Tôi tên Kim Kim Tiền, còn được gọi là Kim Kim.
Tên thân mật do ông nội đặt là Kim Nguyên Bảo (đĩnh vàng thời xưa).
Biệt danh Báo vàng là do bạn thân Minh Châu đặt cho.
Ba tôi là người đại danh đỉnh đỉnh giàu nhất ở thành phố này: Kim Triệu; mẹ tôi là người đẹp trong giới tư pháp: Tiền Mỹ.
Theo lý thuyết, tôi sinh ra là ngậm thìa vàng, nhưng mà con nhà giàu như tôi có phần hơi thảm.
Từ ba tuổi đến tám tuổi, tôi bị bảo mẫu ngược đãi suốt thời gian dài.
Mấy năm đó ba tôi bận đến mức không về nhà, sự nghiệp của mẹ đang trên đà thăng tiến, bên cạnh tôi chỉ có bảo mẫu.
Nói thế nào nhỉ, có lẽ vì thiếu thốn tình thương và cảm giác an toàn nên tôi đã thật sự xem bảo mẫu như người thân.
Tôi thật sự thích dì bảo mẫu.
Người dì ấy luôn thơm thơm, lúc ôm tôi ngủ sẽ nhẹ nhàng gọi tôi là Tiểu Nguyên Bảo.
“Tiểu Nguyên Bảo thích dì lắm đúng không? Vậy dì sẽ luôn ở bên con được không?
“Tiểu Nguyên Bảo phải nghe lời dì, nếu không dì sẽ rời đi.
Đến lúc đó con không có ba mẹ ở bên, cũng không có dì, rất cô độc đó.”
“Tiểu Nguyên Bảo, dì mặc quần áo của mẹ con có đẹp không?”
“Tiểu Nguyên Bảo, có người bạn rủ con đi chơi, dì từ chối giúp con rồi, ở nhà dì chơi với con.”
Mấy năm đi mẫu giáo, tôi không có lấy một người bạn, không có bất kỳ mối quan hệ xã giao nào.
Lúc tôi không nghe lời, dì sẽ nhốt tôi trong căn phòng nhỏ dưới gầm cầu thang, chỉ có chút ánh sáng từ chiếc quạt thông gió.
Có lúc nhốt tôi năm phút, có khi là mười phút.
Thỉnh thoảng dì nói với tôi vài lời, giọng nói của dì giúp xua tan bóng tối, làm tôi càng lệ thuộc vào dì hơn.
Đến khi ba mẹ phát hiện ra sự bất thường của tôi thì tôi đã tám tuổi, được chẩn đoán mắc Hội chứng Asperger, còn được gọi là chứng tự kỷ.
Hôm đó, mẹ ôm tôi khóc cả đêm.
Tôi biết bà thấy có lỗi với tôi nhưng tôi không trách bà.
Không phải người phụ nữ nào cũng có thiên phú làm mẹ, bà coi trọng sự nghiệp mà không để ý đến sự trưởng thành của tôi, tôi mắc bệnh cũng không phải là điều bà mong muốn.
Về phần ba tôi, ông giận đến rụng tóc, mấy năm sau tóc đã rụng biến đầu ông thành “sân bay”.
Ông bà nội từ quê lên, đánh cho ba một trận rất đau!
“Hai đứa bây cứ nói Nguyên Bảo nhút nhát không thích nói chuyện, lớn lên sẽ hết!” Ông nội nổi giận đánh một gậy vô lưng ba tôi, “Ta thấy hai đứa không xứng làm cha mẹ con bé! Kiếm nhiều tiền thì có ích lợi gì? Con gái bị người ta ức hiếp đến mức như vậy mà hai đứa cũng không hề biết!”
Tôi không chịu được kích thích, nghe bên ngoài có tiếng động, tiếng la to thì sẽ lập tức trốn xuống gầm cầu thang.
Tôi nhốt mình bên trong, nhắm chặt mắt lại.
Tôi nghe tiếng mẹ bên ngoài khóc lóc gọi tên tôi, tiếng ba tôi lo lắng đi tới đi lui.
“Nguyên Bảo à, bà nội tới đón con.” Bà nội mở cửa bế tôi ra ngoài, bà hôn lên trán tôi, “Theo bà nội về quê nhé, bà làm bánh lạnh con thích nhất.
Bà còn nuôi một con chó vàng, không phải con thích chó con nhất sao? Trong nhà còn có rất nhiều cây ăn trái, để ông nội dẫn con đi trèo cây hái trái ăn nhé, được không?”
Cứ vậy, ông bà nội đưa tôi về quê.
Ở quê rất khác.
Mùa hè trời nóng, tôi với ông nội ngồi dưới giàn nho gặm dưa hấu.
Trời mát, ông đội cái mũ rơm to, tôi đội mũ rơm nhỏ, đi xuống sông mò tôm bắt cá.
Mùa đông tuyết rơi nhiều, tôi với ông nội cùng đắp người tuyết, quả cầu tuyết.
Bà nội sẽ nấu canh nóng múc đến ổ chăn cho tôi uống.
Năm đầu tiên quay về quê, tôi không nói chuyện.
Ông nội cũng không sốt ruột, ông luôn nói chuyện với tôi cho dù không nghe tôi trả lời.
“Nguyên Bảo, con coi nè, bụng con cá này phình phình là bên trong có cá con.
Thả nó ra thì mai mốt sông mới nhiều cá.”
“Nguyên Bảo, đây là hoa hòe, nghe thơm không.
Lúc ông nội còn nhỏ thích nhất ăn sủi cảo hoa hòe.
Chúng ta hái một giỏ về cho bà nội hấp ăn.
Con trèo lên thang đi, về đừng có nói với bà nội là ông cho con trèo cây, nếu không bà lại mắng ông đó.”
“Nguyên Bảo, tới đây tới đây, viết chữ với ông nội nè, tĩnh tâm.”
“Này bà nó, mau đến nhìn nè! Nguyên Bảo chúng ta vẽ con tôm, đây có ba phần phong thái của Tề Bạch Thạch, biết đâu sau này Nguyên Bảo chúng ta là họa sĩ lớn.” (Tề Bạch Thạch (1864-1957) là tên tuổi vĩ đại của hội họa Trung Quốc, sở trường vẽ sơn thủy, hoa lá, chim cá.
Tranh vẽ tôm của Tề Bạch Thạch có thể nói là một tuyệt kỹ trong giới hội họa.
Những con tôm hoạt bát sống động như thật, thần thái đủ đầy, với những nét bút mực nhạt vẽ thành thân thể tươi tắn, càng thể hiện cảm giác long lanh xuyên thấu.)
Năm thứ hai quay về, tôi bắt đầu học cách nói chuyện với ông bà.
“Con muốn ăn bánh lạnh.” Tôi nhìn bà nội đang bận rộn trong bếp, kéo kéo tạp dề của bà.
“Bánh lạnh hả, lâu rồi không làm, Nguyên Bảo… con…” Bà nội nói rồi quay lại nhìn tôi, nước mắt dâng đầy trong mắt.
Bà ôm tôi, “Được được, bà nội làm bánh lạnh cho Nguyên Bảo!”
Tôi vẽ tranh, ông nội thò qua bình luận: “Con ngựa này vẽ không tồi, có ý cảnh Từ Bi Hồng, Nguyên Bảo, tiếp tục cố gắng lên nhé.”
(Từ Bi Hồng 1895-1953 là một họa sĩ nổi tiếng TQ chuyên vẽ tranh về ngựa)
“Ông nội, đây là Tiểu Hoàng.” Tôi không ngẩng đầu lên, tiếp tục vẽ.
Ông nội sửng sốt một lúc rồi cười ha hả ha hả.
Sau đó tôi thấy ông nội ôm bà nội khóc.
“Ông à, Nguyên Bảo bắt đầu nói chuyện.”
“Đúng rồi, sẽ nói chuyện, Nguyên Bảo chúng ta sẽ khá lên.”
Năm thứ ba khi quay về, tôi bắt đầu học giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa.
Bà nội đeo cho tôi chiếc cặp sách nhỏ, đẩy tôi ra cửa: “Đi đi, đi đi, bà gói trái cây đồ ăn vặt cho con.
Chơi mệt thì về.”
Tôi có thể bước ra được bước này là vì bà nội luôn mời mấy bạn nhỏ đến nhà chơi.
Mấy bạn đó tuy hai năm tôi không nói chuyện nhưng tôi cũng quen thuộc với họ.
Họ dẫn tôi lên núi hái dâu tằm, hái táo, trên đường gặp thỏ rừng thì chúng tôi đuổi theo.
Sau khi về tôi mới biết ông nội lo lắng không yên tâm nên lén lút đi theo tôi.
Kết quả là lúc leo núi bị trật chân, phải gọi điện thoại kêu người cõng ông về.
Cứ như vậy, tôi ở quê cùng ông bà nội suốt 5 năm.
Đến lúc lên cấp 2, ông bà sợ ảnh hưởng việc học hành của tôi nên gọi ba mẹ đến đón tôi về.
Ừm… 5 năm ở quê, ông bà nội nuôi tôi khỏe mạnh chắc nịch.
Nhưng mà… thật ra tôi thành con nhóc béo đen nhẻm.
Ở quê không có kem chống nắng, bà nội nấu ăn lại ngon, tôi lại đang giai đoạn phát triển.
Con gái 12 - 13 tuổi, hở tí là ăn, hở tí là chơi, cũng không thể thành cô nhóc béo đen thui như vậy.
Mẹ nhìn tôi với ánh mắt như thể tôi bị đánh tráo, tựa như muốn đưa tôi đi xét nghiệm ADN.
Bà thuê chuyên gia dinh dưỡng cho tôi, dẫn tôi đến các spa làm đẹp, thề sẽ biến thành cô bé xinh xắn.
Ba thấy tôi có thể giao tiếp với người khác bình thường, tuy lúc không nói chuyện thì có hơi lơ ngơ nhưng ông đã vui đến không khép miệng được.
Tôi gặp Minh Châu lúc học cấp 2.
Cô ấy xinh đẹp, kiêu kỳ, kéo tay tôi đi dạo ở sân thể dục cũng mạ vàng luôn cho tôi.
Tình hữu nghị sâu sắc của chúng tôi vì một nguyên nhân lớn, là vì tôi quá ngây ngô.
Minh Châu nói: Chưa từng thấy ai ngây ngô như vậy, rất tò mò.
Cuối cùng Minh Châu không thể ngờ rằng tôi không chỉ ngây ngô mà còn hơi ngốc.
Có người cười nhạo tôi là con nhóc mập đen đúa, tôi mắng người đó là đồ con lừa.
Người đó mắng tôi là đồ nhà quê, tôi mắng người đó là đồ con lừa.
Người đó mắng tôi đồ vịt con xấu xí, tôi mắng người đó là đồ con lừa.
Sau mười hiệp, người đó bị tôi chọc tức quá bỏ chạy.
Đồ con lừa, người đó không biết sức mạnh của sự lặp lại.
Kể từ đó, ai gặp người đó cũng nói, A, cậu ta chính là đồ con lừa.
Ừ, đó là người yêu thầm Minh Châu, đồ con lừa ghen tị với việc tôi đi theo Minh Châu suốt ngày - Nguyên Tiêu.
Tạm thời không nói tới đồ con lừa này.
Tôi không có hứng thú với thế giới bên ngoài, việc thường làm nhất là chìm vào việc vẽ tranh.
Mãi đến năm lớp 9, tôi gặp Giang Bạch trong văn phòng ba tôi.
Đó là lần đầu tiên tôi chủ động bày tỏ sự quan tâm với một người nào đó, ba tôi kích động đến mức suýt tí chộp Giang Bạch đến làm anh trai tôi.
Dĩ nhiên chuyện đó không thành, bị mẹ tôi mắng cho một trận.
Nếu như người khác trong mắt tôi là những ô vuông mơ hồ, thì Giang Bạch là có góc có cạnh, có sắc thái.
Sau này tôi nghĩ lại tại sao tôi có thể ‘thấy’ Giang Bạch, có lẽ là vì anh có ngoại hình rất đẹp.
Ở cái tuổi năm lớp 9, bên cạnh tôi là mấy cậu bạn đang dậy thì, mụn còn mọc đầy, chẳng có gì đẹp.
Giang Bạch lớn hơn tôi một tuổi, anh trong sáng chính trực, lạnh nhạt, ai thấy cũng phải liếc mắt nhìn.
Huống chi bên cạnh anh còn một cô gái xinh đẹp Tô Tuyết.
Ba không mong đợi tôi vào trường trung học chuyên, Thanh Hoa Bắc Đại.
Mẹ nghĩ tương lai gửi tôi ra nước ngoài, thành tích không quá tệ là được.
Đến năm 12, mẹ muốn đưa tôi đi du học, tôi chống cự, tôi đi Nam đại.
Mẹ giận đến muốn cắt tiền cho tôi, ba cảm thấy bà chuyện bé xé ra to.
“Anh biết cái gì!” Mẹ lén lau nước mắt, “Kim Triệu, anh có nghĩ tới việc chúng ta già rồi, buông cái tập đoàn lớn như vậy thì Nguyên Bảo sống thế nào không.
Con bé không biết cả việc một trăm đồng mua cái gì, bị người ta lừa còn giúp họ đếm tiền, ngày nào cũng chỉ biết vẽ tranh, ngây người.
Em không ép con ra nước ngoài rèn luyện, suốt ngày rúc trong mai rùa của mình thì bao giờ con mới trưởng thành!”
Bệnh tự kỷ rất khó để khỏi hoàn toàn, cho dù tôi đã học cách giao tiếp với người khác, ngụy trang thành bộ dạng thành thục, nhưng khi tôi ngẩn người vẫn có vẻ hơi ngốc nghếch, khi có nhiều người thì toàn thân cứng đờ, đi đứng sẽ cùng tay cùng chân.
(Là bước cả tay - chân cùng một nhịp)
Minh Châu từng dạy tôi một chiêu: “Báo vàng, mày đó, lúc muốn giao tiếp với người ta thì chỉ cần giả vờ Hi! Đến khi quen thuộc rồi người ta không bận tâm việc mày có phải ngốc nghếch không.
Lúc mày không muốn nói chuyện với người khác thì hất cằm giả vờ lạnh nhạt, như vậy là người ta hiểu ngay.”
Phải nói là chiêu này của Minh Châu rất hữu ích.
Sau khi lên đại học, tôi nhanh chóng hòa nhập vào mọi người trong phòng ở ký túc xá bằng cách giả vờ này.
Đến lúc mấy bạn phát hiện ra tôi là đồ ngốc thì đã quá muộn.
Tình cảm đã đến kia, không còn đường quay đầu.
Nhờ ơn mẹ, khi lên đại học tôi đã rất dễ nhìn.
Mấy anh chàng theo đuổi tôi rất nhiều, điều này làm tôi rất phiền.
Vì vậy tôi thường giả vờ lạnh nhạt, nhìn họ bằng ánh mắt lạnh lùng, thế là người theo đuổi tôi ngày càng ít, cuối cùng yên tĩnh.
Nói đi thì nói lại, ba năm học cấp 3, sở thích lớn nhất của tôi là đu CP.
Vì vậy có khi hai ba ngày trong tuần tôi đều đi xem Giang Bạch và Tô Tuyết.
Có đôi khi gặm dưa chuột theo sau họ, có khi ăn táo, có khi uống nước dừa.
Minh Châu thấy tôi đu CP đến tẩu hỏa nhập ma.
Tôi còn đăng ký một nick phụ, trà trộn vào diễn đàn trường Giang Bạch học, thành fan CP của hai người.
Ờm, tên fan CP của chúng tôi là Snow White, lãng mạn ha.
Còn ID nick phụ tôi hả - haha - tôi đặt là Lông nách Giang Bạch.
Tôi là fan đứng đầu của nhóm, cung cấp nhiều đồ hỗ trợ để cổ vũ cho công chúa Bạch Tuyết của chúng tôi.
Lúc Giang Bạch chơi bóng, tôi mua biểu ngữ.
Lúc Tô Tuyết khiêu vũ, tôi mua hoa.
Giang Bạch và Tô Tuyết thi có kết quả, tôi mời các fans uống trà sữa.
Dĩ nhiên tôi không lộ mặt nhưng những fan khác sẽ giơ cao biểu ngữ
- -- Hoạt động này do “Lông nách Giang Bạch” tài trợ!
Tôi viết đến đây thì cười khặc khặc.
“Anh còn tưởng em xem truyện H.” Giang Bạch vươn tay lấy sổ tay của tôi, nhìn chữ viết trên đó nhướng mày: “Lông nách Giang Bạch là em à? Em có biết suốt ba năm cấp 3, mỗi khi anh mặc áo ngắn tay thì bất kể nam sinh hay nữ sinh đều nhìn chằm chằm vào nách anh không.
Ngay cả giáo viên dạy thay cũng tò mò lông nách anh thế nào?”
“Chuyện con gái anh đừng có để ý đi!” Tôi giật lại quyển sổ, “Em đang định vẽ bộ truyện tranh mới đó, đang nghĩ.
Không phải anh cần tăng ca sao? Đi nhanh đi.”
Giang Bạch phớt lờ lời tôi, cầm điều khiển điều hòa chỉnh nhiệt độ xuống.
Tôi phản đối: “Giảm độ thấp vậy sẽ lạnh đó!”
Anh ném điều khiển xuống, gỡ đồng hồ đeo tay ra, nhìn tôi chăm chăm: “Đề phòng ngừa lát nữa em kêu nóng, anh hạ xuống trước.”
Tôi thấy ánh mắt anh thì vội vã vừa lăn vừa bò trốn khỏi phòng đọc sách.
Giang Bạch bóp eo tôi, đặt tôi lên bàn sách, hôn xuống.
Ừm… đây đã là năm thứ hai tôi và Giang Bạch tốt nghiệp rồi!
Tôi trở thành họa sĩ truyện tranh, nhưng lúc tôi đăng truyện còn rất ảm đạm.
Ba sợ tôi buồn nên treo thưởng cả triệu đồng, cuối cùng điều đó thực sự làm tôi ‘hot’ lên.
Bây giờ fan giục tôi cập nhật mỗi ngày.
Những người hâm mộ chân thành nói với tôi: “Đại Đại giàu như vậy, vẽ truyện tranh chắc chắn là vì mơ ước! Chúng ta muốn bảo vệ ước mơ của Đại Đại!”
Tôi cắn rứt lương tâm nghĩ, mọi người đăng ký giúp tôi nhiều hơn đi.
Dù gì thì Giang Bạch đã nói, tiền điện nước trong nhà tôi phải chịu trách nhiệm, không được phép dùng tiền của ba.
Tiền điện nước đó! Mùa hè điều hòa, tắm rửa rất tốn tiền! Vì vậy tôi luôn bị buộc bất đắc dĩ mà tắm chung với Giang Bạch.
Còn Giang Bạch, anh vừa học cao học vừa làm việc trong dự án ở một công ty lớn.
Tôi hỏi anh sao không khởi nghiệp, anh bảo chưa đến lúc.
Ba nói sau lưng tôi, Giang Bạch không phải là vật trong ao, anh tích tụ đủ sức lực sẽ một bước lên trời.
Ba lại nói, nhưng con yên tâm, Kim gia chúng ta chính là dây cương quản rồng, không sợ sau này anh có lỗi với tôi.
Rất nhiều người tò mò, Giang Bạch đã biết tôi là con gái duy nhất nhà giàu thì sẽ đối xử với tôi thế nào.
Thì vẫn như trước kia, anh vẫn mua quà cho tôi.
Có tiền thì mua quà quý một chút, không có tiền thì mua cái rẻ hơn chút.
Nói chung, bất cứ quà gì đưa tôi đều làm tôi vui.
Ví dụ như lúc hai giờ sáng chúng tôi sẽ lặng lẽ chạy ra sông thả pháo hoa.
Ví dụ như anh lái xe đưa tôi lên núi ngắm bình minh.
Lúc có tiền sẽ đưa tôi đi ăn bữa hoành tráng, bò wagyu được vận chuyển bằng máy bay.
Lúc không có tiền thì ăn lẩu cay ven đường, còn thêm gói mì gói.
Tất nhiên khi lên năm 4, kết quả kỳ thi tuyển sinh cao học đưa ra thì Giang Bạch hoàn toàn từ bỏ dự định để tôi học cao lên.
Chuyện sau này thế nào, tôi chưa viết.
Vì cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, tôi cũng không biết ngày mai sẽ thế nào!.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...