Mây Gió Đổi Thay


Ba ngày sau, giám đốc Đỗ bên bộ phận cho vay của ngân hàng Canada đã phê chuẩn cho tôi vay, lãi suất ưu đãi thật đặc biệt.
Tôi vui như điên lên.
Giám đốc Đỗ nói:
– Chúng tôi biết quần chúng ở Vancouver rất ủng hộ cô, chúng tôi tin tưởng vào “Điểm tâm nước mắt” của cô.
– Nếu họ thay đổi ý kiến thì sao? – Tôi nói vui – Không thể dựa vào tình cảm của con người được, đối với quần chúng thì càng khó chống chế!
– Thái độ và hành động vay tiền của cô, chúng tôi có kinh nghiệm và bằng chứng! Một người không chịu trốn tránh trách nhiệm, thẳng thắn mà làm việc, chúng tôi rất yên tâm! Vả lại, lá phiếu thứ nhất tán đồng chính là chủ tịch ngân hàng Hằng Mậu!
Chủ tịch ngân hàng Hằng Mậu? Cha của bà Thi Gia Ký?
Thọ ân bất tất phải hỏi căn do, tương lai sẽ có ngày báo đáp - đấy mới là điều quan trọng.
Tôi thầm chúc bà Thi hạnh phúc.
Bà Thi Gia Ký ư? Tôi không ngăn được mình cười khổ!
Sau cùng, tôi cũng mua lại được xưởng thực phẩm của họ Mạch. Chú Cơ, đương nhiên là một người không thân đã ra sức giúp người, ông để lại toàn bộ nhà xưởng đang vận hành cho tôi và rút lui ngơi nghỉ. Ngôi nhà ông ở Victoria, không xa Vancouver, tức ở thủ đô Columbia, ngoại trừ các cơ quan chính phủ thì đấy là một nơi xinh đẹp thần tiên, rất thích hợp cho tuổi già an dưỡng.
Tôi và vợ chồng Vi Địch cùng xây dựng sự nghiệp. Họ quyết định kinh doanh quảng cáo cùng công ty Công Quan. Xưởng thực phẩm Đoàn Thị đương nhiên là khách hàng của công ty Vi Địch.
Đừng nói sinh mạng của con người không có hát ca, mộng mị - từ lúc tiếp nhận xí nghiệp, tôi chỉ còn ngủ mỗi ngày có bốn năm giờ. Ngoài ra là công việc.
Muốn thành lập xí nghiệp thành công, không thể nào dựa vào trí tuệ của một người, do đó, tôi tích cực tìm kiếm người tài phụ giúp – lúc ấy, người Hương Cảng di cư đến Vancouver ngày càng nhiều.
Tối ấy, dưới ánh đèn, đọc qua các lý lịch của người xin việc, chợt phát hiện một người tên Chu Ngọc Thành rất quen. Nhìn vào ảnh, biết đúng là người quen, lý lịch ghi anh ta từng công tác nhiều năm ở Cục di dân Tôi đã nhớ.
Sáng hôm sau, tôi liền gọi điện nhắn anh ta đến phòng làm việc.
Chu Ngọc Thành rất nghiêm chỉnh. Anh biết rõ về tôi nhưng ra vẻ như không quen biết. Tôi hỏi, anh đáp, một câu là một câu, hoàn toàn không thừa thãi.
Điều đó thật tốt, tôi không muốn nhắc đến quá khứ, và tôi nói với anh ta:
– Rất vui được anh tham gia xí nghiệp Đoàn Thị. Anh có kinh nghiệm hành chánh rất tốt, lại là người hiểu rõ nhân tình, điều đó thật đáng quý. Chúng ta hợp tác, tuyệt đối làm việc theo phong cách mới, không dây dưa, rườm rà.
Chu Ngọc Thành hiểu ý gật đầu. Từ đó, anh trở thành cộng sự đắc lực của tôi.
Ngoài ra, tôi tự biết mình cũng nên báo đáp họ Chu trước kia đã giúp tôi.
Thế nhưng Ngọc Thành công tác rất nhiệt tình đến đỗi tôi phải dằn đi tình cảm vui mừng của mình. Anh phụ trách nắm giữ thực phẩm Đoàn Thị, tiến hành phân phối đến các cửa hàng mua bán trong toàn tỉnh và không ngừng mở thêm chi nhánh. Một trợ thủ khác là Miko, người phương Tây, cậu ta tốt nghiệp đại học Harvard, khoa quản lý thương mại, có kinh nghiệm quản lý xí nghiệp, phụ trách kế hoạch phát triển nghiệp vụ toàn quốc.
Vi Địch đến báo cho tôi hay – tôi đột nhiên biến sắc – tôi phải về Hương Cảng dự hội nghị hiệp thương, làm khách mời danh dự và diễn giảng một chuyên đề.
– Tôi không định trở về! – Tôi nói với Vi Địch.
– Tại sao? Áo gấm về làng hay lắm đấy.
– Chẳng có đối tượng để phô bày.
– Càng tốt chứ sao. Cần gì phải xuất hiện cho riêng ai chứ!
– Hành động đó đối với nghiệp vụ có ích gì? Trừ phi là tôi vẽ hình tượng!
– Đương nhiên. Đoàn Thị muốn phổ biến, trước tiên phải để người Hương Cảnh nhận biết về chị, họ là những nhà đầu tư đấy. Người Hương Cảng đến Vancouver định cư ngày càng nhiều hơn.
Tôi bật cười. Vi Địch nói có lý, nhưng ý đồ cậu ta lớn quá, có vẻ miễn cưỡng. Nhưng Vi Địch là nhân tài xuất sắc trong thương trường, cậu ta biết rõ khách hàng mình, đề xuất các kế hoạch thích hợp cho khách hàng để lấy hoa hồng - đấy là công việc chính đáng.
– Nhưng ... - Tôi vẫn do dự. - Để tôi hỏi lại Miko, xem chừng nào thì lên kế hoạch Đoàn Thị tại Vancouver và Toronto tham gia vào thị trường chứng khoán, sau đó sẽ quyết đi hay không!
Sau khi có đáp án, tôi quyết định thực hiện. Vấn đề Đoàn Thị tham gia thị trường chứng khoán chỉ còn là thủ tục. Bởi vì chúng tôi có đủ điều kiện, trên bối cảnh lịch sử của công ty, Đoàn Thị nối tiếp xí nghiệp lâu dài của Mạch Thị, doanh thu ngày càng cao.
Tôi trở về Hương Cảng cùng Chu Ngọc Thành, Vi Địch va một người phụ trách khách hộ của cậu ta.
Máy bay đến phi trường Khải Đức, chúng tôi nối nhau đi vào trạm kiểm soát.
Đến trước gian Cục di dân tôi chợt đứng lặng.
Đã có lúc khi đưa hộ chiếu, tôi đâm ra hốt hoảng lo sợ, toàn thân run lên, chỉ cần cái liếc của viên chức di dân là cảnh sát ập đến, và tôi chắc chắn là chết cứng!
Nay thì một nhân viên di dân đứng lên đón tiếp, tươi cười chào hỏi chúng tôi.
– Thưa ông Chu, rất hoan nghênh ông trở về, cuộc sống ở Canada tốt chứ?
Hẳn nhiên là anh ta quen biết Chu Ngọc Thành.
– Cảm ơn! Cũng tốt, tìm được việc làm lý tưởng lắm!
Anh ta đưa mắt nhìn tôi, lễ phép nói:
– Người thật của bà Đoàn so với ảnh trên báo trẻ hơn nhiều!

Tôi mỉm cười cảm tạ.
Chẳng biết lúc trước anh ta có xem kỹ ảnh hộ chiếu nhập cảnh của tôi không, chuyện cách cả năm nhưng tôi tin mình trẻ hơn lúc ấy.
Đắc ý và thất ý, đương nhiên là hai kẻ khác nhau.
Chúng tôi nhanh chóng ra khỏi phi trường. Ngay lúc đó, những ánh sáng trắng chợt lấp loáng trước mắt. Các ký giả đua nhau chụp ảnh.
Tôi bảo nhỏ Vi Địch:
– Cậu làm việc thật tận lực. Nhất định đấy là do công ty của cậu.
Vi Địch lắc đầu.
– Chị nhìn việc gì cũng lạnh lùng như vậy!
– Không phải sao? Tôi tuyệt không nêu cao lực lượng của mình là tránh bị thất bại, cho nên tôi không để những hình ảnh giả tạo này gây hoang mang ình.
– Đấy là vì chị đứng ở thế thất bại.
– Đã thất bại qua nên phải cẩn thận.
Chúng tôi ngụ tại khách sạn Bán Đảo.
Các cuộc họp chiêu đãi, tiếp xúc với báo chí khiến tôi thật khó chịu. Tôi chỉ mong tham gia xong cuộc họp thương mại và đọc báo các kinh nghiệm kinh doanh của xí nghiệp ở Canada để trở lại công việc.
Dạ tiệc đặt tại khách sạn Lệ Tinh, xe của Bán Đảo đưa chúng tôi đi.
Đột nhiên, tôi quay nhìn những người đi theo:
– Chúng ta nên đi hai xe khác nhau!
Khỏi phải giải thích. Họ đã quen với tính cách độc đoán độc hành của tôi.
Tôi ngồi vào một xe riêng, bảo tài xế:
– Xin cho tôi đi một vòng ven biển.
Cảnh sắc ven biển Hương Giang hiện ra trước mắt, tôi bảo tài xế chạy chậm lại. Nơi đây, tôi đã ngồi trên ghế đá trong đêm nhìn biển, lạnh lùng và đơn độc, chẳng ai màng hỏi. Bốn bề vắng lặng, và một gã lang thang xuất hiện, tôi như thấy rõ bóng dáng một kẻ khổ đau ngồi khóc và cười lên điên loạn ...
Chớp mắt, tất cả đã thành quá khứ.
Trên lầu Lệ Tinh vẫn mùi hương sực nức, sắc màu rực rỡ.
Cảnh tượng trước mắt như quen quen tâm trí.
Hôn lễ Truyền Ngọc Thư của như ngày nào.
Tôi chợt nhìn thấy bà Thi Gia Ký phía trước, đương nhiên là khác hẳn khi xưa.
Tôi tiến đến nắm tay bà.
– Bà mới về Hương Cảng à? Cảm ơn bà nhiều!
– Cả Hữu Vinh kia! – Bà cười và giới thiệu Nhiếp Hữu Vinh - chủ tịch ngân hàng Hằng Mậu.
– Ông Nhiếp, cảm tạ ông và bà Nhiếp đây đã giúp tôi!
– Đừng khách sáo. Tình hình chứng khoán Đoàn Thị thế nào rồi? Đã công bố chưa?
– Tôi đã dặn bộ phận kinh doanh chuẩn bị rồi đấy!
Trước kia có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới!
Đầu buổi dạ tiệc, bỗng nhiên tôi được mọi người chú ý đến.
Đang bận rộn giữa đám đông, tôi chợt cảm thấy có đôi mắt chăm chú nhìn mình, vẻ ưu tư lẫn vui mừng.
Đấy là Mạnh Thính Đồng.
Chúng tôi chỉ đưa mắt nhìn nhau giữa bao người ngăn cách.
Tôi đưa lên ly rượu sâm banh, hướng về Thính Đồng có ý mời.
Cô ta nhìn thấy và đáp lại.
Chúng tôi cùng uống cạn ly rượu.
Cả hai không có ý hàn huyên chuyện cũ, lòng đã hiểu nhau nhiều.
Thật đáng sợ. Tôi và Thính Đồng, trí thức sàn sàn như nhau. Nếu như chúng tôi mới bắt đầu quen biết từ hôm nay, có lẽ tình bạn sẽ kéo dài lâu hơn.
Còn bây giờ thì phải đành chờ một cơ duyên khác mới nắm tay trở lại!

Tàn tiệc, tôi trở lại khách sạn Bán Đảo. Cởi bỏ y phục, ngâm mình trong nước.
Mỗi lần đắm mình trong bồn nước ấm áp, tôi đều có cảm giác bồng bềnh - đời người sao quá nhiều mỏi mệt như vậy?
Chuông điện thoại reo.
– Cô Đoàn hả? Xin lỗi làm phiền cô! Tôi Ngọc Thành đây!
– Canada có chuyện sao?
– Không, Không, Miko có điện thoại, kế hoạch chứng khoán rất thuận lợi, chỉ là ...
– Có chuyện gì à?
– Cô Đoàn, không biết có nên báo cô không?
Chuyện nhà tôi à? Tôi có dự cảm như thế.
– Đúng vậy.
– Anh nói đi!
– Đoàn Uất Chân ... đã chết rồi!
Tôi như bị giáng ngay một đòn vào đầu, mất cả cảm giác.
– Cô Đoàn, cô Đoàn ... cô còn đó chứ?
– Tại sao chết?
– Tự tử. Một người bạn vừa cho hay. Sáng nay bác Đoàn thức dậy, thấy Uất Chân vẫn ngủ, chưa đi làm, bác vào phòng đánh thức mới phát giác ra cớ sự.
Cô uống thuốc ngủ, đưa đến bệnh viện cứu chữa cả ngày nhưng không được.
– Cảm ơn anh đã cho tôi biết!
Nước trong bồn vẫn ấm, tôi chưa muốn đứng lên.
Tôi dựa đầu lên thành bồn. Trần khách sạn Bán Đảo khá cao.
Uất Chân chết rồi!
Đã tự tử!
Khổ đến đỗi nào mà không còn muốn sống?
Tính ra, con bé còn thê thảm hơn tôi sao?
Không thể cho rằng khẳng khái chết đi là dễ dàng, còn nhẫn nhục chịu đựng là khó khăn.
So ra, cả hai đều nặng nề như nhau. Mỗi tình cảnh là một thiên thu đằng đẵng. Hai chị em, mỗi người chọn một.
Khi Uất Chân cầm thuốc uống, liệu có nghĩ tới tôi?
Nhất định là có, cho nên mới chết đi, hoặc là quyết định chết.
Trước kia, Uất Chân không hề như vậy.
Kẻ trước, người sau đến với Cẩm Xương đều không may. Nỗi khổ của Uất Chân , người ngoài không biết, chẳng khác gì tình cảm của tôi vậy.
Con người chỉ có cay đắng mà không có dịu ngọt sao?
Nhưng bất luận thể nào, Uất Chân cũng chẳng nên buông xuôi.
Chết đi là thôi, còn chịu đựng nhẫn nhục là còn con đường sống, và có lúc lại thăng hoa!
Uất Chân, Uất Chân, em cần gì phải như vậy?
Cần gì phải cắt đứt đi mạng sống của mình? Rốt cục, kẻ lang tâm là chị hay em đây?
Và tôi khóc ngất lên.
Trong nước mắt mơ hồ, tôi thấy mình ngồi bên giường Uất Chân , đợi thời gian trôi qua từng khoảnh khắc, để cho nó ngủ 5 phút sẽ kêu dậy cùng học bài.
Đứa em đó, giờ đây đã ngủ vùi đi rồi.
Chu Ngọc Thành nói với tôi, ba ngày sau sẽ hỏa táng Uất Chân .
Tôi chẳng biểu lộ gì.

Có nên đến nhìn Uất Chân lần cuối?
Trong buổi lễ, nhất định sẽ có mẹ tôi và Cẩm Xương.
Họ đã không đi chung đường với tôi, vậy còn để ý gì?
Chẳng đi cho xong!
Chủ ý đã định, tôi mới thấy yên lòng.
Tôi ngủ yên qua một đêm. Đến đêm thứ hai lại ngủ không yên. Trong giấc mơ thấy hai chị em đuổi nhau nô đùa.
Bên tai tôi vang tiếng cười, nói:
– Chị, sao chị không đến đưa em đi?
Tôi giật mình tỉnh giấc, đầu đẫm mồ hôi. Trời đã sáng.
Tôi xếp đặt hành lý, gọi Ngọc Thành, hỏi:
– Máy bay chừng nào cất cánh?
– 12 giờ rưỡi trưa.
Tôi lặng thinh.
Ngọc Thành khẽ nói:
– Cô Đoàn, vẫn còn kịp! Tôi gọi xe cho cô nhé?
Tôi gật đầu.
Xe dừng lại bên ngoài nơi hỏa táng, cạnh một nhà thờ.
Tôi không xuống xe.
Chỉ thấy xe tang chạy đến, trên tấm vải trắng có một chữ Đoàn.
Tôi vẫn vơ nhìn cổng giáo đường, mơ hồ và lặng lẽ, tôi chăm chú nhìn, đầu óc hoàn toàn trống rỗng ...
Có tiếng thầm thì phía sau. Vài người bạn ra khỏi giáo đường, có vài người bà con xa, trong số ấy có mẹ tôi.
Người tóc trắng đi đưa tiễn kẻ tóc xanh.
Tôi không nhẫn được, mở cửa xe và chầm chậm đi đến.
Mọi người không ai chú ý đến tôi, họ đang xúm xít quanh mẹ tôi đang bất tỉnh và đưa bà ra xe.
Tôi vẫn không tiến đến trước.
Thêm hai ba chiếc xe vừa đến, ngay cổng giáo đường đã xuất hiện một kẻ mà đời này, kiếp này tôi chẳng hề muốn gặp.
Anh ta ngẩng đầu lên và nhìn thấy tôi.
Vương Cẩm Xương gầy gò như một cô hồn quỷ quái, mặt không chút máu, hai con mắt sâu hoắm không khác hai hố đen trên chiếc đầu lâu.
Anh ta bước nhanh đến, nắm cánh tay tôi, hỏi:
– Cô đến đây làm gì? Cô đến thăm Uất Chân hay xem bi thảm của chúng tôi?
Tôi lạnh lùng nhìn Cẩm Xương, sự vô lý của anh ta chẳng làm tôi kinh sợ, chẳng tác động gì đến nỗi buồn của tôi.
– Ai chẳng biết đây là chiến công của cô. Cô đã chiến thắng, chiến thắng xuất sắc, cô còn tới đây làm gì? Khoe khoang à? Cô khoe khoang khắp Hương Cảng chưa đủ sao mà còn tới đây khoe khoang với người chết? Cô còn chưa chịu buông tha tôi sao?
Tôi không một lời đáp. Anh ta siết chặt tay tôi, tôi thấy đau điếng lên.
– Chúng tôi có sai lầm, cũng không đến nỗi phải chịu trừng phạt như thế!
Đoàn Uất Văn. Cô hả dạ rồi chứ? Thù hận báo xong rồi chứ?
Trong lòng tôi khẽ thở dài. Nếu như Cẩm Xương bình tĩnh, suy nghĩ lại những lời vừa nói thì hẳn anh ta sẽ biết tại sao trời cao lại sắp đặt như vậy!
Chẳng lẽ trên đời này chỉ có một mình anh ta là chẳng xứng nhận hình phạt hay sao?
Còn Uất Chân và tôi, một thời nông nổi, đã yêu thương một kẻ đàn ông chẳng còn biết trách nhiệm đến đỗi phải hối hận, đau thương!
Tôi may mắn đã sớm xa chạy cao bay!
Uất Chân còn lại nơi chốn thành sầu, lo sợ không yên cho đến ngày nhắm mắt!
Khi đó, kẻ yếu thành ra mạnh, người mạnh trở thành yếu!
Hai chị em cùng nhau đào thoát, tiếc thay, sau kiếp tai ương chỉ còn lại mình tôi.
– Đừng mong khoe khoang sự thành công, giàu có của cô mà khiến tôi thương xót, hối hận. Đoàn Uất Văn, cô đừng có mà vọng tưởng!
Người tài xế không nhịn được, anh ta xông tới lôi Cẩm Xương ra.
Tôi ngồi vào xe, bảo tài xế đưa đến sân bay.
Trên đường đi, tôi lặng lẽ buồn bã, xót xa; màn kịch đã kết thúc.
Tại sân bay, luật sư Thang Cung Khiêm đến tiễn.
Chúng tôi bắt tay nhau:
– Luật sư Thang, phiền ông giúp tôi một việc!

Cung Khiêm gật gật đầu.
– Nhờ ông mua ẹ tôi một căn nhà rộng rãi, khang trang; mỗi tháng tôi sẽ gửi cho bà ba vạn đồng Hương Cảng để chi dùng. Khi tôi về Vancouver, ông gửi cho tôi các chi tiết, điều khoản.
– Vâng! Nếu bà Đoàn muốn liên lạc với cô thì sao? Tôi phải nói thế nào?
– Ông là luật sư, chẳng lẽ tôi lại chỉ cho ông nói hay sao? Bà ấy có gọi điện đến Vancouver, đã có bí thư của tôi.
Và chẳng biết đến bao giờ tôi mới lại về Hương Cảng!
Bay vút lên cõi trời xanh, ngày hôm qua thôi đã xong!
Về đến Vancouver, Miko vui vẻ báo:
Giá chứng khoán thực phẩm Đoàn Thị tăng lên vùn vụt. Tương lai sẽ rất tốt đẹp.
Từ khi sáng lập Đoàn Thị đến nay, tôi chưa hề rời khỏi phòng làm việc trước giờ tối. Đấy là hiện tượng ít thấy ở Canada.
Xe đưa tôi về đến nhà.
Tôi đang cư ngụ trong một tòa nhà cổ tại khu San-na-si. Vừa định xuống xe ...
Trên đường, người qua lại, có hai người Trung Quốc, vẻ quen quen.
Tôi chợt bật cười. Ra là Vương Cẩm Linh và bà mẹ. Tại sao họ đến đây? Tôi nghĩ họ vừa sang định cư hoặc là du lịch gì đó.
Ngày nay, đối với tôi, họ chẳng còn dính dáng đến. Giữa mẹ chồng và nàng dâu, mọi ân oán oán ân đã không còn nghĩa lý! Khi chồng vợ còn nặng tình thì song thân đôi bên là cha mẹ; khi vợ chồng quay lưng nhau thì kẻ kia chỉ là khách lạ trên đường.
Vừa bước vào nhà, chị hầu người Mê- hi-cô đưa điện thoại cho tôi, nói:
– Điện thoại của ông Vi Địch.
– Vâng!
– Chị về rồi à! Điện thoại đến chỗ làm thì chị đã nghỉ, ít gặp nhỉ!
– Tôi mệt lắm!
– Đoàn Thị đã kết thúc giai đoạn ổn định tiền bạc, bắt đầu công việc tiền đẻ ra tiền nên chị cảm thấy mệt chứ gì?
– Cậu đừng trêu tôi!
– Được, đợi một tí, có cái này làm chị hết mệt ngay!
– Hi hi, hi hi! Bác hả? Con nhớ bác!
Tôi cười lớn lên. Tiếng của Ban Trị Văn, nó không ngừng gọi tôi. Trị Văn được ba tuổi.
Lại một sinh mệt nhanh chóng trưởng thành!
– Con hôn gió bấc một cái đi! - Tiếng của Trân Ni.
– Trân Ni đó hả?
– Vâng, Vi Địch có nói gì với chị chưa?
– Chuyện gì?
– Bộ trưởng Bộ văn hóa ở Quebec mời chị dự buổi dạ tiệc, có ngài thủ tướng đấy!
– Cái gì? Lại qua công ty của cô à?
– Không, không. – Vi Địch tiếp lời. – Tin tức của tôi nhạy lắm, các bạn bè báo chí đã nắm trong tay danh sách khách mời rồi. Chị là quý khách trong thương giới của đất nước này, đương nhiên là đứng đầu trong danh sách. Phú rồi tới quý, chúng tôi hoan hô chị!
Sự hoan hô bao quanh tôi, những vinh nhục trong cuộc sống đeo đuổi tôi, nhưng chẳng phải là tôi!
Tôi thật mệt mỏi, mệt đến độ nhìn hai hộp thức ăn vừa mua mà chẳng muốn ăn!
Hai hộp thức ăn có bao bì khác nhau:
một hộp in hình tôi trên tờ bìa tạp chí phụ nữ mà Trân Ni đã mua lại bản quyền để sử dụng, một hộp in hình chị béo hàng xóm tươi cười, cả hai đều có ghi hàng chữ:
Kẻ sáng tạo ngậm lệ chế biến, người hưởng tươi cười thưởng thức.
Tôi nhè nhẹ thở dài.
Chị hầu mang vào phong thư.
Tôi gật đầu.
Nhìn bì thư – thư gửi từ Mỹ.
Thư của đứa con gái.
Tôi không vội vã xé thư.
Chẳng còn dồi dào tình cảm, đối với bất cứ ai tôi cũng đều giữ lấy khoảng cách. Tôi phải bảo vệ mình.
Tôi trở về phòng ngủ, cởi bỏ y phục.
Trước gương hiện ra một hình thể trần truồng, những đường cong tuyệt mỹ, tôi xoa nhẹ lên vai, ngực, eo, mông. Làn da không còn trơn láng như xưa. Đột nhiên, tôi thấy mình lạnh run lên, phải dùng hai tay xoa làm ấm lại.
Và tôi nhắm mắt, hưởng thụ giây phút bình an.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận