Anh Hùng Lĩnh Nam

Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.

(Kinh Thi, Quan thư)

Nghĩa là:

Có người con gái nết na, người quân tử đến xin cầu hôn.

Câu này trích trong bài Quan-thư, phần Quốc-phong, Chu-nam, kinh Thi. Hai câu này rất thông dụng trong ngôn ngữ cổ, khi nói đến hôn nhân.

Từ trang Văn-lạc đi Mê-linh không xa, chỉ mất khoảng một ngày sức ngựa. Đào Kỳ, Phương Dung càng đi gần về phía Mê-linh, càng thấy dân cư đông đúc, trang ấp rộng rãi.

Qua một vài thị trấn nhỏ, họ dừng bước ngắm cảnh. Phương Dung nhận thấy ở vùng này quân Hán đỡ sách nhiễu dân chúng hơn vùng Long-biên. Dân chúng tương đối được tự do hơn.

Đào Kỳ đưa ra nhận xét:

– Người ta bảo rằng người nước Lỗ ai cũng biết đọc sách cũng không sai. Từ đây lên Mê-linh còn cả mấy chục dặm, vậy mà ảnh hưởng của Đặng Thi Sách với Nhị Trưng đã mạnh mẽ thế: Dân chúng sống thoải mái, tự do, bọn quân Hán không dám sách nhiễu.

Nói xong chàng mỉm cười, mặt tươi hẳn lên, đầy hứng thú, tưởng chừng trên đời chưa bao giờ có vậy.

Phương Dung suy nghĩ:

– Từ ngày gặp chàng đến giờ, chưa bao giờ thấy chàng cao hứng như vậy. Suốt ngày nếu không than thở bọn Hán tàn bạo, lại nguyền rủa bọn Việt theo Hán, hoặc tủi hận đất nước tối tăm, điêu tàn. Cho tới hôm gặp Lê Chân, Phùng Vĩnh Hoa và chú của chàng mới thấy chàng cao hứng một lần. Nhưng sau đó chàng lại buồn sầu mất hết chí khí vì vụ Tường Quy, ta không biết cách nào khuyên giải được. Không ngờ giữa đường, ta với chàng lập đưọc trang Văn-lạc, rồi đến đây, thấy ảnh hưởng của Thi Sách, Nhị Trưng mạnh, chàng cao hứng đến như vậy. Thì ra tình yêu nhân luân là chú thím, các em họ. Tình yêu nam nữ là Tường Quy, là ta cũng không làm cho chàng vui bằng những tin tức tươi sáng về phục quốc. Ừ! Bố ta nói: Đào-hầu là đệ nhất hào kiệt đời nay có khác. Cứ coi cung cách người con út, bị xa cha mẹ từ năm mười ba tuổi mà còn thế. Thử hỏi chính bản thân người thì tư cách, hùng tâm còn cao đến đâu?

Hai người đi qua một trang, thấy ngoài cổng treo đèn kết hoa rất đẹp, trên có chữ Toàn-liệt. Dưới chữ Toàn-liệt có chữ Vu-quy kết bằng hoa hồng, hoa mào gà đỏ thắm. Đào Kỳ gò cương đứng ngắm, rồi nói:

– Phương Dung! Em thử đoán xem, dường như trang chủ Toàn-liệt gả chồng cho con gái thì phải?

Dù học võ, dù mưu đồ phục quốc, Phương Dung cũng vẫn là cô gái tuổi còn nhỏ, thích tò mò vào chuyện yêu thương, vợ chồng:

– Ừ nhỉ, anh Kỳ, chúng ta đứng đây ngắm xem cô dâu có đẹp không, nghe.

Đào Kỳ cười:

– Ngắm xem cô dâu đẹp hay xấu để biết vậy thôi, chứ còn để xem người đẹp, thì không có đâu.

– Sao vậy?

– Trên thế gian này làm gì có người đẹp hơn Nguyễn tiểu thư ở trang Cối-giang?

Đào Kỳ là người ngay thẳng. Có sao nói vậy. Chàng khen Phương Dung đẹp, quả không sai. Chàng có ý tưởng so sánh giữa sư tỷ Thiều Hoa, Phương Dung và Tường Quy, ai đẹp nhất? Chàng lẩm bẩm một mình:

– Sư tỷ Thiều Hoa vừa có vẻ đẹp tươi sáng, ôn nhu văn nhã, vừa có sức hút người nhìn sư tỷ rất mạnh. Vẻ đẹp của sư tỷ cao sang như một hoàng hậu. Tường Quy thì trong cái vẻ đẹp ôn nhu văn nhã, cón có vẻ lãng mạn, tha thướt, yểu điệu. Phương Dung thì khác, nàng đẹp lồ lộ như bông hải đường mới nở chói chang dưới ánh nắng. Con mắt Tường Quy thì luôn cúi xuống, bí hiểm, sâu xa. Còn đôi mắt Phương Dung thì chiếu ra ánh sáng long lanh, uy nghiêm. Về trí khôn thì Tường Quy kém nhất. Sư tỷ Thiều Hoa thông minh thì có, nhưng quyền biến thì không. Phương Dung thì thông minh tuyệt thế, lại thâm mưu viễn lự. Từ hôm gặp mình, nàng mới học Lục-thao, Tôn-tử, thế mà nàng đã hiểu thấu đáo, áp dụng uyển chuyển. Trong vài lần phục kích quân Hán, nàng điều động tráng đinh nhịp nhàng. Bọn lính vận tải bị bắt gọn, trong khi tráng đinh không mất một người. Tài đó, ta e đến bố với cậu ta, nổi tiếng giỏi dùng binh cũng không bằng. Nếu cứ đà này, mấy năm nữa, có lẽ không ai địch nổi nàng.

Phương Dung nghe Đào Kỳ khen mình đẹp, biết chàng khen thực tâm. Mặt nàng đỏ lên, hiện ra vẻ e thẹn. Nàng định nói: Em đâu có đẹp bằng Tường Quy, nhưng nàng kìm lại được, vì thời bấy giờ, con gái mà nói mát, nói dỗi, hay ghen tương là một tính xấu. Vả nàng được bố dạy dỗ từ nhỏ, để sau này cầm quân khởi binh, nàng có cái khí hùng, trí dũng, nên ít khi thốt ra những câu nhi nữ thường tình.

Hai người vừa dừng ngựa, thì thấy một lão ông mặc áo đen, thắt lưng đỏ chạy ra vái:

– Hai vị từ xa tới đây, gặp lúc trang chủ chúng tôi cho ái nữ vu quy. Trước lạ sau quen, xin mời hai vị dời gót vào tệ trang uống chén rượu.

Phương Dung vội nói ngay, vì nàng sợ Đào Kỳ từ chối:

– Được chứ, được chứ. Người Văn-Lang thì đều là con cháu Lạc Long quân, một nhà cả mà.

Cău nói của Phương Dung làm ông lão áo đen tươi mặt lên, hiện ra vẻ khác lạ. Lão dẫn hai người vào trang.

Đào Kỳ thấy trang Toàn-liệt nhỏ hơn trang Thái-hà, nhưng lớn không kém trang Hiển Minh của Đào Thế Hùng. Chàng hỏi lão già:

– Lão tiên sinh! Chẳng hay cao danh quý tính của trang chủ là chi vậy?

Lão già đáp:

– Trang chủ chúng tôi họ Trần, húy là Hậu. Trang này truyền đã bảy đời rồi. Trần-hầu chúng tôi chỉ có một tiểu thư gả về công tử của Hùng-hầu trang Thượng-hồng. Hùng-hầu là cháu bảy đời của Hùng-vương thứ tám mươi tám (88).

Hai người đã vào đến nhà rạp lớn, người ngồi rất đông. Trang chủ Trần Hậu là một người tuổi khoảng bốn lăm, bốn sáu, tướng mạo thanh nhã như nho sinh. Ông ra mời Đào Kỳ, Phương Dung vào bàn. Hai bên chưa kịp trao đổi câu nào, thì có tiếng pháo nổ dòn dã ở cổng trang. Rồi có tiếng loa xướng:

– Hùng-hầu và quý khách trang Thượng-hồng tới.

Trần-hầu cáo lỗi cùng Đào Kỳ và Phương Dung để cùng phu nhân ra đón khách. Họ nhà trai đi khá đông, khoảng trăm người, khiêng gạo, dắt trâu đến để nạp đồ sính lễ.

Bước vào nhà rạp, Hùng hầu khoanh tay hướng vào mọi người hành lễ, thưa:

– Nhờ phúc ấm của tổ tiên, giòng dõi họ Hùng chúng tôi sinh được một trai là Hùng Bảo. Trai khôn tìm vợ, gái ngoan gả chồng, đó là lời dạy của các vua Hùng. Cho nên chúng tôi xin đến trước cửa Trần hầu, khẩn cầu cho Trần tiểu thư kết hôn với Hùng Bảo.

Đào Kỳ ghé tai Phương Dung nói nhỏ:

– Hùng hầu là người chống Hán cực đoan. Ông dùng lời dạy của vua Hùng, chứ không dùng chữ trong sách vở Trung-nguyên.

Phương Dung không chịu:

– Biết đâu ông không đọc sách Trung-nguyên thì sao?

– Ừ nhỉ!

Trần hầu đáp lễ, nói:

– Nhất sinh chúng tôi chỉ có một gái là Trần Năng. Chim khôn tìm cây cao mà đậu. Được Hùng-hầu đoái thương hỏi về làm dâu, chúng tôi xin kính cẩn tuân lời cầu hôn.

Ông vẫy tay một cái, người nhà dẫn cô dâu ra. Cô dâu đầu quấn khăn vàng, mặc áo lụa đỏ, từ nhà trong đi ra. Phương Dung huých cùi chỏ vào Đào Kỳ:

– Cô dâu đẹp đấy chứ!

Đào Kỳ lắc đầu:

– Dĩ nhiên là đẹp rồi, nhưng còn thua ba người.

Phương Dung hỏi:

– Thua ai?

– Một là sư tỷ Thiều Hoa, hai là Nguyễn tiểu thư ở Cối-giang, ba là...

Phương Dung cướp lời:

– Ba là Thanh thanh tử khâm.

Phương Dung nhắc đến Tường Quy, Đào Kỳ lại ngơ ngẩn, xuất thần. Ngoài kia, Trần Hậu quỳ xuống trước bàn thờ gia tiên khấn xong, ông nói:

– Các con vào lễ gia tiên đi.

Hùng Bảo tiến lên đứng ngang với cô dâu Trần Năng.

Trần-hầu hô:

– Lễ gia tiên, bốn lễ.

Hai người cùng quỳ xuống lễ đủ bốn lễ.

Trần-hầu nói:

– Ơn đức của tổ tiên để lại, công cha nghĩa mẹ sinh ra con, nuôi cho khôn lớn. Cha cho con đi làm dâu họ Hùng. Từ nay, con là người họ Hùng, sống gửi thịt, chết gửi xương. Các con quỳ xuống lễ cha mẹ.

Nói xong, ông cùng phu nhân ngồi lên sập. Hùng Bảo, Trần Năng quỳ xuống lễ bốn lễ.

Ghi chú của thuật giả

Theo phong tục tộc Việt, khi con gái rời cha mẹ về nhà chồng, là thuộc họ nhà chồng. Cô dâu chú rể lạy cha mẹ vợ trong buổi hôn lễ, trước 1945 còn duy trì. Hiện trong nước cũng như hải ngoại nhiều gia đình Việt Nam còn áp dụng. Tục lệ này rất tốt, rất đẹp. Chúng ta nên duy trì. Còn tục lệ lễ Tơ Hồng là theo truyện truyền kỳ tưởng tượng ma trâu đầu rắn của Trung-quốc truyền vào Việt Nam sau này.

Trần-hầu nhận đủ bốn lễ rồi nói :

– Phu thê giao bái. Hai con phải lạy nhau ba lạy. Sau lễ này là thành vợ chồng .

Bỗng có tiếng quát lớn:


– Khoan!

Mọi người giật mình nhìn ra thì thấy một lão già và một số đông người gươm đao sáng choang, đã bao vây quanh nhà rạp tự bao giờ. Phương Dung nói khẽ với Đào Kỳ:

– Lão già này là ai?

Lão già bước vào giữa nhà rạp. Hai họ đều đứng dậy, nhưng im phăng phắc. Trần Hậu bước ra chắp tay vái dài:

– Hôm nay được ngày lành tháng tốt, họ Trần tôi cho cháu gái vu quy về làm dâu Lạc hầu họ Hùng. Không ngờ được Đinh nhị tiên sinh giá lâm chia vui với chúng tôi, thực là vạn hạnh. Nào, mời Đinh tiên sinh vào.

Lão Đinh nét mặt rất khó coi, nói gằn từng tiếng:

– Trần trang chủ! Con gái trang chủ là Trần Năng đã hứa gả cho chủ nhân tôi rồi, tại sao lại nuốt lời, gả cho gã tiểu tử Hùng Bảo này?

Trần Hậu lắc đầu:

– Đinh nhị tiên sinh dạy sai rồi. Tôi có hứa gả tiện nữ cho Đinh đại tiên sinh bao giờ đâu? So với con gái tôi, Đinh đại tiên sinh đáng tuổi ông nội, sao Đinh tam tiên sinh lại nói vậy?

Câu nói làm cả rạp cười ồ lên. Có tiếng cười khúc khích:

– Đúng là già mà dê. Đã có mười vợ rồi còn không đủ sao?

Lão Đinh liếc mắt một cái ban lệnh cho thủ hạ. Lập tức một người chạy vào nhà rạp lôi người đàn bà vừa nói câu đó ra ngoài tát hai cái. Mũi người đàn bà bị chảy máu đỏ lòm. Người đàn bà vừa khóc, vừa chửi:

– Cha tiên nhân bố thằng Đinh Công Dũng.

Tên thủ hạ lại tát hai cái nữa. Người đàn bà ngoác mồm ra chửi:

Tiên nhân cha mày họ Đinh.

Cậy tiền cậy của,

Cậy thế, cậy thần,

Hiếp người yếu đuối,

Ăn ở bất nhân,

Tổ tiên ô nhục,

Con cháu nợ nần...

Nguyên dân chúng vùng này thường đặt những bài ca khen ngợi những người đạo đức và cũng có những bài vè để chửi rủa nhau. Người đàn bà bị đánh đau, thuận miệng đọc bài vè chửi rủa lão Đinh.

Lão Đinh tức quá, quát lớn:

– Vả vào miệng nó cho ta.

Bọn thủ hạ xúm vào chân đá, tay đánh người đàn bà.

Người đàn bà bị đánh càng chửi rủa lớn hơn:

– Tên khốn kiếp Đinh Công Dũng, người dám để lũ đệ tử đánh bà ư? Tổ tông mười tám đời nhà mày sẽ không yên ổn với bà đâu.

Bọn thủ hạ càng nặng tay hơn.

Cô dâu Trần Năng quát lên:

– Ngừng tay!

Nàng phóng ra khỏi rạp. Tay chụp hai tên thủ hạ của lão Đinh liệng ra xa, rồi đỡ người đàn bà dậy, hỏi:

– Chị Cần, chị có sao không?

Người đàn bà bị thâm tím mặt mày, nhưng tính khí quật cường vẫn còn:

– Không sao, chị chỉ đau một tý thôi. Nhưng tổ tông mười tám đời họ Đinh nhà hắn sẽ bị người đời xỉ vả. Cả giòng họ hắn không dám ngước mặt nhìn đời nữa.

Bọn thủ hạ Đinh Công Dũng lại ào đến định đánh người đàn bà kia. Cô dâu lắc mình một cái, binh, binh, binh cô đá một thế trực cước, một thế hoành cước, một thế hồi phong cước, ba tên thủ hạ văng ra xa, nằm quằn quại không ngồi dậy được. Đồng bọn vội chạy đến đỡ dậy. Ba tên mặt mũi nhăn nhó, tỏ vẻ đau đớn.

Đào Kỳ nói nhỏ bên tai Phương Dung:

– Nàng sử dụng võ công Tản-viên đấy. Cái đá thẳng trước, chân chưa thu về biến thành vòng cầu, rồi nhảy vọt lên quay một vòng, đá giò lái là chiêu thức khá cao của Tản-viên. Nhưng dường như tập chưa được thành thục lắm cho nên, lúc đáp xuống phải lùi hai bước.

Bọn thủ hạ của lão Đinh không dám xông vào đánh Trần Năng. Chúng biết rằng chủ nhân của chúng vì mê cô mà đến gây sự. Nếu chúng ra tay, chủ nhân chúng không những không vui lòng, lại nổi giận thì nguy.

Đinh lão nhị cười ha hả:

– Mỹ nhân ơi! Không ngờ mỹ nhân cũng biết võ. Hôm nay đại ca sai ta đến đây đón mỹ nhân về làm phu nhân thứ mười của người, chứ có phải sai ta đi đánh nhau đâu? Cô nương sau này là chị dâu của ta. Ta đâu dám mạnh tay với cô. Nhưng sự thể đã thế này, ta đành vô lễ vậy.

Nói rồi y tiến đến trước mặt Trần Năng, chụp vào ngực nàng. Cử chỉ, thái độ thực khả ố.

Trần Năng trầm người xuống tránh khỏi, chân di chuyển sang trái, rồi quay ngoắt người lại tát vào mặt Đinh lão nhị đánh bốp một cái. Cái tát này nàng vận toàn lực, khiến Đinh lão nhị phải lùi lại một bước. Cả hai họ cười oà lên, đầy vẻ chế diễu. Đinh lão nhị nổi giận quát:

– À, con ác phụ. Mày dám hỗn à?

Nói rồi, y vung quyền nhắm đỉnh đầu Trần Năng đánh tới. Trần Năng không sợ, phóng chưởng đỡ. Chưởng lực của nàng khá hùng hậu. Quyền chưởng gặp nhau đánh bộp một cái. Đinh Công Hùng cảm thấy cánh tay bị tê rần. Y ngạc nhiên suy nghĩ:

– Con nhỏ này học võ bao giờ, ta không ngờ tới? Vì khinh địch, ta bị hạ nhục hai lần. Nếu ta không thẳng tay, e rằng cục diện hôm nay đến mất mạng chứ không chơi.

Đã có chủ ý, y vung chưởng phản công. Chưởng của y thuộc loại hỗn tạp, quái dị. Còn chưởng của Trần Năng thuộc loại dương cương của phái Tản-viên. Hai người qua lại gần ba mươi chiêu.

Đào Kỳ bảo Phương Dung:

– Trần cô nương thua đến nơi rồi.

– Sao?

– Đinh lão nhị sử dụng võ công phái Hoa-lư, bảo vệ môn hộ rất vững, trong khi đó, Trần cô nương là nữ lại sử dụng chưởng dương cương, rất tốn hao chân khí. Chỉ một lát nữa, cô sẽ bị bại. Chúng ta phải cứu cô mới được.

Quả nhiên qua mấy chiêu nữa, Trần Năng bắt đầu thở hổn hển. Đinh lão nhị cười ha hả:

– Chị dâu ơi! Nàng không địch nởi ta đâu. Thôi, mau theo ta về hợp hôn với anh ta đi. Đánh nhau như vậy cũng đủ rồi.

Dứt lời, y bước chéo sang bên cạnh, đánh dứ vào thái dương nàng. Trần Năng vội thụp xuống tránh, thì y tiến lên một bước, một tay ôm ngực, một tay quàng ngang mông nàng, bế bổng nàng lên.

Đào Kỳ nhặt một viên sỏi định bắn vào Đinh lão nhị để giúp Trần Năng, thì, chú rể nãy giờ đứng ngoài quan sát trận đấu, bỗng nhảy vọt lên cao. Ởã trên không, chàng vung chưởng đánh vào đầu lão Đinh cứu vợ.

Chưởng phong ào tới. Lão Đinh vội vuông Trần Năng ra, vung chưởng đở rồi cười:

– À, thì ra thằng nhãi. Vậy ta với mi đấu võ ăn cuộc. Nếu mi thắng được ta, ta nguyện rút lui; còn ta thắng, thì ta đón nàng về cho đại ca ta.

Hai người quần thảo nhau quyết liệt.

Đào Kỳ nói nhỏ:

– Hùng Bảo là người nhà ta.

Phương Dung cũng nhận thấy, nói:

– Đúng, anh ta sử dụng võ công Cửu-chân, giống hệt những chiêu thức của chú anh sử dụng hôm đánh nhau với Lam kiếm. Anh có biết Hùng Bảo là đệ tử của ai không?

– Anh không rõ. Nhưng chắc không phải học trò của chú anh vì chú anh chưa từng lên vùng này. Người cũng không hề nói cho anh biết có thu người đệ tử nào thuộc giòng dõi Hùng-vương.

Hùng Bảo với Đinh Công Hùng qua lại với nhau trên ba mươi chiêu, thì Hùng Bảo bắt đầu yếu thế, chân tay đã luống cuống.

Phương Dung nhắc Đào Kỳ:

– Anh phải giúp Hùng Bảo, nếu không, y lâm nguy mất. Y lâm nguy, e rằng mất vợ.

Đào Kỳ gật đầu, nói lớn:


– Kính thiên, tạ địa.

Hùng Bảo đang luống cuống, thấy có người nhắc mình, lập tức tỉnh ngộ, một tay đánh vung từ dưới lên, một tay vòng ngang xuống đất đúng với chiêu Kính trời, tạ đất. Bách một cái, Đinh lão nhị bị tát trúng mặt, y đau đớn lùi lại, rồi nhảy xổ vào chụp đầu Hùng Bảo.

Đào Kỳ lại la lớn:

– Hàm mô nhược thủy.

Hùng Bảo chống hai tay về phía trước như thế ngã chúi về phiá Đinh lão nhị, rồi chân lộn lên trời, giống như con ếch nhảy xuống nước. Bốp một cái, Đinh lão nhị bị đá trúng cầm té lộn ra sau. Cái đá này làm y cắn phải lưỡi, máu mồm chảy ra ri rỉ. Y đau quá ngã ngồi xuống đất, không đứng dậy được nữa. Bọn bộ hạ vội ào vào, đỡ y dậy.

Hùng Bảo sắp bại, nhờ Đào Kỳ nhắc cho hai lần đã chuyển bại thành thắng. Chàng quay nhìn người chỉ điểm mình thì thấy đó là một thiếu niên ngang tuổi, tướng mạo uy vũ. Khi mới đến đây, chàng đã thấy người này, ngồi bên một cô gái sắc nước hương trời. Chàng đoán đây là những người trong họ nhà gái nên không chú ý mấy. Nay được thiếu niên chỉ điểm, đúng là thứ võ công chàng đã học một cách thành thạo, chàng vội đến trước thiếu niên bái tạ:

– Không ngờ được cao nhân chỉ dạy, Hùng Bảo thành tâm đa tạ.

Chàng đưa mắt nhìn Trần Năng dò hỏi vai vế Đào Kỳ. Nhưng Trần Năng cũng lắc đầu không biết. Người quản gia họ Trần điều khiển đám gia nhân khiêng đồ sính lễ ban nãy vội chạy ra nói:

– Đây là hai vị miền xuôi mới lên Mê-linh thăm quê ngoại. Ban nãy tiểu nhân gặp trên đường đi, khẩn khoản mời vào uống rượu mừng ngày vui của tiểu chủ.

Trần Hậu nói với Đinh lão nhị:

– Đinh lão tiên sinh! Mong tiên sinh giữ lời hứa, rời khỏi nơi đây.

Đinh lão nhị chỉ mặt Trần Hậu:

– Không bao giờ tao quên cái hận này!

Nói dứt lời, y vẫy tay ra hiệu, rồi cả bọn kéo nhau đi.

Trần Hậu chạy đến bên Đào Kỳ, Phương Dung nói:

– Cao nhân giá lâm tệ trang mà tôi không biết để tiếp đón, thực đáng tội.

Sau đó ông chủ hôn tiếp tục cho làm lễ. Lễ tất, hai họ ngồi quây quần ăn uống. Đào Kỳ, Phương Dung được mời ngồi cùng bàn với Hùng Bảo và Trần Năng. Người nhà gái đi rót rượu mời khách. Đào Kỳ chưa từng uống rượu bao giờ, nên lễ phép từ chối.

Hùng Bảo hỏi chàng:

– Nhân huynh! Dường như nhân huynh với tiểu đệ cùng một môn hộ, chẳng hay nhân huynh có thể cho biết cao danh quý tính không? Sư thừa là ai?

Đào Kỳ cười:

– Tiểu đệ cũng đang muốn hỏi nhân huynh câu đó.

Hùng Bảo nói:

– Nhân huynh là ân nhân của tiểu đệ, đáng lẽ tiểu đệ không được dấu diếm điều gì mới phải. Nhưng ân sư cấm tiểu đệ nói tên người ra.

Đào Kỳ thấy Hùng Bảo trẻ tuổi, dáng người uy nghi, lại là đồng môn, nên chàng nói thực:

– Tiểu đệ họ Đào.

Hùng Bảo la lớn lên:

– Chẳng hay Đào huynh với Cửu-chân song kiệt là thế nào?

Đào Kỳ đáp:

– Tiểu đệ là con út của Cửu-chân nhất hiệp.

Hùng Bảo vội rời ghế đứng dậy, thụp xuống đất lạy bốn lạy:

– Đệ tử là Hùng Bảo kính cẩn ra mắt Tiểu sư thúc.

Hồng Bảo nói câu Tiểu sư thúc làm Đào Kỳ tỉnh ngộ. Chàng đỡ Hùng Bảo dậy, và suy nghĩ:

– Nếu vậy, Hùng Bảo là đệ tử của sư huynh, sư tỷ ta đây. Nhị sư huynh hiện ở Hoa-lư, đại sư huynh thì theo bố ta mất tích đã lâu. Người này mới học võ công Cửu-chân thì là đệ tử của tam sư tỷ. Chắc tam sư tỷ ẩn náu không muốn ra mặt, nên đã cấm chàng khai rõ sư thừa. Ta đợi sau bữa tiệc sẽ hỏi xem sư tỷ Hoàng Thiều Hoa hiện ở đâu. Ta nhớ chị muốn chết, tìm chị khắp nơi, không ngờ chị lại ẩn ở đâu đây.

Chàng liếc nhìn chiếc khăn vàng của cô dâu rồi mỉm cười.

Hùng Bảo hỏi:

– Chắc sư thúc đã đoán ra sư phụ của đệ tử rồi?

Đào Kỳ cười, gật đầu.

Hùng Bảo nói tiếp:

– Sư phụ thường nhắc đến tiểu sư thúc luôn. Người nhớ tiểu sư thúc lắm. Ước mong sau lễ cưới này, đệ tử sẽ đưa tiểu sư thúc đến tương kiến với sư phụ của đệ tử.

Đào Kỳ hỏi:

– Câu chuyện ra sao mà lão Đinh lại đến đây gây sự như vậy? Trần Hậu nói:

– Nguyên phía nam sông Mê-linh có ba mươi sáu động tất cả. Các động chủ mỗi động tự cai trị lấy người của mình. Mấy chục năm trước đây, vì các động lẻ tẻ, không hợp quần với nhau, nên bị những Lạc-hầu chung quanh lấn áp. Cho nên ba mươi sáu động phải liên kết lại, bầu lấy một người thống lĩnh. Đinh Công Dũng là một trong các động chúa được đề cử thống lĩnh ba mươi sáu động. Từ đấy, uy thế của hắn ngày một cao, y tụ tập bọn vô lại, tổ chức thành đội ngũ, đi cướp của, giết người. Các động chủ không ai chống nổi hắn. Gần đây, hắn có ý định hợp nhất ba mươi sáu động thành động Mê-linh. Các động chủ khiếp uy hắn nên đều tuân theo, chỉ có tôi với động chủ Thượng-hồng là thông gia với tôi, thêm vào mấy trang động nữa, dám chống lại mà thôi. Đinh Công Dũng đã có chín vợ, y muốn hỏi cháu Năng tôi về làm vợ thứ mười, nhưng tôi không thuận. Hắn bèn cho em là Đinh Công Hùng đến định bắt cóc cháu Năng giữa ngày cưới.

Phương Dung cười:

– Lão tưởng rằng với em lão, thêm một bầy đầu trâu mặt ngựa, sẽ bắt được Trần cô nương. Không ngờ bị đánh chạy dài. Tôi xem chừng chúng nó chưa chịu thôi ngay đâu.

Ông Hùng Trọng không biết con mình học võ và học với ai, và học bao giờ? Bất ngờ trong tiệc cưới, thấy con ra chiêu đánh với Đinh Công Hùng, ông mới biết con mình võ công thuộc loại cao. Ông không biết võ, nhưng thấy con mình được một người lạ mặt nhắc có hai câu, đã đánh cho Đinh Công Hùng, một động chủ, đến phun máu miệng, thì ông biết bản lĩnh Đào Kỳ không tầm thường.

Sau bữa tiệc, đến lễ rước dâu. Đi đầu có ba người. Đi giữa là ông chủ hôn, bên trái là ông cầm bó đuốc, bên phải là ông cầm bó hương. Đi sau là cô dâu chú rể và họ nhà trai. Họ nhà gái cũng có một số người đi đưa dâu, nhưng bố mẹ cô dâu thì không đi tiễn con.

Cô dâu Trần Năng là người học võ, tính tinh nghịch, không biết e thẹn. Nàng hỏi Đào Kỳ:

– Sư thúc, cô nương đi bên cạnh là sư thẩm, phải không?

Phương Dung ngượng quá, không biết trả lời sao.

Đào Kỳ vội nói:

– Không phải đâu.

Trần Năng hỏi tiếp:

– Thế cô là họ hàng hay sư muội của sư thúc?

Đào Kỳ quýnh quá lắc đầu. Trần Năng cười, truy đến cùng:

– À, thế thì chắc là đệ tử của sư thúc hẳn?

Đào Kỳ cũng lắc đầu. Phương Dung than thầm:

– Cái cô dâu này thực lý lắc. Kệ người ta có được không? Hỏi hoài!

Trần Năng đã đoán biết trăm phần trăm rằng đây là cô bạn của sư thúc chồng mình, nhưng vì thấy họ ngang tuổi, nên đùa cho vui:

– Vậy thì cô là ... gì gì của sư thúc hẳn?

Phương Dung ngượng quá, đưa tay ngắt Trần Năng một cái. Trần Năng giả bộ la lên:

– Trời ơi! Gì gì ngắt tôi này!

Đám cưới đi một quãng lại đốt pháo. Đến trưa thì tới trang Thượng-hồng. Cổng trang treo đèn kết hoa rất đẹp. Bà mẹ chú rể ra trước cổng trang đón dâu.


Tục lệ hồi đó khi cưới vợ cho con, rước dâu đến cổng, bà mẹ sẽ ra cầm tay dắt vào nhà, tỏ ý nhận làm con trong nhà. Cô dâu phải bước qua một cái lò nhỏ đốt than ở sân. Người thời đó tin rằng đốt cháy hết những lời nguyền rủa ác độc của kẻ thù đối với cô dâu, chú rể. Họ nhà trai đối với Đào Kỳ cực kỳ cung kính, mời chàng với Phương Dung vào bàn nhất với những người vai chú bác Hùng Bảo. Trong tiệc, Đào Kỳ toàn nói về chuyện phục quốc. Những người cùng bàn với chàng tuổi đều từ bốn mươi trở lên. Họ là những người có kiến thức, đều uất hận vì bị người Hán cai trị khinh bạc. Nghe Đào Kỳ, Phương Dung bàn luận về chuyện phục quốc đâu ra đấy, thì biết rằng hai người này không những chỉ giỏi võ, mà kiến thức lại khá rộng. Một vị lão thành hỏi:

– Nghe Đào công tử bàn việc đuổi giặc Hán, chúng tôi thấy ngày sáng tươi sẽ đến. Nhưng có điều, người Hán đông hơn ta gấp trăm lần. Nếu Hán đế quyết tâm kéo quân sang đánh nữa, chúng ta làm sao chống lại? Đó là điều lão muốn thỉnh ý kiến công tử.

Đào Kỳ nói:

– Đời nhà Chu, tổ tiên chúng ta sai sứ sang cống chim trĩ và con rùa. Trên con rùa có khắc rõ lịch số của ta. Vua nhà Chu sai chép lấy mà học. Tổ tiên ta đâu có hèn? Cống rùa, trĩ để mua lấy an toàn cho đất nước. Cống rùa, có khắc lịch để cho vua tôi nhà Chu biết mình văn minh hơn họ. Lại trải qua đời An-Dương vương của Âu-lạc cũng sai Lý Thân dẫn một đoàn võ sĩ sang cống Tần Thủy Hoàng cũng để cho Thủy-Hoàng khỏi gây việc binh đao. Nhưng Lý Thân hiển dương võ thuật, khiến cho vua Tần khâm phục, phong làm tướng đánh Hung-nô. Sau khi Vạn-tín hầu Lý Thân qua đời, Thủy-Hoàng sai Đồ Thư mang nửa triệu quân sang đánh Âu-lạc. Âu-lạc giết Đồ Thư, đánh tan quân Tần. Chính quan Thái-sử lệnh nhà Hán là Tư Mã Thiên đã kể về cuộc đánh nhau giữa Âu-lạc với quân Tần trong bộ sách mang tên Sử-ký của ông, quyển 112 rằng :

"Lúc bấy giờ vua tôi nhà Tần ở phía Bắc thì mắc họa với rợ Hồ, ở phía Nam thì mắc ách với người Việt. Quân Tần đóng binh ở chỗ đất hoang phế vô dụng, tiến không nổi mà thoái cũng không an. Trên mười năm đàn ông phải mặc giáp, đàn bà phải khuân vác, khổ sở cùng cực, người ta thắt cổ tự tử trên cây dọc đường, người ta trông nhau mà chết".

Cho đến khi Triệu Đà dùng gian kế chiếm Âu-lạc lập ra nước Nam Việt, thì bề trong là một nước nhưng bề ngoài, vẫn phải chịu thần phục để được an toàn. Tới đời Triệu Kiến Đức thế nước suy vi mới bị Vũ Đế nhà Hán sai bọn Lộ Bác Đức, Dương Bộc mang quân sang đánh. Từ đó đến nay chúng ta bị người Hán cai trị. Vậy đối với người Hán, ta phải mạnh để họ không thể đánh chiếm nước mình, nhưng vẫn phải có ngoại giao để được an thân. Vì vậy, thái độ đối với người Hán là: Anh đánh tôi, tôi chống lại, dân tôi yêu nước, đất tôi hiểm trở, tôi không sợ anh. Còn anh tử tế, tôi vẫn chịu ở vai dưới, thần phục anh. Như vậy, sau khi đuổi được bọn Hán rồi, chúng ta chẳng ngại gì mà không mất một lễ, cử người sang sứ với một tờ thư với lời lẽ nhún nhường mà được toàn vẹn quốc gia.

Những người ngồi cùng bàn với Đào Kỳ đều gật đầu khen phải. Họ suy nghĩ:

– Thiếu niên này không hiểu người gốc ra sao. Tuổi tác chỉ ngang với Hùng Bảo là cùng, nhưng lại là vai sư thúc của Hùng Bảo, võ công của chàng phải cao lắm, nên chỉ nói có hai câu mà Hùng Bảo đã đánh cho Đinh Công Hùng đến phun máu miệng. Rồi lại luận về tình thế đất nước không chỗ nào mà không hợp tình, hợp lý.

Tiệc tàn, hai họ lục tục ra về. Hùng Trọng đến trước bàn Đào Kỳ, chắp tay nói:

– Chẳng mấy khi Đào công tử và Nguyễn cô nương giá lâm tệ trang, xin lưu lại ít hôm để chúng tôi được nghe lời dạy bảo.

Đào Kỳ liếc nhìn Phương Dung hỏi ý kiến, Phương Dung nói:

– Anh em chúng tôi cũng không có việc gì gấp. Lạc-hầu đã có lòng quý mến, vậy chúng tôi xin được quấy quả ít ngày.

Hùng Bảo, Trần Năng lại ngồi cùng bàn với Đào Kỳ, Phương Dung. Đào Kỳ hỏi Trần Năng:

– Hùng phu nhân! Hồi sáng tôi thấy phu nhân sử dụng võ công Tản-viên rất đúng phép. Nhưng lại thiếu kinh nghiệm giao đấu. Đáng lẽ với bản lãnh phu nhân, chỉ mấy chiêu đã hạ được Đinh Công Hùng. Nhiều khi phu nhân đắc thế rồi mà không biết lợi dụng lúc địch thủ thất thế, đánh vào chỗ sơ hở, thì căn bản của hắn sẽ tự tuyệt. Cho nên khi Đinh lão rõ ràng nguy cơ, lại hồi phục được căn bản để phản công. Lại nữa, phu nhân là gái, dùng dương chưởng vốn dĩ dễ bị tiêu hao công lực, đấu với kể địch có gần bốn mươi năm luyện tập, công lực thâm hậu. Phu nhân không biết lợi dụng cái sở trường của mình đánh liên tiếp như sóng vỗ, để hạ địch nhân trong giây lát. Thành ra trận đấu kéo dài, công lực phu nhân cạn dần, địch nhân mới thắng phu nhân.

Trần Năng như người mù được mở mắt:

– Sư thúc thực là cao nhân, cháu nghe mấy lời của sư thúc mà như được học thêm mấy năm nữa.

Đào Kỳ nói:

– Võ công của phu nhân là võ công phái Tản-viên. Nguyên tắc của phái này là từ chiêu này đến chiêu kia phải liên tục như những đợt sóng. Chiêu này chấm dứt, chiêu khác đã dồn dập tiếp theo, địch nhân biết đâu mà tránh? Bây giờ phu nhân coi đây.

Đào Kỳ giả làm Trần Năng, Phương Dung giả làm Đinh Công Hùng. Đào Kỳ với Phương Dung diễn lại từ đầu tới chiêu thứ ba mươi tám thì Trần Năng bị bại. Rồi ngưng lại hỏi:

– Có phải như vậy không?

Trần Năng gật đầu:

– Đúng không sai tý nào cả.

Đào Kỳ bảo Phương Dung diễn lại. Chàng đánh chiêu đầu, Phương Dung đỡ thì chàng đã chuyển tay nối liền hai chiêu làm một đánh chiêu thứ nhì rồi thứ ba. Đến đó thì Phương Dung chỉ có lùi. Đào Kỳ vung chưởng đánh bùng một cái, Phương Dung mượn đà nhảy bắn ra xa, coi như cuộc đấu chấm dứt.

Chàng hỏi Trần Năng:

– Phu nhân hiểu hết chứ?

Trần Năng chấp tay thưa:

– Sư thúc là thần nhân. Nếu cháu được chỉ điểm trước thì chỉ ba chiêu đã hạ được lão Đinh. Cháu gặp sư phụ trong một trường hợp kỳ ngộ, rồi được sư phụ truyền dạy võ nghệ. Người không cho cháu biết tên, cũng không nói rõ môn hộ và dặn rằng giữa hai người chỉ có duyên hội ngộ, mà không có tình thày trò. Người dạy cháu tất cả ba mươi sáu buổi, rồi sau không gặp nữa. Từ ngày cháu học đến giờ, chưa từng đấu với ai, nên không có kinh nghiệm.

Phương Dung hỏi:

– Phu nhân gặp sư phụ trong trường hợp nào?

Trần Năng nói:

– Cách đây bốn năm, cháu cùng bố cháu đi săn, một buổi sáng, gặp con gấu đang lội dưới nước. Cháu dùng tên bắn chết con gấu thì từ trên bờ một sợi giây cũng quăng xuống chụp cổ nó. Người quăng giây giật một cái, con gấu bay vọt lên.

Người chụp gấu hỏi:

– Ai bắn gấu của ta?

Cháu trả lời:

– Ta bắn được gấu, sao ngươi bắt của ta?

Cháu vừa dứt lời , bỗng có một người xuất hiện. Đó là một cụ già đầu tóc bạc phơ, nhưng mặt đẹp như ngọc. Vẻ người tiên phong đạo cốt, trông như một tiên ông.

Ông cụ nói:

– Rõ ràng tôi chụp giây trúng đầu gấu trước, như vậy là gấu của tôi chứ đâu phải của cô nương.

Cháu cãi:

– Thể lệ săn bắn là ai bắn được thú thì của người đó. Cụ thử nhìn coi, mũi tên ở cổ gấu là mũi tên của cháu chứ đâu phải của cụ? Tên của cháu trúng gấu trước, giây của cụ tới sau. Vậy gấu thuộc về cháu.

Ông cụ gật đầu:

– Cô nói có lý. Tôi công nhận gấu của cô, nhưng tôi cần mật gấu cứu người. Nếu cô cho tôi cái mật thì tôi cảm tạ vô cùng.

Cháu thấy ông cụ nói năng ôn tồn, càng đùa:

– Nếu cụ muốn được mật gấu thì kêu ba tiếng: Chị cả, chị cả, chị cả, cháu sẽ biếu cụ.

Người đó cười nói:

– Tuổi cô chỉ đáng tuổi cháu nội tôi, mà tôi kêu là chị cả thì có tổn thọ không? Cô đẹp như thế mà chết non uổng lắm. Thôi, vậy tôi kêu cô ba tiếng: cháu nội, cháu nội, cháu nội để cho cô sống lâu, rồi cô cho tôi cái mật gấu.

Bố cháu thấy cháu đùa vô lễ, vội chắp tay hành lễ với lão bá đó, nói:

– Cụ bảo cần mật gấu cứu người, vậy cụ là thày thuốc? Tôi xin tặng cụ cả con gấu này đấy.

Đến đây, cháu không dám đùa nữa, nói:

– Lão bá, cháu đùa mấy câu mong lão bá thứ tội. Nếu lão bá cần mật gấu cứu người, cháu xin tặng thêm ít cái. Ở nhà cháu có nhiều mật gấu phơi khô, lão bá cần thêm, xin quá bộ về nhà cháu. Cháu sẽ biếu lão bá chục cái nữa để lão bá cứu người.

Ông cụ gật đầu, đi theo bọn cháu. Về tới nhà, cháu bưng ra một bao trên mười cái mật gấu biếu ông cụ. Ông cụ cảm động lắm, bảo cháu:

– Cô cho ta nhiều như thế này, ta có công trạng gì đâu mà dám nhận? Vậy cô muốn ta trả ơn gì thì cứ nói.

Tính cháu ưa nói đùa nên bèn trêu ông cụ:

– Hồi nãy lão bá quăng giây bắt được gấu. Vậy, lão bá dạy cháu được không?

Ông cụ gật đầu bảo cháu:

– Mỗi buổi trăng tròn ta sẽ đến chỗ săn gấu hôm nay gặp cô, dạy cô ném giây. Nhưng cô nhớ rằng không được tiết lộ với ai, dù rằng với cha mẹ hay anh chị.

Cháu bằng lòng. Hôm sau cháu tới nơi, ông cụ bắt đầu dạy cháu ngồi, nằm ngủ, thở hít. Ông cụ bảo muốn tập ném giây phải học những thứ đó trước rồi mới có sức mạnh để ném. Cháu học được một tháng đã có thể ném tiêu giết chim. Cho đến một hôm, khi ông cụ đang dạy cháu, bỗng có người Hán cưỡi ngựa đi tới. Người này trông thấy ông cụ là phóng chưởng đánh liền. Ông cụ cũng phản công. Đánh được ít hiệp, người Hán có vẻ yếu thế. Y nhảy lùi lại, chắp tay nói:

– Tiểu bối chịu thua, không địch nổi tiền bối.

Ông cụ nói:

–Thế thì ngươi phải giữ lời hứa.

Người Hán nói:

– Tôi xin thề có trời đất, nguyện thi hành lời hứa.

Ông cụ bảo người Hán:

– Thôi, ngươi đi đi.

Người Hán hú lên một tiếng, thấp thoáng thân hình một cái đã biến mất.

Ông cụ bảo cháu:

– Này con bé cứng đầu! Chuyện hôm nay, cô không được tiết lộ với bất cứ ai. Nếu cô không giữ lời hứa, ta sẽ đập chết.

Nói rồi, ông cụ đến bên một thân cây vung chưởng đánh một cái. Thân cây to bằng bắp đùi kêu đến ầm một tiếng, rồi từ từ đổ xuống. Cháu thấy ông cụ hiển thân võ nghệ tuyệt vời, bèn suy nghĩ:

– Thì ra ông cụ này võ công cao không biết đâu mà lường. Thế mà hôm trước ông không ra sức cướp con gấu của mình, còn năn nỉ xin. Như vậy, ông là người hiền lành. Ta phải trêu ông cụ mới được.

Nghĩ rồi, cháu bèn cười nói:

– Võ công lão bá trên đời khó có hai. Nhưng không lẽ lão bá dùng võ công ăn hiếp con nít? Lão bá bảo cháu phải giữ lời hứa, không được nói chuyện này với ai ư? Cháu có hứa bao giờ đâu? Nội chiều nay cháu sẽ ra chợ nói với mọi người: Có một ông lão đầu râu tóc bạc, trông như một vị tiên ông, đấu với một quan nhân người Hán. Vị quan nhân người Hán thua, vị lão bá bắt người quan nhân phải hứa làm cho lão bá những điều như thế, như thế. Nếu lão bá cho rằng chưa đủ, cháu sẽ kêu hết tráng đinh, tỳ nữ nhà cháu, dân chúng ra chợ, gặp ai cũng nói như thế.

Lão bá tức quá, vặt đầu vặt cổ rồi nói:

– Cô thực là người cứng đầu cứng cổ số một trên thế gian này mà ta gặp. Giá cô họ Trần thì đúng hơn, vì người ta thường nói: Trần thị Bà chằng...

Cháu cười khúc khích:

– Lão bá ơi! Cháu họ Trần đấy. Lão bá nên gọi cháu là Trần thị Bà chằng lửa thì đúng hơn.

Ông cụ vò đầu, bứt tóc:

– Vậy cô muốn ta phải làm gì, cô mới giữ những điều bí mật hôm nay?


Cháu nói:

– Xin lão bá dạy võ cho cháu.

Ông cụ lắc đầu quầy quậy:

– Ta không dạy cô, ta không dạy cô. Ta không muốn thu đệ tử.

Cháu thấy ông cụ bực mình, càng trêu:

– Thôi được, cháu ra chợ đây. Cháu sẽ nói hết những điều cháu nhìn thấy hôm nay.

Nói rồi cháu chạy một mạch. Ra tới đường đã thấy ông cụ đứng đó tự bao giờ. Ông cụ bảo cháu:

– Con nhỏ cứng đầu! Rồi, ta chịu dạy võ cho mi, nhưng ta không thu nhận ngươi làm đệ tử đâu.

Kể từ hôm đó, ông cụ dạy võ cho cháu. Cho đến ngày gần đây, một hôm sau khi dạy võ xong, ông cụ nói với cháu:

– Ta có việc phải vắng mặt một thời gian. Vậy, mi trở về cứ tiếp tục luyện tập. Khi việc kết liễu, ta sẽ trở lại dậy mi sau.

Đào Kỳ hỏi:

– Trong thời gian đó, ông cụ có hành vi gì khác lạ không?

Trần Năng đáp:

– Ông cụ thường cùng cháu đi hái thuốc. Có một lần cháu bị cảm, lên cơn sốt mê mệt, nhưng vẫn giữ lời hứa, đến điểm hẹn để học võ với ông cụ. Ông cụ bảo cháu nằm xuống bụi cỏ, cầm tay chẩn mạch và nói:

– Bệnh phong hàn đấy thôi, không có gì đáng lo đâu.

Rồi ông cụ dặn cháu:

– Bệnh này không chữa ngay, sẽ bị mắc chứng nghẹt mũi, ho, lâu khỏi lắm, không khéo sẽ chết. Đây, ta cho mi gói thuốc này, về sắc lên với ba bát nước, khi còn một bát thì uống. Uống xong, mi đắp chăn nằm ngủ, mồ hôi sẽ xuất ra, ngày mai hết bệnh.

Cháu trở về làm y như vậy. Quả nhiên bệnh khỏi. Từ đó về sau, hễ cháu thấy ai bị cảm, vừa sốt, vừa lạnh, cháu cho uống thuốc như ông cụ cho cháu, đều khỏi hết. Lần sau gặp ông cụ, cháu kể cho ông cụ nghe. Ông cụ tát yêu cháu rồi nói:

– Con bé này thông minh đáo để. Chỉ học sơ mà biết làm thầy lang rồi. Kể ra mi cũng mát tay đấy, thôi ta dạy mi cách chữa cảm đây.

Cháu thích quá. Ngồi nghiêm chỉnh nghe. Ông cụ giảng:

– Bệnh cảm có hai loại. Một là phong hàn, hai là phong nhiệt. Phong là dương tà, gốc của trăm bệnh. Hàn là âm tà, tính nó ngưng đọng lại. Khi phong với hàn nhập vào cơ thể, làm da bị bế tắc, chân khí không thoát ra được, vì vậy nên bị sốt. Ngặt vì hàn nó ở ngoài da, nên sốt mà vẫn cảm thấy rét. Dù trùm chăn vẫn thấy rét như thường. Trong y học gọi là ác hàn. Muốn trị phong hàn phải dùng vị thuốc có tính chất chạy từ trong ra ngoài, lại nóng nữa, mới đánh tan được hàn. Vì vậy, dùng gừng tươi, tính của nó cay lại nóng, làm cho hàn tan ra. Thêm vào đó là quế chi, tính của nó làm cho dương khí chạy đều, cùng chạy ra ngoài, mà làm tan hàn. Lại thêm ma hoàng, tính phát mồ hôi rất mạnh. Ba vị này giải được phong hàn.

Cháu hỏi:

– Thế còn cam thảo?

– Cam thảo không phải là thuốc trị bệnh, mà nó chỉ làm cho vị thuốc dẫn vào cơ thể mau mà thôi. Còn một loại nữa là phong nhiệt. Bệnh nhân thấy sốt, mà miệng khô, cổ họng khô. Bệnh do phong và nhiệt, vậy phải dùng những dược vật gì để cho chạy ngoài, nhưng hạ nhiệt. Ma hoàng, cam thảo vẫn dùng, nhưng thêm lá tre với thạch cao, là hai vị thuốc làm giải nhiệt.

Từ đấy, cháu cho tỳ nữ hái thuốc để sẵn. Gặp người cảm mạo, cháu chỉ việc phân ra phong hàn hay phong nhiệt, đều chữa khỏi hết. Vì vậy, tiếng tăm cháu lan rộng. Một lần khác, cháu hỏi ông cụ:

– Có cách nào không uống thuốc mà hết bệnh không? Như ăn mà hết bệnh chẳng hạn?

Ông cụ gõ tay vào đầu cháu nói:

– Con bé láu cá, để ta dạy cho. Mi lấy một bó hành lá tươi, cắt nhỏ, cho vào nồi nấu cháo cật lợn (heo), ăn rồi đắp chăn ngủ cũng ra mồ hôi, khỏi bệnh. Nhưng, hôm sau trở về, cháu làm y như lời ông chữa cho người nhà, bệnh không khỏi. Cháu phải đổi cách điều trị, cho họ uống thuốc. Lần sau gặp ông cụ, cháu bắt đền. Cụ cười khúc khích, bảo cháu:

– Tại mi làm sai lời ta dạy. Trước hết, mi phải nấu cháo cho nhừ, lúc sắp ăn mới cho hành với cật lợn vào đảo cho chín tái đi mà ăn. Trái lại, mi lại cho hành vào nấu nhừ với cháo, bệnh nhân không xuống Diêm vương là may rồi. Thường, bệnh nhẹ ăn như vậy cũng khỏi. Còn muốn ăn chắc phải cho uống thuốc, rồi ăn thêm cháo. Còn phương pháp thứ ba là xông. Xông thì dùng như thế này: Phong hàn gồm gừng tươi, ma hoàng, quế chi, tiá tô, kinh giới, nghệ, hương nhu. Phong nhiệt gồm bạc hà, lá tre, hoa cúc, bèo, sài hồ, thăng ma. Cho vào nồi đậy kín bằng lá khoai hoặc bằng vung, đun sôi, rồi cho người bệnh ngồi trên giường, trùm chăn kín, sau đó mở vung ra. Hơi nóng, đưa hơi thuốc lên người, làm mất phong đi, làm giải nhiệt hoặc tan hàn là bệnh khỏi.

Phương Dung hỏi:

– Hùng phu nhân, ông cụ rời phu nhân lần chót cách đây mấy tháng rồi?

Trần Năng nói:

– Khoảng nửa năm. Sư thúc, thì ra ông cụ đó người phái Tản-viên?

Đào Kỳ xuất hồn, mơ màng nghĩ đến một chuyện xa xôi: Hôm đó, trong lao xá Thái-hà trang, chàng tiếp xúc với Đặng Thi Kế. Ông nói, ông còn một vị sư thúc nữa, võ công tuyệt cao, bỏ xa hẳn Lê Đạo Sinh, tên là Trần Đại Sinh. Võ công cực cao, nhưng vị sư thúc này trốn vào chốn sơn lâm thủy tận để nghiên cứu y học cứu đời, không biết nay ở đâu. Ông dặn Đào Kỳ nếu gặp vị sư thúc này, mới có thể thắng Lê Đạo Sinh để cứu phái Tản-viên khỏi tai kiếp.

Phương Dung hỏi:

– Hùng phu nhân, những điều mà viên quan người Hán hứa với ông cụ, phu nhân đã nói với ai chưa?

Trần Năng nói:

– Tuy ông cụ với cháu chỉ gặp nhau ít ngày, mà tính ông cụ thực đầm ấm. Ông cụ với cháu tình như cha con. Dù cháu không hứa với ông cụ, dù ông cụ không dạy võ cho cháu, cháu cũng không nói những điều ấy với ai.

Đào Kỳ khen:

– Phu nhân là nữ lưu mà tính tình khảng khái hơn trượng phu.

Chợt nhớ ra điều gì, Phương Dung nói:

– Thôi, xin cho chúng tôi tiêu dao tự tại, Hùng thiếu hầu, Hùng phu nhân cứ tự nhiên.

Nàng nói câu này, Hùng Bảo, Trần Năng và chính nàng cũng đỏ mặt lên đầy vẻ ngượng ngùng. Vì hôm nay là ngày cưới, việc động phòng hoa chúc là việc mà trai gái chờ đợi bấy lâu nay. Phương Dung là người tinh tế, nàng giúp cho cô dâu chú rể được tự do, nhưng chính nàng lại ngượng đến đỏ mặt lên.

Đào Kỳ cùng Phương Dung theo Hùng Trọng ra bờ sông ngắm cảnh hoàng hôn.

Hùng Trọng nói với Đào Kỳ:

– Tổ tiên tôi lập ấp ở đây đã mấy mươi đời. Đời nào cũng lấy điền ấp làm thú vui. Trước kia, tổ tiên tôi có tập võ. Đến đời tiên phụ, bị người Hán bắt giết lúc còn trẻ, tôi mồ côi cha, không ai dạy dỗ. Vì vậy, tưởng không bao giờ cất đầu lên nổi. Trang chúng tôi tuy lớn, thường bị những trang ấp khác lấn át. Không ngờ thằng con tôi lại được học võ của phái Cửu-chân. Nếu không có Đinh Công Hùng khuấy phá, chúng tôi cũng không biết cháu đã học võ nghệ. Đào thiếu hiệp, võ công của con tôi như vậy đã có thể gọi là khá chưa?

Đào Kỳ nói:

– Giỏi thì chưa thể nói rằng giỏi. Nhưng Bảo mới học, chưa có nhiều thời giờ luyện tập nên chưa thành thạo đó thôi. Sư phụ của của Hùng Bảo là người bề trên của tôi, để tôi xin phép người rồi sẽ truyền dạy thêm cho nó. Tuy không vô địch thiên hạ, nhưng trong vùng này sẽ không ai sánh kịp.

Hùng Trọng hỏi:

– Đào công tử đã biết sư phụ của Bảo là ai rồi à? Tôi là bố mà lại không biết ân nhân của gia đình mình, thực vô dụng.

Đào Kỳ nói:

– Người bề trên của tôi khi truyền dạy võ cho Bảo, chắc có nỗi khổ tâm gì nên dấu diếm đó thôi. Tôi không dám quyết là ai, nhưng khi Bảo nghe tên tôi, biết là tiểu sư thúc, tôi biết ngay, trong khi truyền thụ võ nghệ cho Bảo, sư phụ Bảo có đề cập đến tôi. Vì vậy, khi tôi xưng tên, Bảo biết liền.

Hùng Trọng nói:

– Trang Thượng-hồng của chúng tôi trải đã mấy chục đời, lúc nào cũng tự tại. Gần đây, chúng tôi bị Đinh Công Dũng uy hiếp, muốn thống nhất ba mươi sáu trang, động thành một châu, dưới sự quản trị của hắn. Tôi với Trần hầu can đảm chống lại, ngặt vì chúng tôi không biết võ. Hôm nay thấy Bảo và Năng có võ công, lại bái được minh sư làm thầy, chúng tôi yên tâm hơn. Hà... chỉ còn mấy hôm nữa là đại hội Mê-linh bàn về việc thống nhất các động, tôi và Trần hầu sẽ chống lại đến cùng.

Phương Dung hỏi:

– Trong đám thủ hạ của Đinh Công Dũng có những tay nào lợi hại không?

Hùng Trọng đáp:

– Đinh Công Dũng là một đại tôn sư võ học cao nhất vùng này. Tương truyền y đấu ngang tay với Đặng Thi Kế, chưởng môn phái Tản-viên. Y có ba anh em được đời tôn là Lôi-sơn tam hùng. Y đứng đầu, thứ đến Đinh Công Hùng, người mà thiếp hiệp đã gặp. Người này võ công tầm thường nhưng văn hay chữ tốt, nhiều mưu lắm mẹo. Người thứ ba là Đinh Công Thấng, võ công còn cao hơn Đinh Công Dũng nữa. Ba anh em làm chủ ba trang động. Ngoài ra, Công Dũng còn có hai người con. Người con trai tên Đinh Công Minh, theo học võ với một đại tôn sư vùng Quế-lâm từ nhỏ, mới trở về. Nghe nói võ công y dường như không kém gì cha, chú. Người con gái là Đinh Hồng Thanh nhan sắc mặn mà, võ công cũng cao. Ngoài ra, thủ hạ của ba trang họ Đinh cộng lại cũng đến gần vạn người.

Phương Dung im lặng suy nghĩ, không nói gì.

Sáng hôm sau, Phương Dung vừa dậy, tỳ nữ đã đưa một phong thư cho nàng:

– Thưa cô nương, có người nhờ đưa cho cô nương phong thư này.

Phương Dung mở ra coi, nàng ngẩn người ra rồi hỏi tỳ nữ:

– Ai gửi cho tôi thế này?

Tỳ nữ thưa:

– Sáng nay có người cỡi ngựa đến trước trang nói rằng đưa thư này cho vị cô nương khách quý của trang. Rồi họ đi ngay.

Phương Dung định đi kiếm Đào Kỳ, thì chủ nhân trang là Hùng Trọng đã sai người mời nàng ra phòng khách tương kiến. Nàng tới nơi, đã thấy Đào Kỳ cũng đang ngẩn người ra trước một phong thơ. Nàng hỏi Đào Kỳ:

– Đại ca, tại sao thơ đều không có một chữ gì? Ai trêu mình đây?

Đào Kỳ cầm thơ của Phương Dung lên coi, thư cũng không có chữ như thư của chàng.

Hùng Bảo nói:

– Cháu nghĩ rằng sư thúc với Nguyễn cô nương đến trang đây, chỉ có hai họ và đám Đinh Công Dũng biết mà thôi. Vậy thư này chắc do bọn Đinh Công Dũng trêu ghẹo bọn mình.

Đào Kỳ cầm phong thư soi lên ánh sáng, nhưng tuyệt không thấy một chữ gì. Thoáng thấy mùi thơm bốc lên, chàng đưa giấy vào mũi ngửi, thấy mùi thơm rất nặng. Chàng cầm phong thơ kia lên coi, thì lại là mùi thơm khác. Chàng đặt thơ xuống, suy nghĩ:

– Hai bức thơ có hai mùi vị khác nhau, thế thì kỳ lạ thực. Họ định làm gì đây?

Bỗng chàng cảm thấy mũi như bị nghẹt dần. Miệng đắng, mắt hoa, đầu óc quay cuồng. Chàng chợt tỉnh ngộ, la lớn:

– Thư có chất độc. Cấm không ai được đụng vào.

Nói rồi, chàng vội ngồi ngay ngắn vận công chống độc. Nhưng đầu óc càng hoang mang, rồi ngã lăn xuống.

Hùng Trọng, Phương Dung la lớn lên, lay gọi. Đào Kỳ chỉ gật đầu tỏ vẻ hiểu, nhưng chân tay cử động gần như không được nữa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui