Pasa đã đến ở với gia đình Tiverzin. Cha cậu, Pavel Antipop, mới bị bắt giữ và mẹ cậu, bà Daria Philimonovna, đang nằm nhà thương. Cậu, mặt mũi khôi ngô sáng sủa, tóc nâu, rẽ ngôi thẳng. Cậu chải đầu suốt ngày, chốc chốc lại sửa chiếc áo ngoài cùng chiếc dây lưng có khoá mang dấu hiệu trường cậu đang học. Tính cậu hay cười, đặc biệt có óc quan sát tinh tế. Cậu bắt chước tất cả những gì cậu nghe, nhìn thấy một cách tài tình và khôi hài.
Ít lâu sau khi bản Tuyên ngôn mười bảy tháng Mười được công bố, một cuộc biểu tình lớn được dự tính sẽ đi từ ô Tver đến cửa ô Kaluga. Sáng kiến ấy đúng là theo cái lối "lắm thầy nhiều ma" như người ta thường nói. Mấy tổ chức cách mang tham gia đề xướng vụ đó xảy ra cãi cọ nhau và lần lượt rút lui. Đến ngày ấn định, biết tin dân chúng vẫn đổ ta đường rất đông, họ bèn vội vã cử đại diện của mình đi dự biểu tình.
Mặc dù Tiverzin cố có thể ngăn, bà Marfa vẫn quyết đi dự biểu tình bằng được cùng với cậu bé Pasa vui tính và cởi mở.
Hôm đó là một ngày khô ráo, giá rét vào đầu tháng mười một. Bầu trời yên tĩnh, màu xám chì, lác đác những bông tuyết bay chập chờn trên không trung khá lâu rồi mới rơi xuống đất, biến thành một thứ bụi tơ màu xám, tự lại ở những chỗ trũng trên mặt đường.
Dân chúng lũ lượt kéo đi ngoài đường phố. Toàn thấy hết khuôn mặt này đến khuôn mặt khác, những chiếc áo choàng lót bông, những chiếc mũ lông cừa, các ông già bà cả, học sinh tiểu học và cả trẻ con, các nhân viên sở hoả xa vận đồng phục, công nhân sở xe điện và sở điện báo đi ủng quá gối, mặc áo da ngắn, rồi học sinh trung học và sinh viên.
Người ta hát bài "Cô gái Vacsava" "Hỡi các bạn nạn nhân" và bài "Macxâye". Nhưng đột nhiên người dẫn đầu đoàn biểu tình, từ trước vẫn đi giật lùi, vừa đi vừa vung chiếc mũ trong tay đánh nhịp cho bài hát, nay bỗng đội mũ, ngừng hát, quay lưng lại phía đoàn, rồi vừa đi vừa lắng tai nghe, xem các vị khác trong ban điều hành đang bước bên cạnh nói gì. Tiếng hát bắt đầu chệch choạc rồi im hẳn. Chỉ còn nghe tiếng giầy rầm rập của dòng người đông đảo nện xuống mặt đường băng giá.
Những người có thiện chí báo tin cho ban tổ chức biết rằng bọn lính côdắc đang phục binh ở phía trước. Một hiệu thuốc ở bên đưởng vừa được ty điện thoại báo cho biết điều đó.
Ban tổ chức bàn với nhau: "Trong tình hình này, điều cốt yếu là phải bình tĩnh, đừng hoảng hết. Phải chiếm ngay một công thụ nào đó gần đây nhất, loan báo cho bà con biết tình thế nguy hiểm đang đe doạ, sau đó giải tán từng người một".
Họ tranh cãi xem chỗ nào thuận tiện nhất. Người đề nghị lấy trụ sở Hội đại lý thương gia, kẻ bảo nên vào trường Cao đẳng kỹ thuật, người thì chọn Trường Thông tin viên quốc ngoại.
Đang lúc còn tranh cãi thì phía trước đã hiện ra một công thự thuận tiện cho việc né tránh chẳng thua gì các địa điểm vừa kể.
Khi đoàn biểu tình tới chỗ ấy, mấy vị lãnh đạo bước lên cái thềm cao hình bán nguyệt và giơ tay làm hiệu cho tốp người đi đầu dừng lại. Các cánh cửa vào đều được mở rộng, và toàn bộ đoàn biểu tình ồ ạt theo nhau kéo vào khu tiền sảnh của ngôi trường và bắt đầu đi lên cầu thang chính.
- Vào hội trường, vào hội trường!
Có mấy tiếng kêu to như thế ở phía sau, nhưng đám đông cứ ùa đi và tản mát dần trong các hành lang, các lớp học.
Sau khỉ đã gọi được họ trở lại và mọi người đã ngồi trong hội trường, ban điều hành cố nói đi nói lại mấy lần cho bà con biết có cuộc phục kích ở phía trước, nhưng chẳng ai chịu nghe.
Dân chúng tưởng ban tổ chức đưa họ vào trường là để dự một cuộc mít tinh bất ngờ, thế là cuộc mít tinh ngẫu hứng nổ ra liền sau đó.
Sau khi đã giậm chân và hát mãi ở ngoài đường rồi, bà con muốn được ngồi yên nghỉ ngơi một lát, họ muốn bây giờ có ai đó hò la thay cho họ. Hài lòng vì được ngồi nghỉ, họ chẳng buồn để ý đến những dị biệt nho nhỏ trong lời lẽ của những diễn giả hầu như nhất trí với nhau về mọi việc.
Bởi thế diễn giải được tán thưởng nhất lại là diễn giả kém cỏi nhất, bởi ông ta không bắt thính giả phải mệt óc lắng nghe ông ta. Mỗi lời nói của ông ta đều được cử toạ hưởng ứng nhiệt liệt Chả ai phàn nàn rằng những tiếng ồn ào đó át cả lời lẽ của ông ta. Họ nóng ruột, nên họ nhanh nhẩu đồng ý tất cả với ông ta, họ hô "Thật là nhục nhã", họ thảo ngay một bức điện phản đối, rồi đột nhiên, vì đã chán nghe tiếng nói đều đều của ông ta, trăm người như một bỗng đứng dậy, quên biến cả diễn giả, người này kế người khác, tốp này kế tốp khác, họ dồn ta cầu thang đi xuống và ùa cả ra phố. Cuộc biểu tình lại tiếp diễn.
Trong lúc họp mít tinh, ngoài trời tuyết bắt đầu rơi xuống nhiều hơn, phủ trắng đường phố mỗi lúc một dày.
Bọn kỵ binh đã xông tới khá đông, mà những hàng đi sau vẫn chẳng hay biết. Đột nhiên, từ những hàng đầu lan đi tiếng la hét mỗi lúc một to. Những tiếng thét: "Cứu tôi với", "quân giết người" và vô số âm thanh khác hoà thành tiếng ồn ào khó tả. Ngay lúc đó, giữa làn sóng các tiếng kêu ấy, một con đường hẹp được mở ra trong đám đông và những cái mõm ngựa, bờm ngựa, những tên kỵ binh đang vung gươm, lao qua vùn vụt. Một nửa trung đội đã phi ngựa suốt từ hàng đầu xuống hàng cưối của đoàn biểu tình, rồi chúng cho ngựa quay đầu, chỉnh lại hàng ngũ, xông tới. Cuộc đàn áp bắt đầu.
Mấy phút sau, đường phố đã gần như vắng tanh. Dân chúng chạy tản vào các hẻm. Tuyết rơi thưa dần. Buổi chiều hôm đó cảnh trời trông khô khẳng như một bức vẽ bằng than.
Bỗng dưng mặt trời đang lặn khuất đâu đấy sau các toà nhà, chợt ló ra như giơ tay chỉ những vết đỏ trên đường phố những chiếc mũ đỏ của bọn kỵ binh, những mảnh cờ đỏ bị rơi, những vệt máu chạy dài hoặc tự lại từng đám trên tuyết.
Ở mép đường, một người bị bể sọ đang rên rỉ, chống tay cố lê đi. Từ phía đưới, một tốp kỵ binh xếp thành hàng đang thủng thẳng tiến lên, chúng trở lại sau khi đuổi theo đám biểu tình đến tận cuối phố.
Bà Marfa chạy tất tưởi, chiếc khăn vuông quấn đầu tụt ra sau gáy, miệng gọi thất thanh gần như ngay dưới chân lũ ngựa: "Pasa! Pasa ơi!"
Pasa lúc nào cũng đi cạnh bà và pha trò vui, bắt chước rất tài cử chỉ của vị diễn giả cuối cùng. Thế mà lúc bọn kỵ binh lao tới, cậu đã biến đâu mất trong cảnh hoảng loạn.
Giữa lúc ẩu đả, chính bà Marfa cũng bị quật roi ngựa vào lưng. Nhờ chiếc áo bông che bên ngoài, bà không cảm thấy đau, nhưng bà cũng cất tiếng chửi và giơ nắm tay dứ dứ về phía tốp kỵ binh đang đi xa. Bà bực mình vì chúng đang tâm đánh một người già cả như bà trước mặt đám dân lành.
Bà lo lắng nhìn ngược nhìn xuôi khắp phố. May mắn bà đã nhận ra Pasa đang đứng ở vỉa hè phía đối diện. Cậu nép vào góc tường một biệt thự bằng đá xây nhô ra, cạnh một hiệu thực phẩm, cùng với một nhóm người tò mò tình cờ đứng xem.
Một tên kỵ binh đã cho ngựa lên vỉa hè, dùng ngựa dồn họ vào chỗ đó. Thấy người ta hoảng sợ, hắn lại thích thú: Hắn cho ngựa chạy loanh quanh chắn họ, rồi kéo cương để ngựa bước lui, đoạn thong thả cất vó trước cào lên như làm xiếc. Bỗng hắn thấy các bạn hắn đang thủng thẳng trở về, hắn bèn thúc ngựa nhảy mấy bước nhập vào hàng ngũ.
Tốp người bị dồn tản ngay đi. Pasa có nghe bà Marfa gọi, nhưng cậu sợ quá không dám thưa, bây giờ vội chạy đến với bà. Hai bà cháu đi về nhà. Suốt dọc đường bà Marfa luôn miệng lẩm bẩm:
- Những quân sát nhân khốn nạn, bọn giết người chết tiệt. Mọi người đang vui mừng, Sa hoàng đã cho họ tự do, thế mà chúng lại không chịu. Chúng định bôi nhọ, làm trái lời đức vua.
Lúc này bà giận đám kỵ binh, bà tức lây hết thảy thế giới xung quanh, thậm chí cả anh con trai của bà. Trong cơn nóng giận, bà ngỡ rằng toàn bộ chuyện vừa rồi là tại đám bạn bè của Tiverzin bày đặt ra, mấy đứa chúng nó toàn là những thằng đần độn mà cứ làm ra vẻ khôn ngoan sáng suốt.
- Bọn rắn độc! Chúng muốn gì nữa, cái bọn chết tiệt đó? Chẳng hiểu cái gì cả! Chỉ biết toang toang cái mồm và nói năng nhảm nhí! Rồi cả lão bẻm mép ấy. Pasa, cháu bắt chước thằng cha đó cho bà xem nào. Cháu làm thử xem nào… Thôi, thôi, cháu làm cho bà buồn cười vỡ bụng ra được! Đúng, đúng, cháu bắt chước y hệt. Ôi, phu- u- uù, cái con mũi tép này, cái giống ruồi trâu này!
Về đến nhà, bà liền trách mắng anh con trai không ngớt lời, đại ý bà đâu phải là con rút mà một tên lính mặt mẹt ngồi chễm chệ trên con ngựa dám quất roi vàp lưng bà để dạy khôn.
- Ơ hay, mẹ nói gì kỳ vậy, lạy Chúa! Mẹ làm như con là tên sĩ quan kỵ binh hay một tên trùm mật thám không bằng.
Cha Nicolai đang đứng bên cửa sổ thì thấy đám đông xô nhau bỏ chạy. Cha hiểu ngay đó là toán biểu tình đang né tránh sự đàn áp và cha nhìn kỹ ra phía xa, xem có Yuri hoặc ai quen thuộc trong số đó hay không. Cha chẳng nhận nhận ra ai quen, chỉ có một lần cha tưởng như thấy bóng thằng bé con lão Dudorov (tên nó là gì, cha không nhớ nữa), một cậu bé khó bảo, mới đây người ta đã phải gắp một viên đạn ở vai bên trái cho nó, nay nó lại đâm đầu vào chỗ nó không nên tới.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...