Quận công phu nhân Tsecbaxcaia cho rằng không thể tổ chức lễ cưới trước tuần chay được vì từ nay đến đó còn có năm tuần lễ, giỏi lắm cũng chỉ may xong một nửa số quần áo cưới, nhưng bà đành nghe theo l ý lẽ của Levin, chàng nhất quyết rằng nếu đợi hết tuần chay thì muộn quá, vì một bà cô già của lão quận công Trerbaxki ốm nặng, có thể chết bất cứ lúc nào và tang lễ ắt sẽ làm ngày cưới càng chậm hơn. Do đó, bà quyết định chỉ cần may ngay một phần nhỏ quần áo cưới và sẽ gửi số còn lại cho họ sau, bà bực mình với Levin vì không bao giờ chàng có thể trả lời nghiêm chỉnh mỗi khi bà hỏi ý kiến. Cách thu xếp như vậy lại càng tiện lợi vì ngay sau lễ cưới, đôi vợ chồng sẽ về quê ở và tại đó thì không cần quá nhiều quần áo cưới. Levin vẫn luôn luôn ở trong trạng thái mê cuồng như vậy, chàng thấy hình như bản thân mình và hạnh phúc hợp lại thành mục đích duy nhất và chủ yếu của mọi sự vật trên đời, chàng không cần bận tâm đến việc gì, mọi việc đều chu tất, và sẽ chu tất mà không cần chàng mó tay vào. Thậm chí, chàng không có kế hoạch, mục đích nào hết, chàng phó mặc cho người khác, biết rằng mọi cái rồi sẽ hoàn hảo cả. Ông anh Xergei Ivanovich cùng Stepan Ackađich và phu nhân bảo cho chàng biết những việc phải làm. Người ta nêu cái gì chàng cũng đồng ý tuốt. Ông anh vay tiền cho chàng, phu nhân khuyên cưới xong nên rời Moskva, Stepan Ackađich mách nên ra nước ngoài. Chàng đồng ý hết. "Các ông bà cứ tuỳ thích muốn làm gì thì làm. Tôi đang sung sướng và dù các ông bà làm gì đi nữa thì hạnh phúc của tôi cũng không vì thế mà lớn hơn hoặc giảm đi", chàng thầm nghĩ. Khi nói cho Kitty biết điều gợi ý của Stepan Ackađich, chàng rất ngạc nhiên thấy nàng không đồng ý ra nước ngoài và thấy nàng đã có ý định dứt khoát về cách tổ chức đời sống sau này của hại vợ chồng. Nàng biết Levin có một công việc ưa thích ở nông thôn. Chẳng những nàng không hiểu gì về công việc đó (chàng nhận thấy thế) mà còn không muốn hiểu làm gì. Mặc dầu thế, nàng vẫn cho công việc của chồng có tầm quan trọng lớn. Cho nên, nàng hiểu chỗ ở của hai người sẽ là nông thôn và không muốn ra nước ngoài vì họ sẽ không sinh sống ở đó, mà muốn về nơi sẽ là nhà của hai vợ chồng. ý định dứt khoát đó làm Levin ngạc nhiên. Nhưng vì thấy mọi cái đó đều không quan trọng, nên chàng lập tức nhờ Stepan Ackađich về trang trại mình thu xếp thế nào tùy con mắt thẩm mĩ của ông mà mọi người đều biết, làm như công việc chăm nom đó đương nhiên thuộc về ông ta.
- Này, - Stepan Ackađich bảo Levin lúc ở trang trại của chàng trở về, - sau khi chuẩn bị mọi thứ để đón cặp vợ chồng trẻ, chú đã có giấy chứng nhận xưng tội chưa?
- Cha, để làm gì?
- Phải có thì mới cưới được.
- Ồ! ồ! - Levin kêu lên, - dễ thường chín năm nay tôi chưa xưng tội. Tôi cũng không hề nghĩ tới chuyện đó nữa.
- Thật là đẹp nhỉ! - Stepan Ackađich vừa cười vừa nói, - thế mà chính chú đã cho tôi là phần tử hư vô chủ nghĩa! Nhưng phải qua cái cầu đó mới được. Chú phải làm lễ xưng tội đi.
- Bao giờ thì làm lễ?
- Còn có bốn ngày nữa thôi.
Lần này nữa Stepan Ackađich lại phải nhúng tay vào. Và Levin bắt đầu làm lễ xưng tội. Đối với Levin, cũng như với tất cả những người không tin đạo nhưng vẫn tôn trọng tín ngưỡng kẻ khác, phải có mặt và tham dự các buổi lễ là điều rất khổ tâm. Giữa lúc tâm trạng hào hứng và xúc động, lại bắt buộc phải giả vờ như vậy, chàng thấy không chỉ khổ tâm mà còn quá sức chịu đựng. Đang lúc thành công, đang lúc hoan hỉ, chàng lại phải hoặc nói dối, hoặc nhạo báng chuyện thần thánh. Chàng cảm thấy không đủ sức làm cả việc nọ lẫn việc kia. Nhưng, mặc dầu chàng cố năn nỉ Stepan Ackađich xem có cách nào kiếm được tờ chứng nhận mà không phải xưng tội, ông anh đồng hao vẫn khăng khăng không lay chuyển.
- Hai ngày, đối với chú chẳng đáng kể và cũng không làm sao cả! Chú sẽ gặp một ông già nhỏ bé dễ thương và rất láu cá. Ông ta có thể nhổ của chú một cái răng lúc nào không biết.
Trong khi dự buổi lễ đầu tiên, Levin cố làm sống lại trong lòng kỷ niệm về thứ tình cảm tôn giáo mãnh liệt đã xúc động chàng hồi mười sáu mười bảy tuổi; nhưng chàng hiểu ngay làm thế chỉ phí công vô ích. Chàng cố coi cái đó như một thứ lễ nghi không có ý nghĩa gì cả, như cái tập quán đi thăm viếng vậy: nhưng chàng cảm thấy cũng chẳng kết quả gì hơn. Cũng giống như số đông người cùng thời, đối mặt với tôn giáo, Levin thấy rất hoang mang. Chàng không tin tôn giáo, nhưng đồng thời cũng không dám cả quyết rằng tất cả cái đó là giả dối. Chàng vừa không tin vào ý nghĩa việc mình làm, lại vừa không thể nhìn nó bằng con mắt dửng dưng, cho nên suốt thời gian đó, chàng luôn cảm thấy bực bội và hổ thẹn. Chàng phải làm những việc mình không hiểu gì cả và một tiếng nói nội tâm phê phán thái độ chàng là giả dối và đáng chê trách.
Trong buổi lễ, đôi lúc chàng lắng nghe những lời cầu nguyện, cố gán cho chúng một ý nghĩa không đến nỗi trái với tư tưởng của mình và khi cảm thấy không hiểu gì và không gạt bỏ được ý định phê phán, chàng liền gắng không nghe nữa và triền miên trong những ý nghĩ, nhận xét cùng những hồi ức giễu qua đầu óc rõ mồn một vào những lúc đứng chầu nhàn rỗi ở nhà thờ. Chàng dự lễ sớm, lễ chiều và cầu kinh tối. Hôm sau, chàng dậy sớm hơn thường lệ và nhịn ăn lót dạ, đến nhà thờ hồi tám giờ để cầu kinh sáng và xưng tội.
Ở nhà thờ chỉ có một người lính ăn xin, hai bà già và các phụ giáo sĩ.
Một người phụ lễ trẻ tuổi, lưng gồ lên hai cạnh rõ mồn một dưới chiếc áo chùng thâm mỏng, tới gặp chàng và ngay sau đó đến gần một cái bàn nhỏ kê cạnh tường, bắt đầu đọc kinh. Khi nghe y luôn miệng lắp đi lắp lại mấy tiếng: "Lạy Chúa, thương xót chúng tôi!" và đọc vội quá đâm nhịu, Levin cảm thấy tâm tình mình khép chặt như niêm phong kín, bất khả xâm phạm. Đứng sau người phụ lễ, chàng không nghe và cũng không tìm hiểu xem y đọc gì, chỉ tiếp tục suy nghĩ. "Bàn tay nàng xiết bao ý tình", chàng nghĩ, nhớ tới tối hôm trước. Hai người ngồi cạnh chiếc bàn kê ở góc nhà và không nói gì với nhau, như hầu hết những lần gần đây; nàng đặt tay lên bàn, hết xoè ra lại nắm vào đồng thời mỉm cười một mình về cái trò đó. Chàng nhớ là đã hôn bàn tay đó và xem những đường nét chằng chịt trong lòng bàn tay hồng hồng. "Lại vẫn lạy Chúa thương xót chúng tôi!", Levin thầm nghĩ và làm dấu, vừa cúi xuống vừa ngắm động tác mềm mại của lưng người phụ lễ cũng cúi xuống lúc đó. "Sau đó, nàng cầm tay mình và xem kỹ vân tay: Bàn tay anh thật kỳ diệu; nàng đã nói với mình như vậy". Chàng nhìn bàn tay mình, rồi nhìn bàn tay ngắn ngủn của người phụ lễ. "Phải, giờ thì sắp xong rồi. Ờ, hình như hắn ta lại bắt đầu đọc lại thì phải, chàng tự nhủ và lắng nghe lời cầu nguyện. Không, xong rồi. Hắn đang cúi rạp sát đất kia kìa, đúng là xong rồi".
Sau khi kín đáo giấu vào trong ống tay áo lót lông tờ giấy bạc ba rúp chàng dúi cho, người phụ lễ nói sẽ ghi tên cho chàng xưng tội và y mạnh dạn nện gót đôi ủng mới vang vang trên sàn đá hoa của gian nhà thờ trống rỗng, đi khuất vào sau bàn thờ Chúa. Lát sau, y thò đầu ra và làm hiệu cho Levin đi theo. ý nghĩ Levin bắt đầu xáo động trong đầu óc, nhưng chàng gắng xua đi. "Bằng cách này cách hay khác thì cũng sắp ổn thôi", chàng tự nhủ và đi về phía giảng đài. Chàng leo mấy bậc thềm và khi quay sang phải, liền thấy linh mục. Đó là một ông già bé nhỏ, râu thưa lốm đốm hoa râm, đôi mắt hiền từ, mệt mỏi. Đứng cạnh bàn giảng, ông đang giở quyển kinh. Ông khẽ cúi chào Levin và lập tức cất giọng đều đều cầu nguyện. Cầu xong, ông phủ phục sát đất và quay lại phía Levin.
- Đức Chúa Kirixitô vô hình chứng giám lễ xưng tội của con, - ông vừa nói vừa chỉ cho chàng chiếc thánh giá. - Con có tin vào tất cả những điều Giáo hội tông đồ răn dạy ta không? - ông vừa nói vừa ngoảnh đi chỗ khác, không nhìn vào mặt Levin nữa và chắp tay dưới chiếc khăn quàng làm lễ.
- Con đã và đang nghi ngờ hết thảy, - Levin trả lời, bằng một giọng chính chàng cũng thấy chối tai, rồi nín bặt. Linh mục chờ vài giây cho chàng nói thêm, rồi nhắm mắt lại, ông nói tiếp rất nhanh, nhấn mạnh vào âm tiết "ơ" như kiểu nói của người vùng Vladimia.
- Nghi ngờ là đặc tính của sự yếu đuối của con người, nhưng ta phải cầu xin Đức Chúa lòng lành vô cùng giữ vững đức tin cho ta. Con đã phạm những tội lỗi gì đặc biệt? - ông không ngừng lại, nói tiếp luôn, như không muốn để phí một phút.
- Tội lỗi chính của con là hoài nghi. Con nghi ngờ hết thảy và hầu như lúc nào cũng nghi ngờ.
- Nghi ngờ là đặc tính của sự yếu đuối của con người, - linh mục nhắc lại. - Con nghi ngờ cái gì là chính?
- Nghi ngờ hết thảy. Đôi lúc, con nghi ngờ cả sự tồn tại của Chúa, - Levin miễn cưỡng nói, hoảng lên vì câu nói sỗ sàng của mình. Nhưng lời Levin nói như không hề tác động đến linh mục.
- Làm sao lại có thể nghi ngờ sự tồn tại của Chúa được? - ông nói nhanh, thoáng mỉm cười. Levin lặng thinh.
- Làm sao con có thể nghi ngờ Đấng Sáng Thế được khi con hằng chiêm ngưỡng sự sáng tạo của Người? - linh mục nói tiếp giọng đều đều. - Ai đã trang điểm vòm trời bằng tinh tú? Ai đã phủ vẻ đẹp lên trái đất? Ai, nếu không phải là Đấng Sáng Thế? - cha nói và nhìn Levin, lục vấn. Levin cảm thấy nếu đi vào tranh luận triết học với linh mục thì quả không tiện, cho nên chàng chỉ trả lời trực tiếp vào câu hỏi.
- Con không biết, - chàng nói.
- Con không biết à? Thế thì làm sao con có thể nghi ngờ Chúa đã sáng tạo nên tất cả, - linh mục nói, vẻ ngạc nhiên pha lẫn vui thích.
- Con chẳng hiểu gì cả, - Levin nói, đỏ mặt cảm thấy câu trả lời thật ngớ ngẩn, nhưng cũng biết chả sao tránh khỏi ngớ ngẩn trong trường hợp như vậy.
- Con hãy cầu Chúa cứu giúp con. Ngay cả các Cha thánh thần cũng hằng nghi ngờ và hằng cầu Chúa giữ vững đức tin. Ma quỷ vốn đầy sức mạnh, ta phải chống lại nó, không thể khuất phục. Hãy cầu nguyện đi, cầu nguyện đi, - cha vội nói và nhắc đi nhắc lại. Linh mục nín lặng một lát, như suy nghĩ.
- Hình như con định kết hôn với con gái lão quận công Trerbaxki là bổn đạo của giáo phận và người con linh hồn của cha phải không? - cha mỉm cười hỏi thêm. - Đó là một cô gái kiều diễm.
- Vâng, - Levin trả lời, đỏ mặt thay cho cha.
"Việc gì ông ta phải đặt câu hỏi như vậy khi xưng tội?", chàng nghĩ. Như để trả lời ý nghĩ của chàng, linh mục nói:
- Con đang sửa soạn kết hôn và có thể sẽ được Chúa ban cho con đàn cháu đống. Làm sao con có thể dạy dỗ được con cái nếu không thắng nổi cám dỗ của ma quỷ đang muốn lôi kéo con vào vòng hoài nghi? - cha nói, giọng trách móc đầy vẻ nhân từ. - Nếu con yêu con cái như một người cha tốt thì con sẽ không chỉ mong cho chúng giàu có, sang trọng, danh giá, con còn muốn chúng được rỗi linh hồn và được giáo dục tinh thần dưới ánh sáng chân lí. Có phải không? Con sẽ trả lời đứa bé ngây thơ như thế nào khi nó hỏi: "Bố ơi, ai là người sinh ra tất cả những cái làm con vui thích trên đời này: đất đai, sông nước, mặt trời, hoa cỏ?". Con sẽ không thể trả lời nó là: "Bố không biết!". Con không thể không biết đến những điều mà Đức Chúa Trời vì lòng từ bi vô cùng đã chỉ ra cho con thấy. Hoặc nếu đứa bé hỏi: "Cái gì sẽ chờ đợi con sau khi chết?" Con sẽ nói thế nào, nếu không biết gì cả? Con sẽ trả lời nó ra sao? Con sẽ bỏ mặc nó cho sự mê hoặc của thế gian và ma quỷ chăng? Thế không được đâu! Ông nói rồi ngừng lại, nghiêng nghiêng đầu nhìn Levin bằng đôi mắt hiền từ.
Lần này, Levin không trả lời nữa, không phải vì muốn tránh tranh cãi, mà vì chưa ai hỏi chàng những câu như vậy. Khi nào đến lượt con cái hỏi như vậy, chàng cũng còn chán thời giờ suy nghĩ những câu trả lời thoả đáng.
- Con đang bước vào một giai đoạn của cuộc đời mà con phải lựa chọn lấy đường đi và theo đúng đường đó, - linh mục nói tiếp. - Con hãy cầu Chúa cứu giúp và xá tội cho con, - ông kết luận. - Đức Chúa Jesu Chrits lòng lành vô cùng sẽ xá tội cho con… - và, đọc xong câu kinh xá tội, linh mục ban phước lành và cho chàng ra về.
Về tới nhà, Levin lấy làm sung sướng thấy cái chuyện phiền toái đó đã kết thúc mà chàng không buộc phải nói dối. Hơn nữa, chàng còn mơ hồ giữ lại cái cảm tưởng là những điều ông già bé nhỏ hồn hậu đó nói, không phải hoàn toàn ngớ ngẩn như lúc đầu chàng tưởng và trong đó cũng có một cái gì đáng suy nghĩ kĩ. "Tất nhiên không phải bây giờ, mà sau này kia", Levin thầm nghĩ. Giờ đây, Levin cảm thấy rõ hơn trước là tâm hồn chàng cũng có nhiều vùng tối tăm và vẩn đục, và, đối với tôn giáo, chàng cũng có thái độ giống hệt cái thái độ chàng đã nhận thấy và chê trách ở người khác, đặc biệt là ở ông bạn Xvyajxki. Tối hôm đó, Levin cùng vị hôn thê ở chơi nhà Đôly, chàng rất hoan hỉ, và, để giải thích cho Stepan Ackađich rõ, chàng ví tâm trạng phấn khởi đó với nỗi vui thích của một con chó được dạy nhảy vòng, cuối cùng, sau khi hiểu và làm được cái trò người ta đòi hỏi, nó mừng rỡ sủa khe khẽ rồi vẫy đuôi, nhảy tót lên bàn, lên thành cửa sổ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...