Khi Trương Cổ trở về thị trấn Tuyệt Luân Đế, trời đã gần tối.
Anh đi thẳng đến ngoại vi phía Tây, căn nhà đơn độc giữa đồng hoang. Có quá nhiều quá nhiều câu hỏi không lời giải, chỉ còn cách đến hỏi bà già thu gom phế liệu này vậy.
Anh đẩy cửa bước vào.
Xúc tu văn minh của dây điện chưa vươn đến đây. Trong nhà thắp ngọn đèn dầu, rất tối, một thứ mùi mốc bay xộc vào mũi. Trương Cổ đằng hắng mấy tiếng.
Anh bước vào những năm tháng rất xa xưa.
Bà già đang ngồi trên giường, hình như đang nghĩ ngợi gì đó. Quanh nhà toàn là các thứ phế liệu. Trương Cổ kinh hãi nhất là một đống tóc bám bụi dày đặc.
Bà già ngẩng đầu hỏi: “Đã nhìn thấy chưa?”
“Thấy rồi. Nhưng tôi không hiểu…”
“Cách đây 34 năm, ngày 12 tháng 12, tôi đẻ sinh ba. Ba đứa con trai. Một tháng trước khi sinh chúng, chồng tôi ốm rồi qua đời…”
Trương Cổ không dám thở mạnh nữa, anh sợ bỏ sót một chữ nào đó.
Bà già: “Dân miền núi, sống khổ lắm. Tôi đã rất vất vả nuôi chúng, mong chúng sẽ chóng lớn để giúp tôi làm lụng. Nhưng sau một thời gian dài, tôi cảm thấy có chuyện không ổn: từ sau một tuổi, chúng không lớn nữa, thật là kỳ lạ…
Chuyện như thế, hẳn là trên trái đất này không có, thế mà lại xảy ra ở nhà tôi.
Tôi vốn mong chúng sẽ trở thành ba lao động mạnh khỏe, không ngờ, chúng lại không thể lớn. Cứ thế, tôi nuôi chúng như nuôi ba đứa trẻ con. Tôi là một bà góa, đâu có thể làm nổi việc này? Về sau tôi đành phải bỏ cả ba đứa. Năm ấy tôi nấu một nồi cháo to cho chúng ăn, rồi tôi khóc mà ra đi. Từ đó tôi phiêu bạt khắp nơi, như một con chó hoang đi kiếm miếng ăn cho mình…
Rất nhiều năm trôi qua, tôi không bao giờ có thể yên tâm về chúng. Một lần, tôi trở về quê cũ miền núi, thì không thấy chúng đâu nữa. Có một người dân bản nói rằng một trong ba đứa đã chết trên đường, chính ông ta nhìn thấy, ông ta bèn đào huyệt chôn thằng bé ấy. Hai đứa kia, không rõ tung tích, không biết sống chết ra sao. Tôi đã đi khắp nơi tìm chúng, cuối cùng, nghe nói có một thằng bé bí hiểm xuất hiện ở thị trấn nhỏ này, tôi liền tìm đến…”
Trương Cổ sợ hãi, hỏi: “Liệu nó có phải là thằng bé đã chết không?”
Bà già thở dài: “Tôi không biết đứa nào là đứa đã chết.”
Trương Cổ đờ ra, lẩm bẩm: “Có thể thằng bé ở thị trấn Tuyệt Luân Đế là đứa bé đã chết, cũng có thể thằng bé ở thị trấn Thái Bình là đứa bé đã chết. Hoặc, chúng đều là người, và vẫn còn đứa thứ ba, mình không nhìn thấy. Tất cả, đều là bọn chúng hoành hành càn rỡ…”
Bà già: “Ngay từ đầu tôi đã biết anh định phanh phui nó, vì thế tôi hằn học với anh, tôi định dọa anh. Cho đến khi cháu bé Thiều Thiều chết thì tôi không nỡ nào nhìn thằng bé tiếp tục hại người ta nữa…”
Ba mươi tư năm.
Nếu là người, thì năm nay thằng bé ấy đã 34 tuổi…
Trương Cổ bỗng nghe thấy bên ngoài cửa sổ có tiếng động!
Anh lập tức ngoảnh sang nhìn, thì trông thấy khuôn mặt xấu xí của thằng bé.
Khuôn mặt ấy thực ra là một chiếc mặt nạ có biểu cảm.
Loáng một cái, nó biến mất. Cứ như một ảo giác.
Trương Cổ chạy ra nhìn khắp bốn phía, không thấy gì, chỉ có bãi cỏ hoang.
Trương Cổ chính thức báo với Thiết Trụ, với tính chất là một vụ án.
Bà già thu gom phế liệu là mẹ đẻ của thằng bé, bà là nhân chứng rành rành.
Và thế là Thiết Trụ tìm đến dãy nhà 17, xông vào căn hộ chị Mộ Dung. Trong nhà chỉ có một mình chị Mộ Dung.
Thiết Trụ: “Thằng bé kia đâu?”
Chị Mộ Dung mếu máo nói: “Tôi đang tìm nó đây! Đã mấy tiếng đồng hồ không trông thấy nó, tôi lo quá!”
Trương Cổ nói: “Chị ạ, tất cả là tại bọn chúng!”
Chị Mộ Dung: ”Gì cơ?”
Trương Cổ nghĩ ngợi, rồi khẽ nói: “Kể cả chuyện cháu Thiều Thiều…”
Chị Mộ Dung hiểu rằng lần này thì không thể là hiểu lầm gì hết, vì cảnh sát cũng đã có mặt. Chị ngồi phịch xuống ghế.
Thằng bé Xoa đã mất tích một cách kỳ quái, cũng như lúc đầu nó bỗng dưng xuất hiện cũng rất kỳ quái.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...