Tại một thời điểm nào đó, thế giới mà mình biết đã biến mất, hoặc giả đã lùi lại phía sau, để một thế giới khác thay thế nó. Giống như đường ray được chuyển ghi. Có nghĩa là, mình đang ở đây, lúc này, nhưng ý thức vẫn thuộc về thế giới ban đầu, còn bản thân thế giới thì đã biến đổi thành một thứ khác. Những thay đổi xảy ra ở nơi này, trước mắt vẫn rất hữu hạn. Hầu hết các bộ phận tạo thành thế giới mới vẫn dựa trên thế giới ban đầu mà mình biết. Vì vậy cuộc sống (lúc này thì gần như) chưa xuất hiện trở ngại nào thực sự. Nhưng lâu dần, những “phần bị thay đổi” đó hẳn sẽ tạo ra xung quanh mình những khác biệt lớn hơn. Khác biệt sẽ lớn dần. Và rồi những khác biệt, trong trường hợp nào đó, có thể gây tổn hại tới tính logic trong hành động của mình, khiến mình phạm phải những sai lầm chí mạng. Và nếu có chuyện đó thật, thì đúng là một đòn chí mạng.
Những thế giới song song.
Aomame nhăn mặt, như thể trong miệng ngậm thứ gì đó rất chua, tuy không đến mức dữ dội như hồi nãy. Sau đó, nàng lại lấy cán bút bi gõ mạnh vào răng cửa lách cách, trong cổ họng vẳng ra tiếng ư ử trầm đục. m thanh ấy lọt vào tai cậu học sinh cấp ba sau lưng nàng, nhưng lần này cậu ta giả bộ không nghe thấy gì.
Cứ như là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Aomame thầm nghĩ.
Hay là để bảo vệ bản thân, mình đã tự bịa ra giả thiết này? Cũng có thể chỉ là do đầu óc mình không khỏe. Mình vẫn cho rằng tinh thần mình hoàn hảo và bình thường, ý thức của mình hoàn toàn không méo mó. Thế nhưng, những tuyên bố kiểu mình hoàn toàn bình thường, còn thế giới xung quanh thì đã phát điên hết chẳng phải chính là cái kiểu của đại đa số những kẻ mắc bệnh tâm thần đấy sao? Có khi nào mình đưa ra giả thiết hoang đường về thế giới song song chẳng qua chỉ là một cách khiên cưỡng nhằm hợp thức hóa sự điên rồ của mình?
Cần phải có ý kiến bình tĩnh của người thứ ba mới được.
Nhưng mình không thể đến gặp bác sĩ phân tâm học được. Sự việc này quá đỗi phức tạp, có quá nhiều sự thực không thể nói ra. Ví dụ như công việc gần đây chẳng hạn, rõ ràng là phạm pháp. Dù sao mình cũng đã dùng đục nước đá tự chế âm thầm giết chết cả một lũ đàn ông! Chuyện này rõ ràng không thể để bác sĩ biết. Dù nạn nhân đều là lũ khốn kiếp đã làm những việc có chết cũng không đền hết tội.
Mà kể cả có thể khéo léo che đậy những việc phạm pháp, thì những phần hợp pháp còn lại trong đời mình cũng chẳng bõ bèn gì. Giống như một cái vali da bên trong nhét đầy các thứ quần áo bẩn thỉu. Trong đấy có đủ các loại nguyên liệu để dồn ép một con người đến mức thần kinh trở nên bất bình thường. Không, thậm chí đủ cho ba người ấy chứ. Chỉ riêng đời sống tình dục thôi củng đã quá đủ. Chắc chắn đây không phải thứ có thể nói trước mặt người khác.
Không thể đi gặp bác sĩ, Aomame nghĩ. Chỉ còn cách đơn độc giải quyết.
Trước tiên, hãy tiếp tục theo đuổi giả thiết của mình.
Giả định rằng tình huống ấy thực sự đã xảy ra, nói cách khác, thế giới mình đang sống đây thực sự đã bị biến đổi, vậy thì cụ thể thời điểm bẻ ghi ấy là lúc nào, nơi nào, và thực hiện ra sao?
Aomame tập trung ý thức, lục tìm trong trí nhớ.
Sự thay đổi đầu tiên của thế giới này mà nàng nghĩ đến, là hôm xử lí gã chuyên gia dầu mỏ ở trong khách sạn ở Shibuya mấy ngày trước. Trên tuyến số ba đường cao tốc Thủ đô, nàng đã xuống xe taxi, dùng thang thoát hiểm khẩn cấp để xuống đường quốc lộ 246, thay quần tất khác, rồi đi bộ về phía ga Sangenjaya. Dọc đường Aomame lướt qua một viên cảnh sát trẻ tuổi, và nhận ra vẻ bề ngoài ấy khác với bình thường. Đó là điểm khởi đầu. Như vậy có lẽ thế giới đã thay đổi trước đó một lúc. Buổi sáng sớm hôm ấy, mình vẫn thấy cảnh sát ở gần nhà mặc trang phục cũ, đeo súng lục ổ quay kiểu cũ.
Aomame nhớ lại cảm giác khó tin lúc ngồi trong chiếc taxi bị kẹt giữa dòng xe cộ đông đúc, nghe bản Sinfonietta của Leoš Janáček. Đó là cảm giác các bộ phận trong cơ thể bị vặn xoắn giống cái giẻ khô bị vắt kiệt. Bác tài ấy đã chỉ ình cầu thang thoát hiểm trên đường cao tốc. Thủ đô, mình đã cởi giày cao gót, leo xuống cái thang nguy hiểm ấy. Lúc chân trần leo xuống thang trong cơn gió mạnh, đoạn mở đầu của bản Sinfonietta cứ văng vẳng mãi bên tai mình không ngớt. Có khi đó chính là khởi đầu, Aomame thầm nhủ.
Ấn tượng về bác tài cũng vô cùng kỳ lạ. Aomame vẫn còn nhớ rất rõ câu nói của bác ta lúc chia tay. Nàng gắng sức tái hiện lại câu nói ấy một cách chuẩn xác nhất trong óc.
“Sau khi làm chuyện đó, có lẽ những quang cảnh thường ngày cô nhìn thấy sẽ hơi khác lúc bình thường một chút. Nhưng mà, đừng để vẻ bề ngoài đánh lừa. Hiện thực lúc nào cũng chỉ có một mà thôi.”
Khi ấy Aomame đã nghĩ bác tài này ăn nói thật kỳ quặc. Nhưng rốt cuộc bác ta muốn nói điều gì, nàng lại không hiểu, cũng không để ý lắm. Nàng đang vội, không có thời gian nghĩ những thứ phiền phức. Giờ hồi tưởng lại, những lời này rõ ràng là rất đường đột, kỳ lạ. Vừa như một lời khuyên chân thành, lại vừa như một thông điệp ám chỉ. Rốt cuộc bác ấy muốn truyền đạt điều gì ình?
Còn cả âm nhạc của Leoš Janáček nữa.
Tại sao mình có thể lập tức nhận ra đó là bản Sinfonietta của Leoš Janáček? Sao mình biết được bản nhạc ấy được viết vào năm 1926? Bản Sinfonietta của Leoš Janáček đâu phải loại nhạc loại nhạc đại chúng chỉ cần nghe đoạn đầu là đoán ngay được tên? Từ trước giờ mình đã bao giờ ham thích nhạc cổ điển đâu, thậm chí sự khác biệt giữa nhạc của Beethoven và Haydn[6] mình còn chẳng rõ. Vậy tại sao vừa nghe thấy bản nhạc ấy vang lên trong radio xe taxi, mình đã lập tức nhận ra là Sinfonietta của Leoš Janáček? Tại sao bản nhạc ấy lại khiến thân thể mình thấy rung động dữ dội đến thế?
[6] Franz Joseph Haydn (1732-1890) là một trong những nhà soạn nhạc xuất chúng của nền âm nhạc cổ điển, còn được gọi là “người cha của giao hưởng” và “cha đẻ của tứ tấu dây”. Ông cũng có nhiều đóng góp cho thể loại tam tấu piano và hình thức xô nát.
Đúng. Đó là sự rung động hết sức cá nhân. Giống như tiềm thức ngủ sâu trong ký ức suốt một thời gian dài, đột nhiên bị đánh thức trong một khoảnh khắc không lường trước vì một lý do nào đó, chính là cảm giác ấy. Cảm giác như thể bị người nào đó nắm chặt vai lắc mạnh. Nếu vậy, có lẽ ở một địa điểm nào đó trong cuộc đời, mình đã từng có mối quan hệ sâu sắc với khúc nhạc ấy. Có lẽ khi dòng âm nhạc chảy tới, cái van đã tự động mở ra, một ký ức nào đó trong cơ thể tự nhiên cũng theo đó thức tỉnh. Sinfonietta của Leoš Janáček. Nhưng dù có gắng đào sâu vào ký ức, Aomame cũng không tìm ra manh mối nào.
Nàng đảo mắt bốn phía, rồi chăm chú nhìn vào lòng bàn tay mình, kiểm tra ngón tay, sau đó, để chắc chắn, nàng dùng hai tay nắn đôi bầu vú qua lần áo để kiểm tra hình dạng. Không có thay đổi gì đặc biệt, kích cỡ và hình dáng đều bình thường. Mình vẫn là mình trước đây, thế giới vẫn là thế giới rộng lớn ấy. Nhưng có thứ gì đó đã bắt đầu thay đổi. Aomame có thể cảm nhận được. Giống như trò tìm điểm khác nhau trên tấm ảnh. Ở đây có hai tấm ảnh, treo cạnh nhau trên bức tường, tưởng chừng như hoàn toàn giống nhau. Nhưng khi kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết sẽ phát hiện những điểm khác biệt rất tinh tế.
Nàng sắp xếp lại tư duy, tiếp tục lật các trang báo, chép lại chi tiết trận đấu súng bên hồ Motosu. Năm khẩu tiểu liên AK47 Kalashnikov do Trung Quốc chế tạo, theo suy đoán có lẽ được buôn lậu từ Triều Tiên. Có khả năng là hàng đã qua sử dụng của quân đội, chất lượng tốt, đạn dược đầy đủ. Đường bờ biển Nhật Bản rất dài, thuyền buôn lậu ngụy trang thành thuyền cá, lợi dụng ban đêm để chuyển lậu vũ khí qua biên giới không phải chuyện quá khó. Bọn họ thường dùng cách này để chuyển ma túy và vũ khí vào Nhật Bản, rồi mang đi một lượng lớn tiền Yên.
Cảnh sát Yamanashi không biết tổ chức quá khích kia đã được vũ trang mạnh như vậy. Bọn họ được lệnh khám xét để điều tra tội cố ý gây thương tích, thực chất chỉ là hình thức, và chia nhau ngồi hai xe tuần tra và xe buýt nhỏ, được trang bị bình thường, rồi đến một “nông trường” là đại bản doanh của tổ chức tên là “Akebono”[7]. Bề ngoài, các thành viên của tổ chức này đều làm việc ở nông trường sử dụng phương thức canh tác hữu cơ ấy. Bọn họ không cho cảnh sát vào khám xét, vậy là thành xung đột đánh nhau, rồi bùng phát thành cuộc đấu súng.
[7] Bình minh.
Dù thực tế chưa sử dụng đến, nhưng tổ chức này thậm chí còn tích trữ cả lựu đạn cầm tay sát thương lớn do Trung Quốc sản xuất. Không dùng đến, là vì chúng mới nhận được chưa lâu, nên chưa được huấn luyện để sử dụng thành thạo. Đây thực là một điều may mắn. Nếu chúng dùng đến lựu đạn, tổn thất của cảnh sát và lực lượng phòng vệ chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Lúc đầu, các cảnh sát thậm chí còn không chuẩn bị cả áo chống đạn. Lãnh đạo cảnh sát bị chỉ trích vì đã lơ là trong phân tích thông tin và trang bị cũ kỹ lạc hậu. Nhưng điều khiến mọi người kinh ngạc nhất vẫn là các phái quá khích vẫn còn tồn tại dưới các lực lượng chiến đấu như vậy và còn hoạt động sôi nổi trong bóng tối. Người ta cứ ngỡ cuộc “cách mạng” sau những năm sáu mươi ầm ĩ một thời đã hoàn toàn trở thành quá vãng, tàn dư của các phái quá khích cũng đã bị tiêu diệt triệt để trong “sự kiện sơn trang Asama”[8] rồi.
[8] Sự kiện sơn trang Asama là vụ bắt cóc con tin ở một ngôi nhà trên núi gần Karuizawa, Nagano của năm thành viên tổ chức URA (Liên hợp Quân đoàn Đỏ). Đây là lần đầu tiên hành động giải cứu của cảnh sát được truyền hình trực tiếp ở Nhật Bản.
Aomame ghi chép xong, đem đống báo trả lại quầy phục vụ, cô lại chọn một quyển dày cộp tên là Các nhà soạn nhạc thế giới trên giá sách âm nhạc, rồi trở lại bàn đọc sách. Sau đó lật đến trang viết về Janáček.
Leoš Janáček sinh ra ở làng quê vùng Movaria năm 1854, mất năm 1928. Trong sách có in hình chân dung ông những năm cuối đời. Không hói, đỉnh đầu được mái tóc bạc trắng như đám cỏ dại bù xù phủ kín, không thể hình dung hình dạng hộp sọ của ông trông thế nào. Bản Sinfonietta được viết năm 1926. Janáček có một cuộc hôn nhân bất hạnh không tình yêu, mãi đến năm 1917, khi đã sáu ba, ông mới tình cờ gặp được người đàn bà đã có chồng tên là Kamila Stösslová, và hai người yêu nhau. Đó là tình yêu ở tuổi xế chiều của hai kẻ đã từng kết hôn. Janáček một độ đã âu sầu vì sáng tác sa sút, nhưng nhờ gặp Kamila, ông lấy lại được cảm hứng. Vậy là các kiệt tác liên tiếp xuất hiện vào những năm cuối đời.
Một hôm, khi tản bộ cùng Kamila trong công viên, ông bắt gặp buổi hòa nhạc đang diễn ra tại một nhà hát ngoài trời nên dừng bước lắng nghe. Janáček bỗng thấy cảm giác hạnh phúc ngập tràn khắp cơ thể, cấu tứ của bản Sinfonietta bỗng dưng xuất hiện. Về sau, ông kể lại rằng, khi đó ông thấy như trong óc mình có thứ gì đột nhiên nổ tung, toàn thân đắm chìm trong trạng thái xuất thần. Vừa khéo dạo ấy Janáček đang được mời sáng tác bản nhạc mở đầu cho lễ khai mạc một đại hội thể thao lớn, mô típ của bản nhạc mở đầu ấy và “cấu tứ” có được trong không gian hòa nhập làm một, và Sinfonietta ra đời. Tuy tên gọi là “Khúc giao hưởng nhỏ, nhưng kết cấu của nó hoàn toàn phi truyền thống, khúc mở màn đầy tươi sáng của nhạc cụ hơi kết hợp với hòa tấu đàn dây trầm lắng kiểu Trung u, tạo ra một phong cách hết sức độc đáo. Trong sách giải thích như vậy.
Để cho chắc chắn, Aomame chép tóm tắt nội dung tiểu sử và giới thiệu bản nhạc vào sổ tay. Nhưng cuốn sách không gợi mở điều gì về chuyện rốt cuộc giữa Aomame và bản Sinfonietta ấy có quan hệ gì, hoặc có thể quan hệ như thế nào. Rời thư viện, nàng thả bước dọc theo con phố trước lúc hoàng hôn, chốc chốc lại lẩm bẩm một mình, rồi lại lắc đầu.
Aomame vừa đi vừa ngẫm nghĩ, tất nhiên, mọi điều chỉ là giả thuyết. Nhưng trước mắt, đây là giả thuyết có sức thuyết phục nhất đối với mình. Ít ra, trước khi có giả thuyết nào thuyết phục hơn xuất hiện, hẳn là phải hành động dựa trên giả thuyết này. Bằng không có thể mình sẽ bị đào thải. Vì vậy, có lẽ nên đặt cho hoàn cảnh mới này của mình một cái tên phù hợp. Để phân biệt với thế giới trước đây khi cảnh sát đeo súng lục ổ quay kiểu cũ đi lại trên đường, thì cũng nên có một xưng hô riêng. Chó mèo còn cần có tên nữa là. Thế giới mới bị biến đổi lại càng cần.
Năm 1Q84. Mình sẽ gọi cái thế giới mới này như thế. Aomame quyết định.
Q là chữ Q trong từ question mark. Thứ gánh trên lưng mình một câu hỏi.
Nàng vừa bước đi vừa gật gù một mình.
“Dù thích hay không, hiện nay mình đã ở trong “Năm 1Q84” này rồi. Năm 1984 mà mình quen thuộc kia đã biến mất không còn dấu tích, năm nay là năm 1Q84. Bầu không khí đã thay đổi, phong cách đã thay đổi. Mình phải nhanh chóng thích ứng với thế giới mang dấu chấm hỏi này. Như lũ động vật bị bỏ vào khu rừng xa lạ, muốn sinh tồn thì chúng phải nhanh chóng tìm hiểu và thích ứng với quy tắc ở nơi mới.
Aomame vào cửa hàng đĩa hát gần ga Jiyugaoka, tìm đĩa Sinfonietta của Janáček. Janáček không phải là nhà soạn nhạc được ưa chuộng. Góc dành cho các đĩa nhạc của ông rất nhỏ, chỉ tìm được một đĩa duy nhất có bản Sinfonietta ấy. Dàn nhạc dao hưởng Cleveland diễn tấu dưới sự chỉ huy của George Szell[9], mặt A là “Bản concerto cho dàn nhạc giao hưởng” của Bartók Béla Viktor János[10]. Không hiểu diễn tấu ra sao, nhưng cũng chẳng còn lựa chọn khác, vậy là nàng mua cái đĩa than ấy. Về tới nhà, lấy chai rượu Chablis trong tủ lạnh ra, mở nắp chai, đặt đĩa nhạc vào bàn quay, hạ đầu kim xuống. Sau đó nàng vừa uống rượu vang để lạnh vừa phải vừa nghe nhạc. Đoạn mở đầu bằng kèn vang lên rạng rỡ. Đúng là thứ âm nhạc đã nghe trong taxi. Không sai chút nào. Nàng nhắm mắt lại, tập trung ý thức vào âm nhạc. Dàn nhạc chơi khá hay. Nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra ngoài tiếng nhạc vang vọng. Thân thể nàng không bị vặn xoắn, cảm giác cũng không có gì thay đổi.
[9] George Szell (1897-1970): Nhạc trưởng người Mỹ gốc Hungary.
[10] Bartók Béla Viktor János (1881-1945): Nhà soạn nhạc và nghê sĩ piano nổi tiếng người Hungary.
Nghe nhạc xong, nàng cất đĩa vào bao đựng, ngồi trên sàn nhà, dựa lưng vào tường uống rượu vang tiếp. Nhâm nhi vang một mình trong lúc nghĩ ngợi thì hầu như không cảm nhận được mùi vị gì. Rồi nàng vào nhà vệ sinh, lấy xà phòng rửa mặt, cầm kéo nhỏ lên sửa lông mi, sau đó lấy tăm bông làm sạch trong tai.
Mình điên, hoặc thế giới này điên, chỉ có thể là một trong hai. Mình không biết rốt cuộc là bên nào điên. Miệng chai và nắp chai không vừa nhau. Cũng có thể trách cái chai, mà cũng có thể trách cái nắp. Nhưng dù thế nào cũng không thay đổi được sự thực miệng chai và nắp chai không vừa.
Aomame mở tủ lạnh kiểm tra. Mấy hôm nay nàng không mua thức ăn, đồ bên trong không nhiều lắm. Nàng lấy ra một quả đu đủ đã chín nục, cầm dao cắt đôi, dùng thìa xúc ăn. Sau đó nàng lại lấy ba quả dưa chuột, rửa sạch, chấm xốt mayonnaise ăn. Nàng chậm rãi nhai. Kế đó, nàng đổ sữa đậu nành ra cốc thủy tinh, uống cạn. Đây là toàn bộ bữa tối. Tuy đơn giản, nhưng lại là thực đơn lý tưởng phòng táo bón. Táo bón là một trong những điều mà Aomame căm ghét nhất trên đời. Ghét ngang với bọn đàn ông bỉ ổi bạo hành gia đình và những phần tử tôn giáo cực đoan đầu óc hẹp hòi.
Sau bữa tối, Aomame cởi quần áo, tắm nước nóng. Ra khỏi phòng tắm, nàng lấy khăn bông chà xát khắp người, rồi quan sát cơ thể mình trong tấm gương gắn trên cửa. Phần bụng thon thả, các bắp thịt săn chắc. Hai bầu vú không cân đối và không nổi bật, đám lông mu làm người ta liên tưởng đến một sân bóng đá không được chăm sóc. Đang ngắm nghía thân thể trần truồng của mình, Aomame chợt nhớ ra tuần tới mình đã ba mươi tuổi. Sinh nhật buồn chán lại đến. Thật đúng là! Phải đón lần sinh nhật ba mươi ở cái thế giới lạ kỳ khó hiểu này! Aomame thầm nghĩ, rồi nhíu mày lại.
Năm 1Q84.
Đó chính là nơi nàng đang trú ngụ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...