Cam kết thứ bảy:
Xây Dựng Môi Trường Làm Việc Không Có “Xe Rác”
Từ cuộc sống cá nhân không có “xe rác”, bạn hãy tiến tới xây dựng môi trường làm việc không có “xe rác”. Bạn có khả năng tác động tới hàng trăm, có thể là hàng nghìn người thông qua công việc và sự nghiệp của bạn. Bạn không cần phải là giám đốc hay chủ tịch một doanh nghiệp lớn mới có thể tạo ra sự ảnh hưởng đó. Hãy nhớ rằng bất kể bạn đang giữ vị trí nào trong công ty, bạn vẫn có thể tạo nên sự khác biệt.
14
Sự lan truyền cảm xúc
Hãy nghĩ đến lượng người bạn tiếp xúc mỗi ngày, những người cộng tác với bạn trong công việc, các khách hàng bạn giao dịch, những email cần bạn trả lời, những cuộc điện thoại gọi tới cho bạn… Khi bạn cân nhắc về tất cả những điều đó, bạn sẽ ý thức được rằng bạn phải có trách nhiệm trước thái độ, cách hành xử của mình, vì chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người khác.
Các nhà khoa học gọi ảnh hưởng này là “sự lan truyền cảm xúc”.
Sự thật là mỗi chúng ta đều chịu sự chi phối từ cảm xúc của người khác và ngược lại. Cả cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực đều có tính lan truyền rất nhanh trong cộng đồng.
Ba cấp độ của sự ảnh hưởng
Nhà tâm lý học Nicholas Christakis và nhà khoa học chính trị James Fowler đã khám phá ra rằng hành vi của chúng ta sẽ ảnh hưởng tới người khác trong phạm vi ba cấp độ. Hai nhà khoa học gọi hiện tượng này là ba cấp độ của quy tắc ảnh hưởng, trong đó “mọi hành vi ứng xử của chúng ta có xu hướng lan truyền qua mạng lưới của chúng ta”. Sự tương tác giữa bạn và những người bạn tiếp xúc mỗi ngày có khả năng thay đổi trải nghiệm của hàng ngàn người khác. Trong cuốn Connected (Kết nối), Christakis và Fowler viết:
Mặc dù chỉ giới hạn trong ba cấp độ, nhưng phạm vi sức ảnh hưởng của chúng ta lên những người khác quả là phi thường... Giả sử bạn có 20 mối quan hệ xã hội, trong đó bao gồm 5 người bạn, 5 đồng nghiệp, và 10 thành viên trong gia đình. Mỗi người trong số họ lần lượt cũng có cùng số lượng các mối quan hệ như vậy. Điều đó có nghĩa là bạn đã được gián tiếp kết nối với 400 người ở cấp độ thứ hai. Và ảnh hưởng của bạn không dừng lại ở đó, khi mỗi người trong số 400 người đó được kết nối với 20 người khác trong mạng lưới quan hệ của họ. Như vậy, kết quả là bạn được kết nối với 20x20x20 người, hay 8.000 người trong phạm vi ba cấp độ ảnh hưởng.
Một khi hiểu được cách thức và phạm vi kết nối của mọi người trong xã hội, chúng ta có trách nhiệm giúp người khác trở thành những đầu mối chuyên chở nguồn năng lượng tích cực của chúng ta, chứ không phải biến họ thành những “chiếc xe rác” chứa đầy những năng lượng tiêu cực.
15
Xây dựng môi trường làm việc không có “xe rác”
Bí mật của thành công là kiên trì theo đuổi mục tiêu.
- Benjamin Disraeli
Hãy cam kết xây dựng một môi trường làm việc không có “xe rác” - từ phía bạn và từ phía những đồng nghiệp khác. Bạn có thể tạo ra sự khác biệt trong công ty, bất kể vị trí công việc của bạn là gì. Nếu bạn là lãnh đạo trong cơ quan hay đang dự kiến trở thành lãnh đạo trong tương lai, bạn có thể tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn. Khi đó, bạn có thể tuyên bố trước tập thể rằng mọi hành vi ứng xử giống “chiếc xe rác” trong tổ chức đều không được chấp nhận vì chúng ảnh hưởng xấu tới công việc chung của tập thể, gây căng thẳng quá mức trong các mối quan hệ và làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Một nhà lãnh đạo sáng suốt sẽ đưa ra chiến lược phát triển dựa trên sự bền vững, quy trình đào tạo đúng chuẩn, chế độ khen thưởng họp lý, xây dựng mối quan hệ gần gũi với nhân viên. Bạn cũng cần đưa ra quy định rõ ràng trong việc tuân thủ cam kết, xác định ranh giới rõ ràng về những vấn đề không được vượt quá giới hạn
Xây dựng lòng tin
Trong công việc mọi người sẽ khó tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm, dẫn đến những cuộc tranh luận nảy lửa. Vì thế, xây dựng lòng tin giữa các thành viên trong tổ chức là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo. Các nhân viên cần phải cảm thấy công ty đánh giá đúng vai trò của họ và luôn hỗ trợ họ khi cần thiết.
Người lãnh đạo có trách nhiệm định hướng môi trường làm việc cũng như văn hóa ứng xử trong tổ chức. Để làm được điều đó, người lãnh đạo cần kêu gọi các nhân viên cam kết thực hiện cam kết này. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo, hãy giải thích cho đội ngũ nhân viên của mình rõ tầm quan trọng của họ trong việc xây dựng một môi trường làm việc không có “xe rác”.
Đôi khi giữa bạn với khách hàng, nhà cung cấp, đối tác nảy sinh mâu thuẫn, hay có sự bất đồng ý kiến giữa các nhóm trong cùng bộ phận. Mọi người đều có thể tranh luận, và thậm chí phản đối ý tưởng của ai đó, nhưng đừng công kích tác giả của ý kiến đó. Có thể bất đồng, nhưng không bất hòa. Hãy tập trung tìm giải pháp cho vấn đề đang bàn luận, chứ đừng biến buổi họp thành cuộc tranh cãi mang tính cá nhân. Hãy nhớ rằng mọi người có quyền thể hiện ý kiến riêng theo những cách khác nhau. Giải pháp cho tình huống này là bạn hãy hướng cuộc thảo luận tập trung vào chủ đề chính.
Khi xuất hiện những ý kiến trái chiều, mọi người trong nhóm cần xác định yếu tố nào nằm ngoài tầm kiểm soát và yếu tố nào là có thể chấp nhận được, từ đó tìm biện pháp hỗ trợ nhau tháo gỡ khó khăn.
Hãy nhắc nhở lẫn nhau khi thấy ai đó bắt đầu có hành vi đi quá giới hạn. Như vậy, năng lượng tiêu cực sẽ bị triệt tiêu, thay vào đó cả tập thể sẽ làm việc trong nguồn năng lượng tích cực, thúc đẩy sự sáng tạo, gia tăng hiệu suất công việc. Tinh thần làm việc của nhân viên phấn chấn hơn, khách hàng cũng cảm thấy hài lòng hơn.
Tám bước thực hiện
Với mục tiêu hướng tới xây dựng môi trường làm việc không có “xe rác” và với tư cách của một nhà lãnh đạo, bạn cần làm gì để nhân viên của mình tôn trọng cam kết nói không với “xe rác” ở nơi làm việc? Sau đây là tám chỉ dẫn nhằm giúp bạn thực hiện nhiệm vụ trên. Đặt ra các kỳ vọng và đảm bảo rằng mọi người trong tổ chức đều hiểu rõ chúng. Hỏi các thành viên trong nhóm xem đã thông suốt các kỳ vọng đó chưa; nếu cần, hãy thảo luận thêm. Giữ cho hành động của chính bạn nhất quán với những kỳ vọng đã đặt ra. Công nhận và tôn vinh những cá nhân đáp ứng các kỳ vọng đó. Khi thành viên nào không đạt được những kỳ vọng đó, hãy đưa ra ý kiến phản hồi thẳng thắn và chân thành. Tổ chức huấn luyện và đào tạo cho những nhân viên cần sự hỗ trợ. Tổ chức lại nhân sự nhằm cảnh cáo những cá nhân vi phạm cam kết. Đưa ra các mức độ hình phạt - từ khiển trách đến sa thải - đối với những nhân viên không thể đáp ứng được kỳ vọng của tổ chức.
Nhiệm vụ của bạn là đảm bảo rằng trong tổ chức không một ai có quyền cản trở người khác, cũng không ai phải chịu đựng “rác rưởi” của người khác. Trong quá trình thực hiện các bước trên, hãy thường xuyên tìm hiểu thông tin phản hồi từ phía các thành viên để kịp thời có những điều chỉnh thích hợp.
Hãy bắt tay xây dựng một môi trường làm việc không có “xe rác” ngay tại tổ chức của bạn, ngay hôm nay.
Tấm gương một nhà lãnh đạo vĩ đại
Những lãnh tụ vĩ đại đều hiểu rằng họ không được phép để hành vi, tâm trạng của người khác chi phối mình. Họ phải chịu trách nhiệm trước mọi hành động của mình. Nếu các nhà lãnh đạo không biết kiểm soát bản thân họ thì có lẽ thế giới của chúng ta đã phải đứng trước bờ vực của những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Nelson Mandela đã vượt qua 27 năm trong chốn tù đày, một phần nhờ ông không để những kẻ giam giữ ông - từ kẻ chóp bu tới những tay gác ngục - khiến ông nản lòng, chùn bước. Mandela nhận thức rõ rằng ông không thể điều khiển hành vi của những kẻ đàn áp ông, nhưng ông có quyền quyết định cách phản ứng của mình.
Mandela có quyền căm thù những kẻ đã tước đi quyền tự do của ông, nhưng không, ông đã lấy niềm tin để thay thế sự thù hận. Ông vững tin vào một tương lai tự do và công bằng không chỉ cho người dân Nam Phi, mà cho người da màu trên toàn thế giới. Ông kiên cường đấu tranh và ông đã thành công. Niềm tin của Nelson Mandela đã dẫn lối cho hành động của ông.
Tấm gương của Mandela nhắc chúng ta không được phép để lòng căm hận làm mờ tâm trí. Ông viết trong tự truyện Long Walk to Freedom (Đường dài tới tự do):
Tôi biết rằng trong sâu thẳm trái tim mỗi con người luôn tồn tại sự khoan dung và lòng nhân hậu. Không ai sinh ra đã ghét bỏ người khác vì màu da, vì tầng lớp xã hội, hay vì tôn giáo của họ. Để biết ghét, con người cũng cần phải học. Và nếu con người có thể học cách căm ghét, ắt hẳn con người có thể học cách yêu thương, để dòng chảy của yêu thương, chứ không phải là sự căm hận, đến với trái tim họ một cách tự nhiên... Lòng tốt của con người là một ngọn lửa, đôi khi nó có thể ẩn khuất đâu đó, nhưng sẽ không bao giờ tắt.
LỜI KẾT
Vùng không có “xe rác” là nơi bạn kỳ vọng rằng bạn sẽ không chịu thua trước những sức ép tiêu cực xung quanh, hay bị cuốn theo những người mà mục đích của họ là xô đẩy bạn, khiến bạn cư xử đáng trách, thiếu chu đáo và gây tổn thương. Bạn cần có sức mạnh để không nhượng bộ những kẻ ưa gây đau đớn — cả về thể chất lẫn tinh thần — cho bạn hay bất kỳ ai khác.
Lời cam kết nói Không với “xe rác” đòi hỏi bạn phải biết độ lượng và khoan dung đối với những lỗi lầm nhỏ của người khác - là những lỗi lầm mà chính bạn cũng muốn được tha thứ, nếu chẳng may mắc phải. Bạn có thể lựa chọn cách tiết giảm tình thế bằng cách hướng sự chú ý vào những điều quan trọng hơn.
Khi bạn sống trong vùng không có “xe rác”, bạn sẽ cảm nhận được lợi ích mỗi ngày. Những điều từng làm phiền bạn giờ không còn. Những chuyện tiêu cực mà bạn không thể điều khiển đã thôi đè nặng lên bạn.
Mỗi lần bạn bỏ qua một “chiếc xe rác”, bạn kiểm soát được cuộc đời mình.
Mỗi lần bạn ngừng xả rác vào người khác, bạn thay đổi cả thế giới.
Hạnh phúc không ở ngoài tầm tay.
Phép lịch sự không hề mất.
Cam kết nói Không với “xe rác” khiến cho hạnh phúc và phép lịch sự trở thành hiện thực. Điều này hỗ trợ điều kia trong một vòng tròn khép kín.
Bạn có thể làm được điều đó. Bạn có sức mạnh.
Việc này không hề phức tạp. Đây không phải là một bí mật. Đây là nghệ thuật sống, khiến cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn - và thế giới trở thảnh một nơi tươi đẹp hơn.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại . .com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Cảm ơn những người thu gom rác thực sự
Công việc của những người thu gom rác là mang đi và dọn sạch rác rưởi để mọi người có thể sống trong một môi trường sạch sẽ và trong lành.
Có lẽ họ hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc tuân thủ Luật của chiếc xe rác.
Tôi và bạn, tất cả mọi người, đều phải biết ơn họ - những người đang giúp giữ gìn thế giới của chủng ta tươi đẹp.
Về tác giả
David J. Pollay là cử nhân kinh tế của trường Đại học Yale và thạc sĩ Tâm lý học hiện đại. Tất cả những công việc ông làm đều nhằm một mục đích là giúp mọi người có cuộc sống hạnh phúc, thành công hơn, và mang thêm sự lịch lãm đến thế giới này. Ông là một nhà báo nổi tiếng, người phát ngôn và chủ trì nhiều hội thảo thu hút rất đông thính giả trên toàn thế giới. David J. Pollay còn là giám đốc điều hành Tổ chức Tâm lý học Tích cực Quốc tế, giáo sư thỉnh giảng của trường Đại học Pennsylvania, và chủ tịch tổ chức Momentum Project, LLC. Daivd hiện sống tại Florida cùng vợ ông và hai con gái.
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Ariko Yuta – Đỗ Đan – Tiểu Bảo Bình
(Tìm - Chỉnh sửa – Đăng)
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...