1Q84 - Tập 2

Người y tá thoáng lộ nét ngạc nhiên nhìn Tengo, sau đó nói: “Theo quy định, khi đến thăm bệnh nhân thì phải liên hệ trước. Phía viện điều dưỡng cũng có lịch công việc thường ngày, ngay cả bản thân bệnh nhân cũng có những lúc không tiện gặp người nhà.”
“Xin lỗi, tôi không biết việc này.”
“Lần trước anh đến thăm là lúc nào vậy?”
“Cách đây hai năm.”
“Cách đây hai năm,” Y tá Tamaru một tay cầm bút bi, vừa tra lại danh sách đăng ký thăm bệnh vừa nói, “Vậy là hai năm nay anh không đến đây lần nào ư?”
“Vâng,” Tengo trả lời.
“Theo ghi chép của chúng tôi, anh chắc là người thân duy nhất của ông Kawana.”
“Đúng thế.”
Y tá đặt danh sách lên bàn, liếc nhìn Tengo một cái rồi không nói gì thêm nữa. Ánh mắt ấy không phải đang trách móc Tengo, mà chỉ như muốn xác nhận lại gì đó. Xem ra, Tengo chắc chắn không phải trường hợp ngoại lệ.
“Cha anh đang được điều trị hồi phục theo nhóm. Ba mươi phút nữa sẽ xong. Sau đó, anh có thể vào thăm ông ấy.”
“Tình hình cha tôi thế nào?”
“Thể trạng ông ấy khỏe. Không có vấn đề gì đặc biệt. Phương diện khác thì lúc tốt lúc không,” Y tá nói, đoạn dùng ngón trỏ ấn lên huyệt Thái dương. “Còn lúc tốt lúc không như thế nào thì anh tự mình xác nhận đi.”
Tengo cám ơn, rồi vào phòng nghỉ bên cạnh lối vào chờ. Anh ngồi trên một chiếc sofa tỏa thứ mùi của thời đại trước, lấy cuốn sách bìa mềm trong túi ra đọc tiếp. Chốc chốc lại có một cơn gió mang theo hơi thở của biển phất qua, cành lá thông phát ra âm thanh xào xạc mát rượi. Trên cành cây có rất nhiều ve, tiếng kêu râm ran. Tuy đang giữa hè, nhưng lũ ve ấy hiểu ngày tháng của chúng không còn nhiều nữa. Dường như chúng đang tiếc nuối sinh mạng ngắn ngủi chỉ còn lại mấy ngày của mình, nhất loạt kêu váng cả không gian.
Một lúc sau y tá Tamaru bước đến, bảo Tengo việc trị liệu hồi phục đã kết thúc, anh vào thăm bệnh nhân được rồi.
“Tôi dẫn anh đến phòng ông ấy,” Chị ta nói. Tengo đứng dậy khỏi sofa. Lúc đi qua tấm gương lớn treo trên tường, anh mới sực nhận ra mình ăn mặc khá là tùy tiện. Bên ngoài chiếc áo phông bán nhân dịp Geoffeiy Arnold Beck[1] lưu diễn ở Nhật anh khoác một chiếc sơ mi vải bò đã bợt màu lại còn đứt cúc, quần dài kaki, một bên đầu gối dính mấy giọt xốt pizza, chân đi giày đế mềm màu vàng đất đã lâu lắm rồi chưa giặt, đầu đội mũ bóng chày. Dẫu nhìn bằng con mắt thế nào đi nữa, ăn mặc thế này cũng không giống một đứa con ba mươi tuổi cách hai năm mới đến thăm cha. Quà cáp cũng không có, trong túi quần anh chỉ có một cuốn sách bìa mềm. Chẳng trách cô y tá lộ vẻ ngạc nhiên.
[1] Geoffeiy Arnold Beck: một trong ba nghệ sĩ guitar rock xuất sắc nhất nước Anh, từng nhiều lần đến Nhật biểu diễn. Gần năm 1984 nhất có lẽ là lần thứ tư vào năm 1980.
Lúc băng qua sân để đến dãy nhà có phòng bệnh của cha Tengo, người y tá giới thiệu sơ qua với anh về viện điều dưỡng. Nơi này tổng cộng có ba dãy phòng bệnh. Dựa trên các giai đoạn khác nhau của bệnh tình, các bệnh nhân được xếp vào nằm trong các dãy phòng bệnh khác nhau. Cha Tengo hiện đang ở dãy phòng “trung bình”. Bệnh nhân hầu hết ở dãy “nhẹ”, sau đó chuyển sang dãy “trung bình”, cuối cùng thì vào dãy “nặng”. Giống như cánh cửa chỉ có thể mở về một hướng, không thể xoay ngược. Sau dãy “nặng” thì không còn nơi nào để chuyển đến nữa. Ngoại trừ nhà hỏa táng. Y tá không nói vậy, nhưng ý tứ ngầm trong đó rất rõ ràng.
Cha anh ở trong một phòng đôi, nhưng bệnh nhân cùng phòng đã ra ngoài đi học gì đó, không có mặt. Viện điều dưỡng mở các chương trình học tập hồi phục: học làm đồ gốm, học làm vườn, học thể dục. Có điều, tuy gọi là hồi phục nhưng mục đích thực ra không phải để trị liệu, mà chỉ ít nhiều làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh tình. Hoặc đơn giản là để giết thời gian. Cha anh ngồi trên ghế cạnh cửa sổ, nhìn ra bên ngoài qua ô cửa mở, hai tay đặt lên đầu gối, chậu bonsai đặt trên chiếc bàn bên cạnh nở ra mấy đóa hoa vàng cánh nhỏ li ti. Sàn nhà trải một lớp vật liệu mềm, để bệnh nhân không bị thương nếu chẳng may có ngã. Hai chiếc giường gỗ giản dị, hai bàn viết, một tủ để quần áo và các thứ đồ linh tinh. Mỗi bên bàn viết đặt một giá sách nhỏ. Vì phơi nắng quanh năm, rèm cửa sổ ngả màu vàng.
 Tengo không thể nhận ra ngay lập tức ông già ngồi bên cửa sổ ấy chính là cha mình. Ông đã hóa thành nhỏ đi một cỡ. Không, có lẽ thu nhỏ lại một cỡ mới là cách biểu đạt chính xác. Tóc ông cắt ngắn, giống như bãi cỏ bị sương giáng, trắng xóa như tuyết. Hai má ông hóp lại, có lẽ vì vậy mà hốc mắt trông to hơn trước đây rất nhiều. Trên trán ông hằn sâu ba nếp nhăn. Hình dạng cái đầu ông hình như đã trở nên rúm ró vặn vẹo; chắc bởi vì cắt tóc ngắn nên cái sự rúm ró càng thêm nổi bật. Lông mày ông vừa dài vừa rậm. Chẳng những thế, bên trong tai cũng có lông trắng mọc chìa ra. Vành tai ông vốn nhọn dài, giờ trông lại càng to hơn, thoạt trông cứ như đôi cánh dơi. Duy chỉ cái mũi là vẫn như trước, cùng với đôi tai tạo thành một sự tương phản nổi bật, tròn tròn, màu đen đen đỏ đỏ. Mép ông nhão ra, trễ xuống, cơ hồ như nước bọt sắp sửa nhểu ra đến nơi. Miệng hơi hé mở, lộ ra hàm răng không đều đặn bên trong. Tư thế ngồi yên bất động bên cửa sổ của cha gợi cho Tengo liên tưởng đến một bức chân dưng tự họa của Van Gogh những năm cuối đời.
Ông già chỉ liếc nhanh về phía Tengo một cái lúc anh bước vào phòng, sau đó lại tiếp tục hướng mắt ra ngoài cửa sổ. Nhìn từ xa ông không giống con người, mà giống một sinh vật, giống con chuột hay sóc chuột gì đấy hơn. Thứ sinh vật ấy có thể không sạch sẽ lắm, nhưng cũng sở hữu một trí tuệ rất khó đối phó. Nhưng không thể nghi ngờ gì, đây chính là cha Tengo. Hoặc có lẽ nên nói là cái vỏ xác của cha anh. Thời gian hai năm đã lấy đi của ông rất nhiều thứ, như thể mấy tay nhân viên thuế vụ không chút nương tình tước đoạt tài sản của một gia đình bần hàn. Người cha trong ký ức của Tengo luôn luôn làm việc nhanh nhẹn chăm chỉ, là một người đàn ông rất kiên cường. Tuy không có khả năng nhìn vào nội tâm mình, cũng chẳng có trí tưởng tượng, nhưng ông có đầy đủ ý thức về giá trị đạo đức của bản thân; ý chí ông thuần phác nhưng mạnh mẽ. Chẳng những vậy, ông còn chịu khó chịu khổ, Tengo chưa bao giờ nghe ông than thở hay oán trách gì. Thế nhưng, người ngồi trước mắt anh lúc này chẳng qua là một cái vỏ không, một căn phòng trống đã bị tước đoạt hơi ấm mà thôi.
“Ông Kawana,” Y tá Tamaru gọi cha anh. Giọng nói rõ ràng tròn trịa, âm vang. Hiển nhiên, cô đã được huấn luyện để nói với các bệnh nhân bằng giọng nói ấy. “Ông Kawana à, phấn khởi lên đi chứ. Con trai ông đến thăm này.”
Cha Tengo lại xoay mặt qua. Đôi mắt vô hồn ấy khiến Tengo nghĩ đến hai cái tổ chim én trống không bỏ lại bên dưới mái hiên.

“Cha khỏe không ạ?” Tengo nói.
“Ông Kawana, con trai ông ở Tokyo đến thăm này,” Y tá lại cất tiếng.
Cha anh không nói một lời, chỉ nhìn chằm chằm vào mặt Tengo, tựa như đang đọc một tấm biểu ngữ không thể hiểu nổi viết bằng tiếng nước ngoài.
“Sáu giờ rưỡi là bắt đầu bữa tối tập thể,” Y tá dặn Tengo, “Từ giờ đến trước lúc ấy anh cứ tự nhiên.”
Sau khi y tá đi khỏi, Tengo thoáng do dự giây lát, rồi bước đến trước mặt cha, ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ông. Chiếc ghế bọc vải đã phai màu, dường như được dùng từ rất lâu rồi, phần gỗ chi chít sẹo. Ánh mắt cha Tengo dịch chuyển theo các động tác của anh.
“Cha khỏe không?” Tengo hỏi.
“Vâng, nhờ phúc của anh,” Cha anh đáp bằng giọng hết sức khách khí.
Tengo không biết sau đấy nên nói gì. Anh đưa tay nghịch nghịch chiếc cúc thứ ba từ trên xuống của cái áo sơ mi bò, đưa mắt nhìn khu rừng chắn gió bên ngoài cửa sổ, rồi lại nhìn mặt cha.
“Anh ở Tokyo đến ạ?” Cha anh hỏi, có vẻ như ông không nhớ Tengo là ai.
“Vâng, từ Tokyo đến.”
“Anh đi tàu tốc hành à?”
“Vâng,” Tengo trả lời, “Đi chuyến tốc hành đến Tateyama, rồi chuyển sang tàu thường đến Chiruka.”
“Anh đến tắm biển phải không?” Cha anh hỏi.
Tengo nói: “Con là Tengo. Kawana Tengo. Con của cha.”
“Ở Tokyo anh sống ở chỗ nào nhỉ?” Cha anh lại hỏi.
“Koenji. Quận Suginami.”
Ba nếp nhăn trên trán cha anh bỗng hằn sâu hơn. “Có nhiều người nói dối vì không muốn trả tiền cước cho đài NHK lắm.”
“Bố,” Tengo cao giọng gọi. Đã lâu lắm rồi anh không dùng từ này. “Con là Tengo. Con trai của bố đây.”
“Tôi không có con trai,” Cha anh trả lời dứt khoát.
“Bố không có con trai,” Tengo lặp lại một cách máy móc.
Cha anh gật gật đầu.
“Vậy thì, con là cái gì?” Tengo hỏi.

“Anh chẳng là gì cả,” Cha anh nói, lắc nhẹ đầu hai lượt.
Tengo hít sâu một hơi, nhất thời không có gì để nói. Cha anh cũng không mở miệng nữa. Hai cha con ngồi trong im lặng, lần tìm theo mạch tư duy rối bời của mình. Chỉ có lũ ve là không hề bối rối, vẫn kêu váng lên không ngớt.
Tengo có cảm giác vừa nãy người đàn ông này nói thật. Trí nhớ ông có thể đã bị phá hoại, ý thức rơi vào trạng thái hỗn độn. Nhưng câu nói buột miệng của ông chính là sự thật. Bằng trực giác, Tengo hiểu được điều này.
“Thế nghĩa là sao?” Tengo hỏi.
“Anh chẳng là gì cả,” Cha Tengo lặp lại câu nói ấy bằng giọng vô cảm, “Trước đây chẳng là gì, hiện giờ chẳng là gì, sau này có lẽ cũng chẳng là gì cả.”
Thế là đủ rồi, Tengo thầm nghĩ.
Anh rất muốn đứng dậy, ra ga, lên tàu về thẳng Tokyo. Những gì cần nghe thì đã nghe rồi. Nhưng anh không thể đứng dậy. Giống như chàng thanh niên lưu lãng đến Thành phố mèo, anh cũng có lòng hiếu kỳ, muốn biết lý do sâu xa ở đằng sau tất cả mọi thứ, muốn nghe thấy câu trả lời sáng tỏ hơn nữa. Dĩ nhiên, trong đó cũng ẩn giấu sự hiểm nguy. Nhưng nếu đánh mất cơ hội này, chỉ e rằng mãi mãi anh không hiểu được bí mật về chính anh. Có lẽ nó sẽ bị vùi lấp hoàn toàn trong một mớ hỗn độn mơ hồ.
Tengo thầm sắp xếp câu chữ trong đầu, điều chỉnh lại một lần nữa, sau đó không chút do dự cất tiếng hỏi. Nghi vấn này, từ thời thơ ấu anh đã nhiều lần suýt buột miệng hỏi, nhưng rốt cuộc vẫn không thốt được thành lời.
“Có nghĩ là cha không phải cha đẻ của con, đúng không ạ? Giữa hai chúng ta không có quan hệ huyết thống, có phải không?”
Cha Tengo không nói một lời, ngước mắt nhìn anh. Từ nét mặt ấy, không thể biết ông có lý giải được ý nghĩa của câu hỏi đó hay không.
“Trộm sóng là hành vi trái pháp luật,” Cha Tengo nhìn vào mắt anh, nói. “Cũng như trộm tiền vậy. Anh nói có phải không?”
“Chắc là vậy,” Tengo tạm thời biểu thị đồng ý.
Cha anh có vẻ rất hài lòng, gật đầu lia lịa.
“Sóng điện không phải mưa cũng không phải tuyết, không phải thứ miễn phí rơi từ trên trời xuống,” Cha Tengo lại nói.
Tengo ngậm chặt miệng, nhìn bàn tay cha. Hai tay cha đặt ngay ngắn trên đầu gối. Tay phải đặt lên đầu gối phải, tay trái đặt lên đầu gối trái. Hai cánh tay đó bất động, vừa đen vừa nhỏ, trông như bị phơi nắng đến tận xương. Một đôi bàn tay từng trải qua nhiều năm tháng làm việc ngoài trời.
“Mẹ con không phải bị bệnh chết hồi con còn nhỏ, đúng vậy không ạ?” Tengo chầm chậm, nhấn giọng hỏi từng chữ một.
Cha anh không trả lời. Nét mặt ông không thay đổi, bàn tay cũng không nhúc nhích. Hai mắt như thể đang quan sát một thứ chưa từng thấy bao giờ, nhìn xoáy vào Tengo.
“Mẹ đã rời khỏi cha. Bà ấy bỏ rơi cha, bỏ lại con, hẳn là đi với người đàn ông khác. Có phải không?”
Cha anh gật gật đầu. “Trộm sóng là không đúng đâu. Đừng nên muốn làm gì là làm nấy, làm xong rồi lại phải trốn chạy từng ngày.”
Người đàn ông này hoàn toàn hiểu được câu hỏi của mình, ông ấy chỉ không muốn trả lời thẳng vào vấn đề mà thôi. Tengo có cảm giác như thế.
“Bố,” Tengo cất tiếng gọi, “Có lẽ thực ra bố không phải là bố của con, song tạm thời con cứ gọi như vậy đã. Bởi vì con không biết còn cách xưng hô nào khác nữa. Nói thực lòng, xưa nay con vẫn không thích bố, nhiều lúc có lẽ còn căm ghét bố. Bố có hiểu không? Nhưng mà, nếu bố không phải bố đẻ của con, giữa hai chúng ta không có quan hệ huyết thống, thì con chẳng còn lý do gì để ghét bố nữa. Con không biết mình có thể yêu quý bố hay không. Có điều, con nghĩ ít nhất con có thể hiểu và thông cảm cho bố hơn lúc này. Xưa nay con luôn theo đuổi chân tướng sự việc. Con là ai? Con từ đâu đến? Con muốn biết những điều ấy. Nhưng không ai nói cho con biết cả. Nếu giờ bố cho con biết sự thật, con sẽ không căm ghét bố nữa. Đối với con đây cũng là điều đáng mừng. Bởi vì con có thể không cần căm ghét bố nữa.”

Cha anh không nói tiếng nào, vẫn dùng ánh mắt vô cảm chăm chú nhìn Tengo. Nhưng Tengo có cảm giác, sâu bên trong cái tổ chim én trống không ấy dường như có thứ gì rất nhỏ bé đang lấp lánh.
“Con chẳng là gì cả,” Tengo nói. “Bố nói đúng. Con giống như kẻ bị ném ra biển giữa đêm đen dằng dặc, dập dềnh theo sóng. Con giơ tay ra, xung quanh không có ai. Con khản tiếng hét gọi, nhưng chẳng hề nhận được hồi đáp. Con không biết nương tựa vào đâu. Chỉ mình bố là con có thể coi như người thân thích, dù miễn cưỡng. Nhưng rõ ràng bố đang nắm giữ bí mật quan trọng, vậy nhưng bố lại không chịu thổ lộ với con dù chỉ một chút. Vả lại, ở thành phố nhỏ ven biển này, trí nhớ của bố lúc tốt lúc không, rõ ràng đang ngày một kém đi, sự thật liên quan đến thân thế của con cũng đang dần biến mất. Nêu không biết được chân tướng sự thật, con sẽ chẳng là gì cả, sau này cũng sẽ chẳng là gì cả. Giống như bố vừa nói ấy.”
“Tri thức là tài sản quý báu của xã hội,” Cha anh vẫn nói bằng giọng cứng nhắc. Nhưng nhỏ hơn trước một chút, như thể sau lưng ông có người vừa đưa tay vặn nút chỉnh âm lượng vậy. “Những tài sản này cần được tích lũy phong phú, vận dụng cẩn trọng. Còn phải truyền lại cho đời sau những thành quả trĩu nặng. Vì những mục đích đó, đài NHK cần các vị giao nộp phí nghe nhìn...”
Tengo nghĩ, người đàn ông này đang lẩm nhẩm một loại bùa chú nào đó. Từ trước đến nay, nhờ vào việc lẩm nhẩm thứ bùa chú này, ông mới tự bảo vệ được mình. Mình phải phá vỡ thứ bùa chú cứng rắn ấy, cần phải lôi con người thật của ông ra khỏi lớp tường cao đang bủa vây xung quanh.
Tengo ngắt lời cha: “Mẹ con là người như thế nào? Bà ấy đã đi đâu? Sau này bà ấy như thế nào?”
Cha anh đột nhiên chìm vào im lặng. Ông không lẩm nhẩm niệm thứ bùa chú kia nữa.
Tengo tiếp tục nói: “Con đã quá mệt mỏi với cuộc sống căm ghét người khác, thù hận người khác rồi. Con mệt mỏi với cuộc sống mà không thể yêu thương một ai này. Thậm chí con còn không có một người bạn, một người cũng không. Quan trọng nhất là con còn không yêu nổi chính bản thân mình. Tại sao lại không thể yêu bản thân mình chứ? Bởi vì con không thể yêu thương người khác. Người ta cần phải yêu thương một ai đó, và được một ai đó yêu thương, rồi thông qua đó mà học cách tự yêu chính mình. Bố có hiểu ý con không? Một kẻ không biết yêu thương người khác thì không thể tự yêu chính mình được. Không, con nói những điều này không phải để trách móc bố. Nghĩ kỹ lại, có lẽ bố cũng là một nạn nhân. Chắc hẳn, bố cũng không biết phải yêu bản thân mình như thế nào. Chẳng phải vậy sao?”
Cha anh rúc mình vào trong im lặng, môi mím chặt. Nhìn nét mặt, không thể đoán được ông hiểu được bao nhiêu phần những lời Tengo vừa nói. Tengo cũng lặng lẽ thu mình lại trong cái ghế. Gió từ ngoài cửa sổ mở hé thổi vào làm rung rinh tấm rèm dãi nắng bạc màu, làm lung lay những cánh hoa nhỏ xíu của chậu bonsai, rồi xuyên qua cửa phòng rộng mở lùa vào hành lang. Mùi biển trở nên nồng nặc hơn lúc trước. Trong tiếng ve kêu râm ran, có thể nghe thấy âm thanh mềm mại của những chiếc lá kim cọ vào nhau.
Tengo lại tiếp tục bình thản nói: “Con thường nhìn thấy ảo tượng. Từ nhỏ đến lớn, hết lượt này đến lượt khác, con luôn luôn nhìn thấy cùng một ảo tượng. Con có cảm giác đó hình như không phải ảo tượng, mà là ký ức về một cảnh tượng xảy ra trong thực tế. Con một tuổi rưỡi, mẹ ngồi bên cạnh. Bà ấy và một người đàn ông trẻ ôm nhau. Nhưng người đàn ông ấy không phải bố. Con không biết hắn là ai, nhưng không phải bố, điểm này thì có thể khẳng định. Không biết vì nguyên cớ gì, cảnh tượng ấy cứ hằn sâu vào trong mắt con, không bao giờ tách rời ra được.”
Cha anh không nói lời nào. Nhưng mắt ông rõ ràng đang nhìn thứ gì đó khác, một thứ không ở đây. Sau đó hai người lại tiếp tục chìm vào im lặng. Tengo nghiêng tai lắng nghe tiếng gió bỗng dưng trở nên gấp gáp.
Anh không biết cha anh nghe thấy gì.
“Có thể làm phiền anh đọc cho tôi thứ gì đấy được không?” Sau một khoảng trầm mặc kéo dài, cha anh hỏi bằng giọng khách khí, “Mắt tôi giờ kém lắm, không đọc sách được. Tôi không thể đọc chữ quá lâu. Sách ở trên giá kia kìa, anh cứ chọn cuốn nào anh thích.”
Tengo đành miễn cưỡng đứng dậy, xem lướt qua những cuốn sách xếp trên giá. Quá nửa là tiểu thuyết lịch sử. Trọn bộ Đại Bồ Tát lĩnh[2] không thiếu quyển nào. Nhưng nếu phải đọc thành tiếng loại tiểu thuyết xưa dùng toàn những từ ngữ cũ rích này cho cha anh nghe, Tengo chẳng thể nào hứng thú nổi.
[2] Tên tiếng Anh: The Sword of Doom, tiểu thuyết kiếm hiệp, dài 42 quyển, kể lại câu chuyện của các samurai trong giai đoạn cuối thời Edo đến thời Meiji.
“Nếu có thể, con muốn đọc cho bố nghe một câu chuyện về thành phố mèo, được không ạ?” Tengo hỏi, “Cuốn sách này con mang theo để mình đọc.”
“Câu chuyện về thành phố mèo,” Cha anh nói, trầm ngâm giây lát với cụm từ đó, “Nếu không thấy phiền, nhờ anh đọc cho tôi nghe với.”
Tengo liếc đồng hồ đeo tay. “Cũng không phiền gì. Còn một lúc nữa con mới phải lên tàu. Có điều câu chuyện này hơi lạ một chút, không biết bố có thích không.”
Tengo lấy cuốn sách bìa mềm trong túi ra, bắt đầu đọc truyện “Thành phố mèo” thành tiếng. Cha anh vẫn ngồi yên bất động trên chiếc ghế cạnh cửa sổ, dỏng tai lắng nghe câu chuyện của Tengo. Tengo chầm chậm đọc câu chuyện bằng chất giọng rõ ràng mạch lạc. Giữa chừng, anh dừng lại nghỉ lấy hơi khoảng hai ba lần. Lần nào anh cũng quan sát gương mặt cha, nhưng không thấy có bất kỳ phản ứng nào, cũng không nhận ra ông có thích truyện này hay không. Khi anh đọc hết truyện, cha anh vẫn không nhúc nhích, hai mắt nhắm nghiền, thoạt trông như đã ngủ say. Nhưng ông không ngủ, mà chỉ chìm sâu vào trong thế giới của câu chuyện. Ông cần khá nhiều thời gian để thoát ra khỏi đó. Tengo kiên nhẫn chờ. Ánh nắng chiều nhạt dần, hơi thở của buổi hoàng hôn bắt đầu thấm vào không gian. Gió biển không ngừng lay động những cành thông.
“Trong thành phố mèo ấy có ti vi không?” Xuất phát từ góc độ nghề nghiệp, cha anh hỏi câu đầu tiên như thế.
“Chuyện này viết vào khoảng năm 1930 ở Đức, thời đó chưa có ti vi. Nhưng radio thì đã xuất hiện rồi.”
“Tôi từng ở Mãn Châu, nơi đó không có radio, cũng không có đài phát thanh. Báo chí cũng mãi chẳng đưa tới, toàn phải đọc báo từ nửa tháng trước. Đến cả đồ ăn cũng thiếu, đàn bà cũng không có nốt. Thi thoảng lại có lũ sói ập đến. Cứ như là nơi tận cùng thế giới vậy.”
Ông im lặng trong giây lát, rồi chìm vào trầm tư. Có lẽ ông đang nhớ lại những năm tháng khó khăn làm “di dân khai thác” ở Mãn Châu thời trẻ. Nhưng những ký ức ấy lập tức ngầu đục, rồi bị hư vô nuốt chửng. Từ sự thay đổi trên nét mặt cha, Tengo có thể nhận ra được sự vận động ấy đang diễn ra trong ý thức ông.
“Thành phố mèo ấy là do lũ mèo xây nên à? Hay là do con người xây dựng trước đó, về sau bọn mèo mới dọn vào ở?” Cha anh hướng về phía ô cửa kính, lẩm bẩm như nói với chính mình. Mặc dù đây dường như là câu hỏi ném về phía Tengo.
“Con không rõ,” Tengo trả lời, “Hình như là do con người xây dựng từ rất lâu trước đấy. Có thể vì nguyên nhân nào đó mà con người biến mất, lũ mèo bèn dọn vào ở. Chẳng hạn như có một căn bệnh truyền nhiễm, người ta đã chết hết, kiểu như vậy.”
Cha anh gật đầu. “Chỉ cần có chỗ trống là sẽ có thứ gì đó bù lấp vào. Ai cũng làm như vậy cả.”

“Ai cũng làm như vậy cả?”
“Hoàn toàn chính xác,” Cha anh cả quyết.
“Thế bố lấp đầy khoảng trống nào?”
Nét mặt cha anh trở nên nghiêm túc, đôi lông mày dài rủ xuống che mắt. Ngay sau đó, ông lại nói với giọng pha lẫn chút giễu cợt: “Anh không hiểu đâu.”
“Con không hiểu,” Tengo nói.
Lỗ mũi cha Tengo phồng lên, một bên lông mày hơi nhướng cao. Đây hình như là nét mặt của ông mỗi khi có gì bất mãn. “Chuyện gì mà không giải thích không hiểu, thì có giải thích thế nào cũng không thể hiểu.”
Tengo nheo mắt, cố đọc hiểu nét mặt của cha. Cha anh chưa bao giờ nói chuyện kiểu kỳ quặc và đầy ám gợi như thế này. Ông luôn nói những lời cụ thể, thực tế, chỉ nói vắn tắt những gì không thể không nói vào lúc không thể không nói. Đó là định nghĩa không thể thay đổi của ông về việc nói chuyện. Nhưng từ nét mặt ông, anh không thể đọc ra bất cứ điều gì.
“Con hiểu rồi. Tóm lại, bố đã bù lấp một khoảng trống nào đó,” Tengo nói. “Vậy thì, khoảng trống do bố để lại sẽ do ai bù lấp?”
“Do anh,” Cha anh trả lời ngắn gọn, và giơ ngón tay trỏ mạnh mẽ chỉ thẳng vào Tengo, “Chuyện này không phải đã rõ rồi sao? Tôi bù lấp vào khoảng trống do người khác tạo ra. Để bồi thường, khoảng trống mà tôi tạo ra sẽ do anh bù lấp. Giống như trực ban vậy.”
“Giống như lũ mèo bù lấp vào thành phố nhỏ không người.”
“Đúng, biến mất như thành phố nhỏ,” Ông nói. Sau đó ông thẫn thờ nhìn ngón tay đang giơ ra của mình, tựa như đang nhìn một thứ kỳ lạ và lạc lõng.
“Biến mất như thành phố nhỏ,” Tengo lặp lại lời của cha.
“Người phụ nữ sinh ra anh chẳng còn ở đâu nữa.”
“Chẳng còn ở đâu nữa. Biến mất như thành phố nhỏ. Thế có nghĩa là bà ấy chết rồi?”
Cha anh không trả lời câu hỏi này.
Tengo thở dài một tiếng. “Vậy thì, cha đẻ con là ai?”
“Là một khoảng trống. Mẹ anh giao hợp với một khoảng trống, sinh ra anh. Tôi bù lấp lại khoảng trống ấy.”
“Giao hợp với một khoảng trống?”
“Đúng thế.”
“Sau đó bố nuôi dưỡng con. Phải vậy không ạ?”
“Chẳng phải tôi đã nói rồi đó sao?” Cha anh đằng hắng một cách đầy trịnh trọng, nói, như thể đang giải thích một đạo lý đơn giản ột đứa trẻ ngốc nghếch. “Chuyện nào không giải thích không hiểu thì có giải thích thế nào cũng không thể hiểu.”
“Một khoảng trống đã sinh ra con?” Tengo hỏi.
Không có câu trả lời.
Tengo đan các ngón tay vào nhau trên đầu gối, một lần nữa nhìn thẳng vào mặt cha mình, thầm nhủ: Người đàn ông này tuyệt đối không phải một cái vỏ xác trống rỗng, không phải một căn nhà trống hoác, mà là một người sống, sở hữu một linh hồn ngoan cố hẹp hòi cùng với những ký ức tăm tối, đang khó nhọc thoi thóp chút hơi tàn ở vùng đất ven biển này. Ông không còn lựa chọn nào khác ngoài cùng tồn tại với sự trống rỗng đang từ từ lớn dần lên trong cơ thể mình. Hiện giờ, sự trống rỗng và ký ức của ông vẫn đang tranh đấu với nhau, nhưng chẳng bao lâu nữa, cho dù bản thân ông có muốn hay không, sự trống rỗng sẽ nuốt trọn ký ức. Đây chỉ là vấn đề thời gian. Sự trống rỗng mà ông ấy đang và sẽ phải đối diện phải chăng cũng là sự trống rỗng đã sinh ra mình?
Trong tiếng gió buổi hoàng hôn lướt qua những ngọn cây thông, anh dường như nghe thấy tiếng sóng biển xa xôi. Nhưng có lẽ đó chỉ là ảo giác.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui