Thanh Bình Nhạc


Giả thiết đã thành lập, vậy đồ vật trong tay bức tượng gỗ này đi đâu rồi?
Muốn biết đáp án này thì giống như há miệng chờ sung rụng vậy, Tri Tân nghĩ tới nghĩ lui vẫn chẳng có đầu mối gì, trong đầu toàn là những câu hỏi.
“Tiểu sư phụ?” Chủ sạp chờ y trả tiền mà thấy y cứ cụp mắt im re hồi lâu, chỉ lo y đổi ý giữa chừng, liền vội thúc giục, “Ngài muốn lấy cả cái này hả? Nếu ngài mua thì ta tính rẻ cho, mua hai món tổng là năm văn tiền.”
Dù sao cũng là tiền của Lý Ý Lan, con rối gỗ này dường như cũng có duyên với vụ án, Tri Tân không chần chừ nữa mà liền trả tiền rồi mang nó đi.
Mang đi thì dễ, nhưng lại dẫn đến một vấn đề cấp bách khác.

Nếu giờ đã có hướng suy nghĩ rồi, vậy liệu có nên nhân lúc chưa đi xa mà quay lại báo cho Lý Ý Lan một tiếng không?
Trong giây lát, mạch suy nghĩ của Tri Tân quanh quanh quẩn quẩn mấy hồi, cuối cùng vẫn gạt bỏ ý định bất chợt này đi.
Đây chẳng qua chỉ là một suy đoán tình cờ, y có thể đưa con rối cho phu xe, nhờ người ta mang về cho Lý Ý Lan, như vậy mới là một công đôi việc, y sẽ không đi lệch khỏi mục đích ban đầu, Lý Ý Lan cũng có thể nhận được lời nhắc nhở.
Chỉ là hội ngộ thì khó, chia lìa thì dễ.

Tri Tân vén áo cà sa leo lên xe ngựa, lòng vừa bất đắc dĩ vừa buồn phiền, nhủ thầm rằng: Có lẽ từ nay mình sẽ khó tránh khỏi việc thường xuyên đau đáu lo lắng cho tính mạng của người kia rồi.
Bên kia, Lý Ý Lan mà y mong nhớ đang ho khù khụ, cảm thấy Bạch Nhất đến rất đúng lúc.
So với bên phía đầu bếp giả không biết còn có bao nhiêu nhân mã đang ẩn mình, trong nha môn, cao thủ có thể một mình chống đỡ một phương quả thực không đủ.
Lữ Xuyên và tẩu tử tính là hai người.

Ký Thanh thoát thân không thành vấn đề, song bản lĩnh ngăn chặn kẻ địch còn kém.

Ngô Kim và Trương Triều đều xuất thân từ bộ Binh, phối hợp tác chiến giữa thiên quân vạn mã thì còn được, chứ thả ra ngoài một mình đối mặt với bọn liều mạng thì Lý Ý Lan không yên lòng.

Binh lính trong phủ du kích cũng vậy, hơn nữa gióng trống khua chiêng sẽ dễ thu hút sự chú ý, điều binh cũng không quá thích hợp.

Thu Bình và đạo trưởng thì thôi khỏi cần nhắc tới đi, cuối cùng còn lại chính hắn với trạng thái không ổn định, cùng lắm chỉ có thể tính là một nửa.

Như vậy bốn hướng Đông Tây Nam Bắc đều không bọc nổi, chứ nói gì đến bắt người.
Tuy nhiên nếu có cao thủ của Khoái Tai môn tọa trấn thì lại khác.


Theo như Lữ Xuyên mô tả thì người này dư sức lấy một địch lại cả mấy người.
Lý Ý Lan thả lỏng, bắt đầu tập hợp mọi người nghiên cứu và thảo luận kế sách bọc đánh.
Vương Cẩm Quan còn có nhiệm vụ nên chỉ nói nhỏ với Lý Ý Lan mấy câu rồi bèn ra ngoài thay phiên tiểu nha dịch trực đêm, đi giám sát Đỗ Thị Nhàn.
Đỗ Thị Nhàn lúc này vẫn đang say giấc nồng, hắn vốn tính nhàn vân dã hạc, thời gian làm việc và nghỉ ngơi rất hỗn loạn, nếu không phải do thời gian này Nhiêu Lâm phong thành thì hắn đã sớm chạy biến đi đẩu đâu rồi.
Bây giờ bởi vì không đi được đâu, tài chính cũng eo hẹp, hắn đành tạm thời trú lại nhà dân, làm việc này việc kia kiếm kế sinh nhai.
Kỳ thực dáng điệu của hắn phù hợp làm tiên sinh viết chữ nhất, nhưng với cái nét chữ gà bới của hắn, cho dù chính hắn không biết xấu hổ thì cũng chẳng ai thèm mua.

Ngày thường Đỗ Thị Nhàn hay dựa vào cái miệng dẻo quẹo để la cà khắp các quán rượu, tiệm thuốc, xưởng nghề, tiền công lấy ít hơn người khác nhiều, có lúc còn chẳng lấy tiền mà chỉ cần ông chủ cho một bữa cơm là xong.
Như vậy tiện cho hắn đặt yêu cầu, mỗi ngày hắn chỉ đi làm vào buổi chiều, buổi sáng phải ngủ nướng, buổi tối phải đọc sách, nếu không muốn làm nữa thì hắn lại vỗ trán, sang hôm sau có thể thay luôn một ông chủ mới.
Lúc Vương Cẩm Quan đến giám sát, Đỗ Thị Nhàn mới chuyển sang công việc đổ khuôn kẹo cho một xưởng làm kẹo được vài ngày.
Vì ngày nào cũng phải lặp đi lặp lại việc đổ nước đường vào trong khuôn kẹo, hắn mệt mỏi đến độ eo mỏi lưng đau, hai tay run rẩy, không còn sức để mà lau mặt rửa chân.

Đỗ Thị Nhàn cảm thấy không thể tiếp tục thế này mãi nên mới hướng chủ ý sang giải thưởng, nghĩ bụng nếu có thể lấy được năm trăm lạng thì sẽ ôm bạc ngủ nướng trên giường liền tù tì ba ngày.
Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy, bạc và hộp gỗ dù sao cũng không phải mỹ nhân thơm tho, cho nên đêm qua trước khi ngủ hắn đã ném hai thứ này xuống gầm giường rồi.
Hiện tại không phải lo chuyện cơm áo, ngày nào Đỗ Thị Nhàn cũng ngủ hết nửa ngày, bao giờ đói bụng mới chịu thức dậy, thộn mặt đẩy cửa đi ra múc nước rửa mặt.
Vương Cẩm Quan núp trên mái hiên, thấy hắn rửa mặt xong thần thái sáng láng, đi thẳng tới quán rượu ngon nhất trong thành, hào phóng kêu một bàn thịt cá mà một người ăn không hết, sau đó đánh chén ngon lành suốt một canh giờ.
Vương Cẩm Quan ngồi cách bàn, đưa lưng về phía hắn.

Giữa những âm thanh huyên náo, thi thoảng nàng nghe thấy hắn tự cụng ly với chính mình và ngâm nga “Cửu ca” bằng giọng điệu rất đỗi nhàn nhã.
Bi thương không gì hơn sống mà ly biệt, vui sướng không gì hơn gặp tri kỷ mới.
(Câu hát thuộc “Cửu Ca – Thiếu Tư Mệnh” do Khuất Nguyên sáng tác.)
Trong giây phút ấy, Vương Cẩm Quan bỗng cảm nhận được sự khác biệt giữa người với người, cùng là hai con mắt một cái miệng, nhưng lúc ăn cơm nàng chưa bao giờ được nhàn nhã thoải mái như thế, chỉ muốn mau mau lấp đầy bụng để đi làm việc, đến khi hồi tưởng lại mới thấy dường như mình chẳng hề làm gì cả.
Chỉ là gả cho một người, sau đó nhanh chóng mất đi người ấy, lại trở về guồng quay bận rộn và mờ mịt trước khi lấy chồng, cứ như cả cuộc đời này từ đầu chí cuối chưa từng thay đổi.
Ấy thế nhưng Vương Cẩm Quan không có cơ hội làm lại, cho dù có thì hẳn kết quả vẫn sẽ như vậy.

Mỗi người đến với cuộc đời đều mang theo một sứ mệnh không thể thoát khỏi, nàng chính là nàng, mãi mãi không thể sống vui sướng giống như người thanh niên này.

Cảm giác bi thương ấy ập tới bất ngờ rồi cũng qua đi rất nhanh, nó bị quấy nhiễu bởi tiếng tiểu nhị cất cao giọng báo món ăn trong đại sảnh, thoáng cái đã hoá thành giọt nước biến mất dưới ánh mặt trời chói chang.
Vương Cẩm Quan chớp mắt, lặng yên quay đầu lại nhìn, thấy Đỗ Thị Nhàn ăn mãi không hết liền đặt bình rượu gạo xuống, đổi sang uống nước trà.
Đợi đến khi Đỗ Thị Nhàn ăn uống no say thì đã là giờ Mùi khắc ba.
Thức ăn trên bàn còn hơn phân nửa, tướng ăn của hắn cũng chẳng khá khẩm gì, đĩa nào cũng bị bới lung tung hết cả lên, ỷ mình đang rủng rỉnh nên hắn cũng không thèm gói mang về nhà hâm nóng ăn sau.

Đỗ Thị Nhàn nửa tỉnh nửa say ngồi một chốc, sau đó mơ mơ hồ hồ đưa ra quyết định về đống đồ ăn thừa và hướng đi của mình chiều nay.
Hắn định sẽ gói chỗ thức ăn này lại rồi đưa cho người ăn mày ở đầu đường.
Về phần chính hắn, Đỗ Thị Nhàn quyết định sẽ đến xưởng kẹo làm nửa ngày, vui chơi tán gẫu, đỡ phải dính cảnh vừa về nhà đã gục luôn, ban ngày ngủ hết giấc ban đêm, đến đêm chẳng có gì làm lại nghĩ vẩn nghĩ vơ.
Quyết định xong, hắn bèn trả tiền, sau đó cầm theo bọc giấy dầu mà tiểu nhị gói cho mình, nhẹ nhàng rảo bước lên đường.
Vương Cẩm Quan trà trộn trong đám đông, bám sát hắn từ khoảng cách không gần không xa.

Nàng thấy kẻ này đi tới dưới chân tường thành nơi nhóm ăn mày tụ tập, đặt đồ trong tay xuống rồi đi bước cao bước thấp quay trở lại xưởng làm kẹo mà hắn mới ghé chiều hôm qua.
Tối qua Vương Cẩm Quan đã điều tra cặn kẽ về xưởng kẹo này rồi.

Xưởng này kinh doanh đã mười mấy năm, ông chủ vẫn không đổi, công nhân thuê vẫn luôn là mấy người cũ, biến động duy nhất trong gần hai hai tháng qua chính là Đỗ Thị Nhàn – tên công nhân làm thêm với cái giá rẻ bèo.
Lá cờ trên cửa viết “Xưởng kẹo”, nhưng thực ra đây chỉ là một căn viện một cửa hơi xa và rộng, ban ngày mở cửa sẽ trông thấy người bên trong đang đảo và quấy đường, lúc đứng ở xuôi chiều gió còn ngửi được mùi ngọt nồng đậm.
Vương Cẩm Quan nép mình trong lỗ châu mai ngoài tường viện, dỏng tai lắng nghe nhất cử nhất động bên trong.
Đỗ Thị Nhàn ham chơi nhác làm như vậy mà chẳng ai chỉ trích, người trong viện đều rất niềm nở chào hỏi hắn, hắn mới vừa vào cửa chưa bao lâu, trong nhà đã có một người hớn hở chạy ra.
Người kia chẳng nói chẳng rằng, kéo hắn tới trước một loạt giá gỗ, tiếp đó vốc vài hạt châu bán không nổi ra cho hắn xem.
“Đỗ lão đệ, sao giờ ngươi mới đến, ta chờ ngươi lâu lắm rồi đấy.

Ngươi mau xem kẹo ta mới làm này, ha ha ha không phải lão ca ca đây khoác lác chứ, nếu tết Nguyên Tiêu mà món này không bán đắt hàng thì cái danh hiệu Tô Hoà Di của ta đây xin viết ngược!”
(Nhà thơ Tô Thức thời Bắc Tống từng viết trong bài thơ “Tết Trung Thu” là: Tiểu bính như tước nguyệt, trung hữu tô hoà di (Bánh trông như mặt trăng, bên trong có đường mạch nha và bơ).

Đây là câu thơ thường được dùng để giới thiệu về bánh Trung Thu.)
Vừa rồi Đỗ Thị Nhàn suýt chút nữa bị ông ta nhấc bổng cả lên, giờ hai chân chạm đất rồi mới âm thầm thở phào nhẹ nhõm.


Hắn cười cười ngước mắt, cầm một hạt châu trong cái xẻng trước mặt lên quan sát.
Chưa nhìn thì thôi, vừa nhìn liền phải cất lời thán phục.
Vật hắn cầm trong tay hoàn toàn chẳng phải hạt châu bằng băng, mà là một viên kẹo trơn nhẵn lấp lánh, bên trong ẩn chứa điều diệu kỳ.
Sự diệu kỳ của nó nằm ở chỗ kẹo chỉ có một lớp mỏng manh, phần trong của lớp đường bị móc rỗng, nhét vào vài cánh hoa đỏ vàng ép bằng đường cát, lắc lên còn vang tiếng leng keng, vừa ngon mắt vừa ngon miệng, quả là ngộ nghĩnh.
Đỗ Thị Nhàn nắm viên kẹo trên đầu ngón tay, đôi mắt nheo lại, nhìn đến ngẩn ngơ, dường như đã là bị công nghệ tinh xảo này mê hoặc.
Ông chủ vui tít cả mắt, đang chờ hắn khen ngợi.

Chờ mãi chẳng thấy hắn có phản ứng gì, ông ta liền bất mãn huých nhẹ một cái, chỉa chỉa cái cằm hai ngấn về phía viên kẹo: “Chậc, có tốt hay không, cho một lời bình phẩm đi.”
Đỗ Thị Nhàn hoàn hồn, bỏ viên kẹo kia vào trong miệng, nói ú ớ: “Đâu chỉ là tốt, cho dù có nói tuyệt vời cũng chẳng ngoa ấy chứ.

Ta có dự cảm, lão ca chẳng mấy mà tài lộc đầy nhà thôi.”
“Đâu đến mức ấy.” Ông chủ khiêm tốn gãi đầu, tỏ vẻ mặt ngượng ngùng, “Đúng rồi lão đệ, ta, ta muốn nhờ ngươi đặt cho nó một cái tên.

Ta mà tự đặt thì toàn là kiểu kẹo sư tử, kẹo hoa hoa gì đó, tục tằng thô thiển chết đi được.

Ngươi có học vấn, ngươi nghĩ giúp ta đi.”
Nói lời hay ý đẹp vốn là sở trường của Đỗ Thị Nhàn, đối với hắn đây chỉ là việc nhỏ như con thỏ, vả lại hắn cũng chẳng phải kẻ hẹp hòi.

Hắn bảo “Để ta thử xem”, tiếp đó lắc lắc viên kẹo kia mấy lần, chỉ lát sau đã có ý tưởng, kiến nghị ông chủ gọi nó là “Lạc ngọc bàn”.
Đỗ Thị Nhàn rất có phong độ học giả, giải thích rằng: “Lý do cũng đơn giản thôi, viên kẹo này của ngươi là viên lớn bọc lấy viên nhỏ, khi lắc phát ra tiếng như ngọc bích, vừa khéo khớp với câu thơ “Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn” trong Tỳ Bà Hành.” (Câu thơ nghĩa là hạt châu to nhỏ rơi trên mâm ngọc)
“Ngoài ra ngọc tượng trưng cho phú quý, tương thông với “Dư”, mà “Dư” còn có một ý nghĩa khác là “Ta”, vậy nên loại kẹo này lấy tên là Lạc Ngọc Bàn thì tiền tài sẽ tiến vào trong túi chủ nhân, ta thấy cái tên này vừa hay vừa mang lại may mắn, lão ca nghĩ sao?” (Chữ “Dư – 余” vừa có nghĩa là dư dả, vừa có nghĩa là ta/tôi)
Học thức của ông chủ chỉ giới hạn trong mớ giấy tờ sổ sách đơn giản, đâu đỡ nổi nội hàm phong phú sâu sắc của hắn.

Ông ta nghe xong thì mở cờ trong bụng, hận không thể bắt Đỗ Thị Nhàn đặt lại toàn bộ tên gọi luôn một thể.
Tuy nhiên ông ta là người biết điều, không dám được voi đòi tiên, đành gạt bỏ ý đồ tham lam trong lòng, gật đầu lia lịa nói: “Được được được, được quá ấy chứ.”
Đỗ Thị Nhàn cũng rất vui vẻ, lại tiện tay móc một viên kẹo trong rổ ra, nói với vẻ mặt tán thưởng: “Vậy thì tốt.”
Nửa ngày tiếp theo, nhóm công nhân trong xưởng kẹo không hẹn mà cùng phát hiện, vị Đỗ công tử cà lơ phất phơ này đã lười nay lại càng thêm lười.
Mùi ngọt vốn dễ thu hút kiến, đêm nay chắc sẽ có mưa nên lũ động vật đáng ghét ấy bò đầy khắp sân, đốt củi xua đi cũng không chịu đi.

Mọi người đều đề phòng kiến bò vào vại sành và lọ đường, chỉ có cái vị mới tới này cầm muôi đổ nước đường xuống đất để nghịch chơi.

Chẳng bao lâu sau, bầy kiến đen bu kín vệt nước đường dưới đất, làm hiện ra một chữ “Diệu”.
——
Cuối giờ Thân, nha môn Nhiêu Lâm.
Buổi sáng sau khi thống nhất sẽ gặp nhau vào tối nay, Bạch Kiến Quân để lại một địa chỉ liên lạc, sau đó không nán lại ăn cơm mà rời khỏi nha môn luôn, ông ta nói mình phải đến phụ cận Xuân Ý các trước để làm quen địa hình.
Lý Ý Lan không có ý kiến gì, khách sáo tiễn ông ta rời khỏi cổng lớn.
Sau khi ăn xong Giang Thu Bình đi tới nhà lao, tiếp tục truy hỏi về vụ “Nữ đán”.

Lý Ý Lan vốn cũng định đi nhưng hai phu xe đưa Tri Tân đi đã quay trở về bẩm báo, hắn vừa mới dừng một lát mà Giang Thu Bình đã chạy luôn chẳng kịp chờ.
Phu xe mang về tổng cộng ba món đồ, con rối mà Tri Tân mua, bức thư y viết cho Lý Ý Lan, còn có một con bồ câu đưa thư được nuôi dưỡng ở chùa Chiên Đàn, có nó thì có thể nhanh chóng trao đổi thư từ qua lại.
Lý Ý Lan nhìn con bồ câu xám không mấy khỏe khoắn kia, tự dối lòng cảm thấy nó linh khí bức người, tiếp đó hắn mở lá thư ra, ngay lập tức nội dung trong thư khiến hắn vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ.
Hắn cầm lấy con rối bé gái được đưa tới kèm với bức thư, quan sát bàn tay nắm hờ của nó, bỗng dưng nảy sinh một ý nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa Tri Tân sẽ quay trở lại.
Ký Thanh ở bên cạnh nghĩ bụng đọc thư thôi mà, có nhất thiết phải cười toe toét thế không? Nhưng đến khi lại gần đọc thử, cậu còn mừng rỡ hơn cả Lý Ý Lan.
Chí hướng của cậu không nằm ở chỗ tình cảm gái trai mà giờ cậu đã xem Tri Tân là mật thám của nha môn, không khỏi tặc lưỡi nhủ thầm, Tri Tân ra ngoài thôi mà cũng tìm được manh mối, quả đúng là phúc tinh số một của Lục ca nhà cậu.
Dựa theo manh mối Tri Tân cung cấp, Lý Ý Lan mang theo những người còn lại đi một chuyến tới phòng vật chứng, quả nhiên nhận thấy suy đoán của Tri Tân rất có lý, song họ cũng gặp hạn chế giống như Tri Tân.

Đầu giờ Dậu, Giang Thu Bình ra khỏi nhà lao, sắc mặt không được tốt cho lắm, hiển nhiên là không thu hoạch được gì bên phía gánh hát.

Y lắc đầu nói với mọi người: “Không biết là do người trong gánh hát không chú ý tới hay do vấn đề ta hỏi không chạm trúng tử huyệt, tất cả bọn họ đều nói không nhìn thấy ai lạ mặt, cả nam lẫn nữ đều không.”
Lý Ý Lan vỗ vai động viên y, hắn đưa lá thư của Tri Tân cho y xem như an ủi.

“Không có thì thôi, ở đây có một tin tốt đấy, người hãy xem đi.

Tối nay sẽ tập kích sớm, Ký Thanh và Ngô Kim đi ăn cơm trước đi, ăn xong rồi Ký Thanh dẫn người đi đổi ca cho bộ đầu tỷ của đệ, Ngô Kim đi cho mời Bạch tiền bối, trước giờ Tuất sẽ tập hợp ở đây, sau đó chúng ta lên đường đến Xuân Ý các.”
Bầu trời ngoài phòng phủ kín mây đen, gió Bắc vô hình thổi lồng lộng.
Trong hoàng thành Giang Lăng cách xa ngoài ngàn dặm, ngày vào đêm cũng bị bao phủ dưới màn mây đen, có điều mưa gió còn dữ dội ào ạt hơn, chưa tới giờ Tuất mà sắc trời đã đen kịt.
Trận cuồng phong khiến các cung nhân phải đóng hết cổng lớn trong cung điện từ sớm, giữa cái thời tiết khắc nghiệt thế này đáng lẽ chẳng có ai ngoài cấm quân tuần tra đi lại ở bên ngoài, nhưng từ trong Tiên Cư điện nằm sâu sau tầng tầng lớp lớp đình viện, tiểu thái giám ở phòng kế lại cứ liên tục nghe thấy tiếng dộng cửa “Ầm ầm”.
Từng tiếng từng tiếp nối tiếp nhau, gấp gáp như khiến lòng người đột ngột bùng lửa.
Tiểu thái giám biến sắc, vội trùm chăn bông kín người.
Đây đã là lần thứ tư trong tháng này rồi, chẳng biết là kẻ nào ngoài kia đùa dai, nhiều lần cứ nhè lúc trời tối là ở bên ngoài gõ cửa điên cuồng, mỗi lần kéo cửa ra tiếng gõ thì vẫn còn nhưng mở xong thì đến bóng quỷ cũng chẳng có.
Nếu là con người thì chắc chắn không trốn nhanh như thế dược, phái cấm vệ tra xét cũng không phát hiện được gì, vì vậy trong cung âm thầm truyền ra tin đồn rằng, cung của thái hậu đang có quỷ ——.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận