Hồ Đề, Trần Năng, Vĩnh-Hoa trở về trang Thiên-bản trời đã nửa đêm. Mọi người ngồi chờ dưới đèn. Nhìn nét cười ngỗ nghịch của Hồ Đề, Trưng Nhị đoán cuộc thám thính đã thành công. Nàng lên tiếng :
– Sự thể thế nào, chắc có chuyện gì vui lắm phải không ?
Vốn tính bộc trực, Hồ Đề vội nói ngay :
– Khi đi, nghe Lê phu nhân nói võ công Hoàng Đức-Phi cao cường, làm bọn em cẩn thận thái quá. Lúc nhảy qua cửa sổ vào, y phóng quyền đánh, Trần Năng vung chưởng đỡ. Chưởng của chị Trần Năng mạnh quá, tí nữa thì y bị nát thây. Khiếp, học trò Khất đại phu có khác !
Rồi nàng tường thuật tỉ mỷ mọi chuyện, hỏi Vĩnh-Hoa :
– Em bảo sao chị làm vậy, không hiểu tại sao lại không giết hắn, lại bắt hắn viết thư cho Lê Đạo-Sinh ? Hắn đâu phải là người của Thái-hà trang ?
Trưng Nhị cười :
– Em để chị nói cho nghe. Chúng ta đã có kế hoạch bàn luận trên thuyền rằng : Một là chia rẽ trầm trọng hơn giữa Tô Định và Nghiêm Sơn ; hai là giúp Nghiêm Sơn tỉa bớt vây cánh Tô Định và Lê Đạo-Sinh ; ba là tìm cách giúp Tô Định thực hiện ý muốn Hán rút quân khỏi Lĩnh-nam. Vĩnh-Hoa bắt Hoàng Đức-Phi như vậy, rồi tìm cách làm sao cho thứ đó đến tay Nghiêm Sơn, Nghiêm sẽ giết Phi, hận thù giữa Tô và Nghiêm ngày càng tăng, chúng ta nhân đó tiến cử người cho Nghiêm, thế là Huyện Lục-hải thuộc về ta. Bây giờ chúng ta cần biết nhiều chi tiết hơn về Hoàng Đức-Phi. Xin bốn vị công tử trang Thiên-bản cho biết về y càng nhiều, càng tốt.
Mai An đứng dậy, nói :
– Về cha con Hoàng Đức-Phi, chúng tôi biết rất rõ. Y có hai vợ, vợ lẽ người Việt do cha con y dùng cường lực bắt ép. Tuy có vợ lẽ, nhưng y sợ người vợ Hán như sợ cọp. Cô vợ Hán tên Sài Phố An Mả Rị, xuất thân là kỹ nữ. Khi Tô Định còn là Huyện-lệnh Dương-phố, vợ chồng y theo hầu Tô. Y cho vợ tằng tịu với Tô để được tín nhiệm. Trong hai đứa con của y, hết một đứa là con Tô Định. Y lại tằng tịu ăn nằm với chị ruột đẻ ra đứa con gái tên Hoàng Yến-Tuyết. Khi Tô Định được cử làm Thái-thú Giao-chỉ, y theo sang. Tới Giao-chỉ, Tô Định có nhiều gái mới, không thích Sài Phố nữa, bèn kiếm cách cho y chức Huyện-úy. Tuy làm Huyện-úy dưới quyền Huyện-lệnh, nhưng y dựa thế Tô Định, nên Huyện-lệnh phải sợ y.
Mai Đạt tiếp lời em :
– Y bày cho Tô Định thuyết Thái âm bổ dương. Dường như cái lối hành lạc này Tô Định rất thích. Chính y, y cũng thích nữa.
Đào Kỳ nhìn Phương-Dung nhớ lại, cách nay hai năm, chàng với Phương-Dung thám thính phủ Thái-thú, thấy Tô Định bày cách uống rượu cùng Ngũ-phương kiếm rồi lập kế bắt giam. Chàng hỏi Khất đại phu :
– Lão bá chẳng hay cái thuyết Thái âm bổ dương đó như thế nào ? Có thực bổ dương không ? Hay chỉ là lối hành lạc dâm đãng của người Hán ?
Trần Đại-Sinh gật đầu :
– Thuyết đó đã được bàn đến trong y học, chứ không phải là lối hành lạc dâm đãng đâu. Trong vũ trụ mọi vật đều phân âm dương. Mặt trời là dương, mặt trăng là âm. Nóng là dương, lạnh là âm. Nước là âm. lửa là dương, Trong cơ thể người thì ngũ tạng gồm Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận thuộc âm. Lục phủ gồm Đại-trường, Tiểu-trường, Vị, Đởm, Tam-tiêu và Bàng-quang thuộc dương. Khí là dương, huyết là âm. Phía lưng là dương, phía trước là âm. Trên là dương, dưới là âm. Bên phải là dương, bên trái là âm.
Đào Kỳ đã biết về học thuyết âm dương, nên nghe Khất đại phu giảng, chàng không lấy gì làm ngạc nhiên cho lắm. Còn Hồ Đề, Vĩnh-Hoa, Lê Chân say mê ngồi nghe.
Khất đại phu liền tiếp :
– Đàn ông là dương, đàn bà là âm. Dựng vợ gã chồng là phép Hòa hợp âm dương. Trong đời sống lứa đôi, tuổi người đàn ông với người đàn bà như thế nào khiến cho chuyện phòng the đầm ấm ? Tuổi nào với tuổi nào khiến cho hai người mạnh khỏe sống lâu ? Các y gia đã nghiên cứu đưa ra thuyết Thái âm bổ dương, nghĩa là lấy âm để bổ dương. Đầu tiên về tuổi tác. Người đàn ông có đời sống tình dục lâu hơn người phụ nữ. Bắt đầu từ 16 tuổi thì có tinh khí cho đến chết. Trừ trường hợp bệnh hoạn tinh khí khô hiệt không kể. Còn đàn bà bắt đầu ở tuổi 13, tận cùng vào tuổi hết kinh, tức là từ 45 đến 50. Các y gia thu thái kinh nghiệm : Về tuổi lứa đôi tốt nhất là đàn ông hơn đàn bà từ 12 đến 20 tuổi. Nếu căp vợ chồng lấy nhau ở tuổi đó, người đàn ông khỏe mạnh dẻo dai ít bệnh tật. Người đàn bà cũng thế. Người đàn ông là dương cần có âm chất của đàn bà để hòa hợp. Nếu người đàn bà lớn tuổi hơn đàn ông, âm chất không đủ hợp với dương khí. Cả hai người đều hay bệnh tật mau già. Cho nên những cặp vợ chồng lớn hơn từ 12-20 tuổi, họ sẽ trẻ và sống lâu. Ca dao người Việt mình nói :
Chồng già vợ trẻ là tiên,
Vợ già chồng trẻ là duyên con bò.
Trần Năng tính ngỗ nghịch, nàng được Khất đại phu cưng chiều như cháu nội, nên không úy kỵ thầy trò. Nàng hỏi :
– Sư phụ ! Người đời gọi sư phụ là tiên ông. Con thấy sư phụ tuổi trên 70 mà tóc chưa bạc, răng chưa rụng, da mặt hồng hào. Chắc sư mầu trẻ hơn sư phụ ít ra cũng đến 15 tuổi.
Khất đại phu gật đầu :
– Sư mẫu nhỏ hơn ta 18 tuổi. Năm nay ta 79 tuổi, mà cơ thể còn trẻ dường này là nhờ ta lấy sư mẫu trẻ mà được.
Tử-Vân tính trẻ con cũng hỏi Nguyễn Tam-Trinh :
– Sư phụ! Chắc người cũng biết thuyết Thái âm bổ dương ? Sư mẫu còn trẻ quá, nhỏ hơn sư phụ đến 28 tuổi. Sư phụ năm nay tuổi 65 mà trẻ trung như trai 20 vậy.
Mọi người cười ồ lên, Trần Đại-Sinh tiếp :
– Nguyên trong y học thuyết Thái âm bổ dương có thế. Sau này các y gia nghiên cứu rộng tìm ra Ngũ pháp trường xuân nữa. Người đời không hiểu y học đã cho rằng dơ bẩn hay dâm đãng. Ta chưa thấy dơ bẩn và cũng chẳng thấy dâm đãng chút nào. Bọn Nho-sĩ chê là dâm đãng, hủ lậu, thế mà trong phòng the, còn quá tệ hơn nữa. Ngũ pháp là lối tận hưởng xuân tình giữa đôi nam nữ.
Mai Đạt tuổi còn trẻ, tò mò hỏi :
– Thưa lão bá, chẳng hay Ngũ pháp là gì ?
Khất đại phu xua tay :
– Xin lỗi Nam-hải nữ hiệp, xin lỗi mấy cháu gái, để ta giảng giải cho mấy cháu trai biết một chút về lối ăn chơi của người Hán. Ngũ pháp không phải là Ngũ lệnh của Tô Định đâu. Một là, cứ đầu xuân phải kiếm cho được một thanh nữ giao hợp. Giữa khoảng tiết dương xuân, lấy nguyên khí của trinh nữ là người âm, tức là thu được trọn âm khí vào người. Trong năm đó sẽ được may mắn, sức khỏe tăng tiến dồi dào. Nguồn gốc chỉ có thế, nhưng giới quan lại, phú gia đi mua nhiều gái trinh về hành lạc quanh năm. Ta nghe Huyện-lệnh Luy-lâu, mỗi ngày phải cung cấp cho Tô Định, một cô gái tuổi từ 14 đến 18 để y hành lạc theo lối này.
Nguyễ Tam-Trinh nghiến răng :
– Chữ trinh của người con gái đáng giá ngàn vàng, thế mà tên Tô Định hàng ngày hại người. Không biết từ lúc sang Giao-chỉ tới giờ, nó đã hại bao nhiêu trinh nữ ô danh, thất tiết rồi ?
Khất đại phu tiếp :
– Pháp thứ nhất không phải ai có tiền, có quyền là làm được. Pháp thứ nhì, thì hầu như tất cả các cặp vợ chồng đều biết. Khi người đàn bà được vuốt ve, âm đ*o tiết ra một thứ nước trắng, gọi là âm dịch. Âm dịch là tinh hoa thận khí của người nữ. Người nam dùng miệng hút lấy. Đó là cách Thái âm bổ dương mà người con trai có vợ cũng phải biết. Cách này không làm hại sức khỏe người nữ, ngược lại còn làm cho vợ chồng chăn gối thêm đậm đà.
Trần Năng liếc nhìn chồng. Hùng Bảo nheo mắt tỏ vẻ đồng ý. Cử chỉ này không qua khỏi mắt Hồ Đề. Nàng nhìn Hùng Bảo chúm chím cười thầm như ngụ ý : "Ta đã biết chúng bay làm gì trong phòng kín rồi".
Khất đại phu nhìn Đào Kỳ, Phương Dung cười :
– Nhưng dù sao trai gái cũng cần phải biết tiết dục. Nếu người nữ được nam sủng ái quá độ ; áp dụng pháp thứ nhì nhiều quá, khiến cho Thận tinh người nữ bị hư hao. Mà thận thì chủ não, chủ tủy. Khi thận hư hao, không cung cấp đủ tinh khí cho não, người nữ sẽ bị mất trí nhớ, hoặc suy nghĩ thiếu linh hoạt. Thận hư hao thì không cung cấp đủ tinh khí cho xương, việc đi đứng sẽ chóng mệt mỏi. Cho nên cô gái mới về nhà chồng thường ngơ ngơ ngác ngác, ai hỏi gì cũng chỉ cúi đầu mỉm cười, chỉ vì cô dâu được chồng sủng ái quá mà ra.
Câu nói này làm mọi người nhìn Phương-Dung mỉm cười. Bởi, thường ngày nàng rất thông minh, lanh lợi, việc gì cũng nghĩ ra được. Thế mà mấy hôm nay nàng thường nói những câu lẩn thẩn. Nàng luôn ngơ ngơ ngác ngác, cúi đầu mỉm cười.
Trần Năng tính hay đùa nghịch, rất thân với Phương-Dung, đã vỗ lưng nàng nói :
– Sư thẩm khỏi mắc cỡ, cháu cũng qua đoạn cầu hạnh phúc cô dâu mới rồi mà. Này liệu sư thẩm còn sử dụng võ công được không ?
Mọi người cười ồ.
Đương thời, con người sống gần với thiên nhiên như trời mưa, trời nắng, không cần phải dấu diếm những gì trong đời sống lứa đôi.
Phương-Dung hỏi Khất đại phu :
– Lão bá còn pháp thứ ba là gì ?
Khất đại phu cười :
– Pháp này người đời ít ai chịu xử dụng. Đó là uống nước tiểu lẫn của nhau. Khác với pháp thứ nhất, thứ nhì, khi hành xử cả nam lẫn nữ đều được rung cảm mãnh liệt. Còn pháp thứ ba chỉ một người được hưởng mà thôi. Đó là người uống.
Trần Năng nhăn mặt :
– Sư phụ! Uống nước tiểu khai chết đi được, lại bẩn thỉu quá, ai mà dám uống.
Khất đại phu vỗ lên lưng đệ tử :
– Con bé ngạnh đầu này, quên hết lời dạy rồi sao ? Ta đã nói rằng : Đàn bà mới đẻ, khí huyết đều hư, cần uống nước tiểu con trai khi sáng mới thức . Hoặc uống nóng, hoặc chưng với nghệ mà uống, thì sức khỏe mau phục hồi là gì ? Bẩn ở chỗ nào ? Nhưng về phương thức Thái âm bổ dương, có đôi chút khác. Vợ chồng trong phòng the, đầu gối tay ấp, tình ý nồng nàn, gần như hai người là hai bát nước trộn lẫn vào nhau, thì còn biết gì là dơ, là bẩn nữa đâu ? Vợ chồng là hai thể âm dương đối nghịch. Uống nước tiểu của nhau là bồi bổ hỗ trợ lẫn cho nhau. Như đã nói, pháp này chỉ người uống cảm thấy rung động mà thôi. Nước tiểu còn ở trong người thì không khai, khi ra không khí mới khai. Vậy cần ghé miệng vào uống thẳng, đừng để nước tiểu ra không khí.
Nghe lời Khất đại phu giảng đám trai trẻ ngồi như sáng mắt ra. Họ cảm thấy như vừa tìm được một chân trời hạnh phúc mới.
Khất đại phu tiếp :
– Pháp thứ tư trai gái thường áp dụng. Đó là trai hút tinh của gái và gái hút tinh của trai. Gái hút tinh của trai bất cứ lúc nào cũng được. Còn trai hút kinh của gái, chỉ nên áp dụng vào ngày cuối cùng của kinh kỳ. Ngày đó tinh huyết mới thực đầy đủ.
Hồ Đề tính ồn ào, không câu nệ, xấu hổ, nàng liếc nhìn Trần năng, Hùng Bảo, Phương-Dung, Đào Kỳ như dò xét xem mấy người này có áp dụng pháp thứ tư không. Thấy Trần Năng thản nhiên như thường, Hồ Đề đoán rằng cặp vợ chồng này có áp dụng. Còn Phương-Dung ngơ ngác nhìn chồng. Hồ Đề biết ngay cặp này chưa áp dụng qua.
Mai Đạt lại hỏi :
– Thưa lão bá còn pháp thứ năm.
Khấ đại phu cười nhìn Đào Kỳ :
– Đào tiểu hữu, pháp này ngươi đã thấy qua khi thám thính phủ Thái-thú. Hồi ngươi đương bệnh ở nhà ta, ngươi có kể cho ta nghe một lần. Có đúng thế không ?
Đào Kỳ gật đầu :
– Trước hôm cứu Ngũ-kiếm, cháu và Phương-Dung vào thám thính phủ Thái-thú thấy Tô Định áp dụng với Ngũ-kiếm. Nhưng hồi đó, cháu không hiểu rõ nguyên lý này.
Trần Đại Sinh cười :
– Có gì mà không hiểu ? Đây là lối hưởng thụ của giới giàu có, quan lại. Họ nuôi nhiều thanh nữ trẻ đẹp, cho ăn uống toàn thức bổ dương. Họ dùng nước hay rượu đổ vào âm hộ thanh nữ, rồi ghé miệng vào mà uống. Đây mới đúng là Thái âm bổ dương. Họ làm như vậy sẽ giữ được sức khỏe lâu bền, sống lâu, trường thọ.
Mai Đạt như bừng tỉnh giấc mơ :
– Cháu nghe Hoàng Đức-Phi, Tô Định dùng phương thức Thái âm bổ dương cho rằng hắn đã bày đặt ra, không ngờ lại có nguồn gốc y khoa như thế. Dường như tất cả Ngũ pháp của Tô Định chỉ áp dụng với một mình Sài Phố mà thôi. Bây giờ đến độ mỗi ngày không được y thị đái vào miệng, Tô Định khổ sở vô cùng. Trong khi Tô Định lo mãi mê trong phòng the với vợ Đức-Phi, y đã mang quân đi bắt các trang, các động nộp ngà voi, ngọc trai, gỗ quế, cùng vơ vét vàng bạc. Y muốn làm gì thì làm, Tô Định cũng phải im miệng.
Ghi chú,
Ngũ pháp trường xuân bổ dương, xin đọc Giảng-huấn tình dục bằng y học Trung-quốc của Trần Đại-Sỹ, do Thuvienvietnam. com, California, USA xb. 2002)
Trưng Nhị nhìn ra xa suy nghĩ rồi nói :
– Bây giờ chúng ta làm thế nào để Nghiêm Sơn giết tên Hoàng Đức-Phi này đi, để trừ hại cho dân, rồi đưa người của mình vào làm Huyện-úy. Việc này phải nhờ tới Vĩnh-Hoa mới xong.
Phùng Vĩnh Hoa nhìn Đào Kỳ :
– Đào tam đệ ! Ngoài ngươi ra không ai làm được. Phu nhân Lĩnh-Nam công cưng chiều em, em nói gì bà cũng nghe. Trong khi bà nói gì Nghiêm công cũng nghe. Ta bày một kế thế này : Tất cả chúng ta lên đường về Bắc, chỉ để em với Phương-Dung đi ngược trở lại hướng Cửu-chân, thế nào cũng gặp Nghiêm công đi trở ra. Em kể cho Nghiêm công về vụ thuyền gặp bão, chúng ta ghé vào trang Thiên-bản, nhất nhất thuật lại đúng sự thật, sau đó, em thêm vào đoạn : Em thấy Đức Hiệp đến hội họp với Hoàng Đức-Phi, chúng dự trù đánh thuốc độc, hại Nghiêm đại ca. Vì vậy em phải trở lại báo để cho Nghiêm đề phòng. Nghiêm là người can đảm, tất sẽ cùng em đến thanh sát huyện Lục-hải. Đức-Phi nghe Nghiêm tới, tất phải ra đón tiếp, đãi đằng. Trong lúc đó em tìm cách bỏ thuốc độc vào trong thức ăn của Nghiêm. Giữa lúc Nghiêm trúng độc, ngã lăn ra, em với Phương-Dung xuất hiện cứu Nghiêm ra. Trong khi đó bỏ thư này vào đầu giướng hay án thư làm việc của Đức-Phi. Em nhờ Trần Năng cứu tỉnh Nghiêm, trong khi Phương-Dung dùng lời khích Nghiêm giết Đức-Phi.
Hồ Đề dơ tay trái phát biểu ý kiến :
– Vậy phải để Trần Năng, Hùng Báo và em ở lại.
Nghe Hồ Đề nói, mặt Khất đại phu tươi lên nhìn Nguyễn Trát, Nam-hải nữ hiệp và Nguyễn Tam-Trinh. Ba người hội ý với nhau, cùng nghĩ : Bàn về việc khởi nghĩa, phục quốc, giới già không đủ linh mẫn làm việc cần phải có người trẻ đứng ra. Ông và ba người trên đường đi, bàn tính rằng, đám trẻ mà họ gặp, lòng dạ hăng say, võ công cao, kiến thức quảng bác, nhưng chúng quá phức tạp. Ai sẽ là người cầm đầu đây ? Họ ngại nhất là những cái đầu thông minh của Phương-Dung, Trần Năng, Hồ Đề, Trưng Nhị, không ai chịu phục ai. Nhưng những biến cố vừa qua cho họ thấy Phương-Dung, Hồ Đề, Trần Năng hòan toàn phục tùng Trưng Nhị, coi Trưng Nhị như người lãnh đạo. Đáng lẽ ông là người địa vị cao nhất rồi tới Nam-hải nữ hiệp, mà Hồ Đề không xin phép, mà lại xin phép Trưng Nhị, điều này tỏ rõ, họ đã phục tùng Trưng Nhị. Ông nhìn ba vị kia, cùng nhau tỏ rõ niềm vui.
Trưng Nhị mỉm cười :
– Được, chị đồng ý, nhưng tất cả kế hoạch phải do Phương-Dung. Chứ em nóng tính, lại nghịch ngợm quá, sợ hư việc.
Hồ Đề nhìn Phương-Dung :
– Chị yên tâm. Em thương Phương-Dung lắm, chả vậy sao lần đầu vừa gặp Dung, em đã tặng ngựa Ô, rồi em còn bắt Đào tam đệ tuyệt đối phục tùng Dung đó sao ?
Trang Thiên-bản rất nhiều ngựa, đủ cung cấp cho mọi người lên đường về Bắc. Còn bọn Đào Kỳ lên đường xuôi về Nam.
Đào Kỳ đi ngược trở lại con đường 7 năm trước chàng cùng đi với Nghiêm và Thiều-Hoa. Có điều ngày đó, chàng đi mà trong lòng nhớ nhung cha mẹ, với nỗi buồn nhà tan, cửa nát, thân thế trôi nỗi không biết sẽ về đâu. Còn hôm nay bên cạnh người vợ xinh đẹp, thông minh còn có Hồ Đề hào sảng, Trần Năng nghịch ngợm và Hùng Bảo thâm trầm như một người lớn tuổi.
Năm người đều ngang tuổi nhau, võ công cao, kinh nghiệm đời nhiều, họ ruổi ngựa, vừa đi, vừa nói chuyện, coi trời đất không ra gì nữa.
Hùng Bảo luôn đề nghị đi vào thôn xóm mua sắm lương thực. Còn Hồ Đề sống với thiên nhiên đã quen, nàng đề nghị bắn chim, săn thú, ăn ngủ ngoài trời. Phương Dung không biết nghe ai, đành xin biểu quyết. Hùng Bảo bị thiểu số.
Tối hôm đó họ dừng lại giữa khu rừng, bên cạnh có suối chảy trong veo.
Hồ Đề chỉ suối nói :
– Ta nghe Đào tam đệ là con rái cá vùng Cửu chân, bắt cá giỏi lắm, vậy Tam đệ ra suối bắt cá. Phương Dung với ta đi săn thú. Nhìn qua cũng biết vùng này có nhiều nai hoẵng. Chúng ta đi săn thú đây.
Đào Kỳ vẫy Trần Năng, Hùng Bảo ra suối. Chàng lấy kiếm chặt một cây trúc nhỏ, vót nhọn đầu, rồi ra đứng hòn đá cạnh suối. Nhìn từng đàn cá tung tăng bơi lội dưới suối, chàng phóng cành trúc xuống. Cứ mỗi cái phóng là chàng được một con. Chỉ chốc lát, chàng xiên được gần hai chục con cá.
Chàng bảo Trần Năng :
– Phu nhân lấy ít đất sét lên đây, tôi dạy cách nướng cá.
Trần Năng bốc lên một tảng đất sét lớn. Đào Kỳ nói :
– Cá ở suối không tanh như cá ở sông, cá biển, cá ao. Nhưng cá ở dưới suối thường có nhiều chất độc. Muốn khỏi trúng độc, khi nướng cá phải để nguyên cả bộ đồ lòng không được móc ra.
Trần Năng gật đầu :
– Sư phụ cháu có dạy : Con cá chống được chất độc nhờ bộ lòng của nó. Bởi vậy, những loại cá ở vùng có chất độc, khi ăn không nên bỏ bộ lòng đi.
Đào Kỳ gật đầu :
– Ta lấy đất sét bọc phía ngoài cá rồi nướng. Đất sét khô sẽ hút hết chất độc ra, mùi tanh của cá cũng mất... Chứ nướng hun khói tuy đẹp mắt thật, nhưng ăn vào tanh lắm.
Ba người lấy đất sét bọc cá, để lên dàn củi khô mà đốt. Khói bốc lên tỏa ra giữa rừng xanh âm u, thơ mộng như trong cảnh tiên.
Ba người đang nướng cá thì HỒ Đề, Phương Dung trở về mang theo một con nai nhỏ. Hồ Đề lấy kiếm cùng Phương Dung lột da nai, moi bộ lòng mang xuống suối rửa sạch. Nàng lấy dây leo buộc bốn góc tấm da nai vào một cái khuôn hình vuông, làm bốn cái chân, thế là đã có một cài nồi bằng da. Hồ Đề chặt lấy hai cái đùi xuyên qua hai khúc cây đem nướng. Phần còn lại, nàng chặt nhỏ, cho vào nồi da chất củi đun.
Hùng Bảo, Trần Năng là công tử, tiểu thư từ nhỏ, những kinh nghiệm về cuộc sống thiên nhiên gần như không biết gì. Bây giờ thấy Hồ Đề làm thịt nai, chế nồi nấu giữa rừng, mới thấy Hồ Đề có lý khi đòi ăn ngoài trời. Sống giữa trời, con người tự tạo lấy phương tiện, Hùng Bảo cảm thấy thích thú hơn ăn cơm quán nhiều.
Hồ Đề chỉ vào một bụi cây đầy dây leo :
– Đây là dây Sàn bát . Loại rau này ăn vào vừa mát, vừa dễ ngủ. Chúng ta hái một ít cho vào nồi da nấu, sẽ có một bữa canh ngon.
Phương-Dung mỉm cười :
– Bây giờ em mới hiểu câu nồi da nấu thịt là thế nào. Cũng như người Hán họ dùng người Việt để giết người Việt vậy.
Đào Kỳ mang cá nướng mời mọi người ăn. Trần Năng cầm con cá nướng lên thấy khô như thịt gà, ăn vào vừa thơm, vừa bùi, có lẫn cả mùi khét của lửa nướng.
Ăn xong, họ lăn ra bải cỏ, ngủ giữa thiên nhiên. Họ ngủ mãi tới khi gần hoàng hôn mới giật mình thức giấc vì tiếng vó ngựa phi dồn dập. Đào Kỳ có nội công thâm sâu nhất, chàng ghé tai xuống đất nghe rồi đếm :
– Đi trước là hai con, một con bị thương ở chân. Dường như đây là hai người bị đuổi. Đi sau là bốn con ngựa nữa, dường như là của những người đuổi theo.
Vì đã ước hẹn trước, Hồ Đề đưa mắt hỏi ý kiến Phương-Dung. Phương-Dung nói :
– Hùng Bảo mau đem ngựa dấu trong rừng, đừng để người đi đường trông thấy. Chị Hồ Đề núp bên đường, chuẩn bị dây sẵn, nếu em ra hiệu thì tung dây bắt địch. Trần Năng, Hùng Bảo núp một bên, hễ thấy tôi ra hiệu thì xuất hiện.
Nàng vẫy Đào Kỳ cùng núp vào bên đường chờ đợi.
Phía trước có hai con ngựa chạy tới, quả nhiên có một con bị thương, bước phi không đều. Trên lưng ngựa, một nam, một nữ đang ra roi rất gấp. Phía xa xa có bốn kỵ mã đang đuổi theo.
Đang chạy ngon trớn, bỗng con ngựa của cô gái khụy chân xuống hất bổng nàng lên. Thiếu nữ vội nhún mình vọt khỏi lưng ngựa, rồi từ từ đáp xuống đất. Người nam dừng cương lại hỏi :
– Chị Lan sao vậy ?
Thiếu nữ nhăn nhó :
– Con ngựa của chị bị thương, chắc mệt quá nên trật chân. Thôi em chạy trước đi. Cố gắng chạy đến Trường-yên báo cho Cao-cảnh hầu biết. Chị quyết ở lại đây sống chết với bốn tên giặc non này.
Thanh niên tỏ ra cương quyết :
– Không ! Chết cùng chết cả. Chị em ta không thể kẻ sống, người chết được.
Rồi thiếu niên cột ngựa vào gốc cây, cùng chị đứng hiên ngang chờ đợi kẻ thù. Chỉ một lát, bốn kỵ mã cũng tới. Phương-Dung bấm Đào Kỳ :
– Lại thầy trò Huyện-úy Hoàng Đức-Phi đây !
Bốn người thấy đôi trai gái dừng ngựa, đứng giữa đường, vội cùng nhau bao vây. Hoàng Đức-Phi cười híp hai mắt ti hí :
– Lê Thị Lan, Lê Anh Tuấn, hai đứa mày không thóat khỏi tay ta đâu. Mau chịu trói, ta hứa sẽ xử nhẹ tay cho bọn ngươi.
Thiếu nữ tên Lê Thị Lan cười ngạo nghễ :
– Hoàng Đức-Phi, ta hỏi ngươi, ngươi dựa vào đâu mà đòi xét xử ta? Ta là con cháu vua Hùng, vua An-Dương. Chỉ những người của đất Lĩnh-nam mới có quyền xét xử ta mà thôi. Còn ngươi, thân làm tôi tớ cho người Hán, đòi xét xử ta, thì thật là ngu. Hôm nay, chị em ta bị trúng độc của cha con ngươi, chỉ còn có con đường tử chiến mà thôi.
Hoàng Bá-Hiển nhảy xuống ngựa, vung chưởng đánh tới. Thiếu nữ cười, phát chưởng chống lại. Đào Kỳ nói nhỏ :
– Võ công của nàng là võ công Tản-viên đấy.
Bá-Hiển lùi lại, nói :
– Lê Thị Lan, ngươi đã trúng độc còn vận sức phóng chưởng chỉ mau uổng mạng mà thôi.
Vừa nói, y vừa tấn công liên tiếp. Đào Kỳ cũng thấy võ công của thiếu nữ, cao hơn võ công của đám thầy trò Hoàng Đức-Phi nhiều. Nhưng nàng đã bị thương không thể chống lại nổi.
Phía bên kia, Hoàng Phi-Long, Hoàng Vĩnh-Liên cũng đang ráo riết tấn công thiếu niên. Thiếu niên bình tĩnh chống trả. Vì chàng cũng bị trúng độc, nên quyền pháp hơi rối loạn.
Giữa lúc đó, một đoàn kỵ mã từ phía Nam đi tới. Dẫn trước là một Ngũ-kỵ binh. Năm kỵ mã thấy có đám đánh nhau vội ngừng lại coi, mặt họ lãnh đạm như nhìn một cảnh thiên nhiên.
Thiếu nữ chống trả được mấy chiêu nữa thì loạng choạng ngã xuống. Bá-Hiển dùng dây trói nàng lại. Bên kia thanh niên tên Lê Anh-Tuấn cũng bị bắt trói.
Tên Kỵ-binh Hán quát :
– Các người tránh ra mau, để cho Bình-Nam đại tướng quân đi.
Anh em họ Hoàng ỷ mình có võ công cao, lại là đệ tử của Huyện-úy, không coi mấy tên kỵ binh Hán vào đâu, chúng lờ đi như không nghe thấy, cứ tiếp tục trói chị em Lê Thị Lan.
Tên Ngũ-trưởng quát lớn :
– Các người có nghe không ? Tránh đường mau !
Quát rồi, y vung roi ngựa quất vào đầu Hoàng Đức-Phi đến bộp một cái, máu chảy ròng ròng. Bá-Hiển thấy sư phụ bị đòn, vội phóng chưởng vào đầu ngựa tên Ngũ-trưởng đến bình một cái. Con ngựa đau quá nhảy dựng lên, hất tên Ngũ-trưởng xuống đất. Bốn tên kỵ binh thấy đồng đội bị đánh, cùng xông vào rút đao hỗn chiến.
Bọn Đức-Phi không coi đám kỵ binh vào đâu, cùng phát chưởng đánh lại. Vừa khi đó một toán kỵ mã nữa tới, gồm tất cả bốn người. Phương-Dung đẩy khẽ Đào Kỳ :
– Nghiêm đại ca, Hoàng sư tỷ, đại ca Nghi-Sơn, đại sư ca Trần Dương-Đức.
Bốn người dừng ngựa đứng nhìn đám Đức-Phi đánh nhau với đám kỵ binh. Họ nhận ra võ công của ba thiếu niên là võ công Cửu-chân. Nghi-Sơn quát lớn :
– Ngừng tay !
Bọn kỵ binh ngừng tay, lùi lại. Đám đệ tử Đức-Phi cũng lùi lại. Nghi Sơn tiến lên trước, hỏi :
– Chẳng hay các vị huynh đệ đây cao danh quý tính là gì ? Tôn sư là ai ? Có thể cho biết được chăng ?
Đức-Phi thấy một người dáng điệu uy vũ, đi cạnh một thiếu nữ đẹp tuyệt trần lưng đeo bảo kiếm. Phía trưốc hai thiếu niên tướng mạo anh tuấn, lời lẽ khách khí, bèn tiến lên nói :
– Ta là Huyện-úy Lục-hải, còn đây là ba đệ tử của ta : Bá-Hiển, Vĩnh-Liên, Phi-Long đều là quan chức. Hôm nay chúng ta đuổi theo bắt hai tên phi tặc, không ngờ gặp bọn kỵ binh hỗn láo gây sự. Chẳng hay các vị là ai ? Hãy thông danh tính cho ta biết ?
Nghi-Sơn liếc nhìn Nghiêm Sơn một cái. Nghiêm Sơn gật đầu tỏ ý bằng lòng. Nghi-Sơn chỉ vào Trần Dương-Đức :
– Đây là đại sư ca của tôi, họ Trần. Kia là sư tỷ của tôi, họ Hoàng. Và kia là muội phu họ Nghiêm, còn tôi họ Đào. Chúng tôi đều từ Cửu-chân ra đây. Chẳng hay hai người này mắc tội gì mà đại nhân bắt họ ?
Đức-Phi nhìn Nghi-Sơn với vẻ nghi ngờ :
– Chúng là bọn trộm cắp, ta bắt về trị tội.
Lê Thị Lan quát lên :
– Đồ khốn kiếp ! Chị em ta đi vào chợ Lục-hải ăn cơm, thì thằng đệ tử mất dạy của mi trổ mòi trêu ghẹo, rồi muốn cướp ngựa của em ta. Nó bị chúng ta tát một cái phải bỏ chạy. Không ngờ nó kêu chủ quán bỏ độc vào thức ăn, chị em ta ăn vào bị say thuốc, đành lên ngựa bỏ chạy. Mi kéo cả nhà đuổi theo. Nếu ta không bị trúng độc, cả bọn thầy trò mi cũng mất mạng.
Thiều-Hoa nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu. Nàng quên mất Nghi-Sơn giới thiệu nàng là một người đi đường. Nàng dùng ngôn ngữ của một phu nhân quyền quý :
– Hoàng Huyện-úy, ngươi thực không phải. Ngươi là Huyện-úy, giữ binh quyền trong huyện để trừ đạo tặc, ngươi đã không biết dạy đệ tử, để đệ tử làm càn, đó là một tội. Khi biết chúng làm càn, ngươi không trách phạt là hai tội. Không trách phạt thì chớ, ngươi lại cùng các đệ tử cướp của, bắt người, thế là ba tội. Theo quân luật ngươi có biết sẽ bị tội gì không ?
Thiều-Hoa đã đẹp, tiếng nói lại khoan thai, buông lời trách cứ Đức-Phi. Y liếc nhìn nàng nghĩ :
– Con bé này ở đâu mà đẹp thế này ? Phải chi ta bắt được đem về ôm ấp một đêm, dù có chết cũng không oán trách.
Bá-Hiển nghe thấy Thiều-Hoa mắng sư phụ, y tiến lên rút kiếm đâm liền. Thiều-Hoa biết chiêu đó là Loa thành nguyệt chiếu rất nguy hiểm của phái Cửu-chân. Nàng không đỡ chỉ đạp chân vào yên ngựa, vọt người lên cao. Còn lơ lửng trên không, nàng đã phóng xuống một chưởng. Vì giận dữ, nàng đã vận đủ mười thành công lực. Nàng mặc bộ quần áo vàng, cổ choàng khăn đỏ, trông phiêu phiêu, hốt hốt như một vị tiên. Chưởng phong chụp xuống. Bá-Hiển thấy nàng xử dụng võ công phái Cửu chân thì giật mình, vội thu kiếm về lăn đi một vòng mới thoát chết.
Thiều-Hoa quát lớn :
– Ban nãy sư huynh ta hỏi ngươi, sư thừa là ai, vì nghĩ ngươi là chỗ đồng môn. Ngươi không trả lời, còn vô lễ sư phụ của ngươi họ Đào phải không ?
Trong lòng Thiều-Hoa nghĩ rằng anh em họ Hoàng là con Huyện-úy thì có thể là đệ tử của sư thúc Đào Thế-Hùng chăng nên nàng mới hỏi rõ.
Hoàng Bá-Hiển cười nhạt :
– Ta chẳng biết tên họ Đào, họ cởi gì hết.
Vừa nói, y vừa vung chưởng đánh tới. Dù sao Thiều-Hoa cũng là tam đệ tử của Đào Thế-Kiệt. Võ công nàng có kém, là kém so với Đào Kỳ, với sư huynh nàng mà thôi. Còn đối với bọn này, nàng có coi ra gì. Tay trái nàng sử dụng một thức cầm nã bắt lấy tay Bá-Hiển. Tay phải nàng tát vào mặt hắn hai cái thật mạnh. Thuận chân nàng đá hắn một cước, khiến hắn bay vào bụi cây gần đó.
Bị đòn đau, Bá-Hiển vọt dậy đã thấy Vĩnh-Liên, Phi-Long đang vây Thiều-Hoa vào giữa. y cũng nhảy vào vòng chiến.
Vì thấy anh em họ Hoàng xử dụng võ công Cửu-chân, Thiều-Hoa có ý nhân nhượng đôi chút. Nay thấy ba người xúm vào vây đánh mình, nàng thầm tức giận ; nghĩ :
– Đệ tử Cửu-chân dù ở cấp nào chăng nữa, hể thấy người đồng môn, thì phải khai sư thừa và thân ái với nhau. Thế mà ta đã hai lần hỏi sư phụ chúng là ai, chúng cũng không trả lời, vậy ta cứ thẳng tay, dù sư phụ chúng là ai cũng không trách ta được.
Nghĩ thế, nàng đánh liền ba quyền. Binh, binh, binh. Ba đệ tử của Đức-Phi bị đánh bật ra ngoài, ngã lăn lông lốc. Chúng liền bò dậy dùng kiếm tấn công Thiều-Hoa bằng những chiêu cực kỳ tàn bạo. Thiều-Hoa không rút kiếm trả đòn. Nàng xen lẫn vào giữa ba anh em họ Hoàng, thỉnh thoảng lại tát cho mỗi tên một cái.
Liếc thấy Đức-Phi đang đứng nhìn các con vây nàng, Thiều-Hoa phát bực mình. Nàng đẩy một chưởng thật mạnh về phía Bá-Hiển làm y muốn ngộp thở, bèn nhảy lùi lại. Nàng nhảy vèo đến túm cổ Đức-Phi trên ngựa làm vũ khí, đưa ra đỡ kiếm của ba đệ tử. Anh em họ Hoàng hoảng sợ, lùi lại, chống kiếm ngơ ngác nhìn nhau. Thiều-Hoa tát vào mặt Đức-Phi một cái mắng :
– Bọn đệ tử mất dạy, ta đánh sư phụ.
Rồi nàng quẳng Đức-Phi xuống đất, dẫm chân lên ngực y, nói :
– Ba đứa bây mau quỳ xuống, lạy ta đủ mười lần, ta tha cho tên này. Bằng không ta sẽ nhả kình lực, xương ngực hắn sẽ gãy nát liền.
Ba đệ tử của Đức-Phi đứng nhìn nhau, ngần ngại. Vì đánh, cả ba không phải là đối thủ của người đàn bà đẹp này, còn quỳ xuống lạy thì nhục nhã quá.
Đức-Phi sợ quá, lắp bắp :
– Các ngươi mau lạy đi ! Lạy đi !
Ba tên vội cúi đầu lạy Thiều-Hoa đủ mười lạy.
Thiều-Hoa hỏi :
– Về phần bọn mi, ta miễn cho khỏi bị đòn. Bây giờ ta hỏi câu nào, bọn mi phải trả lời câu đó. Thứ nhất sư phụ mi là ai ?
– Sư phụ chúng tôi là Hoàng Đức-Phi. Võ công của chúng tôi không do sư phụ trực tiếp dạy, mà do đại sư huynh Trịnh Quang, nhị sư tỷ Hoàng Thị Huệ truyền thụ.
Thiều-Hoa, Nghi-Sơn, Dương-Đức, cùng ồ lên một tiếng ngạc nhiên. Thiều-Hoa hỏi tiếp :
– Khi dạy võ công cho mi, đại sư huynh có nói rằng thuộc môn phái nào không ? Sư phụ của y là ai ?
Hoàng Bá-Hiển đáp :
– Sư huynh nói võ công này do sư phụ truyền cho.
Thiều-Hoa nghiêm mặt :
– Mấy đứa chúng bây thực ngu hết chỗ nói. Tên mặt mo Hoàng Đức-Phi chỉ là một cái bị thịt, một miếng võ mèo cào cũng không biết, không lẽ bọn mi không nhìn ra ? y đã không biết võ làm sao truyền cho tên Trịnh Quang ?
Bá-Hiển đáp :
– Tôi chưa thấy sư phụ giao chiến với ai bao giờ làm sao biết bản lĩnh của người ?
Thiều-Hoa biết bọn chúng nói thật, nàng thầm nghĩ :
– Tên Trịnh Quang thật đốn mạt, đi nhận giặc làm thầy.
Nàng thu chân lại, đá Đức-Phi một cái bay ra xa, rồi tiến đến cởi trói cho chị em Lê Thị Lan. Bọn thầy trò Đức-Phi vội lên ngựa phóng mất. Thiều Hoa chợt nhớ ra điều gì, vội hỏi Lê Thị Lan :
– Hồi nãy chị thấy em sử dụng võ công Tản-viên, vậy em là đệ tử của cao nhân nào ?
Lê Thị Lan cảm động nói :
– Em cám ơn chị đã cứu mạng. Sư phụ em họ Nguyễn, húy Thành-Công.
Nghiêm Sơn bật lên tiếng kêu :
– Úi chà !
Nguyên Nguyễn Thành-Công là sư phụ của Phong-châu song quái, sư thúc của Đặng Thi-Sách, Trưng Trắc, Trưng Nhị, danh vang thiên hạ về võ công cũng như đạo đức.
Lê Thị Lan hỏi :
– Dường như chị là đệ tam đệ tử của Đào chưởng môn phái Cửu-chân thì phải. Hèn chi võ công trác tuyệt, tính tình nghĩa hiệp hào sảng.
Thiều-Hoa ngạc nhiên :
– Tại sao em đoán được là chị ?
Lê Thị Lan cười :
– Sư phụ em thường nói rằng chưởng môn phái Cửu-chân là Đào Thế-Kiệt, một trong những hào kiệt đạo đức đương thời. Người có ba con trai : Nghi-Sơn, Biện-Sơn và Kỳ. Ba đệ tử là Dương-Đức, Trịnh Quang và Thiều-Hoa, sau này còn thu thêm Tường-Loan nữa. Thiều-Hoa đẹp như một tiên nữ. Ban nãy thấy chị sử dụng võ công Cửu-chân, lại đẹp như tiên, gì mà em không đoán ra ?
Nghi-Sơn hỏi Lan :
– Dường như cô nương bị trúng độc, đó là độc chất gì vậy ?
Lê Anh Tuấn nói :
– Chị em tôi bị trúng thuốc mê, nhờ công lực cũng không đến nỗi tệ, nên không bị ngã. Bây giờ, chất độc đã ra rồi, không sao cả.
Trần Dương-Đức hỏi :
– Chẳng hay chị em cô đi đâu vậy ?
Lê Anh Tuấn đáp :
– Sư phụ sai chúng tôi vào Cửu-chân tìm người con thứ ba của Đào hầu là Đào Kỳ có chuyện khẩn cấp. Không ngờ qua đây thì bị nạn.
Thiều-Hoa đỡ Lê Thị Lan dậy :
– Nếu vậy, em phải trở về thôi. Tiểu sư đệ của tôi đã về Bắc gần mười lăm ngày rồi. Hiện giờ y ở nhà nhạc phụ tại Cối-giang tức là chưởng môn phái Long-biên.
Nghiêm Sơn xen vào :
– Thôi chúng ta trở lại Lục-hải kiếm gì ăn chiều. Mai hãy ra Bắc.
Thiều-Hoa mời Lê Thị Lan cùng cỡi một ngựa. Cả đoàn lại tiếp tục lên đường.
Bốn người, thêm chị em Lê Thị Lan thành sáu, cỡi ngựa ruổi bước về Lục-hải. Tới nơi, trời đã hoàng hôn. Sáu người tới huyện đường.
Lính gác thấy sáu người có kị binh theo hầu, đoán biết là quan nha, vội tiến ra cung kính hỏi :
– Các vị từ đâu tới ? Có việc gì ?
Tên Ngũ-trưởng kị binh theo hầu móc lệnh bài ra, nói :
– Ngươi vào báo Huyện-lệnh, có Lĩnh-Nam công giá lâm.
Tên lính gác cửa thấy vị tướng là người chỉ huy tối cao của mình, vội khúm núm hành lễ rồi đánh ba tiếng cồng. Một tên ngũ trưởng từ trong chạy ra. Tên canh cổng nói mấy tiếng. Tên ngũ trưởng vội chạy vào. Một lát, Huyện-lệnh Phạm Thu-Tòng áo mão chỉnh tề bước ra, vái dài xuống đất :
– Quốc công giá lâm tệ huyện, tiểu nhân không biết trước nghênh đón, thực có tội.
Nghiêm Sơn chỉ Trần Dương-Đức và Nghi-Sơn, nói :
– Đây là hai vị tân huyện úy Ngọc-đường và Nghi-sơn.
Chàng chỉ Thiều-Hoa :
– Còn đây là phu nhân của tôi.
Rồi chàng chih chị em Lê Thị Lan :
– Đây là hai người bạn của chúng tôi.
Huyện-lệnh vội mời tất cả vào huyện đường, thét pha trà, làm tiệc thết đãi.
Nguyên Nghiêm Sơn lĩnh tước Lĩnh-Nam công lại là nghĩa đệ của đương kim hoàng đế nhà Hán, chàng được cử sang Lĩnh-Nam với toàn quyền về tổ chức, quân sự, đối với quan lại các cấp, chàng được quyền tiền trảm hậu tấu. Chàng lại là người anh minh hiệp nghĩa, võ công cao cường, nhất là chàng không tham nhũng, quan lại các cấp nghe đến tên chàng đều run sợ, kính trọng. Huyện-lệnh Lục-hải là người Hán, nhờ có học, được cử sang Giao-chỉ làm lại, rồi được cất nhắc lên đến Huyện-lệnh. Lục-hải được coi là bờ xôi, giếng mật, dân cư trù phú, trên rừng có gỗ quý, dưới biển có ngọc trai, quan lại nào được cử tới đây, coi như một đặc ân. Thu-Tòng cũng như các quan người Hán khác, sang Giao-chỉ với mục đích : Vàng bạc và gái. Về gái, y bị Hoàng Đức-Phi cho vào tròng với vợ y. Thu-Tòng nhiều khi muốn thoát ra, nhưng lại sợ Đức-Phi là tay chân của Tô Định, y lại có ba đệ tử võ công cao cường. Vì vậy, tuy là huyện lệnh, nhưng y sợ Đức-Phi như sợ cọp. Hôm nay, bất ngờ Lĩnh-Nam công tới thăm huyện đường, làm y có cảm tưởng một cái gì không may sẽ xảy đến. Nghiêm Sơn lại giới thiệu hai huyện úy trẻ với y. Trước đây mấy hôm, y được ngựa lưu tinh báo rằng Huyện-úy Ngọc-đường Phùng Chính-Hòa làm phản, bị Nghiêm Sơn chặt đầu, tài sản bị tịch thu. Tiếp theo có lệnh truy nã Đô-sát Vũ Hỷ rất gấp, làm y càng lo ngại. Y lo ngại vì Hoàng Đức-Phi thường làm càn làm bậy quá đáng mà y không cản được.
Nhập tiệc một lúc, y gợi chuyện :
– Không hiểu Quốc-công giá lâm tệ huyện có điều chi dạy bảo ? Để tiểu nhân sai người đi gọi huyện úy tới đây trình diện đại nhân.
Nghiêm Sơn hỏi :
– Theo ý Huyện-lệnh, Hoàng Đức-Phi là người thế nào ?
Câu hỏi đột ngột làm Phạm Thu-Tòng không trả lời được. Nhưng thạo nghề làm quan, y đáp lệch đi :
– Tiểu nhân với Huyện-úy thường hội ý làm việc với nhau.
Nghiêm Sơn đâu lạ gì câu trả lời đó, chàng ngắt :
– Xin mời Lữ-trưởng Lục-hải tới gặp tôi trước đã.
Thu-Tòng xin phép ra ngoài. Lát sau, dẫn một quân nhân bước vào. Quân nhân hành lễ quân cách với Nghiêm :
– Lữ trưởng Lục-hải Trần Phúc tham kiến Quốc-công.
Nghiêm Sơn mời ngồi rồi hỏi :
– Lữ trưởng trấn ở đây được mấy năm rồi ?
– Tiểu nhân trấn nhậm ở đây đã được ba năm.
– Tình hình an ninh tại huyện ra sao ?
– Bẩm hoàn toàn tốt. Tuy không động đến binh, nhưng tiểu nhân vẫn thao luyện sĩ tốt, không dám xao lãng.
Người nhà Huyện-lệnh bưng trà, hoa quả tráng miệng vào. Phạm Thu-Tòng mời Nghiêm Sơn uống trà, ăn trái cây. Nghiêm Sơn uống chum trà thứ nhất xong, chàng thấy mùi vị hơi lạ, vội bưng chung thứ nhì lên ngửi. Thấy mùi hơi chua. Chàng hạ chung trà xuống, hỏi Huyện-lệnh :
– Trà này là trà gì ? Sao có mùi chua vậy ?
Huyện-lệnh cũng nghiệm thấy thế. Y cho rằng người nhà nấu nước bị ám khói, vội pha bình trà khác. Nhưng khi y vừa đứng lên, thì người lảo đảo ngã xuống. Nghiêm Sơn la lên :
– Trà có thuốc độc.
Trần Phước cũng lảo đảo ngã xuống. Chàng quay lại thấy vợ còn đứng vững trong khi Nghi-Sơn, Dương-Đức và chị em Lê Thị Lan đang nghiến răng cố chịu đựng. Chàng thấy người lảo đảo, muốn vung tay phát lực mà không được
Chợt cánh cửa bật mở, thầy trò Đức-Phi cùng ùa vào, cười ha hả :
– Nghiêm Sơn hỡi Nghiêm Sơn ! Thế là mày đã lọt vào tay tao rồi. Đố mày chạy thoát đấy.
Nghiêm Sơn nghiến răng vận sức vào tay, phóng một chưởng đánh vào đầu Hoàng Đức-Phi để tự cứu mình. Bá-Hiển thấy chưởng mãnh liệt khủng khiếp, vội lạng mình vung chưởng đỡ. Bùng một tiếng, người y bị bật văng vào cột nhà. Cột nhà gãy rắc một cái, y nằm im, không động đậy. Đức-Phi nhảy đến đỡ y dậy, nhưng toàn bộ xương ngực Bá-Hiển đã bẹp dúm, đầu vỡ làm hai, chết liền tức khắc. Đức-Phi kinh hãi vì chưởng lực của Nghiêm Sơn.
Trước đây nghe nói Nghiêm Sơn võ công kinh người, nhưng với bản tính lưu manh, biết vài ba miếng võ tạp nhạp, y không thể ngờ trên đời, võ học có thể đạt tới trình độ như y thấy hôm nay. Y hoảng hồn đứng chết trân. Cả mấy thầy trò y cùng kinh hồn động phách. Tiến lên thì không dám, lùi lại cũng không xong.
Bỗng Nghiêm Sơn, Thiều-Hoa cùng lảo đảo, ngã ngồi xuống ghế. Hoàng Phi-Long biết thuốc đã ngấm, rút kiếm tiến lên nói :
– Sư phụ ! Giết chúng hay bắt sống ?
Đức Phi đã tỉnh lại. Y lắp bắp nói :
– Hãy trói chúng lại đã.
Vĩnh-Liên, Phi-Long dùng giây trói Nghiêm Sơn, Thiều-Hoa và mọi người lại. Đến lượt Huyện-lệnh và Trần Phúc thì Đức-Phi bảo đệ tử :
– Đừng trói chúng. Hãy đem nước lạnh vào dội lên đầu để cứu tỉnh chúng đã.
Vĩnh-Liên chạy ra ngoài lấy nước lạnh vào dội lên đầu hai người. Hai người tuy trúng độc ngã xuống, chân tay không cử động được, nhưng đầu óc còn nhận biết được mọi việc. Khi chân tay còn cử động được, Huyện-lệnh quát lên :
– Hoàng Huyện-úy ! Ngươi mau cởi trói cho Lĩnh-Nam công. Nếu chậm trễ khó tránh khỏi sát thân cả ba họ.
Trần Phước rút kiếm của Đào Nghi-Sơn, đứng trước Nghiêm Sơn, nói :
– Phụ tử chi binh. Họ Trần này trọn đời trong quân ngũ chưa từng thấy một tướng soái nào anh minh hiệp nghĩa, coi binh lính như ruột thịt bằng Nghiêm công. Nếu cha con ngươi muốn giết người, phải giết ta trước đã. Các ngươi có giỏi hãy tiến lên đi.
Đức-Phi là tên du thủ du thực, cả đời sống bằng những lời lưu manh, lừa đảo người, y vẫy hai con lùi lại, cười ha hả :
– Phạm Huyện-lệnh, Trần lữ trưởng ! Các người cứu Nghiêm Sơn, liệu lát nữa y tỉnh dậy, có tha cho các người không ? Y bất thình lình tới đây với những người có võ công cao như thế này là có lý do của y. Y đã được phúc bẩm rằng các ngươi thu được nhiều ngọc ngà châu báu, nên muốn đến đây để xử trí các ngươi về tội tham nhũng, các ngươi có biết không ? Chứ nếu chỉ đi duyệt xét binh tình y đã cho ta biết trước rồi...
Ngừng một lát, y tiếp :
– Lượng tiểu phi quân tử, vô độc bất trượng phu. Phạm huyện lệnh, Trần lữ trưởng chi bằng ta giết hết những tên đàn ông thối tha này, quẳng xác vào rừng cho thú ăn thịt vô tang. Sau đó chúng ta mật bẩm về Tô thái thú, ngài sẽ trọng thưởng chúng ta. Tôi cam đoan việc này tốt đẹp. Hôm qua Tô thái thú cho người phi ngựa tới bảo vợ tôi ra Luy-lâu hầu ngài ngay. Tôi biết vợ tôi nó thạo nghề phòng the lắm. Tô thái thú nghiền nó như nghiền rượu vậy. Trong phòng the, Tô thái thú nhiều lần nói cho nó biết rằng ngài muốn giết tên Nghiêm Sơn đã lâu, ngặt vì uy thế y quá lớn, võ công y lại cao. Bây giờ chúng ta giết y thì Thái-thú sẽ thăng Huyện-lệnh làm Đô-sát, còn Lữ-trưởng sẽ thăng lên làm Sư-trưởng.
Lữ trưởng Trần Phước quát :
– Đức-Phi ! Ngươi đừng hòng hoa ngôn, xảo ngữ lừa ta. Ta không nghe đâu. Dù Lĩnh-Nam công với Tô thái thú có xung đột với nhau, ta là quân nhân, ta phải bảo vệ tướng soái.
Hoànng Đức-Phi cười :
– Thôi được ngươi lại cởi trói cho y đi.
Trần Phước chạy lại cởi trói cho Nghiêm Sơn, thì véo một cái, Hoàng Phi-Long đã phóng kiếm đâm y. Y hoảng hồn nhảy lùi lại, thì choang một tiếng, kiếm đã đâm trúng ngực y. May y mặc giáp sắt, kiếm đâm không thủng. Y vung kiếm đánh với Phi-Long.
Trần Phước chỉ là một võ tướng, có sức mạnh, nhưng không phải là đối thủ của một đệ tử võ học Cửu-chân. Được mười hiệp, Phi-Long đã đánh kiếm của y rơi xuống đất, và chĩa kiếm vào cổ y.
Đức-Phi nói :
– Trần Phúc bây giờ có hai đường : Một là ngươi cầm kiếm đâm chết Nghiêm Sơn. Hai là ta giết ngươi, giết hết các con ngươi, đoạt vợ ngươi, nàng hầu của ngươi đem về làm tỳ thiếp. Của cải của ngươi ta hưởng hết.
Phi-Long đứng sau trần Phúc chĩa kiếm vào hông y, nói :
– Mi nhặt kiếm, tiến lên chém Nghiêm Sơn. Ta đứng sau ngươi, nếu ngươi chém Nghiêm, ta sẽ rút kiếm ra. Còn không ta đẩy kiếm vào giữa tim ngươi.
Đức-Phi cũng nhặt kiếm đưa cho Huyện-lệnh :
– Ngươi cũng thế, ngươi tiến lên đâm chết con vợ của Nghiêm Sơn đi.
Phạm Thu-Tòng quát lên :
– Đầu ta có thể rơi, chứ ta không thể giết Lĩnh-Nam công.
Đức-Phi cười gằn :
– Được ta đếm ba tiếng, nếu ngươi không ra tay, ta sẽ giết ngươi trước. Nào một... hai... ba.
Khi Vĩnh-Liên, Phi-Long vung kiếm lên bỗng cánh cửa sổ kêu đánh binh một tiếng, ba người vọt qua cửa vào. Chỉ một chiêu đã bắt sống Phi-Long, Vĩnh-Liên, Đức-Phi.
Nghiêm Sơn tuy trúng độc, chân tay tê liệt, nhưng đầu óc vẫn còn tỉnh, nên nhận biết mọi sự. Chàng thấy ba người nhảy vào trước là Đào Kỳ, Phương-Dung, Trần Năng tiếp theo sau đó là Hồ Đề, Hùng Bảo.
Trần Năng bảo Trần Phúc :
– Mau lấy nước lạnh cứu người.
Trần Phúc chạy ra ngoài một lát trở vào cùng vài tên lính bưng nước lạnh đưa Trần Năng. Trần Năng cùng Phương-Dung lau mặt cho mọi người. Đào Kỳ, Hùng Bảo rất quan tâm đến Thiều-Hoa. Thiều-Hoa mở mắt, tỉnh dậy mỉm cười :
– Tiểu sư đệ ! Đồ nhi Hùng Bảo các người hay quá.
Hùng Bảo vui mừng nói :
– Sư nương ! Sư nương khỏe hẳn chưa ?
Thiều-Hoa đứng dậy :
– Bảo nhi, ngươi yên tâm. Ta khỏi hẳn rồi.
Mọi người được cứu tỉnh và cởi trói. Nghiêm Sơn nói với Trần Phúc :
– Trần lữ trưởng, ngươi là đấng anh hùng. Suốt đời ta không quên ngươi đâu. Ngươi mau triệu tập binh mã, vây kín trang ấp của Hoàng Đức-Phi, dù con chó, con mèo cũng không được thoát ra ngoài. Nhưng đừng giết ai.
Lát sau Trần Phuc đã giải cả nhà Hoàng Đức-Phi tới.
Nghiêm Sơn quay lại nói với Huyện-lệnh Phạm Thu-Tòng :
– Ngươi đã nói thà mất đầu chứ quyết không để cho Đức-Phi giết ta. Ta thề với trời đất, cả đời đối xử với ngươi như anh em. Ngươi cho ta mượn Huyện-đường một lát.
Rồi Nghiêm Sơn sai điệu cả nhà Hoàng Đức-Phi vào hỏi cung.
Thì ra khi Nghiêm Sơn đến Huyện-đường, bọn Đức-Phi đã được thông báo. Y biết rõ nữ lang đánh với y hồi trưa là phu nhân của Lĩnh-Nam công. Người đứng lược trận là Nghiêm Sơn thì không còn hồn vía. Y định cùng vợ con lên ngựa cao chạy xa bay. Nhưng đệ tử Phi-Long cản y :
– Việc gì phải chạy. Ta cho người lén vào bếp của Huyện-lệnh, bắt trói đầu bếp, bỏ thuốc mê vào trà cho bọn nó uống. Chúng ta bắt chúng trói lại, giết đi, có khi Tô Thái thú còn trọng thưởng là khác.
Đức-Phi là đứa tiểu nhân, nhát gan nhưng hay làm liều. Nay gặp bước đường cùng, y đành theo lời đệ tử. Không ngờ giữa lúc cha con y sắp thành công, lại bị bọn Đào Kỳ nhảy vào can thiệp.
Bây giờ cả bọn đã bị trói. Hoàng Bá-Hiển bể đầu chết thảm nằm đó. Y biết chắc không thể nào thoát nạn chu diệt toàn gia, đành nhắm mắt, cúi đầu, không nói được lời nào.
Hồ Đề nói với Nghiêm Sơn :
– Nghiêm đại ca ! Chúng tôi cứu đại ca, vậy đại ca thưởng cho chúng tôi cái gì đây ?
Nghiêm Sơn quay lại nhìn vợ hỏi ý kiến. Lúc đó, Thiều-Hoa đang ngồi trên ghế, Hùng Bảo đứng hầu phía sau, còn Đào Kỳ đang bóp vai cho nàng. Trong lòng chàng nảy ra mối thiện cảm :
– Tiểu sư đệ, Hùng Bảo lúc nào cũng chỉ nghĩ đến phục quốc, luôn miệng nguyền rủa Mỵ-Châu, nhưng lại cực kỳ sủng ái phu nhân ta. Họ đã coi ta là người hiệp nghĩa chứ không phải Trọng-Thủy. Coi phu nhân ta là người biết đạo nghĩa chứ không phải Mỵ-Châu. Hôm ở đảo, ta bị Phùng Chính-Hòa phản, hôm nay lại bị Đức-Phi phản, đều do người thân của phu nhân cứu cả.
Thiều-Hoa thấy chồng hỏi ý kiến, nàng nhìn Hồ Đề, biết Hồ Đề có tính hay đùa, nàng nói :
– Hồ cô nương ! Ngươi muốn gì, dù ngươi không cứu chúng tôi, chúng tôi cũng chiều hết. Huống chi hôm nay, chúng tôi đã tới Quỷ môn quan lại được người cứu sống ?
Hồ Đề cười :
– Tôi chỉ muốn Nghiêm đại ca cho phép đề nghị biện pháp trừng phạt tên Hoàng Đức-Phi mà thôi.
Nghiêm Sơn ngẩn người ra, hỏi :
– Được. Nghiêm mỗ sẽ nghe lời đề nghị của cô nương. Nhưng không lẽ cô nương muốn cho voi dày hay ong đốt chết y ?
Hồ Đề vỗ tay :
– Không ! Tôi đi chuyến này không mang ong theo, cũng không mang voi theo, làm sao cho voi dày, ong đốt được ? Bây giờ đại ca cứ theo quân pháp xử trước. Chắc chắn y sẽ bị tử hình. Nhưng trước khi giết hắn, tôi xin được trừng phạt để làm gương cho những tên Đức-Phi sau này. Đại ca nghĩ có nên không ?
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...