Khi Bùi Tu Vân đưa nàng về nhà đã là lúc hoàng hôn.
Ráng chiều rực đỏ chiếu nghiêng lên khuôn mặt chàng như mặt ngọc Dương Chỉ được mạ thêm lớp vàng vậy.
Bùi Tu Vân nhảy xuống ngựa trước, Tống Tích vịn vào cổ ngựa lưỡng lự định xuống.
Bùi Tu Vân bước về phía trước, chàng đặt tay lên vòng eo mảnh mai rồi bế cô gái đang do dự sợ hãi xuống đất một cách vững vàng.
Tay nàng giữ chặt lấy góc áo của chàng đẩy vẻ không nỡ.
Chàng đặt tay lên đỉnh đầu Tống Tích xoa nhè nhẹ: “Mau về đi.”
“Muội không muốn về…” Nàng thì thầm lầu bầu, mí mắt hơi cụp xuống, hàng mi dài che đi sự vắng lặng trong đáy mắt.
“Đợi đến ngày hoa quế rơi đầy thành, muội sẽ dọn đến sống cùng ta.
E là đến lúc đó ngày nào muội cũng muốn về nhà đấy.” Bùi Tu Vân dịu dàng kéo tay nàng ra, ống tay áo đỏ thẫm sượt qua lòng bàn tay trắng nõn một viên kẹo mơ màu nâu.
“Đây là phần kẹo của ngày hôm nay.” Chàng khom người kề sát vào mặt Tống Tích.
Dưới ánh tà dương, con ngươi chàng chợt long lanh như màu hổ phách.
“Ăn kẹo xong thì về nhà, nhé?” Giọng nói ôn hoà dịu dàng khuyên bảo.
Bùi Tu Vân cầm bàn tay nhỏ bé rồi nhón một viên kẹo mơ tròn xoe đưa vào đôi môi mềm.
Vị ngọt thanh của mơ dần tan ra, nàng ngẩn ngơ gật đầu.
“Vậy… ngày mai gặp lại.” Chàng hơi nhếch khóe môi từ từ buông tay Tống Tích.
“Mai gặp lại…” Tống Tích không cam lòng nói.
Bùi Tu Vân quay người leo lên lưng ngựa, một mạch nhanh chóng ngồi vững, dáng người lẻ loi tựa liễu.
Roi ngựa trong tay chàng vung lên khiến vó ngựa đạp tung bụi đường.
Bóng dáng chàng càng đi càng khuất xa trong màn sương chiều hoàng hôn dày đặc.
Mãi đến khi không nhìn thấy bóng người nữa, Tống Tích mới xoay người đẩy cửa bước vào trong sân.
Dưới hiên nhà có bóng người đang ngồi, ngón tay thô ráp của người đó bóc từng quả đậu tương luộc nước muối.
Có lẽ đã ăn được một lúc lâu, trên mặt đất còn những đống nhỏ của vỏ đậu.
“Cha, con về rồi ạ.” Tống Tích cầm một chiếc ghế gỗ nhỏ lại ngồi cạnh Tống Kiêu cùng ăn đậu tương.
Ăn được vài quả, nàng chợt nhận ra dường như tâm trạng Tống Kiêu hơi sa sút, nàng không nhịn được hỏi: “Cha, xảy ra chuyện gì thế?”
Trời ngày càng tối hơn, người đàn ông ngồi trong bóng tối chỉ lắc đầu, ông lau khoé mắt của mình, nói: “Không sao, ta rất vui, cũng xem như giao phó con cho một người tốt.
Con nói xem, tính tình con ngang bướng, trước kia cha mẹ cũng không chỉ dạy con chu đáo, nếu con đến một nhà bình thường chẳng phải đã bị phu nhân nhà người ta lột da rồi.
Giao con cho tiên sinh, cha mẹ cũng yên tâm.”
“Con đâu có tệ như cha nói chứ…” Tống Tích bĩu môi.
Tống Kiêu thở dài thườn thượt, “Tích Nhi, con không hiểu đâu.
Thói đời này khiến phận làm nữ nhi bao giờ cũng khó khăn hơn nhiều.
Cha mẹ chỉ có mỗi con là con gái, con lại chưa từng phải chịu bất công bao giờ, con không lường được sự nghiêm trọng trong đó đâu.”
Tống Tích dịch ghế lên trước, hai tay chống má: “Con cảm thấy làm con gái rất tốt mà.”
“Đó là vì con gặp được tiên sinh,” Ánh mắt Tống Kiêu chợt lóe, ông nói tiếp: “Trước khi gửi con đến học đường của cậu ấy, ta đã từng nghe ngóng xuất thân của cậu ấy rồi.”
“Tiên sinh từng nói với con, cha của người vốn là Hộ Bộ Thượng thư, chắc là một chức quan rất lớn đúng không ạ?” Tống Tích nhíu mày nói.
Chức quan lớn nhất mà nàng từng gặp chỉ là trưởng thôn, cũng không biết Hộ Bộ Thượng thư uy phong cỡ nào.
Tống Kiêu gật đầu, “Cha của cậu ấy là quan của thành Trường An, nhưng có liên quan rất nhiều đến con.
Năm đó, nhờ Bùi đại nhân khuyên nhủ thánh thượng cho phép nữ tử đọc sách, con mới được đi học.
Gia tộc nhà họ Bùi ở Hội Kê đều là những người có phẩm chất cao thượng, con cái được dạy dỗ trong gia đình như vậy đương nhiên sẽ không đối xử tệ với con.
Vả lại, tiên sinh đến thôn ta đã hơn bốn năm nhưng vẫn giữ mình trong sạch, ai nấy trong thôn đều hết lời ngợi ca.
Tiên sinh đối xử với mọi người đều dịu dàng mà xa cách, nhưng duy chỉ có con là khác biệt.”
Ánh mắt Tống Tích chợt sáng, “Đối xử với con khác biệt ạ?”
Tống Kiêu vẩy nước muỗi ở đầu ngón tay, trả lời: “Tiên sinh hời hợt với tất cả mọi người như vậy, nhưng lại rất để tâm đến con.”
“Thật ạ?” Tống Tích níu cánh tay ông, vui vẻ hỏi.
“Cũng chỉ mỗi con không biết thôi.
Cần gì nói đâu xa, mấy ngày trước tiên sinh đang ốm mà còn đích thân đem bài tập đến cho con.
Con thử hỏi bạn bè đồng trang lứa xem có ai được sư phụ tự mình đem bài tập đến tận nhà không?”
“À…” Tống Tích hơi sững lại, quả thật nàng chưa từng hỏi người khác, vốn tưởng rằng tiên sinh đưa bài tập đến cho tất cả mọi người chứ.
“Con lại đây với cha.” Ông xoa tay vào vạt áo rồi đứng lên nói.
Tống Tích đi theo ông vào phòng, ông lấy ngọn nến trong ngăn kéo ra châm lửa.
“Cha! Nến đắt lắm đấy!” Tống Tích chỉ muốn thổi tắt ngọn nến đi ngay tức khắc.
Tống Kiêu khoát khoát tay, ông run rẩy lấy một tập giấy dày trong ngăn kéo ra, đếm năm tờ rồi đưa cho Tống Tích.
Trong ánh nền lờ mờ, nàng nhìn rõ từng chữ mực trên đó, hoá ra mỗi một tờ là một ngân phiếu trăm lượng bạc trắng.
“Cái này…” Tống Tích mở to hai mắt, ngay đến bạc vụn mà nàng cũng chưa từng được thấy, vậy mà giờ lại được cầm ngân phiếu.
“Nhà người khác đưa sính lễ đến đều là tơ lụa lá chè, còn tiên sinh lại nhét mười tờ ngân phiếu trong cuộn lụa.
Mấy nhà giàu có muốn nhiều tiền như vậy e là còn khó, huống hồ cha của cậu ấy đã từ quan rồi.
Không khó nhận ra rằng tiên sinh thật sự rất để tâm đến con.” Tống Kiêu bùi ngùi nói.
Dưới ánh nến chập chờn, đột nhiên tờ ngân phiếu trong tay nàng cũng trở nên ấm áp.
“Cha và mẹ con không phải bán con gái, cũng không dùng đến số tiền lớn như vậy.
Con cầm trước năm lượng làm tiền phòng thân.
Số còn lại ta và mẹ con sẽ giữ, lỡ sau này có việc gì cần cứ đến lấy là được.”
Mũi Tống Tích cay xè, nàng lắc đầu nói: “Nếu tiên sinh đã đưa cha mẹ thì cha cứ cầm tiêu đi, đỡ phải trồng trọt làm công mà chịu khổ.”
Tống Kiêu nhẹ vỗ vai con gái, “Cha mẹ trồng trọt làm lụng quen rồi, đâu thể nói nghỉ là nghỉ được.
Sau này con về với tiên sinh phải bớt bớt cái tật lại, tuyệt đối không được quậy phá nghe chưa?”
“Dạ.” Tống Tích nâng niu tờ ngân phiếu đặt vào trước ngực.
Tiền bạc không có độ ấm, nhưng sự ấm áp của tiên sinh thì nàng cảm nhận được rất rõ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...