Trịnh Vi chơi ở nhà Trần Hiếu Chính hai ngày, vì tết mỗi ngày một gần, không thể ở mãi nhà anh được. Lúc cô về, Trần Hiếu Chính và mẹ anh tiễn cô ra bến xe, mãi cho đến khi xe khách chuyển bánh mới quay về.
Tối đến, dưới ánh đèn không mấy sáng sủa trong phòng mình, Trần Hiếu Chính tỉ mỉ lắp ráp mô hình của mình, anh đã tự tay lắp không ít mô hình, chỉ có cái này là không giống, đây không phải là tòa nhà vừa có thể ở, vừa có thể làm văn phòng cho thuê kiểu mới, cũng không phải là biệt thự bên hồ, mà là một căn nhà nhỏ anh dự định sẽ tặng cho Trịnh Vi. Anh chưa bao giờ tặng cô hoa, cũng không thể tặng cô những món quà đắt tiền, anh chỉ có thể tặng cô cái này - căn nhà của họ, như một lời hứa trong tương lai.
Những chi tiết nhỏ trong căn nhà từ chiếc ghế, chiếc bàn đều phải làm rất tỉ mỉ, anh thực sự mải mê với công việc của mình, đến nỗi có người đứng ở sau lưng cũng không hề hay biết.
“Chính”.
Mãi cho đến khi nghe thấy âm thanh quen thuộc, anh mới giật mình quay đầu lại, không biết mẹ anh đã vào phòng từ lúc nào, cũng không biết đã nhìn anh làm bao lâu.
“Mẹ, mẹ vẫn chưa đi ngủ à? ” Từ trước đến nay mẹ anh có thói quen đi ngủ sớm, vì thế lúc này nhìn thấy bà, Trần Hiếu Chính hơi bất ngờ.
“Mẹ đã đi ngủ nhưng không ngủ được, thấy đèn phòng con vẫn sáng nên sang đây xem. Con làm cái gì mà say mê thế, mô hình này dùng để làm gì vậy? ”
Trần Hiếu Chính muốn tránh chủ đề này, bèn nói: “Muộn lắm rồi, mẹ đi ngủ trước đi, ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa chứ? ”
Mẹ anh không đi ra, bất giác bà nở một nụ cười khó hiểu, lấy tay sờ vào mô hình trong tay cậu con trai, “Ngôi nhà đẹp quá”.
Đột nhiên anh dừng tay và nhìn chăm chú vào mẹ, “Mẹ, có phải có chuyện gì muốn nói với con không?"
“Chính, con ra đây”.
Anh hơi ngần ngừ nhưng vẫn bước theo mẹ tới trước bức ảnh cha, Anh đứng một bên, nhìn mẹ châm một nén hương, sau đó lại lau chùi cẩn thận khung ảnh.
“Quỳ xuống, Chính”. Bà nói. Một lát sau, mới quay đầu lại nhìn cậu con trai vẫn đứng im, mặt không biểu lộ cảm xúc.
“Ngay cả mẹ nói con cũng không chịu nghe nữa hả? ”. Giọng nói mệt mỏi của bà còn xen lẫn một nỗi chua xót.
Từ nhỏ, Trần Hiếu Chính sợ nhất là nhìn thấy mẹ như thế, mỗi khi bà làm như vậy, những cảnh buồn đau trong quá khứ lại hiện ra trước mắt, nhưng anh vẫn không có ý định quỳ xuống.
“Con không quỳ đâu ạ vì con không làm sai chuyện gì. Mẹ, tất nhiên là con phải nghe lời mẹ, nhưng con có sự nhìn nhận của con”.
“Đúng vậy, con đã lớn rồi, bắt đầu có sự nhìn nhận mà con cho là đúng, vì thế sau khi nộp đơn đăng ký, con đã bắt đầu cảm thấy hối hận”.
Trần Hiếu Chính thấy mẹ nói thế bèn cười đau khổ, anh biết anh không thể giấu được bà, bà không bao giờ bỏ thói quen liên lạc với nhà trường, với thầy cô giáo của anh bằng mọi cách, kể cả khi anh đã vào đại học. Chắc là bà đã gọi diện cho thầy giáo chủ nhiệm lớp anh, chuyện lớn như thế, chắc chắn bà đã biết hết. Chỉ có điều, anh đã biết trước sẽ có ngày này nên không cảm thấy bất ngờ lắm.
“Đúng ạ, con đã hối hận, con cảm thấy mình có thể có sự lựa chọn khác, ra nước ngoài không nhất thiết là con đường con bắt buộc phải đi”. Anh hạ thấp giọng.
“Xét cho cùng, vẫn là vì Trịnh Vi đúng không? ” Giọng mẹ anh thẫn thờ.
Hóa ra bà đã biết từ lâu, nhưng hai ngày Trịnh Vi ở lại chơi, bà không hề tỏ thái độ gì cả, Trần Hiếu Chính không biết mình có nên cảm kích hay không, nhưng anh không có cách nào phủ nhận giả thiết này của mẹ, nên anh đành nói: “Vâng ạ, con thừa nhận cô ấy là lý do quan trọng trong chuyện này”.
“Trước đây con không bao giờ như vậy, con trai mẹ là một người có chí tiến thủ, bắt đầu từ ngày đầu tiên vào đại học, đi du học không phải luôn là mục tiêu của con đó sao, nếu không phải như thế thì con chịu khó học ngoại ngữ, vất vả làm thêm như thế để làm gì? Những năm tháng qua mẹ con mình sống khó khăn, tiết kiệm từng xu từng hào là để làm gì? Đến bây giờ có được cơ hội, thầy chủ nhiệm lớp con bảo, năm nay cả nước cũng chỉ có ba nghìn chỉ tiêu đi du học, giờ đây con lại nói với mẹ rằng vì con đã yêu nên con từ bỏ cơ hội để được ở lại bên cô ấy. Chính, con hãy nhìn vào bố mẹ và nói rằng, nói thật to rằng, đây là sự lựa chọn của con? ”
“Đúng là con luôn muốn được đi nước ngoài, ở đó có các kỹ thuật tiên tiến và môi trường học tập tốt hơn, nhưng lúc đó con không hề nghĩ rằng mình sẽ gặp Trịnh Vi, sau khi ở bên cô ấy, con mới biết rằng, con cũng có thể có những niềm vui đơn giản”. Anh nhìn vào người đã sinh thành dưỡng dục mình”, mẹ, con biết những năm tháng qua mẹ rất vất vả, con cũng luôn cố gắng để mình làm được tốt nhất, có lẽ con không giỏi giang như bố mẹ kỳ vọng, con rất hạnh phúc với những niềm vui mà cô ấy mang đến cho con”.
Bàn tay mẹ anh xoa lên mặt kính khung ảnh lạnh lẽo một cách vô thức, giọng thều thào như đang thở dài: “Chính, con nói niềm vui với mẹ? Không phải mẹ không hiểu thế nào là niềm vui. Hồi bố con còn sống, con ở trong bụng mẹ, ba người nhà mình ở bên nhau, mẹ cảm thấy mẹ hạnh phúc hơn bất kỳ người phụ nữ nào trên thế gian này. Sự nghiệp của bố con thuận buồm xuôi gió biết bao, một Công ty lớn của nhà nước với hai nghìn công nhân, chưa đầy 30 tuổi, từ Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty, bố con đã lên làm kỹ sư trưởng. Hồi đó, những dịp lễ tết người đến chơi nhà chưa kịp về đã có người khác đến, gặp nhau dưới sân, không ai không cười nói hỏi han. Nhưng mẹ vô phúc, chẳng giữ được cái gì lâu, con mới được ba thàng trong bụng, bố con ra công trường thì bị tai nạn và không trở về nữa. Lễ truy điệu được tổ chức rất long trọng, vòng hoa bày kín nhà tang lễ, nhưng lễ truy điệu kết thúc, mọi thứ cũng kết thúc, tình người cũng trở nên nhạt nhẽo. Khoản tiền tuất lĩnh được, khi con chưa đầy tháng thì ốm một trận nặng, nên cũng chẳng để lại được gì. Chỉ thế thôi thì cũng không sao, cái khó là mẹ một mình nuôi con, hồi nhỏ sức khỏe con lại không tốt, công việc của mẹ lại thay đổi liên tục, vị trí mỗi ngày một tụt hậu, thời gian chăm sóc con càng ngày càng ít, mẹ đí tìm Giám đốc, tìm Chủ tịch Công đoàn, chỉ xin họ chuyển mẹ tới bộ phận không phải đi làm ca, họ là những người bạn thân coi nhau như anh em trước kia của bố con, nhưng hồi đó họ chỉ cười ái ngại kể ra những khó khăn của cơ quan, bảo mẹ phải cống hiến, hạn chế đòi hỏi. Một góa phụ như mẹ, chỉ xin có thời gian chăm sóc đứa con chưa gửi được nhà trẻ vào ban đêm, yêu cầu đó cũng quá đáng hay sao? Hồi con đi trẻ nửa đêm sốt cao, phòng y tế của cơ quan không chữa được, một mình mẹ cõng con đi gần ba cây mới đến được bệnh viện, vì số tiền viện phí đó mà mẹ phải gõ cửa không biết bao nhiêu nhà họ hàng, họ chỉ nói, thôi tìm một ông chồng đi, việc gì phải chịu một mình mà khổ. Chính ạ, trước linh cữu cha con, mẹ đã hứa sẽ sống một mình suốt đời, mẹ không thể tìm một người đàn ông khác, mẹ còn có những kỷ niệm và một đứa con trai với cha con. May mà từ nhỏ con đã có chí tiến thủ, hồi con đỗ đại học, tất cả số tiền có trong nhà, cộng với tiền lương được lĩnh trước của mẹ cũng không đủ đóng tiền học, phải hỏi vay chú con 500 tệ, may mà chú chịu giúp mình, nhưng sau khi cho vay tiền lại bê chiếc tivi của nhà mình đi, một cái tivi cũ thì đáng bao nhiêu tiền, chẳng qua là chú nghĩ không biết bao giờ mình mới trả nổi số tiền đó nên vớt vát được cái gì hay cái đấy… những chuyện này con đều biết chứ? Mẹ ôn nghèo kể khổ nhiều, con chỉ thấy khó chịu, nhưng đây chính là cuộc sống. Chính ạ, mẹ nói ra những điều này là muốn nói với con rằng, nghèo hèn không có niềm vui đâu”.
Những chuyện mẹ nói, Trần Hiếu Chính đều ghi nhớ trong lòng, anh không thể quên những nỗi gian nan vất vả hồi nhỏ, vì thế mới muốn giữ chặt niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đang có trong tay. Anh cố gắng để cho giọng mình bình thản, “Những chuyện đó con vẫn còn nhớ, mẹ, nhưng con không cho rằng việc con không ra nước ngoài chắc chắn sẽ khiến con nghèo hèn, mẹ hãy tin con, đợi sau khi con tốt nghiệp, cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ tốt hơn, mẹ cũng sẽ có ngày được hưởng hạnh phúc.
Mẹ quay đầu nhìn anh, đôi mắt đó ngầu nhưng khô khốc. Trần Hiếu Chính nhớ khi còn nhỏ, mẹ anh thường khóc thầm, nhưng giờ đây, bà không còn khóc được nữa. “Mẹ không thể tin được. Trước đây con luôn là niềm tự hào của mẹ, là một đứa con ngoan, mẹ rất yên tâm về con, nhưng giờ đây chỉ vì một cô gái mà con lại từ bỏ cơ hội ngàn vàng như thế. Con phải biết rằng, mẹ không thể giúp đỡ con về mặt sự nghiệp, cái gì con cũng phải dựa vào mình, con có thể gặp được rất nhiều cô gái tốt trong cuộc đời, nhưng liệu có mấy con đường tắt có thể thay đổi số phận của con? Ngay cả một sự nhìn nhận đơn giản như thế con cũng không có, làm sao mẹ có thể tin cuộc sống sẽ trở nên làm gì, còn bây giờ, đêm hôm khuya khoắt không chịu đi ngủ, chỉ nghĩ những điều phi thực tế, ngôi nhà nhỏ đó của con thì làm được gì, nó có thể che mưa che gió cho các con sau này hay không? ”
Trần Hiếu Chính phản bác một cách khó khăn, “Mẹ, tình cảm của mẹ và bố sâu nặng như thế, mẹ phải biết rằng có thể suốt đời người ta chỉ có thể gặp một người hợp với mình”.
Mẹ anh nhìn xuống bàn tay nứt nẻ của mình rồi chầm chậm lắc đầu, “Mẹ không được học hành nhiều như các con, những điều mẹ hiểu cũng rấ đơn giản, tình cảm giống như mì chính, chỉ có thể làm đồ gia vị chứ không thể ăn no. Nếu con cho rằng mẹ là một bà mẹ chồng ghê gớm, tìm đủ mọi cách để chia rẽ hạnh phúc của con trai thì con sai rồi, mẹ không ghét cô gái mà con đưa về, mẹ thừa nhận mẹ ích kỷ, muốn con được ở bên mẹ suốt đời, nhưng con đã lớn rồi, sớm muộn gì ngày đó cũng sẽ đến. Đúng rồi, cô bé Trịnh Vi, con thích cô ấy, mẹ biết, tầm tuổi như con, làm sao không rung động trước một cô gái vưa xinh xắn vừa lanh lợi như thế. Nhưng con cũng thấy đấy, vẻ non nớt của cô ấy, có phải là người đã từng nếm mùi khó khăn gian khổ hay không? Trước khi những “Tháng ngày hạnh phúc” đến với con, cô ấy có thể đồng cam cộng khổ với con được không, kể cả cô ấy sẵn sàng chia sẻ với con, lòng con có thấy thoải mái hay không? Vợ chồng nghèo hèn khổ lắm con ạ, đợi đến khi con được chứng kiến cảnh nghèo hèn con sẽ hiểu. Từ nhỏ con đã sáng dạ thông minh, con nên biết rằng, có hai mẫu người yêu phù hợp với con, một là người có điều kiện để có thể nâng đỡ con, hoặc là người dù gia đình không có điều kiện nhưng thông minh, thực tế, có thể cùng con gánh vác mọi việc, để con không phải lo lắng gì. Trịnh Vi không thuộc mẫu người nào cả, một cô gái như cô ấy, cần có người nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, Chính ạ, hiện tại con không có tư cách ấy”.
Hai bàn tay buông thõng của Trần Hiếu Chính nắm chặt lại, “Mẹ, con không muốn nghe những điều này, mẹ đừng ép con, tại sao cứ phải bắt con lựa chọn giữa mẹ và cô ấy? ”
Người đứng trước mặt anh lại cười khẩy, một lần nữa: “Mẹ già rồi, kể cả sau này được sung sướng cuộc đời mẹ đã kết thúc. Còn cuộc đời con là của con, con là con trai của mẹ, cho dù mẹ mong con thành đạt đến đâu, mẹ cũng không thể sống thay con. Con không muốn nghe mẹ nói vì những điều mẹ nói con đều hiểu, bản thân con cũng đã từng nghĩ đến nó nên bây giờ con mới sợ nó. Hồi con ba tuổi mẹ bế con sang chơi với những đứa trẻ hàng xóm, có người trêu bọn con, hỏi lớn lên muốn làm gì? Những đứa trẻ khác chỉ nói những thứ linh tinh, chỉ có con, con nói lớn lên con sẽ làm việc lớn. Mọi người đều bật cười, một đứa trẻ lên ba thì biết gì là việc lớn? Nhưng mẹ là người đẻ ra con, từ nhỏ con đã là đứa trẻ có tham vọng, vì thế việc nào con cũng làm tốt hơn người khác, giỏi giang hơn người khác. Con cần cù chăm chỉ như thế, chỉ mong có ngày vượt trội hơn người, đều chỉ vì mẹ hay sao? Con không hề đau khổ khi từ bỏ cơ hội đó? Hôm nay con yêu cô ấy, con cảm thấy tình yêu là quan trọng nhất, nhưng đợi đến khi con vấp ngã trong thực tế, sớm muộn gì con cũng sẽ hận cô ấy. Vì thế, không phải là con phải lựa chọn giữa mẹ và cô ấy, mà lựa chọn giữa chính bản thân con và cô ấy”.
Đã muộn lắm rồi, nói xong những điều này, dường như mẹ anh vô cùng mệt mỏi. Lúc quay về phòng, dáng bà già nua, còng xuống. Trần Hiếu Chính vẫn nhớ mang máng, hồi còn trẻ mẹ anh xinh đẹp, cao ráo biết bao, cho đến tận bây giờ vẫn có người nhắc đến bố mẹ anh hồi đó, ai cũng nói họ là đôi trai tài gái sắc. Trong kẽ hở của thời gian và hiện thực, tuổi xuân cũng như sắc đẹp, mỏng manh như trang giấy bị gió hong khô.
Mẹ anh đóng cửa phòng mình, để lại anh lẻ loi đứng trước ảnh cha, giờ thì không có ai ép anh, nhưng anh lại bám vào thành tủ tồi tàn, từ từ quỳ xuống dưới thềm xi măng lạnh lẽo, nhìn người cha với gương mặt từ tốn, thông minh trong ảnh, anh như một đứa trẻ bị lạc đường, con đường trước mặt với trăm ngả rẽ, rốt cuộc đâu mới là nơi anh cần đến?
“Bố ơi, bố nói cho con biết, con có làm sai hay không? ”
Tết nguyên tiêu trôi qua, trường bắt đầu vào học. Trong học kỳ cuối cùng của đại học, tìm việc đã trở thành động từ quan trọng trong cuộc sống của các sinh viên sắp tốt nghiệp, cùng với việc các thông tin ký hợp dồng của bạn bè xung quanh được truyền tới, không khí trước thềm tốt nghiệp cũng ngày càng trở nên sôi động hơn.
Người đầu tiên trong phòng 402 ký được hợp đồng làm việc là Lục Nha, cô lựa chọn quay về trường dạy nghề kỹ thuật cơ khí ở huyện nhà làm giáo viên, như thế cuối cùng cô đã được đoàn tụ với anh bạn trai cũng đang công tác tại quê nhà. Trước quyết định này của cô, mấy người trong phòng đều cảm thấy tiếc cho cô, thành tích học tập của cô không tồi, nếu đợi thêm sẽ không đến nỗi không tìm được cơ quan tốt hơn, đặc biệt là Duy Quyên, liên mồm trách cô ngốc, mọi người đều chen chân vào thành phố lớn, cô lại quay về vùng hoang sơ hẻo lánh đó. Nhưng giống như Nguyễn Nguyễn nói, anh không phải cá, làm sao biết được niềm vui của cá? Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, tương lai ai vui ai buồn, ai có thể dự đoán.
Trác Mĩ không nhiệt tình lắm với vấn đề tìm việc, gia đình sẽ sắp đặt ổn thỏa cho cô, nói như lời của cô là, không tìm được việc thì tìm người để lấy làm chồng.
Tiểu Bắc quyết tâm thi cao học, cô nói, xã hội phức tạp quá, những người trong trắng như cô, lui được ngày nào vào cái bể tạp nham đó hay ngày đấy.
Chỉ có Duy Quyên là đầu tắt mặt tối với chuyện xin việc, có lần Trịnh Vi nhìn thấy cô có điện thoại phòng mà không dùng, lại chạy xuống bốt điện thoại ở dưới để liên hệ công việc, nghĩ thấy buồn cười bèn nói với Nguyễn Nguyễn: “Việc gì phải thế, cứ làm như phòng trộm không bằng”. Nguyễn Nguyễn chỉ cười mà không nói gì. Khi đó Duy Quyên đã có bạn trai học cao học năm thứ hai, chắc là hai người bất đồng trong vấn đề lựa chọn hướng đi sau này, cô không ngại ngần mà cắt đứt ngay. Sau khi chia tay cũng thấy buồn mấy ngày, Tiểu Bắc bảo cô, việc gì phải thế, có gì hai người bàn bạc, chia sẻ rồi cũng sẽ qua thôi. Duy Quyên tỏ ra buồn rầu, nhưng lại nói rất hiên ngang rằng cuộc sống thời đại học cô đơn phiền muộn, đi cùng với nhau một đoạn đường, không hợp thì thôi, chia tay mỗi người một ngả là sự lựa chọn tốt nhất, đằng nào thì họ cũng đi theo phong trào chia tay của sinh viên năm thứ tư mà thôi.
Điều mà Trịnh Vi hỏi nhiều nhất là hướng đi sau này của Nguyễn Nguyễn, thực ra điểm của Nguyễn Nguyễn cao như thế, không học cao lên cũng thấy hơi tiếc. Nhưng cô không để tâm đên chuyện đó, cô nói cô là cô gái không có chí lớn, cô không muốn trở thành học giả hay người đàn bà thép gì đó, học đến đây thấy cũng đủ rồi, nên không học lên nữa, cô chỉ mong cuộc sống sau này được đơn giản, vui vẻ là được. Cô nói với Trịnh Vi, cô và Thế Vĩnh đã giao hẹn riêng với nhau, cả hai đều không về quê, đơn vị thực tập của Thế Vĩnh ở thành phố S khá hài lòng với anh, có ý định ký hợp đồng chính thức sau khi anh tốt nghiệp, như thế chắc chắn Nguyễn Nguyễn sẽ xin việc ở thành phố S, để được gần Thế Vĩnh. Nguyễn Nguyễn nói, bọn họ cũng chỉ là bất đắc dĩ mà thôi, gia đình Thế Vĩnh quyền thế quá lớn, trời cao hoàng đế ở xa, chỉ khi rời xa họ, mới có thể sống yên ổn.
Trịnh Vi rất buồn, cô nói: “Nguyễn Nguyễn, tớ rất muốn được làm việc ở cùng thành phố với cậu, có việc gì đều có thể tìm cậu ngay lập tức, sau đó bọn mình vẫn sẽ như trước, cùng đi dạo phố, ăn uống”.
Nguyễn Nguyễn cười cô, “Thế gian chẳng có bữa tiệc nào là không tàn, tớ muốn ở bên Thế Vĩnh cũng như cậu không muốn rời xa Trần Hiếu Chính mà thôi. Hơn nữa hai thành phố cũng gần nhau, bây giờ liên lạc và giao thông thuận lợi như thế, bọn mình gặp nhau lúc nào mà chằng được”.
“Nhưng cậu khẳng định là Thế Vĩnh sẽ được ký hợp đồng ở thành phố S chứ, ý tớ muốn nói là liệu gia đình anh ấy có sắp xếp kế hoạch khác không, anh ấy lại là người hiền lành như thế”. Trịnh Vi vẫn cảm thấy hơi lo lắng cho chuyện của Nguyễn Nguyễn.
Nguyễn Nguyễn ngần ngừ một lát, nhưng vẫn nói với giọng quả quyết: “Anh ấy hứa với tớ rồi, tớ tin anh ấy”.
Cứ như thế, trong những ngày tiếp theo, với kết quả học tập không thể chê vào đâu được và các điều kiện vượt trội, Nguyễn Nguyễn đã dễ dàng xin được vào Viện thiết kế Kiến trúc của thành phố S. Sau khi vào học không lâu, Trịnh Vi và Trần Hiếu Chính cũng tham gia vào vòng thi đầu tiên của Tập đoàn Kiến trúc Trung Quốc, mặc dù tập đoàn này vẫn bảo họ chờ thông báo, nhưng cô khá hài lòng với những biểu hiện của mình, tin chắc mình và Trần Hiếu Chính đều có thể lọt vào vòng thi sau một cách thuận lợi, sau đó vượt qua các đối thủ, nắm chắc phần thắng trong tay.
Kể ra cũng lạ, các môn học của khóa sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp càng ngày càng ít, nhưng dường như Trần Hiếu Chính càng ngày càng bận rộn, anh không còn ngày ngày ở bên cô như trước, nhiều khi rốt cuộc Trịnh Vi cũng không biết anh đang bận gì. Thỉnh thoảng hai người cùng nhau đi ăn, anh cũng hớt ha hớt hải, mải lo nghĩ đâu đâu, Trịnh Vi biết hỏi anh cũng chẳng ra được vấn đề, đành quy các triệu chứng của anh thành: chứng buông lơi của sinh viên tốt nghiệp. Cô nghĩ, chỉ cần qua giai đoạn này, mọi việc đều sẽ tốt lên.
Mặc dù như vậy, có lúc muốn nói chuyện với anh lại không tìm thấy anh đâu, cô là người nóng tính, đôi khi cũng khó tránh khỏi nổi cáu khi gặp được anh. Dường như Trần Hiếu Chính cũng hơi ngại ngùng, ngoài việc an ủi cô, anh còn trịnh trọng hứa rằng, mấy ngày nữa hai người đều rỗi, anh sẽ ở bên cô, cô muốn đi đâu cũng được.
Trịnh Vi đòi đi vườn bách thú, vì cô đã ở thành phố G bốn năm nhưng chưa lần nào được đi chơi vườn bách thú. Trần Hiếu Chính chê cô trẻ con, những vẫn đồng ý sẽ đi cùng cô.
_ © _
Tháng Tư, thành phố phương Nam trăm hoa đua nở, hai người xuống xe bus đi bộ một đoạn, Trần Hiếu Chính thấy trán cô lấm tấm mồ hôi, bèn bảo đi mua cho cô chai nước; Trịnh Vi như người làm trò ảo thuật, móc ngay ba lô đeo sau lưng ra hai chai nước lọc đầy ắp, nói với vẻ đắc ý: “Anh coi này, em đã đoán trước sẽ có lúc mình phải dùng đến nó”.
Trần Hiếu Chính cầm lấy chai nước, cười với vẻ kinh ngạc, “Em đeo hai chai nước to mà đi bộ xa như thế? Không thấy nặng à? Thảo nào mồ hôi em vã ra nhiều như thế”.
Là một cô gái lười biếng, trước kia đi đâu mang theo ô che nắng cũng ngại, nên hành động này thực sự không giống với phong cách của cô. Thấy Trần Hiếu Chính nói vậy, cô hào hứng nói: “Cái này thì anh không hiểu rồi, một chai nước ít ra cũng phải một tệ, em mang đi như thế, không phải tiết kiệm được ít nhất hai tệ sao? Phải tiết kiệm từng xu từng hào như thế, từ giờ em sẽ không đi dạo phố mua sắm nữa, em phải để dành tiền cho chuyến đi Vụ Nguyên, đến lúc đó tha hồ sắm sửa, thế mới gọi là đã”.
Mặc dù nói như vậy, lúc lau mồ hôi cô vẫn không nén nổi tặc lưỡi, “Nói thực là cũng nặng thật đấy”.
Trần Hiếu Chính không nói gì thêm bèn đeo chiếc ba lô của cô lên vai mình, anh uống một ngụm nước, vị của nó, chỉ có mình anh biết.
Vé vào cổng vườn bách thú là 20 tệ, Trịnh Vi kêu xót của, nhưng đám thú lớn nhỏ đáng yêu trong vườn đó lại khiến cô thấy cũng xứng đáng, lúc thì cô cho khỉ ăn, lúc lại đùa với đàn chim, ríu rít như một đứa trẻ, khiến Trần Hiếu Chính cũng vui lây, cười không ngớt.
Lúc đi qua khu vực dành cho các loài động vật sống dưới nước, họ định vào xem thì bị nhân viên gác cổng ngăn lại, mới biết ở đây phải thu vé riêng. Trịnh Vi nhìn chằm chằm đàn cá heo, hải cẩu dễ thương quảng cáo trên tấm panô, quyến luyến không chịu đi ngay, nhưng nghĩ đến mỗi vé 15 tệ, vẫn bấm bụng kéo Trần Hiếu Chính đi, miệng còn tự an ủi, “Trò này thì có gì hay, chẳng có gì đáng xem cả”.
Cô bước nhanh về phía trước mấy bước, mới phát hiện ra Trần Hiếu Chính vẫn đứng im không nhúc nhích, anh buông tay cô ra, đi về phía phòng bán vé mua cho cô một vé, nhét vào tay cô, cười nói: “Em vào xem một mình đi, nhà anh ở gần biển, những trò này anh không thích, anh đứng ở cửa đợi em là được rồi”.
Cô lắc đầu, “Không, em vào xem một mình thì còn gì là thú vị, anh trả lại vé đi, nếu vào thì cả hai đứa cùng vào, không thì thôi".
Khi cô đã bướng lên, thuyết phục cũng không phải là dễ, vì chuyện này mà hai người đứng trước cửa khu vực tham quan giằng co nhau một hồi, cuối cùng bác bán vé thấy thương tình, hôm nay lại không phải ngày cuối tuần, nên khách tham quan cũng vắng, bèn bảo hai đứa đừng nói gì, cùng vào xem đi.
Trịnh Vi chỉ muốn chạy lên thơm bác bán vé phốp pháp phúc hậu một cái thật kêu, cô cười tươi khen lấy lòng bác bán vé: “Bác tốt quá ạ, thảo nào bác trẻ và đẹp như thế”. Bác bán vé liền cười, khua tay bảo họ vào nhanh lên.
Đi chơi, hai người đều cảm thấy thích thú, lúc về ngồi trên xe bus, Trịnh Vi đã thấm mệt, bèn dựa vào vai Trần Hiếu Chính, thở phào một cách sung sướng: “Lâu lắm rồi không được chơi như thế”. Một lúc lâu sau, cô nghe thấy người ngồi bên khẽ “ừ” một tiếng.
Có cảm giác gì tuyệt vời hơn khi được dựa vào vai người mình yêu sau những giây phút mệt mỏi? Trong lòng Trịnh Vi réo rắt những âm thanh reo vui, dần dần ngủ thiếp đi một cách ngon lành và thỏa mãn. Trong lúc nửa mơ nửa tình, cô phát hiện thấy anh vuốt tóc cô, sau đó khẽ hôn vào làn mi dài của cô, Trịnh Vi chìm đắm trong niềm hạnh phúc ngọt ngào, ấm áp, bất giác cô thấy cảm giác này rất quen thuộc. Phải rồi, hơn bốn năm về trước, cũng trên xe bus lắc lư như thế này, cô gái Trịnh Vi 17 tuổi đã cảm nhận được nụ hôn nhẹ đặt xuống mắt của chàng trai mà cô cảm mến, hồi đó Tiểu Phi Long đã mừng khôn xiết, cô tưởng rằng không ai có thể may mắn hơn cô, tưởng rằng mãi mãi được ở bên người ấy. Nhưng ngay sau đó, đợi chờ cô là chuyến đi xa đến bên kia bờ đại dương mà không một lời từ biệt của người đó, và cả nỗi niềm ly biệt dài dằng dặc.
Cô không biết tại sao mình lại như vậy, trong những giây phút hạnh phúc nhất, sợ nhất là nghĩ đến chuyện chia ly, bất ngờ cô túm chặt cánh tay Trần Hiếu Chính, thì thào: “Anh Chính, anh đừng đi”.
Hình như anh giật mình, phản xạ mới mạnh như thế, “Vi Vi, em vừa nói gì vậy? ”
Cô thấy ngại ngùng trước câu nói bất ngờ của mình, “Em không nói gì cả, tự nhiên em sợ không nhìn thấy anh nữa. Anh Chính, anh hứa với em đi, đừng để em phải chờ anh nữa, em sợ mình không có đủ can đảm để đợi mãi ở một vị trí, lại càng sợ bọn mình đi mãi mà không tìm thấy nhau”.
Anh không trả lời.
Tối hôm đó, phòng đã tắt đèn, Trịnh Vi đang nằm trên giường thì đột nhiên nghe thấy Duy Quyên gọi cô: “Trịnh Vi, tớ quên chưa nói với cậu, sáng nay cậu vừa ra ngoài thì có một anh gọi điện đến tìm cậu, tớ bảo cậu không có ở phòng, anh ấy hỏi có biết cậu đi đâu không, tớ bảo hình như đi với bạn trai, anh ấy ừ một tiếng rồi không nói gì nữa, cũng không để lại tên. Cậu có biết đó là ai không? ”
“Ai nhỉ? ” Trịnh Vi nhìn lên trần màn với vẻ thắc mắc. “Chắc là không phải Lão Trương chứ? ” Lão Trương đã tốt nghiệp được hơn nửa năm rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn gọi điện quấy rầy Trịnh Vi.
Duy Quyên liền cười, “Làm sao có chuyện đó được, tớ còn không biết cái giọng vịt đực của Lão Trương à. Người gọi điện thoại hôm nay nói chuyện lịch sự lắm, tớ dám khẳng định là tớ chưa bao giờ nhấc điện thoại của anh ấy gọi đến, mau khai với chị em đi, có phải lại có nguồn tài nguyên quý nào khác không, nếu có thì đừng quên chị em nhé, dù sao thì một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Trịnh Vi liền nói với vẻ khó hiểu: “Vấn đề ở chỗ tớ cũng không nhớ là có quen một người như cậu nói, thôi, nếu có việc chắc chắn họ sẽ gọi lại”. Cô nghĩ một lát, không nghĩ ra được ai, bèn gác chuyện này qua một bên.
Cùng lúc đó, ở ký túc xá nam, Trần Hiếu Chính cũng không ngủ, anh ngồi bên bàn và làm nốt những công việc còn lại cho mô hình ngôi nhà, anh ngắm nó, đây là tác phẩm tâm huyết mà anh đã bỏ ra một tháng để làm, nhưng hiện tại ngay cả bản thân anh cũng không tin ngôi nhà nhỏ này có thể che chở cho tình yêu của anh.
Đột nhiên, anh nhớ đến những lời Tăng Dục nói với anh hôm đó, cô chỉ vào tòa nhà đa phương tiện mà trường đang xây dựng, nói: “Cậu nhìn thấy chưa, trong số những người đang đội mũ bảo hộ kia, ngoài thợ xây ra, còn có nhiều người giống tớ và cậu, mấy năm đại học, tốt nghiệp ngành kiến trúc. Xã hội này rất thực dụng. Cho dù cậu có tài hoa đến đâu, nếu không có quan hệ và điều kiện gia đình không khá giả thì cậu cũng sẽ phải lăn lộn trên công trường như họ. Dĩ nhiên rồi, có thể một ngày nào đó cậu cũng sẽ thành đạt, nhưng ngày đó sẽ là ngày nào, có thể một, hai năm, có thể ba bốn năm, ai mà biết được? Thế nên, Hiếu Chính, cậu nên nghĩ cho kỹ, không phải tất cả mọi con đường đi sai rồi đều có thể đi lại”.
Hiện thực chính là những điều tàn nhẫn như vậy đấy, nó luôn luôn hủy diệt niềm tin của bạn trong lúc bạn không hề hay biết, hủy diệt những lời hứa mà bạn tưởng rằng bạn có thể thực hiện. Trưởng thành là gì? Khi một đưa trẻ biết kim cương đẹp hơn hạt pha lê xinh xắn thì đứa trẻ này đã trưởng thành, Trần Hiếu Chính hiểu được điều này sớm hơn bất kỳ đứa trẻ nào khác.
Cô gái mà anh yêu trong sáng ngây thơ, cô yêu tất cả những điều tràn đầy thú vị, không biết buồn khổ là gì, cô là Ngọc diện Tiểu Phi Long quả quyết dũng cảm, người đàn ông của cô, phải đem lại cho cô một bầu trời bao la. Còn anh, anh chỉ có một mái hiên tồi tàn. Dĩ nhiên, chỉ cần anh muốn, anh tin là cô sẽ mãi mãi ở bên anh, không hối hận, nhưng khi vị ngọt của tình yêu nhạt phai, trước những trăn trở, lo toan trong cuộc sống, liệu có vì anh mà cô biến thành một người phụ nữ tiều tụy và thực dụng hay không? Anh khẽ rùng mình, nếu có một ngày như thế, anh sẽ căm hận chính bản thân mình - một điều đáng sợ hơn là khi ngày đó đến, anh sẽ căm hận cô.
Những lời mẹ nói đều rất tàn nhẫn, nhưng bà nói đúng, sự lựa chọn của anh chính là giữa bản thân anh và Trịnh Vi. Anh nhìn bàn tay mình đang chầm chậm dỡ ngôi nhà ra thành từng mảnh vụn - thực ra sự lựa chọn đã ở trong lòng anh từ lâu.
_ © _
Dịp nghỉ mùng một tháng Năm, nhà ga bán vé trước mười ngày, vé nằm không dễ mua, Trịnh Vi xếp hàng cả buổi chiều trong dòng người đông đúc ở phòng bán vé mà không đem lại kết quả gì. Cuối cùng cô nhanh trí, nhớ đến Lão Trương đã trở thành con người của xã hội, Lão Trương giao thiệp rộng, quen biết khá nhiều nhân vật trong đủ mọi ngành nghề, Trịnh Vi gọi điện thoại cho Lão Trương, Lão nhiệt tình nhận lời, chưa đầy hai ngày, Lão đã kiếm được cho cô hai vé nằm giường cứng đi Nam Xương. Chỉ cần đến được Nam Xương, phải đổi xe như thế nào để đến Vụ Nguyên, đều là việc dễ như trở bàn tay.
Trịnh Vi mân mê tấm vé tàu vừa nhờ Lão Trương mua, lòng vui như mở cờ chạy về ký túc xá, vừa đẩy cửa vừa khe khẽ hát: Ta cười đắc ý, ta cười đắc ý.
“Này, mới sáng sớm ra mà đã kiếm được vé đi du lịch trăng mật hả? ” Vừa nhìn thấy vẻ tươi như hoa của Trịnh Vi, Tiểu Bắc bèn trêu cô.
“Dĩ nhiên rồi, không những kiếm được vé mà còn sắp xếp ổn thỏa cho hành trình cả bảy ngày rồi, tớ phải đưa anh ấy đến Vụ Nguyên, lên núi Lư Sơn, để anh ấy thưởng thức danh lam thắng cảnh của tỉnh Giang Tây, đương nhiên, tiện thể còn ghé thăm bố mẹ tớ, tức nhạc phụ nhạc mẫu tương lai của anh ấy”. Trịnh Vi đáp ngay không chút ngại ngùng.
Nguyễn Nguyễn cũng cười cô, “Mọi người đều nói người Giang Tây các cậu học hành giỏi giang, nuôi lợn cũng giỏi giang, cậu phải để Trần Hiếu Chính đi thực tế đó nhé”.
Trịnh Vi đang vui nên rất thoáng, khua tay tỏ vẻ không thèm chấp bọn họ, ngồi phịch xuống chiếc ghế cạnh máy điện thoại, “Tờ phải gọi cho anh Chính trước đã, báo cho anh ấy đã có vé trong tay”.
Vừa bấm hết số điện thoại, cửa phòng liền bị đẩy rầm một tiếng, Trịnh Vi nhìn ra tỏ vẻ không vui, Duy Quyên mặt mày đầy mồ hôi xông vào.
“Dở chứng à, sắp tốt nghiệp rồi, ngay cả cửa không mang theo được cũng muốn phá hả? ” Tiểu Bắc nói.
Duy Quyên lại tỏ vẻ lòng nóng như lửa đốt, “Tớ không thèm gây sự với các cậu, Trịnh Vi, gay to rồi, tớ vừa được nghe một tin khủng khiếp..."
“Xí, ngày nào cậu không có ba tin vỉa hè? ” Đã nghe bốn năm, Trịnh Vi không còn hứng thú với các “Thông tin giang hồ” của Duy Quyên nữa, cô tiếp tục bấm số.
Duy Quyên lấy tay chặn ngay điện thoại, “Tớ thấy cậu thật là, bị người ta bán đứng còn ngồi đếm tiền cho người ta. Vừa nãy tớ có được một thông tin rất đáng tin cậy từ Hội sinh viên, hai suất học bổng du học của trường thì bị Trần Hiếu Chính nhà cậu chiếm một suất, nghe nói là đi Mỹ, visa cũng xin được rồi, anh chàng này giỏi thật đấy, chuyện lớn như thế mà giấu như bưng, cậu vẫn còn chưa biết gì ư? ”
Trịnh Vi sững người, rồi bật cười: “Này, tớ thấy mấy cái thông tin vỉa hè của cậu càng ngày càng vô lý, hôm kia tớ vừa ăn cơm với anh ấy, anh ấy còn nói về chuyện đi Vụ Nguyên với tớ. Đại sự Duy Quyên, xin ngài thôi đi cho, lấy chuyện này để trêu người khác là hơi quá đáng đấy”.
Lần này thì Duy Quyên sốt sắng thật, cô chỉ vào mũi Trịnh Vi nói: “Tớ bảo cậu ngốc cũng không sai, chuyện này đâu có thể đùa được, chằng cần nói đến Học viện, thông tin này đã lan ra khắp Hội sinh viên trong khoa rồi, cậu không tin thì thôi, đừng có để đến lúc khóc cũng không có chỗ khóc”.
“Cậu nói linh tinh! ” Trịnh Vi cũng giận dỗi đứng phắt dậy, “Anh ấy chưa bao giờ nói chuyện này với tớ, dĩ nhiên là tớ phải tin anh ấy rồi. Tớ là bạn gái của anh ấy, chuyện của anh ấy mà tớ còn không biết à? ”
“Cậu…thôi được rồi, được rồi, coi như tớ lắm chuyện, lòng tốt bị cậu coi là đồ bỏ đi. Nếu không tin thì đi hỏi anh ấy sẽ rõ ngay thôi”. Duy Quyên dậm chân.
“Đi thì đi chứ sao”. Trịnh Vi là người nghĩ đến chuyện gì chỉ muốn làm ngay, vừa nói dứt lời liền chạy ra cửa. “Đợi tớ hỏi anh ấy cho ra lẽ, xem các cậu còn bẻm mép thế nào nữa! ”
Tiếng cô đóng cửa vừa mạnh vừa vội, cửa rung đến mức Nguyễn Nguyễn và Tiểu Bắc lén nhìn nhau, đột nhiên Nguyễn Nguyễn nói một câu “Gay rồi! ” Tiểu Bắc lập tức hiểu ý, cô trợn tròn mắt, “Mẹ ơi, không biết có xảy ra chuyện gì không”. Hai người không nói gì thêm bèn chạy theo.
Xuống dưới tầng, Tiểu Bắc kéo Nguyễn Nguyễn lại, “Cậu bảo bọn mình có nên ra bờ hồ, bờ sông gì đó tìm không, không biết cậu ấy có nghĩ dại không…”
Nguyễn Nguyễn ngắt lời cô ngay: “Đã đến nước này mà còn nói những chuyện đó, cậu đến giảng đường tự học của Học viện bọn tớ, tớ sẽ đến quanh khu ký túc xá của Trần Hiếu Chính xem sao, cậu nhớ là chỉ xem tình hình thôi nhé, không có chuyện gì bọn mình lại quay về”.
“Biết rồi biết rồi”. Tiểu Bắc đáp lời, hai người chia hai đường hành động.
Nguyễn Nguyễn không đoán sai, Trịnh Vi đang đi đến khu ký túc xá của Trần Hiếu Chính, cô đi được một đoạn lại chạy một đoạn, lúc lên tầng còn gặp cậu bạn cùng lớp, cũng chẳng chào hỏi gì xông thẳng đến phòng của Trần Hiếu Chính.
Lúc cô đẩy cửa bước vào, anh đang đứng trước giường mình, lưng quay về phía cô, hình như đang thu dọn đồ đạc, dưới chân anh là một cái va ly rất to.
Nghe thấy tiếng thở hổn hển của cô anh mới quay đầu lại. “Vi Vi? ” Lúc đầu anh có vẻ kinh ngạc, nhưng vẻ mặt trở lại bình thường ngay, “Sao em lại đến đây? ”
“Tự nhiên em muốn đến thăm anh”. Một tay cô đặt trước ngực, như để được bình tĩnh hơn, “Anh Chính, anh thu dọn hành lý đi Vụ Nguyên sớm thế à? ”
Anh quay đầu lại tiếp tục thu dọn đồ đạc, cô bước đến bên anh, cười và nói: “Anh biết không, vừa nãy em được nghe Duy Quyên kẻ một chuyện nực cười vô cùng, cô ấy nói rằng anh chuẩn bị xuất ngoại, và lại là đi Mĩ, ha ha, anh bảo có buồn cười không? ”
Trần Hiếu Chính trầm ngâm, bất ngờ anh bỏ đồ đạc xuống, quay đầu nắm chặt tay cô, “Vi Vi, em đi với anh, bọn mình ra chỗ khác nói chuyện”.
Cô không nói gì mà để mặc cho anh kéo mình đi xuống dưới, đến sân bóng rổ gần ký túc xá nam, giữa giờ nghỉ trưa, sân bóng rổ vắng tanh, chỉ có họ và tiếng gió.
Anh đứng im, buông tay cô ra, thở sâu, “Vi Vi, anh xin lỗi."
“Tại sao lại xin lỗi, có phải anh lại giở trò gì xấu không? ” Cô vẫn nhìn, vẫn cười rạng rỡ như bình thường.
Có lúc, Trần Hiếu Chính cảm giác như tim mình ngừng đập, anh tưởng mình không có cách nào để nói hết những lời còn lại, hóa ra anh không cứng rắn như mình tưởng, “Những lời họ nói đều là sự thật. Anh tưởng có thể đi Vụ Nguyên được với em, không ngờ visa lại làm nhanh như vậy.
“Họ? Ý anh những điều mà Duy Quyên nói là đúng? Anh Chính, ngày Cá tháng Tư đã qua được hơn hai mươi ngày rồi mà anh còn đùa à? ” Cô kéo tay anh, vẫn mỉm cười với vẻ nũng nịu. Nhưng anh chỉ cúi đầu, mội mực cúi đầu, đột nhiên anh thấy sợ nhìn thấy nụ cười của cô trong lúc này.
Cuối cùng, cô buông tay anh ra, như người mê sảng: “Nói như thế em khỏi đau khổ”.
“Em không đau khổ? Anh giấu em, giấu cho đến khi không thể giấu được nữa mới thừa nhận, làm như thế thì em không đau khổ sao? Trần Hiếu Chính, đó là kiểu logic gì vậy? Đôi mắt cô bắt đầu ngân ngấn nước.
Không được khóc, cô tuyệt đối không được khóc, nếu để nước mắt rơi xuống thì đồng nghĩa với việc thừa nhận niềm đau đã trở thành hiện thực, cô không muốn chấp nhận hiện thực đó, thế là cô nhìn lên trời, không biết nước mắt có chạy ngược vào trong được không?
“Anh đã từng nói rằng, cuộc đời của anh là một tòa nhà chỉ được xây một lần, vì thế anh không được phép sai, Vi Vi, dù là một xăng-ti-mét cũng không được”.
Ai đang nói vậy, người đàn ông môi mỏng lạnh lùng tàn nhẫn đó ư?
“Vì thế bây giờ anh mới giật mình tỉnh ngộ, cứu vãn kịp thời cho sao số một xăng-ti đó của anh? Đi du học có học bổng, quả nhiên người mà em yêu là người giỏi giang nhất. Chỉ có điều em không thể hiểu, tiền đồ của anh và em lại không đội trời chung đến thế hay sao? Kể cả anh nói thẳng với em từ trước, em cũng chưa chắc đã ngăn cản anh. Có phải là do viễn cảnh tương lai của anh chưa bao giờ có em? ”
Anh không nói gì, thế là cô ra sức đẩy anh: “Giải thích, anh có thể giải thích, em muốn nghe lời giải thích của anh…” Giọng cô đã chuyển sang van nài: “Anh Chính, hãy cho em một lời giải thích, anh nói gì cũng được, nói là anh bị ép bất đắc dĩ, hoặc là vì em, anh nói gì em cũng chấp nhận được”.
Anh nắm chặt bàn tay cô đang đặt trước ngực mình, “Vi Vi, đến một ngày nào đó em sẽ hiểu, con người ai cũng phải yêu mình trước. Anh không thể yêu em với hai bàn tay trắng”.
“Vì thế anh phải yêu lại bản thân mình? ”
“Có thể những điều anh nói em sẽ mãi mãi không thể hiểu được, anh đã quen với cảnh nghèo, nhưng anh không thể để người con gái mà anh yêu thương phải chịu cảnh nghèo”.
“Anh nghĩ rằng ở bên em thì chắc chắn sẽ nghèo ư? Tại sao anh chưa bao giờ hỏi em, em sẵn sàng chịu mọi khó khăn gian khổ cùng anh”.
“Nhưng anh không muốn thế! ” Lần đầu tiên giọng anh tỏ ra mất bình tĩnh.
Đã đến nước này, Trịnh Vi, chỉ mong có một chút tự tôn, phủi tay mà bỏ đi, không giữ được tình yêu, ít nhất phải giữ được lòng tự trọng.
Nhưng giây phút này đây Trịnh Vi tự nói với mình, nếu ta không cứu vãn được tình yêu của ta, lòng tự trọng có thể khiến ta không đau khổ ư?
Vì thế giây phút cuối cùng, cô đã gạt hết nước mắt và mọi nỗi phẫn nộ: “Anh Chính, anh đợi em, em về nói với bố mẹ em, sau đó em sẽ thi Toefl để đi cùng anh, nếu không được, em vẫn có thể đợi”.
Anh nhìn cô, nói: “Đừng, em đừng đợi, vì chưa chắc anh đã đợi”.
_ © _
Lúc Nguyễn Nguyễn đến, Trần Hiếu CHính đã bỏ đi, cô kéo tay Trịnh Vi: “Vi Vi, bọn mình về đi”.
Bầu trời tháng tư, sau tiết thanh minh, nền trời bỗng chốc tối sầm lại, mây đen kéo đến, gió cuốn bụi bay mù mịt, bay cả vào mắt.
Trịnh Vi giằng tay Nguyễn Nguyễn ra, “Cậu coi kìa, nổi gió rồi, sao tớ chẳng thây lạnh gì cả?
Đây là con đường mà cô lựa chọn, là chàng trai cô lựa chọn, vì thế cũng là cô lựa chọn một mình đứng giữa trời gió như thế này, lạnh, cũng không thể kêu ai.
Nguyễn Nguyễn đưa tay ngăn gió bụi lại, “Trời tối quá, tớ có thể vờ như không nhìn thấy cậu khóc”.
Trịnh Vi lắc đầu, “Tớ không khóc, tớ sẵn sang đánh cược, chấp nhận chịu thua”.
_ © _
Bốn năm đại học, Trịnh Vi đã quen với ánh mắt của mọi người, đây là lần đầu tiên cô phải để mình làm quen với những ánh mắt chế nhạo kèm thêm một chút thương hại, một đôi trai tài gái sắc được mọi người quan tâm chú ý, cuối cùng kết cục vẫn là đôi ngả đôi đường.
Cô vẫn ăn ngủ như bình thường, thỉnh thoảng cũng bật cười thoải mái vì mấy mẩu chuyện đùa không đáng cười của Tiểu Bắc. Biết làm thế nào, sau buổi chia tay với anh ở sân vận động, ngủ một giấc dậy, cô cảm thấy trời như sập xuống. Nhưng mở cửa sổ ra, sau cơn mưa bầu trời rực rỡ làm sao, dòng người đi qua cửa sổ bận rộn, mỗi người mỗi vẻ, hoặc buồn, hoặc Trái Đất này không thể vì sự đau khổ của một người mà thay đổi quy luật tự nhiên của nó, trong giấc mơ cô tuyệt vọng đến mức không tin rằng sẽ còn ánh mặt trời. Nhưng hôm sau mặt trời vẫn lên như thường, cuộc sống vẫn tiếp tục với dòng chảy của mình.
Đến khi cảm thấy không thể chịu được, cô nằm trong chăn và lén gọi điện thoại cho mẹ, vừa nghe thấy tiếng nhấc máy thì, cô đã nghe thấy tiếng khóc nức nở của mẹ. Sức khỏe bác Lâm vốn đã không tốt, những trăn trở trong tình cảm và cú sốc trong sự nghiệp đã khiến bác mất từ tuần trước. Lúc mất, bác vẫn là một người đang có vợ. Cho dù khi còn sống bác đã hứa với mẹ Trịnh Vi bao điều, nhưng sau khi bác mất, ngay cả vào nhà tang lễ nhìn bác lần cuối mẹ cô cũng không được nhìn. Cái chết của bác Lâm đã khiến mẹ Lâm Tĩnh- cô Tôn- giành được thắng lợn trong cuộc kháng chiến trường kỳ đó, cuối cùng cô đã bảo vệ được trọn vẹn cuộc hôn nhân của mình, không còn ai có thể cướp được chồng cô.
Trịnh Vi không biết mình đã kết thúc cuộc điện thoại với mẹ như thế nào. Mấy hôm sau, cô thu dọn hành lý, tay cầm hai tấm vé, một mình đi Vụ Nguyên. Lúc tàu chuyển bánh, cô không dám ngửa mặt nhìn lên trời, nếu giây phút này đây anh từ trên mây cao nhìn xuống, liệu có cúi đầu tìm vùng đất mà anh đã hứa sẽ đi cùng hay không?
Cây hòe già trước cổng thôn Lý, rậm rạp ùm tùm như trong giấc mơ của cô, không biết nó đã đứng đây bao nhiêu năm, chứng kiến bao nỗi buồn vui, quen với bao cảnh ly hợp, vẻ trầm mặc nhìn thấu thói đời của nó đã an ủi được Trịnh Vi phần nào.
Hướng Viễn- cô hướng dẫn viên trong làng mà Trịnh Vi bỏ ra 15 tệ để mời đã tận tình đi cùng với cô. Cô gái có đôi mắt như mắt con hồ ly, khi cười tạo thành nếp dưới mắt nói với cô: “Bao nhiêu năm qua, cây hòe già đầu làng đã chứng kiến tình yêu của bao đôi trai gái. Họ gặp nhau, nguyện thề, hoặc cũng có thể chia tay dưới gốc cây… Mới hôm qua thôi, còn có một người thành phố, theo di chúc của người đã khuất, rắc tro hỏa tang của cha mình xuống gốc cây hòe già”.
Trịnh Vi nhớ đến câu chuyện, người đàn ông ngoại tình đã để lại nhà cửa và tài sản của mình cho vợ con, nhưng tặng chiếc lá mà mình quý nhất cho người phụ nữ mà ông ta yêu. Trọng lượng của tình yêu, chẳng qua chỉ là một chiếc lá rụng và nhúm tro tàn mà thôi.
Trịnh Vi nhờ Hướng Viễn làm một việc, đào một chiếc hố không nông cũng không sâu dưới gốc cây hòe già. Hướng Viễn vui vẻ nhận lời, cái giá mà cô đưa ra để đào hồ là 20 tệ, nhưng Hướng Viễn nói, nếu Trịnh Vi cho cô 50 tệ, cô sẽ thay cô bảo vệ món đồ dưới hố này.
Trịnh Vi cảm thấy đây là một cuộc trao đổi có lợi. Cô chôn cuốn Truyện kể Andersen và chú tiểu long bằng gỗ dưới gốc cây hòe già.
Lúc đứng trên đỉnh núi, Trịnh Vi nhìn cây hòe già dưới chân núi, nghe thấy Hướng Viễn hét về phía xa: “Ta muốn phát tài! ”
Cô cũng bắc loa tay, lấy hết sức bình sinh hét: “Nước Mỹ, đất nước Chủ nghĩa Tư bản gian ác, ta hận ngươi, trả lại người yêu cho ta…”
Vách núi vọng lại: “Phát tài…phát tài… trả lại cho ta… trả lại cho ta…” Trịnh Vi và Hướng Viễn cùng cười ngặt nghẽo.
Cuối cùng, tại vùng đất mà cô mơ ước được đặt chân đến này, trước mặt một người không hề quen biết, cô gái Trịnh Vi 22 tuổi đã khóc như mưa.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...