Danh Viện Công Lược

Editor: Selene Lee

Một chiếc du thuyền đang lướt trên mặt biển rộng lớn.

Con tàu này xuất phát từ Yokohama của Nhật Bản, dự là sẽ cập bến sông Hoàng Phố sáng ngày hôm sau. Giống như những du thuyền hạng sang khác, hành khách trên tàu bị chia thành đủ loại ba – sáu – chín, chỉ có số ít những hành khách khoang hạng nhất mới có thể độc hưởng một boong tàu lộ thiên.

Boong tàu này nằm ở gần buồng lái, tuy không lớn lắm, nhưng so với boong tàu công cộng thì ít người và yên tĩnh hơn. Một cô gái trẻ tuổi mặc bộ váy màu xanh lam tựa người vào lan can, ánh mắt hướng về phía đuôi tàu như đang say sưa ngắm nhìn hai luồn sóng trắng xóa cuồn cuộn.

Trên con tàu này, mỗi hành khách đều có riêng cho bản thân một câu chuyện, nhưng cô chắc chắn câu chuyện của mình là đặc biệt nhất.

Đến nay cô vẫn không hiểu nổi vì sao mình lại trở thành người thời dân quốc.

Hứa Lộc là người của thế kỷ hai mươi mốt, là một du học sinh Nhật Bản chỉ mới về nước không lâu. Cô tốt nghiệp một trường đại học công lập trong top 10 trường tốt nhất nơi này, bôn ba sáu năm, lại thêm vốn tiếng Nhật lưu loát, nếu ở lại Nhật Bản, hẳn là cô có thể tìm được công việc tốt.

Nhưng ba mẹ cô chỉ có một đứa con gái là cô, sao nỡ để con mình lưu lạc xứ người, vì thế cô đã về nước.

Hôm đó cô đi đổi bằng lái xong bèn đi mua ngay một chiếc xe Second-hand tập lái, không ngờ lúc ra phố lại vì né một ông lão băng qua đường mà đạp nhầm thắng xe, lúc tỉnh lại cô đã thấy mình ở trên con tàu này, còn biến thành một cô gái tên Phùng Uyển.

Phùng Uyển cũng là du học sinh Nhật Bản, ở thời đại này, du học đã sớm trở thành trào lưu. Tuy nhiên, trừ tiền trợ cấp của chính phủ ra, cô hoàn toàn không có chút của cải nào, cũng không thể gánh nổi phần du học phí đắt đỏ.

Tổ tiên của nhà họ Phùng từng làm quan lớn thời nhà Thanh, ông nội Phùng Uyển cũng là một trong số những nhà tư bản tự thân sớm nhất đất nước. Đầu tiên, ông khai trương công xưởng ở quê hương Tô Châu, còn mở rộng sự nghiệp đến tận Thượng Hải và Nam Kinh, vô cùng huy hoàng. Sau khi ông mất, những người con trai vì tranh giành tài sản mà đấu đá không ngừng. Cha của Phùng Uyển là con út, ông chỉ nhận một xí nghiệp nhà máy dệt làm ăn không quá khá khẩm, may nhờ một người bạn làm luật sư giúp đỡ, ông lấy được khoảng mười vạn đồng tiền di chúc, cha Phùng dùng số tiền đó để đưa Phùng Uyển đi học.

Mấy năm gần đây, Thượng Hải trở thành miếng bánh ngon của giới tư bản, người Tây phương tràn vào ngày một đông, mang theo rất nhiều công xưởng mới, cũng khiến cho các xí nghiệp dân tộc đóng cửa hoặc cận kề bờ vực phá sản. Nhà họ Phùng không còn lớn mạnh như trước, công việc làm ăn của nhà máy dệt mà cha Phùng quản lý cũng đi xuống, ông đâm ra bệnh không dậy nổi.

Mà lúc này đây, Phùng Uyển cũng vừa lúc kết thúc việc học, trở về nước.

Hình như Phùng đại tiểu thư đã dùng toàn bộ số tiền còn lại của bản thân để mua vé tàu khoang hạng sang rồi, nên bây giờ trên người cô hoàn toàn rỗng tuếch, vấn đề ăn uống bỗng trở thành một nỗi sầu muộn.

Bây giờ cô thật sự rất đói, chỉ cần một bữa cơm thôi.

Bỗng có một tràng tiếng guốc mộc truyền đến từ phía sau, không khỏi khiến Hứa Lộc tò mò quay đầu lại nhìn, chỉ thấy một cô gái trang điểm tỉ mỉ, mặc trên người một bộ kimono màu tím thêu hoa hướng dương đang nói chuyện với một thủy thủ trên tàu. Người kia là người Trung Quốc, tiếng Nhật không tốt, mà khẩu âm của cô gái lại là vùng Kinki nên hai người trao đổi với nhau vô cùng khó khăn.


Cô gái có vẻ giận giữ, giống như hoàn toàn bất lực.

Hứa Lộc nhìn thấy kimono và thủ pháp thêu hoa kia đều là hạng thượng đẳng, bèn chủ động đi đến, dùng tiếng Nhật mà hỏi: “Tiểu thư, không biết tôi có thể giúp gì cho cô không?”

Đối phương hơi ngẩn ra: “Cô là người Nhật Bản? Cô có biết tiếng Trung không?”

Hứa Lộc lắc đầu: “Tôi là người Trung Quốc, nhưng là du học sinh Nhật Bản.”

Cô gái lại càng kinh ngạc hơn: “Thì ra là như vậy, tiếng Nhật của tiểu thư cũng tốt quá đi! So với nhiều thông dịch viên mà tôi gặp còn tốt hơn rất nhiều.”- Cô ấy dừng lại một lát rồi nói tiếp: “Lúc ra khỏi cửa tôi quên mang theo chìa khóa rồi, nên bây giờ tôi muốn tìm vị tiên sinh họ Lăng cùng phòng, không biết có ai nhìn thấy anh ta không nữa?”

“Là vị họ Lăng nào ạ? Tiểu thư có thể mô tả tướng mạo của ngài ấy không?”

Đối phương làm theo lời cô, Hứa Lộc thuật lại với vị thủy thủ người Trung Quốc, anh ta nói ngay: “Thì ra tiểu thư Tanaka muốn tìm ngài Lăng, vừa nãy ngài ấy đã đến phòng tiệc ở tầng hai rồi. Nếu tiểu thư cần về phòng, tôi sẽ đi báo lại với thuyền trưởng để mở cửa ngay cho tiểu thư.”

Hứa Lộc dịch lại, cô gái nói cảm ơn, vị thủy thủ cũng đi tìm chìa khóa. Sau đó, Hứa Lộc tận tình đưa cô ấy về đến tận phòng riêng, đợi người thủy thủ mang chìa khóa tới mở cửa.

Cô gái vui vẻ tặng cho anh ta mấy thỏi bạc, người thủy thủ phấn chấn rời đi.

Đoạn cô ấy lại lấy một tấm danh thiếp ra khỏi túi xách, dùng hai tay đưa cho Hứa Lộc. Hứa Lộc cúi đầu nhìn, phía trên có ghi “Công ti thương mại Tanaka”, quản lý: Tanaka Keiko, còn in thêm địa chỉ và số điện thoại.

“Tiểu thư quả thật là đại ân nhân của tôi. Tôi là Tanaka Keiko, đa tạ đã chiếu cố.”- Keiko cúi người nói.

Hứa Lộc cũng làm theo cô ấy: “Tôi là Phùng Uyển, đa tạ đã chiếu cố.”

“Vừa rồi không có sự giúp đỡ của tiểu thư Phùng Uyển đây, e là tôi vẫn còn lơ ngơ trên boong tàu, không biết tôi có thể làm gì để cảm ơn tiểu thư?”- Tanaka Keiko nói đầy thành khẩn.

Hứa Lộc nói thẳng: “Cũng không giấu gì tiểu thư, tôi đã dùng hết số tiền mình có rồi. Nếu như tiểu thư có thể mời tôi một bữa tối, tôi sẽ rất cảm kích tiểu thư.”

Khoang hạng nhất của con tàu này chỉ có năm phòng, mà phòng của Tanaka Keiko lại là phòng tổng thống cao cấp nhất. Giá vé gấp đôi vé của cô, chắc chắn không thiếu tiền. Hứa Lộc đã sớm nhìn ra gia giáo và thực lực của cô gái này, chắc chắn cô ấy sẽ không từ chối.


Tanaka Keiko không nghĩ cô sẽ nói thẳng như vậy, trước tiên là ngạc nhiên, sau đó mới che miệng cười: “Chút chuyện này nào có khó khăn gì? Xin tiểu thư hãy cho tôi biết số phòng của cô, chờ đến bữa tối tôi sẽ đi tìm tiểu thư.”

Mục tiêu đã hoàn thành, Hức Lộc thở phào nhẹ nhõm. Tất nhiên là cô cũng cảm thấy da mặt mình hơi dày, nhưng mà bây giờ cô đói đến mức mắt nổ đom đóm rồi, còn có thể xin xỏ cái gì khác đây.

Chết đói mới là chuyện lớn, mặt mũi không quan trọng.

Hứa Lộc quay trở về phòng riêng, nơi này được thiết kế theo phong cách châu Âu, bên trong còn được bố trí thêm một gian nhỏ có cửa kéo. Mỗi buổi sáng sẽ có người phục vụ mang điểm tâm và báo chí đến, còn sau giờ ngọ là một bữa trà chiều. Điểm tâm có khi là món Trung, cũng có khi là bánh ngọt kiểu Tây và cà phê.

Hứa Lộc ngồi ở đầu giường, ngấu nghiến món bánh ngọt như hổ đói, còn thuận tay cầm tờ báo nổi tiếng nhất Thượng Hải lên xem một chút. Trang nhất có in những dòng chữ to tướng với nội dung: “Chủ tịch hội liên hiệp thương nhân Thượng Hải – Phó Diệc Đình dự lễ khai trương của công xưởng được sát hợp bởi hai bách hóa Đông Phương và Hồng Kiều.”

Bên dưới có một tấm hình đen trắng để minh họa.

Ở trung tâm của bức ảnh, đang cắt băng rôn giữa đám đông là một người đàn ông trẻ tuổi. Người này mặc một bộ vest được là ủi phẳng phiu, cà vạt sáng loáng, túi áo cài khăn, chính là kiểu trang phục điển hình của tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ. Vóc người của anh ta cao hơn những người khác rất nhiều, ánh mắt khôn khéo, tướng mạo nho nhã.

Bên cạnh bức ảnh có vài dòng giới thiệu về người đàn ông này, nào là bối cảnh, rồi cả xuất thân và khối lượng tài sản trên danh nghĩa.

Hứa Lộc chỉ nhìn lướt qua hai lần, cũng không cảm thấy hứng thú nên lật sang trang sau.

Cô vừa đọc báo vừa uống trà để giết thời gian, buổi tối vốn là khoảng thời gian cô cảm thấy khó khăn nhất. Trong người cô không còn tí đồng bạc nào, lúc ăn sáng phải lén giấu lại chút bánh mì để dằn bụng. Đã vậy còn mắc chứng say sóng, ngày nào cũng ói rồi nằm thoi thóp trên giường. Cô chỉ mới vừa tốt lên khoảng hai ngày nay thôi thì cơn đói lại ập đến.

Sắc trời dần tối lại, chiếc đồng hồ kiểu cũ trên tủ gương gõ mấy tiếng lanh lảnh.

Hứa Lộc vội vã ăn xong cái bánh croissant cuối cùng rồi chạy ngay vào nhà vệ sinh gần đó để chỉnh lại dáng vẻ một chút.

Chiếc gương phản chiếu hình ảnh của một cô gái trẻ, hẳn còn là nữ sinh, mái tóc ngắn đến mang tai. Cô có đôi mày cương trực, nhưng ngũ quan lại rất dịu dàng khéo léo, nhất là đôi mắt trong veo sáng ngời kia. Vẻ ngoài của cô gái này hẳn phải rất xinh đẹp, chỉ tiếc vóc dáng quá gầy yếu, khuôn mặt nhợt nhạt thiếu thần sắc lại càng khiến nét đẹp ở cô giảm đi vài phần.

Hứa Lộc cố gắng hít một hơi thật sâu để bản thân mình trông ổn hơn một chút, cô không muốn người ta nghĩ mình là ma ốm đâu.

Bên ngoài có tiếng gõ cửa, hẳn là Tanaka Keiko đã đến.


Hức Lộc đi đến cửa ngay, hít một hơi rồi mới đặt tay lên phần nắm đấm bằng đồng chạm khắc hoa văn, ấn nhẹ một cái, cánh cửa gỗ đỏ Châu Âu liền bật mở.

Người đứng ngoài cửa quả là Keiko, trên khuôn mặt ẩn hiện nét cười thân thiện. Tuy nhiên, sau lưng cô ấy còn có một người nữa, nhưng phần lớn đã bị che khuất.

Tanaka Keiko giới thiệu ngay: “Đây là bạn đồng hành của tôi, ngài Lăng, chúng tôi quen nhau lúc còn du học bên Anh. Anh ấy nghe tôi kể lại chuyện ban chiều thì lập tức muốn làm quen với tiểu thư.”- Cô ấy nói xong thì người kia mới chậm rãi đi đến.

Người đàn ông này thoạt nhìn chỉ độ hai mươi, mái tóc được chải ngược gọn gàng, trang phục trên người là một chiếc áo khoác dài màu tím kiểu Trung Hoa, quần lụa dài màu đen, đường may tỉ mỉ tinh tế.

Tướng mạo anh ta cũng rất xuất chúng, mày rậm mắt to, trong ánh mắt phảng phất nét sáng ngời. Khắp người anh ta toát lên một vẻ ung dung tao nhã, nhưng cử chỉ lại có chút lạnh nhạt như không. May mắn là từng động tác giơ tay nhấc chân của người này đều thể hiện được phong thái mà tầng lớp thượng lưu sở hữu, nếu không hẳn là nét lạnh như băng kia càng thêm rõ ràng.

“Cô Phùng, hân hạnh. Tôi là Lăng Hạc Niên.”- Anh ta lên tiếng, giọng nói rõ ràng, ấm áp*, dường như là khẩu âm vùng Thiên Tân.

(Sel: Nguyên văn: Tự chính khang viên – 字正腔圆)

“Chào ngài. Tôi là Phùng Uyển.”- Hứa Lộc lịch sự đáp lại. Hình như trong trí nhớ của cô có chút ấn tượng với người này, nhưng thật sự cô chẳng nhớ nổi là mình đã nghe được từ đâu.

Lăng Hạc Niên cười nói: “Nghe Keiko nói quen được một tiểu thư rất thân thiện khả ái, còn có vốn tiếng Nhật lưu loát. Tôi đã lỗ mãng, hy vọng tiểu thư không trách tội đường đột này.”

Hứa Lộc nghe thấy có người khen mình thì xấu hổ: “Là tiểu thư Tanaka quá lời rồi.”

Vốn là cô có “dụng ý khác”, bây giờ nghe người ta tán dương mình như vậy, cô cảm thấy hổ thẹn vô cùng.

Hàn huyên vài câu xong, ba người đi về phía phòng ăn.

Nhà hàng trên du thuyền này rất phong phú, hành khách có thể tùy ý lựa chọn. Vốn Hứa Lộc chỉ muốn đến nhà hàng Trung Quốc gọi một phần cơm chiên, không ngờ Lăng Hạc Niên và Tanaka Keiko cứ khăng khăng phải đưa cô đến nhà hàng Tây đắt đỏ nhất cho bằng được.

Nơi này được trang trí xa hoa tột độ: Nền nhà trải thảm lông dê màu đỏ, rèm che được kết từ lông thiên nga, trần nhà dát vàng sáng lóa. Bốn bức tường bao xung quanh được tô điểm bởi những phong cảnh Châu Âu qua bàn tay mô phỏng tài tình của các họa sĩ, toàn bộ bàn ghế đều được làm bằng gỗ thượng hạng, bên trên có bàn xoay bằng đồng.

Nhà hàng không có mấy khách, bọn họ chọn một chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ.

Phục vụ tiến lên chào hỏi ngay, sau đó chuyên nghiệp đưa thực đơn mạ vàng đến trước mặt hai quý cô trước. Hứa Lộc chỉ nhìn lướt qua phần giá cả rồi mỉm cười: “Hiếm khi tôi dùng món Tây, phiền hai người quyết định giúp.”

Lặng Hạc Niên cũng không từ chối, cầm lấy thực đơn từ tay cô , vừa hỏi khẩu vị của Hứa Lộc vừa gọi món. Anh ta còn gọi một chai rượu vang Pháp, tiện tay cho thêm tiền boa.


Đám nhân viên nhà hàng biết ngay người này “xuống tay” rộng rãi liền tranh nhau đến bàn để phục vụ.

Lúc ăn cơn, Lăng Hạc Niên và Tanaka Keiko dùng tiếng Anh để nói chuyện với nhau. Vốn tiếng Anh của Hứa Lộc cũng rất khá, vì trong phòng nghiên cứu cũ của cô có vài người ngoại quốc đến hợp tác, bình thường đều là cô đứng ra phụ trách việc thông dịch. Luận văn cũng phải tham khảo rất nhiều tài liệu nước ngoài, nên hiển nhiên Hứa Lộc biết hai người đang nói gì.

Bọn họ đang bàn luận về bài báo trên trang nhất mà ban nãy cô có đọc. Thượng Hải nối tiếng với “đại bách hóa”, địa vị trong giới là ngang nhau. Nay hai trong bốn đã thống nhất, thực lực tăng lên gấp bội, ắt hẳn sẽ tạo thành một sự đe dọa rất lớn cho giới thương nhân tư bản. Nghe nói người đứng sau sự kiện này chính là Phó Diệc Đình, vì thế việc gây ra náo loạn cũng là chuyện trong dự tính.

Hứa Lộc vờ như không hiểu, chỉ cúi đầu ăn tiếp. So với những nhân vật và những câu chuyện không quan trọng kia, thức ăn rõ ràng đáng yêu hơn nhiều.

Các món khai vị và món chính lần lượt được bưng lên, phối hợp rất ăn ý, khẩu vị vừa miệng, ngay cả một người hiếm khi đụng đến món Âu như Hứa Lộc cũng phải trầm trồ trong lòng. Khuyết điểm duy nhất của bữa ăn này là lượng thức ăn quá ít ỏi, cô phải gọi bánh mì miễn phí đến hai lần.

Lăng Hạc Niên thấy cô có vẻ im lặng thì bắt chuyện: “Xin lỗi cô Phùng, chúng tôi đang nói về trang nhất của Thời báo hôm nay, hẳn là tiểu thư cũng đã đọc chứ?”

Hứa Lộc cầm ly thủy tinh lên nhấp một ngụm, nuốt phần thức ăn trong miệng xuống rồi mới gật đầu: “Đã đọc rồi. Tiếc là gia đình tôi chỉ làm ăn nhỏ, hoàn toàn không liên quan gì đến những nhân vật lớn như thế. Hai người cứ trò chuyện thoải mái đi.”

Lăng Hạc Niên thấy vậy cũng chuyển sang chủ đề mới. Anh ta là một quý ông hài hước, cũng không quá lạnh lùng.

Ba người kết thúc bữa ăn trong không khí hòa hợp, Lăng Hạc Niên và Tanaka Keiko lịch sự tiễn cô về tận phòng.

Hứa Lộc cảm ơn hai người lần nữa rồi lịch sự chúc ngủ ngon.

Trên đường trở về, Tanaka Keiko hỏi: “Lăng, vì sao đã đến rồi mà không để lại danh thiếp cho người ta?”

Lăng Hạc Niên đút hai tay vào túi quần, nói với vẻ lười biếng: “Vốn là định sẽ mở thêm mạng lưới quan hệ, bây giờ lại cảm thấy không cần thiết nữa rồi.”

Tanaka Keiko nhìn anh ta với vẻ ngờ vực, Lặng Hạc Niên lại nói: “Vị họ Phùng này là du học sinh, lại ở khoang hạng nhất, mình cứ tưởng gia cảnh cô ấy không tệ. Nhưng ban nãy lúc dùng bữa, người này không những gọi thêm bánh mì miễn phí đến hai lần mà còn không quen uống rượu vang… Quan trọng nhất, cô ấy không có chút hứng thú nào với Phó Diệc Đình. Những biểu hiện này không giống cử chỉ mà những tiểu thư thượng lưu nên có.”

“Vậy biết đâu chỉ là cô ấy không thích chuyện làm ăn. Mình lại cảm thấy khí chất và phong thái của cô Phùng không tệ chút nào.”- Tanaka Keiko giải thích.

Lăng Hạc Niên lắc đầu: “Ở bến Thượng Hải, nào có chuyện nhà làm ăn lớn lại không màng đến Phó Diệc Đình. Vô số kẻ muốn dựa hơi y, muốn kiếm chút cơm thừa ở chỗ y. Thậm chí có người còn dùng trăm phương ngàn kế để y để mắt đến thiên kim nhà mình, tiếc là y chẳng buồn liếc qua lấy nửa cái.”- Lời nói của Lăng Hạc Niên tràn ngập sự giễu cợt.

Tanaka Keiko lẩm bẩm: “Thật như thế sao?”

Lăng Hạc Niên cười với vẻ thần bí: “Đợi cậu đến Thượng Hải rồi, tự khắc cậu sẽ hiểu vị thế của người đàn ông này ở Trung Quốc là như thế nào.”



Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận