Nếu trong hàng người chờ thanh toán này có Aomame, liệu mình có thể nhận ra được cô ấy ngay không? Có thể không? Đã hai chục năm nay chưa gặp nhau, khả năng hai người có thể nhận ra nhau chắc chắn là rất nhỏ. Nếu tình cờ gặp nhau trên đường và mình thầm nhủ “Liệu có phải cô ấy không nhỉ?” lúc ấy liệu mình có thể bước đến chào hỏi cô ấy không? Mình không tự tin đến thế. Có lẽ mình sẽ sợ, cứ thế lẳng lặng đi qua. Sau đó thì mình sẽ lại lấy làm hối hận: “Tại sao không chào hỏi cô ấy một tiếng cơ chứ?”
Komatsu thường nói: “Tengo à, thứ cậu thiếu là sự đam mê và tính tích cực.” Có lẽ anh ta nói đúng. Mỗi lần do dự không đưa ra được quyết định, Tengo lại nghĩ: “Chà, thôi bỏ đi,” và rồi từ bỏ. Đấy là tính cách của anh.
Nhưng ngộ nhỡ hai người gặp lại nhau ở đâu đó, đồng thời may mắn nhận ra được nhau, chắc mình sẽ thẳng thắn nói hết mọi điều với cô ấy, không giấu giếm. Mình với cô ấy sẽ vào quán cà phê gần đấy (giả sử là cô ấy có thời gian và nhận lời mời của mình), hai người ngồi đối diện nhau, uống cà phê, mình nói cho cô nghe mọi chuyện.
Anh có rất nhiều điều muốn bày tỏ với Aomame. “Cậu đã nắm tay mình trong phòng học hồi cấp một, đến giờ mình vẫn còn nhớ rất rõ. Từ đó trở đi mình luôn muốn trở thành bạn cậu, muốn tìm hiểu cậu nhiều hơn, nhưng không sao làm nổi. Có nhiều lý do lắm, nhưng vấn đề lớn nhất là mình nhút nhát. Mình hối hận về chuyện ấy mãi, đến giờ vẫn còn hối hận. Mình thường xuyên nhớ đến cậu.” Chuyện vừa nghĩ tới hình ảnh cô vừa tự thủ dâm, đương nhiên anh sẽ không nhắc đến. Chuyện này là khác hoàn toàn so với chuyện thẳng thắn nói mọi điều.
Có lẽ tốt nhất không nên chờ đợi một chuyện như thế. Có lẽ tốt nhất không nên gặp lại. Nếu thực sự gặp mặt nhau, không chừng mình sẽ lại thất vọng, Tengo nghĩ. Biết đâu giờ này cô đã trở thành một nhân viên hành chính gương mặt đầy mệt mỏi, nhìn đã phát ngán lên, hoặc trở thành một bà mẹ rát cổ bỏng họng mắng mỏ bọn trẻ con. Có khi mình với cô ấy chẳng tìm được chủ đề nào để nói chuyện cũng nên. Đương nhiên là có khả năng như thế. Nếu vậy, Tengo sẽ mãi mãi mất đi một thứ gì đó rất quý giá mà bấy lâu nay anh hằng cất giấu trong tâm khảm. Nhưng anh vẫn tin: Chắc sẽ không như vậy đâu. Ánh mắt rắn rỏi cùng dáng hình cương nghị của cô bé mười tuổi ấy khiến anh tin chắc rằng ở cô có một sự kiên tâm không dễ gì cùn mòn với thời gian.
So sánh ra, bản thân anh giờ như thế nào chứ?
Nghĩ tới đây, Tengo bỗng thấy bất an.
Người bị thất vọng khi gặp lại rất có thể chính là Aomame. Hồi tiểu học, Tengo là thần đồng toán học được mọi người công nhận, gần như môn nào cũng đứng nhất lớp. Thêm nữa thân hình anh lại cao to, các môn thể dục thể thao đều rất cừ khôi. Thầy cô giáo ai cũng nhìn anh với con mắt khác, kỳ vọng ở anh rất nhiều điều. Có lẽ trong mắt cô hồi đó anh giống như một người hùng. Nhưng hiện nay, anh chẳng qua chỉ là giáo viên dạy thuê cho trường dự bị. Dĩ nhiên công việc rất nhàn nhã, chẳng có gì là bất tiện đối với một kẻ độc thân, nhưng nếu so với hàng trụ cột của xã hội thì anh còn kém xa lắm. Mặc dù ngoài dạy học ở trường anh đồng thời còn viết tiểu thuyết, nhưng đến nay anh vẫn chưa xuất bản được cuốn nào. Ngoài ra anh còn làm thêm cho tạp chí phụ nữ, viết mục bói toán chiêm tinh nhăng nhít. Danh tiếng thì có đấy, nhưng thực lòng mà nói toàn là bịa tạc cả. Anh chẳng có bạn bè nào đáng để nhắc đến, cũng không có người yêu. Cuộc hẹn một lần mỗi tuần với người đàn bà đã có chồng già hơn anh chục tuổi gần như là mối quan hệ duy nhất của anh với con người. Cho đến nay, anh chỉ có một thành công đáng để tự hào, đó là chấp bút “chế tạo” cuốn tiểu thuyết Nhộng không khí thành sách bán chạy. Nhưng chuyện này thì dù có bị banh miệng anh cũng không thể nói ra được.
Đúng lúc Tengo nghĩ tới đây thì nhân viên thu ngân nhấc giỏ đồ của anh lên.
Tengo ôm túi giấy đựng đồ về nhà. Sau đó anh thay quần đùi, lấy trong tủ lạnh ra một lon bia, vừa đứng uống vừa lấy cái nồi to ra đun nước. Trước khi nước sôi, anh ngắt hết các quả đậu tương đầy lông khỏi cành, trải lên mặt thớt rồi rắc muối lên đảo đều, sau đó bỏ vào nồi nước đang sôi.
Tại sao một cô bé mười tuổi gầy gò lại cứ vương vấn mãi trong tim mình như thế? Tengo tự hỏi. Sau khi tan học, cô bé ấy chạy tới, nắm chặt tay mình, không nói một lời. Chỉ có vậy. Nhưng chính trong khoảnh khắc ấy, Aomame dường như đã mang đi một phần trong anh, một phần của linh hồn hoặc thể xác anh. Thay vào đó cô đã để lại trong anh một phần của linh hồn hoặc thể xác mình. Chỉ trong một thoáng ngắn ngủi ấy, họ đã hoàn thành một cuộc trao đổi quan trọng.
Tengo dùng dao thái nhỏ nhiều gừng sống, kế đó thái cần tây và nấm thành từng miếng vừa phải. Rau thơm anh cũng băm nhỏ. Anh lột vỏ tôm rồi rửa sạch bằng nước máy. Kế đó anh trải một tờ giấy dày ra, bày tôm bóc vỏ lên trên, ngay ngắn như binh sĩ xếp hàng. Khi đậu tương chín, anh liền đổ vào rổ để cho nguội. Sau đó anh đun nóng cái chảo cỡ lớn lên, đổ dầu vừng trắng vào, san đều dầu ra đáy chảo, chờ sôi đều, sau đó vặn cho lửa liu riu để xào từ từ gừng sống đã thái nhỏ.
Tengo lại nghĩ, nếu ngay bây giờ có thể gặp Aomame thì tốt quá. Dù mình có làm cô ấy thất vọng hay bản thân mình hơi cảm thấy thất vọng vì cô ấy thì cũng chẳng sao. Tengo được gặp lại Aomame, dù có thế nào. Từ đó đến nay cuộc đời cô ấy ra sao, lúc này cô đang ở đâu, chuyện gì làm cô vui, chuyện gì khiến cô buồn, dù chỉ có thể anh cũng rất muốn biết. Bởi dù hai người thay đổi nhiều tới mức nào, hay dù mọi khả năng hai người đến với nhau đã không còn nữa, song sự thực này vẫn không bao giờ thay đổi: cách đây rất lâu, trong lớp học sau giờ tan trường, hai người đã trao đổi cho nhau thứ gì đó rất quan trọng.
Anh thái hành tây và nấm cho vào chảo. Vặn bếp lên mức to nhất, anh vừa nhè nhẹ lắc chảo vừa lấy đũa đảo nhanh các thứ rau bên trong, đoạn rắc thêm chút muối và hạt tiêu. Khi rau xào sắp chín, anh đổ tôm bóc vỏ đã ráo nước vào. Đoạn anh rắc thêm muối và hạt tiêu, một chén rượu trắng nhỏ. Rưới thêm một chút xì dầu, cuối cùng là rải rau thơm lên trên. Những động tác này Tengo đều thực hiện trong vô thức, hồ như chuyển thao tác điều khiển máy bay sang chế độ lái tự động vậy. Đây vốn không phải món ăn phức tạp gì. Hai tay anh cứ thế làm theo các bước, còn trong đầu vẫn mãi nghĩ về Aomame.
Khi món tôm nõn xào rau đã xong, anh liền đổ từ chảo ra đĩa lớn. Anh lấy trong tủ lạnh ra một lon bia, ngồi trước bàn ăn, vừa ăn món ăn bốc khói nghi ngút vừa chìm trong suy tư.
Mấy tháng nay dường như mình thay đổi rõ rệt, Tengo nghĩ. Có lẽ có thể nói là mình đang trưởng thành về tinh thần và cảm xúc. Sắp ba mươi đến nơi rồi, giờ mới... Đúng là hay thật! Tengo nhấp mấy ngụm bia, lắc đầu tự giễu mình. Thực là hay quá ấy chứ. Với tốc độ này, không biết phải bao nhiêu lâu nữa mình mới hoàn toàn trưởng thành đây?
Nhưng dù thế nào, sự biến hóa nội tại này dường như là do Nhộng không khí mang đến. Việc viết lại câu chuyện của Fukaeri bằng lời của chính mình đã làm nảy sinh ở Tengo nỗi khao khát mãnh liệt muốn viết câu chuyện bên trong nội tâm anh thành tác phẩm văn chương. Và nỗi khao khát mãnh liệt đó dường như bao hàm cả mong muốn mãi nay mới có là tìm được Aomame. Dạo gần đây, không hiểu sao anh cứ luôn nghĩ đến Aomame. Hễ có cơ hội là ý nghĩ của anh lại bị kéo trở về với lớp học buổi chiều hai mươi năm trước, như một người đang đứng bên bờ biển, bị con nước ròng mạnh mẽ trào lên nuốt trọn đôi chân.
Cuối cùng lon bia thứ hai của Tengo còn chừa một nửa, đĩa tôm nõn xào rau cũng chừa một nửa. Anh đổ nửa lon bia còn lại vào bồn rửa bát, dồn thức ăn thừa vào dĩa nhỏ, dùng màng nylon bảo quản thực phẩm bọc lại, cất vào tủ lạnh.
Ăn xong, anh ngồi trước bàn làm việc, cầm điện nguồn chiếc máy xử lý văn bản, mở bản thảo cuốn tiểu thuyết còn dang dở ra.
Tengo cảm thấy, viết lại quá khứ là việc hầu như chẳng có ý nghĩa gì. Đúng như người tình hơn tuổi của anh đã nói. Dẫu cho có nhiệt tình tỉ mỉ viết lại quá khứ như thế nào chăng nữa, mạch chính của hiện tại cũng không thay đổi. Thời gian là thứ có sức mạnh xóa nhòa mọi biến cải bởi con người, đính chính lại những gì bị con người cưỡng ép đính chính, đưa dòng chảy trở về nguyên dạng ban đầu. Vài sự thực nhỏ nhặt ít nhiều có thể bị biến đổi, nhưng xét cho cùng, Tengo có đi đến đâu cũng chỉ có thể là Tengo mà thôi.
Điều Tengo phải làm có lẽ là đứng ở ngã tư “hiện tại”, thành thực, chăm chú nhìn về quá khứ. Chừng đó anh có thể viết ra tương lai, giống như viết lại quá khứ vậy. Chẳng còn con đường nào khác nữa.
Sám hối và hổ thẹn
Giày vò trái tim mang tội này.
Nguyện cho những giọt lệ tôi rơi
Hóa thành dầu thơm quý giá thoa cho Người
Jesus chân thành.[1]
[1] Tham khảo bản tiếng Anh đầy đủ ở đây: .uvm.edu/~classics/faculty/bach/BWV244.html.
Đây là ca từ của đoạn độc xướng trong khúc Matthäus-Passion[2] mà dạo trước Fukaeri đã hát. Tengo cứ nghĩ mãi về nó, ngày hôm sau anh nghe lại đĩa hát ở nhà, tra cứu bản dịch của ca từ. Đây là đoạn độc xướng gần đoạn đầu của Passion, kể về sự kiện “Tặng dầu thơm ở Bethany”. Khi Jesus đến thăm nhà một người bị bệnh phong ở thành Bethany, có một phụ nữ đã tưới loại “dầu thơm cực kỳ quý giá” lên đầu ngài. Các môn đồ bên cạnh Jesus bèn đồng thanh nhiếc móc đó là hành vi lãng phí, bảo rằng thà đem bán dầu thơm đó đi, đổi thành tiền bố thí cho người nghèo còn hơn. Nhưng Jesus đã ngăn các môn đồ đang cơn phẫn nộ. Ngài nói: “Vậy cũng tốt, người đàn bà ấy đã làm một điều thiện, bà ấy đang chuẩn bị cho tang lễ của ta.”
[2] Một tác phẩm của Bach, viết về khổ hình mà chúa Jesus phải chịu đựng dựa theo Phúc âm của Matthew.
Người đàn bà ấy biết rằng không lâu sau Jesus sẽ chết. Vì vậy bà đã tưới thứ dầu thơm quý giá ấy lên đầu Jesus, tựa như lấy nước mắt mình mà tắm cho ngài. Jesus cũng biết rằng không lâu sau mình sẽ bước lên con đường dẫn tới cái chết. Ngài nói với các môn đồ: “Cho dù phúc âm này truyền đi đến đâu trên khắp cõi thế gian, cũng phải ghi nhớ những gì người phụ nữ này đã làm.”
Dĩ nhiên bọn họ không thể thay đổi tương lai.
Tengo lại nhắm mắt lần nữa, hít thật sâu, tìm các từ mình cần và sắp xếp lại cho thích hợp. Đoạn anh thay đổi thứ tự của từ ngữ, để cho hình tượng trở nên rõ ràng và chính xác hơn. Cuối cùng, anh sửa cho tiết tấu thêm hoàn chỉnh.
Lú này, anh như thể Vladimir Horowitz[3] đang ngồi trước tám mươi tám phím đàn mới, khum mười ngón tay giữa không trung. Sau đó, khi đã sẵn sàng, anh bắt đầu gõ từng hàng chữ lên màn hình.
[3] Vladimir Horowitz (1903-1989): nghệ sĩ đàn piano nổi tiếng người Mỹ gốc Ukraina.
Anh miêu tả thế giới có hai mặt trăng cùng lúc lơ lửng trên bầu trời Đông buổi hoàng hôn, những người sống ở đó, và thời gian trôi qua ở đó.
“Cho dù phúc âm này truyền đi đến đâu trên khắp cõi thế gian, cũng phải ghi nhớ những gì người phụ nữ này đã làm.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...