Anh Chàng Ngu Ngơ Và Cô Nàng Rắc Rối

Anh ta nợ tôi một vỗ rõ to. To… cực kỳ!

Cô ta vừa hôn tôi đấy à?

Hy vọng anh ta không nghĩ là tôi hơi thinh thích anh ta. Chúa ơi, tôi thậm chí còn chẳng thích anh ta.

Tôi nghĩ mình sắp bị đuổi việc. Không thì tôi cũng đang dịch tới gần điều đó thêm một chút. Bàn tại Temple được đánh số. Hôm nay bàn số 23 bị bỏ bùa. Doug, người pha chế, nguyền rủa cho những khách hàng thô lỗ cùng những người mò tới khi chúng tôi không còn khách nào và chuẩn bị đóng cửa sẽ mắc chứng “ung thư hậu môn”. Rồi chúng tôi sẽ phải ở lại thêm tối thiểu một giờ nữa, chỉ vì những tay đê tiện này – mà chúng luôn luôn xuất hiện mới chết chứ. Thế nên khi tôi nói Doug về bàn số 23, anh ta liền tiến lại và cho họ “bùa ung thư hậu môn”. Tôi không biết điều đó sẽ dẫn tới việc gì, vì tôi chưa bao giờ thấy anh ta thực hiện nó. Nhưng chỉ cần biết anh ta đã làm điều đó cũng đủ khiến tôi thấy khá hơn rồi.

Hai người phụ nữ này làm khó tôi ngay từ phút đầu tiên ngồi xuống. Họ đang biến buổi tối của tôi thành một địa ngục trần gian thực sự. Đầu tiên, họ hét lên với tôi về việc đã ngồi đợi rất lâu. Họ tuyên bố đã ngồi cả mười lăm phút – một việc bất khả thi, nhưng vì khách hàng luôn luôn đúng, nên tôi chỉ gật đầu, xin lỗi, và yêu cầu gọi món. Nhưng họ vẫn tiếp tục trách móc tôi vì không đến sớm hơn. Tôi không thể tránh khỏi việc gật gù và hướng sự chú ý lên những khối gồ ghề khắp mặt mụ. Thật không thể tin nổi!

Mụ ta hệt như một quả dưa chuột khổng lồ trắng bệch. Cuối cùng tôi nói, “Thưa các vị, tôi đã đến rồi. Vậy, các vị vui lòng gọi món cho bữa tối, vì tôi thực sự muốn ghi món cho các vị”. Cười giả tạo. Cười máy móc.

Và nó hiệu quả. Họ gọi món. Một mụ gọi salad xắt nhỏ, không có thêm món dùng kèm, và họ sẽ cùng ăn một phần gà ướp lá chanh. Tôi đưa giấy gọi vào bếp rồi mang salad đến bàn.

“Tôi muốn một phần pho mát xanh”, mụ Mõm loa nói.

“Được thôi”, tôi đáp. “Tôi sẽ đi lấy cho bà.” Tôi đi lấy một phần pho mát xanh dùng kèm và mang lại cho mụ.

Nhưng mụ nổi giận. Mụ thở phì phò, đảo mắt, và biểu cảm trên gương mặt hệt như mụ đang ngửi phải thứ gì thối lắm ấy.

“Đây không phải thứ tôi muốn. Tôi từng đến đây rồi, người ta mang cho tôi pho mát xanh vụn và khô. Tôi không muốn phần pho mát xanh kiểu cũ.” Chắc là do máy đọc tâm của tôi bị tắt mất đây mà. Thật đáng xấu hổ đấy nhỉ!

“Thôi được rồi. Tôi sẽ đi lấy cho bà pho mát xanh khô.” Tôi quay trở về bếp, lấy cho mụ một phần pho mát xanh khô, mang đến bàn.

“Tôi cần dầu và dấm dùng với salad.”

“Được”, tôi đáp, rồi đi lấy cho mụ một phần dầu dấm.

Tôi quay lại cùng dầu dấm, đặt nó lên bàn, xoay người dợm bước, và ngưng bặt. Quý bà này đã tóm lấy áo sơ mi của tôi. “Đây không phải thứ tôi yêu cầu!”, mụ hét lên. “Tôi yêu cầu dầu và dấm. Tôi muốn hai bình đựng dầu và dấm riêng. Không phải cái này. Cái này pha rồi. Tôi không ăn dầu.”

“Vậy là bà muốn dấm à.”

“Đúng.”

“Xin lỗi”, tôi nói bằng giọng ấm áp và hiền hoà hệt như Joan Crawford[1]. “Khi bà nói cần dầu dấm, tôi nghĩ bà cần thứ gia vị thường đi kèm món salad này. Đây là món bà yêu cầu. Lần tới nếu cần dấm, có lẽ bà hãy yêu cầu mỗi dấm thôi. Tôi sẽ đi lấy dấm cho bà.”

[1] Tên một nữ diễn viên điện ảnh, truyền hình và sân khẩu nổi tiếng người Mỹ.

“Chúng tôi cần dĩa nữa. Chúng tôi sẽ ăn chung phần salad này. Cô không tự thấy được sao? Chúng tôi cần dĩa để chia ra”, mụ nói lúc tôi đi qua chỗ rẽ và tóm lấy chai dấm. Khi nhận chai dấm, mụ trông như thể sắp lên cơn tới nơi.

“Dĩa đâu?” Mụ rống lên như cây kèn trumpet.

“Thưa quý bà” (và khi tôi gọi quý bà, ý tôi là đồ con quỷ ngu ngốc), “lọ dấm ở gần hơn, và dường như đó là thứ bà đang muốn ngay lúc này. Tôi vốn định đi lấy dĩa cho bà ngay khi bà đã hài lòng với món dấm”.

“Cô còn không mang muỗng để ăn salad nữa chứ.”


“Thưa, không. Salad không dùng muỗng.”

“Này”, mụ nói, “nếu là phục vụ tốt thì cô đã phải mang muỗng tới rồi chứ.”

“Này, tôi không phải phục vụ tốt. Vậy nên bà chỉ được có thế.”

“Tôi muốn nói chuyện với quản lý”. Khỉ gió. Biết mà. Nhưng tôi chỉ chịu được đến thế thôi. Tôi nói với Jean Paul rằng khách hàng muốn phàn nàn. Gã rất là thong thả mới đi tới bàn, khiến tôi cũng mát lòng mát dạ.

Tôi nghe tiếng mụ phàn nàn về mình, phun nanh phun nọc, rồi khi gã khúm núm hỏi có thể giúp thêm gì không, thì mụ nói, “Này, cậu có thể bảo con bé đó mang cho tôi một cốc cà phê không caffeine”. Đây là một trong những lần tôi thấy rất hài lòng về món Cà phê Ma thuật của chúng tôi.

Tôi thích món được gọi là “Cà phê Ma thuật” của nhà hàng này. Là thế này: Món cà phê thuần tuý lấy ngay từ máy pha. Không hề ngon. Quản lý biết nó không ngon, và họ thích thế. Vì sao? Vì nếu nó thực sự ngon, mọi người sẽ ở lại nhâm nhi thêm cốc thứ hai hoặc thứ ba. Cà phê miễn phí, và họ muốn có nhiều khách xoay vòng để thu tiền. Thế nên họ bảo đảm cà phê phải dở, để mọi người chỉ uống một cốc là đi luôn.

Nhưng lý do nó được gọi là Cà phê Ma thuật là vì chúng tôi chẳng có thứ cà phê không caffeine nào trong nhà hàng cả. Không hề. Chưa từng có, và sẽ không bao giờ có. Nếu mọi người muốn cà phê không caffeine, chúng tôi cứ cho là nó không có caffeine, và thế là, ÚM BA LA, không còn caffeine nữa. Ít ra thì là thế. Có thể bạn nghĩ đây là thiếu đạo đức. Và vâng, đúng vậy! Nhưng họ không quan tâm.

Ban đầu khi mới vào làm, tôi bị sốc. Lo lắng nữa. Tình cờ tôi lại thuộc số người không thể uống cà phê sau một mốc giờ nhất định trong ngày. Như thế tôi sẽ thức cả đêm. Nếu tôi là người bị lừa uống phải món cà phê đầy caffeine, tôi sẽ xanh như tàu lá chuối mất. Nhưng tệ hơn nữa, lỡ như đó là một người lớn tuổi có bệnh tim thì sao? Ý là, như thế sẽ nguy hiểm. Thế nhưng họ chẳng bận tâm.

Cá nhân tôi không phải người phục vụ món tráng miệng. Đó là cách giúp lương tâm của tôi không cắn rứt trước sự việc này. Tôi đóng vai trò người phục vụ nhận đặt và mang đồ ăn, thức uống ra. Chỉ có thế. Sau khi khách ăn xong, nhân viên phụ bàn sẽ nhận đặt món và phục vụ phần tráng miệng, và nói dối. Thông thường khách hàng sẽ hỏi, “Tách nào không caffeine?”. Cậu phụ bàn sẽ nói, “Tách này”, thậm chí còn chỉ vào một tách để khách được yên tâm. Tất cả rất ám muội. Nhưng phần đó không liên quan gì đến tôi. Tôi không phải kẻ nói dối. Thế nên cũng chấp nhận được.

Hiện tại, cả chục lần chạy tới chạy lui đã khiến tôi bỏ mặc một cặp đôi tại bàn khác. Họ cũng gọi món salad dùng kèm pho mát xanh. Chàng trai ăn gần xong, còn cô gái gần như không động tới dĩa của mình. Một nhúm đầy pho mát xanh chễm chệ ngay trên cùng. Tôi bước lại.

“Tôi không thích món dùng kèm này”, cô ta nói. “Không ăn nữa”.

“Được thôi”, tôi nói. “Để tôi mang nó đi cho khuất mắt cô.” Tôi vươn tay cầm dĩa của cô ta, như ngay khi nhấc lên, dĩa trượt khỏi tay tôi – do dính dầu từ cái bàn số 23 ngu ngốc kia. Tôi cố gắng chụp lại, nhưng nỗ lực đó chỉ khiến mọi sự càng tồi tệ, cuối cùng tôi lóng ngóng hất hết chỗ salad đó lên cô ta. Đầy áo blouse. Đầy lên váy. Một mẩu rau diếp phản bội bám nơi tóc. Pho mát xanh văng khắp nơi. Thứ pho mát xanh quỷ quái này bị cái gì vậy chứ?

Tôi sốc không kém cô ta. Cả hai chúng tôi chết lặng, im bặt một lúc. Rồi thì… “Tôi đoán giờ cô thực sự ghét món dùng kèm đó rồi nhỉ?”, tôi lên tiếng. À thì, còn có thể nói cái khỉ gió gì chứ? Thật là một cơn ác mộng. Một cơn ác mộng kinh khủng.

Tôi sẽ không ngạc nhiên một chút nào nếu ngay lúc này mình tỉnh giấc, sau đó gọi điện kể với Sydney về mọi thứ. Nhưng tôi không tỉnh dậy. Vì tôi đang tỉnh. Và chốn địa ngục này chỉ là một buổi tối tại chỗ mà làm mà thôi.

Thật kinh ngạc, tôi không bị đuổi việc. Ít ra là chưa. Bữa ăn của cặp đôi ấy được miễn phí, và họ sẽ gửi hoá đơn giặt khô tới chúng tôi. Còn cô nàng… hẳn là đã nguyền rủa cho tôi bị “ung thư hậu môn”.

Quay lại bàn số 23, mụ Mặt dưa chuột đã uống xong “cà phê không caffeine”. Biết rằng mụ sẽ trằn trọc cả đêm vì nó, tôi thực ra lại cảm thấy hạnh phúc với Cà phê Ma thuật. Hạnh phúc tới mức, tôi thậm chí còn rót đầy lại tách của mụ sau khi thanh toán hoá đơn. Vâng, tôi biết như thế là sai! Tôi chấp nhận.

Trên đường về, tôi nghe nhạc của The Clash bằng chiếc iPod, đột nhiên lại thấy một chú cún bị buộc vào cột biển chỉ đường. Nó lôi thôi nhưng rất đáng yêu, trông như bị lạnh nữa. Tôi cần phải về nhà tắm rửa, nhưng tôi không muốn cứ thế bỏ mặc con cún bị cầm chân này. Tôi nhìn vòng cổ của nó, không có thẻ tên. Tôi không thể nuôi chó. Nuôi chó đòi hỏi nhiều trách nhiệm. Tôi lo cho mình còn chưa xong nữa đây này. Có Chúa mới giúp được tôi nếu phải tới gần pho mát xanh thêm lần nữa. Tôi vỗ về con cún, rồi lại cất bước về nhà.

Đi chưa được hai dãy nhà, tôi quay lại kiểm tra nó. Tôi chỉ muốn bảo đảm nó không sao. Nó là đực hay cái nhỉ? Tôi vào tiệm Ray’s Pizza – một trong hàng nghìn của hàng Ray’s Pizza tại New York luôn tuyên bố mình là “Ray’s Thứ thiệt”.

Thế là tôi hỏi anh chàng đứng tính tiền rằng con chó đã bị buộc tại cây cột bao lâu.

“Còn tuỳ”, cậu ta nói. “Bốn giờ có gọi là lâu không?”

“Ôi Chúa ơi”, tôi kêu lên. “Con vật đáng thương đó hẳn là lạnh cóng.”

“Tôi vẫn gặp chuyện như thế suốt. Người ta không cần chó nữa, thế là bỏ mặc cho nó đi mất hoặc buộc vào cột.”

“Người ta thật đê tiện”, tôi nói. Anh ta gật đầu, cười khẽ trong miệng.


“Đúng, và họ hy vọng nhưng kẻ ất ơ như cô sẽ thương hại con vật và cho nó một mái nhà.”

“Ơ!” Tôi rên lên, bước ra ngoài xem con chó. Khi tôi tiến lại, nó bắt đầu vẫy đuôi như thể quen biết tôi. Mày có quen tao đâu, đồ ngu! Đừng có vẫy đuôi với tao. Và rồi nó cười. Dám thề có Chúa, con chó quỷ quái đó cười với tôi. Tôi sẽ không mang con chó này về nhà. Tôi sẽ không trở thành người nuôi chó. Một kẻ ất ơ nào đó sẽ thương hại con chó này, nhưng không phải tôi. Tôi cần tắm thật lâu. Tôi cần tẩy rửa hết mọi chuyện hôm nay, và tôi không cần một con chó.

Tôi có một con chó trong nhà. Nó vụng về, đáng yêu, tôi đặt tên nó là Strummer, theo tên của Joe Strummer vừa mất gần đây. Với lại, có vẻ nó cũng thích nhóm The Clash.

Tôi ngồi vào bàn, kiểm tra thư điện tử và trang chủ CNN có tin “Vụ kiện bao cao su trong món súp đã được dàn xếp xong”. Bạn nên tin là tôi đã click vào cái link đó. Hoá ra chuỗi nhà hàng có trụ sở tại California tên McCormick & Shmick này đã dàn xếp xong vụ kiện của một phụ nữ tìm thấy bao cao su trong món súp sò. Bà ta cũng tuyên bố mình bị người phục vụ đối xử thô bạo. Bà ta đã yêu cầu phục vụ hâm nóng lại súp. Rồi khi bắt đầu ăn món súp, bà ta nhai phải một vật dẻo, dai, ban đầu bà ta ngỡ là mực hoặc tôm. Bà ta nhổ thứ khó chịu đó vào khăn ăn của mình và, lạ chưa kìa, phát hiện ra đó là một chiếc bao cao su đã cuộn lại.

Này, tôi biết điều này thật đáng ghê tởm! Thực vậy. Nhưng với những gì tôi biết từ việc phục vụ bàn và đối phó với những vị khách hàng khốn nạn, thì câu chuyện này đủ khiến tôi khựng lại. Tôi phải tự hỏi bà ta thực sự đã làm gì với người bồi bàn. Bà ta đã xử tệ với anh chàng đến cỡ nào? Và sự việc cũng đặt ra câu hỏi, “Anh ta có thực hiện tình dục an toàn với súp không?”.

Có lẽ người phục vụ cho rằng mình đã ban ơn cho bà khách khi đeo bao cao su rồi mới đưa của quý vào món súp nọ. Đã bao nhiêu lần một cái của quý được nhúng vào tô súp mà không có bao cao su? Cá nhân tôi, nếu có người chơi món súp của tôi, tôi thà để họ dùng bao cao su, nhưng đó chỉ là ý riêng của tôi. Và tôi cũng không thích súp sò.

Trong đầu tôi nảy ra ý tưởng về cơ hội quản lý khủng hoảng kinh điển. Hẳn phải có một cách để biến bài PR xấu thành một điều gì đó tốt đẹp. Chà… tình trạng trớ trêu này thật là đầy thách thức! Người ta luôn luôn có thể nhìn thấy sự hài hước trong đó để tự giễu. Họ có thể đặt ngay vào thực đơn câu “Súp của chúng tôi không có bao cao su”. Hoặc làm một Đại tiệc t*ng trùng kéo dài hẳn một tháng: Súp sò miễn phí cho mọi khách tham gia. Nhưng tôi sẽ cho bạn biết điều này, nếu họ đã trả tiền cho tôi, thì doanh thu món súp sò sẽ tăng cực mạnh trở lại trong thời gian kỷ lục.

Tôi gọi cho Sydney và bảo cô ấy đến nhà. Tôi nói muốn giới thiệu với cô ấy một nhân vật. Cô ấy than vãn rằng trời quá lạnh, nhưng vẫn đến.

Mất một giờ Sydney mới tới, mặc dù chỉ sống cách đây ba dãy nhà. Cô ấy ăn diện kỹ càng, vì ngỡ tôi định giới thiệu một anh chàng nào đó. Thực là vậy đấy chứ. Chỉ là chàng trai bé nhỏ này có bốn chân.

“Cậu đã làm gì thế này?”, cô nàng hỏi.

“Nó không có nhà. Thằng ngốc nào đó đã cột nó vào một cây cột.”

“Ôi, Heaven.”

“Mình biết. Nhưng mình không thể bỏ mặc nó. Dù sao nó cũng đã ở đây, và nó thuộc về mình. Cậu thành dì rồi đấy. Chào Strummer đi.”

“Strummer?” Cô nàng không hiểu.

“Đúng, Strummer.”

“Giống như hành động gõ guitar ấy à?”

“Đúng, nhưng thực ra là đặt theo tên Joe Strummer.”

“Tớ chẳng biết ông đó”, cô nàng nói.

“Xúc phạm thật!”

“Đó là một trong những sở thích âm nhạc của cậu à?”

“Không hẳn. Nhưng không sao. Bất cứ ai thích nhạc phim Blue Crush nhiều như cậu đều biết Joe Strummer mà.”


“Sao cũng được”, cô nàng đáp. “Nhạc phim đó hay mà.”

“Mình biết cậu sẽ nghĩ vậy, bạn yêu.”

“Cậu có một con chó.”

“Đúng vậy đấy.”

“Chà, mình chả biết phải nói gì.” Cô nàng nhăn mặt. “Chúc mừng nhé?”

“Cảm ơn.” Strummer bước lại phía tôi, dụi đầu vào đầu gối tôi. Đó gần như là điều đáng yêu nhất tôi từng thấy. Ngay khoảnh khắc này, việc tôi mang nó về nhà đã được thông qua, và tôi cũng quyết định rằng mình yêu nó.

Tình yêu gần như là một dạng quyết đinh. Giống như hạnh phúc. Bạn có thể quyết định yêu ai đó hoặc không, sống hạnh phúc hoặc không. Còn lại chỉ là việc có quyết đoán với quyết định đó hay không. Hiện giờ tôi đã quyết đoán với chú cún này.

“Mình nghĩ mình có thai”, Sydney nói.

“Không đâu.”

“Mình trễ kỳ.”

“Tháng nào cậu chả trễ”, tôi đáp. Và thực ra không phải tháng nào cô ấy cũng trễ. Chỉ là tháng nào cô ấy cũng than thở.

“À thì, đâu phải tháng nào mình cũng quan hệ không an toàn những năm lần.”

“Cậu quên nói một vế, là làm việc đó với người lạ.”

“Mình quen anh ta”, cô nàng tự vệ. “Mình từng gặp anh ta một lần. Một năm trước. Nhưng cũng cảm ơn vì đã khiến cho mình thấy khá hơn nhé.”

“Xin lỗi, nhưng lẽ ra cậu vẫn nên dùng bao cao su.”

“Bọn mình cũng định thế mà.”

“Thôi đi, cậu không có thai”, tôi nói. “Mình biết, vì cả tuần này tâm trạng cậu rất tệ, nghĩa là rõ ràng rằng cậu đang khó chịu vì sắp tới kỳ.”

“Thật chứ?”

“Thật.”

“Tốt”, cô nàng nói. “Còn cậu thì làm sao vậy? Đã lâu rồi cậu chẳng quan hệ.”

“Đã lâu rồi mình chẳng hẹn hò. Không hẹn hò thì không quan hệ.”

“Không đúng”, cô nàng nói.

“Với mình thì đúng.” Đôi khi tôi ước mình là kiểu người của những cuộc tình một đêm và cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh, thay vì chịu đựng cảm giác tội lỗi về nó. Nhưng thực tế thì khác. Chỉ Sydney mới làm được. Tôi thì không.

Có tiếng gõ cửa. Sydney nhìn tôi tò mò.

“Cậu đang chờ ai à?”

“Không, nhưng chắc đó là Brady.”


“Brady là ai?”

“Hàng xóm của mình.” Tôi mở cửa, đó đúng là Brady.

“Chào”, cậu ta nói.

“Chào”, tôi đáp lại. Strummer chạy ra cửa, Brady bắt đầu vỗ về nó.

“Tôi không biết cô có nuôi chó đấy.”

“Lúc trước thì không. Tôi mới nhận nuôi nó thôi.”

“Nó tên gì?”, Brady hỏi.

“Strummer.”

“Tuyệt. Theo tên Joe à?”

“Anh cũng biết điều đó.”

“Ồ.” Cậu ta mỉm cười. “Tên hay đấy.”

“E hèm”, Sydney lên tiếng.

“Xin lỗi”, tôi nói. “Đây là Brady. Hàng xóm của mình.”

“Gã thiểu năng ấy à?”, Sydney hỏi trước khi tôi kịp nhét một đôi tất len thật dày vào miệng cô nàng.

“Vụ thiểu năng đó là sao đây?”, cậu ta hỏi.

“Không có gì”, tôi nói. “Sao, có chuyện gì nào?”

“Tôi chỉ muốn cảm ơn. Cô biết đấy. Về việc cô đã làm. Với Sarah. Thực sự rất tuyệt.” Sau một lúc, cậu ta bước về phía thang máy, ấn nút mở.

“Không có gì. Cô nàng đó thật gai mắt.” Thang máy mở, cậu ta bước vào.

“Ừ. Thật đấy chứ. Dù sao, tôi phải đi đây. Tôi chỉ muốn nói là điều cô làm… rất hoàn hảo. Nụ hôn nữa. Rất tuyệt”, cậu ta nói trong lúc cửa thang máy bắt đầu đóng lại.

“Không có gì”, tôi nói. Và ngay khi cửa đóng, tôi đế thêm. “Nhân tiện, tôi bị bệnh bạch cầu đơn nhân[2] đấy.”

[2] Căn bệnh có thể lây nhiễm khi hôn.

***

“Cậu thật nhân từ khi lắng nghe tất cả những chuyện vớ vẩn này của tôi.”

- Samantha Baker, Sixteen Candles.

“Cậu không phải đang chết dần chết mòn, cậu chỉ không nghĩ ra điều tốt đẹp hơn để làm thôi.”

- Ferris Bueller, Ferris Bueller’s Day Off


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui