* Sự, Lý, Tánh, Tướng, Không, Hữu, Nhân, Quả lẫn lộn chẳng phân, chi bằng học theo ngu phu, ngu phụ, cắm cúi niệm Phật, cứ chí cung, chí kính, một mực thành khẩn.
Lâu ngày chầy tháng, nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước dày, mối nghi tâm ấy triệt để rơi rụng hết, thì những chuyện Phật có hay là không, chính mình là có hay là không, đường nẻo “vào cửa Phật, lên bờ kia” đã có xác cứ, nào phải đợi hỏi ai nữa!Nếu chẳng chuyên tâm, dốc chí niệm Phật, cứ cùng người khác bàn xuông những hiểu biết chỉ mới được một phần thì cũng giống như xem kinh Kim Cang nhưng chẳng biết Thật Tướng.
Xem Tịnh Ðộ Văn, Tây Quy Trực Chỉ nhưng chẳng sanh tín tâm là do nghiệp ngăn chướng tâm, chẳng thể lãnh hội.
Như kẻ mù nhìn mặt trời, mặt trời ở ngay trên không, mắt nhìn ngay vào mặt trời nhưng chẳng thấy được tướng sáng, nào khác lúc chẳng thấy.
Nếu mắt được sáng lại, vừa nhìn liền thấy ngay tướng sáng.Một pháp Niệm Phật chính là một pháp tối thiết yếu để mắt được sáng lại.
Muốn thấy tướng trạng Thật Tướng, hãy nên dốc trọn lòng thành nơi pháp này, ắt mau có ngày được thỏa nguyện lắm.
Muốn tự thấy Chân Ngã, nếu chẳng phải là bậc đại triệt đại ngộ sẽ chẳng thể làm được.
Muốn chứng ngộ mà chẳng đoạn Hoặc chứng chân sẽ không thể được.
Muốn viên chứng, nếu ba Hoặc chưa đoạn sạch, hai tử (phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử) chưa vĩnh viễn mất, sẽ chẳng thể được!Luận trên thực tại, các hạ luân hồi bao kiếp dài lâu và nay đang cật vấn những điều trái với giáo lý đều là do sức tác dụng của Chân Ngã.
Do các hạ quay lưng với giác, xuôi theo trần lao, nên chẳng thể thọ dụng chân thật.
Khác nào cái đầu của gã Diễn Nhã , hạt châu trong áo, từ đầu đến cuối chưa hề mất, lầm sanh sợ hãi, lầm chịu khốn cùng vậy!* Tất cả thế gian dù là căn thân hay là thế giới đều là do đồng nghiệp, biệt nghiệp trong tâm của chúng sanh cảm thành, đều có thành hoại, đều chẳng trường cửu.
Thân có sanh, già, bệnh, chết; thế giới có thành, trụ, hoại không.
Câu nói: “Vật cực tắc phản, cực lạc sanh bi” (mọi sự đến chỗ cùng cực sẽ chuyển biến theo chiều ngược lại, vui quá hóa buồn) là nói về ý này.
Do Nhân đã là sanh diệt, Quả cũng chẳng thể không sanh diệt.Thế giới Cực Lạc là thế giới do Phật A Di Ðà đã chứng ngộ triệt để Phật tánh sẵn có trong tự tâm, tùy tâm biến hiện, xứng tánh trang nghiêm.
Vì thế, sự vui trong cõi ấy chẳng có lúc cùng tận.
Ví như hư không rộng rãi to lớn, bao hàm hết thảy sâm la vạn tượng.
Dù thế giới nhiều lần thành, nhiều lần hoại, hư không rốt ráo chẳng bị tăng giảm.Ông đem sự vui thế gian để nạn sự vui Cực Lạc, nhưng sự vui Cực Lạc ông chưa thể thấy.
Dẫu ông chưa thể thấy toàn bộ hư không, nhưng với khoảng hư không trong vòng trời đất đây, ông có bao giờ thấy nó bị biến cải hay chưa?Phải biết rằng hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh.
Vì thế Ðức Phật dạy con người niệm Phật cầu sanh Tây Phương để nhờ vào nguyện lực đại từ bi của Phật Di Ðà sẽ cũng được thọ dụng niềm vui bất sanh bất diệt ấy.
Do căn thân là liên hoa hóa sanh nên không có nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết.
Thế giới là do công đức xứng tánh hóa hiện nên không có biến chuyển Thành, Trụ, Hoại, Diệt.
Dù là thánh nhân vẫn có những điều không biết, há nên vì những pháp sanh diệt trong thế gian mà khởi nghi ư?* Pháp môn Tịnh Ðộ là bi tâm triệt để của đức Như Lai, là pháp môn phổ độ chúng sanh khiến cho những kẻ phàm phu đầy dẫy triền phược, không có sức đoạn Hoặc, nhờ tín nguyện trì danh sẽ được liễu thoát ngay trong đời này, cùng làm bè bạn với Quán Âm, Thế Chí.
Trên đến bậc Ðẳng Giác Bồ Tát, địa vị gần kề Phật Quả vẫn còn phải vãng sanh mới thành Chánh Giác.
Chí viên, chí đốn, thông trên, suốt dưới, vượt trội hết thảy các pháp môn đã được giảng trong cả một đời giáo hóa.
Vì thế, trong khi Ðức Phật giảng kinh A Di Ðà, sáu phương chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài đồng thanh tán thán, khen là kinh Công Ðức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Ðược Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm.Phật lại nói: Ta là Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn làm được chuyện rất khó, hiếm có.
Ðức Thế Tôn ta tự phô bày túc nhân, bảo: “Ta trong đời ác ngũ trược, làm được chuyện khó làm sau đây: chứng đắc Bồ Ðề, vì hết thảy thế gian nói pháp khó tin này.
Thật là rất khó” khiến cho người nghe tin nhận, phụng hành, chỉ nhằm bày trọn bổn hoài xuất thế mà thôi.Nhưng pháp môn này rất sâu, khó lường, tuy đã được Bổn Sư và chư Phật Thế Tôn cùng khuyên nên tin tưởng, nhưng đời vẫn còn rất nhiều kẻ nghi.
Chẳng những hạng thế trí phàm tình chẳng tin, ngay cả hạng tri thức thông hiểu Tông, Giáo sâu xa cũng còn ngờ vực.
Chẳng những hạng tri thức chẳng tin, mà bậc Thanh Văn, Duyên Giác đã chứng Chân Ðế, nghiệp tận tình không hãy còn nghi ngờ.
Chẳng những bậc tiểu thánh chẳng tin, ngay cả Quyền Vị Bồ Tát cũng hãy còn ngờ.
Ngay đến bậc Pháp Thân Ðại Sĩ dù đã tin chắc, nhưng vẫn chẳng thể thấu hiểu tận cùng nguồn cội.Ấy là vì pháp môn này lấy Quả Giác làm Nhân Tâm, toàn thể là cảnh giới Phật, chỉ mình Phật với Phật mới có thể hiểu trọn, chẳng phải trí con người thấu hiểu được nổi! Bọn phàm phu ta ngửa tin lời Phật, y giáo phụng hành sẽ tự được lợi ích thật sự.
Nếu được nghe pháp môn chẳng thể nghĩ bàn này thì phải là trong nhiều kiếp đã gieo sâu căn lành, huống hồ là tin nhận, phụng hành ư?* Kinh Hoa Nghiêm vua của Tam Tạng, là do đức Như Lai lúc tối sơ thành Chánh Giác, vì các bậc Pháp Thân Ðại Sĩ thuộc bốn mươi địa vị đã vượt ngoài cửu giới, giảng ra pháp một đời thành Phật.
Chỗ quy tông kết đảnh của Thật Nghĩa rốt ráo là “dùng mười đại nguyện vương, hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên mãn Phật Quả”.Cảnh sở chứng của Thiện Tài đã bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, được gọi là bậc Ðẳng Giác Bồ Tát.
Ðẳng Giác chỉ kém Phật một chút vẫn còn phải hồi hướng vãng sanh.
Toàn bộ các Bồ Tát trong Hoa Tạng thế giới hải đều bẩm thọ giáo pháp này, cùng tu pháp này.
Huống nay kẻ thông Tông, thông Giáo, mức căn tánh thông lợi, mức chứng nhập sâu xa có hơn nổi các vị Ðẳng Giác Bồ Tát kia chăng? Ngàn kinh, vạn luận, đâu đâu cũng dạy quy hướng.
Vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng về, những kinh luận ấy há chẳng đáng để tuân thủ, hành theo ư? Các vị thánh hiền ấy đều là hạng ngu phu, ngu phụ ư?Nói gọn một lời: Nghiệp sâu chướng nặng, chưa được giải thoát nên đến nỗi đối với việc hằng ngày còn chẳng biết, cứ quen thói chẳng suy xét đó thôi.* Nếu bảo: “A Di Ðà Phật an cư Cực Lạc.
Mười phương thế giới vô lượng, vô biên.
Trong một thế giới, chúng sanh niệm Phật đã nhiều vô lượng, vô biên, A Di Ðà Phật một thân làm sao tiếp dẫn khắp hết thảy những chúng sanh niệm Phật trong mười phương vô lượng vô biên thế giới được?”Ðáp: Sao ông lại dùng tri kiến phàm phu để suy lường Phật cảnh? Tôi mượn thí dụ nói rõ cho ông khỏi lầm.
Một vầng trăng sáng rực trên không, hiện bóng trong vạn con sông, trăng có tâm chăng? Trên trời chỉ có một vầng trăng, nhưng biển cả, sông ngòi, sông to, suối nhỏ, đều hiện trọn vẹn khuôn trăng.
Dù nhỏ như một chước , một giọt nước, không nơi nào chẳng hiện toàn thể bóng trăng.Vả nữa, vầng trăng hiện nơi sông, rạch, một người nhìn thì có một vầng trăng ở ngay trước người ấy.
Trăm ngàn vạn ức người trong trăm ngàn vạn ức chỗ cùng nhìn, không một ai là chẳng có một vầng trăng ở ngay trước mặt.
Nếu trăm ngàn vạn ức người ai nấy đi qua Ðông, Tây, Nam, Bắc; mỗi người đi đến đâu, luôn thấy trăng cũng đi theo đấy, chẳng hề gần xa! Nếu trăm ngàn vạn ức người đứng yên chẳng động, trăng cũng đứng yên chẳng động, thường ở bên người.
Chỉ là nước trong lặng, trăng sẽ hiện; nước đục chao động, trăng ẩn mất.
Trăng vốn chẳng lấy bỏ, trăng chẳng hiện là do nước đục ngầu, lay động, chẳng phản chiếu được bóng trăng.Tâm chúng sanh như nước, A Di Ðà Phật như trăng.
Chúng sanh đầy đủ tín nguyện hạnh, chí thành cảm Phật thì Phật sẽ ứng như nước trong trăng hiện.
Nếu tâm chẳng thanh tịnh, chẳng chí thành, ứng với tham, sân, si, trái nghịch Phật như nước vừa đục vừa xao động dù trăng vẫn chiếu xuống nhưng chẳng thể hiện bóng rõ ràng.Trăng là sắc pháp thế gian, còn diệu dụng như thế, huống hồ Phật A Di Ðà đã hết sạch phiền hoặc, phước huệ đầy đủ, tâm trùm thái hư, lượng trọn pháp giới ư? Vì thế kinh Hoa Nghiêm bảo: “Phật thân đầy khắp pháp giới, hiện trước khắp hết thảy chúng sanh.
Tùy duyên cảm ứng không đâu là chẳng trọn khắp, nhưng luôn ngồi nơi tòa Bồ Ðề này”.Do đó, biết rằng Phật cảm khắp pháp giới, Phật ứng khắp pháp giới.
Phật thật sự chưa từng khởi tâm động niệm, có ý tưởng đến đi, nhưng có thể khiến cho chúng sanh duyên đã thành thục thấy Ngài đến đây tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương.
Cho nên Phật chẳng phải là một, chẳng phải là hai.
Chỉ nêu đại ý để sanh chánh tín mà thôi.* Phải biết rằng pháp môn Tịnh Ðộ chính là để nhiếp phục người thượng thượng căn.
Vì thế, Thiện Tài đã chứng Ðẳng Giác, Phổ Hiền Bồ Tát vẫn dạy dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh ngõ hầu viên mãn Phật Quả; nhân đó, khuyên khắp Hoa Tạng hải chúng.
Do vậy, ta biết rằng một pháp hồi hướng vãng sanh Tịnh Ðộ chính là pháp tối hậu để viên mãn Phật Quả.Ðời có kẻ cuồng chẳng hiểu kỹ giáo lý, thấy ngu phu, ngu phụ đều tu được pháp này bèn khinh rẻ, cho là pháp Tiểu Thừa, chẳng biết rằng đây chính là pháp môn đệ nhất một đời thành Phật, thành thỉ, thành chung của Hoa Nghiêm.Cũng có kẻ ngu tri kiến hẹp kém, nghĩ mình công phu cạn mỏng, nghiệp lực sâu dày, làm sao sanh ngay được; chẳng biết rằng tâm tánh chúng sanh và tâm tánh của Phật chẳng hai.
Ngũ nghịch, thập ác sắp đọa địa ngục, gặp thiện tri thức dạy cho niệm Phật đủ cả mười tiếng hoặc chỉ mấy tiếng rồi liền chết đi, còn được vãng sanh.
Lời Quán kinh dạy cớ sao chẳng tin?Bọn họ còn vãng sanh, huống hồ chúng ta dù còn tội nghiệp, dù ít công phu, sánh với kẻ thập ác ngũ nghịch kia [chỉ niệm] mười tiếng hay là mấy tiếng, còn vượt trội hơn rất nhiều, lẽ nào tự vội vàng bỏ qua đến nỗi đánh mất lợi ích vô thượng này?Như Lai gọi pháp môn Tịnh Ðộ này là pháp khó tin là vì hạ thủ dễ lại thành công cao, dùng công ít được hiệu quả nhanh.
Chí viên, chí đốn, thẳng tắt, rộng lớn, giản dị, vượt trội hết thảy giáo lý thông thường.
Chẳng phải xưa vốn đã có thiện căn, quyết sẽ khó tin nhận, phụng hành.
Tôi thường nói: “Cửu giới chúng sanh lìa khỏi pháp môn này thì trên chẳng thể viên thành Phật đạo.
Mười phương chư Phật bỏ pháp môn này thì dưới chẳng thể lợi khắp quần manh” là chuyện thực vậy.* Pháp môn Tịnh Ðộ độ khắp ba căn, chính là để tiếp độ căn khí thượng thượng, kiêm tiếp dẫn hạng trung hạ căn.
Kẻ ngu thường hay chê là pháp thiển cận, Tiểu Thừa; nói chung là vì chẳng xem kinh luận Ðại Thừa, chưa phải là người thông suốt có đủ con mắt.
Chỉ dùng cái tâm điên đảo, chấp trước của mình để suy lường đạo nguyên thủy trọng yếu, chung cục của Như Lai.
Như kẻ mù ngó mặt trời, như người điếc nghe sấm, đương nhiên chẳng thấy, chẳng nghe, chỉ đành suy luận vọng tưởng!Phải biết một pháp tín nguyện niệm Phật là do Như Lai vì bi tâm triệt để phổ độ chúng sanh mà tuyên thuyết.
Chỉ có các vị Bồ Tát như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền mới có thể rốt ráo đảm đương.
Bọn họ thấy ngu phu, ngu phụ đều niệm Phật được bèn coi là pháp Tiểu Thừa thiển cận, khác nào ngôi sao bé chỉ chiếm lãnh được khoảng trời nhỏ, con trùng bé chỉ bò được khoảng đất hẹp!Nếu tin tưởng được pháp này thì là nhiều kiếp đã trồng sâu thiện căn.
Nếu có thể dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối thì cái tâm phàm phu đó biến thành Như Lai Tạng, như người nhiễm hương, thân có mùi thơm.
Hiện tại đã tiếp xúc với khí phận của Phật thì lúc lâm chung lại chẳng cảm ứng đạo giao, được Phật tiếp dẫn hay sao?.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...