Hôm sau Diệp được Nhi lai đi học, chân đã đỡ đau hơn nhưng dáng đi vẫn hơi giống người tật nguyền.
Thường thì các trường học được quây bởi bốn bức tường lớn tạo thành hình chữ nhật, nhưng trường Ngô Quyền cũng như một số trường học khác ở thành phố Hạ Long có vị trí rất khác người. Tất cả là do thành phố Hạ Long là một thành phố ven biển xung quanh có rất nhiều đồi núi nhấp nhô nên địa hình chỗ cao chỗ thấp. Ngô Quyền thì nằm ở phần đất cao hơn đường lớn, một mặt tựa núi, hai mặt bên cạnh nhìn xuống được nhà dân xung quanh, mặt còn lại chính là cổng vào. Nhưng để tiến vào cổng từ đường lớn còn phải đi qua một cây cầu cạn dài chừng bảy mét, sau đó đi lên một cái dốc thoai thoải khoảng mười mét nữa mới tiến được vào sân trường. Nhà gửi xe thì ở giữa con dốc ấy.
Bình thường Diệp lên cái dốc này chẳng hề hấn gì, nhưng hôm nay chân đau thì lên dốc như đi đánh trận.
Nhi tốt bụng đỡ tay Diệp: "Trông mày tao thấy thương quá."
"Vâng. Nhưng hôm qua mày về trước tao."
"Tao quên thật mà..."
Bình thường Nhi cũng không hay đợi Diệp về chung bởi nhà hai đứa khá gần, từ trường về chỉ đi cùng nhau một đoạn ngắn đã phải tách lối đi riêng rồi. Thêm nữa là do cái nhà xe lúc nào cũng phải chen chúc mỗi giờ tan học. Nhi lười đợi chờ nên quyết định tốn thêm 2000 đồng mỗi sáng để gửi xe bên ngoài lấy cho tiện, còn Diệp ngại chen lấn nên hay đợi thưa người mới vào lấy xe. Nếu chỉ được đi cùng nhau một đoạn thì đúng là không bõ công chờ.
Vừa rồi Nhi cũng được nghe kể sơ qua chuyện Đăng lai Diệp về nên hỏi chuyện tiếp.
"Nhà Đăng ở phía ngược lại mà nhỉ?"
"Ờ."
"Đăng nhiệt tình quá ha."
"Ờ."
"Nếu thế thì cái vụ Đăng lai Thu A1 cũng đáng suy nghĩ đấy nhỉ? Chỉ đèo nhau đâu có nghĩa là người yêu đúng không?" Nhi nói vu vơ.
Diệp dừng lại.
Đúng nhỉ?
Nhi thúc giục: "Sao tự nhiên mày lại dừng? Đi tiếp đi muộn học đến nơi rồi."
Ừ, sao nó lại dừng nhỉ?
Diệp khập khiễng bước tiếp.
Hôm nay nó đau chân nên có lý do chính đáng để đi dép tông đi học.
Tới bàn mình nó thấy Phong đang ngồi ngoài, hai bên tai đều đang cắm dây nghe nhạc.
Phong thấy Diệp đến thì đứng dậy nhường chỗ. Vì bàn Diệp ở tổ bốn, bàn kê sát tường nên mỗi lần Diệp đi vào Phong đều phải đứng dậy nhường lối đi. Đáng lẽ Phong sẽ cảm thấy việc này phiền phức nhưng suốt một tuần qua Diệp ngồi im trong góc như người chết chẳng thèm di chuyển nên cũng không khiến Phong ý kiến về chuyện này.
Diệp thấy Phong nhường đường nhưng cũng không ngồi xuống ngay: "Tao đau chân, ngồi ngoài cho dễ đi lại."
Phong cau mày: "Mày ngồi trong hợp lý hơn chứ? Ngồi yên trong góc đỡ phải đi lại. Tao mà ngồi trong thì mày cứ phải đứng dậy nhường đường suốt."
Diệp cứng họng.
Hôm nay nó lại muốn ngồi ngoài rồi, nhưng không nói lý được với Phong.
Rõ ràng ban đầu thằng Phong còn cảm thấy không thích ngồi ngoài, sau này cậu ta thấy kẻ ngồi ngoài được quyền tự do đi lại mà không phải nhờ người khác nhường lối nên chẳng muốn chuyển lại vào trong nữa.
Nhớ ngày trước thỉnh thoảng Diệp bực bội vì Phong ra vào quá nhiều, nó lười phải đứng dậy nhường chỗ nên đã ngang ngược: "Tao không đứng dậy đấy? Mày thích vào trong kiểu gì thì vào."
Sau đó Phong nhấc cặp chân dài lên trèo qua người Diệp.
Tự tạo nghiệt thì không thể sống. Diệp đọc ở đâu đó nói như vậy.
Tóm lại là Diệp vẫn phải vào trong ngồi.
Cả ngày hôm đó Diệp bị đau chân nhưng cứ chốc chốc lại bắt Phong đứng dậy nhường chỗ cho nó ra xong lại nhường chỗ cho nó vào. Ra chơi được có mười phút mà Diệp ra vào tận bốn năm lần. Tới lần ra chơi sau tiết thứ ba, Phong quyết định nhốt Diệp trong góc không cho ra nữa.
Diệp gào lên: "Nhường đường tao đi vệ sinh!!"
"Éo."
"Tránh raaaaaa!"
"Hong bé ơi."
Phong Diệp tranh chấp liên tục nhưng đám xung quanh nhìn hai đứa học sinh cãi nhau vì mấy chuyện cỏn con trong lớp chỉ khiến người ta liên tưởng đến mấy cặp gà bông oan gia hay đấu khẩu nhau, chẳng ai thèm can thiệp.
Lúc này Đăng lên tiếng: "Chúng mày ồn quá đấy. Về chỗ cũ đi."
Diệp lườm Phong, vẻ mặt đắc thắng.
Phong phì cười xoa đầu Diệp: "Dậy, đổi chỗ. Đi vệ sinh mau đi Diệp."
Đúng như mọi người đoán. Sự đấu khẩu của Phong và Diệp chỉ là chút trêu tức nhau giữa đôi bên thôi, không phải là tranh chấp xung đột thật sự.
Trái lại cái câu can thiệp của Đăng mới giống như làm chuyện bé xé ra to.
Diệp ngẫm lại, dường như Đăng luôn xuất hiện vào những thời khắc Diệp loay hoay một mình.
Phòng Y tế.
Đứng đợi trời tạnh mưa.
Lúc nó phải trực nhật một mình.
Có lẽ còn nhiều hơn, đều là những việc nhỏ nhặt chẳng đáng bao nhiêu công sức nhưng rải rác khắp quãng thời gian học cấp ba của nó.
Điều này giải thích thế nào?
Đăng là thằng biến thái cuồng theo dõi? Vậy thì gớm chết. Nhưng không giống lắm. Hoàn toàn không giống.
Diệp thắc mắc nhưng không biết làm sao để tìm ra sự thật. Giả dụ nó hỏi thẳng Đăng mà bị Đăng sỉ nhục cho đôi câu thì quê dữ lắm.
Hết cách nó lại tìm đến chị Google: Làm sao để biết đối phương có thích bạn hay không?
"6 DẤU HIỆU CHỨNG TỎ BẠN ĐANG ĐƯỢC "CRUSH" ĐỂ MẮT ĐẾN
1 Ánh mắt biết nói
2 Chủ động liên lạc
3 Thích trêu chọc bạn
4 Tạo tình huống để ở bên cạnh bạn
5 Thích tâm sự với bạn
6 Những cái chạm bất ngờ"
Số một, loại, số hai, loại, số ba, loại, số bốn, loại, số năm, loại, số sáu, loại nốt.
A đu, Đăng không có dấu hiệu nào trong số sáu cái này. Cái số bốn thì thi thoảng hay ở riêng nhưng cũng chẳng phải do Đăng tạo tình huống. Diệp thất vọng vô cùng, nhưng linh cảm cho nó thấy rằng Đăng có chút gì đó... có một sơ hở gì đó mà Diệp vô tình nhận ra được.
Nhất định là Đăng có gì đó.
Nhưng để cho đỡ quê, nó nhất định khiến Đăng phải tự thốt ra sự thật.
Chứ nó mà cứ khăng khăng rằng lớp trưởng đẹp trai tài giỏi Hoàng Nhật Đăng để ý một đứa bình thường như nó thì lạ lắm. Đó là lý do ngày trước viết thư trêu Đăng nó cũng chỉ dám giả làm gái A1, đâu dám dùng "chân thân".
Diệp chính thức khép lại dự án "Thư Tình", mở sổ ghi dự án mới: "Thử Lòng".
Tan học hôm sau, Diệp xuống thu dọn sách vở bằng tốc độ rùa bò. Các bạn đạp xe ra khỏi cổng trường rồi mà Diệp vẫn đang bước xuống cầu thang từng bước từng bước một. Lúc tới nhà gửi xe, quả nhiên nó thấy Đăng chần chừ chưa về.
Diệp run rẩy vì phép thử của nó có manh mối ngay từ lần đầu tiên.
"Mày chưa về à Đăng?"
Chân Diệp hết đau rồi, nhưng nó làm động tác lết lết trên đất như là gãy chân đến nơi để tiến về phía Đăng.
Đám học sinh không quen biết Diệp thấy thế cũng phải ngoái lại nhìn Diệp đầy thương cảm.
Đăng hơi nhíu mày: "Tao tưởng chân mày đỡ rồi. Sao trông nó lại như thế này?"
"Ừ, tự nhiên đau quá. Không biết về kiểu gì đây." Diệp tủi thân nói.
Rơi vào bẫy đi! Rơi vào bẫy đi!
Đăng nói: "Để tao lai mày về."
Tim nó đập thình thịch.
Diệp vì đạt được mục tiêu mà quá mức căng thẳng, lắp bắp nói: "Vậy cảm ơn mày nhé. Mày tốt bụng quá."
"Chứ chẳng lẽ tao vứt mày lại đây?"
Câu nói hợp tình hợp lý của Đăng suýt thì "bắt lú" được Diệp. Nếu là Diệp của ngày trước chắc chắn sẽ chẳng bận tâm mà mang Đăng ra chửi cậu ta là cái đồ độc miệng.
Nhưng bây giờ nó hiểu rõ, vấn đề không nằm ở chỗ "Đăng tốt bụng lai nó về". Vấn đề nằm ở chỗ "Đăng xuất hiện ở nơi nó cần được lai về".
Vừa thấy Đăng dắt xe ra đến nơi, Diệp nói thêm: "Tao không mang áo chống nắng."
Đăng lại vứt cho nó cái mũ.
Toàn bộ quá trình Đăng chẳng nói gì, cũng quay mặt đi quá nhanh nên Diệp không biết biểu cảm của Đăng lúc này.
Có phải là gương mặt tràn đầy ghét bỏ hay không?
Xe lại lao xuống dốc, nhìn cái eo khoẻ khoắn của Đăng nó xoay vòng trong suy nghĩ xem có nên ôm một cái thử cảm giác không.
Không được, như vậy thì nhanh quá, nó không nên đốt cháy giai đoạn.
...
Sau đó Diệp ôm chầm lấy eo Đăng, cảm nhận rõ ràng Đăng giật mình một cái rõ mạnh, tay cầm lái của Đăng cũng theo đó mà loạng choạng.
"Cái... mày... gì đấy?"
"Mày phi dốc nhanh quá, tao ngồi không vững." Diệp đổ lỗi.
"..........."
Xe tới đoạn đường bằng phẳng được một lúc rồi mà Diệp vẫn không buông tay. Đăng cũng chẳng nhắc nhở gì.
Sau đó Diệp thấy trên đường vẫn có học sinh đang đạp xe về, nó thấy hơi ngại, sợ bị thấy nên cũng đành buông ra.
Lần trước Đăng lai nó về cả hai đều im lặng không nói gì, lúc này thì Diệp chủ động bắt chuyện: "Mày tốt bụng nhỉ."
Đăng đang thầm phân tích xem câu này của Diệp có ý gì thì thấy nó nói tiếp: "Bạn gái mày thấy mày lai đứa khác về có ghen không?"
"Bạn gái nào?" Đăng hỏi lại ngay.
"Trịnh Hoài Thu A1 ấy. Ai cũng bảo là chúng mày đang quen nhau."
"... Không phải." Đăng phủ nhận.
Lòng Diệp như nở hoa, u ám tích tụ mấy ngày bất giác tan biến.
Ánh nắng tháng 11 dù đang giữa trưa nhưng không quá gay gắt, Diệp nhìn khung cảnh quá đỗi quen thuộc trên đường đột nhiên cảm thấy trước mắt đều là cảnh đẹp ý vui.
Lúc Đăng đưa nó tới trước cổng nhà, nó vẫn còn vui vẻ tới mức quên phải đóng vai tàn tật, cứ thế chạy thẳng vào trong.
Về đến nhà Diệp lập tức nhận được tin nhắn tra khảo của Nhi.
[Sao tao lại thấy Đăng lai mày về?]
Diệp hoảng hốt nhắn lại: [Mày thấy à?]
Nhi: [Hai đứa mày lén quen nhau lúc nào đấy?]
Diệp: [Tao đi nhờ xe về thôi.]
Nhi: [Rõ ràng tao thấy thằng Đăng vừa lai mày vừa cười cười. Làm gì có thằng nào phải đèo thêm cục nợ đi ngược đường về lại còn bị cướp mất mũ che nắng mà vẫn còn cười được?]
Đăng cười sao?
Diệp lại cảm thấy tim đập nhanh. Nó cảm thấy chiến hữu là rất cần thiết nên bắt đầu thành thật với Nhi.
Nhi nắm bắt được câu chuyện, sáng hôm sau vừa tới tiết của cô chủ nhiệm Nhi đã mạnh dạn đứng dậy nói: "Em thưa cô dạo này mắt em kém quá, cô đổi chỗ cho em với ạ."
Cô Vân à một tiếng rồi nhìn quanh lớp, còn chưa đưa ra ý kiến thì Nhi đã tự đề xuất: "Em đổi chỗ với bạn Đăng được không ạ? Em thấy bạn Đăng cũng cao quá, che hết tầm nhìn của em rồi."
Đăng ngồi bàn thứ ba tổ ba.
Nhi ngồi bàn thứ năm tổ ba, bên tay phải của Nhi chính là Diệp.
Cô Vân thấy hợp lý liền phê duyệt.
Đăng thản nhiên thu xếp sách vở chuyển xuống bàn dưới, ngồi xuống, cho balo vào ngăn bàn.
Linh bàn bốn, ban đầu ngồi ngay sau lưng Đăng, lúc nào cũng lấy tấm lưng to lớn của Đăng để che chắn đôi tay đang làm việc riêng. Giờ Đăng chuyển xuống dưới, nhìn phía trước là đôi vai gầy của Nhi khiến Linh buồn không tả nổi.
Đăng chẳng buồn quay sang nhìn Diệp, nhưng Diệp nhìn Đăng không che giấu.
Có vẻ như chiến lược này tiến triển thuận lợi hơn chiến lược "Thư Tình" nhiều lắm.
_____
[Bonus - Ngoại truyện 6: Học thêm]
Giờ cơm bố mẹ Diệp vô tình hỏi: "Năm nay Diệp lớp 12 nhỉ? Sắp thi đại học rồi. Để bố mẹ hỏi xem chỗ nào ôn thi uy tín thì đăng ký cho mà học."
Diệp hớn hở nói: "Bố mẹ yên tâm, con sắp có chỗ ôn thi đại học miễn phí rồi!"
Bố Diệp từ tốn giảng giải: "Con gái ơi, đừng để mấy cái tin vớ vẩn trên mạng nó lừa nhé. Trên đời này không có gì miễn phí cả. Các cụ đã nói, có làm thì mới có ăn, không làm mà đòi có ăn thì chỉ có ăn cuwts thôi."
Diệp tự tin vỗ ngực: "Bố yên tâm, miễn phí mà, con không mất gì cả!"
Về sau Diệp mới biết các cụ nói đúng.
Quả thực có người chịu ôn thi cho nó không lấy tiền, nhưng lại lấy thứ khác...
Không có gì là miễn phí cả.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...