1984 (Nineteen Eighty-Four)

Winston đang viết nhật ký:

Ba năm về trước. Vào một buổi chiều tối trong một ngõ ngang gần một trong mấy nhà ga xe hỏa lớn. Ả ta đứng gần một cổng nhà, dưới một ngọn đèn phố chẳng chiếu sáng chút nào. Ả có một gương mặt trẻ, trát đầy phấn. Chính cái son phấn đã quyến rũ tôi, cái mặt trắng xóa như mặt nạ, và đôi môi đỏ chói. Nữ đảng viên không bao giờ vẽ mặt. Không có ai khác ngoài đường và không có máy truyền hình. Ả ta nói hai đôn. Tôi —

Đến chỗ này tiếp tục khó quá. Anh nhắm mắt lại và lấy ngón tay ấn vào mắt để cố trục xuất cái hình ảnh cứ hiện về trong tâm anh. Anh gần như bị tràn ngập bởi sự thèm khát hét vang lên một tràng từ ngữ tục tằn. Hoặc đập đầu vào tường, đá hất bàn, ném lọ mực qua cửa sổ — bất cứ một hành động gì hung bạo, ồn ào và đau đớn có thể xóa bỏ cái kỷ niệm đang dằn vặt anh.

Kẻ thù lớn nhất của mình chính là bộ thần kinh mình, anh nghĩ vậy. Bất cứ lúc nào, sự căng thẳng trong mình cũng có thể lộ ra dưới một hình thức rõ rệt. Anh nghĩ tới một người anh gặp ngoài đường vài tuần trước; một người coi bề ngoài rất tầm thường, một Đảng viên khoảng ba mươi nhăm, bốn mươi tuổi, cao gầy,, sách cặp. Anh và người đó đương cách nhau vài thước thì bỗng nửa mặt trái của người đó co quẹo lên. Hiện tượng lại lặp lại khi hai người qua mặt nhau: đó chỉ là một cử động nhăn nhó, run run nhanh như tiếng cạch ngăn cửa trập máy chụp hình. Anh nhớ lúc đó anh nghĩ: Lúa đời anh chàng đáng thương này rồi. Điều đáng sợ là chắc hẳn cử động đó không tự giác. Nguy to nhất là nói trong giấc ngủ. Xét cho cùng, không có cách nào ngăn được hiểm họa ấy.

Anh thở phào và tiếp tục viết:

Tôi bước qua cổng với ả ta, băng qua sân trong tới một hầm bếp. Nơi đây có một cái giường kê sát tường và một cây đèn vặn lửa thật nhỏ trên bàn. Ả —

Anh ghê răng. Anh muốn khạc nhổ. Nghĩ tới người đàn bà trong hầm bếp, anh đồng thời nghĩ tới Katharine, vợ anh. Winston có vợ — ít nhất là đã có vợ: có lẽ anh còn có vợ vì trong chừng mực anh biết, vợ anh chưa chết. Hầu như anh hít trở lại cái mùi hấp nóng của hầm bếp, một mùi pha trộn hơi rận, quần áo nhơ bẩn và nước hoa hắc rẻ tiền, nhưng ấy vậy mà hấp dẫn, vì không có một nữ Đảng viên nào dùng hay được tưởng tượng là dùng nước hoa. Chỉ có dân đen mới bôi nước hoa. Trong đầu óc anh mùi ấy lẫn lộn rắm rối với trò thông dâm.

Khi anh đi với người đàn bà ấy, đó là bước sa ngã đầu tiên của anh sau khoảng hai năm gìn giữ. Giao du với điếm bị cấm, dĩ nhiên, nhưng đó là một quy lệ bạn có thể thỉnh thoảng đánh liều phá. Phá lệ như vậy nguy hiểm, nhưng không phải là một điều sống chết. Bị bắt đi với điếm có thể có hậu quả là năm năm khổ sai: không hơn, nếu bạn không phạm tội gì khác. Và điều này cũng dễ, miễn bạn tránh bị bắt quả tang đương khi giao cấu. Các khu phố nghèo đầy rẫy đàn bà sẵn sàng bán mình. Có hạng có thể bị mua chuộc bởi một chai rượu gin, một thứ hàng trên nguyên tắc dân đen không được uống. Mặc nhiên Đảng có ý muốn khuyến khích mãi dâm như một cửa bửng cho những bản năng không thể bị kiềm chế hoàn toàn được. Sự bê tha đơn giản không hề gì, nếu vẫn lén lút không vui và chỉ liên quan đến đàn bà thuộc giai cấp bị đè nén khinh khi. Tội không dung thứ được là tội chung chạ bừa bãi giữa Đảng viên. Nhưng — mặc dầu đó là một trong những trọng tội được các bị can trong các cuộc đại thanh trừ luôn luôn thú nhận — khó tưởng tượng rằng một sự kiện như vậy thực sự xảy ra.

Mục đích của Đảng không chỉ là ngăn nam nữ thắt với nhau những mối tình chung khó kiểm soát được. Chủ định thực sự ngầm của Đảng là khiến sự giao hợp mất hết thú vị. Hơn cả tình yêu, tính hứng dục mới là thù địch, trong cũng như ngoài vòng hôn lễ. Mọi sự kết hôn giữa Đảng viên phải được một hội đồng thừa hành chấp thuận, và — dù nguyên lý không bao giờ được xác định — phép cưới luôn luôn bị bác khi cặp đương sự tỏ vẻ quyến luyến nhau về thể xác. Mục tiêu độc nhất của hôn phối được công nhận là sinh con đẻ cái phục vụ Đảng. Sự giao cấu bị coi như một chuyện phụ hơi ghê tởm, như một sự tẩy thụt. Điều này cũng không bao giờ được nêu rõ nhưng được nhồi vào sọ Đảng viên từ thuở ấu thơ. Có cả nhiều tổ chức như Liên Đoàn Thanh Niên Chống Sinh Dục biện hộ cho đời sống độc thân của hai giới. Mọi trẻ nít phải được thụ thai theo lối thụ tinh nhân tạo (thụ nhân theo Ngôn Mới) và phải được nuôi dưỡng trong nhà trẻ công cộng. Winston biết những đề xuất này không được thực sự tôn trọng, nhưng được cái là rất hợp với học thuyết tổng quát của Đảng. Đảng cố giết bản năng tính dục, hay nếu nó không thể giết được, cố xuyên tạc và bôi nhọ nó. Anh không hiểu tại sao lại thế, nhưng dường như lẽ tự nhiên phải vậy. Bằng về phần phụ nữ thì những cố gắng của Đảng rất công hiệu.

Anh lại nghĩ đến Katharine. Hai người đã ly thân từ khoảng chín, mười — gần mười một năm nay. Lạ là ít khi anh nghĩ tới nàng. Có khi mấy ngày liền anh quên hẳn rằng mình đã có vợ. Hai người chỉ sống chung với nhau chừng mười lăm tháng. Đảng không cho phép ly dị, nhưng lại khuyến khích ly thân trong trường hợp hai vợ chồng không có con.

Katharine là một cô gái cao lớn, tóc vàng, rất thẳng vóc, có những cử động tuyệt vời. Nàng có một gương mặt phượng bạo dạn, một gương mặt có thể gọi là quý phái cho tới khi khám phá ra đằng sau nó không có gì cả. Mới lấy nhau được chẳng bao lâu anh đã nhận định rằng, — mặc dầu có thể tại anh biết nàng một cách mật thiết hơn mọi người — không chối cãi được, nàng là con người đần độn, thô bỉ và rỗng tuếch nhất mà anh đã từng gặp. Trong óc nàng không có một tư tưởng nào không phải là khẩu hiệu, và không có một điều ngu xuẩn nào, tuyệt đối không một điều nào, mà nàng không nuốt nổi nếu là do Đảng đề ra. Trong thâm tâm anh, anh gọi nàng là "người ghi âm". Thế mà anh vẫn nhẫn nhục ở được với nàng nếu không vì đúng một vấn đề — sinh dục.

Anh mới sờ nàng là nàng hình như rùng mình cứng người lại. Ôm nàng như thể ôm một tấm tượng gỗ nối khớp. Lạ lùng nữa là ngay khi nàng siết chặt anh vào lòng nàng, anh có cảm tưởng như đồng thời nàng lấy hết sức mạnh đẩy anh ra. Sự cứng đờ của bắp thịt nàng gây ra cảm giác ấy. Nàng thường nhắm mắt nằm đó không kháng cự mà cũng không hợp tác, nhưng phục tùng. Thái độ ấy làm anh vô cùng lúng túng và, sau ít lâu, ghê tởm. Nhưng ngay vậy anh cũng vẫn có thể sống với nàng nếu hai người thỏa thuận ở không. Nhưng khá lạ là chính Katharine từ chối điều này. Nàng bảo nếu hai người có thể có con được thì hai người phải sinh con. Thành thử anh phải tiếp tục lập thành tích, mỗi tuần một lần, rất đều đặn, khi không có gì cản trở. Nàng còn thường nhắc anh vào buổi sáng, như thể đó là một việc đến chiều bắt buộc phải làm, không thể bị quên lãng. Nàng có đặt tên cho việc ấy. Một từ ngữ là "làm em bé", và một từ ngữ khác là "bổn phận của chúng ta đối với Đảng" (phải, nàng quả có dùng câu đó). Rất sớm anh đâm thành thực sợ hãi mỗi khi gần tới ngày chỉ định. Nhưng may sao không đứa bé nào ra đời, và tận cùng nàng bằng lòng ngưng thử, rồi chẳng bao lâu hai người ly thân.

Winston khẽ thở dài. Anh lại nhấc bút lên viết:

Ả ném mình trên giường rồi tức thì lột váy, không một mào đầu, với một bộ điệu tưởng tượng thô tục và ghê tởm nhất.Tôi —

Anh thấy mình đang đứng đó dưới ánh đèn mờ, mũi ngửi mùi rận và nước hoa rẻ tiền, trong lòng nhóm lên một ý tưởng thất bại oán hận, xen lẫn, ngay cả lúc đó, với kỷ niệm tấm thân trắng bạch của Katharine, vĩnh viễn băng đá vì quyền lực thôi miên của Đảng. Tại sao bao giờ cũng phải như thế ? Tại sao anh không thể có một người đàn bà cho riêng anh thay vì cứ cách vài năm những mụ ác mó bẩn thỉu này ? Nhưng một chuyện tình thực sự là một sự kiện không thể tưởng tượng được. Các nữ Đảng viên giống hệt nhau. Đức trinh ăn sâu vào họ chẳng kém gì lòng trung thành với Đảng. Nhờ được điều kiện hóa sớm, nhờ thể thao và nước lạnh, nhờ những điều phi lý lải nhải trong trường, tại Đoàn Gián Điệp và Liên Đoàn Thanh Niên, nhờ sách báo, cuộc thao diễn, bài ca, khẩu hiệu và quân nhạc, tình cảm tự nhiên đã bị tống khứ ngoài họ. Lý trí anh bảo anh thế nào cũng có người ngoại lệ, nhưng tim anh không tin thế. Họ là những người không thể chinh phục được, như Đảng muốn họ như vậy. Hơn cả được yêu, anh muốn phá vỡ cái tường đạo đức ấy, dù chỉ một lần trong cả cuộc đời anh. Giao hợp hoàn mỹ là có hành vi phản nghịch. Thèm muốn xác thịt là phạm tội tư tưởng. Ngay sự gợi dục Katharine, nếu anh làm nổi, sẽ bị coi như một hành vi dụ dỗ, mặc dầu nàng là vợ anh.

Nhưng phần chót của câu chuyện phải được viết lên. Anh viết:

Tôi vặn đèn lên. Khi tôi thấy ả dưới ánh sáng —

Sau cảnh tối tăm, ánh sáng nhỏ của ngọn đèn dầu có vẻ rực rỡ. Lần đầu tiên anh có thể thấy rõ người đàn bà. Anh tiến một bước về phía ả rồi ngưng, đầy thèm muốn và khiếp sợ. Anh đau đớn ý thức sự liều lĩnh của anh khi tới nơi này. Rất có thể lính tuần sẽ bắt anh khi anh ra về: xem ra có khi họ đang đợi anh ngoài cửa. Nếu anh ra về mà không làm cái việc anh tính đến đây làm —!

Phải viết chuyện này, phải thú thật chuyện này. Điều anh bỗng nhìn thấy dưới ánh đèn là sự người đàn bà đã nhiều tuổi. Son phấn được trát đầy trên mặt ả đến nỗi hầu như nó có thể toạc ra như một chiếc mặt nạ bìa. Có nhiều vạch trắng trên tóc ả; nhưng chi tiết thực sự khủng khiếp là khi ngả người xuống, mồm ả hơi há ra không để lộ gì ngoài một hố đen xì. Ả không có một cái răng nào.

Anh viết thật nhanh, bằng nét chữ nguệch ngoạc:

Khi tôi thấy ả dưới ánh sáng, ả hiện ra là một bà già, ít nhất năm mươi tuổi. Nhưng tôi vẫn tiến lên và làm như thường.

Anh lại ấn ngón tay vào mí mắt. Tận cùng anh đã viết ra chuyện ấy, nhưng chẳng thấy khác gì. Liệu pháp không hiệu nghiệm. Sự thèm muốn hét lớn lên những từ ngữ tục tằn mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Từ một cuối ngõ nào đó mùi cà phê rang — cà phê thật, không phải cà phê Chiến Thắng — phảng phất bay ra ngoài phố. Winston bất giác dừng chân. Trong độ hai giây, anh trở về thế giới đã gần đi vào quên lãng của thời thơ ấu. Song một cánh cửa đập mạnh, cắt đứt mùi thơm như thể nó là một tiếng động.

Anh đâ thả bách bộ nhiều cây số trên vỉa hè, và chứng loét giãn tĩnh mạch đang nhói lên. Lần này là lần thứ hai trong ba tuần anh trốn phiên họp chiều tại Trung Tâm Cộng Đồng: một hành động táo bạo khi biết chắc sự hiện diện tại Trung Tâm được kiểm soát kỹ càng. Trên nguyên tắc, Đảng viên không có giờ rảnh, và không bao giờ được ở một mình ngoài giờ ngủ. Thông lệ là khi không làm việc, không ăn hay không ngủ, Đảng viên phải tham gia một cuộc giải trí cộng đồng: làm bất cứ việc gì ám thị một sự ham thích cảnh cô đơn, dù là tản bộ một mình, bao giờ cũng khá nguy hiểm. Ngôn mới có chữ chỉ điều ấy: mình sống, có nghĩa là cá nhân chủ nghĩa và tính kỳ quặc. Nhưng chiều nay khi ra khỏi Bộ, hương khí tháng Tư đã quyến rũ anh. Trời xanh ấm như chưa từng thấy năm nay, và bỗng nhiên anh cảm thấy như không thể chịu nổi phiên họp chiều dài dẵng ồn ào tại Trung Tâm, những trò chơi chán ngắt, các bài diễn văn, cũng như tình đồng chí cọt kẹt được rượu gin thoa mỡ. Bốc đồng anh tránh trạm xe buýt và lang thang trong đồ trận Luân Đôn, thoạt đầu ở vùng nam, sau sang vùng đông, rồi lại lên vùng bắc, lạc mình trong các đường phố lạ, không mấy để ý đến phương hướng đang theo.

"Nếu có hy vọng, nó phải nằm nơi dân đen", anh đã viết vậy trong nhật ký. Câu này ám ảnh anh, cái câu quả quyết một sự thật thần bí và một sự phi lý sờ sờ. Anh đang ở đâu đó, trong xóm nhà nhơ nhớp mầu nâu mạn đông bắc nhà ga Thánh Pancras xưa. Anh đi trên một đường phố lát sỏi có nhà hai tầng với cửa đổ nghiêng nhìn thẳng ra hè, coi giống ổ chuột lạ. Nhiều vũng nước bẩn rải rác trên đường lát. Trong và ngoài cửa nhà đen tối, dọc những ngõ ngang hẹp nhánh từ hai bên đường phố, dân chúng đông lạ lùng, hàng ngàn người — con gái đương tuổi thanh xuân với đôi môi son loè loẹt, con trai đuổi theo con gái, đàn bà mập phình núng nính cho thấy các cô gái sẽ ra sao mười lăm năm nữa, người già khom lưng lê đôi chân bẹt, và trẻ con rách rưới chân đất chơi đùa trong các vũng nước để rồi tản mát khi mẹ chúng giận hét. Đến một phần tư cửa sổ trông ra phố bị gãy và lấp ván. Phần đông dân chúng không để ý đến Winston; vài người tò mò dè dặt nhìn anh. Có hai quái nữ với cánh tay đỏ gạch khoanh trước áo tạp dề nói chuyện với nhau ngoài một ngưỡng cửa. Khi lại gần họ Winston nghe lỏm được vài mẩu câu chuyện:


""Phải," tui bảo chị ta, "vậy phải lắm," tui bảo thế. "Nhưng nếu chị ở cảnh tui chị cũng làm như tui vậy thôi. Chê thì dễ," tui bảo thế, "nhưng chị không mắc vào cảnh như tui.""

"Ừ," người kia nói, "đúng thế. Đúng là thế đó."

Giọng nói the thé vụt ngưng. Hai người đàn bà lẳng lặng nhòm anh như thù địch khi anh qua mặt họ. Đúng ra, đấy không phải là một thái độ hiềm nghịch, mà chỉ là một phản ứng thận trọng, căng thẳng nhất thời, kiểu như trước sự băng qua của một con thú không quen thuộc. Bộ áo liền quần của Đảng không thể là một cảnh tượng bình thường trên một đường phố như thế này. Thât thế, trừ phi có nhiệm vụ rõ ràng, bị bắt gặp tại những nơi như chốn đây là một điều không nên. Đội tuần tra có thể chặn giữ bạn nếu rủi bạn gặp họ: "Đồng chí cho tôi xem giấy được không ? Đồng chí làm gì nơi đây ? Đồng chí rời sở hồi mấy giờ ? Đây có phải là lối về nhà bình thường của đồng chí không ?" — và cứ như thế. Kể thì không hề có luật chống sự theo lối khác lạ về nhà; nhưng thế đủ khiến bạn bị chú ý đến nếu chuyện đến tai Cảnh Sát Tư Tưởng.

Thình lình cả phố sôi sục. Có tiếng hét báo động xuất phát từ khắp nơi. Dân chúng phóng qua cửa về nhà như thỏ chạy. Một thiếu phụ vọt khỏi một ngưỡng cửa trước mặt Winston, túm lấy một đứa bé đang chơi trong vũng nước, phủ nó trong tạp dề rồi bay trở lại về nhà, mọi tác động gom nhanh vào một. Đồng thời một gã mặc một bộ đồ đen nhăn nhúm nhô mình từ một ngõ ngang, vừa chạy về phía Winston vừa hớt ha hớt hải chỉ tay lên trời:

"Máy hơi !" anh ta hét lên. "Coi chừng, thầy nó ! Pằng trên đầu ! Nằm xuống nhanh !"

"Máy hơi" là tên dân đen đặt cho bom lửa, không rõ vì sao. Winston vội nhào mặt xuống đất. Dân đen gần như không bao giờ nhầm khi ra báo hiệu về bom. Hình như họ có một linh tính báo cho họ biết trước vài giây sự kế cận của bom lửa, mặc dầu bom lửa được coi như bay nhanh hơn âm thanh. Winston khoanh tay lên đầu. Một tiếng ầm vang làm như cuỗm tung hè lên; hàng chùm vật nhẹ mưa lách tách trên lưng anh. Khi đứng dậy anh thấy mình bị bao phủ bởi vụn kính rơi từ cửa sổ gần nhất.

Anh tiếp tục rảo bước. Trái bom đã phá hủy một khóm nhà trên đầu phố cách đây hai trăm thước. Một luồng khói đen treo giữa trời, và dưới đất một đám mây bụi thạch cao bao trùm một đám người đã họp quanh đống phế tích. Có một sấp nhỏ thạch cao nằm trước mặt anh, và giữa sấp anh thấy một vết đỏ tươi. Khi lại gần, anh nhận ra đó là một bàn tay người bị cắt ngang cổ. Ngoài cái đầu cụt đẫm máu, bàn tay tái mét trông như một vật đúc bằng thạch cao.

Anh đá vật đó vào cống rồi rẽ xuống một ngõ ngang để tránh đám đông. Ba bốn phút sau anh ra khỏi vùng bị bỏ bom, và đời sống lúc nhúc bần tiện của phố phường tiếp tục như không có gì vừa xảy ra. Đã gần hai mươi giờ, và các quán nước được dân đen lui tới (mà họ gọi là "pớp") đông nghẹt khách. Từ những cửa xoay xấu xí, không ngưng đóng mở, bay ra một mùi nước tiểu, mùn cưa và bia chua. Tại một góc do một mặt nhà nhô ra hình thành có ba gã đứng sát nhau; người đứng giữa cầm một tờ báo gấp trong khi hai người kia đọc qua vai anh ta. Ngay khi chưa đủ ở gần để nhìn nét mặt họ, Winston đã thấy sự mải mê hiện trên toàn dáng điệu của họ. Hiển nhiên họ đang đọc một tin quan trọng. Anh vượt họ được vài bước thì bỗng dưng nhóm người tan rã và hai trong ba người cãi nhau to. Trong một lúc họ suýt ra tay với nhau.

"Mẹ kiếp, mày không nghe tao nói hả ? Tao bảo mày không có số nào tận cùng bằng số bảy trúng số từ mười bốn tháng nay !"

"Có, có số trúng mà !"

"Không, không có ! Ở nhà tao có ghi cả thảy số trúng từ hơn hai năm nay. Tao chép lại đều đặn như đồng hồ. Và tao bảo mày, không có số nào tận cùng bằng số bảy —"

"Có, có một số bảy trúng ! Tao có thể đọc gần hết cho mày con số mắc dịch đó. Nó tận cùng bằng bốn không bảy. Đó vào lúc tháng Hai — tuần thứ hai tháng Hai."

"Tháng Hai cái con bà mày ! Tao ghi hết trên giấy trắng mực đen. Và tao bảo mày, không có số nào —"

"Ôi, câm miệng đi !", người thứ ba thốt.

Họ nói về Sổ Số. Winston ngoảnh lại nhìn họ khi quá họ ba mươi thước. Họ vẫn còn cãi nhau, gương mặt bừng bừng hăng say. Sổ Số với những số tiền giải khổng lồ hàng tuần, là chuyện thời sự độc nhất được dân đen quan tâm đến. Chắc hẳn hàng triệu dân đen coi Sổ Số như lẽ sống chính yếu nếu không độc nhất của họ. Nó là nguồn vui, là thú đam mê, là thuốc an thần, là chất kích thích trí óc của họ. Khi có sự liên quan tới Sổ Số, ngay những người không biết đọc biết viết gì cũng hình như có tài tính toán rắc rối hay trí nhớ dai kỳ lạ. Có cả bầy người kiếm cơm nhờ bán phương thức, dự toán và bùa hên. Winston không liên can gì đến sự điều hành Sổ Số do Bộ Sung Túc đảm nhận, nhưng anh biết rằng (mà ai trong Đảng cũng biết) các giải trúng phần đông là giải hão. Thực ra chỉ có vài món tiền nhỏ được phát, những người trúng giải lớn chỉ là người bịa. Vì không có sự thông tín qua lại thực sự giữa các vùng Đại Dương, mạo chuyện trúng giải không khó khăn gì.

Nhưng nếu có hy vọng, nó phải nằm nơi dân đen. Phải bám vào điều này. Khi đọc câu ấy lên, nó có vẻ hữu lý: nhưng khi nhìn vào những người qua đường trên vỉa hè, câu đó trở thành một lời nguyện tin. Con phố mà anh rẽ vào chạy xuống đồi. Anh có cảm tưởng đã tới khu ngoại ô này trước đây, và nhớ có một con đường lớn không xa chốn này. Từ đâu đó phía đằng trước có tiếng kêu hò inh ỏi. Con phố quẹo theo một góc nhọn và tận cùng bằng một cầu thang dẫn xuống một ngõ trũng có vài sập hàng bán rau héo. Bây giờ thì Winston nhớ ra chỗ mình đang ở. Ngõ này dẫn đến phố lớn, và tại phố ngang đầu tiên, ở mạn dưới, cách đây không quá năm phút, là cái tiệm đồ cũ nơi anh đã mua cuốn vở trắng nay là nhật ký của anh. Và tại một tiệm bán giấy không xa, anh đã mua cái bút và lọ mực anh dùng.

Anh dừng chân một lúc trên đầu cầu thang. Bên kia ngõ có một pớp nhỏ tồi tàn có cửa sổ tưởng như bị băng phủ hóa ra chỉ bị bụi trùm. Một ông lão già khụm nhưng hảo hoạt, có râu mép trắng dựng lên như râu tôm, ẩy cửa xoay vào trong quán. Đương đứng nhìn, Winston bỗng nghĩ rằng ông già lên tám mươi tuổi ít nhất, nên đã đứng tuổi khi Cách Mạng xảy ra. Ông ta và vài người khác là những mối liên lạc hiện hữu cuối cùng với thế giới tư bản. Ngay trong Đảng không có nhiều người được đào luyện tư tưởng trước Cách Mạng. Thế hệ cũ gần như đã bị quét sạch trong các cuộc thanh trừ lớn vào những năm năm mươi sáu mươi, và mấy người sống sót đã hoàn toàn đầu hàng tinh thần từ lâu vì sợ hãi. Nếu có người còn sống dám kể lại một cách trung thực tình trạng hồi đầu thế kỷ, người đó phải là dân đen. Bỗng dưng đoạn sách sử mà anh đã chép trong nhật ký hiện lại trong óc Winston, và một động lực điên rồ xâm nhập lấy anh. Anh phải vào trong pớp, anh phải làm quen với ông lão và hỏi han ông ta. Anh sẽ hỏi ông ta: "Xin cụ cho biết đời sống của cụ khi cụ còn nhỏ. Thời đó ra sao ? Thời đó sự thể khá hay tệ hơn bây giờ ?"

Một cách vội vàng để khỏi có thì giờ sợ hãi, anh đi xuống cầu thang băng qua ngõ hẻm. Đương nhiên, đây là một hành động điên khùng. Như thường lệ, không có luật lệ rõ ràng cấm sự nói chuyện với dân đen và lui tới pớp của họ, nhưng đó là một hành động quá bất thường, thế nào cũng bị chú ý đến. Nếu đội tuần tra xuất hiện, anh có thể viện cớ là bỗng thấy khó ở, nhưng họ sẽ khó lòng tin anh. Anh đẩy cửa mở toang, và một mùi bia chua ghê gớm như phó mát đập vào mũi anh. Khi anh vào, tiếng ồn giảm xuống nửa âm độ. Đằng sau lưng anh, anh có thể cảm thấy mọi người nhìn soi mói vào bộ áo liền quần xanh của anh. Một ván ném phi tiêu đang chơi dở bên cuối phòng ngừng lại chừng ba mươi giây. Ông lão mà anh theo dõi đứng tại quầy rượu, cãi vã gì đó với người hầu rượu, một thanh niên to lớn mập mạp có mũi quặp và cẳng tay kếch xù. Một nhóm người khác cầm cốc đứng quanh nhìn cảnh tượng.

"Tôi hỏi anh thế là lễ phép lắm rồi, đúng không ?", ông lão vừa nói vừa ưỡn thẳng vai lại một cách hùng hổ." Anh bảo tôi không có hũ nào một panh trong cả cái ổ rượu chết tiệt này là cái thứ gì ?"

"Nhưng trời đất quỷ thần, nào ai biết một panh là cái thớ gì ?", người hầu rượu nói, thân mình đưa về phía trước trong khi ngón tay tì trên quầy hàng.

"Coi kìa ! Hắn nhận mình là người hầu rượu mà không biết một panh là gì ! Sao, một panh là một nửa ca và có bốn ca trong một lon. Lần sau dễ chừng phải dạy i tờ cho anh nữa !"

"Không nghe mấy thứ đó bao giờ," người hầu rượu trả lời cộc lốc. "Lít với nửa lít, chỉ bán có thế. Cốc ở trên giá trước mặt ông ấy !"

"Tôi muốn một panh cơ," ông lão khăng khăng. "Anh rót cho tôi một panh được mà, dễ lắm. Hồi tụi tôi còn trẻ không có lít mắc dịch gì ráo !"

"Hồi ông còn trẻ tụi tôi sống cả trên chòm cây," người hầu rượu vừa nói vừa liếc nhìn các khách hàng khác.


Một tiếng cười ầm vang lên và sự khó chịu gây ra bởi sự xuất hiện của Winston hình như biến mất. Gương mặt lổm chổm lông trắng của ông lão đỏ hồng lên. Miệng lẩm bẩm, ông ta quay người đi, và đụng đầu vào Winston. Winston khẽ cầm tay ông.

"Xin phép cụ cho tôi mời cụ một cốc rượu," anh nói.

"Anh mới thật là người," ông lão vừa nói vừa ưỡn thẳng vai lại. Ông ta hầu như không để ý đến bộ áo liền quần xanh của Winston. "Một panh !" ông ta nói tiếp một cách khiêu khích với người hầu rượu. "Panh bia !"

Người hầu rượu rót hai nửa lít bia nâu thẫm vào hai cốc lớn đã được tráng trong một chậu để ở dưới quầy. Bia là thứ giải khát độc nhất được bán trong pớp dành cho dân đen. Dân đen được coi như không uống rượu gin, mặc dầu trên thực tế họ muốn kiếm gin cũng dễ. Trò chơi ném phi tiêu đã hào hứng trở lại, và nhóm người bao quanh quầy đã bắt đầu nói chuyện về sổ số. Lúc này sự hiện diện của Winston đã bị bỏ quên. Có một bàn gỗ trắng kê dưới cửa sổ cho phép anh và ông lão nói chuyện mà không sợ bị nghe lỏm. Cư xử như vậy hết sức nguy hiểm, nhưng dù thế nào đi nữa, trong quán không có máy truyền hình, một điều anh đã kiểm chắc lúc thoạt vào.

"Hắn rót cho tôi một panh mới phải," ông lão vừa làu nhàu vừa đặt cốc ngồi xuống. "Một nửa lít không đủ. Không thấm. Mà một lít thì quá nhiều. Làm bọng đái tôi chảy dòng. Không kể giá cả."

"Chắc cụ đã chứng kiến nhiều sự thay đổi từ thuở thiếu thời," Winston mớm hỏi.

Đôi mắt xanh lợt của ông lão đưa từ bảng bia phi tiêu đến quầy rượu, rồi từ quầy rượu tới phòng vệ sinh cho phái nam, coi như các sự thay đổi đã xảy ra trong quán.

Sau cùng ông nói: "Bia trước đây ngon hơn ! Và rẻ hơn ! Hồi tôi còn trẻ, bia nhẹ — mà chúng tôi gọi là la ve — có bốn xu một panh. Đó là trước khi có chiến tranh, cố nhiên."

"Chiến tranh nào cơ ạ ?" Winston hỏi.

"Các chiến tranh," ông lão mập mờ đáp. Ông bỏ kính ra, ưỡn thẳng vai lại. "Chúc anh sức khỏe dồi dào !"

Trái cổ nhọn của ông ta lên xuống thật nhanh trong cuống họng hẹp, và bia bị nuốt biến. Winston tới quầy rượu rồi trở lại bàn với hai nửa lít nữa. Ông lão hầu như quên thành kiến đối với sự uống cả lít.

"Cụ nhiều tuổi hơn tôi nhiều," Winston nói. "Chắc cụ đã trưởng thành khi tôi chưa chào đời. Có lẽ cụ nhớ ngày xưa ra sao khi chưa xảy ra Cách Mạng. Những người đồng lứa với tôi thực sự không biết gì về thời đó. Chúng tôi chỉ biết qua sách vở, mà những điều ghi trong sách chửa chắc đúng. Tôi mong biết ý kiến cụ. Sách sử bảo đời sống trước Cách Mạng khác hẳn bây giờ. Hồi đó, sự áp bức, bất công và nghèo nàn ghê gớm quá sức tưởng tượng của con người. Tại Luân Đôn này, đại quần chúng không bao giờ có đủ ăn từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Một nửa dân số không có cả giầy ống để đi. Họ làm việc mười hai tiếng một ngày, bỏ học khi lên chín, ngủ cả mười người trong một phòng. Trong khi đó, có một thiểu số, chỉ vài ngàn người — gọi là dân tư bản — giàu sang thế lực. Họ là chủ hữu của mọi thứ có thể có được. Họ sống trong những tòa nhà rộng rãi và lộng lẫy với hàng ba chục đầy tớ, họ di chuyển trong xe hơi và xe tư mã, họ uống ruợu xâm banh, họ đội mũ cao thành —"

Ông lão bỗng sáng mặt lên.

"Mũ cao thành !" ông ta nói. "Lạ sao anh lại nhắc tới nó. Mới hôm qua tôi cũng nghĩ đến vật này. Tôi không hiểu tại sao. Nghĩ đến, thế thôi. Sao bao năm rồi tôi không thấy nó. Nó biến đâu mất ấy. Lần cuối tôi đội nó là bữa tôi đưa đám ma chị dâu tôi. Và bữa đó — nhưng tôi không nhớ rõ ngày — vào khoảng năm mươi năm trước. Cố nhiên, anh cũng hiểu, mũ ấy tôi thuê đặc biệt cho hôm đó."

"Chuyện mũ cao thành không quan trọng lắm," Winston kiên nhẫn nói. "Điều đáng kể là dân tư bản kia — họ và số luật sư, thầy tu, vân vân, sống bám vào họ — thời đó làm chúa tể thế giới. Mọi sự chỉ có trên đời để phục vụ họ. Các cụ — thường dân và dân lao động — làm nô lệ cho họ. Họ muốn làm gì các cụ thì làm. Họ có thể chuyển các cụ xuống tàu như thể một đàn bò sang Gia Nã Đại. Họ có thể ngủ với con gái các cụ nếu họ muốn. Họ có thể ra lệnh quật các cụ với một cái gọi là roi chín đuôi. Các cụ phải ngả mũ khi qua mặt họ. Dân tư bản nào cũng có một bầy lâu la đi theo —"

Mặt ông lão lại sáng lên.

"Lâu la !" ông ta nói. "Nè, đã từ lâu tôi không nghe thấy tiếng này ! Lâu la ! Tiếng quen thuộc đó làm tôi trở về xưa, thật đó. Tôi nhớ — ồ, hàng bao năm trước — tôi thường ra công viên Hyde vào chiều chủ nhật để nghe mấy trự diễn thuyết. Đội quân Cứu thế, dân Công giáo, dân Do Thái, dân Ấn Độ — có đủ loại người. Có một gã — nhưng tôi không nhớ tên hắn, đúng là một kẻ ăn nói hùng hồn. Hắn không nhẹ miệng chút nào. "Đồ lâu la !" hắn nói, "đồ làm lâu la cho giới tư sản ! Đồ làm bồi cho giai cấp cầm quyền !" Một tiếng rủa nữa là quân ăn bám. Và còn linh cẩu nữa, hắn quả có gọi chúng là đồ linh cẩu. Dĩ nhiên anh cũng hiểu, chúng đây chỉ Đảng Lao Động."

Winston có cảm tưởng như ông ta nói gà mà anh nói vịt.

"Điều tôi muốn nói là như thế này," anh bảo. "Cụ có thấy cụ có nhiều tự do hơn hồi đó không ? Cụ có được đối xử như một con người hơn trước không ? Thời xưa, dân giàu sang, dân trên chóp bục —"

"Thượng nghị viện," ông lão nhắc.

"Ừ thì Thượng nghị viện như cụ thích. Điều tôi muốn hỏi là những người đó có xem các cụ như kẻ dưới chỉ vì họ giàu mà các cụ nghèo không ? Chẳng hạn, có đúng các cụ phải thưa "bẩm ngài" với họ và ngả mũ khi qua mặt họ không ?"

Ông lão có vẻ nghĩ ngợi. Ông uống hết một phần tư cốc bia trước khi đáp:

"Phải," ông ta nói, "họ thích người ta ngả mũ chào họ. Như để tỏ vẻ kính trọng. Chính tôi không đồng ý, nhưng tôi đã làm thế khá thường. Bắt buộc phải vậy, như anh có thể nói."


"Và thói thường — tôi chỉ nhắc lại những điều đọc trong sách sử — thói thường những người đó và đầy tớ của họ có đẩy các cụ ra khỏi hè cho các cụ ngã xuống rãnh không ?"

"Một tên có đẩy tôi xuống một lần," ông lão nói. "Tôi còn nhớ như thể là ngày hôm qua. Đó là đêm Đua Thuyền — đêm Đua Thuyền thường ồn ào dễ sợ - và tôi đụng phải một gã trẻ tuổi trên đường Shaftesbury. Hắn đúng là dân sang — áo sơ mi bảnh, mũ cao thành, áo khoác đen. Hắn đi xiêu vẹo trên hè và tôi vô ý đụng phải hắn. Hắn nói: "Bộ mày không biết nhìn đường hả ?" hắn nói thế đó. Tôi đáp lại: "Dễ chừng anh tưởng anh mua được cái vỉa hè chết tiệt này hả ?" Hắn bảo: "Tao vặn cái cổ chó chết của mày bây giờ, nếu mày láo lếu với tao." Tôi lại đáp: "Anh say rồi. Để chốc tôi cho anh một trận." Và anh tin tôi đi, hắn đưa tay lên ngực tôi rồi xô tôi ngã xéo chút là tôi lăn dưới bánh xe buýt. Nhưng hồi đó tôi còn trẻ, và tôi sắp cho hắn nếm một quả thì —"

Một cảm giác bất lực xâm nhập Winston. Trí nhớ ông lão chỉ ghi một đống chi tiết vô nghĩa. Có thể tra hỏi ông ta cả ngày mà chẳng thâu được một tin tức đáng kể nào. Các sách sử của Đảng biết đâu xác thực, theo kiểu của chúng. Mà biết đâu chúng còn hoàn toàn xác thực. Anh thử một lần chót:

"Có lẽ tôi không tỏ rõ ý tôi," anh bảo. "Điều tôi muốn nói như sau. Cụ đã sống thật lâu; cụ đã sống nửa đời trước Cách Mạng. Tỷ như mới năm 1925 cụ đã trưởng thành. Xin cụ cho biết, theo như cụ nhớ, đời sống hồi năm 1925 khá hơn hay tệ hơn bây giờ ? Nếu cụ được chọn, cụ thích sống vào thời đó hay vào thời nay ?"

Ông lão trầm ngâm nhìn vào tấm bia phi tiêu. Ông uống cạn bia một cách chậm rãi hơn trước. Khi ông lên tiếng, ông ra vẻ khoan dung hiền triết tuồng như rượu bia làm ông chín chắn lên.

"Tôi biết anh đợi tôi nói gì," ông ta bảo. "Anh đợi tôi nói tôi thích trẻ tuổi trở lại. Phần đông người ta, nếu có ai hỏi, đều đáp là thích được trẻ hơn. Khi trẻ mình có sức khỏe, sức lực. Tới tuổi của tôi không ai được mạnh cả. Tôi đau chân ác ôn và bọng đái của tôi hành tôi dữ. Mỗi đêm nó kéo tôi ra khỏi giường đến sáu bảy lần. Mặt khác, già cũng có nhiều cái lợi lớn. Khác chuyện lo nghĩ. Hết chơi với phụ nữ, đấy là đại sự. Tôi không đi với một bà nào từ gần ba mươi năm nay, anh tin tôi đi. Hơn thế nữa, tôi không còn thiết gần họ." Winston ngồi tựa vào thành cửa sổ. Tiếp tục không ích gì. Anh tính mua thêm ít bia nữa thì bỗng dưng ông lão đứng dậy và lê nhanh vào buồng tiểu hôi hám cạnh phòng khách. Nửa lít uống thêm đã bắt đầu hành ông ta. Winston ngồi nhìn cốc rỗng của mình một hai phút, và không ý thức chân anh kéo anh ra ngoài phố trở lại lúc nào. Nhiều nhất độ hai mươi năm nữa, theo anh nghĩ, câu hỏi to tát và đơn giản, "Đời sống thời trước Cách Mạng có khá hơn thời nay không ?" sẽ vĩnh viễn không còn ai trả lời được nữa. Nhưng trên thực tế thì ngay bây giờ cũng không có ai giải đáp được, vì số ít người rải rác từng trải qua thế giới cũ còn sống sót không đủ tư cách so sánh thời này với thời kia. Họ nhớ một triệu điều vô tích sự, một trận cãi vã với một đồng nghiệp, một cuộc đi tìm chiếc bơm xe bị mất, nét mặt của một người chị đã chết từ lâu, những xoáy bụi do gió thổi lên vào một buổi sáng bảy mươi năm về trước, nhưng mọi sự kiện đáng kể ở ngoài tầm mắt họ. Họ như cái kiến chỉ nhận thấy vật nhỏ mà không thấy được vật lớn. Khi trí nhớ họ kém cỏi, và khi tài liệu bị xuyên tạc — khi đó bắt buộc phải chấp nhận lời tuyên bố đã nâng cao nếp sống nhân loại của Đảng, vì không có và không bao giờ có thể có lại một tiêu chuẩn cho phép trắc nghiệm điều ấy. Tới đây dòng tư tưởng của anh vụt ngưng. Anh dừng chân, ngước mắt nhìn. Anh đang ở trên một phố hẻm có vài tiệm tối tăm xen giữa nhà ở. Ngay trên đầu anh treo lủng lẳng ba quả bóng kim khí đã phai mầu dáng chừng xưa kia được mạ vàng. Anh hình như biết nơi này. Lẽ dĩ nhiên ! Anh đang đứng ngoài tiệm đồ cũ, nơi anh đã mua quyển nhật ký.

Một tia sợ hãi xuyên qua anh. Sự mua cuốn vở thoạt tiên đã là một hành động khá khinh suất rồi, và anh đã thề không bao giờ lại gần nơi này. Thế mà anh vừa cho phép tư tưởng lang thang, chân anh tự nó đã dẫn anh trở lại đây. Chính vì mong ngăn mình có những hành vi tự sát kiểu ấy mà anh đã khai trương cuốn nhật ký. Đồng thời anh để ý thấy rằng mặc dầu đã gần hai mươi mốt giờ, tiệm đồ vẫn còn mở cửa. Nghĩ rằng mình đỡ bị dòm ngó nếu vào trong hơn là đứng lê ngoài hè, anh bước vào cửa tiệm. Nếu bị vặn hỏi anh có thể trả lời như thực là anh đang lùng mua dao cạo.

Người chủ tiệm vừa mới đốt một chiếc đèn dầu treo, làm tỏa ra một mùi hôi hỗn độn nhưng thân thuộc. Ông ta là một người khoảng sáu chục, gầy khom với một chiếc mũi dài nhân từ và một đôi mắt hiền lành bị cặp kính dày làm méo mó. Tóc ông ta gần bạc hết nhưng lông mày ông ta rậm và hãy còn đen. Cặp kính của ông ta, cử động hối hả nhẹ nhàng của ông, và sự ông ta mặc một chiếc áo đuôi tôm cũ bằng nhung đen, hơi làm cho ông có vẻ một nhà trí thức, như thể ông ta là một thứ nhà văn, hay có lẽ một nhạc sĩ. Giọng ông ta ít thô hơn phần lớn dân đen. "Thấy ông trên vỉa hè tôi nhận ngay ra ông," ông ta lập tức nói. "Ông là người đã mua quyển sổ tay thiếu nữ. Tập giấy ấy đẹp đấy. Xưa nó có tên là giấy hằn kem. Không còn giấy như vậy nữa — xem nào, dám chừng từ năm mươi năm nay." Ông ta dò hỏi Winston qua chỏm kính. "Liệu tôi giúp được ông điều gì đặc biệt không ? Hay ông chỉ muốn nhìn quanh ?"

"Tôi tạt qua thôi," Winston mập mờ nói. "Tôi mới nhòm trong tiệm. Tôi không cần gì đặc biệt."

"Thế cũng hay," ông ta nói. "Vì tôi không chắc làm vừa lòng ông được." Ông ta xua tay mềm mại lên xin lỗi. "Ông thấy đó; có thể nói là tiệm trống rỗng. Nói thật ông hay, nghề buôn đồ cổ sắp hết vận rồi. Không còn khách mà cũng không còn hàng. Bàn ghế, bát đĩa, cốc chén — các thứ đó đã bị bể gẫy dần dần. Và cố nhiên các hàng bằng kim khí đã bị đem đi đúc. Mấy năm nay tôi không thấy một cây nến đồng nào."

Bên trong cửa tiệm nhỏ bé thật ra chật ních đồ đạc, nhưng gần như không có gì mảy may đáng giá. Sàn nhà bị thu hẹp hẳn lại vì xung quanh tường được dựng vô số khung ảnh đầy bụi. Trong cửa kính có mấy mâm đựng đai ốc với đinh ốc, kéo cùn, dao nhíp mẻ lưỡi, đồng hồ xỉn không thể khoe nổi là chạy được, và nhiều đồ lặt vặt khác. Chỉ trên một cái bàn nhỏ tại góc tiệm, một đống hàng táp nham — hộp sơn mài đựng thuốc hít, ghim cài bằng mã não, vân vân — coi như có thể chứa được một món hàng đáng giá. Khi Winston lại gần bàn ấy, mắt anh bắt gặp một vật trơn tròn sáng dịu dưới ánh đèn, và anh cầm nó lên.

Đó là một khối thủy tinh nặng, một mặt cong, một mặt phẳng, na ná hình một bán cầu. Mầu cũng như chất thủy tinh gợi ý một sự dịu mềm đặc biệt như thể nước mưa. Ở giữa khối, được phóng đại bởi mặt cong, có một vật uốn lạ hồng làm liên tưởng đến một đóa hoa hồng hay hải quỳ.

"Cái này là gì vậy ?", Winston mê mẩn hỏi.

"Đó là san hô," ông già nói. " Chắc nó từ Ấn Đại Dương tới. Xưa họ hay lồng nó vào thủy tinh. Nó được chế tạo không dưới một trăm năm nay. Cổ hơn nữa theo dáng tích của nó."

"Quả một vật đẹp," Winston nói.

"Quả một vật đẹp," ông già tấm tắc. "Nhưng ngày nay không còn mấy người nói vậy." Ông ta ho. "Này, nếu ông muốn mua nó, tôi lấy ông bốn đôn. Tôi còn nhớ có thời một vật như thế giá lên tới tám bảng, và tám bảng là — mà tôi không tính ra nổi, nhưng là nhiều tiền lắm. Ngày nay, đâu có ai để ý đến đồ cổ xác thực, dù là vài thức còn lại ?"

Winston trả bốn đôn tức thì, và nhét vật thèm muốn vào túi. Điều lôi cuốn anh không mấy là nét đẹp mà là cái vẻ thuộc về một thế giới khác hẳn bây giờ của nó. Chất thủy tinh dịu như nước mưa không giống những thủy tinh mà anh đã từng thấy. Vật này có sức quyến rũ gấp bội vì sự vô ích hiển nhiên của nó, mặc dầu anh có thể đoán rằng có thời nó được dùng làm chặn giấy. Nó rất nặng trong túi anh nhưng cũng may nó không làm túi lồi lên nhiều: Đảng viên giữ một vật như vậy là một điều lạ lùng, nguy hiểm nữa. Bất cứ vật gì cũ, tức vật gì đẹp, đều luôn luôn có phần khả nghi. Ông già vui hẳn lên khi nhận đuợc bốn đôn. Winston hiểu rằng nếu anh trả ba hay hai đôn, ông ta cũng chịu.

"Có một căn phòng trên gác đáng được ông xem," ông ta nói. "Không có nhiều đồ. Chỉ vài thứ thôi. Ta sẽ lấy đèn soi nếu lên gác."

Ông ta đốt một cây đèn khác, và khom lưng chậm chạp dẫn đường trên mấy bực thang dốc đứng hư mòn, rồi theo một hành lang hẹp tới một căn phòng không nhìn ra phố mà nhìn xuống một sân lát sỏi và một rừng ống khói. Winston nhận thấy bàn ghế được sắp đặt như thể căn phòng vẫn được dành cho người ở. Có một mảnh thảm trên sàn, một hai tấm tranh trên tường và một chiếc ghế bành thiếu chải chuốt sát lò sưởi. Một đồng hồ lồng kính kiểu xưa với mười hai đốt mặt kêu tích tắc trên bàn lò sưởi. Dưới cửa sổ, chiếm gần một phần tư căn phòng, là một cái giường lớn còn trải nệm.

"Chúng tôi từng sống trong căn phòng này cho tới khi nhà tôi mất," ông già ra chừng biện giải. "Tôi tính bán bàn ghế dần dần. Này đây một chiếc giường tuyệt hảo bằng gỗ gụ, hay ít nhất sẽ tuyệt nếu trừ được hết rệp. Nhưng dám nói ông thấy nó hơi cồng kềnh."

Ông ta giơ đèn lên cao để chiếu sáng toàn căn phòng, và dưới ánh đèn mập mờ ấm áp nơi này có vẻ mời mọc lạ. Winston thoáng nghĩ anh có thể dễ dàng thuê căn phòng này với vài đôn một tuần, nếu anh dám liều. Đó là một ý tưởng rồ dại không thể có được, phải bỏ ngay khi nghĩ tới; nhưng căn phòng đã gợi trong anh một thứ nhớ nhung, một loại ký ức xa xưa. Anh cảm như biết rõ cái thú ngồi tại một căn phòng như thế này, trong một chiếc ghế bành cạnh một lò sưởi rực lửa, chân gác trên tấm chắn lò, có siêu nước đặt trên bàn lò; hoàn toàn đơn độc, hoàn toàn an lành, không ai dòm ngó, không tiếng ai đeo đuổi, không tiếng động nào ngoài tiếng reo của siêu nước và tiếng tích tắc của đồng hồ.

"Không có máy truyền hình," anh không khỏi lẩm bẩm.

"Vâng," ông già nói, "tôi không bao giờ có một thức như vậy. Quá đắt. Và tôi coi như không bao giờ cần đến nó. Này, ở góc kia là một cái bàn gấp. Nhưng dĩ nhiên phải thay bản lề nếu muốn dùng cánh gập."

Tại góc khác có một giá sách nhỏ, và Winston đã tiến ngay về phía nó. Nó chỉ đựng sách nhảm nhí. Sự săn bắt và phá hủy sách đã được thi hành một cách cặn kẽ tại khu dân đen chẳng kém gì các khu khác. Vị tất kiếm nổi khắp Đại Dương một quyển sách in trước 1960. Ông già, tay vẫn cầm đèn, đứng trước một bức tranh có khung bằng gỗ trắc treo bên kia lò sưởi, đối diện với giường.

"Này, thảng hoặc ông lưu ý đến tranh xưa —," ông ta bắt đầu ý nhị nói.

Winston băng qua phòng để ngắm bức tranh. Đó là một bản khắc trên thép, hình dung một tòa nhà hình bầu dục có nhiều cửa sổ vuông góc và một cái tháp nhỏ trước mặt. Có một hàng rào chạy quanh tòa nhà và ở mãi sau có một vật tựa như một bức tượng.

"Khung bị đóng vào tường," ông già bảo, "nhưng dám nói tôi có thể tháo nó ra cho ông."

"Tôi biết tòa nhà này," sau cùng Winston nói. "Nay nó đã đổ nát. Nó ở giữa con phố ngoài Tòa Án."

"Phải. Ngoài Tòa Sảnh. Nó bị bỏ bom — xem nào, nhiều năm về trước. Có thời nó là nhà thờ, có tên là nhà thờ Thánh Clement Danes." Ông ta cười ra chiều xin thứ như thể ông ta cảm thấy mình khá lố lăng, và tiếp: "Cam với chanh, chuông Thánh Clement reo !"


"Cái gì vậy ?" Winston hỏi.

"Ồ — "Cam với chanh, chuông Thánh Clement reo !" Đó là một bài ca chúng tôi hát khi còn nhỏ. Sau câu ấy là gì, tôi không nhớ, nhưng tôi biết nó kết cục bằng "Đây là một cây nến để đưa mày đi ngủ, đây là con dao phay để chặt cái đầu mày". Nó là một thứ bản nhảy. Trẻ con giương tay ra cho kẻ khác đi qua, và khi tới câu "Đây là con dao phay để chặt cái đầu mày," chúng hạ tay xuống và bẳt giữ người ta lại. Bài toàn là tên nhà thờ. Tất cả các nhà thờ Luân Đôn được nhắc tới trong đó, những nhà thờ chính, dĩ nhiên."

Winston mơ hồ tự hỏi không biết nhà thờ này thuộc thế kỷ nào. Bao giờ cũng khó xác định được tuổi của một dinh thự tại Luân Đôn. Bất cứ tòa nhà nào to lớn oai vệ, nếu tương đối mới, cũng tất nhiên được coi là được xây sau Cách Mạng, trong khi những nhà quá rõ ràng xưa hơn được liệt vào một thời mờ ảo, gọi là thời Trung Cổ. Mấy thế kỷ tư bản đuợc xem như không sản xuất được gì có giá trị. Không thể học được lịch sử qua kiến trúc cũng như qua sách. Tượng, văn khắc, bia kỷ niệm, tên phố — bất cứ gì có thể làm sáng tỏ quá khứ đều bị sửa đổi.

"Tôi không hề biết đó trước kia là một nhà thờ," anh nói.

"Còn nhiều nhà thờ như vậy tồn tại, thật thế," ông già nói, "mặc dầu những tòa nhà ấy được dùng vào việc khác. Này bài ca tiếp tục ra sao nhỉ ? A ! tôi nhớ ra rồi !

Cam với chanh, chuông Thánh Clement reo

Mày thiếu tao ba trinh, chuông Thánh Martin reo —

Đấy, tôi chỉ nhớ tới đó. Một trinh, ấy là một đồng tiền nhỏ, kiểu như một xu."

"Nhà thờ Thánh Martin ở đâu ?" Winston hỏi.

"Nhà thờ Thánh Martin ư ? Nó vẫn đứng vững. Nó ở trên Công Trường Chiến Thắng, dọc phòng triển lãm tranh. Một tòa nhà có một thứ cổng hình tam giác với một số cột đằng trước và một nhịp thang lớn."

Winston biết rõ nơi này. Đó là một viện bảo tàng dùng để triển lãm nhiều loại vật tuyên truyền — mẫu bom lửa và Pháo Đài Nổi thu nhỏ, cảnh nặn sáp minh họa sự dã man của quân địch, vân vân.

"Nhà ấy xưa thường được gọi là nhà thờ Thánh Martin Giữa Đồng," ông già bổ túc, "tuy tôi không nhớ có cánh đồng nào ở khu đó."

Winston không mua bức tranh. Nó là một vật sở hữu trái phép hơn khối chặn giấy, và không thể mang nó về nhà được trừ phi gỡ nó ra khỏi khung. Nhưng anh chần chừ thêm vài phút để nói chuyện với ông già được anh phát giác có tên không phải là Weeks — như ai cũng phỏng đoán theo chữ ghi trên bảng hiệu — mà là Charrington. Ông Charrington dường như là một người góa vợ, lên sáu mươi ba tuổi, và sống ở tiệm này đã được ba mươi năm. Suốt thời gian này ông ta tính sửa lại tên ghi trên cửa kính, nhưng chưa hề bắt tay thực hiện ý định đó. Trong lúc anh nói chuyện, bài ca nhớ nửa chừng lởn vởn trong đầu óc Winston. Cam với chanh, chuông Thánh Clement reo, mày thiếu tao ba trinh, chuông Thánh Martin reo ! Rõ lạ, khi anh lẩm nhẩm hát bài ấy, anh có cảm tưởng thực sự nghe thấy tiếng chuông, tiếng các chuông của một thành phố Luân Đôn đã mất nhưng vẫn tồn tại đâu đó, bị ngụy trang và đi vào quên lãng. Từ gác chuông ma này đến gác chuông ma khác, anh tưởng như nghe chúng ngân hồi. Song le, trong chừng mực mà anh nhớ, trong đời anh, anh chưa bao giờ nghe thấy tiếng chuông nhà thờ kêu.

Anh cáo từ ông Charrington và xuống cầu thang một mình, cốt để ông già không trông thấy anh trinh sát phố trước khi bước ra khỏi cửa. Anh quyết định sẽ trở lại thăm tiệm đồ sau một quãng thời gian hợp lý — cho là một tháng. Có lẽ làm vậy không nguy hiểm hơn sự tránh né một buổi họp chiều tại Trung Tâm. Trên hết, hành động thật điên rồ là trở lại đây sau chuyến mua quyển nhật ký, trong khi không biết người chủ tiệm có đáng tin cậy không. Tuy nhiên — !

Phải, anh lại nghĩ, anh sẽ trở lại. Anh sẽ mua thêm nhiều món hàng đẹp bị rẻ rúng. Anh sẽ mua bản khắc nhà thờ Thánh Clement Danes, gỡ nó ra khỏi khung và mang giấu nó về nhà dưới nửa trên bộ áo liền quần của anh. Anh sẽ lôi kéo khỏi ký ức ông Charrington phần còn lại của bài thơ. Ngay cả cái dự kiến điên khùng tính thuê căn phòng trên gác cũng thoáng trở lại óc anh. Trong khoảng năm giây sự hứng khởi làm anh mất thận trọng và anh không liếc qua cửa sổ trước khi bước ra hè. Anh còn bắt đầu ngâm nga theo một điệu ứng tác:

Cam với chanh, chuông thánh Clement reo,

Mày thiếu tao ba trinh, chuông —

Bỗng dưng tim anh cứng thành đá và ruột anh nhão ra nước. Một bóng người mặc áo liền quần xanh đang xuôi vỉa hè, cách anh không dưới mười thước. Đó là cô gái thuộc Cục Truyện, cô gái tóc đen. Ánh sáng yếu ớt nhưng nhận ra cô ta không khó. Cô ta nhìn thẳng vào mặt anh rồi rảo bước nhanh như thể cô ta không trông thấy anh.

Trong vài giây Winston bị quá tê liệt không đụng đậy được. Rồi anh rẽ qua tay phải và nặng nề quay gót, nhất thời không để ý rằng mình đang đi nhầm đường. Dù sao chăng nữa, nghi vấn đã được giải quyết. Không còn ngờ gì nữa, cô gái theo dõi anh. Cô ta chắc theo anh tới đây, vì không thể tin được rằng do tình cờ cô ta và anh tản bộ cùng một buổi chiều trên cùng một ngõ hẻm tối tăm, cách xa mọi khu cư ngụ của Đảng viên. Đó là một sự trùng hợp quá lớn. Cô ta thực là một viên chức thuộc Cảnh Sát Tư Tưởng hay chỉ là một điệp viên tài tử bị lòng sốt sắng thúc đẩy, điều đó không quan trọng mấy. Biết cô ta giám sát anh là đủ rồi. Có thể cô ta nhìn thấy anh vào pớp cũng nên.

Tiến bước là cả một sự cố gắng. Mỗi lần bước, khối thủy tinh trong túi anh đập vào đùi anh khiến anh nửa muốn lôi nó ra và quẳng nó đi. Tệ nhất là chứng đau bụng. Trong độ hai phút anh có cảm giác mình sẽ chết nếu không sớm vào chuồng xí. Nhưng không có buồng vệ sinh công cộng tại một khu nhà như thế này. Rồi cơn quặn đau biến mất, chỉ để lại một nỗi đau ngầm.

Con phố anh đang theo là một ngõ cụt. Winston dừng chân, đứng yên vài giây, mơ hồ tự hỏi phải làm gì đây, rồi quay gót trở lại, bắt đầu giẫm lên bước cũ. Đương lúc quẹo, anh chợt nghĩ cô gái qua mặt anh có ba phút trước, nếu anh chạy anh có thể đuổi kịp cô ta. Anh có thể theo sau cô ta cho tới khi đến một chỗ vắng, rồi lấy một hòn đá đập vào sọ cô ta. Miếng thủy tinh trong túi anh đủ nặng để làm việc đó. Nhưng anh bỏ ý nghĩ ấy ngay vì anh không chịu nổi ứng lực thể xác dù trong tưởng tượng. Anh không chạy được, anh không đập được. Vả lại, cô ta trẻ và khỏe mạnh, thế nào cũng sẽ tự vệ. Anh cũng nghĩ tới sự chạy vội về Trung Tâm và ngồi đó cho tới giờ đóng cửa để thác tạo bằng cớ cho buổi chiều nay. Nhưng điều này anh cũng không làm nổi. Một sự mệt mỏi cực độ xâm nhập anh. Anh chỉ muốn chóng về nhà ngồi yên.

Đã quá hai mươi hai giờ khi anh trở về phòng anh. Thông thường phải tắt đèn vào lúc hai mươi ba giờ rưỡi. Anh vào bếp nốc gần cạn một chén đầy rượu gin Chiến Thắng. Rồi anh lại cái bàn trong hốc, ngồi xuống, và lôi quyển nhật ký ra khỏi ngăn kéo. Nhưng anh không mở nó ra ngay. Từ máy truyền hình một giọng nữ đanh đanh rống lên một bài ca yêu nước. Anh ngồi ngắm tấm bìa vân đá, cố gạt tiếng hát khỏi tâm thức anh nhưng vô hiệu quả.

Đêm đến, chúng mới đi bắt người, chuyên môn khi đêm đến. Điều hợp lý nhất là tự sát trước khi bị chúng tóm. Chắc chắn nhiều người làm vậy. Nhiều sự mất tích thực ra do tự vẫn. Nhưng phải can đảm tuyệt vọng lắm mới tự sát được trong một thế giới không thể kiếm ra súng hay thuốc độc có hiệu nghiệm mau lẹ. Anh khá lấy làm lạ khi nghĩ tới sự vô ích cho sinh vật của nỗi đau đớn và sợ hãi, tới sự lừa đảo của thể xác luôn luôn băng trơ đúng lúc cần phải đặc biệt cố gắng. Anh đã bịt miệng được cô gái tóc đen nếu anh hành động nhanh kịp: nhưng chính sự nguy cấp đã làm anh mất khả năng hành động. Anh ngạc nhiên nhận thấy rằng trong lúc khủng hoảng, con người không bao giờ chiến đấu với ngoại địch mà luôn luôn chống lại chính mình. Ngay bây giờ, tuy đã uống rượu gin, chứng đau bụng ngầm khiến anh không thể suy nghĩ liên tục được. Và, theo nhận xét của anh, đó là sự thể trong mọi trường hợp anh hùng hay bi thảm. Trên chiến trường, trong phòng tra tấn, trên một con tàu đang chìm, những lý do đấu tranh luôn luôn bị quên, vì thể xác phồng lên ngập vũ trụ, và ngay khi mình không bị tê liệt vì sợ hãi hay không gào thét vì đau đớn, đời sống là một cuộc tranh đấu từng giây từng phút chống sự đói lạnh thiếu ngủ, chống một dạ dày gay gắt hay một cái răng nhức nhối.

Anh mở nhật ký ra. Quan trọng là viết vào đó. Người đàn bà trên máy truyền hình đã bắt đầu ca một bản khác. Giọng chị ta tuồng như bám vào óc anh như những mảnh kính nhọn. Anh cố nghĩ tới O' Brien là người vì ai hay cho ai anh viết nhật ký, nhưng thay vào đó anh nghĩ đến những điều sẽ xảy ra cho anh nếu Cảnh Sát Tư Tưởng bắt anh đi. Nếu chúng giết anh ngay, không sao cả. Bị giết là điều anh chờ đợi. Nhưng trước khi chết (không ai nói về những chuyện này, nhưng ai cũng biết hết) có trò thú tội phải trải qua: sự bò lê trên sàn nhà gào hét xin tha, tiếng xương kêu răng rắc, hàm răng bị đập nát, và cụm tóc đẫm máu. Tại sao phải chịu đựng những cực hình đó khi kết cuộc bao giờ cũng như nhau ? Tại sao không thể cắt khỏi cuộc đời vài ngày hay vài tuần ? Chưa có ai thoát được sự giám sát và chưa có ai không chịu thú tội. Một khi phạm phải tội tư tưởng, một ngày nhất định nào đó chắc chắn bạn phải chết. Vậy vì sao cái sự rùng rợn không thay đổi được gì đó, vẫn nằm gọn trong tương lai ?

Anh thành công hơn trước khi muốn gợi lại hình ảnh của O' Brien. "Chúng ta sẽ gặp nhau tại một nơi không có bóng tối", O' Brien đã nói thế với anh. Anh biết nghĩa câu ấy, hay cho là mình biết. Nơi không có bóng tối là cái tương lai tưởng tượng, không bao giờ thấy được, nhưng có thể tham gia một cách thần bí nhờ óc tiên đoán. Nhưng với giọng nói từ máy truyền hình lảm nhảm bên tai, anh không thể theo đuổi dòng tư tưởng của anh. Anh đút thuốc lá vào mồm. Nửa số thuốc rơi ngay xuống lưỡi anh, một thứ bụi đắng khó nhổ ra được. Gương mặt Bác phảng phất trong óc anh, đẩy lui hình ảnh của O' Brien. Như anh đã làm vài ngày trước, anh rút một xu ra khỏi túi và nhìn vào nó. Gương mặt nhìn lại anh, trì độn, bình thản, che chở: mà nụ cười được che đậy dưới cặp râu đen thuộc loại nào ? Như một hồi chuông báo tử, mấy khẩu hiệu tái hiện trước mắt anh:

CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH

TỰ DO LÀ NÔ LỆ

DỐT NÁT LÀ SỨC MẠNH


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui