhạc lên, hai người ngồi xuống dưới bóng cây yên tĩnh đằng xa. Quanh thân cây lắp ghế gỗ công cộng cho người dừng chân nghỉ, lác đác có hai ông lão và một đôi vợ chồng. Ở đường cái đối diện, ô tô chạy vụt, đèn pha nhoáng qua soi sáng bừng người ta, thế rồi màn tối lại nhanh chóng bao phủ.
Trong mấy giây đồng hồ ngắn ngủi sáng sủa ấy, Khang Sùng nhìn mãi góc nghiêng của Cảnh Doãn. Tóc xõa tung, tóc mai bay bay để lộ cái tai, làn da trắng thuần, mềm mại, chẳng có vết sẹo nào, cũng không thừa mỡ; mũi cao thẳng, chóp mũi lại nho nhỏ, hơi nhếch lên, đôi môi mỏng mà hồng nhuận, đường cằm góc cạnh. Một tính từ có chút lạ lẫm dần hình thành trong gã, “tinh xảo.”
Kỳ lạ thật. Gã nghĩ. Rõ ràng là cắt tóc rồi, nhìn một phát biết liền, đường nét nam tính rất dễ nhận ra, vậy mà cảm giác nhiễu loạn lúc trước của gã vẫn ngồn ngộn trong lòng, mập mờ, mơ hồ, khó đoán định.
Nó tới quá đường đột, quá bất ngờ, khiến gã không tài nào chống đỡ được, nhất thời ngờ vực cái gọi là đường giới hạn đang ở đâu, cũng chẳng tìm ra cách ứng đối nào phù hợp.
Đợi tới khi gã hồi thần, đã thấy mình với Cảnh Doãn bốn mắt nhìn nhau, Cảnh Doãn trừng mắt lại, ngờ ngợ hỏi: “Sao thế?”
Gã cười cười, tự nhiên đáp lại: “Có gì đâu.”
Hai người hóng gió thêm lúc nữa rồi lái xe về nhà.
Tận tới thứ sáu bốn hôm sau, bọn họ mới gặp nhau.
Bốn ngày này cả hai đều chẳng liên hệ gì, ai cũng đều có việc bận, nhiều nhất là nhấn một cái like trong vòng bạn bè cho nhau, cực kỳ giống phong cách giao thiệp của giới trẻ hiện đại. Trần Mật Cam dạo này đang khó ở, hôm nào cũng đăng ảnh phàn nàn thức ăn không ngon, ăn cơm vùng này không quen, chỉ còn cách vật vã đi mấy tiệm ăn vừa mặn vừa nhiều dầu, ăn đến mức mặt nổi đầy mụn, có đặp mặt nạ cũng vô dụng.
Cảnh Doãn cũng like cho cô em một cái, không bình luận gì, cứ thế lướt trong vô định cả buổi, tải lại danh sách cuộc trò chuyện không biết bao nhiêu lần, cũng chẳng nghĩ ra điều gì muốn nói.
Cuối cùng y đổi tên danh bạ của Khang Sùng thành “Tên đại móng heo.”
Suất chiếu phim bảy giờ tối nay, năm giờ Cảnh Doãn tan làm, còn đặc biệt rẽ về nhà tắm rửa một phát, thay quần áo. Đối với một kẻ lười như y mà nói, hành động này có thể xem như chuyện bất thường trong năm! Nguyễn Nghiên làm mẹ y, hoặc bằng vào trực giác phụ nữ tinh nhạy chính xác, bà ngửi được mùi dấu vết không bình thường.
“Anh thừa nhận đi, đang yêu à.”
Bà đứng trước chảo dầu chiên bánh củ sen, ý tứ sâu xa nói với con trai: “Làm gì mà đến mức phải giấu giấu giếm giếm thế, hai mươi mấy tuổi rồi, tôi với bố anh cũng chẳng giục anh lấy vợ, trước tiên cứ chung sống xem sao…”
Bên tay trái bà để chậu hỗn hợp bột có củ sen, thịt băm cùng với bột ngô, trộn đều tay, nặn thành bánh hoặc thành viên, đợi dầu sôi rồi chiên cho tới khi vàng ruộm, sau đó để vào rổ nhỏ bên phải cho nguội.
Cảnh Doãn tạt qua nhón một cái, mặn ngọt vừa đủ, ngoài giòn trong mềm. Y lúng búng nói: “Con đi xem phim với Khang Sùng mà, bạn gái nào đâu. Lấy đâu ra bản lĩnh đấy cơ chứ.”
Nguyễn Nghiêm hừ mũi, thất vọng tràn trề: “Là mẹ đánh giá cao anh quá rồi.”
Cảnh Doãn làm bộ lờ đi, liếm đầu ngón tay nói: “Ngon ghê ấy.”
Con người y uể oải, làm việc không nhanh không chậm, ít khi tức giận, càng ít sốt ruột, trong lòng điều gì cũng rõ, thế mà tay cứ muốn đánh Thái cực.
Nguyễn Nghiên chiên bánh củ sen xong, tắt bếp, lấy trên tủ bát cái hộp đựng trong suốt nho nhỏ duy nhất xuống, nói: “Mang cho Sùng Sùng một ít?”
Y gật gật đầu, lèn đôi đũa vào trong hộp.
“Tối nay mẹ đi đâu à?”
Nguyễn Nghiên cởi tạp dề, tay bóp bóp thắt lưng, “Mẹ Sùng Sùng rủ tôi đi làm đẹp.”
“Ba con đâu ạ?”
“Ổng thích đi đâu thì kệ ổng đi.”
Cảnh Doãn cười xòa, tìm được cái túi giấy bỏ xó đặt cái hộp được bọc kỹ càng vào, xách ra thềm cửa, phun phun ít nước hoa trên tay và hai mắt cá chân, mùa hè đến rồi, người y cực kỳ hút muỗi.
“Con đi đây.”
Khéo thế cơ, y tình cờ đụng phái Khang Sùng trong vườn hoa tiểu khu. Tên này cũng về nhà tắm rửa thay quần áo.
Hai con người làm công nhỏ bé lăn lộn cả ngày, tan làm ăn diện sáng sủa hẳn lên, hai mặt nhìn nhau chốc lát, rất là vi diệu mà thấy hơi hơi xấu hổ.
Như thể cả hai đều làm bộ không quá để tâm đến chuyện này, nhưng thực chất lại lén lút giấu đối phương xem trọng nó, khiến bầu không khí len lỏi cảm giác nghi thức.
Khang Sùng ho khan một chặp.
Cảnh Doãn không biết làm sao cho phải, nên giải thích vụ này là trùng hợp trước, hay cứ mặc kệ làm như không có chuyện gì, như vậy ít nhiều gì cũng giảm bớt được cái suy nghĩ ái muội vừa nảy sinh trong đầu, nhỉ?
Y đặt túi đồ đóng gói kĩ càng vào tay Khang Sùng: “Cho này.”
Cuối cùng cũng tìm được thang xuống, Khang Sùng nhẹ nhàng thở hắt ra, lấy điếu thuốc từ miệng xuống giắt lên tai, nhận đồ đầy nóng lòng và hơi vồn vã, hỏi: “Gì thế?”
Chìa khóa xe của gã vang một tiếng, cửa xe tự động mở ra, Cảnh Doãn cúi đầu vào xe, hai tay ôm trước ngực, nghiêm mặt nhìn về phía trước, hai chân hơi run run.
“Mẹ tôi làm, bảo tôi mang cho cậu.” Y nhìn đồng hồ, lãnh tĩnh nói: “Đi thôi, sắp sáu rưỡi rồi.”
Khang Sùng chẳng hiểu mô tê gì, xoa xoa đám tóc âm ẩm sau đầu.
“Mẹ chúng mình bảo mang cơ mà, cậu làm gì mà căng thẳng thế…”
Hai người lái xe đi.
Khang Sùng quen nhiệm vụ lái xe, cũng nghe Cảnh Doãn sai nhiều rồi, nghĩ muốn đòi lại chút tiện nghi, cho tâm lý cân bằng ấy mà.
Ví dụ như lúc gã không mang tai nghe, có điện thoại vội đến, sẽ bảo Cảnh Doãn ngồi ghế phụ bên cạnh cầm điện thoại đặt sát bên tai gã, để gã tập trung lái xe, giảm xác suất thao tác sai sót.
Nhiệt độ tay Cảnh Doãn thấp hơn trên mặt chút, mìn mịn, man mát, trên cổ tay rải rác mạch máu xanh lạnh, tản mát vị bạc hà. Đến mùa đông, sẽ là đủ vị các loại sản phẩm chăn sóc da gã chẳng biết tên, chanh gừng, hương bưởi quyện mùi muối biển, càng lạ hơn là còn có cả vị kem ly, rồi kẹo bông đường.
Hôm nay là gì đây nhỉ?
Gã nói: “Món gì đấy? Ngửi mùi đã thấy đói rồi. Cậu đút tôi ăn miếng đi.”
“Trời ạ.” Cảnh Doãn nói: “Ngài xuống xe rồi tự ăn đi.”
“Đây không thích đấy.”
Đuôi mắt tựa như thoáng thấy Cảnh Doãn hơi sửng sốt, vẫn duy trì trạng thái ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh, thẫn thờ vài giây rồi loạt xoạt mở hộp đựng đồ ăn ra. Khang Sùng lái xe, không nhìn được.
Gã chỉ phụ trách lúc đồ ăn được đưa tới miệng thì cắn một miếng.
Bánh củ sen. Nhận lúc còn nóng ăn quả nhiên là lựa chọn tuyệt vời, vỏ vẫn giòn rụm.
Gã mê mẩn nói: “Thơm quá.”
Là nước hoa.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...