Bác Sĩ Zhivago

- Con chó ngoài kia sao sủa dữ vậy? Nên ra xem có chuyện gì. Không dưng vô cớ nó chả sủa thế đâu. Ngừng một chút đã, đồng chí Lidiska, ngậm miệng lại đã nào. Nắm tình hình bên ngoài đã. Tụi cảnh sát có thể ập đến bất cứ lúc nào. Cậu cứ đứng đấy, Ustin. Cả cậu nữa, Sivoblui. Đã có người khác lo việc ấy.

Vị đại diện của trung tâm không nghe thấy vị chỉ huy du kích yêu cầu dừng lời, cứ tiếp tục nói bằng một giọng uể oải, với điệu nói nhanh của người quen diễn thuyết:

- Cái chính sách ăn cướp, sưu thuế, áp bức, giết chóc và tra tấn của chính quyền quân phiệt tư sản hiện nay ở Sibiri phải mở mắt cho những ai đang lầm đường lạc lối. Chính quyền ấy thù địch không chỉ với cả giai cấp nông dân lao động. Nông dân lao động ở miền Sibiri và Ural phải hiểu rằng chỉ có liên minh với vô sản thành thị và anh em binh lính, với bà con dân nghèo ở Kirgizia và Buriat, thì…

Cuối cùng vị đại diện cũng nghe người ta yêu cầu dừng lời ông bèn dừng lại, rút khăn lau mồ hôi mặt, mỏi mệt hạ hai mi mắt sưng húp xuống.

Hai người đứng gần ông nói khẽ:

- Nghỉ một chút đi. Uống nước đi.

Người ta báo với vị chỉ huy du kích đang lo ngại:

- Đồng chí cứ yên tâm. Chả có gì đáng lo. Đâu vào đó cả. Đèn báo hiệu treo trên cửa sổ. Trạm gác, nói theo kiểu gợi hình, đang dán mắt vào không gian. Tôi cho rằng có thể tiếp tục báo cáo. Nói đi, đồng chí Lidiska.

Cuộc họp kín đang diễn ra trong một góc của cái kho củi đã được dọn hết củi. Một đống củi, chất cao tận trần, ngăn phần nhà ấy với cái văn phòng nhỏ và lối ra vào. Nếu có báo động nguy hiểm, những người dự họp sẽ rút xuống hầm bí mật ở dưới sàn và có đường thông ra mấy căn nhà hẻo lánh của hẻm cụt Konstantinov ở đằng sau bức tường tư viện.

Báo cáo viên đội một chiếc mũ vải sơn che một phần mái đầu hoàn toàn hói, có nước da mặt tai tái, nhờn nhợt và bộ râu quai nón đen sì; ông mắc chứng bệnh đổ mồ hôi như tắm. Ông ta thèm thuồng châm mẩu thuốc hút dở trên luồng nóng của ngọn đèn dầu hoả và cúi xem mấy tờ giấy để lộn xộn trên bàn. Ông ta lướt nhanh cặp mắt cận thị, vẻ nôn nóng, dáng diệu như đánh hơi các tờ giấy đó, và nói tiếp bằng giọng uể oải, nhạt nhẽo:

- Khối liên minh ấy giữa dân nghèo thành thị và nông thôn chỉ có thể thực hiện được thông qua các Xô viết. Dù muốn hay không, nông dân Sibiri bây giờ cũng sẽ vươn tới cái mà vì nó, giai cấp công nhân Sibiri đã đấu tranh từ bao lâu nay. Mục tiêu chung của họ là lật đổ ách chuyên chế của bọn đô đốc và bọn ataman bị nhân dân thù ghét, thiết lập chính quyền Xô viết của nông dân và binh lính, bằng một cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang. Trong cuộc chiến đấu với bọn lính đánh thuê của giai cấp tư sản, với bọn sĩ quan, kỵ binh cô-dắc trang bị tận răng, quân khởi nghĩa sẽ phải tổ chức một cuộc chiến tranh dàn thành trận địa đúng bài bản, trường kỳ và kiên quyết.

Ông ta lại dừng lời, lau mồ hôi, nhắm mắt vào. Trái với nội quy, có một người giơ tay đứng dậy, muốn bổ sung nhận xét của mình.

Vị thủ lĩnh du kích, hay nói đúng hơn, vị tư lệnh binh đoàn du kích Kegiem của miền Ngoại Ural, ngồi ngay trước mặt báo cáo viên trong tư thế bất cần, đầy vẻ khiêu khích, thỉnh thoảng lại ngắt lời báo cáo viên một cách bốp chát, chẳng chút nể nang gì hết. Thật khó mà tin được rằng một quân nhân trẻ măng, gần như một cậu bé ấy lại đang chỉ huy cả mấy đạo quân tương đương sư đoàn, quân đoàn và được người ta tuân lệnh răm rắp, kính nể thực lòng. Tay chân anh ta đều được ủ trong hai vạt áo capốt kỵ binh, vai áo anh ta còn mang vết đậm, - dấu vết của cầu vai thiếu uý đã tháo bỏ.

Đứng hai bên anh ta là hai anh chàng lực lưỡng trong tổ vệ sĩ cùng trạc tuổi với anh ta. Họ mặc loại áo lông cừu ngắn, viền da cừu xoăn xoăn, trước kia nguyên là màu trắng, nay đã kịp ngả sang màu xam xám. Khuôn mặt đẹp lạnh như đá của họ không biểu hiện thái độ gì hết, ngoài lòng trung thành mù quáng đối với vị chỉ huy và tinh thần sẵn sàng nhảy vào lửa vì anh ta. Họ không quan tâm đến cuộc họp, đến các vấn đề được đem ra bàn luận, họ không nói cũng chẳng cười.

Ngoài mấy người vừa kể, trong nhà kho còn có mươi mười lăm người nữa. Kẻ đứng, người ngồi dưới sàn, duỗi dài chân hoặc bó gối, lưng dựa vào tường và các thân cây tròn tròn ghép vào nhau trên vách.

Mấy chiếc ghế được dành cho các vị khách danh dự. Đó là ba, bốn bác thợ già từng tham gia cuộc cách mạng 1905, trong đó có Tiverzin, một người có vẻ mặt cau có, đã thay đổi diện mạo rất nhiều so với hồi ở Moskva, và ông bạn cố tri luôn luôn tán đồng ông là ông già Antipop. Hai vị này được tôn lên hàng thần thánh, mà dưới chân họ cuộc cách mạng đặt tất cả các tặng vật và nạn nhân của mình. Họ ngồi im như những bức tượng mà sự tự phụ chính trị đã xoá đi hết mọi biểu hiện sống động của con người.

Ở đây còn có các nhân vật đáng chú ý, như Vdovichenko Cờ Đen, cột trụ của chủ nghĩa vô chính phủ ở Nga. Anh này không một phút ngồi yên, cứ hết đứng dậy lại ngồi phệt xuống sàn, hết đi tới đi lui lại dừng chân giữa nhà. Một anh chàng khổng lồ béo mập, đầu to, miệng lớn, mái tóc như bờm sư tử, thuộc loại sĩ quan trong chiến tranh Nga - Nhật, một người mơ mộng, suốt đời chìm đắm trong những ý tưởng ngông cuồng của mình.

Do bản tính đôn hậu vô bờ bến và tầm vóc khổng lồ, một tầm vóc cản trở anh ta lưu tâm tới những hiện tượng có kích thước nhỏ bé hơn, nên anh ta không thật chú ý đến diễn biến cuộc thảo luận, và do ngộ nhận tất cả, nên anh ta cứ tưởng mọi ý kiến đối lập là ý kiến của chính mình, thành thử anh ta tán thành với hết thảy mọi người.

Bên cạnh anh ta, ngồi trên sàn là Svirit, một thợ săn chuyên đặt bẫy thú trong rừng, là người quen của Cờ Đen. Tuy Svirit không làm nghề cày cuốc, nhưng cái cốt cách nông dân của anh ta vẫn lộ ra qua nẹp cổ của chiếc áo sơ-mi bằng dạ dẫm, mà anh ta cọ thành một cục với cây thánh giá đeo nơi cổ để cọ đi cọ lại vào người và gãi gãi ngực. Đó là một anh chàng mu-gích lai Buriat(1), không biết chữ, rất tốt bụng, tóc tết thành từng lọn nhỏ, ria lưa thưa và cằm chỉ lún phún vài sợi râu. Nét dáng Mông Cổ làm già khuôn mặt của anh ta, một khuôn mặt lúc nào cũng cười cười thông cảm.

Báo cáo viên là người phải đi một vòng Sibiri để phổ biến Chỉ thị quân sự của Uỷ ban Trung ương. Ông ta đang để cho các ý nghĩ chu du đến các khoảng không gian bao la mà ông ta sẽ tới Đối với đa số cử toạ, ông ta tỏ vẻ thờ ơ. Nhưng vốn có đầu óc cách mạng và duy dân đến cùng cực, ông say đắm nhìn vị chỉ huy du kích trẻ măng đang ngồi đối diện với ông. Ông chẳng những tha thứ cho cậu bé tất cả những sự thô lỗ của cậu ta, những sự thô lỗ mà ông nghĩ là biểu hiện của chất cách mạng kín đáo sâu xa, ông còn say mê tiếp nhận thái độ xấc xược của cậu ta với sự nồng nàn của một người đàn bà đa tình dón nhận thái độ ngổ ngáo của người tình đầy quyền uy.

Vị thủ lĩnh du kích là Liveri, con trai của Miculisyn, báo cáo viên do Trung ương cử đến là Kostet - Amuaski, cựu thành viên phong trào hợp tác lao động, xưa kia đứng về phía các nhà xã hội cách mạng. Thời gian gần đây, ông đã kiểm thảo lại các lập trường của mình, thừa nhận những sai lầm trong cương lĩnh hành động của mình, viết mấy bản sám hối khá tỉ mỉ, và chẳng những được kết nạp vào Đảng cộng sản, mà sau khi được kết nạp ít lâu, còn được cử đi làm nhiệm vụ quan trọng này.


Người ta giao phó công tác này cho ông, một người hoàn toàn không phải là quân nhân, vì họ tôn trọng thâm niên cách mạng của ông, tôn trọng những năm tù đày gian nan của ông, cũng còn vì họ dự kiến rằng, vốn là một cựu thành viên phong trào hợp tác, hẳn ông phải nắm vững tâm trạng quần chúng nông dân vùng Sibiri, một nơi đang có nhiều cuộc khởi nghĩa.

Trong vấn đề này, vốn hiểu biết mà người ta cho là hẳn ông phải có ấy còn quan trọng hơn các kiến thức quân sự.

Sự thay đổi các niềm tin chính trị đã làm cho người ta khó nhận ra ông. Nó làm thay đổi cả diện mạo bên ngoài, cả phong thái và cử chỉ của ông. Không ai nhớ là hồi xưa ông từng hói đầu vào có bộ râu quai nón cả. Có lẽ tất cả chỉ là sự cải trang chăng? Đảng chỉ thị cho ông phải giữ bí mật tuyệt đối. Bí danh của ông là Berendei và đồng chí Lidiska.

Khi tiếng ồn ào nổi lên sau lời tuyên bố không đúng lúc của Vdovichenko tán thành các điểm vừa dọc của Chỉ thị, đã lắng hẳn xuống, Kostet mới đọc tiếp:

- Để thâu tóm đầy đủ thêm chừng nào hay chừng ấy sự phát triển của phong trào nông dân, phải ngay lập tức liên hệ với tất cả những đơn vị du kích đang hoạt động trong địa hạt của Đảng bộ tỉnh.

Tiếp đó, Kostet nói về việc bố trí các buổi họp kín, các ám hiệu, mật mã và cách thức liên lạc. Kế đó, ông lại chuyển sang các chi tiết cụ thể…

Cần thông báo cho các đơn vị biết, ở những địa điểm nào có kho vũ khí, quân trang và lương thực của các cơ quan và tổ chức bạch vệ, ở đâu chúng cất trữ kho bạc và hệ thống canh phòng tại đó.

Cần soạn thảo thật tỉ mỉ, đầy đủ từng chi tiết, các vấn đề về tổ chức nội bộ ở các đơn vị, về cấp chỉ huy, về kỷ luật hiệp đồng chiến đấu, về công tác bảo mật, về sự liên lạc của các đơn vị với thế giới bên ngoài, về quan hệ với nhân dân địa phương, về toà án quân sự cách mạng dã chiến, về chiến thuật phá hoại trong vùng địch, chẳng hạn việc phá huỷ cầu cống, đường xe lửa, tàu thủy, xà lan, nhà ga, xưởng máy, với các phụ tùng kỹ thuật trạm điện báo, hầm mỏ, đồ ăn.

Liveri đã cố kiên nhẫn ngồi nghe, bây giờ hết chịu nổi.

Anh ta cảm thấy tất cả những chuyện ấy là trò ba hoa của một kẻ không ở trong nghề, chẳng dính dáng gì đến công việc. Anh ta nói:

- Một bài diễn thuyết hay tuyệt. Tôi cố nhớ nằm lòng, khéo phải chấp nhận tất cả những cái ấy, không bàn cãi lôi thôi, mới mong được Hồng quân cho dựa dẫm.

- Dĩ nhiên.

- Vậy tôi phải làm gì, thưa cô Lidiska(2) xinh đẹp, với các bản quay cóp trẻ con của đồng chí, khi mà, mẹ kiếp, lực lượng của tôi, gồm ba trung doàn, kể cả pháo binh và kỵ binh, đã chiến đấu từ lâu và đang làm cho quân địch vãi đái ra?

"Tuyệt vời! Thế mời là lực lượng hùng mạnh chứ!" -

Kostet nghĩ thầm!

Tiverzin lên tiếng ngắt lời hai người. Ông không ưa cái lối ăn nói thô lỗ của Liveri. Ông nói:

- Xin lỗi đồng chí báo cáo viên. Tôi chưa rõ. Có lẽ tôi ghi sai một điểm của bản chỉ thị. Để tôi đọc lại xem mình đã ghi đúng chưa: "Sẽ rất tốt, nếu đưa vào Đảng bộ những cựu binh từng chiến đấu ở mặt trận trong thời gian cách mạng và từng có chân trong các tổ chức của anh em binh sĩ. Nên có trong thành phần Đảng bộ một hoặc hai sĩ quan và cán bộ kỹ thuật quân sự" Tôi chép như thế có đúng không, thưa đồng chí Kostet?

- Đúng. Đúng không sai một chữ.

- Trong trường hợp ấy, tôi xin phép nêu một nhận xét như sau. Cái điểm nói về các chuyên viên quân sự này khiến tôi lo ngại. Chúng tôi, những công nhân tham gia cuộc cách mạng chín trăm lẻ năm, chúng tôi không quen tín nhiệm quân dội. Bọn phản cách mạng bây giờ cũng chui vào đó.

Nhiều người nhao nhao:

- Đủ rồi! Quyết định đi! Quyết định đi thôi! Đến giờ giải tán hội nghị rồi! Muộn rồi!


- Tôi tán thành ý kiến đa số. - Vdovichenko xen vào với cái giọng trầm vang như sấm. - Nếu theo ngôn ngữ thi ca, thì nó là thế này. Các quy chế dân sự phải mọc từ dưới lên, trên cơ sở dân chủ, như cây được trồng dưới đất và bén rễ. Không nên dội từ trên xuống như đóng cọc hàng rào. Đó chính là sai lầm của nền chuyên chính Giacôbanh, dần đến chỗ Quốc ước hội nghị phe Tháng Nóng đè bẹp.

- Điều đó rõ như ban ngày, - Svirit ủng hộ anh bạn bôn ba phiêu dạt của mình. - Một đứa con rút cũng hiểu điều đó. Phải nghĩ đến vấn đề ấy sớm hơn, chứ bây giờ thì muộn rồi. Bây giờ việc của chúng ta là đánh, đánh tới số. Rạp người xuống mà xông lên, không lẽ đã làm rùm beng lên, rồi lùi lại hay sao? Đã trót thì trét đã nhảy xuống sông thì đừng có la chết chìm.

- Quyết nghị đi! Quyết nghị thôi! - Tiếng đòi hỏi nổi lên tứ phía. Mọi người còn thảo luận một chặp nữa, nhưng câu chuyện mỗi lúc một rời rạc, ông nói gà, bà nói vịt, và rạng đông mới bế mạc cuộc họp. Mọi người tản ra về từng người một để đề phòng bất trắc.

Trên đường cái quan, có một địa điểm đẹp mắt nằm dọc một đoạn dốc, nơi dòng sông nhỏ chảy xiết Paginca ngăn cách hai làng: làng Kuteinyi Posat ở phía trên và làng Malyi Ermolai nhiều màu sắc trải dài xuống thung lũng bên dưới. Ở Kuteinyi, người ta đang tiễn tân binh lên đường nhập ngũ. Ở Malyi Ermolai, ban trưng binh do đại tá Streze cầm đầu đang tiếp tục công việc gọi thanh niên của làng đó, và mấy xã lân cận đăng lính, một công việc bị gián đoạn trong dịp lễ Phục Sinh. Để bảo đảm kết quả bắt lính, cảnh sát kỵ binh và lính Cô-dắc được điều đến làng này.

Năm nay, lễ Phục Sinh đến muộn và mùa xuân đến sớm hơn lệ thường. Hôm nay là một ngày êm ả và ấm áp, ngày thứ ba của tuần Phục Sinh. Ở làng Kuteinyi, các bàn tiệc tiễn đưa tân binh được kê ở ngoài trời, ven đường cái quan để khỏi làm cản trở xe cộ qua lại. Các bàn ăn kê sát vào nhau, không được thẳng hàng cho lắm, trên phủ các tấm khăn trắng rủ xuống sát đất trông như một khúc ruột dài lệch lạc.

Tiệc thiết đãi tân binh do dân làng đóng góp. Chủ yếu là những đồ ăn còn lại của lễ Phục Sinh, hai cái đùi lợn xông khói, mấy chiếc bánh bơ to, hai, ba chiếc bánh ngọt. Suốt chiều dài dãy bàn có bày các đĩa nấm muối, dưa leo, dưa bắp cải, các đĩa đựng những lát bánh mì cắt to tường theo kiểu nhà quê, các đĩa đầy tú hụ những quả trứng luộc tô nhiều màu sắc, phần lớn là màu hồng và màu xanh. Xung quanh cái bàn, trên mặt cỏ non vứt rải rác các vỏ trứng mặt ngoài màu xanh và hồng, mặt trong màu trắng.

Những chiếc sơ-mi của các chàng trai, hé lộ ra ngoài áo vét, có màu xanh và màu hồng. Áo váy của các cô gái cũng đồng màu như thế Trời màu xanh. Những áng mây hồng trôi lờ lững và nhịp nhàng tựa hồ bầu trời cũng đang trôi theo chúng.

Vlat Pakhomovich Galudin cũng mặc áo sơ mi màu hồng, thắt sát vào người bằng chiếc dây lưng lụa. Từ trên thềm gỗ cao của ngôi nhà Papnutkin nằm trên một quả đồi nhỏ, lão ta chạy xuống chỗ bàn tiệc, gót giày đập cồm cộp, hai chân lẳng qua lẳng lại; rồi lão ta bắt đầu diễn thuyết.

- Hỡi anh em thanh niên trai tráng, cốc rượu mạnh do bà con ta nấu lấy này, tôi xin uống cạn thay ly rượu sâm-banh để chúc mừng các bạn trẻ. Kính chúc các bạn trẻ trường thọ! Kính thưa quý vị tân binh! Tôi sẽ còn kính chúc quý vị trong nhiều dịp khác và hoàn cảnh khác. Xin các anh chú ý. Con đường thập giá đang trải dài tít tắp trước mắt các bạn là con đường xả thân bảo vệ tổ quốc khỏi những quân cưỡng đoạt đang nhuộm đỏ xứ sở ta bằng máu của những người anh em. Nhân dân ôm ấp giấc mộng được hưởng các thành quả cách mạng, nhưng cái đảng Bolsevich, tay sai của tư bản ngoại bang, đã giải tán Hội nghị Lập hiến, mơ ước thiêng liêng của nhân dân, bằng bạo lực của lưỡi lê, và máu những người vô tội đang chảy thành sông.

Hỡi các bạn trẻ sắp lên đường tòng chinh! Hãy đề cao hơn danh dự đã bị nhục mạ của vũ khí Nga, chúng ta mắc nợ rất nhiều trước những bạn đồng minh trung thành của chúng ta, chúng ta nhục nhã xiết bao khi thấy nước Đức và nước áo lại ngóc đầu lên ngạo mạn nhờ lợi dụng bọn Đỏ. Thượng Đế phò trợ chúng ta, hỡi các bạn!

Lão Galudin còn nói nữa, nhưng tiếng hoan hô và tiếng đòi công kênh lão ta đã át lời lão. Lão ta đưa cốc rượu lên môi và thong thả nhấp từng ngụm thứ chất lỏng đục lờ lờ và cay xè ấy. Món rượu ấy chẳng đem lại chút thích thú gì cho lão ta. Lão ta đã quen uống những loại rượu vang tinh khiết, ngon lành Nhưng ý thức về sự hy sinh cho xã hội khiến lão ta thoả mãn tràn trề.

- Bố cậu đúng là một con chim ưng! Diễn thuyết nghe sướng cả tai! Lão nghị viên Miliukov xách dép không đáng!

- Goska Riabyc nói với Teresa Galudin ngồi bên cạnh là bạn của gã và là con trai của lão Galudin, bằng một giọng lè nhè say rượu giữa những tiếng ồn ào lè nhè khác. - Bố cậu đúng là chim ưng. Rõ ràng ông cố gắng là có chủ ý cả đấy. Ông muốn uốn ba tấc lưỡi chạy cho cậu thoát khỏi phải đi lính đó.

- Mày nói vớ vẩn! Không biết xấu hổ à, Goska! Thế cũng đòi mở miệng. "Chạy cho thoát phải đi lính". Tao với mày sắp bị gọi cùng một ngày, thế mà mày bảo là chạy chọt à. Sẽ được xếp vào một đơn vị. Chúng nó đã đuổi học tao, lũ chó má. Mẹ tao héo hắt ruột gan. Cái cần phải tránh là đừng để bị sung vào đơn vị tình nguyện. Mình ra đi như lính thường thôi. Còn về tài diễn thuyết của bố tao thì khỏi phải nói. Bậc thầy đấy. Cái chính là nhờ đâu? Tài bẩm sinh, mày hiểu chưa. Ông già có được học hành tử tế bao giờ đâu.

- Cậu biết chuyện thằng Sanka Papnutkin chưa?

- Biết. Có đúng nó bị lây cái bệnh ấy không?

- Nó sẽ mang cái bệnh ấy suốt đời. Sẽ hao mòn dần mà chết. Cũng tại nó cả. Đã bảo là đừng có đến chỗ ấy. Tựu trung phải biết nên đi lại với con nào chứ.

- Thế bây giờ nó ra làm sao?

- Bi đát lắm. Nó đã định tự tử. Hiện nay, nó đang bị khám bệnh ở ban trưng binh bên làng Ermolai. Chắc họ sẽ bắt nó đi lính Nó bảo nó sẽ gia nhập du kích. Để trả thù những căn bệnh xấu xa của xã hội.


- Goska này, mày bảo nó lây bệnh. Nhưng nếu nó không đến chỗ ấy, thì có thể sẽ mắc cái bệnh khác.

- Tớ biết cậu muốn nói gì rồi. Chắc cậu có kinh nghiệm bản thân rồi chứ gì? Món đó không phải bệnh tật, mà là một cái tội đấy.

- Tao thì tao đấm vào mõm mày bây giờ, Goska! Đừng có nói xấu bạn, đồ ăn gian nói dối khốn kiếp!

- Tớ nói giỡn tí mà, thôi, cho qua đi. Để tớ kể cho cậu nghe chuyện này. Tớ vừa rồi có sang chơi bên trấn Paginsck. Ở đó có một diễn giả đến giảng một bài về "Giải phóng cá nhân". Hay ơi là hay. Tớ thích món ấy lắm. Mẹ kiếp, tớ sẽ theo phái vô chính phủ. Ông ta bảo: sức mạnh ở trong lòng chúng ta. Giới tính và tính nết, ông ta bảo, là sự thức tỉnh của điện động vật. Sao? Đúng là thần đồng. Nhưng tớ uống nhiều quá rồi. Xung quanh họ ồn ào quá, chả nghe thấy gì nữa, điếc cả tai. Tớ không chịu nổi nữa, cậu đừng nói; Teresa. Kìa, tớ bảo cậu khoá mõm lại cơ mà, đồ con lừa, đồ bám váy mẹ, câm đi!

- Nghe đây, Goska, mày hãy trả lời tao một câu này nữa thôi Tao chưa nghe thông tất cả những chữ nói về chủ nghĩa xã hội. Chẳng hạn chữ "kẻ phá hoại". Nghĩa là gì hở mày?

- Tao thì tao thừa sức giảng cho mày nghe những chữ ấy, nhưng mà tao đã bảo tao xỉn rồi, để tao yên đi, Teresa. Kẻ phá hoại nghĩa là kẻ nhập bọn với những đứa khác. Nếu bảo mày là kẻ phá hoại, tức thị mày là đồng bọn với những đứa khác. Hiểu chưa, đồ ngốc?

- Tao cũng nghĩ đây là một câu chửi. Còn về khoản sức điện thì mày nói đúng. Tao đã tính gửi mua ở Petersburg một cái dây lưng điện theo như lời chào hàng. Để tăng sức hoạt động. Mua theo kiểu lĩnh hoá giao ngân ấy mà. Thình lình xảy ra cuộc đảo chính mới. Chả còn bụng dạ nghĩ đến dây lưng nữa.

Teresa chưa nói dứt. Các giọng nói say rượu lè nhè bị át hẳn bởi một tiếng nổ vang rền ở gần đâu đây. Trong chốc lát, tiếng huyên náo quanh dãy bàn ăn im bặt. Một phút sau nó lại nổi lên loạn xạ hơn. Một phần tử cử toạ hấp tấp đứng dậy.

Những kẻ tỉnh hơn thì còn đứng vững. Những kẻ khác thì loạng choạng cố bước đi, nhưng không cất bước nổi, lảo đảo ngã chổng kềng xuống gầm bàn và lập tức ngáy khò khò. Cánh đàn bà kêu rú lên. Thật là nhốn nháo, quân hồi vô phòng.

Galudin ném cái nhìn sang hai bên để tìm thủ phạm. Thoạt tiên lão ta nghĩ rằng tiếng nổ xảy ra ở trong làng Kuteinyi, ngay gần đây, thậm chí sát dãy bàn ăn. Gân cổ lão nổi lên, mặt đỏ tía tai, lão hét váng lên:

- Thằng Judas nào trà trộn vào hàng ngũ chúng ta để gây rối đấy? Thằng chó đẻ nào nghịch lựu đạn thế hả? Dù nó là con tôi tôi cũng sẽ bóp cổ nó, quân rắn độc! Thưa quý vị, chúng ta sẽ không chấp nhận cái trò đùa giỡn kiểu ấy! Tôi yêu cầu mở cuộc lùng xét. Ta hãy vây quanh làng Kuteinyi! Tóm cổ tên xách động! Chớ có để thằng chó đẻ ấy tẩu thoát.

Thoạt đầu người ta còn nghe lão nói. Sau đó sự chú ý của mọi người chuyển về phía có một cột khói đen đang từ từ bốc lên cao từ trụ sở hành chính xã tại làng Malyi Ermolai. Ai nấy đổ xô ra chỗ bờ khe để nhìn xuống, xem dưới kia có chuyện gì.

Từ trong trụ sở đang bốc cháy, chạy ra mấy tân binh không quần áo ngoài, một cậu trong bọn chỉ xỏ vội được chiếc quần xà lỏn, chân không giày, kế đó là đại tá Streze cùng mấy quân nhân của ban trưng binh làm nhiệm vụ khám sức khỏe. Đám kỵ binh và cảnh sát tay vung súng ngắn, rạp mình trên những con ngựa đang ưỡn thân phi nhân như các con rắn uốn éo, chạy khắp ngả trong làng. Chúng đang săn lùng kẻ nào đó.

Rất nhiều người đang chạy sang làng Kuteinyi. Tiếng chuông báo động từ trên tháp chuông tu viện dồn dập đuổi theo họ.

Sự việc sao đó diễn biến cực kỳ mau lẹ. Lúc trời gần tối, đại tá Streze cùng đám lính cô-dắc xông lên làng Kuteinyi để tiếp tục lùng bắt. Chúng cắt lính bao vây xung quanh làng rồi xộc vào từng nhà, từng trang trại.

Một nửa người dự tiệc lúc này vẫn say bí tỉ, đang nằm ngủ khò khò, đầu gục xuống mép bàn hoặc nằm ngổn ngang dưới gầm bàn. Khi hay tin cảnh binh xông vào làng, thì trời đã tối hẳn.

Để thoát bọn cảnh binh, một đám thanh niên chạy biến về ngả cuối làng, rồi họ chen lấn xô đẩy nhau để chui xuống gầm một nhà kho đầu tiên họ bắt gặp, qua cái cửa kho thấp dưới mặt đất. Vì trời tối, họ chẳng hiểu đây là nhà kho của ai, nhưng căn cứ vào mùi cá và dầu hôi, thì chắc đây là kho của hợp tác xã tiêu thụ.

Đám thanh niên đi trốn này chả có lầm lỗi gì hết. Họ bỏ trốn là do lầm tưởng. Đa số làm thế vì vội vã hấp tấp, vì đang say rượu nên chả hiểu đầu của tai nheo ra sao. Một số có quan hệ quen biết với những người mà họ tưởng rằng đang bị chê trách và có thể gây hại cho họ. Bây giờ mọi chuyện đều mang màu sắc chính trị. Sự nghịch ngợm và quấy phá ở vùng Xô viết bị coi là dấu hiệu phần tử Trăm Đen(3), còn ở vùng bạch vệ thì bị coi là dân bolsevich. Thì ra, đã có những người khác chui vào trốn ở đây trước họ. Khoảng trống giữa mặt đất và sàn kho đã đầy người.

Những thanh niên làng Kuteinyi thì say mềm, đang nằm gáy khò khò, chốc chốc lại nghiến răng ken két, rên rỉ trong giấc ngủ, hoặc đang ngồi nôn thốc nôn tháo. Dưới kho tối như hũ nút, ngạt thở và vô cùng hôi hám. Những người chui vào sau cùng vội lấy đất đá bít cửa lại để bên ngoài khỏi phát giác chỗ ẩn nấp của họ. Lát sau, tiếng ngáy, tiếng rên chấm dứt hẳn.

Yên lặng hoàn toàn. Ai nấy đã ngủ yên. Chỉ trong một góc kho còn tiếng thì thào của hai gã thanh niên sợ mất mật là Teresa Galudin và Koska Nekhvalenyk, con trai một phú ông bên làng Ermolai, một gã du đãng.

- Đừng có bô bô cái mồm như thế, đồ nhãi ranh, mày định giết chết cả lũ chúng tao hả? Mày có nghe thấy bọn lính của Streze đang lùng sục ngoài kia không? Chúng nó đã từ cuối làng vòng lại, đang dàn hàng ngang mà tìm, sắp đến cái kho này rồi. Đó, chúng nó đấy. Giả chết đi, rún thở lại, tao thì bóp cổ này bây giờ! Thôi, xong rồi, hên cho mày đó, chúng nó đi xa rồi. Rút về rồi. Thế mày mò đến đây làm cái khỉ mốc gì vậy? Cứ phải theo đuôi những người khác mới được à? Có đứa nào động đến mày đâu?

- Tôi nghe thằng Goska trốn đã đành. Cả gia đình nó đang bị để ý, bị nghi ngờ. Nó có họ hàng ở Khodatscoie. Làm thợ cả, gốc gác thợ thuyền mà lại. Nằm im, đồ ngu, đừng có cựa quậy.

Chúng nó phóng uế, ói mửa lung tưng cả xung quanh. Mày mà nhúc nhích, chạm phải, thì mày sẽ làm dính sang cả tao. Mày không ngửi thấy mùi hôi thối sặc sụa đấy à. Có biết tại sao Streze lục soát khắp làng không? Lão ta tìm bắt cái bọn ở trấn Paginsck trốn về đây đấy.

- Đầu đuôi câu chuyện thế nào, hở Koska?


- Tại cái thằng Sanka nhà Papnutkin mà ra cả. Bọn tao đang đứng xếp hàng, trần như nhộng, để khám sức khỏe. Đến lượt thằng Sanka. Nó không chịu cởi quần áo. Nó mới uống rượu ở đâu về. Nó đến trụ sở với bộ dạng say mèm. Viên thư ký góp ý với nó, bảo nó: "Anh hãy cởi quần áo ra". Lịch sự. Gọi nó bằng "anh" tử tế. Viên chức quân đội mà lại. Thế mà thằng Sanka đốp lại: "Tao đếch cởi. Tao cóc muốn khoe của quý với mọi người". Làm như nó mắc cỡ lắm không bằng. Đoạn nó xích gần tới bên hông viên thư ký, làm như chả có chuyện gì, rồi bất ngờ - pập! Nó giáng một quả đấm tống vào quai hàm thằng cha kia. Đúng thế. Mày biết không, chưa ai kịp chớp mắt, nó, thằng Sanka ấy, nó cúi xuống, chộp cái chân bàn và, - hấp! nó lật nhào cái bàn cùng với hết thảy các thứ ở trên như bút mực, các bảng danh sách! Lão Streze từ cửa trụ sở quát to vào: "Tôi không tha thứ những trò côn đồ! Tôi sẽ cho các anh biết thế nào là một cuộc cách mạng không đổ máu, thế nào là coi thường pháp luật ở địa điểm trưng binh. Thằng chủ mưu đâu?"

Lúc ấy Sanka chạy ra phía cửa sổ, miệng kêu to: "Khốn rồi, lượm đồ trốn thôi! Ở đây thì chết cả đám, anh em ơi!". Tao vơ vội quần áo, vừa chạy vừa mặc đồ, theo sau Sanka. Nó đấm vỡ cửa kính, vọt ngay ra đường, đố ai đuổi kịp đấy. Tao lao theo. Thêm mấy đứa nữa, bọn tao vắt chân lên cổ mà chạy. Tụi lính lao ra đuổi theo. Mày hỏi đầu đuôi câu chuyện thế nào ấy à? Đếch thằng nào biết đâu.

- Còn trái bom?

- Bom gì?

- Đứa nào ném bom? Ơ hay, không bom thì lựu đạn vậy?

- Trời đất, mày tưởng tụi tao ném không bằng?

- Thế thì ai ném?

- Làm sao tao biết được? Chắc một đứa nào khác. Nó thấy tất cả loạn ngậu xị, nó nghĩ, ừ, thì cho cả xã nổ tung lên chơi cho vui. Họ sẽ chẳng ngờ đến mình. Có lẽ một cha chính trị phạm nào đó. Đám chính trị phạm từ Paginsck ấy, bọn họ ở đây nhan nhản ra đó. Suỵt, im mày! Có tiếng người. Nghe thấy chưa, tụi lính của Streze quay lại. Đúng rồi, thôi chết cả lũ rồi. Tao bảo mày im cái mõm kia mà.

Tiếng người đến gần hơn. Tiếng ủng nghiến kèn kẹt. Tiếng đinh thúc ngựa lịch bịch.

- Ông đừng cãi. Không ai đánh lừa được ta. Ta không phải kẻ ngu cho đứa khác lừa. Rõ ràng ta nghe có tiếng chúng nó nói chuyện đâu đây, - giọng nói Petersburg của viên đại tá vang lên dõng dạc, nghe rất oai.

- Thưa ngài, rất có thể ngài tưởng là nghe thấy đấy thôi, - Ông già Otviagistin, một người chuyên chế biến cá, làm lý trưởng bên làng Ermolai, nói để viên đại tá nguội đi. - Ngài nghe có tiếng người là phải thôi, vì ta đang ở giữa làng chứ đâu phải ở ngoài bãi tha ma. Rất có thể người ta nói chuyện thật. Trong các gia đình chả lẽ mọi người cứ câm miệng cả à. Cũng có thể ai đó đang ú ớ vì nằm mơ bị ma xó đè.

- Thôi thôi ta sẽ cho các người biết thế nào là giả bộ quê mùa dốt nát! Ma xó! Làng các người sa sút tinh thần lắm. Các người cứ giả bộ ngờ nghệch đi, đến lúc cách mạng thế giới xảy ra thì hối không kịp đâu. Ma xó với chả táo quân!

- Mong ngài đại tá lượng tình cho. Cách mạng thế giới gì ở cái xó xỉnh này ạ! Dân làng chúng con toàn một lũ dốt đặc cán mai, sống giữa nơi khỉ ho cò gáy. Đến sách lễ họ còn đọc chẳng thông, thì họ biết gì về cách mạng.

Các người đều một giọng lưỡi như thế khi chưa bị bắt quả tang. Phải lục soát toàn bộ khu nhà hợp tác xã tiêu thụ từ trên xuống dưới. Phải lục hết các hòm tủ, phải nhìn kỹ các hầm quầy hàng, khám xét tất cả những kho lán phụ cận.

- Xin tuân lệnh ngài đại tá.

- Phải bắt cho được, dù sống hay chết, mấy tên Sanka, Koska, dù chúng nó có chui xuống dáy biển chăng nữa! Cả thằng Teresa nhà Galudin nữa. Bất kể thằng cha nó đọc ra rả các bài diễn văn ái quốc ái quần. Làm bộ tinh thần cao lắm. Ngược lại là đằng khác. Hắn không ru ngủ được ta. Một gã con buôn đi diễn thuyết, tức là tình hình tồi tệ. Đáng ngờ. Trái lẽ thường. Ta được mật báo cho biết rằng nhà của chúng ở Crestovodvigiensck có che giấu bọn chính trị phạm và các cuộc họp kín. Phải bắt thằng con hắn. Ta chưa quyết định cách xử lý hắn, nhưng nếu phát giác được điều gì phi pháp, ta sẽ thẳng tay treo cổ hắn để làm gương cho kẻ khác.

Bọn lùng sục bỏ đi: Khi chúng đã đi xa hẳn, Koska hỏi Teresa đang sợ gần chết từ nãy đến giờ:

- Nghe rõ chưa?

- Rồi, - Teresa trả lời, giọng lạc hẳn đi.

- Bây giờ tao với mày, với thằng Sanka, thằng Goska chỉ còn mỗi cách là trốn vào rừng. Tao không bảo là mình sẽ ở đây mãi. Cho đến khi nào chúng nguôi đi. Bấy giờ sẽ liệu sau, có thể ta sẽ lại về làng.

Chú thích:

(1) Một dân tộc ít người ở phía Đông hồ Baikan, thuộc miền Đông Sibiri.

(2) Kostet lấy bí danh là tên phụ nữ.

(3) Một tổ chức gồm các phần tử du đãng có vũ trang, chống lại phong trào cách mạng thời kỳ 1905 – 1907


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui