Anh Hùng Lĩnh Nam

Hôm sau Nghiêm Sơn và Hoàng Thiều-Hoa kiếu từ nhũ-mẫu trở lại Phiên-ngung. Trước khi mở cuộc họp tổng quát với hai đạo binh mã Hán-trung và Kinh-châu, Nghiêm Sơn họp riêng với bộ chỉ huy đạo Lĩnh-nam. Vương để Trưng Nhị, Phương Dung và Phùng Vĩnh Hoa lần lượt thuyết trình về tình hình Trường-an, Lương-châu, Kinh-châu, Ích-châu và Hán-trung về nhân văn, địa hình, binh tướng... Sau đó vương kết luận :

– Tư-mã Đặng Vũ là một đại tướng giỏi nhất Trung-nguyên. Y cắp gươm theo vua Quang Vũ với cô gia ngay từ ngày mới khởi binh. Y là người thao lược tài kiêm văn võ. Hiện y là lĩnh chức Đại-tư mã, tức một trong Tam-công triều Hán. Y thống lĩnh binh mã chín quận Kinh-châu đánh vào đất Thục. Bên cạnh y còn có Phiêu-kỵ đại tướng quân Sầm Bành, xuất thân Võ-trạng-nguyên thời Vương Mãng, sau y đầu hàng Hán. Sầm Bành là anh hùng vô địch Trung-nguyên, trải trăm trận đánh với các tướng của Vương Mãng, Xích Mi, Công-tôn Thiệu không ai địch nổi y. Trước đây chỉ có Xích Mi Phan Sùng là đấu ngang tay với y mà thôi.

Anh hùng Lĩnh-nam nghe nói vậy đều đưa mắt nhìn Khất đại-phu, Đào Kỳ. Vương lại tiếp :

– Xa-kỵ đại tướng quân Ngô Hán cũng là người theo Kiến Vũ thiên tử và Cô-gia từ lúc khởi binh, vào sinh ra tử trăm trận. Võ công y bình thường, nhưng mưu lược, dùng binh giỏi và có đại đởm. Y thống lĩnh đạo binh mã Trường-an, Hán-trung. Bên cạnh y có Chinh-tây đại tướng quân Phùng Dị, võ công cũng không thua kém Sầm Bành.

Sau khi nghe trình bày về hai đạo binh mã của Ngô Hán và Đặng Vũ, Đào Kỳ hỏi Nghiêm Sơn :

– Trong đạo binh mã Lĩnh-nam, trước khi rời Giao-chỉ đại ca đã phong các vị Lại Thế Cường, Triệu Anh Vũ, Đinh Công Thắng lĩnh ấn đại tướng quân chỉ huy ba đạo Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam. Còn ba đạo Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận chưa có người chỉ huy. Ý đại ca thế nào ? Đại ca định để em trực tiếp điều động các quân, sư hay chỉ định tướng thống lĩnh ?

– Cần phải có tướng chỉ huy ba đạo quân này. Nhưng ta muốn em cử người, để giữa soái và tướng tâm đầu ý hợp.

Đào Kỳ còn hơi bỡ ngỡ, thì Nghiêm Sơn mỉm cười :

– Ta đã dạy sư đệ, phép chọn tướng cần phải đủ năm đức tính: Một là trí. Thiếu trí thì không biết mình, biết người. Hai là dũng, dũng gồm hai phần võ công và đởm lược. Ba là mưu, không mưu thì không thể biến hóa uyển chuyển lừa địch, dùng ít mà có thể thắng nhiều. Bốn là nghiêm, nghiêm để trị quân. Tướng giỏi, binh tinh, lương nhiều mà không kỷ luật cũng vô ích vì đó chỉ là đạo kiêu binh hại nhiều hơn lợi. Năm là tín, không tín thì thượng hạ không đồng tâm, sinh nghi ngờ lẫn nhau, lòng quân tất hỗn loạn. Nào sư đệ muốn đệ muốn đề cử ai ?

Đào Kỳ trầm tư một lát rồi trả lời :

– Điều này tiểu đệ đã thường nghĩ tới. Trong tâm tiểu đệ nghĩ : thân phụ, thúc phụ và cữu phụ. Song các vị đang mang trọng trách ở nhà, ngoài ra còn Mai-động ngũ hùng, các em Hiển Hiệu, Quý Minh cùng sư đệ Quách Lãng. Ngay cạnh đây còn có sư thúc Lương Hồng Châu và Minh Giang, ai cũng có thể đảm đương trọng trách ấy. Vậy căn cứ năm điều lựa tướng, tiểu đệ xin đề cử sư thúc Lương Hồng Châu thống lĩnh đạo Nam-hải, sư đệ Minh Giang thống lĩnh đạo Quế-lâm, sư đệ Hiển Hiệu thống lĩnh đạo Tượng-quận.

Nghiêm-Sơn tươi nét mặt, Vương móc túi ra một tờ hoa tiên trao Đào Kỳ :

– Sáng nay, ta đã bàn với Phương-Dung điều này. Dung muội góp ý nên để sư đệ với tư cách thống lĩnh binh mã Lĩnh-nam tự tuyển tướng, đề cử. Tuy nhiên chúng ta đã ước tính xem sư đệ sẽ đề cử ai. Bây giờ sư đệ mở giấy coi thử.

Đào Kỳ mở ra coi, thấy ghi : Đạo Nam-hải Lương Hồng-Châu, đạo Quế-lâm Hoàng Thiều-Hoa, đạo tượng-quận Đào Hiển-Hiệu.

Nghiêm Sơn cười :

– Sư đệ thấy không ? Ta đoán sai một chút về đạo Quế-lâm. Ta đoán, Quế-lâm là quê hương ta, tất sư đệ phải cử Hoàng sư tỷ vào chỗ đó. Nào ngờ sư đệ không thiên vị tình thâm, lấy lẽ công minh cử Minh Giang. Giỏi ! Sư đệ tiến mau hơn ta ước tính. Lương sư thúc, Minh Giang hiện có đây. Còn Đào Hiển Hiệu vừa mang tin Giao-chỉ tới, cũng có mặt từ hôm qua. Ta đồng ý, vậy sư đệ cho mời ba vị vào đây.

Đào Kỳ ghi thiếp mời ba người tới khẩn cấp. Cả ba đều không hiểu chuyện gì xảy ra. Nghiêm Sơn đứng dậy nói :

– Chúng ta vì đạo nghĩa, mưu cầu hạnh phúc cho trăm họ, vậy nhờ các vị ghé vai ghánh vác. Cô gia từ Lĩnh-nam về tăng viện Trung-nguyên có 6 đạo quân. Ba đạo Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam đã có ba vị hiệp nghĩa thống lãnh. Còn ba đạo Quế-lâm, Nam-hải và Tượng-quận thì chưa. Cô gia đã hỏi ý Chinh-viễn đại tướng quân. Tướng quân đề cử ba vị. Vậy, phụng lệnh Kiến-vũ thiên tử, nhân danh Lĩnh-nam vương cô gia mời :

– Sư thúc Lương Hồng-Châu thống lĩnh đạo Nam-hải, 3 quân bộ, 3 sư kỵ. Lĩnh ấn Vũ-oai đại tướng quân.

– Sư đệ Đào Hiển-Hiệu thống lĩnh đạo Tượng-quận, 3 quân bộ, 3 sư kỵ. Lĩnh ấn Hổ-nha đại tướng quân.

– Tướng quân Minh Giang thống lĩnh đạo Quế-lâm, 3 quân bộ, 3 sư kỵ. Lĩnh ấn Phấn-oai đại tướng quan.

Cả ba lạy tạ Lĩnh-nam vương nhận ấn. Lương Hồng-Châu, Đào Hiển-Hiện đều là người giang hồ, tuy vui vẻ vì cầm quân cho mục đích phục hồi đất Lĩnh-nam, nhưng không thích lắm khi nghĩ đến sự gò bó trong quân lữ. Riêng Minh Giang sự vui mừng cảm động hiện ra mặt, vì đang là quân trưởng, một bước được đề cử làm đại tướng quân.

Thấm thoát đã đến buổi họp toàn quân phạt Thục. Nghiêm Sơn chủ tọa buổi hội, chỉ có sự hiện diện thống soái các mặt trận cùng bộ tham mưu. Ngô Hán dẫn theo gần 30 người, Đặng Vũ dẫn theo 40 người. Còn Đào Kỳ, phía Lĩnh-nam chỉ có 20 người.

Khi vào phòng họp, tướng hai đạo kia thấy tướng đạo Lĩnh-nam hầu hết còn rất trẻ, lại có đến ba thiếu nữ cực kỳ diễm lệ do một thiếu niên anh tuấn dẫn đầu, thì ngẩn người ra. Họ ngắm nhìn Vĩnh Hoa, thấy nàng khoảng 20 tuổi, mặc quần áo lụa trắng khoác khăn xanh đai hồng, lưng đeo bảo kiếm, trông như một tiên nữ trong tranh. Trưng Nhị mặc quần áo lụa hồng, cũng chỉ khoảng trên 20, cổ khoác khăn trắng, đai màu xanh, không mang vũ khí, dáng điệu uy nghiêm, nhưng không dấu được vẻ yêu kiều. Phương Dung còn trẻ hơn nữa, họ ước đoán nàng chỉ độ 16-17 tuổi, mặc quần áo lụa xanh cổ khoác khăn hồng đai vàng sẫm, lưng đeo bảo kiếm. Họ thầm nghĩ không biết cô này làm gì trong đội quân Lĩnh-nam ?

Sau phần giới thiệu, Nghiêm Sơn chỉ định Đặng Vũ thuyết trình trước.

Đặng tường trình về đạo Kinh-châu : quân số trên 25 vạn, trong đó chỉ có hơn vạn kỵ binh. Mới đây bị tổn thất ba trận liền, được bổ sung nhưng chưa phục hồi quân khí. Phía quân Thục đương đầu với Kinh-châu có khoảng 15 vạn cố thủ trong thành, quân ít nhưng nhờ địa thế hiểm trở đã làm Đặng Vũ thiệt quân, mà không có cách nào chiếm được. Theo ý Đặng Vũ nếu có đánh, chỉ gây tổn thất thêm và không hy vọng chiếm thành.

Thấy y ngưng nói Phương Dung hỏi :

– Đại tư mã, tôi nghe đạo Kinh-châu có Phiêu-kỵ đại tướng quân Sầm Bành, võ công vô địch Trung-nguyên. Không biết các tướng bên Thục, võ công như thế nào ?

Đặng Vũ thấy cô bé lên tiếng hỏi, y nhìn Nghiêm Sơn, ngụ ý xem có phải trả lời hay không.

Nghiêm Sơn nói :

– Tôi xin giới thiệu với Đại-tư mã và chư tướng đây là Đào phu nhân, nhũ danh Phương Dung. Các vị cứ gọi bằng nhũ danh. Vì người Lĩnh-nam thích được gọi bằng tên thời con gái hơn là tên chồng.

Bấy giờ Sầm Bành mới đứng lên, chậm rãi trả lời thay Đặng Vũ :

– Võ công của tôi thiên về dương cương. Tôi sử dụng đại đao. Còn tướng Thục võ công cao nhất là Công-tôn Thiệu và Chu Vũ. Chúng thuộc phái Thiên-sơn. Chúng sử dụng kiếm. Về võ công chúng thấp hơn tôi một chút.

Đến lượt Ngô Hán thuyết trình. Ngô là người đọc sách, nói năng lưu loát. Ngô cho biết đạo Hán-trung có 20 vạn quân, trong đó có 4 vạn kỵ binh. Mới đây bị thua một trận. Tướng Thục là Thái-tử Công-tôn Tư, lĩnh chức Đại-tư mã, văn võ kiêm toàn, dùng binh giỏi. Kết quả trong cuộc giao chiến với Thục, Hán thắng 6 trận và bại 4 trận. Thục thủ trong thành kiên cố, tướng sĩ hết lòng, nên Hán không tiến nổi.

Nghiêm Sơn và chúng tướng nghe trình bày tiếp tình hình địch từng địa phương, cùng cá tính, khả năng, tật xấu và cả bệnh tật của từ vua là Công-tôn Thuật cho tới các tướng sĩ văn võ. Đến chiều, Vương truyền bãi họp và hẹn giờ thìn hôm sau tái họp.

Buổi tối, sau khi cơm nước xong, Nghiêm Sơn mời họp riêng tất cả anh hùng Lĩnh-nam. Vương hỏi Trưng Nhị :

– Trưng cô nương nghĩ sao ?

Trưng Nhị đặt lại câu hỏi :

– Nghiêm đại ca là ân nhân, anh em kết nghĩa với Kiến-vũ Thiên tử, cần phải công bằng, coi hai đạo quân kia như đạo Lĩnh-nam. Đó là điều để cho tướng sĩ phục tùng. Vì vậy, những gì khó khăn có phải đại ca định để cho đạo Lĩnh-nam gánh vác, những gì dễ dàng sẽ để cho Kinh-châu và Hán-trung đảm nhiệm. Có đúng thế không ?

Nghiêm Sơn gật đầu. Trưng Nhị tiếp :

– Vậy tôi đề nghị chúng ta chia ra làm ba mặt đánh Ích-châu : mặt Tây do Ngô Hán, mặt Đông do Đặng Vũ, mặt Nam trao cho Đào Kỳ. Hai mặt kia địch có quân phòng thủ kỹ lưỡng, ta cần tấn công ráo riết hầu cầm chân địch. Đồng thời cho quân băng rừng, vượt núi đánh vào sau lưng địch. Khi ta đột nhập được vào phía sau, địch không kịp huy động quân phòng thủ, Ích-châu sẽ rối loạn, chỉ cần đánh một trận là xong.

Phùng Vĩnh-Hoa cũng tiếp lời :

– Hôm nay các đạo đều kêu ca binh sĩ, lừa ngựa tổn thất không được bổ sung. Xin đại ca truyền lệnh bắt Thái-thú 9 quận Kinh-châu bổ sung cho Đặng tướng quân. Thái thú các vùng Trường-an, Kỳ-sơn, Lương-châu bổ sung cho Ngô Hán; như đại ca đã ra lệnh cho 6 Thái-thú Lĩnh-nam bổ sung cho Đào sư đệ.

Minh Giang nhìn Đào Kỳ, Phương-Dung gật đầu tỏ ý thông hiểu. Sau khi bàn các chi tiết đến tận khuya, mọi người mới đi ngủ.

Sáng hôm sau giờ thìn, lại khai hội. Nghiêm Sơn lên trướng ngồi. Đợi mọi người an tọa, Vương đứng dậy giới thiệu :

– Hôm nay tôi giới thiệu với các vị tướng quân : Đào phu nhân, quân sư của chúng ta.

Tướng, soái các đạo cùng nhìn nhau thất kinh hồn vía, tự hỏi : Nghiêm Sơn là tướng tài kiêm văn võ, mưu lược hơn người, sao lại dùng cô bé này làm quân sư ? Không lẽ để cô ra trận cho quân giặc mê man mà chết chăng ?

Đợi tiếng xì xào ngớt, Nghiêm Sơn lại mời Trưng Nhị đứng dậy :

– Đây, Trưng Nhị cô nương, quân sư đạo Kinh-châu giúp Đặng tư mã.

Mọi người lại kinh ngạc lần nữa. Biết thế, nhưng Vương lại lờ đi tiếp tục chỉ Phùng Vĩnh Hoa :


– Còn đây cô nương Phùng Vĩnh-Hoa, quân sư đạo Hán-trung giúp Ngô tướng quân.

Mọi người nhìn ba cô gái Việt mảnh mai, yểu điệu, thầm nghĩ : các cô gái xinh đẹp, ẻo lả thế kia, chỉ cần nhìn thấy tướng giặc cũng đủ khiếp vía, vậy còn điều khiển ai đây ?

Sau đó Vương trao ấn kiếm cho Phương-Dung, Trưng Nhị, Phùng Vĩnh-Hoa. Rồi Vương nói với Phương-Dung :

– Xin mời quân sư Phương-Dung điều quân .

Phương-Dung tiến lên đài, ngồi xuống cẩm đôn, đặt thanh kiếm lên bàn, đoạn nàng thản nhiên như đã cầm quân lâu ngày, từ tốn nói :

– Xưa đức Cao-tổ từ Thục xuất chinh đánh Hạng Vũ sở dĩ Hoài-âm hầu Hàn Tín yên tâm đánh giặc vì biết chắc Thừa-tướng Tiêu Hà cung ứng đủ lương thực, bổ sung binh mã kịp thời. Lương thực là mạch máu của tướng sĩ, vậy ta phải chuẩn bị đầy đủ.

Các tướng nhìn nhau, gật đầu tỏ ý khâm phục. Phương-Dung ngừng một lúc để mọi người thấm ý nàng, đoạn tiếp :

– Vì vậy đạo quân Hán-trung thì các Thái-thú Đông-xuyên, Trường-an, Lương-châu phải lo cung cấp. Còn đạo quân Kinh-châu thì 9 Thái-thú sở tại phải lo toan. Số lương thảo phải đủ dùng trong ba tháng. Hẹn một tháng phải vận tải ra mặt trận. trễ một ngày sẽ chiếu quân pháp trị tội.

Đặng Vũ, Ngô Hán gật đầu bằng lòng vui mừng ra mặt. Còn các Thái-thú liên hệ nhìn nhau lo sợ. Phương-Dung tiếp :

– Đạo Hán-trung vừa bị hao hụt, cần phải bổ sung tân binh. Ta mới thua, địch mới thắng, nhuệ khí địch tăng. Nay ta đem tân binh mới mộ ra trận, làm sao Ngô tướng quân thắng giặc ? Vậy các đô úy 9 quận Hán-trung, 9 quận Tây-lương, 12 quận Lũng-thương phải lựa binh tinh nhuệ trong các đội quân địa phương bổ sung kịp thời. Sau đó tuyển tráng đinh lấp chỗ trống. Hẹn trong một tháng phải xong. Giao nạp trễ hẹn, binh lính yếu đuối già nua bệnh tật, cũng chiếu quân pháp trị tội.

Các đô úy liên hệ ngơ ngác nhìn nhau thì thào :

– Trời ơi ! Quân sư cô nương này sao ác thế. Lấy hết tinh binh, lỡ có việc mình làm sao đây ?

Ngô Hán nhìn Phương-Dung với con mắt khác, với đầy sự khâm phục. Nàng lại tiếp :

– Binh pháp nói : "Một ngày nuôi quân, tốn tiền của dân chúng không biết bao nhiêu mà kể". Chúng ta phải tốc chiến, để đỡ tốn tiền của dân. Kinh Thi nói : "Trời sinh ra trăm dân". Khổng tử nói : "Ý dân là ý trời" . Vậy ta phải làm sao cho dân đỡ khổ vì binh dịch. Đạo quân Kinh-châu đã có nhiều võ tướng anh hùng, đủ sức đàn áp địch không cần thêm tướng. Tuy nhiên ta án binh lâu ngày, giặc khinh thường, vậy cần dồn quân đánh chiếm một thành cho địch mất nhuệ khí. Đặng đại-tư mã, nếu tôi có cách làm cho quân Thục không dám lên mặt thành chống cự trong vòng một giờ, liệu tướng quân có vào được thành không ?

Đặng Vũ hiên ngang nói :

– Chỉ cần nửa giờ binh tướng của tôi đã vào được thành rồi !

Nghe vậy Phương-Dung nói :

– Vậy nữ tướng Hồ Đề sẽ cho một đội quân đặc biệt đánh cho quân Thục không dám lên mặt thành ít nhất là nửa giờ. Bây giờ tôi định thế này : Khi trở về Đặng tư mã cho khiêu chiến với địch. Nữ tướng Hồ Đề sẽ cho kỳ binh xuất hiện, đánh giặc một trận long trời lở đất. Binh Thục mất tinh thần phải rút vào thành cố thủ. Xin Đại tư mã cho quân vây thành, lúc đó nữ tướng Hồ Đề sẽ làm cho binh lính trên mặt thành tê liệt trong vòng một giờ, để Đặng tư mã lấy thành.

Đặng Vũ hỏi lại :

– Xin quân sư cho biết đội quân đặc biệt đó là quân gì ?

Phương Dung đưa măét nhìn Hồ Đề. Nàng đứng dậy vỗ hai tay vào nhau cười khúc khích.

– Điều này tối cơ mật, ngay Lĩnh-nam vương gia còn chưa biết. Nhưng tôi xin bảo đảm quân giặc sẽ bị tê liệt trong vòng nửa giờ. Sau khi lấy được thành Đặng tư mã sẽ phải cười bò về đạo quân quái gở của tôi.

Phương-Dung tiếp :

– Nữ tướng Hồ Đề cần một quân sư đi theo, vậy đệ nhị quân sư Trưng Nhị hãy theo giúp. Ta cũng cần một võ lâm cao thủ bậc nhất theo nàng, đề phòng bên địch cho cao thủ xuất trận. Vậy nữ tướng Phật-Nguyệt, Trần Năng, Lê Chân sẽ theo trong quân. Tất cả đặt dưới quyền điều khiển của Long Nhượng đại tướng quân Lại Thế-Cường.

Phương-Dung lại tiếp :

– Về đạo quân Hán-trung tôi sẽ tăng viện cho Xa-kỵ đại tướng quân các cao thủ đệ nhất. Xin Khất đại phu điều khiển các tướng Quỳnh-Hoa, Quế-Hoa đi theo trong quân. Đệ tam quân sư Phùng Vĩnh-Hoa sẽ đi theo các vị. Các vị cũng được tăng cường đặc biệt Trường-yên đại hiệp Cao Cảnh-Minh với đội thần nỏ Âu-lạc. Sau khi đội quân Tây-xuyên được bổ sung đầy đủ hãy xuất trận. Trận đầu cần nhất Khất đại-phu trổ thần oai đánh bại đệ nhất cao thủ địch, làm chúng mất nhuệ khí, quân ta sẽ thừa thế tràn lên, địch thua một trận tất vào thành cố thủ. Bấy giờ khi quân đánh chiếm thành xin Trường-yên đại hiệp cho thần nỏ Âu-lạc xuất hiện ở bốn cửa thành bắn chết tướng trấn thủ. Giặc kinh hồn bỏ chạy, quân sư Phùng Vĩnh-Hoa sẽ có kế bắt hết.

Đợi mọi người ghi nhớ hết kế hoạch, Phương-Dung tiếp :

– Một giặc cố thủ, trăm người khó đánh. Binh thư còn ghi : "Phù ! Dụng binh chi đạo, công tâm vi thượng, công thành vi hạ. Tâm chiến vi thượng, binh chiến vi hạ". Nghĩa là đạo dụng binh cần đánh vào tâm lý địch, hơn là đánh thành địch. Tâm chiến là kế tốt, binh chiến là kế tồi. Ta cần cho giặc táng đởm kinh hồn hai trận ở hai nơi Hán-trung và Kinh-châu, lòng chúng lo sợ, tất bại trận dễ dàng.

Các tướng ngơ ngẩn nhìn nhau. Vì những điều Phương-Dung dẫn ra trong binh pháp, họ đều thuộc lòng. Nhưng họ không biết cách áp dụng mà thôi. Nay thấy Phương-Dung áp dụng một cách thần kỳ, thì tỏ lòng khâm phục. Bất giác họ ngước mắt nhìn quân sư, chỉ vẫn thấy khuôn mặt mỹ ái, nhu nhã.

Nàng lại tiếp :

– Sau khi chiếm được ải, hai đạo quân án binh bất động, nhưng phải theo dõi sát quân địch. Hễ chúng rút lui thì rượt đánh, nhưng đừng chém giết chi hết. Chỉ chận đánh một nữa, còn cho một phần chạy thoát... Như vậy khi tàn quân kéo về ải thứ nhì, sẽ làm quân trú phòng mất tinh thần luôn, ta sẽ lấy dễ dàng mà không hao binh tổn tướng...

... Bây giờ mới tới đạo quân Lĩnh-nam. Quân Lĩnh-nam chưa xuất trận, tinh thần và thể xác còn khỏe vậy lĩnh nhiệm vụ nặng hơn. Đạo quân này Chinh-viễn đại tướng quân Đào Kỳ điều động theo kế hoạch đã do Lĩnh-nam vương trù liệu kế sách.

Đến đây Thiên thủ viên hầu Lại Thế-Cường hỏi :

– Tôi thống lĩnh 4 vạn quân bộ, 8 ngàn kỵ binh Nhật-nam. Tôi được tăng cường cho Đặng tư mã, vậy có mang theo bản bộ binh mã lên Kinh-châu không ?

Nghiêm Sơn quyết định :

– Dĩ nhiên ! Tướng đâu, quân đó.

Đào Kỳ nói :

– Tôi đánh vào Thục, chiếm thành phá ải. Đọat được thành, việc bổ nhiệm người trấn thủ sẽ do ai chịu trách nhiệm ?

Nghiêm Sơn nói :

– Đâào tam đệ giỏi dùng binh, võ công vô địch, nhưng tam đệ chỉ là người ngồi trên lưng ngựa mà thắng giặc, chứ không phải người ngồi trên mình ngưạ mà cai trị dân. Ta sẽ cử Nam-hải nữ hiệp và vương phi theo giúp tam đệ việc đó.

Sau cùng Phương-Dung căn dặn Đặng Vũ :

– Đại tư mã là dũng tướng, tuy nhiên nên nán đợi quân Lĩnh-nam đánh vô sau lưng Thục đã rồi hãy động binh. Tuyệt đối không nên ra binh trước.

Ngô Hán vốn là văn quan nghĩ : từ phía Nam đánh vào đất Ích-châu, phải qua biết bao rừng núi, sông ngòi hiểm trở. Làm sao đưa cả một đạo quân vào được ? Đào phu nhân là quân sư, ước tính mưu cơ sâu xa, mà đưa chồng vào hiểm địa chắc bà phải có kế hoạch toàn thắng mới làm. Nhưng kế hoạch nào đây. Có 4 con sông từ Lĩnh-nam thông với Ích-châu. Nhưng Lĩnh-nam ở phía Nam, nước chảy từ Ích-châu xuống như thác đổ, làm sao đi được. Lại còn núi cao, rừng rậm, đường sạn đạo khó đi. Vậy mà sao như thấy bà đã nắm chắc phần thắng. Ly kỳ thật.

Trước khi tan họp, Phương-Dung ngoắc Ngô Hán :

– Xa-kỵ đại tướng quân ! Tôi muốn hỏi thăm tướng quân vài việc riêng. Tan họp xin tướng quân ở lại.

Tướng sĩ các đạo đều ra về. Ngô Hán theo Phương-Dung vào mật trướng, bên ngoài có Trần Quốc, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa canh gác cẩn mật.

Sau khi an tọa Phương-Dung rót nước mời Ngô Hán :

– Ngô tướng quân ! Ngài là tôi rường cột nhà Đại-hán, việc lập công kiến tạo sự nghiệp như Lưu hầu Trương Lương, Hoài-âm hầu Hàn Tín, Thừa tướng Tiêu Hà là chí của tướng quân. Còn chúng tôi là người Lĩnh-nam, ưa tiêu dao tự tại, cứu khốn phò nguy. Tôi được biết Kiến-vũ Thiên tử hứa rằng, ai bắt được Công-tôn Thuật sẽ được thay thế làm chúa Ích-châu. Nay tuy ta có ba đạo quân, song chỉ có tướng quân với Đặng tư mã tranh nhau mà thôi. Trước kia Cao-tổ nói : ta ngồi trên mình ngựa mà được thiên hạ. Trương lưu hầu thưa rằng : Bệ hạ ngồi trên mình ngựa mà được thiên hạ, nhưng không thể ngồi trên mình ngựa mà cai trị thiên hạ. Theo thiển kiến, giữa tướng quân và Đặng tư mã, cả hai cùng có thể ngồi trên mình ngựa mà được Ích-châu. Nhưng chỉ riêng tướng quân là có thể cai trị Ích-châu. Cho nên tôi muốn giúp tướng quân bắt Công-tôn Thuật.

Ngô Hán là người đọc sách, nhìn xa trông rộng, y biết Phương-Dung nói thực. Y nghĩ Phương-Dung gọi y vào đây, là có ý muốn bắt y chịu một điều kiện gì mới giúp y, y hiên ngang nói :

– Nếu Đào phu nhân giúp tôi thành công, nguyện không quên ơn.


Vĩnh-Hoa đứng bên cạnh tiếp :

– Đặng Vũ có uy dũng, nhưng hơi tàn nhẫn. Bây giờ ông ấy chưa gặp thời còn khá, khi tới thời rồi sẽ chỉ biết mình mà thôi. Nếu ông ta thành công nắm Ích-châu trong tay, sẽ tàn ác với thiên hạ, không còn úy kỵ ai nữa ? Còn tướng quân, nếu được Ích-châu, tướng quân sẽ đem đạo Khổng, Mạnh trị dân, khiến cho dân được sung sướng. Tướng quân sẽ lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân. Vì vậy chúng tôi muốn giúp tướng quân.

Ngô Hán liếc nhìn Phương-Dung, Trưng Nhị, Phùng Vĩnh-Hoa thầm nghĩ : Ba vị cô nương này về nhan sắc e chánh cung nương nương cũng thua xa. Ta lại nghe đồn võ công vô địch, mưu thần, chước thánh, lại là người thủ tín. Ta cũng chẳng nên dấu diếm tâm sự, e phụ lòng tri kỷ. Nghĩ vậy y nói :

– Ba vị Quân-sư có chi dạy bảo cứ nói. Ngô Hán nguyện tuân theo.

Phương-Dung nói :

– Điều thứ nhất xin tướng quân chỉ điểm cho địa hình, địa vật, nơi đồn trú của giặc ở phương Nam Ích-châu.

Rõ ràng Ngô Hán đã thuyết trình đầy đủ tình hình quân giặc, nhưng tại sao Phương-Dung còn hỏi? Như vậy là nàng muốn giữa đạo quân Đào Kỳ với y có sự thống nhất làm việc. Là người thông minh, y đáp ngay :

– Không hiểu chiến thuật của quân sư đánh từ phía Nam lên như thế nào ? Theo tôi nghĩ, ta đưa được lọt một đạo quân nhỏ vào chiếm bất cứ cửa ải làm đầu cầu tất xong việc.

Y ngẫm nghĩ một lát rồi tiếp :

– Vì nghĩ đến việc đó nên tội cho tế tác do thám quân tình giặc rất kỹ. Tôi thấy hai lộ trình có thệ tiến đánh Ích-châu : Một là từ phía Kim-sa giang, phải qua ải Độ-khẩu. Lấy được Độ-khẩu có thể dùng thuyền chiếm Tây-xương. Từ Tây-xương do đường bộ đến Hán-nguyên, chiếm được Hán-nguyên, đường đến Thành-đô không xa là bao. Nhưng khó nhất là nhiếm được Độ-khẩu. Chỗ này nơi ba con sông lớn gặp nhau thác nước rất mạnh. Công-tôn Thuật cho trấn ở đây một Lữ bộ và một Hải đội. Nếu giặc cố thủ không có cách nào đánh vào. Thành nằm trên bờ sông có ba cửa, còn một cửa do hải quân đóng. Nếu có cách nào vượt sông đánh úp Hải đội, thì chiếm được thành. Từ đây lên Tây-xương có thể bị quân Phổ-cách, Mỹ-cơ đánh chặn hậu. Đường thứ nhì từ Xích-thủy đánh lên Long-xương, nhưng núi non hiểm trở vô cùng, nhất là phải vượt qua núi cao, vách đá dựng đứng đến 1500 trượng (3000 mét ngày nay). Nếu ta chiếm được Long-xương, đánh vào Thành-đô dễ như lấy đồ trong túi.

Trưng Nhị gật đầu :

– Thế thì chúng ta đánh cả hai đường. Ta không cần nhiều, chỉ cần đem một số tinh binh, đánh phá làm địch hoang mang, hoảng sợ. Rồi phô trương thanh thế khiến địch bỏ chạy tứ tán ra. Vậy khi trở về tướng quân đánh một trận, rồi án binh bất động, chờ Đào Kỳ, Đặng Vũ tiến quân. Khi chúng tôi vào Thành-đô tất Công-tôn Thuật cùng tướng sĩ sẽ chạy qua mặt Tây. Bấy giờ đạo quân Đào Kỳ án ở trước, Đặng Vũ không đuổi theo Thuật được. Tướng quân ở đối diện với giặc, chỉ đánh một trận là bắt được y.

Phương-Dung tiếp lời :

– Khi bắt được Thuật, tướng quân sẽ được phong trấn thủ Ích-châu. Tôi chỉ xin tướng quân dùng nhân đức trị trăm họ, lưu danh muôn thuở mà thôi.

Ngô Hán nghe như tỉnh cơn mê vâng dạ lên đường.

Tối hôm ấy, anh hùng Lĩnh-nam cùng họp mặt với nhau. Hồ Đề thắc mắc :

– Tại sao chúng ta giúp Ngô Hán mà không giúp Đặng Vũ.

Phùng Vĩnh-Hoa cười :

– Giúp Ngô Hán là ta tự giúp ta. Nếu sau khi được Ích-châu, Hán-đế thuận trả Lĩnh-nam thì tốt, bằng không tất chúng ta phải khởi binh. Một trong hai tướng Ngô Hán hoặc Đặng Vũ sẽ cầm quân đánh Lĩnh-nam. Đối phó với Đặng Vũ rất dễ. Võ công y cao, nhưng không hơn Đào hầu, Đinh hầu. Chỉ cần Phương-Dung, Đào Kỳ hoặc Khất đại phu là đủ giết y. Nhưng đối phó với Ngô Hán khó hơn. Y là người đọc sách, thâm mưu viễn lự, làm việc gì cũng cân nhắc kỹ. Nếu nay ta giúp Ngô Hán được làm chúa Ích-châu. Người cầm quân tất phải là Đặng Vũ dễ cho ta hơn.

Mọi người đều cho là phải.

Sau khi Đặng Vũ, Ngô Hán đi rồi, Nghiêm Sơn hỏi Phương-Dung :

– Ta thấy từ phía Nam đánh lên, muôn ngàn khó khăn, muội có cách nào chưa ?

– Hiện giờ thì chưa, nhưng chúng ta có một đội binh rất đặc biệt, đó là đội Giao-long binh do sư bá Trần Quốc Hương cho đi theo đại ca trợ chiến. Ta lại có thêm Giao-long nữ cùng Mai động ngũ hùng và Giao Chi thạo thủy tính vào bậc nhất thiên hạ thì việc chiếm Độ-khẩu chắc có thể được. Còn đạo quân của sư tỷ Hồ Đề có thể vượt núi Kim-sơn mà vào thành Long-xương.

Nói xong, nàng cho mời Triệu Anh-Vũ, Đinh Công-Thắng phân công :

– Xin hai vị sư bá đi thám thính núi Kim-sơn, tìm đường vượt núi vào Thục. Còn Đào-lang, Giao-long nữ và tôi sẽ đi thám sát Độ-khẩu. Khi chúng tôi đi rồi, xin đại ca cho dời bản doanh đạo Lĩnh-nam lên Côn-minh trước.

Trước khi đi, Nghiêm Sơn căn dặn :

– Các vị lên đường cần ghi nhớ : Nhất thiết không được lộ hình tích. Dù vùng Độ-khẩu, Xích-thủy là lãnh địa Tượng-quận. Thái thú Tượng-quận là Cù Anh-Thông, người thứ tư trong Hợp-phố lục hiệp. Đô úy là sư thúc Trương Thủy-Hải. Đô sát là sư đệ Đinh Công-Minh. Trước lúc họ lên đường nhậm chức, cô gia đã chỉ thị cho các vị ấy phải bỏ nhiều vàng bạc thám thính tình hình Thục. Bây giờ ta đánh mặt Nam là dùng kỳ binh, mà dùng kỳ binh thì chỉ cần giặc biết trước nửa ngày là bao nhiêu công lao, kế hoạch phải bỏ hết.

Giao-long nữ là một cô gái 17 tuổi, khi ở với Trần Quốc-Hương, ông cưng chiều như trứng mỏng, coi nàng như một thiếu nữ thơ ngây. Từ khi đi theo Đào Kỳ, Phương-Dung đến giờ, nàng được coi như người lớn, lại trở thành một tướng quân nên nàng mừng lắm. Hôm xảy ra trận đánh Đăng-châu, Đào Kỳ trao nàng một nhiệm vụ rấr khó khăn mà nàng hoàn thành dễ dàng. Bây giờ lại được Nghiêm Sơn đặt ngàng ngang với các danh tướng Trung-nguyên như Đặng Vũ, Ngô Hán thì hết sức phấn khởi. Thấy Ngô Hán cho rằng không nào qua nổi cửa Độ-khẩu, mà Phương-Dung lại tin rằng có nàng thế nào cũng vượt sông được, thì bảo sao nàng không hãnh diện?

Hôm nay ba người Đào Kỳ, Phương-Dung và Giao-long nữ lên đường giả làm học trò Lĩnh-nam sang học nghề canh nông, để che mắt địch. Dọc đường Trần Quốc được Đào Kỳ chỉ điểm thêm về võ công, nàng học rất mau. Đêm nào nàng cũng thức tới canh ba để luyện võ. Trước đây nàng rất ít đọc sách, nay Phương-Dung khuyên rằng sau này nàng sẽ là Đô-đốc thống lĩnh thủy binh, cần phải nghiên cứu binh pháp. Dọc đường Phương-Dung giảng sách cho nàng, chiều tối Đào Kỳ dạy võ. Nàng bừng bừng vui mừng, càng nghĩ, càng nhớ ơn sư phụ: nàng chỉ là đứa trẻ mồ côi không cha, không mẹ, được sư phụ thương mang về nuôi nấng dạy dỗ. Rồi do sư phụ, nàng được quen những nhân vật kỳ vĩ của Lĩnh-nam. Những lúc không đọc sách nàng thường nhớ lại trang Thiên trường, nhớ đến khuôn mặt từ ái của sư mẫu, đến khuôn mặt cương quyết, hiền hòa của sư phụ. Nàng nghĩ :

– Ta cứ học võ, đọc binh thư, đợi khi về Giao-chỉ thăm sư phụ, sư mẫu chắc người sẽ vui sướng khi thấy ta học được nhiều học thuật quý báu của thế gian. Nàng lại tự hỏi : Tại sao Phương-Dung, Đào Kỳ lại tử tế với mình như vậy ? Bâng khuâng mãi nàng mới tìm ra, hai người thương nàng chẳng qua nàng có bản lĩnh thủy tính hơn đời, chẳng qua hai người với nàng cùng mưu phục hồi Lĩnh-nam mà thôi. Phương-Dung giảng muốn thắng giặc, phải tự biết mình, biết giặc. Nàng tự hỏi : Biết mình là biết Giao-long nữ, biết giặc là biết tướng chỉ huy thủy quân của giặc. Ừ nhưng nàng đã biết Đô đốc giặc là ai đâu ? A phải rồi biết mình là biết sông ngòi, nước thủy triều lên xuống giờ nào. Tại mỗi con sông, nước sâu hay cạn, chỗ nào nước xoáy, và biết khả năng thủy thủ. Nhưng mình đã có thủy quân đâu ? Còn biết người là biết thủy quân địch. Thủy quân Hán dùng toàn chiến thuyền to lớn, vậy mình phải có chiến thuyền lớn hơn thuyền địch để chiếm ưu thế. Nhưng đóng thuyền lớn thì tốn tiền và lại khó vào sông nhỏ. Vậy mình thay vì đóng thuyền lớn, thì đóng thật nhiều thuyền nhỏ khoảng ba bốn người chèo, từ sông lạch nhỏ đổ ra thuyền lớn mà đánh hoặc đốt cháy bằng cỏ, hoặc đục thủng thuyền địch. Thắng rồi cướp lấy thuyền lớn của giặc. Còn như thua thì chèo chạy vào lạch, ngòi nhỏ sợ gì ? Ừ được, ta làm như vậy thì xong.

Dọc đường, đi qua các sông ngòi có thuyền của người Hán, nàng nghĩ : Không biết thuyền của Hán có gì hơn thuyền Giao-chỉ không ? Nếu họ có gì hơn mình thì phải bắt chước mới được. Để ý quan sát, quả nhiên nàng thấy đến 5, 6 kiểu thuyền Hán khác xa thuyền Việt, nàng lấy bút cặm cụi vẽ kiểu và ghi chú chi tiết bên cạnh.

Chiều hôm ấy, ba người tới Độ-khẩu, dân vùng này lẫn lộn người Việt, người Hán. Họ phục sức hơi khác người Giao-chỉ, giọng nói nặng như giọng Cửu-chân. Phương-Dung chỉ địa thế nói :

– Kìa ba con sông Kim-long, Nhã-long giang, Đinh-hà gặp nhau, chia làm bốn ngả, nước chảy xiết gần như thác cuộn. Bên này thuộc Hán, bên kia thuộc Thục. Thành bên Hán là Vĩnh-nhân, xây trên ngọn đồi cao, dựa vào một vách núi, có thác cước đổ xuống. Còn sông Kim-sa giang rộng tới mấy trăm trượng, dưới sông Hải đội gồm 10 chiến thuyền lớn và hơn 50 chiến thuyền nhỏ, đậu sát nhau. Thủy thủ sống trên thuyền trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Bên kia sông là thành Độ-khẩu xây theo hình tam giác, mũi nhọn là nơi hai con sông Kim-sa giang và Nha-long giang hợp lại. dưới sông cũng có nhiều chiến thuyền lớn nhỏ, đậu san sát. Trên mặt thành, gươm đao, cung tên sáng ngời, luôn có quân sĩ tuần hành.

Đào Kỳ nhìn qua nói :

– Ngô Hán nói đúng, dùng thủy quân đánh sang bên kia, thì không lên được thành. Còn dùng bộ binh lại không có đường sang. Muốn dùng thuyền chở quân vượt sông thì gặp thủy quân chặn đánh. Nước chảy xiết thế kia, thuyền chở quân nặng làm sao chèo nổi ?

Ba người vào một quán bên sông ăn bánh, uống nước. Chủ quán thấy một thiếu niên kỳ vĩ, hùng tráng và hai thiếu nữ trẻ đẹp đi theo, cả ba đều cỡi ngựa. Cho rằng khách sang, tiếp đón niềm nở. Trong quán có một thiếu nữ chiêu đãi xinh xinh, nàng tiến ra hỏi :

– Khách quan dùng gì ?

Đào Kỳ xin cho ăn bánh bao, uống trà. Cô gái thấy Đào Kỳ nói giọng lạ hỏi :

– Khách quan từ xa tới đây ?

Đào Kỳ đáp:

– Chúng tôi là vợ chồng, còn đây là em gái tôi. Chúng tôi từ quận Giao-chỉ sang tìm thầy học.

Hồi bấy giờ người Giao-chỉ sang Tượng-quận học là sự thường, nên chủ quán không ngạc nhiên hỏi :

– Thế công tử và phu nhân định học gì ?

– Phong thổ ở đây giống Giao-chỉ. Tôi muốn sang đây học nghề thuốc, nhưng chưa gặp được lương sư. Nếu ông biết có thầy giỏi, chỉ cho chúng tôi xin hậu tạ.

– Công tử và phu nhân có biết chữ không ?

Phương-Dung đáp thay chồng :

– Ba chúng tôi đều biết chữ cả, nhưng thuốc thì không biết một tí gì.


Chủ quán thở dài :

– Công tử muốn tìm thầy giỏi, tất phải đi Đông-xuyên, Côn-minh, chứ đây là biên giới. Bên kia thuộc Thục, bên này thuộc Hán. Hai bên lúc nào cũng chỉ chực đánh nhau, các thầy giỏi đều bỏ đi cả rồi.

Phương-Dung móc tiền ra trả, nàng lại lấy thêm mười đồng tiền, hai tay đưa cho chủ quán :

– Gọi là chút quà mọn tạ ơn ông chỉ bảo.

Ngay lúc đó một Ngũ lính đi tuần tới, thấy ba người lạ hỏi :

– Chủ quán, ai vậy ?

Chủ quán đáp lơ đãng :

– Ba người từ Giao-chỉ sang tìm thầy học thuốc. Tôi chỉ họ đi Đông-xuyên hoặc Côn-minh.

Viên ngũ trưởng hỏi :

– Ba vị từ Giao-chỉ đến đây, thế có thẻ bài chứng minh thân phận không ?

Phương-Dung giả vờ ngơ ngác :

– Thái thú Giao-chỉ không bắt dân dùng thẻ bài nên chúng tôi không có.

– Vậy mời ba vị đến sở Tế-tác gặp Giám-sở chúng tôi. Bởi đây là biên cương, chỉ sợ tế tác địch do thám.

Đào Kỳ liếc nhìn Phương-Dung, rồi cùng đi theo viên Ngũ-trưởng. Tới cổng thành, y dẫn ba người vào một căn nhà gỗ khá sạch sẽ. Y nói lớn :

– Trình Giám-sở có ba người từ Giao-chỉ tới, không có thẻ bài, chúng tôi mời họ về đây để Giám-sở định liệu.

Trong nhà, một thanh niên khoảng 25 tuổi bước ra, nhìn ba người rồi mời vào phòng, tự giới thiệu :

– Tôi là Ngô Đạt, Giám-sở Tế-tác Vĩnh-nhân. Đây là biên giới cần đề phòng cẩn mật. Vậy xin ba cô cậu khai cho đúng :Ba cô cậu từ đâu tới, tên họ gì ? Đến để làm gì ?

Phương-Dung trả lời :

– Chồng tôi họ Kỳ tên Đào, tôi họ Phương, còn đây là em chồng tôi, tên Quốc, chúng tôi từ Giao-chỉ tới tìm thầy học thuốc cứu người !

Giám sở nhìn ba con ngựa hỏi :

– Con ngựa Ô này là ngựa rừng, tôi chưa từng thấy qua. Con hai con chiến mã này, móng đóng thiếc của kỵ binh, tại sao các vị có ?

Phương-Dung giật mình nhận ra sự sơ hở của mình và công nhận Giám sở tinh tế, thông minh, nhận ra chân tướng mình. Nàng chưa biết trả lời sao thì Ngô Đạt lại nói :

– Các vị không có thẻ bài, vậy cho chúng tôi khám được không ?

Giao-long nữ cười :

– Không được ! Ngô đại nhân mà khám, e rằng sẽ gặp một vật làm đại nhân chết khiếp.

Ngô Đạt thấy Trần Quốc xinh đẹp, nói năng có duyên, thì cười :

– Tiểu cô nương ! Không lẽ trong bọc cô nương có rắn rết ? Nói thực tôi không sợ đâu. Tôi khám đây.

Y chụp bọc của Trần Quốc.

Nàng trầm mình tránh khỏi, rồi nói :

– Trời ơi ! Đại nhân định khám thật ư ? Này tôi nói cho mà biết, nam nữ thụ thụ bất thân, đại nhân không được đụng vào người tôi !

Ngô Đạt là người học võ, chàng thấy lối né tránh của nàng khác lạ, rõ ràng nàng là một cao thủ. Y giật mình chụp vai nàng. Trần Quốc lại trầm mình tránh khỏi.Y thất kinh chụp lần nữa, lần này nàng cũng tránh thoát. Sau bốn lần chụp hụt, y nhận thấy bản lãnh đối phương cao hơn mình nhiều, y lùi lại rút gươm chém tạt một nhát, Trần Quốc cũng tránh được. Y tiếp tục chém mười chiêu đều bị nàng tránh dễ như chơi. Y biết đối thủ không có ác ý, nếu không chỉ một chiêu là y đã bỏ mạng. Thấy quân sĩ đã vây kín xung quanh, y yên tâm quay lại nhìn Đào Kỳ, Phương-Dung thấy hai người như không chú ý đến cuộc giao tranh, ngồi bình thản quan sát cơ sở. Y bỏ kiếm xuống hỏi :

– Xin quý vị cho biết rõ lý lịch.

Phương-Dung lấy một gói trong bọc đưa cho y, rồi nói :

– Có người gởi cho quan trấn thủ ải nầy món quà, nhờ Ngô giám sở đưa dùm.

Ngô Đạt lấy cái hộp bọc lụa, mở ra thì trong có ba tấm thẻ bài và một phong thư. Y cầm lên coi thấy tấm thứ nhất đề : Trần Quốc, Thống-lĩnh Hải-đoàn Lĩnh-nam. Tấm thứ nhì : Đào Kỳ Chinh-viễn đại tướng quân. Tấm thứ ba : Nguyễn Phương-Dung Đệ nhất Quân-sư. Phong thư có ấn son đỏ đề : "Lĩnh-nam vương Tả tướng quốc, lệnh văn võ các cấp phải tuân lệnh điều động của Đệ nhất Quân-sư và Chinh-viễn đại tướng quân. Trái lệnh xử trảm".

Ngô Đạt đã được Thái-thú Cù Anh-Thông loan báo đại quân Lĩnh-nam vương đã tới Quế-lâm. Chinh-viễn đại tướng quân sẽ tới bí mật bất kể ngày đêm để dọ thám bên địch. Hễ thấy không được chào hỏi, phải mời vào gặp cấp trên ngay. Vì vậy y vẫy quân sĩ :

– Các người tránh ra hết.

Đợi quân sĩ đi hết, y mới chắp tay hành lễ quân cách :

– Giám-sở Tế-tác Vĩnh-nhân xin ra mắt Quân-sư và Đại-tướng quân.

Thái độ y hiên ngang, kính trọng mà không sợ hãi. Đào Kỳ thấy thiện cảm :

– Chúng ta đi gặp vị trấn thủ ải này rồi hãy nói truyện.

Ngô Đạt dẫn ba người vào một căn nhà khác. Y ra hiệu ba người ngồi chờ, rồi vào trong. Một lát sau y trở ra cùng một tướng quân, tuổi khoảng 50 dáng điệu uy nghiêm.Viên tướng trấn thủ hành lễ quân cách :

– Tiểu-tướng Trần Huê xin ra mắt Quân-sư và Đại tướng quân.

Đào Kỳ và Phương-Dung đáp lễ. Y mời ba người vào trong trướng, sai đãi trà. Phương-Dung cho y biết sơ ý định đánh Thục. Vì vậy nàng và Đào Kỳ tới đây để đích thân thám sát tình hình. Nàng bày tỏ nỗi lo lắng không vượt sông được, nói với Trần Huê :

– Sông này, rộng sâu thế nào ?

– Kim-sa giang rộng khoảng một ngàn trượng. Sâu không biết bao nhiêu mà lường. Mùa nước cạn còn rộng khoảng 800 trượng mà thôi, nước chảy cũng ít mạnh. Còn về tình hình bên địch xin để Ngô Đạt trình bày.

Ngô Đạt đỡ lời Trần Huê :

– Đạo quân Độ-khẩu của Thục có một Lữ kỵ binh, một Lữ bộ binh và một Hải đoàn. Hải đoàn đóng sát ngay chân thành Độ-khẩu. Trong thành có hai tốt kỵ, hai tốt bộ. Tổng cộng cả bộ, kỵ, thủy là 600 người. Tướng trấn thủ là Sơn Ngọc-Quang, ít học, nhưng là một tướng có tài và là một tay võ công trác tuyệt. Y lại là người kiên trì cẩn thận. Trong thành y để 600 quân, bên ngoài y còn cho đóng hai đồn Hoa-bình và Mễ-dịch, cách Độ-khẩu khoảng 15 dặm. Mỗi đồn đều có 100 quân bộ và 100 quân kỵ. Nếu chúng ta vượt sông đánh Độ-khẩu, sẽ bị hai đồn đánh bọc hậu.

– Từ trước đến giờ tướng quân đã vượt sông lần nào chưa ?

Trần Huê thưa :

– Phục-ba tướng quân Mã viện đã cho thử vượt sông. Tuy đổ quân được sát vào chân thành Đội-khẩu, nhưng bị hai đồn Hoa-bình và Mễ-dịch kéo về đánh, thành ra bị bại. Quân đổ bộ phải rút về, chết chìm phân nữa. Từ đấy không thấy lệnh trên nói gì nữa, tiểu tướng chỉ biết trấn thủ nghiêm ngặt mà thôi.

Phương-Dung gật đầu nói với Ngô Đạt :

– Xin Giám-sở mang theo 2000 trượng dây lớn cỡ bằng đầu ngón tay út. Chúng ta lên đường ngay.

Ngô Đạt cáo từ một lát rồi trở lại đã có sẵn dây. Phương-Dung dẫn Ngô Đạt, Trần Hụê cùng đi dọc theo Kim-sa giang. Trời về đêm lạnh buốt tới xương. Hai tướng công lực còn kém đều phát run. Đào Kỳ móc túi đưa mỗi người một viên thuốc chống lạnh của Khất đại phu chế trên đảo cho phụ thân chàng. Hai tướng nuốt vào, thấy người ấm áp dễ chịu. Đi một lát Ngô Đạt chỉ sang phía bên kia sông :

– Kia là đồn Hoa-bình. Thường thường bên kia sông lúc nào cũng có binh lính tuần tiễu. Nhưng nay là mưa lạnh, chúng yên tâm không ai dám vượt sang, nên chúng án binh ngủ.

Phương-Dung chỉ vào bên này sông :

– Khoảng giữa Độ-khẩu và Hoa-bình, chúng ta có thể vượt sông. Xin lang quân giúp sức.

Đào Kỳ rút kiếm chặt hai cây tre lớn nhất ở bụi tre gần sông, vót nhọn đầu. Đoạn chàng cầm hai cây tre, nhún người vọt lên cao, lộn một vòng đầu xuống trước. Khi tới đáy sông chàng vận khí, dùng sức cắm hai cây tre lún gần phân nửa, rồi vọt lên đáp vào bờ. Chàng bảo Giao-long nữ :


– Tiểu muội với ta mỗi người đeo một cuộn dây, vượt sông, chằng dây, để Ngô giám sở và sư tỷ bám dây lội qua.

Ngô Đạt thất kinh hồn vía :

– Nước sông lạnh lại chảy xiết, làm sao vượt qua ?

Giao-long nữ cười :

– Tôi là Giao-long, Đào đại ca là rái cá. Chúng tôi tu luyện ngàn năm thành người, qua sông có gì khó ?

Nói xong nàng nhào xuống nước cùng Đào Kỳ lặn sâu trong đáy sông. Một lát sau cả hai đã nổi bên kia bờ sông. Họ chỉ bị trôi về hạ lưu hơn trăm trượng thôi. Đào Kỳ lại chặt cây, cắm xuống sông, cột dây vào, đoạn chàng bắt chước tiếng chim, rúc lên một hồi.

Bên này Phương-Dung bảo Trần Huệ :

– Tướng quân đứng ở đây, để tôi với Ngô giám-sở bám dây lội qua sông.

Bây giờ Ngô Đạt mới tỉnh ngộ. Y nhảy xuống sông bám dây lội qua. Khi đến được bờ đã thấy Phương-Dung ngồi đó tự bao giờ. Bốn người len lỏi trong đêm đến Độ-khẩu, theo đường bộ qua Mễ-dịch rồi lại trở về chỗ cũ, lội sông, sang Vĩnh-nhân.

Tới thành Vĩnh-nhân Phương-Dung nói :

– Trần, Ngô tướng quân cần giữ bí mật, coi như chúng tôi chưa tới đây, để tế tác giặc không biết. Tướng quân được phép tổ chức cờ bạc, ăn chơi cho quân sĩ trong ngày cuối năm, để đánh lạc hướng chú ý của giặc. Tôi sẽ có lệnh sau.

Sáng hôm sau ba người lên đường trở về Côn-minh, tới nơi thì Triệu Anh-Vũ và Đinh Công-Thắng cũng vừa về tới. Nghiêm Sơn mời tất cả vào trướng thương nghị.

Đinh Công-Thắng trình bày :

– Chúng tôi đi thám thính, đường Kim-sơn đến Long-xương phải qua một ngọn núi cao 1500 trượng. Sang chân núi bên kia chỉ có một tốt khoảng 100 binh sĩ canh phòng. Tới mãi Long-xương mới có một lữ kỵ binh đóng trong thành nhỏ. Đây là đồng bằng, dân chúng sống hiền hòa, binh sĩ trễ nãi, việc canh phòng sơ hở. Có điều khi vượt qua Kim-sơn, chúng tôi phải nhờ đến đội Thần-hầu của Hồ Đề lên trước cột dây mới qua được. Tuy vậy, nếu mạo hiểm đánh chiếm Long-xương, tất Thành-đô rúng động. Chỉ sợ sau đó chúng rút quân từ hai đạo Tây-xuyên và Kinh-châu về, chúng ta ít người khó đương cự nổi.

Triệu Anh-Vũ là sư thúc Nghiêm Sơn, ông là người can trường, nói :

– Tôi với Đinh huynh đã bàn, nếu cần hy sinh tính mạng, chúng tôi cũng quyết làm cho được.

Đào Kỳ ngẩn người nghĩ :

– Anh của Đinh Công-Thắng bị Phương-Dung giết, mà sao Công-Thắng lại đổi tính mau như vậy ?

Chàng chợt nhớ ra, anh em Lôi-sơn tam hùng chỉ ước muốn làm chúa 36 động Mê-linh, nay Trần Năng nhường chức Thống-lĩnh cho Đinh Hồng-Thanh rồi, có lẽ vì vậy anh em họ Đinh đã thỏa lòng.

Suốt hai ngày Nghiêm Sơn bàn định với Phương-Dung, Đào Kỳ để quyết định phương kế tối hậu. Vương cho đánh trống khẩn cấp họp tướng sĩ. Vương thăng trướng ban lệnh :

– Chúng ta phải tới Thành-đô ăn Tết Bính-thân. Vậy xin các vị sư bá, sư thúc, chư huynh đệ và tướng sĩ nghe lệnh :

– Đào hiền đệ chỉ huy đạo thứ nhất, bí mật đến Độ-khẩu, làm thế nào tới nơi mà giặc không biết. Khi tới chia quân làm ba : Đội thứ nhất do Trần Huệ, ngày đêm tuần tiễu phía Nam Kim-sa giang, đề phòng địch vượt sông tập kíck. Trần Huệ cũng phụ trách việc tiếp tế lương thảo và bảo vệ đường liên lạc giữa Đào hiền đệ và Tổng hành dinh của ta. Sư muội Trần Quốc chỉ huy đội Giao-long binh Thiên-trường chăng dây qua sông. Sau khi vượt sông Trần muội chia đội Giao-long ra làm hai, mai phục phía ngoài Độ-khẩu và Hoa-bình, nếu gặp tuần đội tiễu địch phải giết sạch, không để thóat một mạng. Trong khi đó sư huynh Nguyễn Nhân cùng năm tướng Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và Giao-Chi chỉ huy đội quân ráp cầu phao cho thực nhanh, làm sao trước lúc trời sáng phải xong 4 cầu phao. Đầu cầu phía Nam do Giám-sở tế tác Vĩnh-nhân, Ngô Đạt chỉ huy bảo vệ. Đầu cầu phía Bắc do sư huynh và chúng huynh đệ bảo vệ. Đào hiền đệ phải cho một sư bộ và một sư kỵ đổ bộ trước khi trời sáng. Sau khi cầu phao làm xong, Đô-đốc Trần Quốc lập tức trở về Vĩnh-nhân điều khiển Hải đội sẵn sàng, chờ tín hiệu của nữ tướng Hoàng Thiều-Hoa sẽ đánh thẳng sang bên kia Độ-khẩu.

– Đào hiền đệ cho Lữ bộ mai phục trên đường từ Hoa-bình về Độ-khẩu. Khi đánh Độ-khẩu tất quân Hoa-bình đổ về cứu. Ta cứ để cho chúng đi, chỉ cho một phần phục binh đánh cầm chân, phần kia tiến chiếm Hoa-bình. Để một số quân Hoa-bình chạy thoát và mở vòng vây để toán quân giặc tiếp cứu Độ-khẩu chạy được về Độ-khẩu, chúng sẽ làm binh lính ở đây rối lọan mất tinh thần.

– Cho hai Lữ bộ và kỵ tiến đánh Mễ-dịch, nữ tướng Hoàng Thiều-Hoa chỉ huy cánh quân này. Khi bắt đầu đánh Mễ-dịch, nhớ bắn tên lửa làm hiệu để Đô-đốc Giao-long nữ thúc quân vượt sông đánh vào Hải đội địch. Giặc bị công phá bốn phía, thua chạy. Đào hiền đệ phải chuẩn bị trước phục binh chặn bắt hết, không để một tên tẩu thoát báo tin.

– Sau khi chiếm được Độ-khẩu, Hoa-bình và Mễ-dịch, Minh Giang sẽ đóng tại Độ-khẩu, Vĩnh-nhân. Còn Đào đệ thúc quân tiến đánh Đức-xương, Tây-xương, Việt-tây và Hán-nguyên. Đến Hán-nguyên, phải án binh tại chỗ, chờ bắt tay với đạo Kim-sơn rồi cùng đánh Thành-đô.

Từ hồi xuất binh tới giờ, chư tướng chỉ thấy ba vị quân sư điều binh khiển tướng. Bây giờ mới thấy Nghiêm Son đích thân ban lệnh, kế hoạch chính xác, ngồi trong trướng mà định việc trăm dặm, Vương quả không hổ danh tướng trăm trận, trăm thắng, không phụ lòng Hán đế cho chỉ huy cả Đặng Vũ, Ngô Hán, Phùng Dị và Mã Viện.

Đợi các tướng được phân công ghi nhớ kỹ lệnh, đoạn Vương tiếp :

– Đạo thứ nhì do sư thúc Triệu Anh-Vũ và Đinh Công-Thắng chỉ huy tiến đánh Long-xương. Đường tiến quân của nhị vị sư thúc rất khó khăn, nhưng nếu đem được quân tới Long-xương là giặc kinh hồn, táng đởm rồi. Vậy hai vị ưu tiên chọn một Lữ bộ toàn quân khỏe mạnh, can đảm và kỷ luật. Dùng đoàn quân Thần-hầu của Hồ Đề leo núi, chăng dây trước hai vị lên theo dùng dây kéo người. Đầu tiên kéo hai, sau thành bốn rồi thành tám, cứ thế khi có 200 quân thì kéo xuống chân núi bố phòng, để quân còn lại tiếp tục vượt núi. Khi cả Lữ qua rồi thì để đội Thần-hầu thủ bên này Kim-sơn bảo đảm tiếp tế lương thực. Đợi đêm hãy vượt rừng đánh chiếm đồn nhỏ của địch trấn giữ chân núi Kim-sơn không cho một người chạy thoát, bắt chúng giao binh phù, hướng dẫn đường bất thần đánh Long-xương. Chiếm được Long-xương thì không còn gì đáng sợ nữa. Lúc đó nhị vị sư thúc cần liên hệ với Đào hiền đệ. Kể từ đây, mọi tiếp tế, bổ sung đều từ Hán-nguyên đưa đến.

– Sau khi hai đạo quân chiếm Hán-nguyên và Long-xương bắt tay được với nhau, chúng ta sẽ dồn hết 16 quân Bộ, 16 sư Kỵ Lĩnh-nam vào Ích-châu. Bấy giờ Chinh-viễn tướng quân cho binh tiến chiếm Thành-đô. Nhớ răn dặn tướng sĩ, không được giết hại người, không được cướp bóc. Cần phải đánh thật mau, trước khi Đặng Vũ tới.

Sau cùng thông lệ chàng hỏi:

– Có ai thắc mắc gì không ?

Giao-long nữ nói :

– Sau khi đánh Độ-khẩu, tiểu muội với đội Giao-long và đội của trang Cối-giang sẽ làm gì ?

Nhờ nàng nhắc Nghiêm Sơn mới chợt nhớ ra :

– Trần đô-đốc điều khiển hai lực lượng này theo tướng quân Đào Kỳ đánh chiếm các đội thủy quân địch ở Hán-nguyên. Rồi góp thủy quân dọc sông Dân-giang lên đánh Thành-đô. Tiểu muội tổng chỉ huy thủy quân Lĩnh-nam.

Giao-long nữ nghe vậy thích quá, gật gật đầu cười.

Nghiêm Sơn đứng dậy, cung kính đưa ấn kiếm cho Nam-hải nữ hiệp :

– Thưa sư bá, sau đây cháu phải đi Kinh-châu cùng sư muội Phương-Dung xem xét tình hình. Việc điều khiển tất cả bá quan văn võ từ Lĩnh-nam cho tới Kinh-châu đều do sư bá thay cháu. Nhất là việc bảo đảm việc trấn thủ hậu quân cho Đào hiền đệ. Phụ giúp sư bá, có sư thúc Lương Hồng-Châu và sư muội Lê Ngọc-Trinh.

Nam-hải nữ hiệp khảng khái nhận lời :

– Tôi xin nhận trách nhiệm này. Tôi có thắc mắc, khi Hồ Đề đi giúp Đặng Vũ có mang theo đội Thần-phong, Thần-ưng. Còn Vĩnh-Hoa mang theo đội Thần-báo, Thần-hổ. Ở đây đội Thần-hầu theo Triệu Anh-Vũ. Còn đội Thần-xà và Thần-ngao để làm gì ?

Giao-long nữ khúc khích :

– Xin sư bá cho cháu đội Thần-xà để đánh hải đội của địch !

Nghiêm Sơn đồng ý giao đội Thần-xà cho Giao-long nữ và tiếp :

– Đội Thần-ngao sẽ được chia đều cho ba đạo, để canh phòng, thám thính.

Phương-Dung tiếp lời Nghiêm Sơn :

– Sau khi chiếm được Độ-khẩu, sư bá có thể cho dời tổng hành dinh đến đó theo Đào lang. Lúc trở về Lĩnh-Nam, chúng ta sẽ dùng sông Trường giang đổ ra Kinh-châu, rồi từ Kinh-châu về Giao-chỉ bằng đường biển. Nhất thiết các đồn trại của giặc chiếm được dọc đường, xin sư bá tự quyết đề cử tướng sĩ trấn nhậm. Các chức huyện lệnh, huyện úy vùng mới chiếm, Đào lang sẽ trình sư bá để quyết định. Chúng ta cần người tài đức để an dân. Biết và dùng người trên thế gian này khó ai bằng sư bá. Có điều bên Hán trọng nam khinh nữ, không như bên Lĩnh-nam ta. Vì vậy xin sư bá hiển lộng thần uy nếu cần để tướng sĩ phục tùng. Bởi họ chỉ phục sức vũ dũng mà thôi.

Nam-hải nữ hiệp tủm tỉm cười :

– Nguyễn Trát sinh ra cháu quả là viên ngọc quí hiếm trên thế gian.

Nghiêm Sơn thấy Lê Ngọc-Trinh mặt buồn rười rượi, chàng hỏi :

– Lê sư muội dường như có diều gì không được vui lòng ?

Lê Ngọc-Trinh trả lời :

– Ai cũng ra trận được cả, chỉ mình tôi ngồi gác lương thực, chán quá !

Nghiêm Sơn nói :

– Sư muội lầm rồi. Đại phàm đạo dùng binh, quan trọng ngất là bảo vệ lấy căn bản. Căn bản là hậu quân. Vì vậy ta phải nhờ hai vị có uy tín nhất là Nam-hải nữ hiệp và sư thúc của ta trấn giữ. Nếu để giặc chiếm mất hậu quân, chặn đường về, chúng ta chết hết. Sư muội là đệ tử Khất đại phu, giỏi trị bệnh, võ công cao cường, ta để ở với Nam-hải nữ hiệp bảo vệ sau lưng toàn quân, đó chức vụ quan trọng nhất.

Vốn tính hiền hòa, Lê Ngọc-Trinh đổi buồn làm vui, gật đầu mỉm cười.

Sau đó mọi người giải tán, ai về lo nhiệm vụ nấy, chuẩn bị thi hành lệnh được giao phó.

Bộ Anh hùng Lĩnh-Nam đến đây đã chấm dứt, xin xem tiếp bộ  ĐỘNG ĐÌNH HỒ NGOẠI SỬ


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận