(Phù Lương là huyện thuộc trấn Cảnh Đức)
Hai ngày sau, Viên Viên đi vào tòa nhà trung tâm của tòa soạn, đây là công việc chính thức đầu tiên của cô trong 23 năm. Tổng biên tập vốn là bạn cũ của tổng giám đốc Trình đã bớt chút thời gian để gặp cô, sau đó còn đích thân gọi điện cho phòng nhân sự dặn dò một hồi.
Phòng làm việc của phòng tin tức và biên tập rất rộng, bên trong toàn người là người, khác hẳn với tưởng tượng của cô về một phòng biên tập thoáng đãng tươi mát. Mọi người đi qua đi lại bận rộn, thấy có người vào thì đa phần cũng không có phản ứng gì lớn, họ tiếp tục làm việc của mình.
Viên Viên được nhân viên phòng nhân sự dẫn tới một ghế ở trong góc để ngồi xuống. Trước khi đi, người này còn chỉ một căn phòng và nói với cô: "Chủ biên của cô là Trương Việt Nhân, kia là phòng làm việc của chú ấy. Hiện tại chú không ở đây, lúc nào chú ấy về thì cô nhớ phải tới chào hỏi."
Sau đó anh ta ngừng một lát, do dự mới nói: "Chủ biên Trương là nhân vật cốt cán chỗ chúng ta. Tổng biên tập rất coi trọng chú. Nhưng cô cũng biết đấy, người có tài thường hơi khó tính."
Viên Viên nhìn anh ta mà nghẹn cười trong lòng. Có lẽ do cô được tổng biên tập đích thân dẫn vào nên anh mới cố tình đối tốt với cô. Nhưng anh ta lại không dám trực tiếp nói xấu Trương Việt Nhân mà chỉ có thể biểu đạt uyển chuyển, chỉ cho cô qua cách nói khác. Viên Viên cười nhẹ, gật đầu: "Cám ơn anh, em sẽ cố gắng."
Người phòng nhân sự vừa đi thì Trương Việt Nhân liền tới.
Trương Việt Nhân trông khoảng 40 tuổi, rất cao, tầm hơn mét tám, thân hình khá gầy, tóc tai hơi rối, như vừa vội ra khỏi nhà mà không kịp chỉnh trang đầu tóc. Lại thêm một bộ quần áo vải đay kiểu Trung Quốc nên nhìn ông như một nhà nghệ thuật nghèo túng.
Viên Viên nhanh nhẹn đi vào phòng làm việc của ông để tự giới thiệu mình. Trương Việt Nhân nhìn cô một lúc, không tỏ vẻ gì, chỉ hỏi thẳng: "Biết làm gì?"
Hồi đại học Viên Viên từng tham gia đoàn phóng viên, thế là cô đáp một câu: "Biết phỏng vấn ạ."
Tức thì cô liền hối hận ngay sự nhanh miệng của mình, vì Trương Việt Nhân nghe vậy thì nheo mắt, khóe miệng nhếch lên, giao cho cô một việc.
***
"Ngọt ngào, em cười thật ngọt ngào, như hoa nở trong gió xuân..."
Xe đường dài bật bài hát của Đặng Lệ Quân, ánh nắng mai hồng nhạt chiếu qua lớp kính xước cửa sổ xe, dừng ở ngón tay mảnh khảnh của Viên Viên. Xe hướng về trấn Cảnh Đức trong tiếng ca "Mật ngọt".
Viên Viên nhìn qua cửa sổ, không khỏi thở dài. Công việc đầu tiên của cô... chưa kịp ngồi ấm chỗ đã bị phái đi...
Còn nhớ ba ngày trước, cô gặp Trương Việt Nhân lần đầu, ông giao cô một việc: làm một kỳ chuyên đề về đồ gốm sứ, địa điểm là trấn Cảnh Đức, thủ đô của đồ gốm sứ. Lúc đó cô không khỏi hỏi khẽ một câu: "Có đồng nghiệp nào đi cùng cháu không ạ?"
Chủ biên vứt lại một câu: "Ở đây không phải trường học, đến đây thì phải bắt tay vào việc ngay. Bên Cảnh Đức tôi cho cô 3 ngày, lúc về nộp bản thảo. Yêu cầu cụ thể tôi sẽ gửi đến hòm thư của cô. Thứ hai tuần sau đi, còn hai ngày nay cô đọc trước tài liệu liên quan." Nói xong thì đưa cho cô một tấm danh thiếp, bảo cô liên hệ Cao Linh trên tấm danh thiếp đó, nói rằng ông ta chịu trách nhiệm ở đấy, sẽ sắp xếp hành trình ở thị trấn cho cô.
Vốn dĩ cô không hề muốn làm mất mặt chú Thắng Hoa, nên liền dũng cảm nhận việc. Về người chủ biên Trương Việt Nhân này, ấn tượng đầu tiên của cô về ông là: Lời ít ý nhiều, hiệu suất cao.
Hai ngày cuối tuần sau đó Viên Viên đều vùi đầu vào đọc tài liệu, cả hai ngày chú Thắng Hoa đều đi ra ngoài thu mua dược liệu nên không có nhà, mà Trình Bạch cũng không thấy tăm hơi. Sáng sớm nay, khi cô ra khỏi cửa mẹ cô có nói: Trình Bạch về rồi, hơn bốn giờ sáng nay mới về.
Lúc đó, nhìn vẻ mặt đầy lo âu của mẹ, cô không thể không nói: "Trình Bạch không còn nhỏ nữa, thỉnh thoảng đi ăn uống chơi bời tán gái, đêm không về thì cũng bình thường." Sau đó cô bị mẹ mắng cho một trận.
Sau hơn bốn giờ đi xe, cuối cùng cũng tới được trấn Cảnh Đức.[[email protected]]
Viên Viên xuống xe, tìm được tiểu Lý đến đón cô ở cổng ra. Tiểu Lý có một khuôn mặt trẻ con, trông có vẻ xấp xỉ tuổi cô, kiệm lời và thật thà.
Nơi bọn họ cần đến chính là cái thôn của ông chủ Cao Linh của tiểu Lý. Viên Viên nhớ lại hai ngày trước từng nói chuyện công việc với ông qua điện thoại, dù chỉ là vài câu trao đổi ngắn ngủi nhưng cũng khiến cô cảm thấy ông chủ Cao nói giọng Bắc Kinh này khá thoáng tính, không hề ra vẻ ta đây gì cả.
Cao Linh có thể coi là một người rất nổi tiếng trong giới. Ông nổi tiếng, không phải là vì ông có một thôn làng ở lưng chừng núi ngoài trấn, cũng không phải vì tài nghệ làm đồ sứ của ông cực giỏi, mà là ông sở hữu một cái lò nung củi. Ban đầu Viên Viên cũng không hiểu lò nung củi này là gì, hai ngày trước đọc tài liệu cô mới biết được rằng: sở hữu một cái lò này là một chuyện khủng khiếp cỡ nào! Đầu tiên, đốt lò một lần cần 1000kg gỗ thông, nếu không có khả năng tài chính tương đương thì chắc chắn không đốt nổi. Nói thẳng hơn thì đây không khác gì đốt nhân dân tệ. Tiếp đó, lò nung củi này không phải cứ có tiền là được, nếu không có đội ngũ đầy kinh nghiệm, mà nhất là không có cái vị sự phụ hàng quý hiếm này chỉ đạo thì đảm bảo số tiền nọ đốt liền mất tăm, đến tro còn chẳng thấy.
Viên Viên ngồi trong chiếc xe con tiểu Lý lái, đi ra khỏi khu vực thành thị, dần dần đi qua đám nguời ồn ào, rồi đi lên núi. Sau khi đi khoảng nửa giờ đường núi, một tòa kiến trúc theo phái An Huy hiện ra trước mắt cô.
Tiểu Lý lái xe đến bên cổng lớn, sau đó cô xuống xe. Tiểu Lý đã nhanh nhẹn lấy hành lý từ cốp ra, dẫn cô đi vào trong thôn. Thấy tiểu Lý có vẻ như sắp dẫn cô tới chỗ ở, Viên Viên không thể không hỏi: "Tiểu Lý, thầy Cao ở đâu? Tôi có thể gặp thầy trước không?" Ban đầu cô định gọi là ông chủ Cao, sau lại nghĩ, phú hào thời đại này đều thích giả bộ làm thành phần tri thức, vì vậy gọi là "thầy" nghe sẽ hay hơn.
"Ông chủ đã đi hội nghị nghiên cứu thảo luận về đồ gốm sứ rồi, chiều mới về. Ông ấy bảo tôi nói với cô một tiếng xin lỗi. Nếu cô có yêu cầu gì thì cứ nói với tôi."
Viên Viên không ngờ tới việc này, lại nghĩ dù gì cũng là ông chủ lớn, quý nhân thì bận nhiều việc.
Cô cười đáp: "Vâng, cảm ơn."
Tiểu Lý gật đầu, không nói thêm gì nữa mà chỉ dẫn cô đi tiếp về phía trước.
Cô vừa mới đi vào phòng khách thì điện thoại liền kêu, nhìn qua thấy là số của Trình Bạch, cô do dự một hồi, sau đó vẫn nhận máy: "A lô?"
Bên đó dừng hai giây: "Gọi nhầm." Giọng hơi khàn, đều đều, sau đó anh ta cúp máy luôn.
Viên Viên chau mày, đùa cô đấy à?!
Mà Trình Bạch quả thật là đã gọi nhầm, anh xoa xoa huyệt thái dương, mấy ngày nay bận theo lãnh đạo bệnh viện ra ngoài thành phố, hôm nay về lại có một ca mổ nặng, mệt không tả nổi. Ban đầu anh định gọi điện cho bạn, ai dè ma xui quỷ khiến thế nào lại gọi sang số cô.
Nghe nói cô đi phỏng vấn ở trấn Cảnh Đức. Trình Bạch cứ nhìn điện thoại đến thần người, một lúc sau, anh mới gọi tới người anh ban đầu muốn gọi.
***
Khi Cao Linh về thì đã gần hoàng hôn. Hội nghị lần này là do viện nghiên cứu gốm sứ trấn Cảnh Đức và viện bảo tàng đồ gốm sứ thành phố Thanh Hải cùng nhau tổ chức. Ông vốn không định đi, nhưng nghe thấy Phó Bắc Thần cũng tham gia, thế là ông liền thay đổi quyết định.
Phó Bắc Thần là nhân vật trẻ hàng đầu giới gốm sứ trong nước mà ông vẫn luôn muốn làm quen, hôm nay cũng coi như được như ý muốn.
Sau khi Cao Linh hỏi tiểu Lý xem Viên Viên ở chỗ nào thì ông liền nhanh chân đi tới căn phòng đồ gốm chưa nung. Cao Linh là người trọng nghĩa có tiếng với những người biết ông. Trước đó ông đã đồng ý ông bạn cũ Trương Việt Nhân là sẽ để ý "cô bạn nhỏ" mới đến làm ở tòa soạn của mình, kết quả lại khiến người ta đợi hơn nửa ngày, vì vậy Cao Linh khá là áy náy.
Phòng chứa đồ gốm chưa nung là một căn phòng cấp bốn theo phong cách cổ xưa, xếp đầy đồ gốm, có hai cửa sổ, lại còn là song bằng gỗ.
Lúc ông đi tới cửa thì hoàng hôn đã chiếu đầy khắp phòng, ở một nơi cạnh cửa sổ, một hình bóng mảnh khảnh, nữ tính đứng đó, tóc buộc cao đuôi ngựa, cô đang chăm chú nhìn người thợ gốm chầm chậm nặn lên một cái chậu nông trong ánh chiều tà.
Cao Linh ho nhẹ một tiếng bên cửa, người thợ gốm ngẩng đầu lên nhìn thấy ông thì lập tức chào: "Ông chủ Cao." Viên Viên nghe vậy liền nhìn sang, người đứng ở cửa cao to, mặc áo sơ mi kẻ caro ngắn tay, mặt mày sáng sủa.
Viên Viên liền cười chào ông: "Chào thầy, thầy Cao."
"Chào cháu, xin lỗi nhé, hôm nay đúng là đã không tiếp đãi chu đáo." Giọng ông mang ý xin lỗi, "Nếu lão Trương mà biết tôi đón cháu thiếu sót như thế này thì chắc sẽ nhăn mặt mất."
Viên Viên tự nhủ, lão Trương mà ông nhắc chắc là chủ biên Trương Việt Nhân? Thế là cô cũng cười cười theo.
Sau đó, Cao Linh có vẻ như nhớ ra chuyện gì, mặt mày lại hớn hở hẳn: "Nhưng mà mai chắc tôi có thể đền bù cho cháu đấy!"
Đền bù? Lẽ nào định tặng cho cô một bộ đồ sứ nung bằng củi? Vậy thì cô cũng không thất vọng đâu, vì nghe nói tuy chỉ là mấy cái chén nho nhỏ nhưng có giá hàng mấy vạn (mấy chục triệu VND)! Ánh mắt cô hơi sáng lên, nhưng miệng vẫn đáp: "Không sao đâu ạ, thầy Cao là người bận rộn, hôm nay cháu đến cũng được các chú bác ở đây chỉ cho khá nhiều thứ, biết thêm nhiều kiến thức."
Cao Linh không tiếp lời, chỉ cười cười rồi nói: "Giờ đã không còn sớm nữa, tôi đưa cháu đi ăn cơm tối?"
Xem ra ông không muốn nói rõ ra, Viên Viên thấy ông khá thú vị nên liền gật đầu, ý là nghe theo ý ông.
Ngày hôm sau, sau khi cô biết ông chủ Cao bồi thường cho cô thứ gì thì cô cảm giác sâu sắc được rằng mình quả là một người dung tục. Cái mà Cao Linh gọi là bồi thường hoàn toàn không phải là chén sứ nung củi mấy vạn gì cả, mà là đưa cô đi gặp một vị "danh nhân" trong giới gốm sứ.
"Kể ra thì, Phó tiên sinh cũng là người Thanh Hải chúng ta. Trước đây luôn du học ở châu Âu, mới về nước không lâu. Cậu ta nghiên cứu tác dụng của gốm sứ, mà những người làm về lĩnh vực này trong nước không nhiều, vậy nên vừa về liền được chú ý..."
Nghe Cao Linh nói thao thao bất tuyệt về vị Phó tiên sinh, Viên Viên không khỏi tự nhủ: Xem ra người này cũng không phải người thường, vậy mới có thể làm ông chủ Cao nhiều tiền, có địa vị trong ngành công nghiệp gốm sứ sùng bái đến thế.
Nhưng cô cũng cảm kích Cao Linh thật lòng, vốn dĩ ông ta một mình hẹn với Phó tiên sinh, nay lại mang theo cả cô, nói là muốn để cô giao lưu với người ấy, nhất định cô sẽ thu hoạch được nhiều.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...