iếm khi thấy con gái quyết tâm như thế, Kim Sân bèn sắp xếp lịch tiêm phòng ngay.
Đương nhiên anh cũng thông báo cho con rể biết.
Ông cụ Hồ nhìn vợ mình rồi hỏi Kim Sân thật khẽ: “Con cũng phải tiêm à? Con lớn tuổi thế này rồi, hay là thôi đi ba.”
Kim Sân nhướng mày, khuôn mặt trẻ trung anh tuấn nghiêm túc nói: “Con nhắm mình có lớn hơn ba không?”
Ông cụ lập tức trả lời: “Đương nhiên là ba lớn hơn ạ.” So với ba, ông chỉ là trẻ con.
Kim Sân nhớ đến lời hứa với con gái, dứt khoát nói: “Ba cũng phải tiêm, huống chi là con.”
——
Hôm sau, mới sáng sớm, gia đình ba người đã dậy mặc quần áo thật dày, chậm rãi chuẩn bị đi đến bệnh viện.
Có hai người già nên động tác khá chậm.
Bà cụ Hồ vốn sợ bị tiêm thuốc, từ nhỏ đã sợ, bây giờ càng sợ, đi đường cứ run lẩy bẩy.
Bà nắm tay ba, không ngừng líu lo: “Ba ơi ba, sau khi tiêm thuốc có được ăn kẹo không ạ?” Trước kia mỗi lần tiêm thuốc xong đều có kẹo ăn, có điều lần nào cũng vừa khóc vừa ăn vì tiêm thuốc đau quá đi mất.
“Có chứ.” Kim Sân bảo đảm.
Anh lập tức thông báo cho bác sĩ chuẩn bị kẹo mềm không đường cho tất cả các cụ già đến tiêm thuốc.
“Ba ơi ba, đợi khi con tiêm xong, ba nói với những người khác là con gái ba không sợ tiêm thuốc, như vậy họ sẽ rất hâm mộ ba, nói con gái ba thật là có tương lai.”
Bà cụ Hồ tưởng tượng ra cảnh ba được những người khác hâm mộ thì không còn thấy sợ hãi nữa.
Nghĩ một lúc, trông bà phấn chấn hẳn lên, nếp nhăn trên mặt cũng giãn ra thật nhiều.
Trong trường, tất cả những cụ già khác đều rất nghiêm túc đóng vai một đứa trẻ, không may trí nhớ của họ không được tốt lắm, thỉnh thoảng ăn xong một chén cơm, dừng lại còn nghĩ xem mình đã ăn hay chưa nên đương nhiên có những lúc nhớ quên mất phải đóng vai, trò chuyện sẽ nhắc đến con cái mình.
Bà cụ Hồ sẽ nghe được vài câu kiểu như:
“Con trai anh làm việc ở ngân hàng à? Ngân hàng tốt đấy, tiền lương rất cao.”
“Con gái chị thật có tương lai, còn mua dây chuyền cho chị nữa.”
Giọng điệu vô cùng hâm mộ ấy khiến bà cụ Hồ cảm thấy có tương lai là một chuyện rất đáng tự hào.
Bà nghe ba nói đi tiêm thuốc là có tương lai nên tự diễn dịch thành: “Con gái anh thật dũng cảm, tiêm thuốc mà cũng không sợ.”
Trong lòng bà cảm thấy hơi buồn phiền.
Vậy bình thường lúc nói chuyện với người khác, lỡ như một ông bố nào đó nói con gái tôi dám tiêm thuốc, một ông bố khác nói điều đó có gì ghê gớm, con trai tôi dám tiêm mười mũi đây này, rồi một bà mẹ nọ nói con gái tôi dám tiêm hai mươi mũi thì sao.
Lúc đó ba của bà chỉ có thể đứng một bên, thở dài một hơi: Haiz, Chúc Chúc không dám tiêm thuốc, thật không có tương lai.
Trong lớp của bà cụ có một bạn nam, mỗi lần những bạn khác nói tới những chuyện này thì người bạn đó chỉ biết lẻ loi ngồi trên ghế, có lần bà còn nghe bạn ấy thở dài nữa.
Bây giờ thì khác rồi.
Bà cụ cảm thấy ba đã có thể nói chuyện, có thể khoe với những người khác là con gái tôi cũng có tương lai.
Kim Sân không ngờ con gái lại quan tâm đến thể diện của mình như thế.
Lòng anh như có dòng nước ấm chảy qua, thật là dễ chịu.
Rõ ràng đã biết con gái mình là một đứa trẻ vô cùng hiếu thảo nhưng lần nào anh cũng bị những ý tưởng bất ngờ này của con làm cảm động, anh mãi mãi cũng không thể đoán được tiếp theo đây con gái sẽ mang lại cho mình cảm giác ấm áp thế nào.
Xe chạy băng băng trên đường cao tốc, hai bên đều là tuyết trắng mênh mang, trời đất một màu trắng xóa nhưng trong lòng Kim Sân lại đầy màu sắc như cầu vồng.
Anh không kìm được, đưa tay ra xoa đầu con gái.
“Ngày nào ba cũng được những người khác hâm mộ hết, bởi vì ba có một đứa con gái rất ngoan.”
Trong lòng Kim Sân, Kim Chúc Chúc mãi mãi là đứa trẻ ưu tú nhất, thậm chí có thể nói là ưu tú nhất trong số nhân loại.
Bà cụ Hồ được khen nên vô cùng vui vẻ, bây giờ hoàn toàn không sợ tiêm thuốc nữa.
Bà kéo tay ba, không ngừng ríu rít nói chuyện.
Khi đến bệnh viện, Kim Sân ý thức được một vấn đề, anh hỏi ông cụ Hồ bên cạnh: “Con có cảm thấy trí nhớ của Chúc Chúc trở nên tốt hơn nhiều không?”
Kim Sân nhớ lại tình trạng của con gái khi mình vừa trở về, nói: “Trước đó trí nhớ của con bé không tốt lắm, hôm trước nói với ba nó thích đôi dép hình con thỏ màu hồng, hôm sau lại quên mất.”
Ông cụ Hồ gật đầu, ông cũng phát hiện ra.
Lúc ở trường, ông có thể cảm nhận rõ bệnh tình của vợ mình khác hẳn với những người khác.
Đều là bệnh ở giai đoạn đầu, những người khác thỉnh thoảng sẽ tỉnh táo trở lại nhưng vợ ông vẫn luôn ở trong trạng thái này.
Ba người họ nhanh chóng đến chỗ xếp hàng.
Bà cụ Hồ đứng trước nhất, rất dũng cảm nói: “Con tiêm trước.”
Không đợi Kim Sân và ông cụ Hồ kịp nói gì, bà đã khệnh khạng theo cô ý tá đi vào.
Sau khi đi vào, bà do dự vươn tay ra, quay mặt đi chỗ khác, sau đó nhắm mắt lại, những nếp nhăn trên mặt như tụm thành một nhúm, người cũng run lên.
Cô y tá bị hành động của này của bà chọc cười.
Những cụ già khác đi tiêm thuốc, kim đã tiêm vào mà họ vẫn chưa kịp phản ứng, chỉ có trẻ con mới làm quá thế này.
Y tá dùng bông sát trùng da, đang chuẩn bị tiêm vào thì bỗng nghe bà cụ run rẩy nói: “Chị y tá ơi, chị cẩn thận chút nhé, đừng có làm gãy kim bên trong nha.”
Cô y tá lập tức nhẹ nhàng hơn, bảo đảm với bà: “Không đâu, tí xíu là xong thôi, không đau đâu.”
Chỉ chốc lát là bà cụ đã bước ra, miệng còn ngẫm viên kẹo, mắt đỏ ửng, nhồm nhoàm nói với ba mình và anh Thừa Khiếu.
“Không đau, thật sự không đau chút nào hết.
Ba ơi, ba vào đi.”
Kim Sân – người lần đầu tiên đi tiêm trong đời – chợt cảm thấy lưng ớn lạnh.
Nhưng trước mặt con gái, anh không thể rút lui nên đành bước nhanh vào trong.
Trước khi trở thành tử thần, bởi vì thể chất đặc biệt, anh bị con người bắt đi thí nghiệm.
Những thí nghiệm rút cạn máu trong huyết quản của anh từng diễn ra vô số lần, đây chỉ là một cây kim nho nhỏ, há có thể làm anh sợ?
Lúc Kim Sân đi ra, miệng ngậm một viên kẹo, vẻ mặt vẫn rất nghiêm túc, nói với con rể mình.
“Không đau.
Con vào đi.”
Ông cụ Hồ run lên một cái, thầm nghĩ biểu cảm khi nói dối của hai cha con nhà n quả là y như đúc.
Cuối cùng, một nhà ba người ngồi ngay ngắn trên băng ghế ngoài bệnh viện, miệng mỗi người ngậm một viên kẹo.
Bà cụ Hồ đột nhiên vui vẻ reo lên như một đứa trẻ: “Ba ơi, chúng ta đều rất có tương lai đấy.”
——
Hôm sau đến trường,,bà cụ Hồ vốn định kể với mọi người chuyện đi tiêm thuốc nhưng còn chưa kịp nói thì đã cảm nhận được hôm nay mọi đều đều không vui.
Hơn nữa phòng học của họ còn có một chỗ ngồi bỏ trống.
Bà cụ Hồ ngẫm nghĩ, đếm lại thì phát hiện người bạn nhặt ve chai không đi học.
Bà đi hỏi cô giáo, có phải bạn ấy bị bệnh không?
Cô giáo đương nhiên biết có chuyện gì xảy ra, trong lòng cô cũng thấy hơi xót xa.
So với bà cụ Hồ, những người khác thật sự làm người ta thấy tội nghiệp.
Cô nói: “Bạn ấy bị bệnh rồi, rất có thể sẽ phải ở nhà dưỡng bệnh một thời gian.”
Bà cụ nhặt ve chai họ Lý.
Bệnh của cụ Lý trở nên ác tính, tính tình vui giận bất thường, không thích hợp ở chung với những cụ già khác nên được đưa vào bệnh viện.
Từ khi Kim Sân phát hiện ra những nội dung trò chuyện lặt vặt của mọi người có thể nâng cao khả năng tư duy, tăng cường trí nhớ của bà cụ Hồ ở một mức độ nào đó thì anh không hạn chế nội dung trò chuyện giữa họ nữa, chỉ cần không nhắc đến tuổi tác của bà là được.
Lúc trở lại phòng học, bà cụ Hồ nghe mọi người bàn tán:
“Nghe nói bệnh trở nên nặng hơn, trường gọi điện thoại cho con trai bà ấy mà cậu ta không đến.”
“Kể ra con ông là có hiếu, ngày nào cũng đến đón ông.”
“Bây giờ xem ra có tương lai không không quan trọng, quan trọng là phải hiếu thảo.”
“Đúng vậy.
Có tương lai thì có ích gì.
Con trai hay con gái gì cũng vậy, hiếu thảo, chu đáo mới quan trọng nhất.”
Bà cụ Hồ – người vừa có tương lai – nghe vậy mặt nhăn thành một đống.
Buổi trưa lúc ăn cơm, bà cụ Hồ hỏi bạn mình: “Thế nào là hiếu thảo vậy?”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...