Xỏ chân vào đôi ủng cao su xong, thiếu tá Brunaby cài thêm khuy áo cổ chiếc măng tô dày. Xách ngọn đèn bão, ông thận trọng hé mở cửa ngó ra ngoài quan sát.
Phong cảnh bên ngoài khiến ông thấy sao giống hệt hình vẽ trên những tấm bưu thiếp chúc mừng lễ Noel. Đã bốn ngày nay trên toàn nước Anh tuyết rơi mảng lớn, riêng trong quận Dartmoor này, tuyết dày đến vài mét. Dân nước Anh đâu đâu cũng than phiền nạn nước đóng băng làm vỡ ống dẫn, và thợ chữa đường nước bỗng nhiên được quý như vàng.
Trong ngôi làng Sittaford hẻo lánh trên vùng núi, như tách rời khỏi thế giới bên ngoài này, thời tiết mùa đông càng khắc nghiệt hơn gấp bội.
Viên thiếu tá hưu trí dũng cảm mở cửa, hít đầy khí lạnh vào hai lá phổi, lấy tinh thần. Thốt lên một câu văng tục, ông kiên quyết bước lên lớp tuyết dày. Chặng đường đi không dài. Chỉ mấy phút sau ông Burnaby đã đến một cổng sắt. Bước qua cổng, ông đi thẳng lên bậc thềm một tòa nhà đồ sộ xây bằng đá hoa cương.
Một cô hầu ra mở cửa, rất niềm nở chào khách rồi giúp ông tháo tấm khăn quàng dày đã cũ, quấn kín cổ và nửa mặt.
Sau đó, cô hầu dẫn ông thiếu tá vào phòng khách. Thiếu tá Burnaby bỗng có cảm giác như ông là diễn viên sân khấu và người ta vừa thay đổi phông màn bài trí.
Tuy lúc này chưa đến ba giờ chiều, nhưng các rèm cửa sổ đã buông xuống, ánh đèn điện tỏa sáng khiến mọi đồ đạc lấp lánh, và ngọn lửa đang cháy lách tách trong lò sưởi. Hai phụ nữ quý phái, một già một trẻ, trong hai bộ váy áo dạ tiệc đứng lên tiếp đón người cựu sĩ quan.
Người phụ nữ có tuổi nói:
- Chào thiếu tá Burnaby, thời tiết thế này mà ông vẫn đến đây với chúng tôi, quý hóa quá.
- Còn tôi, cũng xin cảm ơn bà đã có nhã ý mời tôi, thưa phu nhân Willett.
Viên thiếu tá bắt tay bà chủ và cô con gái bà.
- Tôi mời cả anh Garfield và ông Duke. Cụ Rycroft cũng hứa sẽ đến dự buổi tiếp khách tối nay của tôi, nhưng tôi e thời tiết này chưa chắc ông cụ đã tới được. Chúng ta phải thông cảm với tuổi tác của ông cụ. Thời tiết quả là tồi tệ quá sức. Nếu không tìm ra cách tiêu khiển, khéo chúng ta đều phát điên lên mất. Violette, con bỏ thêm một khúc củi nữa vào lò sưởi đi.
- Tiểu thư để tôi làm cho - thiếu tá Burnaby lịch sự đứng lên.
Dáng điệu thành thạo, ông đưa khúc gỗ vào đúng vị trí cần thiết rồi lại ngồi xuống ghế xa lông bà chủ nhà vừa đưa tay mời.
Thiếu tá Burnaby kín đáo liếc nhìn xung quanh, ngạc nhiên thấy phòng khách này đã lại đổi cách bày biện, khác hẳn hôm trước, nhưng ông không nhớ được là những thứ gì đã được chuyển chỗ.
Mười năm trước đây, đại úy hải quân Trevelyan, sau khi về hưu, đã quyết định về sống ở nơi thôn dã. Từ lâu ông vẫn ao ước có ngày được đến sống ở vùng Dartmoor, và lần này ông nhằm Sittaford, một làng nhỏ nằm trên sườn núi, giữa một vùng hoang vu chỉ toàn đất cằn với những bụi cây dại, cách xa các làng và nông trại xung quanh. Viên đại úy hải quân tậu một khu đất lớn, xây một tòa nhà đồ sộ, đầy đủ tiện nghi, và gọi nó một cách to tát là "lâu đài”. Ông lắp cả một máy phát điện để lắp đèn và chạy máy bơm nước. Rồi nhằm mục đích kinh doanh, ông xây thêm bên cạnh con đường dẫn đến cổng sắt của lâu đài sáu ngôi nhà nhỏ, mà ông gọi là biệt thự.
Ngôi biệt thự gần lâu đài nhất ông nhường cho người bạn chiến đấu cũ, thiếu tá Burnaby. Dần dần năm ngôi biệt thự kia cũng bán được, bởi bao giờ cũng có những người, vì lý do này khác, muốn tìm nơi hẻo lánh để sống.
Làng nhỏ Sittaford có một phố lèo tèo, gồm ba ngôi nhà rách nát, một lò rèn, một hiệu bánh kẹo kiêm trạm bưu điện xã. Từ đây ra thị trấn Exhampton phải đi theo một con đường núi dài mười cây số, nhiều đoạn rất dốc khiến người ta phải dựng biển ghi chú bên đường: "Xe gắn máy cẩn thận! Đường dốc nguy hiểm”.
Như chúng ta đã thấy, đại úy về hưu Trevelyan như thế là khá giàu. Tuy vậy ông ta vẫn không bỏ được thói say mê cố hữu, là kiếm tiền. Hồi cuối tháng Mười vừa rồi, một hãng môi giới nhà đất ngoài thị trấn Exhampton gửi thư đến hỏi xem ông đại úy có bằng lòng cho thuê tòa "lâu đài' của ông không? Một bà khách hàng của hãng muốn nghỉ mùa đông năm nay ở đó.
Phản ứng đầu tiên của đại úy Trevelyan là từ chối thẳng thừng. Nhưng rồi suy nghĩ lại, ông viết thư trả lời hãng môi giới nhà đất kia, yêu cầu cho biết thêm chi tiết. Hãng trả lời rằng người muốn thuê tòa nhà của ông là một phụ nữ góa chồng, tên là phu nhân Willett. Bà cùng cô con gái mới từ châu Phi về, muốn nghỉ mùa đông năm nay tại vùng Dartmoor.
- Đúng là điên! - đại úy Trevelyan kêu lên với ông bạn thiếu tá - Ông đồng ý với tôi không, Burnaby?
Thiếu tá Burnaby đồng ý, nói thêm:
- Nếu ông không muốn cho thuê tòa nhà này thì mặc xác bà ta. Bà ta muốn đi đâu thì đi, cho bà điên khùng ấy chết rét ở một nơi nào đó! Đúng là bà ta có ý nghĩ quái đản? Mới ở châu Phi nóng như lò lửa mà về đây lại định nghỉ mùa đông ở cái làng Sittaford lạnh buốt này?
Nhưng cuộc bàn luận chỉ dừng lại ở mức đó. Thói tham tiền đã thắng. Đại úy Trevelyan tính, trường hợp cho thuê tòa "lâu đài” này giữa mùa đông có lẽ sẽ không bao giờ có, tội gì không kiếm thêm một món. Ông bèn viết thư hỏi xem bà khách kia có thể trả ông bao nhiêu.
Cuối cùng ngã giá là mỗi tuần mười hai ghi-nê. Viên đại úy bèn thuê một ngôi nhà nhỏ bên rìa thị trấn Exhampton để ở tạm, nhường tòa "lâu đài" đồ sộ cho phu nhân Willett.
- Bà ta đúng là loại vứt tiền qua cửa sổ! - đại úy Trevelyan nói.
Đã sửa bởi Mưa Thiên Kiều lúc 16.06.2014, 17:59.
Buổi chiều tháng Mười hai đó, thiếu tá Burnaby nhìn người phụ nữ thuê nhà, thầm nghĩ bà ta hoàn toàn không có vẻ "điên" chút nào. Trái lại, phu nhân Willett, vóc cao, điệu bộ hơi kiểu cách quá mức, nhưng nét mặt rất thông minh, hóm hỉnh. Có vẻ bà ta thích ăn mặc lòe loẹt và tiếng Anh bà ta nói có mang âm sắc của tiếng Anh các thuộc địa, nhưng bà ta tỏ ra hoàn toàn mãn nguyện về cuộc sống ở nơi heo hút này. Thêm nữa, bà ta có vẻ rất giàu và không hề thích cô đơn. Những chi tiết đó làm thiếu tá Burnaby rất khó giải thích.
Mới đến đây, phu nhân Willett lập tức tỏ ra là con người phóng khoáng, thích giao du. Bà ta liên tiếp tổ chức tiệc tùng mời khách, và mời nhiệt tình nhiều khi đến mức nài ép. Đặc biệt, bà luôn nhắc thiếu tá Burnaby thường xuyên đến đây "coi như ông vẫn ở tòa nhà này”. Khốn nỗi, viên thiếu tá có tính không thích phụ nữ. Nghe đâu hồi trẻ ông đã một lần bị thất tình đau đớn, cho nên bây giờ ông kiên quyết từ chối thái độ kết thân của bà khách thuê nhà.
Phu nhân Willett đã ở đây được hai tháng, và nỗi ngạc nhiên của mọi người xung quanh cũng tan dần.
Bản chất thiếu tá Burnaby ít nói, ông lặng lẽ quan sát bà chủ nhà, không mặn mà tiếp chuyện lắm. Nhìn bà mẹ xong, ông đưa mắt nhìn cô con gái bà, tiểu thư Violette Willett - một thiếu nữ xinh đẹp, nhưng hơi gầy. "Có lẽ mốt bây giờ là như thế chăng?" ông thiếu tá thầm nghĩ.
Cuối cùng, phu nhân Willett nói:
- Hai mẹ con tôi bàn nhau, chưa chắc ông đã đến. Hẳn ông đã định không đi chứ gì, thưa ông thiếu tá?
- Hôm nay là Thứ sáu, xin phu nhân hiểu cho.
- Thứ sáu thì sao? - phu nhân Willett ngạc nhiên hỏi.
- Bởi Thứ sáu là ngày tôi đến nhà ông bạn Trevelyan, còn ông ấy đến tôi vào Thứ ba... Hai chúng tôi đã thành lệ như thế từ rất nhiều năm rồi.
- Ra thế. Nhưng từ ngày ông thiếu tá ra ở ngoài thị trấn Exhampton, hai ông vẫn giữ lệ đó sao?
- Đúng thế. Vì đó là những buổi tối hai chúng tôi được hưởng cái thú ngồi với nhau, và cả hai đều không muốn bỏ cái thú đó, dù chỉ một lần.
- Hình như hai ông có cách giải trí là giải các bài điền ô chữ vào bài thơ hồi văn thì phải? - Cô Violette hỏi.
- Tôi giải thích ô chữ, còn đại úy Trevelyan thì giải bài hồi văn. Mỗi người say mê một thứ. Tháng trước tôi được giải thưởng về giải ô chữ đấy, ba cuốn sách dày.
- Tuyệt vời! Vậy thì ông giỏi quá đấy! Sách hay chứ thưa ông?
- Tôi chưa đọc.
Phu nhân Willett nói:
- Cái chính là ông được giải.
Cô Violette hỏi:
- Nhưng ông thường ra thị trấn bằng cách nào? Ông có ôtô chứ?
- Không. Tôi cuốc bộ.
- Thật không? Từ đây ra thị trấn Exhampton đến mười cây số kia mà?
- Đó là một thứ thể dục rất tốt. Cả đi cả về chỉ hai chục cây số, thấm vào đâu? Vừa khỏe người lại chống được béo bệu.
- Chà, hai mươi cây số! Hai ông quả là hai nhà thể thao cừ khôi đấy, đúng vậy không, thưa thiếu tá Burnaby?
- Thời trẻ, mùa đông nào hai chúng tôi cũng sang Thụy Sĩ chơi các môn thể thao mùa đông, còn mùa hè chúng tôi chơi môn thể thao leo núi. Bà và cô chưa nhìn thấy đại úy Trevelyan trượt băng đấy! Bây giờ hai chúng tôi đã già, không chơi những môn thể thao đó được nữa.
Cô Violette hỏi:
- Cháu nghe nói thời trẻ ông là vô địch môn đánh cầu trong quân đội, phải không ạ?
Mặt viên thiếu tá đỏ ửng lên như con gái:
- Cô nghe ai nói?
- Đại úy Trevelyan.
- Ông ấy nói lăng nhăng đấy mà. Ngoài trời lúc này ra sao nhỉ?
Biết viên thiếu tá đang ngượng, cô Violette tế nhị lảng ra của sổ. Hai mẹ con vén rèm lên, nhìn ra quang cảnh u ám bên ngoài.
Phu nhân Willett nói:
- Hình như sắp có một trận mưa tuyết lớn. Trời âm u lắm. Tôi đoán trận mưa tuyết này sẽ dữ dội lắm đây.
Cô Violette reo lên thích thú:
- Nếu vậy thì tuyệt. Cảnh tuyết rơi có thứ gì đó hết sức lãng mạn. Bây giờ con mới được nhìn thấy tuyết đấy.
- Dở hơi! - Bà mẹ mắng yêu cô con gái - Các ống dẫn nước đều bị vỡ thì còn lãng mạn nỗi gì?
Thiếu tá Burnaby hỏi:
- Vậy ra từ nhỏ cô toàn sống ở châu Phi, thưa tiểu thư Violette?
Vẻ hớn hở trên mặt cô gái trẻ đột nhiên biến mất. Cô buồn rầu đáp.
- Vâng. Đây là lần đầu tiên cháu được về Anh. Và cháu thấy nước Anh thật tuyệt vời.
Vậy mà mới trở về tổ quốc đã chui và cái nơi heo hút này? Quả thiếu tá Burnaby không sao hiểu nổi hai mẹ con bà Willett này.
Cửa phòng khách mở, một đầy tớ gái vào báo tin:
- Thưa bà chủ, cụ Rycroft và ông Garfield đã đến.
Một cụ già da mặt nhăn nheo bước vào, theo sau là một chàng trai trẻ trung, tươi tắn, da mặt hồng hào.
Anh ta nói:
- Tôi phải khó khăn lắm mới kéo được ông cụ sang đây đấy. Tôi phải cam đoan với cụ là sẽ không để cụ bị ngập trong tuyết. Chà! Trong nhà này ấm cúng quá! Chào phu nhân và tiểu thư! Gỗ để dùng đốt đêm Noel mà phu nhân đem cho vào lò sưởi chiều nay đấy phải không?
- Quả là nếu không có anh bạn trẻ này, tôi không sang được đây - Cụ Rycroft gạt đầu nói rồi kính cẩn bắt tay phu nhân Willett - Chào tiểu thư Violette! Cô thấy đã đúng mùa đông thật chưa? Phải công nhận mùa đông năm nay có dữ dội hơn mọi năm.
Cụ bước đến gần lò sưởi đang cháy bùng bùng trò chuyện với bà chủ nhà, còn chàng trai Garfield thì bám lấy cô Violette.
- Cô có nghĩ chúng tôi nên tổ chức một cuộc trượt tuyết không?
- Môn thể thao tốt nhất đối với anh là quét đống tuyết trước cửa nhà ấy.
- Thì sáng nào tôi chẳng phải quét nó? Cô nhìn hai bàn tay tôi chai sạn lên đây này.
- Bà cô anh thế nào rồi?
- Vẫn thế... Thỉnh thoảng tỉnh táo được vài phút, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Tôi đành chịu kiên nhẫn thôi! Năm nào trước khi quyết định về đây thăm bà cụ tôi cũng rất ngại. Nếu không vì chuyện thừa kế thì tôi chẳng phải khổ thân thế này. Nhưng cô biết không, chỉ cần một lần lễ Noel tôi không về với bà cụ là rất có thể bà cụ sẽ gạt tên tôi trong bản chúc thư và điền vào đấy tên một bệnh viện chuyên chữa bệnh cho mèo. Bà cụ nuôi những năm con, hôi rình. Vậy mà tôi cứ phải bấm bụng vuốt ve chúng để lấy lòng bà cụ.
- Tôi thích nuôi chó hơn nuôi mèo.
- Tôi cũng thế.
Cô hầu bước vào, báo tin:
- Thưa bà chủ, ông Duke đã đến!
Duke là người tậu ngôi "biệt thự” cuối cùng trong sáu ngôi biệt thự kia. Ông mới dọn đến đây trong tháng Chín vừa rồi. Con người to béo nhưng lành hiền này dồn toàn bộ thời gian vào công việc làm vườn. Láng giềng của ông, cụ Rycroft lại mê nuôi chim, cho nên hai người hợp nhau, rất thân thiết với nhau. Cụ Rycroft luôn kể với mọi người rằng ông láng giềng Duke của cụ rất đáng yêu, không hề có tham vọng cao xa nào. Thật ra, khó ai biết ông Duke là người ra sao, biết đâu ông chẳng là một nhà kinh doanh lớn, nay rút về ẩn dật?
Chưa ai dám hỏi thẳng ông, vả lại biết cũng chẳng để làm gì. Trong cái làng nhỏ heo hút này, rất cần giữ mối quan hệ tốt với nhau.
Ông Duke hỏi thiếu tá Burnaby:
- Chắc thời tiết xấu quá, nên hôm nay là Thứ Sáu ông cũng đành nhịn không ra thị trấn Exhampton?
- Vâng. Tôi chắc đại úy Trevelyan cũng biết như thế nên không mong tôi.
Phu nhân Willett rùng mình nói.
- Mùa đông nào ở đây cũng bị cầm chân thế này kể cũng buồn.
Thiếu tá Burnaby lại tò mò nhìn bà chủ.
Vừa lúc đó, cô hầu bưng khay trà và bánh vào.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...