Hà Thiện-Lãm, Trần Anh ngồi trên lưng ngựa hướng mắt nhìn xuống con đường dẫn tới chân núi. Bên cạnh nó, Nguyễn Khánh cũng nhìn theo.
Nguyễn Khánh hỏi:
- Này cậu. Tôi thấy cậu còn nhỏ tuổi. Chắc không phải bạn hữu của quan Điện-tiền chỉ-huy-sứ. Khuôn mặt cậu cũng không giống người, chắc chẳng phải anh em ruột. Tại sao cậu lại gọi người bằng anh hai?Hà Thiện-Lãm cười:
- Anh thắc mắc cũng phải. Nguyên chúng tôi gồm chín người kết thành huynh đệ, đặt tên là Thuận-thiên cửu hùng. Anh Tạ Sơn đứng hàng nhì. Vì vậy tôi gọi anh là anh hai.
Nguyễn Khánh nhăn mặt:
- Thuận-thiên cửu hùng nghe kêu thực. Tạ chỉ huy sứ thì hùng nghe được. Còn các cậu nhỏ quá, xưng hùng nghe không ổn tý nào cả. Thế chín người là những ai?
Thiện-Lãm cười nhạt:
- Tướng-quân khinh chúng tôi nhỏ tuổi không đáng gọi là anh hùng hẳn? Thế tôi hỏi tướng-quân câu này nhé. Theo tướng-quân thế nào mới gọi là anh hùng?
- Thì nam nhi đại trượng phu, làm những truyện kinh thiên động địa tức là anh hùng.
Trần Anh hừ một tiếng:
- Sai, vừa sai vừa bậy. Tướng-quân bảo muốn thành anh hùng phải có hai điều kiện. Một, phải là nam nhi đại trượng phu. Hai phải làm truyện kinh thiên động địa. Thế vua Trưng, Lệ-hải bà-vương có là nam nhi đâu? Thế mà các ngài vẫn là anh hùng! Còn tướng-quân bảo chúng tôi còn nhỏ không đáng gọi anh hùng. Thế Phù-đổng Thiên-vương mới có mấy tuổi, đánh giặc Ân không là anh hùng sao? Điều tướng-quân hỏi chúng tôi chín người là những ai ư? Để tôi kể tên cho tướng-quân nghe. Anh cả tôi họ Lý tên Long-Bồ.
Nguyễn Khánh nghe đến chữ Long-Bồ, y kinh khiếp:
- Cậu không được nói đến tên húy đó. Chỉ nên dùng danh xưng vương-gia hay Khai-quốc vương là được rồi.
Nguyên vào thời Lý, ảnh hưởng của Nho-giáo tương đối gần bằng đạo Phật, chứ không còn thuần túy Việt như hồi Lĩnh-nam nữa. Tục lệ kiêng húy cũng theo các văn gia ảnh hưởng đến đời sống, luật lệ. Trong gia tộc khi một đứa trẻ sinh ra, muốn đặt tên phải mở gia phả phía nội, phía ngọai, xét xem tên định đặt có trùng với tên của tổ tiên không? Tất cả những tên đó, con cháu phải kiêng không được nói tới, gọi là húy. Buột miệng gọi tới là phạm húy. Như trong nhà có ông cố tên Minh thì con cháu muốn nói đến tiếng Bình minh phải nói trệch đi là Bình manh hay Bình mênh. Húy như vậy gọi là húy gia. Khi đặt tên con cũng phải xét xem có phạm húy đến chức sắc trong làng, trong tổng không.
Quan trọng hơn khi nói, cũng như khi đặt tên con phải kiêng húy các vị vua, thái hậu, hoàng hậu, phi tần, hoàng tử, công chúa. Phạm phải thì bị tội nặng. Ngày xưa đi thi cũng phải kiêng húy. Trong khi làm bài, lỡ có tiếng trùng âm, trùng tên với các vị thánh trong làng Nho như Khổng-tử, Mạnh-tử, cùng 72 vị tiên-hiền, họăc tên vua, chúa, cung điện, thái hậu, hoàng-hậu v.v. phải viết chữ nhỏ hơn, thiếu một nét và đề bên cạnh câu kính khuyết nhất bút. Ngay đến hồi thuật giả còn niên thiếu, trứơc năm 1954 tục này vẫn còn. Trong khi nói truyện lỡ miệng gọi Hưng-đạo vương là Trần Quốc-Tuấn, lập tức bị phụ huynh mắng ngay, bắt phải gọi là Đức thánh Trần hay Hưng-Đạo vương. Nói đến Phạm Ngũ-Lão phải gọi là Phạm phò mã.
Thiện-Lãm kể tiếp, đến Lý Mỹ-Linh, Nguyễn Khánh không biết là ai. Y ngơ ngác, thì Trần Anh nói:
- Chị tư còn có tên là Bình-Dương.
Nguyễn Khánh à lên một tiếng. Y trố mắt nhìn hai đứa trẻ, trong đầu y nghĩ không biết hai đứa làm thế nào mà kết anh em với hoàng tử, người hiện là chúa tướng của y, có thể chặt đầu y bất cứ lúc nào. Y làm hiệu úy bấy lâu, cũng chưa từng được nhìn mặt hai người, chứ đừng nói được tiếp truyện. Mà nay hai thiếu niên này lại kết anh em với vương gia, công chúa, ắt chúng là con vương công, đại thần chứ không tầm thường. Nguyễn Khánh không dám coi thường chúng nữa.
Vừa lúc đó từ xa xa xuất hiện một cỗ xe hai ngựa kéo. Thiện-Lãm chỉ tay nói:
- Kìa, xa giá công chúa đến kìa.
Nguyễn Khánh cầm tù và rúc lên hai hồi. Từ trên đền thờ Bà-vương, một hàng người mũ, áo rực rỡ đi xuống. Thiện-Lãm chú ý thấy gần đủ mặt quan văn võ tại trấn Thanh-hóa. Trong đó có cả An-vũ sứ Đàm Toái-Trạng. Các quan văn vũ đứng xếp hàng hai bên đường, dưới cổng chào kết hoa. Một người đến bên Thiện-Lãm, Trần Anh hỏi:
- Hai thằng quỷ con ăn trộm sao dám đến dây?
Thiện-Lãm nhận ra Đàm An-Hòa. Nó cười nhạt:
- Ta đến đây vì theo lệnh Điện-tiền chỉ huy sứ.
Đàm An-Hòa vung tay định tát Thiện-Lãm. Tay y vung lên, nhưng không hạ xuống được. Tiếp theo một giọng nói uy nghiêm:
- Không thể vô phép.
Đàm An-Hòa quay lại nhìn, thì ra Nguyễn Khánh dùng roi ngựa quấn lấy tay y. Từ lâu An-Hòa ỷ thế cha làm đại thần, chị được tuyển vào cung làm qúi phi. Y rong chơi, học võ không thành, học văn không thông. Suốt ngày lêu bêu ở Thăng-long, ăn quỵt, nói láo. Mãi năm trước đây, nhân anh ruột là Đàm Toái-Trạng đang từ chức Chiêu-thảo-sứ thăng bổ làm An-vũ sứ Cửu-chân. Y được anh cho chức hiệu-úy. Tuy chức hiệu-úy nhỏ bé. Song y ỷ thế anh, hết đe dọa dân chúng lại trêu ghẹo con gái nhà lành.
Bấy giờ đang thời thịnh trị triều Lý, xã hội có kỷ cương, quan lại công bằng. Vì vậy An-Hòa tuy có dựa thế cha, anh, chị song không dám càn rỡ qúa độ. Mấy hôm trước y được lệnh anh, tháp tùng sứ bộ Tống điều tra vụ sứ bộ bị trộm cướp. Sau khi điều tra, y biết sứ bộ không hề bị mất trộm. Trái lại họ sang Đại-Việt ăn trộm di thư thời Lĩnh-nam. Biết thế, nhưng An-Hòa vẫn nhắm mắt tuân theo lệnh sứ bộ. Y sẵn sàng làm công việc gian manh, hy vọng sứ bộ tâu lên vua Tống, ban cho y chức tước.
Song việc chưa đi đến đâu. Sứ bộ đã trở mặt phong chức tước cho kẻ mới trước đó mấy gìơ còn là tội nhân. Sứ bộ làm ngược, coi y như một thứ tôi mọi ngu hèn. Y cảm thấy cay đắng, vì bị vắt chanh, bỏ vỏ. Giữa lúc cay đắng. Y gặp lại Trần Anh, Hà Thiện-Lãm là hai đứa trẻ trong trấn, y đã vì tuân lệnh thiên sứ bắt trói như con chó ghẻ... đang đứng giữa đường. Y trút tất cả bực tức lên đầu hai đứa, vung tay tát, thì bị Nguyễn Khánh tung roi ngựa cản lại.
Hồi còn làm công tử ở Thăng-long, nhiều lần phạm tội. Y đã bị đạo cấm quân bắt giam. Sau nhờ chị gái can thiệp được thả ra. Người bắt y chính là Nguyễn Khánh. Nay thấy Nguyễn Khánh, y như gà phải cáo.
Y hỏi:
- Nguyễn vũ-vệ đại-tướng quân xin đại-tướng quân, bắt giam hai thằng này ngay lập tức. Chúng nó là quân trộm cướp.
Nguyễn Khánh cười nhạt:
- Đàm công tử. Người là cái gì mà truyền lệnh cho ta? Người có biết lý lịch hai vị tiểu công tử này không, mà dám vô phép? Người liệu mà giữ cái mồm. Nếu không ta e mất chỗ đội nón.
Đàm An-Hòa định hỏi nữa, thì cỗ xe từ xa đã đến gần. An-Hòa trố mắt nhìn. Y đưa tay dụi mắt. Không biết y trông lầm hay trong giấc mơ... kìa là hòa thượng Huệ-Sinh, kìa là đạo sĩ Nùng-Sơn tử, kìa là Tạ Sơn, kìa là Tôn Trung-Luận đang cỡi ngựa đi cạnh xe. Trên xe rõ ràng Lê Thuận-Tông đang ngồi đó. Phía sau còn Trần Thanh-Mai nữa. Chẳng thiếu ai cả. Y lại bên Đàm Toái-Trạng nói nhỏ:
- Anh ơi, coi chừng bị lầm. Bọn trộm cướp mà em nói với anh, chính là bọn đi cạnh xe công chúa. Chỉ còn thiếu mụ sư Tịnh-Huyền, hai con bé Thanh Nguyên, Mỹ-Linh. Còn tên Tôn Đản, Trần Tự-Mai, Lý Long-Bồ trốn mất từ hôm trước.
Nguyễn Khánh chỉ mặt Đàm An-Hòa:
- Đàm hiệu úy. Người liệu giữ mồm. Người dám gọi tên của vương-gia, công chúa ra, đã là một tội đáng chém đầu. Người còn dám bảo Tạ chỉ huy sứ với sư phụ của thái tử là đạo tặc ư?
Đàm An-Hòa đưa mắt nhìn anh. Thấy anh quắc mắt đầy vẻ nghiêm khắc.Y kinh hoảng đến ngẩn người ra. Y đoán chắc có điều gì bí ẩn. Trong đầu óc y, y cho rằng bọn Mỹ-Linh giả công chúa đánh lừa mọi người. Chi bằng cứ để cho chúng mạo xưng. Lát nữa y sẽ đứng ra tố cáo bắt trói cả bọn chém đầu, lập công lớn.
Xe đã tới nơi. Đàm Toái-Trạng hô lớn:
- Bọn hạ thần là bá quan văn võ trấn Thanh-hóa kính cẩn khấu đầu trước công chúa điện hạ.
Mọi người đều qùi xuống hành lễ. Có tiếng thanh thoát từ trong xe vọng ra:
- Miễn lễ.
Hơn trăm nhạc công cử nhạc.
Cứ như sử sách ghi, nhạc đời Lý không bị ảnh hưởng của nhạc Tống. Cũng chưa thấm mùi yếm thế của nhạc Chiêm-thành. Nhạc đầu đời Lý bắt nguồn từ chiến thắng Bạch-đằng thời tiền Lê, cùng hùng khí trong các lần chinh phục Chiêm-thành. Trống, chiêng, sáo, đàn, nhị truyền những âm thanh hùng tráng vang vang đi khắp núi rừng.
Lý Mỹ-Linh khoan thai bước xuống xe giữa hàng trăm ngàn tiếng hoan hô, chúc tụng của bá quan văn võ, của dân chúng. Trời nắng chang chang. Dân chúng chen chúc hai bên con đường. Có người leo lên cây để chiêm ngưỡng dung nhan công chúa.
Gió hây hây thổi, quần áo nàng bay nhè nhẹ. Nắng chiếu xuống làn da trắng mịn, làm da nàng trở thành hồng tươi. Nàng lễ phép đứng tránh sang bên cạnh, chờ sư thái Tịnh-Huyền xuống.
Đạo Phật là quốc giáo đời Lý. Tăng-ni được đức hoàng đế độ cho, mới được đi tu. Nghĩa là ai muốn đi tu phải được nhà vua cho phép, chứ không phải cứ cạo đầu, vào chùa rồi đòi làm thầy người ta, rồi nhân danh cái này, cái nọ mà lên mặt. Vì vậy tăng ni được kính trọng đặc biệt. Hôm nay dân chúng thấy công chúa thiên kim lễ phép theo sau một vị ni sư. Họ cho rằng nàng là đệ tử, không dám đi trước sư phụ. Nào ngờ Tịnh-Huyền là thái-cô, trước đây là công chúa. Đừng nói Mỹ-Linh, đến thân phụ của nàng là thái-tử Phật-Mã tước phong Khai-thiên vương cũng không giám đi trước bà.
Quan tổng trấn Thanh-hóa Đinh Ngô-Thương hỏi Tạ Sơn:
- Tạ chỉ huy sứ. Trong chiếu chỉ hoàng thượng dạy rằng Khai-quốc vương cùng công chúa gía lâm. Sao nay chỉ có công chúa?
Tạ Sơn nói sẽ vào tai Đinh Ngô-Thương:
—Quan tổng trấn nói sẽ thôi. Vương gia có việc cơ mật, không thể xuất hiện. Người giả dạng dân chúng, thăm dân cho biết sự tình.
Câu nói của Tạ Sơn làm Đinh Ngô-Thương kinh hỏang. Y có con gái được tuyển làm thứ phi của thái-tử Phật-Mã vì vậy được cử vào vào tổng trấn vùng Thanh-hóa. Uy quyền của y như ông vua con. Y dùng tiền bạc đút lót các quan trong triều hầu che dấu những điều tồi tệ xẩy ra. Nay đích thân thái tử đi điều tra, thì sao y dấu được. Y biết, thái-tử thứ nhì tước phong Khai-quốc vương, mới được cử lĩnh chức thái-úy, thống lĩnh quân quốc trọng sự, kiêm nhiệm tổng trấn từ Trường-yên cho tới biên giới Chiêm-thành. Quốc-vương Bồ là người tài kiêm văn võ, trị quân rất nghiêm. Y cảm thấy lo lắng không nguôi.
Một cỗ kiệu, do tám thiếu nữ trong y phục mầu xanh, dây lưng vàng hạ trước Lý Mỹ-Linh. Đinh Ngô-Thương kính cẩn:
- Khải tấu công chúa điện hạ. Mời công chúa điện hạ lên kiệu.
Mỹ-Linh ngoắt tay ra hiệu:
- Cảm ơn Đinh tổng trấn. Tôi không cần kiệu.
Nói rồi nàng thoăn thoắt theo Tịnh-Huyền lên núi. Đi đón công chúa có đủ mặt mệnh phụ phu nhân. Các bà cho rằng công chúa ắt liễu yếu đào tơ. Nay thấy Mỹ-Linh leo núi nhẹ nhàng. Không những leo núi dễ dàng. Nàng còn dừng lại thăm hỏi dân chúng đang đứng chào hai bên đường. Nàng đi đứng nhanh nhẹn, phiêu hốt như một thiên tiên. Dân chúng những tưởng phen này sẽ được thấy một công chúa trong y phục sang trọng. Nào ngờ, họ chỉ thấy Mỹ-Linh mặc quần lụa đen, với chiếc áo tứ thân mầu mỡ gà. Nàng lại không mang một món nữ trang nào, ngoài bông hoa nhài trắng mà Thuận-Tông đã cài lên mái tóc nàng hồi trưa. Các mệnh phụ phu nhân quần áo, son phấn lòe loẹt, người đeo đầy nữ trang, tự nhiên cảm thấy ngượng ngùng.
Bá quan cũng như dân chúng đều cảm thấy ở vị công chúa này tàng trữ những tình cảm ấm áp, dễ thân cận. Cạnh Mỹ-Linh họ thấy Thanh-Mai, một thiếu nữ ẻo lả, có sắc đẹp tươi hồng, nhưng bước đi nhẹ nhàng, thân thể nẩy nở cân đối. Họ càng ngạc nhiên khi thấy bọn Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, Trần Anh là những thiếu niên nổi tiếng nghịch ngợm ở trấn Thanh-Hóa đi cạnh công chúa.
Lăng bà Triệu khá lớn. Phía trước là cổng bằng đá. Hai bên có cột đề đôi câu đối. Phía sau cổng, trải ra sân với một hàng tượng đá. Từ ngòai vào, hai tượng hổ, rồi tới hai tượng voi. Cuối cùng hai tượng rồng chầu. Ở giữa là tấm bia. Tấm bia này được dựng vào thời kỳ vua Ngô Quyền còn trấn tại đây. Qua một lần cổng nữa mới tới lăng. Phía sau lăng là đền thờ.
Lăng đã được làm cỏ sạch sẽ. Cây cối cắt xén gọn gàng. Tượng đá lau chùi bóng loáng. Từ cổng, chiếu hoa trải dài vào trong. Hơn 10 cái bàn phủ vải đỏ chói. Trên bàn bầy đồ tế. Bởi cuộc tế bà Triệu do hoàng tử, công chúa đại diện đức Đại-Việt hoàng đế đứng chủ. Lễ vật do ba nơi đến. Một là do công nho trấn Thanh-hóa đài thọ. Một phần do hội Lệ-hải Bà-vương mua sắm. Một phần do thập phương dâng lễ. Hơn hai mươi cái rạp, cột gỗ, mái tranh mới được cất lên theo hình chữ phẩm . Trong mỗi rạp, có mười hàng ghế bằng tre. Các cột rạp kết bông, lá rất đẹp.
Mỹ-Linh được mời ngồi vào chiếc ghế bọc gấm đặt giữa rạp chính. Cạnh nàng là sư thái Tịnh-Huyền, hòa thượng Huệ-Sinh, đạo sư Nùng-Sơn tử. Phía sau là Thanh-Mai, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, Thanh-Nguyên. Còn Tạ Sơn điều khiển đám thị-vệ bao vây quanh lăng.
Theo đúng chương trình đã được duyệt trước, lễ tế Lệ-hải bà vương có ba phần chính. Phần đầu tuyên đọc sắc phong của Thuận-thiên hoàng đế (Lý Thái-tổ), phần thứ nhì là lễ nghi tôn giáo, tế Bà-vương. Phần thứ ba cực kỳ quan trọng, Khai-quốc vương, lĩnh Thái-úy phụ quốc, thống lĩnh quân quốc trọng sự đại diện hoàng đế tiếp đại diện các gia, các phái võ bàn truyện giữ nước.
Cứ như bộ Việt-sử lược của một tác giả vô danh viết đời Trần, và bộ Tư-trị Thông-gíam trường biên của đại sử gia Lý Đào đời Tống thì vào các vua đầu triều Lý, triều đình dùng đạo Phật cai trị dân, được dân kính trọng tuyệt đối. Trên cao, vua lấy đức từ bi, hỉ xả của đạo Phật ban ân cho dân. Các quan thì thanh liêm hết lòng hết dạ thương yêu trăm họ. Vì vậy sĩ dân thiên hạ với triều đình như một. Triều đình xướng xuất điều gì, khắp nước đều răm rắp tuân theo. Phần trên đã thuật lời của các nhân vật, nhân bàn về xuất thân của vua Lý Thái-tổ. Những lời đó, được đời sau huyền thọai hóa đi. Thực sự chính nhà vua lại không hề tủi hổ về đường xuất thân của mình. Có thuyết nói ngài là con hoang, mẹ sợ không chồng mà chửa, bị làng bắt phạt, đem con bỏ ngòai chùa rồi nhà sư Lý Khánh-Vân đem về nuôi.
Sự thực, cho đến nay,sử không cho biết đích xác thân phụ ngài là ai. Chỉ biết ngài sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp-tuất ( 8-3-974), băng hà ngày 3 tháng 3 năm Mậu-thìn (31-3-1028). Về nguồn gốc của ngài rất mơ hồ. Sử chỉ cho biết rằng, ngài có anh trai, em trai, em gái. Anh em mồ côi cha từ nhỏ, mẹ không đủ sức nuôi, đem ngài lên ở chùa. Nhà sư Lý Khánh-Vân thấy ngài thông tuệ khác thường nhận làm con nuôi, vì vậy ngài mang họ Lý. Ngài còn được thiền-sư Vạn-Hạnh thu làm đệ tử.
Vạn-Hạnh thiền-sư là người hô hào sĩ dân Đại-Việt bỏ qua thù hận việc Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh, cùng đứng dậy chống quân Tống. Sau khi đuổi giặc Tống, ngài được tôn làm Quốc-sư. Lý Công-Uẩn là đệ tử của ngài, nên đường tiến thân mau chóng. Hơn nữa được gả công chúa, mà thành phò mã. Dưới thời Lê Ngọa-triều, Lý làm tới Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Tương đương với ngày nay là Tổng Tư-lệnh quân đội. Khi Lê Long-Đĩnh chết, tức em vợ ông. Ôâng được người sư điệt Đào Cam-Mộc là Vũ-vệ đại tướng quân, tương đương với ngày nay là Tư-lệnh lục quân hô hào triều thần tôn lên làm vua.
Việc đầu tiên của Lý Công-Uẩn khi mới lên ngôi vua, là tôn sư phụ Vạn-Hạnh làm Quốc-sư, dùng niên hiệu Thuận-thiên tỏ ý rằng ngài thuận theo mệnh trời mà lên làm vua. Ngài phong cho mẹ làm Thái-hậu Minh-đức, truy phong cha làm Hiển-khánh đại vương. Phong cho em gái làm công chúa Hồng-Châu. Phong cho anh làm Vũ-uy vương, phong cho em là Dực-thánh vương. Phong cho em con chú các chức đô thống, tổng-quản, tướng-quân. Như vậy ngài biết rõ cha là ai, mình họ gì. Song là người biết ơn nghĩa, ngài không trở về họ mình, mà vẫn giữ họ của nghĩa-phụ.
Xuất thân con nuôi một vị sư, được một vị sư thu làm đệ tử, nhờ thế lực Phật-gíao lên làm vua. Ngài tự biết mình có tài, nhưng không phải là vua đựng nước bằng chiến công như vua An-Dương, lại càng không thể sánh bằng vua Trưng. So với tiền Lý, Dương Diên-Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Tiên-Hòang, dựng nghiệp bằng chiến công đuổi ngọai xâm. Đến vua Lê Đại-Hành, tuy dựng nghiệp bằng đường lối xấu xa, nhưng cũng có chiến công che lấp. Ngài dựng nghiệp hơi giống Lê Đại-Hành, mà không có công lao gì. Bởi vậy ngài lấy việc chăm lo hạnh phúc cho dân làm gốc.
Mạnh-Tử nói Nhân chi sơ tính bản thiện. Con người ta không bao gìơ xa được cái giáo dục hồi thơ ấu. Thơ ấu của Lý Thái-tổ là gì? Mồ côi cha, được nuôi trong chùa. Chùa ở Việt-Nam, Trung-quốc, Nhật-bản, tuy có đời sống đạm bạc, song cung cách đối xử cực kỳ thanh nhã, khoan hòa, từ ái. Người đã sống trong khung cảnh một ngôi chùa từ nhỏ, sau này không thể nào bỏ được nếp sống đó (Trừ những người đi tu phá giới). Cho nên trong suốt 19 năm trị vì, ngài không bao giờ quên nhiệm vụ một Phật-tử, là luôn hoằng dương đạo pháp: truyền in kinh sách, xây chùa, cùng trùng tu chùa.
Về cuối đời, bị ảnh hưởng của các con, ngài đồng ý cho các vị hoàng-tử phát triển kinh tế, huấn luyện thanh niên, mưu đòi lại phần đất bị Trung-nguyên chiếm mất từ thời Lĩnh-nam. Người chủ xướng là hòang-tử thứ nhì, tước phong Khai-quốc vương. Chứ ngài, thì ngài chủ trương cần giữ lấy mảnh đất Đại-Việt là đủ rồi. Gây chiến tranh, chỉ thêm núi xương, sông máu, mà có đòi lại được đất cũ cũng khó giữ.
Thanh-Mai hỏi Nùng-Sơn tử:
- Đại sư bá, chí hướng đòi lại đất tổ của anh cả khởi nguồn từ đâu? Và từ bao gìơ?
Nùng-Sơn tử nói sẽ vào tai nàng:
- Bắt đầu vào niên hiệu Thuận-thiên thứ 4 (1013) tức năm Qúi-Sửu, bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Đại-trung Tường-phù thứ 6 (đời vua Tống Thần-tông). Vương gia được 13 tuổi. Nhân quan thái-phó giảng Bắc-sử, Nam-sử cho các hoàng tử nghe, với sự chứng kiến của hoàng-thượng. Khi giảng đến đọan vua An-dương sai Trung-tín hầu cầm quân, diệt 50 vạn quân Tần, giết Đồ Thư ở Thiên-cấm-sơn. Các hoàng-tử khác không nói gì. Chỉ riêng Vương-gia đặt câu hỏi : Tại sao sau khi thắng giặc, vua An-Dương không nhân đó chiếm lại vùng Tượng-quận, Nam-hải, Hợp-phố? . Hoàng-thượng nhân đó hỏi các con : Nếu các con là vua An-dương, các con sẽ làm gì? . Thái-tử Phật-Mã đáp : Con hành động như vua An-dương, giữ vững phần đất còn lại, vỗ về trăm họ. Các thái tử khác im lặng không có ý kiến. Riêng Vương-gia, người khảng khái : Trung-nguyên với Lĩnh-nam vốn phân cương giới từ thời vua Đế-Minh, lấy Ngũ-lĩnh làm mốc. Trung-nguyên trải qua Hoàng-đế, Hạ, Thương, Chu, Tần. Lĩnh-nam trải qua triều Hồng-Bàng, Thục. Tiếng nói, văn tự, phong tục, cho đến ăn uống, y phục khác nhau. Tần Thủy-Hoàng thống nhất Trung-nguyên còn chưa cho là đủ. Y muốn xâm lăng Lĩnh-nam. Nếu cứ nhường nhịn mãi, rồi một ngày kia nước không còn. Nếu con là vua An-dương, con sẽ chỉnh bị binh mã, thừa thắng, tiến lên đuổi giặc Tần đòi lại đất cũ .
Thanh-Mai gật đầu:
- Tuyệt! Thế hoàng thượng phán gì?
—Ngài gật đầu khen : Khí hùng, trí dũng. Tiếc rằng vua An-dương không làm thế . Tiếp đến khi quan thái-phó giảng tới thời Lĩnh-nam, đến đoạn công-chúa Gia-Hưng đem quân định diệt nhà Hán, cai trị Trung-nguyên. Vương-gia suýt xoa khoan khoái trong lòng. Hoàng thượng lại hỏi ý kiến các con. Thái-tử Phật-Mã khen vua Trưng có quyết định sáng suốt là rút quân về. Vương-gia lại không đồng ý. Người nói Nếu con là vua Trưng, con truyền lệnh cho công chúa Nguyệt-đức từ Tượng-quận hợp với Vương Nguyên từ Thục đánh ra ngả Trường-an. Công chúa Phật-Nguyệt vượt Trường-giang đánh chiếm Kinh-châu. Thời trước, Triệu-Đà chẳng từng đem quân đánh Nam-quận, Trường-sa đó sao? Còn đại-tư-mã Đào Kỳ, tể-tướng Phương-Dung đem quân theo tiếp viện. Công chúa Thánh-Thiên vượt Nam-hải đánh vào vùng Triết-giang. Như vậy chắc chắn Quang-Vũ phải bỏ Lạc-dương mà chạy. Ta chia Trung-nguyên làm ba. Phần phía Tây trả cho Thục. Phía Đông giao cho Hợp-phố lục hiệp. Trung-nguyên chia làm ba đánh nhau. Lĩnh-nam ta yên ổn. Chỉ cần mười năm, bấy gìơ Trung-nguyên có thống nhất ta không sợ họ nữa .
Thanh-Mai lắc đầu:
- Không được rồi. Chắc chắn vương gia với anh cả sẽ cãi nhau lớn.
Nùng-Sơn tử ngạc nhiên:
- Sau cháu biết?
- Cháu đoán vậy thôi. Thái-tử Phật-Mã như tên mang, với lòng dạ nhân từ của Phật-tử, chắc chắn sẽ không chấp nhận đường lối chiến tranh. Hơn nữa Thái-tử Phật-Mã sợ phụ hoàng chấp nhận đường lối của anh cả. Khi đường lối đó được thi hành, đương nhiên anh cả sẽ là người cầm quân. Dù thái-tử có tin anh cả mấy chăng nữa, thì cái gương sau khi Lê Hoàn chết, Long-Đĩnh giết anh tranh ngôi vua cũng làm cho thái-tử sợ rằng em nắm quyền, ngôi vua của mình lung lay.
- Đúng thế. Nghe em phát biểu, mặt thái-tử nhợt nhạt, tỏ ý không vui. Cháu nên biết tất cả vua Trung-quốc cũng như Đại-Việt, đương thời trị vì, đều chỉ định trừ quân, sau kế nghiệp. Trừ quân được gọi là thái tử. Song Thuận-thiên hoàng đế không làm thế. Tất cả các con trai của ngài đều được phong thái tử. Ngài còn ban dụ trong các em cũng như con, ai tỏ ra có tài trị quốc, thu phục được nhân tâm ta sẽ truyền ngôi cho . Vì vậy giữa các vương có sự tranh đấu quyết liệt để được chỉ định là trừ quân.
- Thế các vương nào đã được hoàng-đế chú ý?
- Khai-thiên vương tỏ ra là người nhân từ, rất được lòng các bà hoàng hậu cùng thứ phi. Dực-thánh vương võ công cao cường, tài kiêm văn võ, hiện được giữ quyền Đại-đô đốc thống lĩnh thủy quân, thành ra các quan đều có ý tôn người làm trừ quân. Vũ-đức vương lại là Binh-bộ thượng thư, tướng soái nể phục. Đông-chinh vương là Lại-bộ thượng thư, cai trị dân bằng đạo đức.
- Hiện chức tước các vương ra sao?
- Lớn tuổi nhất anh ruột của hoàng thượng được phong Thái-phó, trung thư thị lang, bình chương sự, Đăng-châu tiết độ sứ, Vũ-uy vương . Vương rất hiền lành, không tranh dành với ai. Thứ đến em hoàng thượng, được phong Thái bảo, Trung thư lệnh, Đại Đô-đốc, thống lĩnh thủy quân, Dực-thánh vương . Vương nhiều mưu, lắm mẹo, thân với Tống triều.
- Như vậy về võ chức, cấp bực Dực-thánh vương cao hơn Vũ-uy vương. Còn về văn, Dực-thánh thấp hơn Vũ-uy một bậc.
- Đúng thế. Thái tử trưởng Phật-Mã được phong Thái phó, thượng thư lệnh, bình chương sự, Long-thành tiết độ sứ, Khai-Thiên vương . Thái tử thứ nhì là chủ nhân bần đạo mới được phong Thái-úy, Thượng-trụ quốc, chưởng quản Khu-mật viện, Phụ-quốc đại tướng quân, Tổng-đốc binh mã, Khai-quốc vương .
Thanh-Mai hiểu ra:
- Như vậy anh cả tiểu nữ được phong chức lớn nhất. Văn chỉ thua Thái-sư. Võ người lên tới Phụ-quốc đại tướng quân, tức tột đỉnh. Đã vậy còn lĩnh Khu-mật viện. Hà, quan trọng đấy. Còn ý kiến các quan về việc lập trừ quân?
- Tạ Sơn lĩnh Nội-điện chỉ huy sứ, Khu-mật viện sứ, thống lĩnh Ngự-lâm quân, chỉ biết có vương gia. Quan Tư-đồ, kiêm thị trung Tả Bộc-xạ Trần Nam-Sơn đứng giữa. Quan Tư-không kiêm Thị- trung, thượng thư Hữu Bộc-xạ Đào Kiến thân Khai-Thiên vương. Quan Thái-sư Trần Phương thân Vũ-đức vương. Đô nguyên-soái Đàm Can thống lĩnh thập đạo Thiên-tử binh thân với Dực-thánh vương.
- Như vậy cho đến giờ phút này hoàng thượng vẫn chưa quyết định đấng trừ quân?
- Nguyên do, như cô nương đã biết. Đến tháng tám này, các đại tôn sư võ học hội nhau ở Thăng-long, quyết định việc phù Lê, phù Lý. Cái nguy nhất của hoàng thượng là phái Đông-a, phái Sài-sơn. Cho nên hoàng thượng truyền chỉ cho các thái tử, rằng ai thu phục được, hoặc hoá giải được hai mũi dùi này, ngài sẽ truyền ngôi cho.
Ông ngừng lại một lát rồi tiếp:
- Vương gia rất hào phóng, người đem hết của cải riêng tư bán đi, dùng tiền đó tu bổ đền thờ các anh hùng thời Lĩnh-nam. Theo luật của bản triều, khi các thái tử mười ba tuổi được mở phủ đệ riêng, tuyển vương phi. Thái-tử Phật-Mã năm mười hai tuổi đã tuyển bẩy bà chính-phi, hai mươi bốn phi-tần, hơn trăm mỹ-nữ. Khi hoàng thượng tỏ ý kén vương-phi cho vương-gia. Vương-gia không muốn vướng víu thê nhi sớm. Người hỏi ý kiến đại-sư Huệ-Sinh. Đại-sư đồng ý với Vương-gia. Hôm sau vào chầu hoàng-thượng với hoàng-hậu, vương-gia tâu : « Con sinh ra được cái may mắn hơn phụ hoàng, vì đã là con vua. Phụ-hoàng thì mồ côi, nghèo khổ. Nếu nay con vội say mùi phú qúi, rồi mai một chí khí đi. Vì vậy con luôn nhớ đến việc phụ hoàng lập nghiệp gian lao. Con xin phụ hoàng cho con khoan việc thê nhi ít năm đã. Vả hiện con đang luyện Thiền-công, nếu sắc dục vào, thì còn đâu công lực nữa. » Hoàng-thượng không ngớt khen ngợi vương-gia.
- Nhưng đêm ấy hoàng-hậu Tá-Quốc tâu rằng : Vương-gia dối cha lừa mẹ. Vì vương-gia tuy tập Thiền-công Tiêu-sơn thực, song chưa đến trình độ phải kiêng nữ sắc.
Thanh-Mai hỏi:
- Hoàng-hậu thiên vị con trưởng hại con thứ sao?
- Không phải thế. Hoàng-thượng có ba hoàng-hậu. Hoàng-hậu Tá-Quốc sinh ra Khai-Thiên vương. Còn hoàng-hậu Lập-Nguyên sinh ra vương-gia. Hoàng hậu Tá-quốc là công chúa của vua Lê Đại-hành.
Nùng-Sơn tử ngừng lại một lúc, rồi tiếp:
- Khi nghe tâu như vậy, hoàng-thượng giận lắm. Đang đêm triệu vương-gia vào. Ngài không nói không rằng ra chiêu Phổ-quang chưởng đánh vào vai vương-gia. Vương-gia vận công chịu đòn.
Thanh-Mai ngạc nhiên:
- Thế nghĩa là gì?
- Võ nghệ của vương-gia đều do hoàng thượng dạy. Võ công của hoàng-thượng gốc từ Tiêu-sơn. Nguyên trước đây việc dạy nội công cho tục gia đệ tử và Phật-gia đệ tử hoàn toàn giống nhau. Đến đời tổ thứ tám, là ngài Vô-Ngại, thì có sự thay đổi. Tục gia đệ tử tập Thiền-lực, áp dụng vào việc tập võ. Còn Phật-gia đệ tử học Thiền-tuệ làm chính, Thiền-lực làm phụ. Vì Thiền-tuệ để đi vào con đường giải thoát. Hoàng-thượng chỉ được dạy Thiền-lực thì không kiêng nữ sắc. Bây giờ nghe Vương-gia nói tập Thiền-công kiêng nữ sắc, rồi nghe hoàng hậu Lập-Quốc tâu vậy, ngài mới ra chiêu, để thử công lực vương-gia. Khi chưởng đánh xuống, một kình lực nhu hòa làm tiêu tan công lực hoàng thượng. Ngài mỉm cười hỏi vương-gia : « Thực là đại phúc. Con định đi tu chăng? Cao nhân nào trong bản phái đã thu con làm đệ tử . » Vương-gia nói thực là đại-sư Huệ-Sinh. Hoàng thượng nghe vậy thì tươi nét mặt phán : « Đại sư huynh ta gớm thực, nhận con làm đệ tử mà dấu ta. Đại phúc, ta đông con, mong có người đi tu mang phúc về cho giòng họ. Không ngờ con là người ta ước nguyện. Tuy vậy, con phải ở trần thế một thời gian, cứu dân, độ nước đã, rồi hãy hạc nội mây ngà . » Hôm sau hoàng thượng ban chỉ cho vương-gia trấn nhậm vùng Trường-yên.
Thanh-Mai nghe đến đây, lòng nàng nổi lên cơn bão táp. Nàng tự hỏi:
- Như vậy anh cả đi tu chăng? Nếu định đi tu, sao còn theo đuổi ta ở Trường-yên, gửi hoa tặng mấy tháng liền? Rồi chàng đề thơ ở gốc đào tỏ ý thương nhớ ta? Rồi hôm rồi, trên núi Chung-chinh, đã cùng ta tâm tình gần trọn đêm. Ta phải dò mới được.
Thanh-Mai hỏi tiếp tục :
- Thì ra thế. Từ qua đến giờ cháu cứ thắc mắc tại sao anh cả tuổi đã hai mươi bẩy mà chưa tuyển phi-tần. Ai ngờ anh cả vượt ra ngoài đời sống thế tục. Không biết anh cả cháu đã thụ giới tỳ-kheo chưa?
- Vương-gia muốn, mà đại-sư Huệ-Sinh chưa cho. Đại-sư muốn Vương-gia trả hiếu cha mẹ, trả hiếu đất nước đã.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...