Anh Hùng Đông-a Dựng Cờ Bình Mông

Bạch đầu quân sĩ tại,
Vãng vãng thuyết Nguyên-phong.
(Trần Nhân-tông)
(Người lính già đầu bạc,
Kể mãi chuyện Nguyên-Phong).
Ngày 21 tháng Chạp, năm Đinh Tỵ nhằm niên hiệu Nguyên-Phong thứ bẩy đời vua Thái-tông nhà Trần (26 tháng 1 năm 1958).
Hôm nay là ngày Thái-sư Mông-cổ Ngột-lương Hợp-thai, phò mã Hoài Đô, cùng chư tướng mở đại tiệc trong Hoàng-thành Thăng-long. Đây là bữa tiệc mừng chiến thắng trận cánh đồng Văn. Hoài Đô nói với cử tọa :
- Ta ra quân lần đầu, chỉ một trận, phá tan ba hiệu binh thiện chiến bậc nhất Đại-Việt, đuổi Thái-úy An-Nam là Khâm-Thiên đại vương chạy bán mạng. Toàn quốc rúng động. Nhiều xã mở cổng quy hàng. Ta lại chiếm được 10 huyện, đã đặt quan cai trị. Đợi qua Tết, chúng ta tiếp tục truy lùng Trần Cảnh, Trần Quốc-Tuấn, chiếm nốt các huyện còn lại. Bấy giờ ta đặt một tên khờ nào đó lên là vua, để y có thể cung ứng lương thảo, lao binh cho ta. Ta sẽ tiến lên đánh vào sau lưng bọn Tống.
Ngột-lương Hợp-thai nói với các võ sĩ Trung-quốc :
- Đối với các nước khác, bắt vua, chiếm thành là xong. Nhưng ở An-Nam làm như vậy thì chưa đủ, bởi bọn võ lâm rất có uy tín với dân. Chúng sẽ cầm đầu dân chúng nổi lên chống đối. Ta khó mà ở yên với chúng. Vậy cần thu thập bọn võ lâm trước.
Hoài Đô chỉ vào đám võ sĩ phái Côn-luân, Võ-đang :
- Tôi nghĩ, muốn trị bọn võ lâm An-Nam thì không khó. Ở đây có hai vị Thái-sơn Bắc-đẩu võ lâm Trung-quốc là Trấn-thiên kiếm Phùng tiên sinh thuộc phái Côn-luân, cùng Càn-nguyên trấn thiên chưởng của phái Võ-đang. Hai vị dẫn chư đệ tử đi đánh phá tổng đường các võ phái. Việc này phải làm song song với việc chúng tôi đem quân chiếm các huyện.
Tiêu-Hư đạo sư của phái Võ-đang từng qua lại một vài chiêu với Tuyên-minh Thái-hoàng thái hậu. Bây giờ nghĩ lại, ông vẫn cảm thấy ơn ớn. Ông hỏi tên Trịnh Ngọc :
- Không biết võ lâm An-Nam hiện có những phái nào ? Thực lực của họ ra sao ?
- Thưa đạo trưởng .
Tên Trịnh Ngọc trả lời : An-Nam có 6 đại môn phái chính. Môn phái lớn nhất là Đông-a, gốc của triều đình nhà Trần. Cao thủ như rừng, kể không siết. Thứ đến phái Yên-tử, tuy mới thành lập, nhưng thế cực mạnh ; cao thủ phái này có Tiêu-Dao đại sư, Lung-Á đại sư. Hưng-Ninh vương là đệ tử của Tiêu-Dao đại sư. Thứ ba đến phái Mê-linh có Lĩnh-Nam tam đại thần kiếm.
Nghe đến Lĩnh-Nam tam đại thần kiếm, mặt Ngột-lương Hợp-thai, Hòai Đô, A Truật cau lại thực khó coi . Hình ảnh ba ni sư này kiếm thuật thần thông, xung vào giữa đội hình Lôi-kỵ như chỗ không người. Với bản lãnh ấy thì khi ba bà xuất trận, làm thế nào mà kiềm chế được?
Tên Trịnh Ngọc vẫn lải nhải :
- Thứ tư tới phái Tản-viên. Phái này có hai đại cao thủ nức danh là Đặng Kiếm-Anh, Đặng Kiếm-Hùng, chưởng lực cao thâm không biết đâu mà lường. Còn phái Sài-sơn, thì đời nào cũng có những anh tài ở trong quân ngũ. Hiện phái này có ba đại cao thủ là Lê Ngân-Sơn, Lê Kim-Sơn, Lê Phụ-Trần. Lê Phụ-Trần là người chỉ huy trận Bình-lệ-nguyên. Cuối cùng là phái Tiêu-sơn. Tuy những năm gần đây phái này chuyên nghiên cứu Phật pháp, nhưng vẫn nảy ra một thiên tài là Y-Sơn đại sư. Võ lâm Lĩnh Nam gọi Đặng Kiếm-Anh, Đặng Kiếm-Hùng, Lê Ngân-Sơn, Lê Kim-Sơn, Tiêu-Dao, Lung-Á, Y-Sơn là Đại-Việt thất tuyệt.
Phùng Tập tỏ ý lo lắng :
- Thái-sư muốn chúng tôi thu thập bọn võ lâm. Nhưng chúng đông quá, trong khi chúng tôi chỉ có hai người thì địch sao lại ?
- Phùng tiên sinh ơi !
Hòa Đô mỉm cười :
- Tôi có bảo tiên sinh thu thập tất cả bọn chúng một lúc đâu ? Tôi muốn : Khi chúng tôi đánh tới huyện nào, mà trong huyện đó có tổng đàn một võ phái, thì nhị vị dùng lễ võ lâm gặp chưởng môn của chúng. Tiên sinh đem đại nghĩa, đem danh lợi ra chiêu dụ chúng. Chúng theo gió mà quy hàng thì tôi sẽ ban chức tước, ruộng đất cho chúng. Còn như chúng không theo, thì ta dùng quân giết tuyệt, rồi tiêu hủy tổng đàn của chúng.
Y hỏi tên Trịnh Ngọc :
- Theo ý người thì nên thu thập phái nào trước ?
- Phái Đông-a là gốc họ Trần, thì chiêu mộ e vô ích. Phái Sài-sơn cùng phái Đông-a gắn bó với nhau có trên 3 trăm năm, muốn chiêu dụ cũng khó. Còn lại, theo tiểu nhân, ta nên chiêu mộ bọn Tiêu-sơn. Vì phái Tiêu-sơn là nơi phát tích ra triều Lý. Bọn họ Trần thay bọn họ Lý, thì phái Tiêu-sơn thất sủng. Chiêu mộ dễ nhất.
Ngột-lương Hợp-thai cầm chung rượu dơ lên :
- Chúng ta hãy say một bữa, rồi sau Tết sẽ tiến quân.
Quan, quân Mông-cổ đang ăn thịt, uống rượu, được bọn ca nhi gốc người Hoa hầu hạ, ca hát vui mừng, vì chiếm được 10 huyện của An-Nam, thì thân binh vào báo :
- Thưa Thái-sư, đại tướng chỉ huy binh đoàn Phương-Đông Trần Thủ-Độ, cùng với Vạn-phu trưởng Trần Tử-An xin cầu kiến.
Ngột-lương Hợp-thai buông chung rượu hỏi lại :
- Người có nghe lầm không ? Nhị ca của ta qua đời đã lâu rồi, có đâu y...y...đội mồ sống lại ?
- Thưa Thái-sư, ông ta xưng như vậy, nhưng ông ta mặc y phục Thái-sư của Đại-Việt. Cạnh ông còn có 10 mười tùy tùng. Bọn này gồm tăng, tục, già, trẻ, nam, nữ khác nhau. Họ nói tiếng Mông-cổ rất văn vẻ.
Ngột-lương Hợp-thai nói với Hoài Đô :
- Chúng ta cùng ra xem sự thực thế nào?
Vừa tới Nam-môn Hoàng-thành, tuy cách xa nhau mấy chục năm, mà nhác trông đám khách, Ngột-lương Hợp-thai đã nhận ra người anh kết nghĩa Trần Thủ-Độ. Y reo lên :
- Nhị ca !
Cả hai nắm lấy tay nhau, lặng đi một lúc, rồi Ngột-lương Hợp-thai lên tiếng :
- Người ta...Người ta nói láo rằng nhị ca chết rồi. Không ngờ nhị ca vẫn còn tại thế. Bây giờ nhị ca làm quan với An-Nam à ?
- Đúng vậy. Không những huynh làm quan mà còn là Thái-sư của Đại-Việt nữa.
Thủ-Độ giới thiệu những người cùng đi gồm Đại-Việt thất tuyệt: Đặng Kiếm-Anh, Đặng Kiếm-Hùng, Lê Ngân-Sơn, Lê Kim-Sơn, Tiêu-Dao, Lung-Á, Y-Sơn. Lĩnh-Nam tam đại thần kiếm, nhưng hiện diện chỉ có hai vị Vô-Sắc, Vô-Ảnh. Cuối cùng là Trần Tử-An.
Phân ngôi chủ khách xong, Hoài Đô nói với Thủ-Độ :
- Thưa Trần tiên sinh ! Tôi nghe phụ hoàng nói rằng, xưa người cùng tiên sinh, Thái-sư đây, Đại-vương Bạt-Đô, Đại-vương A-lý Hải-nha kết thành Thảo-nguyên ngũ thiết điêu, nức danh Thảo-nguyên. Đức Thái-tổ phong tiên sinh làm tướng chỉ huy đạo binh Phương-Đông. Không biết hôm nay tiên sinh tới đây với tư cách là đại tướng của Mông-cổ hay là Thái-sư của An-Nam ?
Thủ-Độ biết tên nhãi con này muốn kiếm chuyện đây, ông cười nhạt:
- Khi chúng ta lừng danh Thảo-nguyên thì dường như Phò-mã chưa ra đời thì phải ? Cho nên Phò-mã mới đặt câu hỏi đó với ta. Để trả lời câu hỏi của Phò-mã, ta khẳng định, ta đến đây không nhân danh đại tướng Mông-cổ, mà cũng không nhân danh Thái-sư Đại-Việt. Ta đến đây với hai chủ đích. Một là nhân danh một con dân Đại-Việt, muốn nói chuyện với một Thái-sư thống lĩnh hành quân chinh thảo Nam-thiên. Hai là để thăm người em kết nghĩa Ngột-lương Hợp-thai.
Ông chỉ 9 vị đại tôn sư võ học Đại-Việt :
- Còn chín vị này, các người nghe tin có hai vị đạo cao đức trọng nhất trong võ lâm Trung-quốc là Tiêu-Hư đạo sư phái Võ-đang ; Trấn-thiên kiếm Phùng tiên sinh phái Côn-luân giá lâm Đại-Việt, nên tới để tiếp rước, để tỏ lòng ngưỡng mộ bấy lâu.
Coi như không biết tới Hoài-Đô, ông hỏi Ngột-lương Hợp-thai :
- Dường như tam đệ đang ăn tiệc mừng chiến thắng phải không ?
- Đúng vậy ! Xin nhị ca, cùng chư vị cùng nâng chung với đệ.
Nói rồi y ra lệnh cho ca nhi dâng rượu, tấu nhạc. Đó là nhạc chiến thắng Mông-cổ. Bọn nhạc công xử dụng toàn nhạc cụ Đại-Việt. Bọn vũ công vừa ca, vừa múa nhịp nhàng. Bản nhạc dứt, Hoài Đô hỏi :
- Khúc nhạc này thế nào ? Xin các vị cho lời bình phẩm.
Lê Ngân Sơn mỉm cười :
- Xin Phò mã cho nghe một lần nữa, lão phu sẽ tấu Độc-huyền cầm (đàn bầu), để phụ họa cho vui.
Hoài Đô phất tay, bọn ca nhi lại vừa hát vừa múa. Lê Ngân Sơn cầm cây đàn bầu treo trên tường. Lê Kim Sơn rút trong bọc ra môt ống tiêu . Kim Sơn đưa tiêu lên miệng, tiếng tiêu cất lên véo von. Ngân Sơn bật lên mấy tiếng, âm ba rung động, truyền đi rất xa. Lập tức các ca nhi bị choáng váng, lời ca nhịp múa hỗn loạn. Từ Ngột-lương Hợp-thai cho chí tên nhạc trưởng đều kinh hoàng.
Tên nhạc trưởng nghiến răng phất tay ra lệnh, tiếng đàn, tiếng phách, tiếng sênh...lại tiếp tục. Bọn vũ nữ, ca nhi ca múa lại từ đầu. Sau khi dạo mấy tiếng, lần này Ngân Sơn, Kim Sơn tấu một bản nhạc, đó là bản Động-đình ca. Đám vũ nữ không làm chủ được, chúng múa theo nhịp đàn của Ngân Sơn, tiếng sáo của Kim Sơn. Bản nhạc dứt, Ngân Sơn hỏi Hoài Đô :
- Phải chăng bản nhạc vừa rồi là nhạc Thảo-nguyên ?
Hoài Đô từng nghe nói : Phái Sài-sơn của Đại Việt ngoài võ công, kỵ mã, tiễn thủ...còn nổi tiếng về Lịch-số, Âm-nhạc. Bây giờ hai đại tôn sư dùng nội công thượng thừa truyền vào âm thanh, khiến các ca nhi, vũ nữ bị lạc nhịp, rồi không tử chủ được, phải múa theo nhịp do anh em họ Lê muốn. Y nói ngang:
- Đây là âm nhạc của rợ phương Nam. Vùng Thảo-nguyên anh hùng đời nào có loại nhạc này nhỉ.
Ngân-Sơn, Kim-Sơn lại tiếp tục tấu nhạc. Tiếng đàn, tiếng tiêu vừa phát ra thì tất cả nhạc công, vũ nữ đều bị âm ba khích động, chúng múa theo điệu nhạc. Lúc đầu các tướng Mông-cổ còn tự chủ được, nhưng chỉ lát sau, cao nhất là Ngột-lương Hợp-thai, cho tới bọn quân hầu, đều không tự chủ được, cũng múa may rối loạn cả lên. Hoài-Đô, A Truật lấy tay bịt tai lại, nhưng âm thanh vẫn cứ lọt vào trong, chân tay cứ mua may, quay cuồng. Bản nhạc dứt, thì đám ca nhi, nhạc công mệt quá, ngã ngồi xuống đất.
Thế là cuộc tấu nhạc chấm dứt.
Thái-sư Thủ Độ hỏi Ngột-lương Hợp-thai :
- Xưa tiên phụ cùng Thái-sư thúc Phạm Tử-Tuệ trị Huyền-âm độc chưởng cho phụ thân nhị đệ là Tốc Bất Đài. Sau khi phụ thân đệ khỏi bệnh, Thành-cát Tư-hãn có thề với tiên phụ rằng : Trọn đời, và di ngôn cho con cháu mãi mãi nhớ ơn Đại-Việt. Vậy không biết lời di chúc đó có còn giá trị không ?
Ngột-lương Hợp-thai biết người anh kết nghĩa này trí tuệ vô song. Muôn ngàn lần y không thể dùng ngôn từ mà thắng nổi. Y trả lời cho qua :
- Dĩ nhiên lời thề đó đến nay vẫn có giá trị.
Thủ-Độ nắm lấy tay Ngột-lương Hợp-thai :
- Vậy tại sao tam đệ lại mang quân tàn phá Đại-Việt ? Như vậy là nhớ ơn ? Là ghi ơn ư ?
Hoài Đô biết rằng đấu lý, đấu võ, đấu gì chăng nữa, Ngột-lương Hợp-thai đều không phải là đối thủ của Thủ-Độ. Y xen vào :
- Thưa tiên sinh. Khi Thành-cát Tư-hãn hứa những lời trên, thì người chỉ là một Khả-hãn bộ tộc Mông-cổ nhỏ xíu ở Lý-long hà. Còn người ban chỉ chinh tiễu An-Nam bây giờ là một đại hoàng đế Mông-cổ. Không thể mang lời hứa của một chúa bộ tộc, bắt một đại hoàng đế phải thi hành.
Y ngừng lại cười nhạt :
- Tiên sinh nên nhớ, khắp gầm trời này từ Đông sang Tây, từ Bắc uống Nam, hằng trăm nước, nhất nhất đều phải quy phục Mông-cổ. Tiên sinh từng là đại tướng của Mông-cổ, tại sao tiên sinh không bắt Trần Cảnh hạ cờ theo về Thiên-quốc. Hơn nữa tiên sinh còn giúp y đem quân chống Thiên-triều?
Đặng Kiếm-Anh cười nhạt :
- Phò mã lý luận như vậy là lối lý luận của bọn man mọi, bọn không văn hóa. Lão phu hỏi phò mã câu này nhé : Có lý nào Mông-cổ bắt tất cả các nước phải quy phục không ? Nếu như lão phu cũng đòi Mông-cổ phải quy phục Đại-Việt thì phò mã nghĩ sao ?
- Nghĩ sao ?
Hoài Đô vẫn ương ngạnh : Tại vì Mông-cổ có hàng vạn vạn Lôi-kỵ mạnh nghiêng trời lệch đất. Tại vì...

Y vung tay một cái, hai mũi phi tiễn hướng hai vị trí trên người Kiếm Anh : Huyệt Ấn-đường ở trán, huyệt Đản-trung ở ngực. Kiếm Anh cười nhạt ông phất tay một cái, hai mũi phi tiễn đổi chiều hướng người Hoài-Đô, kình lực rít lên vo vo. Kinh hãi, Hoài Đô phất tay gạt, nhưng y gạt vào quãng không. Vì hai mũi phi tiễn đã đổi chiều trúng vào cây cột gỗ, ngập tới tận chuôi. Kiếm Anh cười nhạt :
- À, thì ra phò mã cho rằng mình mạnh, thì muốn bắt ai quy phục thì bắt sao ? Cũng được ! Thôi chúng ta không cần lý luận nữa. Ngày mai chúng ta cùng đem quân quyết chiến. Chúng tôi xin chờ phò mã ở Đông-bộ đầu.
Hoài Đô run run cười gằn :
- Quyết chiến ư ! Được ! Ngày mai.
Y rút thanh kiếm trao cho một võ sĩ :
- Người là đại diện cho Mông-cổ làm giám quan. Trong bữa tiệc hôm nay chỉ nói tình nghĩa huynh đệ, đàm văn, luận võ. Hễ ai nói đến chuyện Mông-cổ, An-Nam thì chém ngay.
Đặng Kiếm-Anh cũng nói với Trần Tử-An :
- Đại-huynh! Trong anh em chúng tôi đây, duy Đại-huynh nghe, hiểu tiếng Mông-cổ, Đại-Việt, Trung-quốc. Đại-huynh làm giám quan cùng với vị huynh đệ đây.
Tiệc bầy ra, có cả món chay lẫn món mặn. Thái-sư Trần Thủ-Độ cùng Ngột-lương Hợp-thai kể cho nhau nghe những gì đã xẩy ra trong mình trong thời gian qua. Trong khi đó các tôn sư Đại-Việt cùng Phùng Tập, Tiêu-Hư tử toàn luận về võ công. Còn Hoài Đô, A Truật thì chỉ biết vểnh tai ra nghe.
Khoảng hơn giờ sau, viên Bách-phu trưởng hầu cận Ngột-lương Hợp-thai chạy bổ vào. Lập tức y bị Tử-An cản lại :
- Thái-sư có lệnh, người đang mời nghĩa huynh là Thái-sư Trần Thủ-Độ dư tiệc, ôn chuyện xưa, tuyệt đối không ai được quấy rầy.
Lát sau, tới viên Thiên-phu trưởng phụ trách việc Tế-tác nhảy bổ vào. Y nói :
- Tôi muốn được báo việc cơ mật với Thái-sư.
Tử-An đẩy y ra cửa :
- Thái-sư có lệnh : Người đang hàn huyên với nghĩa huynh. Tuyệt đối không ai được quấy nhiễu.
Cho đến giờ Thân, tiệc tàn. Thái-sư Trần Thủ-Độ đứng dậy cáo từ :
- Tam đệ ! Hôm nay tam đệ đãi chúng ta. Ngày mai, ta cũng mời tam đệ cùng các vị đây tới Đông-bộ đầu. Ta xin làm chủ nhân, mời quý vị cùng uống một bữa thực say, rồi sang năm mới sẽ quyết chiến một trận.
Khi Thái-sư Trần Thủ-Độ cùng phái đoàn Đại-Việt ra về, thì viên Thiên-phu trưởng phụ trách Tế-tác chạy bổ vào :
- Thưa Thái-sư ! Nguy rồi !
- Nguy gì ?
Hoài-Đô hỏi : Trong khi chúng ta tiếp khách, mục đích dò xem vua An-Nam ở đâu, còn đem quân bắt, thì bọn mi cứ quấy rầy hoài ! Cái gì mà nguy rồi ?
- Trình Phò-mã, đêm qua, lúc giờ Tý, Thiên-phu phụ trách tuần hành từ biên giới tới Thảo-nguyên, bị quân Việt đánh úp. Toàn bộ quân ta bị bắt, bị giết sạch.
- Vô lý ! Người kể cho ta nghe chi tiết nào !
- Quân Việt từ trong rừng, từ dưới sông, từ trong các lũy tre, đông như kiến, liều như sư tử. Chúng được ba ni sư, chỉ huy đội võ sĩ hơn 3 trăm người dẫn đầu. Chúng tràn vào nơi đóng quân. Quân ta không trở tay kịp. Thiên-phu trưởng bị một ni sư sát hại. Còn lại các Bách-phu trưởng, Thập-phu trưởng bị ba ni sư giết. Ba mụ ni sư vơí đội võ sĩ này thực kinh khủng. Chúng đi đến đâu, thì đầu Lôi-kỵ rơi đến đó. Sau khi chiếm được trại, chúng thả một Lôi-kỵ ra, bắt y mang thư về cho Thái-sư.
- Có biết ba mụ ni sư đó là ai không ?
- Nghe nói là Lĩnh-Nam tam đại thần kiếm Vô Ảnh, Vô Sắc và Vô Huyền !
- Tổ bà nó ! Lại cũng ba con mụ ni sư thối tha đó. Người nói chúng gửi thư cho ta. Đâu ? Thư đâu ?
Ngột-lương Hợp-thai tiếp thư mở ra : Trên phong bì vẽ hình một đứa trẻ chăn trâu đang cầm...cò đái . Thư như sau:
Văn-mẫn thượng tướng quân,
Thống lĩnh hiệu binh Hữu Thánh-dực,
Kiêm thống lĩnh đội võ sĩ Trấn-quốc,
Tước Kiêu-kỵ bá là Hoàng Vui,
Thư cho
Kiểm-hiệu Thái-sư,
Thống lĩnh hành quân,
Chinh thảo Nam-thiên,
Tứ-xuyên đại vương là Ngột-lương Hợp-thai.
Thừa lệnh của Vũ-Uy vương, thống lĩnh mặt trận biên giới phía Bắc, ta báo cho người biết. Người từng ruổi ngựa khắp bốn phương, anh hùng cái thế. Nay tước tới Đại-vương, thế mà khi nhập biên, người không biết rằng chúng ta ém quân trong khắp trang, động vùng biên giới. Người chỉ để lại có một Thiên-phu bảo vệ con đường tiếp tế lương thảo. Người đem đại quân xuống Thăng-long, là tự chui đầu vào giỏ cá. Bây giờ, ta diệt Thiên-phu Lôi-kỵ của người, rồi phá cầu, đặt chông, đắp lũy suốt từ biên giới tới Thảo-lâm, giống như thắt cái hom giỏ. Người không còn đường về nước. Hỡi ơi ! Bây giờ người tiến lên thì không thể đánh từng xã, từng làng. Đóng quân lại thì lương thảo không còn. Con đường về thì bị chặn mất. Vậy ta có lời khuyên người. Một là cởi giáp tới Đông-bộ đầu xin nghĩa huynh là Thái-sư Trần Thủ-Độ, để người nghĩ tình xưa, nghĩa cũ, ban cho một ngựa, sai binh dẫn về biên giới. Hoặc người có liêm sỉ, hãy tự tử để bảo toàn danh tiết cho thằng bố mi là Tốc Bất Đài .
Mặt Ngột-lương Hợp-thai tái mét, y giận đến nỗi chân tay phát run.
Vừa lúc đó, lại một mã khoái Phi-tiễn báo :
- Giờ Tý đêm qua, căn cứ Bình-lệ nguyên bị đánh úp ! Toàn bộ quân ta bị giết, bị bắt. Hiện quân Việt đóng chặn mất đường rút lui, cũng như đường tiếp tế lương thảo của chúng ta.
Hoài Đô kinh hãi hỏi :
- Tướng Việt nào chỉ huy trận đánh đó ?
- Nghe đâu là Lê Phụ-Trần.
- Làm sao chúng đánh dễ dàng như vậy ?
- Thưa chúng đánh đâu có dễ ? Giữa đêm, quân ta đang ngủ, thì quân Việt từ những cánh đồng, thình lình xuất hiện. Chúng liều mạng lăn xả vào chém giết. Chúng được ba nhà sư dẫn đầu một đội võ sĩ 5 trăm người. Bọn này lợi hại không thể tưởng tượng nổi. Chúng dùng đoản đao. Cứ mỗi đao vung lên là một người bên ta bị giết. Sau hơn hai giờ chiến đấu ác liệt, quân ta bị Ngưu-binh, Bộ-binh của chúng giết sạch.
Ngột-lương Hợp-thai hỏi :
- Ba thằng trọc ăn thịt chó đó là ai vậy ?
- Nghe nói là Tiêu-Dao, Lung-Á và Y-Sơn.
Hoài Đô chửi :
- Mẹ cha nó, đêm qua ba thằng trọc đó dự trận Bình-lệ nguyên, mà sao sáng nay chúng lại có mặt ở đây ?
- Phò mã gia ơi ! Có gì lạ đâu ? Sau khi chiếm Bình-lệ nguyên, chúng dùng thuyền xuôi giòng về đây, chỉ mất có vài giờ !
Chợt nghĩ ra một chuyện, Ngột-lương Hợp-thai gọi A Truật :
- Con mau đem một Vạn-phu Lôi-kỵ hỏa tốc tiến lên phòng thủ Cụ-bản. Bằng không chúng chiếm kho lương này thì chúng ta chết đói hết.
A Truật lệnh cho quân sĩ chuẩn bị lên đường, thì quân báo :
- Căn cứ Phù-lỗ bị quân Việt chiếm đêm qua. Thiên-phu Lôi-kỵ, hai Thiên-phu Đại-lý bị giết sạch !
A Truật kinh hãi :
- Làm thế nào mà chúng thắng ta dễ dàng như vậy ?
- Thưa Bộ- binh của ta đóng ở cánh đồng. Giữa đêm bị Ngưu-binh, Bộ-binh Việt đột nhập. Chúng được dẫn đầu bởi 3 trăm võ sĩ, do hai lão đầu bạc chỉ huy. Thực là kinh khủng, bọn này tiến tới đâu, thì quân ta bị giết tới đó. Trong khi hai bên đang xung sát, thì Lôi-kỵ được báo. Thiên-phu Lôi-kỵ vượt sông tiếp viện. Khi vừa sang sông thì Kỵ-binh Việt xuất hiện. Hai bên giao chiến trong nửa giờ, Kỵ-binh Việt bị thua bỏ chạy. Lôi-kỵ đuổi theo, bị trúng trận địa Vạn-thằng, bị Bộ-binh từ hai bên hông xông ra chém giết. Phía trước, Kỵ-binh Việt quay trở lại tấn công. Hơn giờ sau, cả Lôi-kỵ lẫn Bộ-binh của ta bị tràn ngập.
Hoài Đô phát hoảng :
- Tướng Việt nào chỉ huy trận này ?
- Thưa là Vũ-kỵ thượng tướng quân Lý Tùng-Bách và Phá-lỗ thượng tướng quân Trần Trữ, Hoài-hóa thượng tướng quân Trương Đình. Còn hai lão võ sĩ là là Đặng Kiếm-Anh, Đặng Kiếm-Hùng của phái Tản-viên.
Hoài Đô nhìn Phùng Tập, Tiêu-Hư tử :
- Lạ lùng ! Kế hoạch của ta là ém không cho võ sĩ xuất hiện. Đợi trận đánh cuối cùng mới tung ra, để bắt vua An-Nam. Dường như bọn chúng biết trước. Chúng biết các đội quân của ta không võ sĩ, chúng ra tay trước, thành ra ta thất bại.
Ngột-lương Hợp-thai hỏi Hoài Đô :
- Làm sao bây giờ ? Tôi lo cho kho lương Cụ-bản quá.
Giữa lúc đó tên Trịnh Ngọc chạy vào trình :
- Thưa Thái-sư, Cụ-bản bị tấn công dữ dội !
- Sao người biết ?
- Khi Cụ-bản bị đánh, người của chúng tôi phi ngựa về Thăng-long cáo cấp. Ngặt vì đường Cụ-bản về đây bị nghẽn ở Phù-lỗ, nên chúng phải dùng thuyền.
- Gọi tên Tế-tác đó vào đây cho ta hỏi.
Tên Tế-tác người Hoa được trình diện. Y nói tiếng Trung-quốc với Ngột-lương Hợp-thai.
- Người báo danh đi.
- Tiểu nhân tên Lâm Định.
- Tình hình Cụ-bản ra sao ?

- Không biết bằng cách nào một đội võ sĩ cảm tử An-Nam, do tên Đô-thống Trần Minh đột nhập vào kho lương. Chúng phóng hỏa khắp nơi. Trong khi đó bọn Đại-đởm thập tam kiệt đột nhập giết quân canh, mở cổng cho Ngưu-binh tràn vào. Chúng được năm người đàn bà đẹp dẫn 3 trăm võ sĩ trợ chiến. Bọn này đi đến đâu, đầu các tướng soái rơi đến đó. Bấy giờ quân ta mới báo động, choàng dậy, trong khi quân của chúng đã vào trong căn cứ. Hai bên lẫn vào nhau, lửa cháy khắp nơi. Khi tiểu nhân phi ngựa cấp báo về đây, thì hai bên vẫn còn đang chém giết nhau.
Đến đây, Hoài Đô tỉnh ngộ:
- Thái-sư! Chúng ta bị mắc mưu giặc rồi!
- Mắc mưu!
- Đúng thế! Khi nghe Thái-sư mang đại quân sang chinh tiễu, Thủ-Độ sai người phao rằng y chết rồi, để Thái-sư không đề phòng. Vì vậy...
- Mình đáng chết thực!
Ngột-lương Hợp-thai than: Đúng rồi! Từ lúc nhập Việt, Triệt Triệt Đô cũng như A Tan đều nghi rằng trong quân An-Nam ắt có một nhân vật lỗi lạc biết rất rõ binh pháp Thái-tổ, rồi nhân đó đưa ra binh pháp mới chống lại. Tôi không tin. Thì ra nhị sư huynh của tôi! Hỡi ơi! Tôi làm sao mà chống lại người.
- Cách đây một ngày, An-Nam hội quân tại Đông-bộ đầu, ra lệnh đánh vào các căn cứ quân ta. Họ ước tính rằng sáng nay, tin tức các nơi sẽ gửi về, nên mới cho Trần Thủ-Độ sống dậy. Thủ-Độ dẫn bọn tôn sư võ học An-Nam theo, giả thăm Thái-sư, nhưng thực ra...
- Đúng ! Chúng cầm chân ta, không cho tiếp xúc với tướng sĩ, để kịp phản ứng. Bây giờ thì tình trạng quá tồi tệ.
- Thưa Thái-sư, bây giờ đã muộn rồi. Ngày mai mình phải đem đại quân đi mở đường. Mở đường rồi, mới hy vọng có lương thực.
Tính cương quyết nổi dậy, Ngột-lương Hợp-thai ra lệnh :
- Trần Cảnh với Hưng-Đạo vương hiện tập trung quân ở Đông-bộ đầu. Ngày mai, chúng ta dồn hết lực lượng đánh một trận, bắt bằng được hai người này, thì các phủ, các trấn, các xã phải quy hàng. Chúng quy hàng thì thiếu gì lương thực.
A Truật than :
- Thưa phụ thân. Đợi bắt được Trần Cảnh, thì e phải mấy ngày. Kho lương Cụ-bản bị chiếm. Đường tiếp tế bị cắt. Lương tại đây chỉ còn một hai ngày. Vậy mình phải làm gì ?
Ngột-lương Hợp-thai gọi gã Trịnh Ngọc :
- Người sai bọn thân binh Hoa-kiều ra lệnh cho bọn người Hoa phải cung ứng lương thực cho quân ta.
- Thưa Thái-sư, nếu như chúng không chịu nộp thì sao ?
- Mi ngu thế ! Mi sai người đi rao : Nhà nào có lương phải nộp ! Dù trong nhà chỉ còn một con gà, một đấu gạo, thì cả nhà sẽ bị giết. Ta cho mi muốn giết ai thì giết.
- Thưa Thái-sư không nên!
Phùng Tập cản: Khi đại quân sắp tới Đại-Việt, Hoa-kiều đã bảo nhau, làm nội ứng, làm Tế-tác, làm hướng đạo, tiếp đón chúng ta. Hiện họ đã lập một hiệu quân, theo trợ giúp chúng ta. Mà nay Thái-sư lại ra lệnh cướp lương thực, tàn sát họ, thì còn trời đất nào nữa?
Ông chỉ hơn nghìn võ sĩ Trung-quốc:
- Huống hồ các võ sĩ này đang mài gươm chờ lệnh Thái-sư. Những người Hoa đều không ít thì nhiều hãnh diện vì họ. Nếu như nay quân sĩ tàn sát người Hoa, thì họ còn mặt mũi nào nữa?
- Truyền thống của Mông-cổ, là khi quân đi đến đâu, dân chúng phải dâng hiến lương thực. Người Hoa là ngoan dân, thì phải biết tuân lệnh của ta!
Suốt đêm hôm đó, quân Mông-cổ, quân Đại-lý kéo nhau đến các phường trong thành Thăng-long cướp lương thực. Nhà nào không chịu nộp, thì bị giết liền.
Từ hôm quân Mông-cổ nhập Thăng-long, bọn thủ lãnh Hoa-kiều hô hào dân chúng nổi lên làm nội ứng, để mưu cầu danh lợi, mưu cầu an ninh. Chúng đã thành công. Ngột-lương Hợp-thai cho chúng làm An-phủ-sứ, Tuyên-vũ-sứ các huyện, các phủ. Chúng hét ra lửa mửa ra khói. Người Việt thấy Hoa-kiều đều phải cúi đầu xuống lễ phép. Hoài Đô cho chúng thành lập một Thiên-phu thân binh, kéo nhau vào các phường người Việt cướp bóc, hãm hiếp mặc sức. Khi Ngột-lương Hợp-thai ra lệnh tàn sát dân Việt trong thành Thăng-long. Bọn này là lực lượng chính đi bao vây, lùa dân chúng thành từng khu. Rồi chính bọn chúng chém giết, hãm hiếp, cướp của. Những khu nhà cửa bằng tranh, bằng gỗ thì chúng đốt sạch. Còn những nhà gạch ngói thì chúng cướp lấy ở. Suốt mấy ngày qua, chúng kéo nhau về các làng xóm mua lương thực đem về Thăng-long bán. Từ khi có lệnh của Hưng-Đạo vương, dân chúng không bán lương thực cho chúng nữa. Tại các cửa hàng của Hoa-kiều, lương thực từ từ biến dần. Bây giờ có lệnh của Ngột-lương Hợp-thai, bọn binh Đại-lý, Trung-quốc kéo nhau đi cướp lương. Bất đắc dĩ họ phải nộp. Vì họ nghĩ, cứ nộp, để giữ mạng sống, rồi đem tiền vào các vùng quê mua sau.
Sáng hôm sau, tên Trịnh Ngọc báo :
"Đã thu được số lương thực, có thể nuôi quân trong vòng 5 ngày ."
Ngày 22 tháng Chạp năm Đinh Tỵ
nhằm niên hiệu Nguyên-Phong thứ bẩy
đời vua Thái-tông nhà Trần (27 tháng 1 năm 1958) .
Trời vừa hừng sáng, Ngột-lương Hợp-thai tập họp tướng sĩ ra lệnh :
- Hiện vua An-Nam tập trung quân ở Đông-bộ đầu, thách thức chúng ta tới quyết chiến. Gì chứ dàn quân, thì chúng lại thất bại như trận Bình-lệ nguyên, trận cánh đồng Văn mà thôi.
Y gọi A Truật:
- Con đem năm Thiên-phu Lôi-kỵ đi trước, dàn quân tấn công làm ba đợt. Sang đợt thứ tư thì cho Lôi-tiễn, Thạch-xa bắn vào trận giặc, rồi tấn công thực sự.
Y ban lệnh cho Hoài Đô :
- Phò mã đem sáu Thiên-phu Lôi-kỵ, chờ khi A Truật với giặc đang giao chiến, thì tung vào mỗi hông trận địch ba Thiên-phu. Tôi sẽ đem đại binh tiếp ứng. Bằng mọi giá phải phá tan quân giặc, bắt cho được Trần Cảnh.
Lại gọi Vạn-phu trưởng Hoặc Hoặc Mãn (Hoarcgoar- mann) :
- Ta để lại cho người một Thiên-phu Lôi-kỵ, 3 Thiên-phu quân Đại-lý. Để đề phòng bọn võ lâm An-Nam, ta để hai vị tôn sư Phùng Tập, Tiêu-Hư tử với đội võ sĩ . Người phải cẩn thận đừng để chúng cướp, đốt lương thảo.
Quân đang chuẩn bị lên đường thì Tế-tác báo với Thái-sư Ngột-lương Hợp-thai :
- Cuộc chiến tại Cụ-bản chấm dứt. Quân Việt đã chiếm được toàn bộ kho lương. Binh, tướng Mông-cổ hoặc bị bắt hoặc bị giết.
Ngột-lương Hợp-thai nhảy phắt lên :
- Có lý nào ? Tại Cụ-bản ta có ba Thiên-phu Lôi-kỵ, một Vạn-phu vừa quân Trung-quốc, vừa quân Đại-lý. Làm sao chúng đánh được ? Người thuật chi tiết trận đánh cho ta nghe nào !
- Thưa Thái-sư, nửa đêm hôm qua, bọn cảm tử quân do Đại-đởm thượng tướng quân Nguyễn Thiên-Sanh, Vệ Tế-tác do Đô-thống Trần Minh từ một đường mật, nhập vào Cụ-bản. Chúng mặc y phục như quân Trung-quốc, Đại-lý. Khởi đầu chúng phóng hỏa khắp nơi. Tất cả các kho lương đều bị bốc cháy. Khi Lôi-kỵ thức dậy, thì bị chúng lăn xả vào chém giết, miệng hô Sát Đát hoặc gào lên "Chúng ta vì Tống Thiên-tử, Sát Đát ". Lôi-kỵ tưởng quân Trung-quốc, Đại-lý làm phản, tất cả xông vào khu đóng quân Đại-lý, Trung-quốc chém giết. Thế bắt buộc, quân Đại-lý, Trung-quốc cũng phải chống lại. Giữa lúc đó Nam-thiên ngũ long xuất hiện với ba trăm võ sĩ, trợ chiến với quân Trung-quốc. Không đầy một giờ, bọn này giết hầu hết các Thiên-phu trưởng, Bách-phu trưởng cho chí Thập-phu trưởng Lôi-kỵ. Vì vậy đến khi trời sáng thì Lôi-kỵ hoàn toàn bị giết hết. Bấy giờ quân An-Nam do tướng Vân-ma thượng tướng quân Lê Phẩm, Chinh-thảo thượng tướng quân Nguyễn Bích, Trấn Tây thường tướng quân Phạm Long... chỉ huy Ngưu-binh, Tượng-binh, hiệu binh Tiên-yên từ ngoài đánh vào. Hầu hết quân Trung-quốc, Đại-lý đầu hàng.
Hoài Đô thẫn thờ hỏi gã Trịnh Ngọc :
- Nam-thiên ngũ long là những đứa nào ?
- Thưa là vợ của Trần Lý, Tô Trung-Từ, Phùng Tá-Chu, Trần Tự-Khánh và Trần Thủ-Độ. Chính vợ Trần Lý với vợ Phùng Tá-Chu đã sát hại A Tan và Triệt Triệt Đô. Trong trận Cụ-bản, vợ Trần Lý từng đối chưởng với đạo sư Tiêu-Hư tử.
Đạo-sư Tiêu-Hư tử khen ngợi :
- Nói ra thực xấu hổ. Trọn đời bần đạo, chưa từng thấy ai luyện nội lực tới trình độ như Tuyên-Minh thái hoàng thái hậu. Hôm đó, Thái-hậu chỉ vận có 5 thành công lực. Bằng không thì bần đạo đã mất mạng rồi.
Hoài Đô tỏ vẻ kinh hãi :
- Ngũ-long ư ! Phải gọi năm mụ này là An-Nam ngũ quái hay Giao-chỉ ngũ hồ ly. Bởi hồi niên thiếu, năm mụ đều là những thiếu nữ sắc nước hương trời. Cho đến nay, tuổi già mà võ công còn kinh thế hãi tục như vậy.
Giữa lúc đó thân binh báo :
- Có sứ giả An-Nam tới.
Sứ giả là một thương binh Mông-cổ được thả về. Y trình thư cho Ngột-lương Hợp-thai. Thư rất văn vẻ :
"Thái-phó thượng trụ quốc,
Lĩnh Trung-vũ quân tiết độ sứ.
Khai-phủ nghị đồng tam tư,
Khu-mật viện sứ, xử trí xứ,
Phụ-quốc thượng tướng quân của Đại-Việt là Hưng-Ninh vương.
Kính đệ thư tới :
Kiểm-hiệu Thái-sư,
Thống lĩnh hành quân chinh thảo Nam-thiên, Tứ-xuyên vương của Mông-cổ quốc là Ngột-lương Hợp-thai.
Từ hôm đem quân nhập Việt, ngài thường than thở rằng quân Đại-Việt không dám dàn trận đối địch với Lôi-kỵ. Hôm nay, chúng tôi đã dàn quân ở Đông-bộ đầu, chờ đợi Lôi-kỵ tới, để Kỵ-binh Đại-Việt được so tài ."
Dưới thư vẽ một hòa thượng bụng to, cười toe toét.
Tế-tác của gã Trịnh Ngọc báo :
"Vua An-Nam là Trần Cảnh, cùng Hưng-Ninh vương đã dàn Kỵ-binh, Ngưu-binh, Tượng-binh, Bộ-binh ở Đông-bộ đầu. Quân số ước khoảng ba vạn. Chúng dọa rằng, nếu Thái-sư với phò mã tới, chúng sẽ bắt đem xuống sông Hồng trấn nước ."
Ngột-lương Hợp-thai thúc A Truật tiến quân gấp. Quân tới Đông-bộ đầu, Tế-tác báo :
- Giặc dàn quân như sau : Ở giữa là đội Thị-vệ, có cờ xí, tàn lọng của vua An-Nam. Hai bên, hàng đầu cứ một Vệ Ngưu-binh, một Vệ Kỵ-binh, Tượng-binh. Phía sau là bộ binh. Không thấy chiến xa, Lôi-kỵ, Thần-nỏ.
Tế-tác trình cho A Truật địa thế : Phía sau trận quân Việt có 5 con đường lớn, dẫn vào những xóm làng xa xa, không biết rõ có quân hay không. Bên trái là sông. Dưới sông không thấy thuyền bè. Bên phải một khu đồng trồng lúa rộng khoảng trăm trượng. Sau thửa ruộng là những lũy tre cao vút của mấy ngôi làng. Không thấy dấu hiệu trong làng có quân.
Chẳng cần đối thoại với bên địch, A Truật phất cờ, 5 Bách-phu Lôi-kỵ hú lên rùng rợn, rồi lao vào trận Việt. Khi còn cách khoảng năm chục trượng, chúng đồng bắn tên, rồi quay ngựa chạy trở về. Trận Việt biến rất nhanh, Kỵ-binh, Ngưu-binh, Tượng-binh lùi lại. Bộ- binh tiến lên, dùng khiên mây hứng tên.
Đợt hai, 5 Bách-phu Lôi-kỵ lại tấn công nữa. Đến đợt ba, sau khi Lôi-kỵ bắn tên, vừa quay ngựa chạy, thì Bộ-binh nằm rạp xuống, trận mở ra, Nỏ-thần tác xạ ba loạt. Lôi-kỵ bị trúng tên, ngã lổng chổng. Bộ-binh Việt lăn mình dưới đất dùng đao quất chặt chân ngựa. Thoáng một cái, 5 Bách-phu bị giết sạch.
Đứng xa xa chỉ huy, A Truật kinh hãi. Y dậm chân :

- Trời ơi ! Tại sao bọn An-Nam biết trước kế hoạch của ta, mà phản công vào đợt ba ? Thế là kế hoạch bị loạn. Lôi-tiễn Thạch-xa vô dụng rồi.
Y đành phất cờ cho cả 5 Thiên-phu Lôi-kỵ dàn làm mười hàng tấn công. Thế trận Việt biến đổi thực nhanh, các cánh quân tỏa vào 5 con đường phía sau. Chông, chà kéo đầy đường, Lôi-kỵ không tiến được. A Truật sai kéo chông, chà, để đuổi theo quân Việt.
Vừa lúc đó thì đại quân Ngột-lương Hợp-thai tới. Lôi-kỵ ùn lại trên một bãi đất rộng. Y quyết định : Mỗi con đường, cho 2 Thiên-phu Lôi-kỵ đuổi theo. Còn đại quân thì dừng lại chờ đợi.
Lát sau quân báo :
- Hai đạo quân đánh bọc hông quân Việt của phò mã Hoài Đô đang giao chiến với Ngưu-binh giặc. Bọn Ngưu-binh này do tên Dã Tượng với bốn tên Cu chỉ huy.
- Năm đạo quân đuổi theo bắt vua An-Nam đang giao chiến với Kỵ-binh, Ngưu-binh giặc. Bọn Ngưu-binh này do 5 tên Trâu chỉ huy.
Đến đó, trống thúc vang lừng. Thủy-quân Việt từ hạ lưu dàn hàng hai, đang tiến lên. Trên các chiến hạm, Lôi-tiễn nã vào đội hình Lôi-kỵ. Lôi-tiễn của Mông-cổ cũng phản pháo. Nhưng chiến hạm thì lưu động, khó trúng mục tiêu. Trong khi Lôi-tiễn Thủy-quân đã tính từ trước, nã vào khu trú quân Mông-cổ.
Trời dần dần về chiều. Tin tức báo về liên tiếp :
- Hai cánh quân của phò mã Hoài-Đô giao chiến với quân của Trần Khánh-Dư bị thất bại. Xin tiếp viện.
Ngột-lương Hợp-thai viện cho Hoài Đô 5 Thiên-phu Lôi-kỵ. Tế-tác lại báo :
- 5 đoàn quân đuổi theo vua An-Nam, thì ba đoàn bị đánh bại. Bọn võ lâm An-Nam xuất hiện giết hết Thiên-phu, Bách-phu trưởng. Quân không tướng chỉ huy, bị hỗn loạn.
Ngột-lương Hợp-thai truyền tiếp viện cho mỗi đoàn một Thiên-phu. Quân lên đường khoảng hơn giờ sau, thì tin báo : Cả năm đoàn quân bị bại. Chúng vừa đánh vừa lui. Bao nhiêu Thiên-phu trưởng, Bách-phu trưởng dĩ chí Thập-phu trưởng đều không còn. Ngưu-binh, bộ binh Đại-Việt đuổi theo rất gấp.
Trong 5 con đường mà 5 đoàn quân Việt đuổi theo Lôi-kỵ, thì mỗi đoàn do một tướng dẫn đầu, với đội võ sĩ. Năm tướng đó là Nguyên-Phong hoàng đế, Thái-sư Trần Thủ-Độ, Hưng-Ninh vương Trần Quốc-Tung, Lê Ngân-Sơn, Lê Kim-Sơn.
Ngột-lương Hợp-thai tung quân lên quyết bắt cho được Nguyên-Phong hoàng đế. Nhưng đội võ sĩ do Vũ-vệ thượng tướng quân Đỗ Thanh dàn trận như thành đồng vách sắt. Mỗi võ sĩ tay cầm khiên mây, tay cầm đao quất. Mỗi lần đao vung lên là y như không một kỵ mã thì một ngựa bị đánh ngã. Lôi-kỵ không còn dùng cung tên được nữa, đành phải dùng đao, dùng lao thì đấu sao lại những võ sĩ ?
Cuộc chiến mỗi lúc một thêm rùng rợn. Bỗng từ khu làng bên hông phải của trận Mông-cổ, trống thúc vang dội, Ngưu-binh từ trong các làng ào ào tiến ra, đếm không siết. Tế tác chỉ các tướng trâu, báo với chúa tướng:
- Thưa Thái-sư, bọn Ngưu-binh này do 5 con Hĩm chỉ huy.
Trong khi đó Thủy-quân đổ bộ đánh vào bên trái.
Ngột-lương Hợp-thai đã quen với lối dàn quân. Y bình tĩnh chia quân chống trả. Trận chiến diễn ra thực khủng khiếp. Lôi-kỵ, Ngưu-binh lẫn lộn vào với nhau. Tên bay, đao quất vung, trận địa giây, bộ binh lăn dưới đất chặt chân ngựa...chém giết thực rùng rợn. Giữa lúc đó, Tế-tác từ Thăng-long về báo :
- Đạo quân đóng ở cánh đồng Văn bị Thái-tử An-Nam đánh tan. Tàn binh rút về Thăng-long.
Ngột-lương Hợp-thai kinh hoảng. Y quyết đốc quân chiến, để bắt cho được Nguyên-Phong hoàng đế.
Khi trời chập choạng tối, thì quân báo :
- Thành Thăng-long bị quân An-Nam chiếm mất rồi!
Ngột-lương Hợp-thai rụng rời chân tay :
- Làm sao chúng chiếm được ? Chúng lấy quân ở đâu mà tấn công vào thành ?
- Quân của chúng không nhiều. Chúng chỉ có một Vệ Tế-tác do Đại-đởm thập tam kiệt chỉ huy với một Vệ võ sĩ của Đô-thống Trần Minh. Chúng đi theo đường hầm, thình lình xuất hiện như thiên tướng giáng hạ. Giữa lúc quân ta giao chiến với chúng thì hiệu binh Hoa-kiều làm phản, quay giáo đánh lại ta. Hoặc Hoặc Mãn cầu cứu với Phùng Tập, Tiêu Hư tử và đội võ sĩ Trung-quốc. Thì đám này cũng quay lại làm phản. Vì vậy, không đầy một giờ, thành Thăng-long bị chiếm. Thái-tử An-Nam dẫn quân từ cánh đồng Văn kéo về trấn trong thành.
- Bọn võ sĩ Trung-quốc làm phản?
- Vâng, chính Phùng Tập, Tiêu-Hư tử chỉ huy võ sĩ Côn-luân, Võ-đang đánh Lôi-kỵ. Vì vậy thành mới bị mất.
Trời đã tối hẳn. Quân Đại-Việt lùi lại, chăng chà khắp nơi, bao vây trận địa Mông-cổ. Lôi tiễn của Thủy-quân trên sông, của bộ binh từ trong làng ; vẫn nã đều đều vào đội hình Mông-cổ. Quân Mông-cổ cũng nã Thạch-xa, Lôi-tiễn vào làng.
Ngột-lương Hợp-thai truyền lệnh, thu quân, tạm đóng quân tại chỗ chờ qua đêm, rồi ngày mai sẽ tái chiếm Thăng-long.
Gặp lại Hoài Đô, Ngột-lương Hợp-thai hỏi :
- Phò mã ? Trước tình thế này ta phải làm gì ? Không biết cánh quân đóng ở Kinh-Bắc, Gia-lâm thế nào ?
- Hai cánh quân này cũng bị tấn công. Cả hai bị quân của Trần Khánh-Dư đánh cắt đường liên lạc. Chúng ta bị cắt làm ba rồi. Ngày mai lương thực hết, thì làm sao đây ? Tôi nghĩ, trước tình thế này, chỉ có cách rút quân về Đại-lý, rồi sẽ phục thù sau.
- Rút ! Nhưng đường rút quân bị chặn ở Phù-lỗ, Cụ-bản, Bình-lệ nguyên, Thảo-lâm... Làm sao bây giờ ?
Bất giác y đưa mắt nhìn :Phía hông phải, sau lũy tre, đèn đuốc sáng rực. Bên trong vọng ra những tiếng nhã nhạc, mà lại là nhạc chiến thắng của Mông-cổ. Phía trước, dọc năm ngả đường, không một chút ánh sáng, nhưng trống quân Việt thúc nhịp nhàng. Phía hông trái, trên sông, Thủy-quân Đại-Việt dàn ra san sát, đèn đuốc thắp sáng rực. Chỉ còn phía sau, là con đường về Thăng-long, là do quân Mông-cổ trấn đóng qua đêm.
Nhìn ra sông. Bất giác y nổi giận cành hông : Trên mặt một soái thuyền, Nguyên-Phong hoàng đế ngồi trên một chiếc ngai. Phía trái là Hưng-Đạo vương, phía phải là Hưng-Ninh vương. Cả ba đang uống rượu, ăn thịt. Có ca nhi múa hát hầu.
Giữa lúc đó, thân binh báo :
- Thái-sư An-Nam là Trần Thủ-Độ cầu kiến.
Hoài Đô hỏi :
- Mình có nên tiếp y không ?
- Tiếp chứ !
Thái-sư Trần Thủ-Độ đi với Vạn-phu trưởng Trần Tử-An, cùng mấy quân hầu khiêng rượu, thịt tới. Vừa thấy Ngột-lương Hợp-thai, Thủ-Độ đã nắm lấy tay y :
- Tam đệ ! Hôm qua ta mời tam đệ đến Đông-bộ đầu. Hôm nay ta làm chủ nhân khoản đãi tam đệ những đặc sản của Đại-Việt. Nào chúng ta cùng uống một bữa thực say, rồi từ nay kẻ Bắc, người Nam, khó mà găëp lại nhau.
Hoài Đô hỏi :
- Trần tiên sinh ! Tôi nghĩ rằng những lời của tiên sinh là những lời giả trá. Nếu thực sự tiên sinh còn nghĩ đến tình kết nghĩa với Thái-sư, thì sao còn cho Lôi-tiễn nã nào quân chúng tôi !
- À ! Việc tôi mời tam đệ là giữa cá nhân Trần Thủ-Độ với Ngột-lương Hợp-thai. Còn việc nã Lôi-tiễn là cuộc chiến giữa Đại-Việt với Mông-cổ. Công, tư hai bề khó vẹn toàn.
Tử-An cũng xen vào :
- Vả đây là vùng thống lĩnh của Hưng-Ninh vương. Cuộc nã Lôi-tiễn này không do lệnh Thái-sư, mà do lệnh của Hưng-Ninh vương.
Thấy tư thái Ngột-lương Hợp-thai mệt mỏi quá, Thái-sư Thủ-Độ nghĩ đến những ngày cùng Thảo-nguyên ngũ thiết điêu ruổi ngựa trên cánh đồng Mông-cổ. Ông rút trong bọc ra một chiếc pháo thăng thiên, châm lửa, rồi tung lên không. Chiếc pháo nổ đùng một tiếng, rồi tỏa ra hình con chim ưng đang bay, chân cặp kiếm. Lập tức tiếng Lôi-tiễn ngừng liền.
Ngột-lương Hợp-thai cung tay Thủ-Độ:
- Đa tạ nhị ca.
Rượu được 5 tuần, Ngột-lương Hợp-thai nắm tay Thủ-Độ :
- Nhị ca ! Nếu nhị ca không vì đệ thì cũng vì đại ca. Không vì đại ca thì cũng nghĩ tới Thành-cát Tư-hãn, mà nới tay trong trận này không ?
Nghe nhắc đến Thành-cát Tư-hãn, lòng lão tướng Thủ-Độ lại nhũn ra. Ông thở dài chỉ Trần Tử-An :
- Ngày mai, ta để Tử-An dẫn tam đệ với cháu A Truật rời khỏi Đại-Việt.
A Truật kinh hãi :
- Nhị sư bá ! Thế còn mấy vạn người ngựa này thì sao ? Xin nhị sư bá nới cho chút nữa.
Thủ-Độ xoa hai tay vào nhau :
- Khó quá ! Ta tuy là Thái-sư, mà quyền Tiết-chế lại do Hưng-Đạo vương. Mà Hưng-Đạo vương cũng không có toàn quyền. Chỉ có Nguyên-Phong hoàng đế mới có quyền sai mở vòng vây cho tam đệ dẫn quân về mà thôi. Ta sẽ tâu lên người.
Ngày 23 tháng Chạp năm Đinh Tỵ
nhằm niên hiệu Nguyên-Phong thứ 7
đời vua Thái-tôn nhà Trần (28 tháng 1 năm 1258).
Dọc sông Hồng-hà quanh Thăng-long, hạm đội Âu-Cơ, Động-đình dàn ra san sát, cờ xí bay phất phới.
Đoàn quân Mông-cổ hùng tráng, nối đuôi nhau xuốngï những chiến thuyền, để được chở qua sông. Cuộc vượt sông phải mất gần hai giờ mới xong. Ngột-lương Hợp-thai, A Truật, Hoài Đô cùng các tướng soái đi chuyến cuối cùng. Trên thuyền còn có nhiều đại thần Việt theo tiễn đưa gồm Thái-sư Trần Thủ-Độ, bốn vị bồi sứ từng ở Mông-cổ một thời gian: Khai-sơn hầu Chu Mạnh Nhu, Tây-sơn hầu Vũ Khắc-Kim, Quân-sơn hầu Phạm Thành Quy, Vũ-sơn hầu Tạ Quốc-Ninh; Vạn-phu trưởng Trần Tử-An.
Thuyền cập bến.
Trên bến, một Vệ Ngưu-binh, một Vệ Kỵ-binh, một Vệ Tượng-binh, đội nhạc trên 200 nhạc công tấu nhạc chiến thắng. Cuối cùng một Vệ giáp sĩ...cùng dàn ra hai bên đường. Tướng tổng chỉ huy đội quân dàn chào cùng 12 võ quan nữa, trang phục cấp Đạo-úy. Tất cả cùng đứng dưới cờ có hàng chữ:
" Đại-Việt đại đởm thập tam kiệt".
Một lá khác có hàng chữ:
" Đại-đởm thượng tướng quân,
An-xuyên bá, Nguyễn".
Từ Ngột-lương Hợp-thai cho đến những Lôi-kỵ thấp nhất cùng dán mắt nhìn Đại đởm thập tam kiệt, là những người từng gây cho đội quân Lôi-kỵ vô địch thế giới nhiều phen kinh tâm động phách. Trước mắt họ, đó là 13 người da đen bóng, thân hình nhỏ bé so với người Mông-cổ, mắt chiếu ra tia hàn quang.
Trong phủ đường Gia-lâm, một tiệc rượu bầy sẵn. Thái-sư Trần Thủ-Độ nắm tay Thái-sư Mông-cổ Ngột-lương Hợp-thai:
- Tam đệ! Cuộc chia tay hôm nay không biết bao giờ mới gặp lại. Vì vậy huynh bầy tiệc rượu này, để anh em chúng ta cùng uống một bữa thỏa thích.
- Cảm ơn nhị ca.
Ngột-lương Hợp-thai nói như người mất hồn: Có bao giờ nhị ca nghĩ đến ngày Thảo-nguyên ngũ thiết điêu trùng phùng trên vùng cỏ hoang, đi săn với nhau không?
- Huynh vẫn ước ao cái ngày đó.
Ngột-lương Hợp-thai ra lệnh cho A Truật:
- Người dẫn quân lên đường trước đi. Phò mã ở lại cùng ta dự tiệc với nhị sư bá, rồi sẽ đi sau. Nhớ cho thương binh đi đầu, rồi tới bộ binh. Lôi-kỵ đi cuối cùng.
Được ba tuần rượu, thì môt khoái mã Phi-tiễn báo với Hoài Đô:
- Thưa phò mã, tiền quân tới Phù-lỗ, thì gặp Kỵ-binh Việt dàn sẵn. Họ bao vây đoàn tiền quân, không cho đi.
Vũ-sơn hầu Tạ Quốc Ninh đứng bật dậy:
- Chết thực! Hồi nãy tiểu tướng quân lên đường mà tôi quên cho người đi theo. Xin phép Thái-sư, đích thân tôi phải dẫn đường cho tiểu tướng quân mới được.
Hầu lấy ngựa phi như bay, khoảnh khắc sau, đã tới Phù-lỗ. Tiền quân Mông-cổ toàn là thương binh, bị Kỵ-binh bao vây cứng như thành đồng vách sắt. Ba tướng Việt chỉ huy là Vũ-kỵ thượng tướng quân Lý Tùng-Bách, Phá-lỗ thượng tướng quân Trần Trữ, Hoài-hóa thượng tướng quân Trương Đình đang đứng đối diện với A Truật.
Lý Tùng Bách hỏi:
- Thưa Tạ hầu! Tướng A Truật nói rằng Đại-Việt với Mông-cổ giảng hòa, hai bên bãi binh, nên y dẫn quân hồi hương. Tôi hỏi có lệnh bài không, thì y không có.
Tạ Quốc-Ninh xuất trong bọc ra một lệnh bài của Thái-sư Trần Thủ-Độ trao cho Lý Tùng-Bách:
- Điều tiểu tướng quân A Truật nói đó là sự thực. Đây là lệnh bài của Thái-sư.
Lý Tùng-Bách, Trần Trữ, Trương Đình cùng xuống ngựa xá A Truật:

- Xin huynh đừng buồn. Chúng tôi là võ tướng, phải giữ quân luật, thành ra có chỗ hiểu lầm.
Trần Trữ cầm cờ phất một cái, trận Việt tách làm đôi. Đoàn quân Mông-cổ thủng thỉnh lên đường. Lý Tùng Bách trao cho A Truật một cái túi vải. Trong túi có một con gà quay, một bình rượu, một tảng xôi nén:
- Huynh cầm tạm cái này, gọi là chút thổ sản Đại-Việt. Gà rừng Đại-Việt quay hy vọng cũng ngon như gà rừng Thảo-nguyên.
Tạ Quốc Ninh cùng A Truật dẫn đầu đoàn quân qua Cụ-bản. A Truật kinh ngạc vô cùng, vì dân chúng đã trở về, họ được quân lính giúp đỡ, đang xây dựng lại nhà cửa. Họ thản nhiên đứng nhìn đoàn quân Mông-cổ đi qua.
Thình lình một tiếng Lôi-tiễn nổ rung động không gian, rồi giữa chiến lũy, một Vệ Thiết-kỵ, một Vệ Ngưu-binh, một Vệ Bộ-binh xuất hiện. A Truật kinh hoảng đưa mắt nhìn Tạ Quốc Ninh như muốn hỏi: Cái gì nữa đây? Thì ba tướng Lê Phẩm, Nguyễn Bích, Phạm Long sai quân khiêng xôi, gà quay, lợn quay, bánh chưng, bánh dầy, rượu ra.
Phạm Long cung tay:
- Tuân chỉ Đại-Việt hoàng đế, anh em chúng tôi mang chút thổ sản ra khoản đãi quân Thiên-triều. Chúng tôi xin kính chúc Thiên-tướng, Thiên-binh thượng lộ bình an.
Nghe Phạm Long nói, A Truật muốn nổi lôi đình. Vì rõ ràng đại binh Mông-cổ bị đánh bại, nhờ Thái-sư Trần Thủ-Độ nghĩ tình nghĩa giữa Thảo-nguyên ngũ thiết điêu, mà ân xá cho về. Đoàn hùng binh Mông-cổ thui thủi như chó cụt đuôi, mà Phạm Long lại gọi những gì là Thiên-triều, Thiên-tướng, Thiên-binh, thì rõ ràng y chế diễu rồi!
Ăn uống xong, đoàn bại binh Mông-cổ tiếp tục lên đường. Khi tới Bình-lệ nguyên, thì mặt trời đã nghiêng bóng. Xa xa, bụi bốc lên mịt mù. Dưới lớp bụi, quân Việt dàn trận, khí thế cực kỳ hùng tráng. Dưới sông, các chiến thuyền thuộc hạm đội Thần-phù, Bạch-đằng nối nhau thành hàng dài. Tạ Quốc Ninh lẫn A Tan cùng cảm thấy, dường như có sự bất tường. Một tiếng pháo lệnh nổ, rồi Kỵ-binh Đại-Việt tỏa ra thành ba cánh, bao vây lấy binh đoàn Mông-cổ. Tướng chỉ huy chính là Nguyễn Thời, đi dưới lá cờ súy có hàng chữ:
" Trung-lược thượng tướng quân,
Vị-thanh bá Nguyễn".
Theo quan chế Trần triều thì chức Khu-mật viện sứ cao hơn Trung-lược thượng tướng quân nhiều. Tước của Tạ Quốc Ninh là Vũ-sơn hầu cao hơn tước Vị-thanh bá ba bậc. Nhưng Nguyễn Thời là biên cương trọng thần, là tướng cầm quân, nên Quốc Ninh phải hạ thể, lễ phép hỏi:
- Thượng tướng quân! Chiến tranh đã hết. Đại-Việt, Mông-cổ hòa với nhau. Tuân lệnh của Thái-sư Trung-vũ đại vương, tôi tiễn quân Mông-cổ về nước, xin tướng quân mở đường.
Nguyễn Thời xá Quốc Ninh:
- Xin quân hầu thứ lỗi. Tướng ngoài trận, không nhất thiết phải nghe lệnh vua. Hồi sáng, có sứ giả đi thuyền tới báo cho Thái-bảo Lê biết vụ này rồi. Thế nhưng, đúng lúc đó, quân Mông-cổ từ biên giới tràn sang. Hiện quân của Vũ-Uy vương đang giao chiến với chúng. Lê Thái-bảo chuẩn bị đem quân vượt sông tiếp viện. Như vậy là Mông-cổ vi ước. Cho nên Thái-bảo Lê sai tiểu tướng ngăn binh đoàn này lại.
Thái-sư Trần Thủ-Độ với Ngột-lương Hợp-thai tới. Tạ Quốc Ninh trình bầy tình hình. Ngột-lương Hợp-thai hiểu ngay:
- Nhị ca! Có lẽ đây là Thiên-phu đóng ở bờ sông Kiến-thủy tiếp tế lương thảo cho đệ. Nên có sự hiểu lầm.
Thủ-Độ, Ngột-lương Hợp-thai ra lệnh cho quân hai bên đóng trại qua đêm tại chỗ.
Ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ
nhằm niên hiệu Nguyên-Phong thứ bẩy
đời vua Thái-tôn nhà Trần (29 tháng 1 năm 1958).
Sáng sớm, Trung-vũ đại vương Trần Thủ-Độ, dẫn Thái-sư Mông-cổ Ngột-lương Hợp-thai từ Bình-lệ nguyên vượt sông sang vùng Thảo-lâm.
Thái-bảo Lê Phụ Trần cùng Văn-mẫn thượng tướng quân Hoàng Vui đứng đón trên bờ.
Lễ nghi tất.
Ngột-lương Hợp-thai nóng ruột:
- Lê Thái-bảo! Tình hình ra sao?
Tạ Quốc Ninh dịch lại.
- Trễ quá rồi.
Lê Phụ Trần trình bầy: Thiên-phu Lôi-kỵ do một tướng người Hán tên Ôn Đức chỉ huy, cùng ba nghìn lao binh khuân vác. Khi họ sắp nhập biên thì Vũ-Uy vương biết, người sai Trấn-biên tướng quân Trần Quới, Phì-đức tướng quân Bùi Hoán phục binh dọc Thảo-lâm chờ đợi. Quân Mông-cổ trúng phục binh. Cuộc giao chiến trong một giờ, thì quân Mông-cổ bại, phải bỏ chạy. Khi họ chạy tới Quy-hóa thì bị Thủ-lĩnh trại Quy-hóa Hà Bổng chặn đánh. Ôn Đức tử trận, còn lại toàn quân bị bắt, bị giết hết.
Ghi chú của thuật giả.
Theo ĐVSKTT thì Ngột-lương Hợp-thai dẫn quân chạy về đến biên giới, thì bị chúa trại Quy-hóa là Hà Bổng đổ quân ra đánh. Trong khi sưu tầm tài liệu, khi đến Vân-Nam (1979) tôi đã tìm được một tập sách mỏng mang tên Đại-lý cổ sự lục, tại thư viện đại học Văn-khoa Côn-minh, Vân-Nam. Tác giả là Uông Kinh đời Minh. Trong đó ghi "Tại xã Kiến-thủy, có đền thờ Ôn đại vương. Đại vương là tướng triều Nguyên, chinh tiễu Giao-chỉ tuẫn quốc". Tôi tìm đến xã Kiến-thủy huyện Khai-nguyên tỉnh Vân-Nam, thì thấy đền tuy quá cổ, nhưng chưa đến nỗi đổ nát. Tấm bia trước đền ghi lại một vài sự kiện về cuộc chiến tranh Mông-Việt 1258. Trong đó nói rằng Ôn Đức đem quân tiếp tế cho Ngột-lương Hợp-thai, bị chủ trại Man-dân họ Hà phục binh giết chết. Vì vậy tôi bỏ không theo ĐVSKTT mà theo bia đá.
Thái-sư Trần Thủ-Độ ra lệnh:
- Các vị hãy thu quân, mở đường cho quân Mông-cổ về nước.
Vũ-Uy vương đã đến.
Lễ nghi tất.
Vương sai bầy tiệc đãi Ngột-lương Hợp-thai cùng chư tướng Mông-cổ. Tạ Quốc Ninh làm thông dịch.
Được hai tuần rượu, Ngột-lương Hợp-thai ngần ngừ một lát rồi y nói với Thái-sư Thủ-Độ :
- Nhị ca ! Hiện Đại-Việt bắt của đệ mấy nghìn tù binh. Không biết nhị ca có thể thả cho chúng về chăng ?
Thủ-Độ xua tay :
- Thả chứ ! Thả chứ ! Huynh giữ làm gì ?
- Thế bao giờ thì thả ?
- Hai tôn sư võ học Trung-quốc là Phùng Tập, Tiêu Hư tử vì muốn cứu mấy chục vạn Hoa-kiều mà phải cùng nghìn võ sĩ bỏ Mông-cổ theo Đại-Việt...
Hoài Đô vốn cực kỳ thông minh, y lên tiếng :
- Chúng tôi bắt vợ con các võ sĩ Tống, để ép họ theo chúng tôi đánh Đại-Việt. Bây giờ họ hàng Đại-Việt, họ sợ chúng tôi giết vợ con họ phải không ? Ý Thái-sư muốn tôi tha cho vợ con họ, thì Thái-sư mới thả tù nhân. Có phải thế không ?
Vũ-Uy vương cười :
- Không phải như vậy !
- Thế thì ?!?!?!
- Xin Phò-mã sai người đưa tất cả vợ con họ sang Đại-Việt, trong khi đó tôi cũng đưa tất cả tù binh lên đây, rồi trao đổi. Người Việt chúng tôi gọi là tiền trao, cháo múc. Phò-mã bằng lòng chứ ?
- Vâng !
Trong tiệc, Hoài Đô hỏi Vũ-Uy vương:
- Nói thực với vương gia. Trong trận chiến vừa qua, chúng tôi bị bại vì ba nguyên do. Một là, Đại-Việt khích động toàn dân cùng cầm vũ khí. Người Việt gọi là...toàn gì gì đó.
Hoàng Vui cười:
- Cả nước là thành, toàn dân thủ thành.
- Thứ nhì là khiên mây, đao quất khiến cung tên trở thành vô dụng.
- Còn nguyên do thứ ba?
Hoàng Vui hỏi: Vì dân không cung ứng lương thảo?
- Không! Vì Ngưu-binh. Quả thực Ngưu-binh là khắc tinh của Lôi-kỵ. Hầu như tất cả thất bại của Lôi-kỵ đều do Ngưu-binh gây ra. Không biết vương gia có thể cho tôi gặp một vài tướng trâu không? Lại còn bọn Ngạc-ngư nữa. Bọn này mặt mũi, hình thù ra sao, cho đến giờ này chúng tôi đều chưa thấy.
Vũ-Uy vương xoa tay vào nhau:
- Khi được tin Ôn Đức nhập biên, tôi tưởng Mông-cổ đem đại quân sang nữa, nên sai ngựa Lưu-tinh báo về triều. Phụ hoàng truyền lệnh cho cả 20 tướng trâu phi ngựa bất kể ngày đêm lên chi viện cho tôi. Hiện bọn chúng đều có mặt ở đây. Để tôi gọi chúng vào.
Vương để tay lên miệng, rồi hú một tiếng dài liên miên bất tận. Không đầy một khắc sau, 20 tướng trâu, đội Ngạc-ngư cùng chạy tới hành lễ. Bọn tướng trâu đứng thành 4 hàng, mỗi hàng 5 đứa. Còn bọn Ngạc-ngư thì dàn thành hai hàng.
- Thái-sư Mông-cổ đây muốn được gặp các em. Vì vậy ta gọi các em tới, để người được thấy dung nhan. Các em hãy trình diện Thái-sư đi !
Sấu-vàng Yết-Kiêu hành lễ:
- Đô-thống Sấu-vàng, trưởng đội Ngạc-ngư xin tham kiến Thái-sư.
Hoài-Đô cực kỳ ấm ức vì khi vượt sông bị bọn Ngạc-ngư cắt dây buộc bè, làm chết gần trăm Lôi-kỵ. Y đưa mắt nhìn: Đó là 18 đứa trẻ rất kháu khỉnh. Y hỏi:
- Các em làm thế nào mà lặn dưới nước lâu như vậy?
Yết-Kiêu hỏi ngược lại:
- Phò-mã làm thế nào mà cỡi ngựa không yên? Làm thế nào mà ngủ trên mình ngựa được?
- Thì do luyện tập từ nhỏ, đời cha truyền cho đời con.
- Chúng tôi cũng vậy! Tổ tiên cúng tôi sống trên biển trải gần bốn nghìn năm...
Hoài-Đô liếc nhìn các tướng Trâu, y chưa kịp lên tiếng thì Dã-Tượng đã hành lễ, rồi nói :
- Đô-thống Dã-Tượng tổng lĩnh các tướng trâu xin tham kiến Thái-sư.
Nó chỉ Hĩm Còi :
- Đây là Đô-thống Hĩm Còi, phó thống lĩnh.
Hĩm Còi hành lễ.
Ngột-lương Hợp-thai nhìn đám trẻ: Chúng ở tuổi từ 13 đến 17, da mặt cháy đen, đôi mắt tinh anh. Không đứa nào có hình sắc gì khác trẻ ở Mông-cổ, thế mà chúng gây ra không biết bao nhiêu kinh hoàng cho Lôi-kỵ Mông-cổ. Dã-Tượng chỉ vào hàng đầu :
- Thưa Thái-sư, sau mấy chiến thắng, Nguyên-Phong hoàng đế thăng tất cả các tướng trâu lên cấp Vệ-úy, đẳng trật Tá-lĩnh. Đầu tiên là 5 Cu. Tiểu nhân là Cu Chó, mới đây được Nguyên-Phong hoàng đế ban cho tên Dã-Tượng. Còn đây là Cu Đen, Cu Rỗ, Cu Méo, Cu Lác.
Bọn Ngột-lương Hợp-thai đã từng bắt được Cu Méo, định giết nó, may nó được Tuyên-minh thái hoàng thái hậu giải thoát. Bây giờ đứng đối diện với quân thù trong thế chiến thắng. Mặt nó vênh lên, đầy vẻ khiêu khích.
Nó chỉ vào hàng thứ nhì :
- Đây là 5 thằng Trâu, gồm Trâu Đen, Trâu Xanh, Trâu Điên, Trâu Trắng, Trâu Mập.
Hĩm Còi chỉ vào hàng thứ ba :
- Đây là năm Hĩm, gồm tiểu nữ là Hĩm Còi, rồi tới Hĩm Cao, Hĩm Lùn, Hĩm Rỗ, Hĩm Hô.
Nó lại chỉ vào hàng cuối :
- Đây là năm Cái, gồm Cái Lan, Cái Huệ, Cái Hồng, Cái Tiên, Cái Sen.
Hoài Đô tỏ vẻ khuất phục :
- Chúng tôi từng chinh chiến trải qua hơn 30 nước. Bất cứ nước nào, trẻ con chỉ nhìn thấy Lôi-kỵ là chết khiếp rồi. Không hiểu từ đâu, mà các thiếu niên này không những không sợ Lôi-kỵ mà lại coi thường nữa ?
Dã-Tượng thuận miệng trả lời :
- Bọn cháu không hề coi thường Lôi-kỵ! Lôi-kỵ dũng mãnh, dùng cung cứng, tên to, bắn xa gấp đôi quân Việt; trăm phát trăm trúng. Ngự


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui