Quanh đi quanh lại, đường dài uớc độ hai trăm trượng, Cao Nhẫn nghe gã Cửu chuyên lệnh sứ nói :
- Phiền hai vị giúp một tay, đưa hắn đi cho nhanh!
Cao Nhẫn được hai người ở hai bên xốc nách đưa đi. Vừa lướt nhanh, Cao Nhẫn vừa nghĩ: “Chắc đã ra khỏi phạm vi Quân Sơn đạo am rồi”.
Chỉ một thoáng sau đã nghe tiếng sóng nước lao xao...
“Đến bến thuyền!”
Cao Nhẫn nghĩ tiếp và chân đã đặt lên lòng thuyền.
Thuyền rời bến.
Hết đi thuyền lại đi bộ, sau lại được ngồi xe ngựa kéo, thời gian ước chừng đã gần một ngày đi đường.
Giờ đây Cao Nhẫn theo từng bậc thang mà đi dần xuống.
Cao Nhẫn lại tiếp tục ước đoán: “Lòng mộ địa?... Chúng đem mình đến Kim Lăng giam giữ à?”
Tiếng mở cửa lách cách, tiếng nói vọng ra vang dội... Không khí ngột ngạt, bực bội...
“Đúng là lòng mộ địa ở Kim Lăng rồi!”
Cao Nhẫn tự khẳng định.
Rồi đến lúc, túi vải trùm được mở ra, Cao Nhẫn lại nghe tên Cửu chuyên lệnh sứ :
- Vào đi! Nhớ nhé, chỉ một tháng thôi nhé!
Lại tiếng khóa cửa lách cách đằng sau.
Cao Nhẫn đứng yên, đưa mắt nhìn quanh. Đúng là một phòng giam giữ tù nhân, nhỏ hẹp, chung quanh là vách đá.
“Nếu là lòng mộ địa thì sau vách đá này là đất” Cao Nhẫn tự nhủ.
Phòng giam không có ai khác. Quay lại nhìn cửa phòng giam, là cánh cửa bằng sắt, phía trên có một hàng chấn song sắt bằng cổ tay, ngang ngang tầm ngực.
Nhún vai, kắc đầu, Cao Nhẫn lùi vào sát phía trong, được chừng sáu bước chân. Ngồi phệt xuống mặt nền đá lạnh, Cao Nhẫn ngao ngán nhắm mắt lại.
Vừa nhắm mắt, Cao Nhẫn lại nhớ ngay đến phương pháp giải khai huyệt đạo mà mẫu thân của Nam Cung Ngọc đã chỉ. Nhẫm qua một lần cho đúng, Cao Nhẫn bắt đầu thủ vận công.
Vừa bắt đầu đã thấy khắp người nhức nhối, chân khí tản mác, không tề tựu lại được ở Đan Điền, cố chịu đựng, Cao Nhẫn từ từ mà gom tụ chân khí.
Mồ hôi vã ra khắp người, toàn thân đau nhức, mím chặt đôi môi, Cao Nhẫn cắn răng lại mà vận công.
Không biết là bao lâu, đã thấy có chút khí lực ở Đan Điền. Không vội, Cao Nhẫn chậm chạp dẫn khí chu lưu theo từng kinh mạch, dựa theo phương pháp trong yếu chỉ vận công của Thái Hà Đồ Tiên Giải.
Nhích lần... Nhích lần...
Thở phào một hơi nhẹ nhõm, Cao Nhẫn đã xung phá được một trọng huyệt bị cấm chế.
Xả công ngồi nghĩ, Cao Nhẫn tự hỏi: “Không biết lão cấm chế bao nhiêu trọng huyệt?”
Hỏi thì hỏi, nhưng Cao Nhẫn không dám gấp vì mẹ của Nam Cung Ngọc đã dặn đi dặn lại nhiều lần: “Từ từ mà vận công, phải hết sức nhẫn nại”.
Một người gác tù đi tới đưa giỏ thức ăn qua chấn song mà nói :
- Cơm tối đây!
Nhận và ăn xong, Cao Nhẫn lại tiếp tục vận công giải huyệt.
Ba trăm sáu mươi huyệt lớn nhỏ, trong đó có tám đại huyệt quan trọng, Cao Nhẫn đã dẫn chân khí đi chưa được bao nhiêu. Nội kình tuy đã gom lại nhưng không đáng kể, lực xung phá còn yếu, hơn nữa lại vận công theo nội công tâm pháp Ảo Ma. Sợ sai lạc, không giải được huyệt là chuyện nhỏ, bị tẩu hỏa nhập ma mới là điều đáng sợ.
Có bóng người đi đến gần, nhờ ánh đuốc người này cầm theo, Cao Nhẫn mói nhận ra, người đó không phải là người gác tù mà là một phụ nhân khác, tóc tai rối bời, áo quần muộm thuộm, vừa đi vừa lảm nhảm :
- Chồng ta đâu? Con ta đâu?
Đi ngang phòng giam của Cao Nhẫn, người này đưa đuốc lại gần và nhìn chăm chăm vào Cao Nhẫn, và gọi :
- Nhị sư huynh, nhị sư huynh! Phải huynh đó không?
Không nghe Cao Nhẫn đáp, người này liền bỏ đi, miệng vẫn tiếp tục lảm nhảm :
- Chồng ta đâu? Con ta đâu?
Ánh đuốc xa dần, vẫn còn nghe tiếng lảm nhảm.
Cao Nhẫn nhắm mắt dưỡng thần.
Lại có tiếng người đi đến :
- Cơm trưa đây!
Cao Nhẫn mở mắt, nhận thức ăn, ngồi xuống, trước khi ăn, bẻ một mẫu đũa ngắn, để vào một góc, Cao Nhẫn nói nhỏ :
- Một ngày!
Vận công giải huyệt.
Ăn tối.
Vận công.
Ăn trưa.
Cứ như vậy mà kéo dài, không kể mỗi ngày một lần, người đàn bà lại đi qua, lại lảm nhảm :
- Chồng ta đâu? Con ta đâu?
Lại hỏi :
- Nhị sư huynh, phải nhị sư huynh đó không?
Số mẫu đũa Cao Nhẫn bẻ và để lại đã lên đến mười tám mẫu.
Lại có người đến! Lần này không phải là đưa thức ăn mà lại mở cửa.
Cao Nhẫn thót tim :
- Sao nhanh vậy? Chưa đến một tháng kia mà?
Tiếng tên Cửu chuyên lệnh sứ lại phát ra, từ phía sau người mở cửa :
- Thế nào? Cao Nhẫn, ngươi quyết định chưa?
Im lặng.
Gã nói tiếp :
- Khá lắm! Ta vẫn mong là như vậy! Ha ha ha...! Cao Nhẫn, hôm nay ngươi có bạn đây, chịu khó chật hẹp một chút, người đông quá mà nơi đây lại không rộng rãi gì cho cam, chịu phiền vậy nhé! Ha ha ha...
Khóa cửa lại bỏ đi. Người mới đến vẫn còn đứng yên đó, đợi cho gã đi xa, người mới đến mới nói khẽ :
- Cao hiền điệt, Cao hiền điệt đấy à? Bá bá đây! Lão bá bá của hiền điệt đây!
Cao Nhẫn đã đứng lên và cũng nói thật khẽ :
- Bá bá, bá bá cũng bị lão giam ư Tiểu điệt đã nhận ra bá bá từ lúc mới vào nhưng chưa dám gọi.
Hai người ôm chầm nhau.
Một lúc sau, hai người mới ngồi xuống, kể lại mọi việc. Cao Nhẫn nói trước, sau đó mới hỏi Lã Nguyên Sinh :
- Còn bá bá thì thế nào? Tình hình võ lâm hiện thời đã ra sao? Bá bá có nghe tin gì về Võ Lâm Thần Toán không?
Lã Nguyên Sinh mới nói :
- Bá bá và mọi người, trước cái bại của hiền điệt, trước cái chết của bốn vị cao tăng Thiếu Lâm phái, đành phải nhẫn nhịn mà cùng trích huyết tuyên thệ với Hiệp Thiên bang. Sau đó, lão giữ mọi người ở lại Quân Sơn đạo am, lão nói là để sắp xếp lại nhân sự, sau đó sẽ giải quyết sau. Đúng vậy, mười ngày sau đó, lão cho mọi người ra về, sau khi đã phân công cụ thể và giao trách nhiệm cho từng người. Bá bá và một số quần hùng sau khi hội ý với nhau, đồng ý cao bay xa chạy... đợi một thời gian sau sẽ tính. Nào ngờ người định không bằng trời định. Chưa được ba ngày sau đã bị bọn Hiệp Thiên bang và một số tham sanh húy tử đuổi bắt, và hôm nay... lại gặp hiền điệt ở đây.
Lão nói xong, ngồi nuốt nước mắt mà thở dài ảo não.
Cao Nhẫn nghe mà như muối sát vào lòng, hận lão thì ít mà hận mình thì nhiều. Do sai lầm của Cao Nhẫn mà võ lâm Trung Nguyên điêu đứng, tan tác, không trách mình thì trách ai đây?
Hiểu được ý của Cao Nhẫn, Lã Nguyên Sinh an ủi :
- Hiền điệt đừng tự thống trách mình nữa, quần hùng võ lâm Trung Nguyên không ai trách cứ hiền điệt, họ cũng đã tự trách họ, vì họ đã quá tin vào bên ngoài đạo mạo của lão Quân chủ. Họ không tin lời buộc tội lão của hiền điệt. Họ mù quáng, nay ân hận thì đã muộn. Nói cho đúng ra, lúc này họ hầu hết đều trông mong vào hiền điệt. Họ có nói: ‘Phi Cao Nhẫn, không ai giải được ách này cho võ lâm Trung Nguyên!’
Được an ủi, Cao Nhẫn nghe đỡ hận, nghe lời hy vọng của mọi người gời gấm, hùng tâm của Cao Nhẫn nổi lên, không kiêu căng, tự phụ, Cao Nhẫn chỉ nói :
- Kỳ vọng của quần hùng đặt vào tiểu điệt! Tiểu điệt e... lực bất tòng tâm!
Rồi Cao Nhẫn nói qua về sự lợi hại của thần đao Tử Quang cho Lã Nguyên Sinh nghe.
Nghe xong, hoàn toàn thất sắc, Lã Nguyên Sinh lắp bắp :
- Vậy thì... vậy thì phải làm sao đây?
Cao Nhẫn lại trấn an Lã Nguyên Sinh bằng cái tin mà mẹ của Nam Cung Ngọc nói.
Nghe rồi, Lã Nguyên Sinh thở dài nói :
- Đến chừng nào lão mới tự sung huyết mà chết? Thảo nào, ngay lúc lão xử dụng thuật phi đao nhằm vào hiền điệt, ta đã thấy khuôn mặt lão đỏ mọng lên mà phát sợ, không biết đấy có phải là hiện tượng sung huyết đã khởi phát không?
Cao Nhẫn nghe mà giật mình :
- Nói sao, bá bá thấy có hiện tượng này à?
Gật đầu thay câu trả lời, Cao Nhẫn thừ người ra mà suy nghĩ.
Sau một lúc trầm tư, Cao Nhẫn lại nhớ đến việc của Võ Lâm Thần Toán, liền hỏi :
- Lão bá bá! Còn Võ Lâm Thần Toán đâu, bá bá có biết không?
Lắc đầu, Lã Nguyên Sinh đáp :
- Lão này chẳng khác thần long, lão muốn đến với mình thì lão đến, còn mình muốn gặp lão thật là gian nan. Từ sau Điển lễ, bá bá không nghe nói đến lão! Lão đi đâu, hiền điệt có biết không? Bá bá thấy lão và lão Võ Lâm Thần Khất đối với hiền điệt khá trọng vọng đấy.
Không đáp ngay vào câu hỏi của Lã Nguyên Sinh, Cao Nhẫn chỉ nói :
- Lão và tiểu điệt nào đã kịp nói gì với nhau đâu? Vậy lão đi đâu được kìa?
Hỏi như thế nhưng Cao Nhẫn mường tượng ra được nơi lão đến ‘Ảo Ma cung’. Cao Nhẫn nói lẩm nhẩm :
- Làm như thế, chẳng khác nào xua dê vào miệng sói dữ.
Lã Nguyên Sinh vội hỏi :
- Hiền điệt nói gì? Ai? Ai xua dê vào miệng sói?
Lắc đầu, Cao Nhẫn nói cho qua :
- Không, không có gì đâu! Bá bá, bá bá vào đây có bị phế võ công không? Hay là có bị lão Quân chủ điểm huyệt cầm chế gì không?
Được nhắc đến Lã Nguyên Sinh mới nhớ, lão nói :
- Chưa bị phế, chỉ bị cấm chế mà thôi. Theo lời mấy tên Chuyên lệnh sứ nói thì Quân chủ lúc này rất đại lượng, không giết ai cả, mà cũng không cần phế võ công của ai cả! Lão chỉ điểm huyệt cấm chế, sau một thời gian trừng phạt, lão sẽ giải huyệt và sai xử sau.
Cao Nhẫn gật đầu nói :
- Lão không làm như thế thì phải làm sao khác được?
Lã Nguyên Sinh thắc mắc :
- Hiền điệt nói vậy là ý gì?
Cao Nhẫn cười gằn :
- Lão đã là Quân chủ thì ắt phải cần có thần tử chứ! Nếu không thì lão làm Quân chủ với ai đây?
Lã Nguyên Sinh gật đầu :
- Hiền điệt nói chí lý!
Lão lại hỏi :
- Còn hiền điệt? Hiền điệt có bị cấm chế không? Hay là đã...
Lắc đầu, Cao Nhẫn đáp :
- Cũng như bá bá, tiểu điệt bị cấm chế mà thôi. Lão hạn cho tiểu điệt một tháng phải thuần phục lão, bằng không lão sẽ giết bỏ.
Nhìn sững Cao Nhẫn, Lã Nguyên Sinh nói :
- Lão sợ hiền điệt cũng phải! Hiền điệt định sao đây?
Đã định trả lời thì lại có người đến :
- Cơm tối đây!
Đưa tay nhận hai giỏ cơm cho hai người, Cao Nhẫn bỗng nghe :
- Cao đại ca! Có phải là Cao đại ca không?
Sửng sốt, Cao Nhẫn lên tiếng :
- Là Cao Nhẫn đây! Ai đó? Ai hỏi ta thế?
Tiếng nói bên ngoài không giấu được sự vui mừng :
- Cao đại ca! Là tiểu đệ đây, Hoàng Nhân đây! Đại ca có nhớ không?
Cao Nhẫn hỏi lại :
- Hoàng Nhân? Sao đệ lại ở đây? Đệ mang cơm tới, vậy đệ là...
Hoàng Nhân phân bua :
- Cao đại ca! Chuyện này để sau sẽ nói. Có thơ cho đại ca đây! Đại ca đọc qua sẽ biết.
Kinh ngạc, Cao Nhẫn nói :
- Thơ à? Của ai? Ai mà gởi cho ta?
Hoàng Nhân ở phía ngoài lúng túng nói :
- Đệ phải đi đây. Hẹn gặp lại sau.
Vất đại một miếng giấy đã vo tròn qua chấn song, Hoàng Nhân bước đi.
Cao Nhẫn tiến sát hàng chấn song nhìn theo, thấy quả đúng là Hoàng Nhân, đệ tử thứ hai của Truy Phong Tẩu Cái Mã Hoàng, Trưởng lão chấp pháp của Cái bang. Hoàng Nhân đang đưa thức ăn vào một phòng giam khác.
Đưa mắt nhìn lại hướng khác của lối đi trước cửa phòng giam, Cao Nhẫn thấy có một người đang đứng mờ mờ ở phía đầu kia, người này hình như đang đứng nhìn và giám sát mọi hành vi của Hoàng Nhân.
Cao Nhẫn bước lùi vào, thấy Lã Nguyên Sinh đã nhặt viên giấy rồi, nhưng lão chưa vội mở ra xem mà nắm chặt trong lòng bàn tay, nhìn Cao Nhẫn như để hỏi ý.
Lắc đầu, Cao Nhẫn hạ thấp giọng :
- Hãy khoan, bá bá hãy dùng cơm đã.
Ăn xong, Lã Nguyên Sinh hỏi :
- Gã ấy là ai?
Cao Nhẫn bèn kể qua cho Lã Nguyên Sinh nghe về Hoàng Nhân, nghe xong sự tình, Lã Nguyên Sinh nói :
- Đã hai năm nay Cái bang bị bấn loạn, nhưng ta không còn nghe ai nhắc đến Tẩu Cái. Ta ngỡ lão đã bị Hiệp Thiên bang sát hại, không hiểu bây giờ lão ở đâu? Còn tên Hoàng Nhân này tại sao lại vào đây làm tên đưa cơm? Dáng vẻ của hắn, khó mà biết được thực ý của hắn. Ta phải tìm cách đọc được thơ này.
Cao Nhẫn hỏi :
- Lã bá bá! Trong người của bá bá có hỏa tập không?
Lã Nguyên Sinh lắc đầu.
Cao Nhẫn bồn chồn hỏi :
- Vậy làm cách nào xem được? Ở đây dù là giữa trưa cũng không có một chút ánh sáng nào cả, chỉ trừ...
Lã Nguyên Sinh thấy Cao Nhẫn chần chừ, vội hỏi :
- Trừ khi... sao?
Cao Nhẫn lắc đầu :
- Cũng không thể nào được, vì muốn cũng không xem kịp.
Nóng nảy, Lã Nguyên Sinh hỏi :
- Thì hiền điệt cứ nói thử xem nào?
Nhìn vẻ nóng nảy của Lã Nguyên Sinh, khác hẳn Lã Nguyên Sinh ngày nào Cao Nhẫn đã biết.
Biết Lã Nguyên Sinh vì lo cho mình mà mới có sự nóng nảy này, Cao Nhẫn vội vàng nói cho Lã Nguyên Sinh về phụ nhân điên, đêm nào cũng soi đuốc đi từng phòng giam mà kêu, mà hỏi...
Cao Nhẫn nói thêm, sau khi đã thuật tự sự :
- Tiểu điệt lúc đầu có ý định mượn ánh đuốc của bà để xem thơ, nhưng sau nghĩ lại thấy không được. E bà ta lớn tiếng làm chuyện lớn lộ hết.
Hiểu rõ ý của Cao Nhẫn, Lã Nguyên Sinh ngồi bóp trán suy tính.
Bỗng lão bật lên nói :
- Vậy là theo hiền điệt nói, bà ta có đứng lại nhìn vào và hỏi có phải là nhị sư huynh của bà ấy không à?
Gật đầu, Cao Nhẫn đáp :
- Lần nào cũng vậy, bà ta đều dừng lại từng phòng và hỏi cũng từng câu ấy mà thôi. Xong rồi lại bỏ đi.
Lã Nguyên Sinh vỗ tay nói :
- Có rồi! Ta đã có cách!
Cao Nhẫn hỏi nhanh :
- Cách nào? Bá bá nói nhanh cho tiểu điệt nghe xem.
- Ta tính như thế này, đêm nay khi bà ta đến đây, sau khi nghe bà ta hỏi có phải là nhị sư huynh của bà không, thì ta sẽ nhận là nhị sư huynh của bà ta. Cố liệu cách mà kéo dài thời gian đủ cho hiền điệt xem thơ, được không?
Cao Nhẫn trầm ngâm :
- Thế nhỡ bà ta mừng quá, la lớn thì sao?
Gật đầu, Lã Nguyên Sinh trấn an :
- Không sao đâu, việc này để ta lo, còn hiền điệt cố mà xem cho thật nhanh nhé.
Vẫn còn băn khoăn nhưng thấy chỉ còn cách này mà thôi, Cao Nhẫn đành phải ưng thuận :
- Ừ, thử thì thử! Bá bá cố đừng để lỡ chuyện.
Lã Nguyên Sinh lại hỏi :
- Khi nào bà ta mới bắt đầu đi?
Cao Nhẫn nhẫm tính rồi trả lời :
- Sau bữa tối chừng ba khắc!
Lã Nguyên Sinh cũng tính thử :
- Vậy là bà ta sắp bắt đầu rồi! Nếu hiền điệt nhớ đúng.
Đưa tay chỉ ra ngoài chấn song, Cao Nhẫn nói :
- Bá bá xem kìa, đã có ánh đuốc rồi đấy thôi.
Lã Nguyên Sinh đưa mắt nhìn theo hướng tay Cao Nhẫn chỉ, gật đầu, lão nói :
- Chuẩn bị nhé!
Lão vừa dứt tiếng thì đã nghe người đàn bà kia vừa đi vừa lảm nhảm :
- Chồng ta đâu? Con ta đâu?
Theo sao tiếng lảm nhảm, phụ nhân nọ và đuốc trên tay cũng vừa đi đến. Đến chỗ giam của hai người, phụ nhân dừng lại, tay đưa cao ngọn đuốc, nhìn vào cả hai mà nói :
- Nhị sư huynh, nhị sư huynh, phải nhị sư huynh đó không?
Đưa mắt ra hiệu cho Cao Nhẫn, Lã Nguyên Sinh hướng về phía phụ nhân mà nói :
- Ai, ai hỏi ta đó?
Bà ta liền nhìn ngay Lã Nguyên Sinh mà hỏi nữa :
- Nhị sư huynh, phải nhị sư huynh đó không?
Vẫn nhìn ra, Lã Nguyên Sinh hỏi :
- Tôn giá là ai? Hỏi ta để làm gì?
Phụ nhân nọ, mắt đã lạc thần, vẫn lảm nhảm :
- Nhị sư huynh, chắc không phải là nhị sư huynh rồi.
Bà ta định bỏ đi, sợ Cao Nhẫn chưa xem thơ xong, Lã Nguyên Sinh lại lên tiếng hỏi :
- Ai là nhị sư huynh của tôn giá? Nhị sư huynh của tôn giá tên gọi là gì?
Câu hỏi như gợi lại phần nào trí nhớ của phụ nhân, bật ngay câu trả lời :
- Là Văn nhị sư huynh, ta làm sao quên được tên gọi của nhị sư huynh.
Rồi bà ta quay người đi tiếp, miệng vẫn lảm nhảm :
- Chồng ta đâu? Con ta đâu?
Bà ta vừa đi khuất, Cao Nhẫn đã nói ngay :
- Bá bá, hay quá, tiểu đệ đã xem xong hết rồi.
Thấy Lã Nguyên Sinh không tỏ vẻ vui mừng gì cả. Cao Nhẫn hỏi :
- Sao thế? Bá bá đã làm sao rồi?
Vừa hỏi, Cao Nhẫn vừa tiến lại gần Lã Nguyên Sinh, chỉ thấy Lã Nguyên Sinh đứng thừ người ra, lão lẩm bẩm :
- Nhị sư huynh... Văn nhị sư huynh... Văn nhị sư huynh...
- Bá bá! Bá bá nói gì vậy? Bá bá nói ai?
Giật mình, Lã Nguyên Sinh nhìn Cao Nhẫn, sực nhớ ra, lão nói :
- Thế nào? Hiền điệt xem xong chưa? Trong thơ nói gì?
Cao Nhẫn vẫn còn ngạc nhiên, hỏi nữa :
- Thế từ nãy giờ, bá bá không nghe tiểu điệt nói gì sao? Lúc nãy bá bá nói gì mà có Văn nhị sư huynh? Bá bá định nói ai thế?
Thở ra một hơi dài, Lã Nguyên Sinh thoáng trầm ngâm nói với Cao Nhẫn :
- Phụ nhân đó vừa nhắc đến Văn nhị sư huynh, làm ta nhớ đến nhị đệ của ta. Nhị đệ của ta nổi danh cùng thời với ta, họ là Văn, cùng với ta được giang hồ xưng tụng là Hồng Bạch nhị kiếm.
Lại thở ra một hơi dài nữa, lão tiếp :
- Mới đó mà đã mười tám năm rồi. Đã mười tám năm mà ta không nguôi được nhớ thương.
Cao Nhẫn lần đầu tiên nghe nói đến bốn chữ Hồng Bạch nhị kiếm nên hiếu kỳ hỏi :
- Hồng Bạch nhị kiếm? Sao gọi là Hồng Bạch nhị kiếm thế hở bá bá?
Lã Nguyên Sinh giải thích :
- Ta là Hồng Nhật Tảo Kiếm, còn nhị đệ ta là Bạch Nguyệt Truy Kiếm Văn Thiên Linh. Dựa theo biệt hiệu của chúng ta mà giang hồ gọi là Hồng Bạch nhị kiếm.
Cao Nhẫn lại hỏi nữa :
- Thế Bạch Nguyệt Truy Kiếm tiền bối đi đâu rồi mà bá bá lại nói đã mười tám năm không gặp?
Bùi ngùi xúc động, Lã Nguyên Sinh nói :
- Còn đâu nữa mà mong gặp lại, nhị đệ ta cùng toàn gia đã bị kẻ thù sát hại, đến nay là được mười tám năm rồi.
Thất sắc Cao Nhẫn gằn giọng hỏi :
- Kẻ nào mà tàn ác vậy, bá bá?
Lắc đầu, nước mặt của Lã Nguyên Sinh đã rơi, lão nói thật khẽ :
- Không một tung tích nào, kẻ địch không một dấu vết nào để từ đó mà ta có thể đoán biết kẻ đó là ai. Làm đại ca như ta thật là vô dụng.
Lây nỗi buồn của Lã Nguyên Sinh, Cao Nhẫn hỏi nhỏ :
- Thế toàn gia của Văn tiền bối không một ai sống sót cả sao bá bá?
- Ta cũng từng tự hỏi như vậy. Địch nhân sau khi giết hại đã phóng hỏa phi tang. Hai ngày sau ta mới về đến thì chỉ còn là một đống tro tàn. Thu nhặt hài cốt, ta không thể phận biệt được ai là ai cả...
- Thế tại sao bá bá lại cho là Văn tiền bối đã chết?
- Nhị đệ ta khi chết, tay vẫn còn cầm Bạch Nguyệt Kiếm. Hơn nữa, nơi bàn tay cầm kiếm thiếu đi một lóng tay. Do đó ta đã quyết nhị đệ ta đã cùng địch nhân tham chiến. Và tham chiến cho đến chết.
- Thế qua các hài cốt khác, bá bá không nhận được người nào sao?
Lắc đầu, lão đáp :
- Ngoài nhị dệ có bàn tay thiếu đi một lóng, còn nhận dạng được. Các người khác, ta làm sao biết được là ai. Duy chỉ có giọt máu của nhà họ Văn...
- Làm sao bá bá?
- Đứa bé ấy vừa được hai tuổi, ta tìm mãi mà vẫn không thấy hài cốt một đứa bé nào cả. Do đó... do đó, đã mười tám năm nay, ta không thôi tìm tung tích của cháu ta... Nhưng không sao tìm được! Đứa bé ấy nếu còn sống, chắc không lớn hơn hiền điệt đâu, có khi lại bằng nữa, không biết chừng!
- Anh ấy... anh ấy chắc còn sống!
- Sao? Sao hiền điệt lại biết?
- Là... là tiểu điệt chỉ nói vậy mà thôi! Chứ bá bá không mong cho anh ấy còn sống sao? Thế bá bá đã không nói là không tìm được hài cốt của anh ấy sao?
Gật đầu, lão nói cho chính lão nghe :
- Phải! Đã mười tám năm qua, ta không ngừng hy vọng... Ta không ngừng tìm kiếm.. ta sẽ còn kiếm nữa... đến khi nào tìm được mới thôi!
Lắc đầu, lão hỏi qua chuyện khác :
- Thế nào? Hiền điệt xem trong thư của gã Hoàng Nhân có nói gì không?
Nhớ đến bức thư, Cao Nhẫn phấn khích nói :
- Bá bá, bá bá có biết hai năm qua, Mã tiền bối ở đâu không?
Rồi không đợi cho cho Lã Nguyên Sinh ức đoán, Cao Nhẫn nói luôn :
- Mã Hoàng tiền bối, hai năm qua, theo lệnh của Độc Mục Cái tiền bối, đã tiềm nhập vào Hiệp Thiên bang, với ý đồ tìm hiểu xem lão Quân chủ là ai? Nhưng Mã tiền bối chỉ tiềm nhập được vào đến đây mà thôi! Hiện nay Mã tiền bối là một trong hai tay quản ngục ở đây! Hà hà... Mã tiền bối bây giờ đường đường là một Ngân lệnh sứ đấy!
Gật đầu, Lã Nguyên Sinh lại hỏi :
- Ngoài ra, trong thư còn nói gì không?
- Mã tiền bối có nói, đến nay mới biết tiểu điệt bị giam ở đây! Mã tiền bối hỏi tiểu điệt có cần gì không? Mã tiền bối sẽ tìm cách giúp đỡ.
- Thế hiền điệt định lẽ nào? Nghe hay không lời lão Quân chủ? Có cơ hội để thoát thân không? Liệu thoát thân rồi, hiền điệt có phương thế nào để diệt được lão hay không?
Một loạt những nan đề, Lã Nguyên Sinh nói ra làm Cao Nhẫn thấy nhức đầu!
Cao Nhẫn tuần tự đáp :
- Đương nhiên là không thể nghe theo lời lão rồi, còn việc thoát thân thì tiểu điệt đang liệu tính. Trước mắt cứ lo thoát thân trước, việc diệt được lão hay không còn phải tính sau. Điều quan trọng là phải thoát thân trước hạn do lão đề ra.
- Thời hạn? Lão lại đề ra thời hạn à? Bao lâu?
- Một tháng! Mà nay đã mười tám ngày rồi, chỉ còn mười hai ngày nữa thôi.
Lã Nguyên Sinh ngơ ngẩn hỏi :
- Làm sao được đây? Có Mã Hoàng ở đây, việc thoát thân may ra còn có hy vọng, nhưng công lực của hiền điệt đang bị cấm chế thì sao?
Cao Nhẫn cố nói thật khẽ :
- Bá bá, bá bá nghe tiểu điệt nói đây, tiểu điệt đã biết phương pháp giải huyệt, hiện giờ chỉ cần hai ngày nữa là có cơ tiểu điệt sẽ phục hồi công lực.
- Nói sao? Hiền điệt tự giải huyệt được? Ai chỉ? sao đến nay hiền điệt không lo giải huyệt đi, còn chờ gì nữa?
Cao Nhẫn bèn thuật lại việc mẫu thân của Nam Cung Ngọc đã chỉ phương pháp và những khó khăn trở ngại của phương pháp này, nó đòi hỏi phải là người có nội công thật thâm hậu mới giải được cấm chế! Còn nếu người này tự mình giải lấy thì đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì.
Nghe xong, Lã Nguyên Sinh mừng cho Cao Nhẫn, lão nói :
- Thế hiền điệt đã giải được bao nhiêu phần rồi?
- Ngay từ lúc tiểu điệt bị đưa vào đây cho đến nay đã đi được tám phần đường, chỉ còn hai phần nữa thôi là tiểu điệt sẽ thành công.
Lã Nguyên Sinh hối thúc :
- Vậy thì hiền điệt hãy mau mau hành công đi, đừng vì sự hiện diện của ta mà bê trễ.
Nghe theo lời, Cao Nhẫn bắt đầu tĩnh tọa mà vận hành công lực.
Hai ngày sau đó, do sự có mặt của Lã Nguyên Sinh, Cao Nhẫn không phải bận tâm về việc lấy thức ăn, hoặc việc phụ nhân điên xuất hiện lảm nhảm, cũng như không phải đề phòng có người bất chợt đến, Cao Nhẫn đã hoàn toàn hồi phục công lực.
Vừa xả công, đã thấy thần tình của Lã Nguyên Sinh có điều khác lạ, Cao Nhẫn hỏi :
- Bá bá, bá bá đã sao rồi?
Lã Nguyên Sinh thần tình đang xúc động, nghe Cao Nhẫn hỏi, lão ấp úng nói :
- Hiền điệt, đã hai hôm rồi, ta xem phụ nhân nọ có nhiều nét quen quen, ta cứ ngờ ngợ là đã gặp ở đâu rồi...
- Ở đâu? Bá bá cố nhớ lại xem.
- Ta.. Ta không biết nữa. Nhưng mỗi lần nhìn thấy phụ nhân ta lại xúc động, nhất là mỗi khi nghe phụ nhân hỏi: ‘Nhị sư huynh, có phải nhị sư huynh đó không?’ là ta lại càng nhớ đến nhị đệ ta.
- Hay là phụ nhân này ắt có liên quan đến Văn tiền bối?
Gật đầu, Lã Nguyên Sinh nói :
- Ta cũng mường tượng như thế!
- Thế sao bá bá lại không hỏi thẳng xem sao?
Lã Nguyên Sinh gật đầu tán đồng :
- Ta cũng đã định như thế, nhưng cố đợi cho hiền điệt giải hết các cấm chế đã.
- Phụ nhân đó sắp đến chưa?
- Chưa ăn bữa trưa, còn hơn nửa ngày nữa phụ nhân đó mới xuất hiện.
Thế là thời gian lại qua đi, đã qua bữa tối được ba khắc thời gian. Xa xa đã thấy thấp thoáng có ánh đuốc. Cả hai cùng bồn chồn, nôn nao chờ đợi.
Phụ nhân chưa xuất hiện đã nghe tiếng lảm nhảm :
- Chồng ta đâu? Con ta đâu?
Vừa nghe tiếng lảm nhảm từ xa. Cả hai, Cao Nhẫn và Lã Nguyên Sinh đồng đứng dậy tiến lại gần song sắt. Tiếng bước chân phụ nhân đến gần, ánh đuốc đã soi sáng một vùng không gian, càng lúc càng đến gần. Và rồi phụ nhân đã lên tiếng :
- Chồng ta đâu? Con ta đâu? - Rồi lại lảm nhảm nói, trong khi đưa mắt nhìn cả hai. - Nhị sư huynh, nhị sư huynh! Có phải nhị sư huynh đó không?
Lã Nguyên Sinh vội lên tiếng :
- Nhị muội tức, phải muội tức đó không? Ta là đại huynh đây! Đại huynh của muội tức đây, Lã Nguyên Sinh đây! Có phải nhị muội tức không? Nhìn đây! Nhìn đại huynh đây! Nhị muội tức còn nhớ ta không? Có nhận được ta không?
Càng nói Lã Nguyên Sinh càng xúc động, nói một hơi không ngừng nghĩ, đến cuối cùng lão như muốn hét to lên...
Phụ nhân trân trối nhìn Lã Nguyên Sinh, miệng vẫn lảm nhảm :
- Không phải là nhị sư huynh!
Phụ nhân đã định bỏ đi.
Động tâm, Lã Nguyên Sinh bật kêu lên :
- Văn Thiên Linh!
Phụ nhân nghe tiếng kêu như tiếng sấm nổ giữa trời quang, thân hình run rẩy, cây đuốc trên tay cơ hồ muốn rơi xuống đất. Ngoảnh mặt lại, ánh mắt như có một chớp lóe, phụ nhân run rẩy nói :
- Ai? Ai gọi tên chồng ta đó? - Rồi lại lảm nhảm - Chồng ta đâu? Con ta đâu?
Lã Nguyên Sinh sợ phụ nhân lại bỏ đi, nên vội lên tiếng gọi một lần nữa, tiếng kêu mơ hồ, êm nhẹ :
- Văn Thiên Linh! Trang Đài Trúc!
Lần này, phản ứng của phụ nhân càng rõ rệt hơn. Tay chân run lẩy bẩy. Đuốc rơi đánh ‘phịch xuống đất, phụ nhân vừa khom người xuống nhặt đuốc, vừa lảm nhảm :
- Trang Đài Trúc! Trang Đài Trúc!...
Tay đã cầm đuốc lên rồi mà phụ nhân chưa thôi lảm nhảm :
- Trang Đài Trúc... Trang Đài Trúc là ai? Ai là Trang Đài Trúc? Trang Đài Trúc...
Lúc này, hầu như phụ nhân không còn nhớ đến việc phải bỏ đi nữa.
Phụ nhân luôn miệng lảm nhảm :
- Trang Đài Trúc... Trang Đài Trúc là ai? Là ai?
Lã Nguyên Sinh mơ hồ cũng muốn phát điên, lão cũng lảm nhảm :
- Trang Đài Trúc... Trang Đài Trúc muội! Nhụ muội tức... nhị muội tức...!
Cao Nhẫn cứ ngẩn ngơ, hết nhìn phụ nhân lại nhìn đến Lã Nguyên Sinh, thấy thần tình của cả hai người mà bi đát cho cả hai người, Cao Nhẫn cố đứng gần hơn, gần sát bên hàng chấn song mà cứ đưa mắt nhìn cả hai.
Vẫn nghe cả hai không thôi lảm nhảm, Cao Nhẫn bối rối không biết nên phải làm gì đây?
Trong lúc cực kỳ bối rối và hoang mang, Cao Nhẫn đã bật hỏi :
- Bá bá! Có phải là phu nhân của Bạch Nguyệt Truy Kiếm Văn Thiên Linh, Văn tiền bối không?
Lới nói trong lúc vô tình đã như cọng rơm mà người chết đuối vớt được... Phụ nhân nọ thôi lảm nhảm ngay, mà còn lại cất tiếng hỏi :
- Bạch Nguyệt Truy Kiếm! Bạch Nguyệt Truy Kiếm đâu rồi? Bạch Nguyệt Truy Kiếm đâu? Hồng Nhật Kiếm đâu? Đại huynh, đại huynh đâu rồi, mau cứu lấy Văn nhị sư huynh... Đại huynh...!
Giọng nói của phụ nhân càng lúc càng rõ, càng lúc càng có hồn hơn, không còn chỉ là những tiếng lảm nhảm vô hồn nữa!
Lã Nguyên Sinh cũng do câu hỏi của Cao Nhẫn mà như người đang mê chợt tỉnh, lão đã định lên tiếng đáp lời thì đã nghe phụ nhân nhắc đến danh hiệu của mình. Lão lại ý thức mà đáp ngay tiếng gọi cầu cứu của phụ nhân :
- Hồng Nhật Kiếm đây! Kẻ nào dám động đến Bạch Nguyệt Truy Kiếm nhị đệ ta! Kẻ nào cả gan dám chọc đến Hồng Bạch nhị kiếm?
Trong mơ hồ, phụ nhân cũng lên tiếng đối đáp với Lã Nguyên Sinh :
- Hồng Bạch Nhị Kiếm trang nào phải nơi cho kẻ nào muốn đến là đến! Muốn đi là đi! Không...! Không! Đại huynh không! Hồng Bạch Nhị Kiếm trang cháy rồi, cháy hết rồi! Con ta đâu? Con ta đâu?
Nói đến đây, phụ nhân đưa mắt đã lạc thần nhìn quanh quất như muốn tìm kiếm đứa con của bà ta. Bất chợt, qua ánh đuốc bập bùng, bà ta nhìn thấy rõ Cao Nhẫn, bà ta bật thốt lên :
- Văn Thiên Linh huynh! Văn nhị sư huynh! Con chúng ta đâu? Nhị sư huynh có nhìn thấy Nguyên nhi không? Con ta đâu? Hãy trả con ta lại đây! Nguyên nhi...
Tiếng gọi của phụ nhân càng lúc càng lớn, làm kinh động đến nhiều người đang bị giam giữ ở quanh đây.
Có tiếng chân người chạy đến. Có bóng người xuất hiện. Hai người.
Một cao một thấp. Một già một trẻ. Người già đưa mắt ra hiệu cho người trẻ, dìu phụ nhân đi. Rồi người già lên tiếng :
- Không có việc gì! Các người hãy ngủ đi! Đừng làm ồn nữa!
Cao Nhẫn và Lã Nguyên Sinh không đê ý đến người già vừa đến, chỉ đưa mắt nhìn theo phụ nhân đang bị đưa đi.
Phụ nhân chân bước đi mà cứ ngoảnh mặt lại, cứ nhìn vào Cao Nhẫn mà nói :
- Văn nhị sư huynh, mau cứu lấy Nguyên nhi! Mau cứu lấy con chúng ta!... Nhị sư huynh! Nhị...
Lã Nguyên Sinh lúc này đã phần nào bình tâm, tỉnh trí. Hết nhìn phụ nhân ở xa mà nghe tiếng nói của phụ nhân, lại quay sang nhìn Cao Nhẫn... Rồi lão lẩm bẩm, trong khi đầu không ngớt gật gật :
- Phải rồi! Đúng rồi! Chắc là đúng rồi!
Cả hai hoàn toàn không để ý đến người vừa mới đến, người già đang đứng ngay bên cửa có hàng chấn song sắt.
Cao Nhẫn nghe rõ tiếng lẩm bẩm của Lã Nguyên Sinh nên nhìn lão mà hỏi :
- Đúng rồi? Bá bá nói cái gì là đúng rồi?
Lã Nguyên Sinh như đã chắc ý nên đáp :
- Nhìn hiền điệt, ta cứ ngờ ngợ là nhìn thấy Văn nhị đệ của ta! Giống lắm! Thật là giống như khuôn đúc!
- Phải! Cao thế huynh đây trông thật chẳng khác Bạch Nguyệt Truy Kiếm khi xưa! Quả là không khác chút nào!
Nge tiếng người lạ đang nói ở cạnh ngay bên, Cao Nhẫn và Lã Nguyên Sinh mới phát hiện người già vẫn còn đang đứng đó, và câu nói vừa rồi chính là do người già này phát ra.
Kinh ngạc và bàng hoàng, cả hai đồng kêu lên :
- Đúng là Truy Phong Tẩu Cái Mã Hoàng!
Cao Nhẫn định lên tiếng hỏi...
Lã Nguyên Sinh do tâm thần còn đang vướng víu chuyện mới rồi nên lẹ miệng hơn, hỏi :
- Mã lão huynh có thấy hắn giống thật không? Có giống Văn nhị đệ của ta không? Mã lão huynh hãy xác định lại xem!
Mã Hoàng gật đầu nói :
- Đừng nói chi đến lão già mắt kém này, ngay tất cả người trên giang hồ cũng phải nhìn nhận là giống thật. Cao thế huynh đây trông uy uy lẫm lẫm không khác nào Bạch Nguyệt Truy Kiếm Văn Thiên Linh lúc xưa cả! Giống tợ hai giọt nước!
Khẳnh định xong, lão lại quay sang quở trách :
- Hai người làm gì thế? Không thiết sống nữa à? Sao nửa đêm lại làm kinh động lên như vậy? May hôm nay là phiên trực của lão già này, nếu không thì nguy cả lũ.
Không đáp mà cũng không ra vẻ sợ sệt, Lã Nguyên Sinh vẫn cứ hỏi :
- Mã lão huynh! Phụ nhân đó là ai vậy? Sao lại ở đây? Làm thế nào mà bà ta đi lại một cách dễ dàng thế?
Mã Hoàng tuy đang bực tức, nhưng vẫn cố nén mà trả lời :
- Không để thế thì phải làm sao? Giam giữ bà ta mà được yên ư? Bà ta lại không làm ầm lên à? Bà ta là ai, lão già này không được biết, chỉ biết khi lão già này đến đây thì đã thấy bà ta ở đây rồi! Hỏi lại những người đã ở đây từ trước thi ai cũng đều nói như vậy cả!
Nghĩa là đã kết thúc câu chuyện này, lão già này đành phải nói là bà ta đã ở đây từ lâu lắm rồi! Xong! Còn các vị, các vị tính sao đây? Chuyện mình lại không lo, sao lại đi lo cho chuyện người?
Càng nói, lão càng bực tức.
Hiểu được điều này, Cao Nhẫn vuốt ve lão :
- Mã tiền bối! Thôi đừng có bực nữa! Sao tiền bối hôm nay đến là có việc gì không? Nói đi tiền bối, vãn bối đang hầu nghe đây!
Vẫn còn bực tức, tuy đã nguôi nguôi phần nào, lão nói :
- Thì còn việc gì nữa, ngoài việc lo sự thoát thân cho cả hai!
- Thoát thân!
Cả hai phấn khích quá, đồng la lên... Dậm chân bực bội, Mã Hoàng gắt :
- Trời ơi! Thế này thì chỉ có chết mà thôi! Các người sao lắm miệng thế?
- Được rồi! Được rồi! Thế Mã lão huynh đã có kế nào thoát thân được? Nói nghe coi!
- Kế là kế gì? Lão già này có kế gì mà nói, là ta chỉ hỏi hai người đã toan liệu gì chưa?
Đến lượt Lã Nguyên Sinh gắt :
- Ta ở trong này, còn liệu được gì nữa mà toan với tính. Vậy mà ta cứ ngỡ lão già ngươi đến đây là đã có kế gì rồi. Thế mà cũng nói!
Xẻn lẻn, Mã Hoàng đành cười trừ...
Cao Nhẫn hỏi chen vào :
- Mã tiền bối! Đường đi lối lại ở trong này, tiền bối đã tỏ tường cả chứ? Có thế mới nói chuyện thoát thân.
Mã Hoàng lại bực tức nói :
- Cũng thật là hay cho cái lũ Hiệp Thiên bang này! Ta đã ở đây gần hai năm, cũng là một Ngân lệnh sứ, thế mà bọn chúng vẫn chưa tin ta. Đường đi nước bước, cơ quan, bẫy rập, nhất nhất đều do bọn chúng dẫn dắt! Nhắc đến chuyện này, ta thật còn bực tức! Đúng là một lũ gian ngoa!
Như quả bóng bị xì hết hơi, Cao Nhẫn thấy chán nản không muốn nói gi nữa cả... quay người đi sát vào phía trong. Mặc kệ cho hai lão già mặc tình mà đối đáp, hỏi chuyện nhau.
Quả là đúng với ý muốn của Lã Nguyên Sinh, lão đưa tay khều nhẹ Mã Hoàng mà nói :
- Mã lão huynh, ta có hai việc này muốn nói cho lão huynh hay! Lão huynh hãy tiến lại gần đây.
Mã Hoàng y lời, tiến sát lại.
Lã Nguyên Sinh hạ giọng nói khẽ :
- Việc thứ nhất liên quan đến thân thế, lai lịch của Cao Nhẫn. Suỵt, đừng hỏi, mà nghe ta nói đã, ta đoan chắc rằng hắn chính là giọt máu của nhà họ Văn. Mã huynh liệu cách nào, đưa ta đến gặp phụ nhân kia... Hừm, đã bảo cứ nghe, không được nói kia mà... Cứ đưa ta và hắn đến gặp, chuyện sẽ không sao đâu, Mã huynh đừng ngại! Đây này, để ta nói luôn việc thứ hai, là Mã lão huynh sẽ yên tâm ngay, hắn đã tự giải khai được cấm chế của lão Quân chủ rồi. Suỵt... hắn đã phục hồi được công lực như trước. Việc tháo cũi xổ lồng, chỉ cần lão huynh cố giúp một tay là xong ngay! Chỉ lo cho một mình hắn thôi! Đến khi diệt xong lão Quân chủ, bọn ta lúc đó còn gì phải sợ nữa. Thế nào? Nghe có được không?
Mã Hoàng nghe xong, nửa lo nửa mừng, lão suy nghĩ một lúc rồi gật đầu, nói khẽ :
- Được rồi, việc thứ nhất, đưa các người đến chỗ phụ nhân kia thi không khó khăn lắm, chỉ ngại các ngươi làm ồn thì lỡ chuyện. Còn việc thứ hai, khó khăn hơn, nhưng để ta liệu xem có cách nào không! Xong việc, bọn các người quay lại ngay đây nhé! Đừng vọng động, cố mà chờ tin của ta! Nào, đi ra đi!
Truy Phong Tẩu Cái Mã Hoàng dùng chìa khóa mà mở ngay cửa phòng giam, ra dấu cho Lã Nguyên Sinh, rồi đi trước một bước.
Lã Nguyên Sinh quay lại ngoắc Cao Nhẫn, rồi cũng đi ra.
Cao Nhẫn vì chán nản, không buồn để tâm tới lời thì thầm của hai lão già, nhưng đến khi Mã Hoàng mở khóa thì Cao Nhẫn đã đứng bật dậy, trố mắt ngạc nhiên mà nhìn thấy Lã Nguyên Sinh ngoắc tay, tuy không hiểu nhưng vẫn bước đi theo.
Mười trượng, rẽ trái. Mười trượng, lại rẽ trái. Muời trượng, lại rẽ trái.
Sau ba lẫn rẽ trái đã đến một góc tối, thoảng có mùi hôi thối.
Cao Nhẫn hỏi nhỏ :
- Đây là đâu? Sao lại đến đây?
Mã Hoàng không đáp, mà nói với Lã Nguyên Sinh :
- Đến rồi, các ngươi đi thẳng vào!
Lã Nguyên Sinh vội hỏi :
- Mã lão huynh, tối thế này làm sao mà nói chuyện được đây? Mã lão huynh có đá lửa không?
Không đáp, Mã Hoàng lấy từ trong người ra một đoạn sắt nhỏ, đưa cho Lã Nguyên Sinh và hỏi :
- Lã huynh biết dùng vật này không?
Lã Nguyên Sinh gật đầu đáp :
- Bữu bối của Cái bang đây mà! Vậy là tốt lắm rồi! Mã lão huynh đi đi! Đi lo việc kia đi! Bọn ta chờ tin nhé!
Mã Hoàng xoay người bỏ đi...
Lã Nguyên Sinh nắm lấy tay Cao Nhẫn mà đi vào.
Cao Nhẫn, lúc này do nội công đã phục, mắt đã tin tường, nhìn rõ mọi vật, nói với Lã Nguyên Sinh :
- Bá bá! Ở trong góc kia như có người! Ai vậy?
Lã Nguyên Sinh nghe Cao Nhẫn nói, thần tình bỗng trở nên xúc động, lão nói nhỏ :
- Cao hiền điệt! Là phụ nhân điên ấy mà! Hiền điệt nghe ta nói đây. Ta tin chắc hiền điệt là con của Văn nhị đệ ta! Ta... ta kêu lão Tẩu Cái đưa ta và hiền điệt đến gặp bà ta mà làm rõ trắng đen, nếu có gì, hiền điệt nhớ cố mà kềm nén, chớ làm kinh động nhé!
Cao Nhẫn từ khi thấy phụ nhân cứ nhìn mình mà lẩm bẩm kêu là ‘Vân nhị sư huynh’, cảnh mà Cao Nhẫn thật sự xúc động đến tận tâm can!
Sau nữa, nghe một hai Lã Nguyên Sinh và Mã Hoàng cứ bảo mình trông giống Văn Thiên Linh, Bạch Nguyệt Truy Kiếm, Cao Nhẫn cũng đã thấy phần nào rúng động.
Bây giờ lại nghe lời đoan chắc của Lã Nguyên Sinh, thần tình của Cao Nhẫn lại càng cảm thấy bồi hồi, trong lòng cứ nao nao, không bút mực nào tả xiết được.
Gần như là rón rén, cả hai bước lại chỗ phụ nhân đang nửa nằm nửa ngồi, miệng không thôi lảm nhảm!
Một ánh lửa bừng lên từ đoạn sắt nhỏ trên tay của Lã Nguyên Sinh, đã làm cho cả ba người đều giật mình.
Lã Nguyên Sinh giật mình vì xem lại khuôn mặt cùng nụ cười ngây dại của phụ nhân, Lã Nguyên Sinh trông thấy rất giống vợ của nhị đệ mình, tức là Trang Đài Trúc, nhị muội tức của lão.
Phụ nhân kia giật mình vì tâm thần lúc nào cũng tưởng nhớ đến hình bóng của chồng mình là Văn Thiên Linh, nay đang âu sầu, nghĩ đến con mà oán trách chồng mình sao không ra tay cứu, bất chợt ánh sáng bùng lên, rọi rõ khuôn mặt của Cao Nhẫn, bà ta thảng thốt mà nhìn chăm chăm vào Cao Nhẫn mà nói :
- Văn nhị sư huynh, Văn Thiên Linh! Văn nhị sư huynh đây mà!
Cao Nhẫn cũng giật mình vì tâm tư đang bị câu nói đoan chắc của Lã Nguyên Sinh chi phối. Đến khi thấy rõ ràng phụ nhân cứ nhìn mình mà gọi “Văn Thiên Linh, Văn nhị sư huynh”.
Không cầm được nửa, Cao Nhẫn đã quỳ phục xuống ôm lấy đôi chân của phụ nhân mà nức nở kêu :
- Mẫu thân! Mẫu thân! Hài nhi đây này! Mẫu thân! Mẫu thân không nhận được hài nhi sao?
Tiếng gọi nức nở của Cao Nhẫn như tia sáng lóe lên trong đêm. Gợi ngay trong tiềm thức của phụ nhân, tiếng kêu bé bỏng của con mình khi xưa, thuở còn thơ dại...
Bà cũng đưa tay ôm lất đầu của Cao Nhẫn khóc mà kêu :
- Nguyên nhi, Nguyên nhi của mẹ đây mà! Sao Nguyên nhi cứ bỏ ta mà đi đâu vậy? Ta nhớ con! Ta trông chờ con biết bao là đau xót. Nguyên nhi... Nguyên nhi...
Lã Nguyên Sinh đứng trước tình cảnh này, tuy xúc động nhưng không thể biết chắc là phụ nhân kia đã tỉnh thật hay là không? Hay là bà ta chỉ vì nhớ đến con quá mà chỉ nói mơ hồ vậy thôi.
Đưa tay khẽ chạm vào người Cao Nhẫn, lão nói khẽ :
- Hiền điệt, xem chừng bà ta chưa tỉnh hẳn đâu! Hiền điệt đừng vì quá xúc động mà làm hư việc.
Cao Nhẫn nghe lời nói của Lã Nguyên Sinh, nghiệm lại thì thấy thiệt là hữu lý, bối rối, Cao Nhẫn hỏi :
- Vậy thì phải làm sao đây, bá bá nói đi.
Lã Nguyên Sinh cũng đâm ra bối rối... lão cứ nhìn phụ nhân đang nức nở kêu Nguyên nhi, Nguyên nhi mà cũng không biết phải làm thế nào...
Động tâm, Lã Nguyên Sinh hỏi Cao Nhẫn :
- Hiền điệt, trong người hiền điệt có giữ một vậy gì do nhũ mẫu trao lại mà là vật gia truyền không?
Cao Nhẫn ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu :
- Không có!
Thật là tấu xảo! Khéo thay, Mã Hoàng lại đi đến. Nhìn Mã Hoàng trong trang phục của Ngân lệnh sứ, Cao Nhẫn tâm linh chợt máy động, nói ngay :
- Có rồi, có rồi, tiểu điệt có cách rồi!
Đoạn bước ra đón Mã Hoàng, không để lão kịp lên tiếng, Cao Nhẫn đã hỏi :
- Mã tiền bối, Mã tiền bối có Ngân lệnh bài không?
Thấy Mã Hoàng gật đầu, Cao Nhẫn lại nói :
- Mau! Tiền bối hãy lấy cho vãn bối mượn, có việc cần dùng! Cả tiền bối nữa, hãy mau lại đây!
Ngơ ngác, Mã Hoàng lấy Ngân lệnh bài trao cho Cao Nhẫn, chân từ từ đi tới mà không hiểu Cao Nhẫn định làm gì?
Lã Nguyên Sinh cũng hoang mang, ngỡ Cao Nhẫn đã...
Cao Nhẫn không giải thích, tay giữ Ngân lệnh bài trong tay, tay kia nắm lấy tay Mã Hoàng đi gần lại phía phụ nhân. Dưới ánh sáng từ đoạn sắt nhỏ, Cao Nhẫn xòe bàn tay đang giữ Ngân lệnh bài mà khẽ quát lên :
- Xem này!
Ánh lửa bập bùng khi sáng, khi mờ, chiếu vào mảnh Ngân lệnh bài, hắt vào mắt của phụ nhân...
Không khí tĩnh mịch, lạnh như ánh kim khí chiếu ra lạnh! Lạnh như trường bào màu trắng của Ngân lệnh sứ toát ra lạnh!
Lạnh lùng! Mọi người cơ hồ đều nghe giật mình sau tiếng quát khẽ của Cao Nhẫn. Cao Nhẫn cũng bắt lạnh người khi nhìn thấy thầnh tình khiếp hãi của phụ nhân.
Phụ nhân cũng bắt lạnh mình khi tâm thầm rơi ập vào quá khứ kinh khiếp, đáng sợ, phụ nhân run rẩy cố lết lùi lại.
Lùi lại làm sao được khi sau lưng đã là vách đá dựng đứng.
Lã Nguyên Sinh lo sợ thay cho phụ nhân, định lên tiếng bảo Cao Nhẫn thôi cái trò này đi.
Thì phụ nhân đã lên tiếng lắp bắp, khi thất sự thấy đã hết đất lùi :
- Giết... giết hắn... hắn đi! Nhị sư huynh, hãy... coi chừng hắn đó... hắn ở ngay... bên cạnh... nhị sư huynh đó! Giết... giết hắn đi... nhị sư huynh...
Thấy Cao Nhẫn không tỏ ra ý gì muốn hành động, phụ nhân lại nhìn sang Lã Nguyên Sinh mà kêu :
- Đại... đại huynh! Sao... không tiếp trợ... một tay... cho nhị... sư huynh... đại huynh...
Rồi lại quay sang Cao Nhẫn mà nói, mắt đã có thần, đang lóe ra một tia hung quang :
- Văn Thiên Linh! Sao sư huynh lại đứng chết trân vậy? Sao không giết hắn ngay đi?
Không rõ vì chuyện xảy ra giống in như thật hay Cao Nhẫn có ý định gì từ lúc trước, Cao Nhẫn đã vươn tay ra điểm vào huyệt Định Thân và Á huyệt của Mã Hoàng.
Mã Hoàng ngã ra mà không hiểu vì sao lại như thế! Lã Nguyên Sinh cũng bàng hoàng...
Riêng phụ nhân, tia mắt đã dịu đi, thở phào một hơi nhẹ nhõm khi thấy Cao Nhẫn đang vòng tay nói với Lã Nguyên Sinh :
- Lã đại huynh! Thế là chúng ta đã giết được tên đại ác đó rồ! Hồng Bạch Nhị Kiếm trang từ nay vang danh thiên hạ.
Phụ nhân cũng mỉm cười mà nói với Lã Nguyên Sinh :
- Đa tạ Lã đại huynh đã giúp tệ phu quân một tay! Trúc muội nhớ ơn Lã đại huynh suốt đời!
Lã Nguyên Sinh như đang sống lại quá khứ mười tám năm về trước, lão ta cũng bật cười mà nói :
- Hảo muội tử, hảo hiền đệ, chúng ta đã là anh em một nhà, tình thân như thủ túc, hiền phu phụ cớ sao lại khách sáo?
Phụ nhân lại nói :
- Thế là đã qua một trường ác mộng, lúc nãy, vợ chồng muội trông đại huynh biết là dường nào! Lã đại huynh, sao lúc này trông đại huynh già quá vậy?
Sự tình diễn tiến đến đây, Cao Nhẫn và Lã Nguyên Sinh khấp khởi vui mừng, nhưng Cao Nhẫn lại bắt đầu lo, vì lúc này phụ nhân như đang sống vào thời khoảng mười tám năm về trước. Đưa ánh mắt lo âu nhìn Lã Nguyên Sinh!
Lã Nguyên Sinh cũng hiểu được điều này, lão cũng thấy lo sợ. Nhưng dù sao, tuổi cao hơn thì lịch duyệt cũng phong phú hơn, Lã Nguyên Sinh nghiêm nét mặt, nhìn phụ nhân mà hỏi :
- Nhị muội tức! Nhị muội nói ta nghe xem sự việc đã xảy ra như thế nào?
Phụ nhân lúc này, thần trí vẫn đầy ắp những sự kiện như vừa mới xảy ra đây thôi, nên rất rành mạch nói lại :
- Lã đại huynh vừa rời Nhị Kiếm trang chừng hơn tháng, đã có một người đến đây xưng là Quân chủ gì đó. Y bắt buộc tệ phu quân phải đầu phục y. Cùng với y lo việc bá chủ võ lâm. Y còn trao cho tệ phu quân một lệnh bài đó, phong cho tệ phu quân làm Kim lệnh sứ và hứa sau này sẽ cất nhắc và đưa Nhị Kiếm trang lên hàng bậc nhất của võ lâm. Y nói thì nói, nhưng tệ phu quân nhất quyết không nghe, bảo là phải qua ý kiến của đại huynh. Lời qua tiếng lại, tệ phu quân không phục nên gọi y là tên đại ác ma! Y lấy thế làm giận nên cho thuộc hạ xông vào nhằm bắt tệ phu quân. Trường ác đấu xảy ra, muội không thể nào phụ giúp được cho nhị sư huynh vì muội còn phải bận chăm lo cho Nguyên nhi... ủa, đại huynh, đại huynh có trông thấy Nguyên nhi đâu không? Nguyên nhi, Nguyên nhi... con đâu rồi?
Chuyện thuật lại chưa đến hồi kết cuộc. Nhưng không cần nữa vì lúc này Lã Nguyên Sinh e em dâu mình quá bấn loạn mà điên trở lại. Lão liền hắn giọng :
- E hèm... Nhị muội tức! Nhị muội tức nghe ta nói đây. Nhị muội nhìn xem chúng ta đang ở dâu đây? Nhị muội nhìn xem ta thật sự đã già chưa? Còn muội tức, muội tức nhìn xem lại tóc của muội thì rõ, chúng ta đều đã già cả rồi! Muội tức có nghe ta nói không? Có hiểu điều ta nói không?
Giọng nói trầm ấm, nghiêm cẩn của Lã Nguyên Sinh đã bắt buộc Trang Đài Trúc phải nhìn xung quanh mình. Nhìn mái tóc đã bạc của Lã Nguyên Sinh, rồi đưa tay cầm tưng lọn tóc rối của mình mà nhìn, mà thẫn thờ, mà ưu tư :
- Sao chúng mình lại ở đây? Đây là đâu? Sao chúng ta lại già đến thế này? Lã đại huynh, Lã đại huynh nói xem?
Gật đầu, từ tốn ngồi xuống trước mặt Trang Đài Trúc, để mặc Cao Nhẫn cứ đứng ở đằng sau, để mặc Mã Hoàng cứ nằm dài dưới nền đá lạnh.
Lã Nguyên Sinh nói :
- Việc của hiền phu phụ ta đã biết! Chỗ chúng ta đang ở đây không phải là Nhị Kiếm trang! Lúc này chúng ta đang ngồi nói chuyện đây là sau chuyện đã xảy ra cho Nhị Kiếm trang đã mười tám năm rồi! Ta hỏi muội, chúng ta không già hơn sao được? Chúng ta đâu có thể còn trẻ mãi! Nguyên nhi của muội nay đã lớn khôn, đã thành nhân! Muội muội không muốn xem lại Nguyên nhi sao? Muội không muốn con của muội trưởng thành sao?
Từng lời, từng lời nói của Lã Nguyên Sinh đã vén từng đám mây mù trong tâm trí của Trang Đài Trúc! Nghe nói con mình nay đã lớn khôn, Trang Đài Trúc rất vui mừng, bà hỏi ngay :
- Đâu? Lã đại huynh! Nguyên nhi của muội đâu? Muội muội muốn nhìn thấy Nguyên nhi! Muội muốn xem Nguyên nhi đã lớn như thế nào!
Không vội, từ tốn, Lã Nguyên Sinh lại hỏi :
- Nguyên nhi nay đã lớn, muội không nhận ra đâu. Muội có biết một dấu vết gì trên người Nguyên nhi không? Một dấu vết gì đó rất riêng biệt mà chỉ có muội hoặc chỉ có hiền phu phụ biết mà thôi!
Trang Đài Trúc không ngập ngừng, đáp ngay :
- Sao Lã đại huynh chóng quên thế? Lã đại huynh không nhớ Nguyên nhi của mình có cái bớt đen hình vầng trăng ở...
- Ngay giữa lưng! Trời ơi! Thế mà ta không nhớ được, sao mà ta vô dụng đến thế này! Nào hiền điệt, hiền điệt tiến lại gần xem nào! Quay lưng lại!
Vén! Vén trường bào lên nào!
Luống cuống, lập cập, Lã Nguyên Sinh cứ ấp úng mà nói. Cao Nhẫn cứ run run mà nghe theo từng lời lão bảo.
- Nguyên nhi! Nguyên nhi của mẹ đây mà! Đúng rồi. Nào Nguyên nhi hãy xoay lại xem, cho mẹ nhìn mặt con cái nào.
Trang Đài Trúc đưa tay lần theo vết bớt hình vầng trăng ở ngay giữa lưng của Cao Nhẫn, và xúc động đến tột cùng khi Cao Nhẫn từ từ xoay mặt lại.
Nước mắt Trang Đài Trúc đã ràn rụa.
Nước mắt của Cao Nhẫn cũng tuôn dài.
Và nước mắt của Lã Nguyên Sinh cũng nhòe đi đôi mắt.
Kể cả Mã Hoàng nằm ở phía sau, không nói được cũng phải chảy dài nước mắt xuống đến tận mang tai.
- Mẫu thân! Mẫu thân! Nguyên nhi đây! Nguyên nhi của mẫu thân đây!
Trang Đài Trúc cũng gục mặt vào vai của Cao Nhẫn, bây giờ phải gọi là Nguyên nhi mà khóc :
- Nguyên nhi, mẫu thân nhớ thương Nguyên nhi nhiều lắm. Nguyên nhi có biết không? Nguyên nhi.
Lã Nguyên Sinh cứ để cho hai mẹ con ôm nhau mà khóc, lão quay lại, giải huyệt Định Thân cho Mã Hoàng, lão nói khẽ :
- Mã lão huynh, lại đây, chúng ta cùng nói chuyện nào! Cứ để cho mẫu tử hắn ở đấy! Bây giờ hắn không còn nhớ đến ai nữa đâu.
Đưa Mã Hoàng đi xa, cách mẹ con Nguyên nhi chừng hơn trượng, Lã Nguyên Sinh mới dưa tay giải huyệt câm cho Mã Hoàng, lão nói tiếp :
- Mã lão huynh đừng để tâm đến việc này nhé! Việc này, sau ta sẽ nói là Cao... Nguyên nhi tạ tội với lão huynh sau! Bây giờ lão huynh nói đi! Có tin gì không mà Mã lão huynh phải trở lại đây? Tin tốt lành phải không?
Lắc đầu, Mã Hoàng nói khe khẽ gì đó với Lã Nguyên Sinh, càng nghe Lã Nguyên Sinh càng biến sắc.
Đằng kia lại có tiếng rú kinh hoàng của Trang Đài Trúc. Rồi lại có tiếng khóc nức nở của Trang Đài Trúc, tiếng khóc nhỏ dần, rồi nín bặt.
Có tiếng của Nguyên nhi nói :
- Mẫu thân yên tâm, hài nhi quyết phải báo thù này!
Lời trấn an của Cao Nhẫn, Nguyên nhi vừa dứt, Lã Nguyên Sinh và Mã Hoàng đã bước lại gần. Nghe được câu này, Lã Nguyên Sinh lên tiếng :
- Nguyên nhi, ngươi nói đúng, thù này phi ngươi, không ai báo phục được đâu!
- Lã bá bá! Tiểu điệt vốn lai lịch bất minh, nay tỏ tường được thân thế là nhờ công của Lã bá bá. Toàn gia họ Văn sẽ khắc cốt ghi tâm ơn trọng này!
Lã Nguyên Sinh lắc lắc tay, nói :
- Không cần đâu! Chỉ mong ngươi vì võ lâm Trung Nguyên, vì Văn gia, vì Đinh gia và vì cả họ Tư Đồ mà cố diệt cho được lão Quân chủ dâm tà, tàn ác này là đủ lắm rồi.
Kinh ngạc trước lối nói khó hiểu của Lã Nguyên Sinh, (Cao Nhẫn) Nguyên nhi hỏi lại :
- Lã bá bá! Lã bá bá nói vậy có ý gì?
Truy Phong Tẩu Cái Mã Hoàng nghiến răng nói :
- Lão Quân chủ thật vô sĩ! Lão đã... đã... Hừ! Thật ta không biết phải nói sao đây?
Trang Đài Trúc vội hỏi :
- Việc gì đã xảy ra? Lão Quân chủ mà các vị nói đấy là ai? Còn vị này là... ai đây? Không phải lúc nãy đã... đã...?
Lã Nguyên Sinh nhìn Nguyên nhi hỏi :
- Hiền điệt chưa nói gì cả sao?
Nguyên nhi lắc đầu đáp :
- Tiểu điệt chưa kịp nói gì nhiều cả!
Gật đầu, Lã Nguyên Sinh nói với Mã Hoàng :
- Được rồi! Việc đâu còn có đó, không gì phải vội cả! Mã lão huynh hãy đi mà lo việc của ta đã nói đi! Còn ở đây đã có ta lo rồi! Mã lão huynh hãy yên tâm.
Mã Hoàng nghe Lã Nguyên Sinh nói đúng, nên quay người bỏ đi, sau khi đã nói :
- Các người nhớ đừng làm kinh động nhé! Lão già này sẽ quay lại ngay khi có tin.
Đợi Mã Hoàng đi khuất, Lã Nguyên Sinh đề nghị :
- Trúc muội, để được an tâm hơn, Trúc muội và Nguyên nhi hãy theo ta trở lại nơi giam của hai người chúng ta rồi sẽ nói chuyện sau.
Thế là cả ba người lẳng lặng trở lại nơi giam giữ trước đây, không quên dập tắt ánh lửa từ đoạn sắt nhỏ do Mã Hoàng đã trao khi nãy...
Lược thuật các sự việc đã xảy ra kể từ sau vụ huyết án Văn gia trở lại đây, Lã Nguyên Sinh nói thêm cho Trang Đài Trúc :
- Nguyên nhi của Trúc muội hiện nay đã là niềm hy vọng duy nhất của toàn thể võ lâm Trung Nguyên, Trúc muội đừng có âu sầu nữa, mọi việc hãy để cho Nguyên nhi gánh vác! Ta tin rằng Tà không bao giờ thắng được Chánh đâu!
Câu nói sau cùng của Lã Nguyên Sinh làm cho Nguyên nhi nhớ lại nguồn gốc võ học của mình. Thấy không thể không nói, trước là để cho mẫu thân và Lã bá bá được an tâm, sau là việc này trước sau gì cũng phải nói, nên Nguyên nhi đành nói :
- Mẫu thân, Lã bá bá, có một việc mà lâu rồi Nguyên nhi chưa có thể nói ra. Nay trước tình thế này, Nguyên nhi không thể giấu được! Xin mẫu thân và Lã bá bá lượng thứ!
Ngỡ đã xảy ra chuyện gì quan trọng, cả hai người đều giật mình, chờ lời nói của Nguyên nhi!
Nguyên nhi thấy vậy, không giấu được nụ cười nhẹ, rồi thuật lại mọi việc có liên quan đến xuất xứ võ học, cũng như trách nhiệm hiện nay mà Nguyên nhi đang phải gánh vác. Sau đó còn nói thêm :
- Chuyến này Võ Lâm Thần Toán ắt đã quay về Ảo Ma cung. Quyết dẫn toàn thể môn nhân vào Trung Nguyên, mưu toan giải cứu cho Nguyên nhi. Sự việc này không thể coi thường được! Nguyên nhi nghĩ phải tìm cách rời khỏi nơi đây càng sớm càng tốt. Có Mã tiền bối giúp một tay, việc thoát thân chắc là thực hiện được. Nguyên nhi phải nhanh chân cản lại hành động nôn nóng của Võ Lâm Thần Toán! Bằng không, giang hồ võ lâm Trung Nguyên sợ không còn, dù chỉ là viên ngói lành!
Nghe xong, Lã Nguyên Sinh rúng động cả tâm can. Lão không ngờ võ lâm Trung Nguyên cách nay một trăm năm đã vô tình thoát được tai ách! Nay lại đến lượt Quân chủ Hiệp Thiên bang làm mưa làm gió!
Viễn cảnh một Quân chủ tà ác, sau lại có thêm lực lượng Ảo Ma cung mà Nguyên nhi làm Cung chủ tràn vào như nước võ bờ, không nói cũng đủ hiểu.
Nhưng sau một lúc suy nghĩ, Lã Nguyên Sinh lại tính khác, lão nói :
- Hiền điệt! Nếu lực lượng Ảo Ma cung có hiền điệt theo ngay bên là kềm chế. Dùng lực lượng này chống lại lão Quân chủ, ta nghĩ cũng không đến nỗi nào! Vả lại, nếu không dùng lực lượng này, ta e một thân của hiền điệt khó mà tạo được thành quả.
Ngẫm nghĩ một lúc, Nguyên nhi nói :
- Còn việc này, Lã bá bá đã nghĩ đến chưa? Tiểu điệt lại e rằng việc làm của Võ Lâm Thần Toán chẳng khác nào xua dê vào miệng sói dữ!
Nghe Nguyên nhi nhắc đến câu nói này, Lã Nguyên Sinh nhớ lại, chẳng phải cách đây vài ngày, khi hỏi về tông tích của Võ Lâm Thần Toán, Nguyên nhi đã nói rồi sao? Lúc đó lão không hiểu được ý nghĩa, đến bây giờ cũng vậy, nên Lã Nguyên Sinh hỏi :
- Thế nào là xua dê vào miệng sói?
- Nhắc đến việc cho thần đao Tử Quang lọt vào tay lão ma đầu! Lã bá bá, trên đời này hay còn lực lượng nào chống đỡ được thuật phi đao của lão?
Nhắc đến Tử Quang thần đao, cả hai đều áo não thở dài, ra chiều thất vọng...
Riêng Trang Đài Trúc, ngồi một bên mà nhìn con mình nay đã thành nhân, chẳng những vậy, còn lo chuyện giang hồ, xem như việc mà con mình có thể quyết định được hết.
Hơn nữa, theo lời của Lã Nguyên Sinh có nói, con mình là hiềm hy vọng duy nhất của võ lâm Trung Nguyên, là người mà chỉ một lời nói, một cái hất tay, có thể làm rung chuyển cả võ lâm. Đến Lã Nguyên Sinh nghe đến còn phải thất sắc, kinh sợ. Vậy thử hỏi, lòng người mẹ như Trang Đài Trúc không sung sướng sao được.
Thấy cả hai bác cháu cứ ngồi đó mà than ngắn thở dài, Trang Đài Trúc liền nói :
- Thôi được rồi! Không nghĩ ngợi xa xôi mà làm gì! Bây giờ cứ lo làm sao cho Nguyên nhi thoát thân trước đã, việc sau này sẽ tính lại sau! Này Lã đại huynh! Lúc nãy Mã trưởng lão có nhắc đến việc tà ác gì đó của lão Quân chủ, là việc gì? Sao Mã trưởng lão tỏ ra căm tức như vậy?
Nghe hỏi, Lã Nguyên Sinh cũng tỏ ra căm hận, lão nói mà không kềm được giọng bói đang run run :
- Lão... lão vô sĩ, lão đã... cưỡng bức và làm nhục Đinh Phượng và Tư Đồ Sương! Rốt cuộc, khiến cả hai bây giờ sống dở chết dở, không khác gì người điên.
Tin mà Lã Nguyên Sinh vừa nói đã làm cho Nguyên nhi căm giận đến thấu xương. Hay tay nắm chặt lại, hai hàm răng nghiến chặt lại, hai mắt thì trợn to ra. Nguyên nhi như muốn gầm lên cho thỏa cơn tức giận!
Do không thét lên được, nên Nguyên nhi chỉ biết đứng đó mà nghiến răng trèo trẹo... Lời nói như từ cổ họng phát ra :
- Lão Quân chủ ma đầu, ta quyết phanh thây lão! Ta quyết vì võ lâm Trung Nguyên mà tận diệt lão! Không làm cho lão chết, ta thề không làm người!
Gẩm gừ xong, Nguyên nhi lại ôm đầu mà than :
- Tất cả cũng tại ta mà nên cả! Sao lại như vậy? Sao có thể lại là như vậy?
Lã Nguyên Sinh và Trang Đài Trúc chỉ biết đứng mà nhìn, không biết phải khuyên lơn, an ủi làm sao đây!
Than thở xong, thống trách xong, Nguyên nhi lại lẩm bẩm :
- Phải có một cách nào đó! Phải có một phương thế nào đó chứ! Ta không tin thần đao Tử Quang không có gì phá được! Ta không tin! Lã bá bá, bá bá có cho là như vậy không? Bá bá nói đi! Nói đi bá bá!
Tuy đang cảm thấy nản lòng, nhưng không thể không khích lệ được, Lã Nguyên Sinh gật đầu :
- Ta cũng không tin thần đao Tử Quang là vô địch! Trên giang hồ mênh mông này thiếu gì quái sự. Ta cũng tin rằng phải có một vật gì đó, một phương pháp nào đó phá vỡ được thần đao Tử Quang! Ta tin như vậy đó!
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...